Nguyễn Hiền
Harper Lee, tác giả “Giết Con Chim Nhại” qua đời
Ngày 19/02/2016, Harper Lee, nhà văn nữ nổi tiếng Hoa Kỳ, tác giả của “To Kill a Mockingbird” đã qua đời vào tuổi 89.
Người Việt ít biết đến Harper Lee cũng như cuốn tiểu thuyết này (được dịch ra tiếng Việt là “Giết Con Chim Nhại”), một phần vì ngoài cuốn này, bà không có tác phẩm nào khác được nhiều người biết đến, và phần khác, có lẽ vì câu chuyện được xây dựng trên khung cảnh một thị trấn hẻo lánh ở Hoa Kỳ, xa lạ với người Việt Nam.
Viết văn vốn không phải là công việc chính của bà. Qua một cơ hội hiếm có, bà được tặng một năm tiền sinh sống với đề nghị là bà “muốn viết gì thì viết”. Trong vòng một năm đó (1956), bà đã viết xong bản thảo cuốn truyện có những nét tương tự như cuốn tự truyện của bà. Bản thảo được hoàn chỉnh lại và xuất bản năm 1959 dưới tựa đề “To Kill a Mockingbird”.
Chim nhại là loài chim thuộc bộ Chim Sẻ, có thói quen bắt chước những tiếng kêu của các loài chim khác và các âm thanh của côn trùng hay ếch nhái. Cuốn truyện xoay quanh ý tưởng “Chim nhại không bao giờ làm điều gì có hại, chúng mang đến niềm vui cho mọi người bằng tiếng hót từ tận trái tim. Thế nên, giết con chim nhại là một tội ác”. Hình tượng này được lặp đi lặp lại như biểu tượng cho nạn nhân và sự trong trắng, vô tội của một nhân vật chính trong tác phẩm.
“To Kill a Mockingbird” lấy bối cảnh của Alabama, một tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ rất nặng thành kiến phân biệt chủng tộc và được viết trong thời gian mà phong trào đấu tranh của những người da màu, nhất là của Martin Luther King, Jr., đang lan rộng tới tầm cỡ quốc gia. Rõ nhất là vụ Tẩy chay xe buýt ở Montgomery, Alabama kéo dài suốt một năm (12/1955 - 12/1956), với kết quả là một phán quyết của Tối cao pháp viện tuyên bố các luật phân cách chỗ ngồi trên xe buýt theo màu da được áp dụng ở Montgomery và cả Alabama là vi hiến. Tác phẩm xoay quanh chủ đề phân biệt chủng tộc, đồng thời đưa ra những triết lý về tốt và xấu. Chúng có liên quan đến những định kiến của con người, những thứ vốn là nền tảng dẫn tới thói đạo đức giả, bất công xã hội, và nhiều tệ nạn khác. Tác giả đã khéo léo đặt những mô tả, nhận định này lên miệng một đứa bé, cô Jean Louis Finch (tên thường gọi là Scout). Việc chọn một em bé làm người dẫn chuyện giúp tác giả có thể phê phán những điều được xã hội quanh em mặc nhiên công nhận là hợp lý, đương nhiên, hoặc không thể thay đổi. Tiếng nói của em bé tượng trưng cho lòng nhân bản đích thực. Khi nhìn thấy những hiện tượng đó, và so sánh với những giá trị đạo đức được bố em dạy bảo, hoặc chỉ đơn thuần kể lại những chuyện em chứng kiến, em có thể cho người đọc thấy khía cạnh phi nhân trong xã hội.
Trong truyện, cô bé Scout kể về “những con chim nhại” của miền Nam nước Mỹ những năm 1930. Đó là Tom Robinson – một anh chàng da đen tật nguyền, hiền lành, lương thiện, hay giúp đỡ mọi người nhưng mang tội lỗi vì là người da màu. Đó là Boo – một cậu học sinh hiếu học, trong sáng nhưng gần suốt cuộc đời phải sống trong bóng tối vì là kẻ “nửa điên nửa dại” trong mắt mọi người. Rồi một vụ hiếp dâm xảy ra mà nạn nhân là cô gái da trắng Mayella Ewell, còn bị cáo là Tom Robinson. Luật sư Atticus nhận biện hộ cho Tom, mặc dù ông bị những người da trắng sỉ vả là “kẻ yêu bọn mọi đen”. Và rồi cho dù ông đã trưng ra có bằng cớ hiển nhiên không ai có thể chối cãi, là Tom không bị tội, anh vẫn bị kết án bởi bồi thẩm đoàn da trắng, sau đó anh tìm cách chạy trốn khỏi nhà tù và bị bắn chết.
“To Kill a Mockingbird” là một tiểu thuyết viết về thiếu nhi nhưng không độc giả nào nghĩ mình đang đọc sách dành cho con nít vì những vấn đề nó đặt ra là quá lớn ngoài khả năng giải quyết của cá nhân. Nhưng tất yếu, mỗi người phải góp phần vào cuộc chiến chống bất công và thành kiến này, như luật sư Atticus Finch – bố của cô bé Scout, nói: "cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng" khi ông quyết tâm bào chữa cho Tom Robinson dù biết chắc là mình sẽ thua kiện.
Cuốn sách vì thế không hẳn là một cuốn truyện thiếu nhi, mà nó còn là một tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết hình sự, tiểu thuyết lịch sử, đồng thời cũng là một tiểu thuyết luận đề. Tác phẩm đã mổ xẻ những vấn đề phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp, vai trò giới tính trong xã hội, trăn trở giữa lòng dũng cảm, lương tri và con tim. Trong phần kết, ông bố Atticus tạm biệt cô con gái bằng câu nói: "Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi".
Những chương đầu trong tác phẩm hơi lộn xộn, cho nên thuở ban đầu nó không hấp dẫn người đọc. Chỉ khi tạp chí Reader’s Digest cho xuất bản cuốn này dưới dạng tập truyện, nó mới thu hút mọi người. Tác giả To Kill a Mockingbird đã nhận giải Pulitzer Văn Học năm 1961 và tác phẩm này trở thành một trong những tiểu thuyết được chú ý nhất trong văn học hiện đại. Nó cũng nằm trong danh sách tác phẩm văn chương mà học sinh phải đọc trong trường trung học ở Hoa Kỳ.
To Kill a Mockingbird đã bán được hơn 30 triệu cuốn và đã được dịch thành nhiều thứ tiếng (Tiếng Việt có 2 bản: bản đầu “Giết Chết Một Con Chim Mốc-king” (1973) mà có lẽ vì lý do chính trị đã bị bóp méo, cắt bỏ nhiều đoạn. Bản sau, “Giết Con Chim Nhại”, được xuất bản năm 2008). Tác phẩm cũng đã được dựng thành phim, và tạo được thành ngữ “like to kill the mockingbird” mang nghĩa “hạ thủ một người chỉ vì người đó không giống ai” hay “giết cho bõ ghét”.
Nguyễn Hiền
_______________________
Ghi chú thêm của Ban Biên tập: Hơn 60 năm sau, vào ngày 26/02/2012 tại Florida, George Zimmerman, nhân viên an ninh khu vực tại tiểu bang Florida đã bắn chết Trayvon Martin, một sinh viên da đen, mặc dù anh này không mang vũ khí và đang đứng gọi điện thoại cho cô bạn gái. Tòa đã tha bổng Zimmerman mặc dù làn sóng phản đối lan rộng trên đất Mỹ đòi xét lại tính phân biệt chủng tộc ẩn trong phán quyết, và ngay cả Tổng thống Obama cũng đã tuyên bố: “Tôi đã có thể là anh ta (Trayvon Martin) 35 năm trước”. Sau vụ này, Cái Đình có đưa lên mạng cảm nghĩ của bạn Trần Mộng Lâm trong bài có tựa đề: “Từ To Kill a Mockingbird tới Vụ án Zimmerman, phải chăng nước Mỹ không hề thay đổi??”