Nguyễn Hiền


Giáo sư Nguyễn Văn Sâm ra mắt sách tại Paris

 

Chiều ngày 04/12/2016 Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam tại Paris đã tổ chức một buổi sinh hoạt văn hóa với sự tham dự đặc biệt của hai vị khách từ California đến: Giáo sư Nguyễn Văn Sâm và bà Trần Ngọc Ánh.

Buổi sinh hoạt diễn ra nơi tư gia của ông bà Nguyễn Quý Toàn – Phương Anh. Thi sĩ Đỗ Bình, người điều hợp tổ chức cho biết vì không thể ấn định đích xác ngày tổ chức nên phải chọn phương cách này thay vì mướn một hội trường trong điều kiện rất khó khăn vào tháng cuối năm.

Buổi sinh hoạt được mở đầu bằng phần tường thuật của Tiến sĩ Trần Văn Cảnh, một thành viên của CLB, về chuyến đi Hoa Kỳ trong tháng 11 vừa qua nhằm thắt chặt thêm “Duyên Quê Tình Bạn Paris-Cali” qua trao đổi tác phẩm với các bạn văn thi sĩ; và thăm một vài sinh hoạt văn hóa của người Việt nơi thủ đô tị nạn. Ông tỏ ý thán phục sự phong phú, với phương tiện dồi dào người Việt tại đây có thể tổ chức những buổi họp mặt thường xuyên, và nhất là sự nhanh nhạy trong việc làm những phóng sự, đưa tin sinh hoạt lên các phương tiện truyền thông chỉ trong vòng một ngày.

Thi sĩ Đỗ Bình và bà Phương Anh (trái) – Tiến sĩ Trần văn Thu trình bày công trình nghiên cứu về nguồn gốc Việt tộc (phải)

Kế tiếp, Tiến sĩ Trần Văn Thu đã diễn giải một công trình nghiên cứu của ông về lịch sử dân Việt dựa trên một căn bản khác. Là một trong những chuyên viên hàng đầu của bộ môn “Khoa học Địa lý” tại Pháp, ông đã truy tầm nguồn gốc nước Việt và dân Việt qua những khảo sát về “địa thế chính trị” (tức geo-politic – mà theo ông từ ngữ ta thường dùng, “địa chính trị”, không đúng). Bằng cách này, ông đã chỉ ra rằng Việt tộc có nguồn gốc tới 8000 năm trước, cũng gọi là Bách Việt. Biên cương xứ Việt lên tới tận bờ nam sông Dương Tử. Nhưng qua những biến động lịch sử, Hán tộc đã xâm chiếm tới 90% đất Việt. Một trong những nhánh của Việt tộc đã phát triển xuống phương Nam và thành Việt Nam hiện nay. Còn màu vàng trên lá cờ, theo dẫn giải của ông, phải hiểu là màu vàng của đồng lúa chín…

Những luận cứ của ông đưa ra một vấn đề hẳn còn phải được bàn thảo tranh luận sôi nổi giữa những nhà sử học và địa dư học. Trong buổi sinh hoạt văn hóa “đại chúng” này, có lẽ những người tham dự chỉ ghi được hai điều ông nhắn nhủ: nên gọi “mình” là Việt, không phải Việt Nam; và dùng từ “nước Tàu” thay vì Trung quốc. Ông có mang theo một tập tài liệu (8.000 ans d’Histoire de a Famille VIÊT (Việt Tộc)) giải thích một số vấn đề nguồn gốc và lịch sử Việt, để tặng những ai muốn tham khảo thêm.

Chị Ca Dao (phóng viên Tường An của đài SBTN Hoa Kỳ) giới thiệu bà Ngọc Ánh nói về tuyển tập “Ngày Tháng Buồn Hiu”

Bà Trần Ngọc Ánh (bút hiệu Ngọc Ánh) là một khuôn mặt lạ trong văn giới. Bà và chồng (Trần Thắng Tài) sau ngày 30/04/1975 đã tham gia một tổ chức võ trang mưu lật đổ nhà cầm quyền cộng sản. Công cuộc chẳng may bại lộ, đưa đến án tử cho Trần Thắng Tài và án tù 14 năm cho bà. Bà vào tù, mang theo cháu nhỏ Vy Dân 1 tuổi rưỡi. Vì điều kiện sinh hoạt trong trại giam khắc nghiệt, cháu đã bị bệnh dẫn tới mang tật vĩnh viễn và may mắn đã được Thụy Sĩ can thiệp đưa cháu từ nhà tù sang Thụy Sĩ nuôi. Khi được trả tự do, bà có viết một số nhật ký, những đoạn hồi ký và đoản văn. Do sự khuyến khích của người bạn đời hiện nay là giáo sư Nguyễn Văn Sâm, bà đã gom những bài tiêu biểu thành một tuyển tập với tựa đề “Ngày Tháng Buồn Hiu”, nói lên thân phận của một phụ nữ trong nghịch cảnh đau đớn của gia đình đã chia thành hai phe sau biến cố tháng tư 75 mà bà là nạn nhân trực tiếp của xã hội với chuỗi ngày dài sống trong cảnh ngục tù, trù dập…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần giới thiệu Giáo sư Nguyễn Văn Sâm với đề tài “Chữ Nôm và những áng văn Nôm”

Diễn giả đặc biệt được mời trong buổi sinh hoạt, giáo sư Nguyễn Văn Sâm, đã được Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần trang trọng giới thiệu. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, nguyên giảng sư Đại học Văn khoa Saigon, là một trong rất ít người Việt hiện nay còn thông thạo chữ Nôm. Ngoài những biên khảo về chữ Nôm và những công tác thường xuyên cho Hội Việt Học, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã bỏ rất nhiều công sức để sưu tầm, phiên âm và biên tập lại những sách truyện, thơ chữ Nôm trong nỗ lực phục hoạt lại mảng gia tài văn học cao quí của nước nhà đã gần như bị quên lãng.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của buổi sinh hoạt hôm nay, giáo sư Nguyễn Văn Sâm chỉ có thể trình bày cho khán thính giả vài nét đại cương của cấu trúc chữ Nôm, cùng ít chi tiết lịch sử đáng ghi nhớ về văn Nôm. Giáo sư cũng nói về hai cuốn văn Nôm mới được xuất bản năm nay (2016), mà giáo sư có mang theo, là “Báo Ứng Nhân Quả” – tiểu thuyết bằng chữ Nôm đầu tiên của Việt Nam, và “Ước Vọng Bay Tan” – Kịch thơ xoay quanh cuộc đời của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.

Xen giữa những bài thuyết trình là phần văn nghệ nhạc và thơ do các nghệ sĩ của Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris đảm trách, với những giọng ca ngâm của Thúy Hằng, Quỳnh Hạnh, Đình Thi, Minh Nhật, Đỗ Bình v.v…

Đình Thi trong “Tàu Đêm Năm Cũ” (Trúc Phương)
và Thúy Hằng trong “Nhớ Mẹ” (cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo) với phần nhạc đệm của Quỳnh Hạnh (đàn tranh) & Đỗ Bình (dương cầm)

Với gần 50 quan khách ngồi chặt phòng khách của căn nhà vùng Villejuif ngoại ô Paris, buổi sinh hoạt coi như đạt mức dự đoán của ban tổ chức, theo lời bác sĩ Nguyễn Bá Linh, người dẫn chương trình. Rất tiếc thời gian 4 tiếng đồng hồ quá eo hẹp cho một buổi sinh hoạt với nhiều đề tài phong phú, ban tổ chức đã không thể sắp xếp được phần trao đổi chính thức giữa các thuyết trình viên với quan khách. Những trao đổi cá nhân đành phải đưa vào phần tiệc trà nhẹ sau chương trình chính thức. Một điểm đặc biệt là những sách do các diễn giả mang tới đã được tặng không cho những người muốn tìm hiểu thêm.

Nguyễn Hiền
(12/2016)


Cái Đình - 2016