Minh Hạnh
Ðiều trần UPR 2014 về Việt Nam
Trong cuộc điều trần Ðịnh Kỳ Phổ Quát (tổ chức 4 năm 1 lần), thường được biết qua tên tắt là UPR (Universal Periodic Review), buổi điều trần 18 dành cho Việt Nam đã diễn ra tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva chiều ngày 05/02/2014.
Phái đoàn Việt Nam có 23 người, dẫn đầu là Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Trong phiên điều trần có đại diện của 106 quốc gia tham dự, trong đó có 34 quốc gia là thành viên của Cao Ủy Nhân Quyền LHQ và 72 quốc gia trong tư cách quan sát viên. Ðầu năm 2014, Việt Nam đã được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân Quyền LHQ, một đề tài gây nhiều tranh luận vì Việt Nam luôn luôn bị coi là một trong những nước vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Những buổi điều trần UPR được điều khiển bởi một bộ Tam Trụ (Troika) gồm ba quốc gia. Trong buổi điều trần dành cho Việt Nam, ba nước Costa Rica, Kazakhstan và Kenia điều khiển buổi họp.
Phiên kiểm điểm định kỳ bắt đầu với bài báo cáo thành tích nhân quyền của Việt Nam trong vòng 5 năm qua, do Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc đọc.
Bài diễn văn nhấn mạnh những thành tựu Nhà nước đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. ''Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là phát triển kinh tế - xã hội, kiện toàn hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền con người và xây dựng nhà nước pháp quyền''. Bài diễn văn cho rằng sự kiện thông qua hiến pháp năm 2013 là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước và là ''bước tiến mới đến nhà nước pháp quyền''. Ngoài ra, theo bài diễn văn, “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy tự do và các quyền con người, vốn là nguyên tắc chủ đạo cho mọi chính sách và chiến lược cho phát triển kinh tế xã hội quốc gia."
Trong phiên điều trần, một số tiến bộ của Việt Nam đã được ghi nhận:
– Ðã có những biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu ý kiến và tự do lập hội.
– Ðã thực hiện những bước để đảm bảo cho tự do ngôn luận được bảo vệ cả trên hai lãnh vực offline và online.
– Ðã có những nỗ lực để đảm bảo xã hội dân sự và phi chính phủ (NGO) cho họ có thể thực hiện công việc một cách tự do.
– Ðã có những biện pháp để trả tự do cho những người bị giam giữ vì quan điểm chính trị hoặc tôn giáo.
– Ðã có những bước để bãi bỏ án tử hình và giảm số lượng các tội nhân đang mang án tử hình.
– Ðã có những nỗ lực để chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ và các bé gái, và đảm bảo bình đẳng giới tính.
Vì những điều này chỉ nói lên những nỗ lực hoặc hứa hẹn mà chưa đưa ra được kết quả cụ thể, Việt Nam đã nhận một loạt chỉ trích về những thiếu sót, vi phạm trong vấn đề quyền làm người. Nhiều quốc gia đã đưa ra khuyến nghị, được tóm lược sau đây:
– Cần tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tự do ngôn luận, tự do phát biểu và tự do lập hội.
– Để đảm bảo là tự do ngôn luận được bảo vệ cả offline và online, phải cho phép truy cập không hạn chế cũng như sử dụng internet, và cho phép các blogger, các nhà báo và người sử dụng internet và các tổ chức khác, qua đó thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
– Để đảm bảo xã hội dân sự và phi chính phủ có thể thực hiện công việc của họ một cách tự do, cần phải thực hiện các biện pháp để chấm dứt truy tố những người biểu tình ôn hòa.
– Cần ban bố lệnh bãi bỏ án tử hình và giảm số lượng các tội phạm mang án tử hình;
– Cần trả tự do lập tức cho tất cả các tù nhân chính trị đang bị giam giữ vì những phát biểu ôn hòa hay phát biểu thuộc tín ngưỡng.
– Phải đảm bảo những người đang bị giam giữ có quyền được gia đình thăm viếng và đảm bảo quyền tiếp xúc với luật sư cho tất cả các bị cáo trong tất cả các giai đoạn của vụ án
– Xem xét lại những luật về an ninh quốc gia đang được sử dụng để ngăn chặn các quyền phổ quát và đảm bảo rằng Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
– Cần chống phân biệt đối xử một cách có hiệu quả đối với phụ nữ và trẻ gái, trong đó bao gồm việc ban hành pháp luật phù hợp, và đưa kế hoạch này vào Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc của Liên Hiệp Quốc (CERD).
– Cần tăng cường nỗ lực để nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới tính và sự không phân biệt trong đối xử với phụ nữ và trẻ gái.
– Cần đảm bảo cho sự đi theo giòng chính trong vấn đề giới tính và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan có thẩm quyền.
– Cần tăng cường cuộc chiến chống mại dâm trẻ em, buôn người và khai thác tình dục cho phù hợp với Kế hoạch Hành động do quốc gia đề ra.
– Phải mở rộng sự đón tiếp cho tất cả các cuộc xem xét, và tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền.
– Phải nghiên cứu việc thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia phù hợp với các Nguyên tắc Paris.
– Phải phê chuẩn các văn kiện nhân quyền như CAT, OPCAT, Quy chế Rome của ICC, Công ước về quyền của những lao động ở nước ngoài, Công ước về quyền của người khuyết tật, các công ước về lao động như ILO189 (cho công nhân trong nước ), ILO29 (công việc nặng nhọc), và ILO138 (lao động của trẻ em)...
Trong khuôn viên bên ngoài trụ sở, khoảng 200 người Việt đến từ hơn chục nước trên thế giới đã biểu tình đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện nghiêm chỉnh sự tôn trọng các quyền làm người. Những người biểu tình đã phân phát tài liệu chứng tỏ đàn áp, bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến vẫn xảy ra ở Việt Nam. Một buổi hội thảo bên lề cũng được tổ chức.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ngoại vụ kiêm Thủ quỹ của Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản Tại Hòa Lan phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên đài BBC: “Khi rời khỏi Việt Nam tôi còn quá nhỏ để thù ghét. Những thông tin tôi tiếp cận được trong quá trình trưởng thành tại Hòa Lan luôn khách quan để tôi có thể nhìn nhận mọi việc một cách đa chiều. Chính quyền Việt Nam bị chỉ trích do những chính sách sai lầm nhất định, và tôi cho rằng đó là lỗi của chế độ chứ không một ai có mặt tại đây muốn chống đối nhân dân Việt Nam. Chúng tôi đi biểu tình, để cố gắng giúp đỡ nhân dân trong nước”.
Cả hai bên đều nói đã đạt thắng lợi trong buổi điều trần.
Phía tranh đấu cho việc thực thi nhân quyền ở Việt Nam cũng như đại đa số người Việt hải ngoại thì viện dẫn danh sách dài với những chỉ trích và khuyến nghị của các quốc gia tham dự buổi điều trần như là bằng chứng của sự bóp nghẹt nhân quyền của chính phủ Việt Nam. Những nước chỉ trích Việt Nam gay gắt nhất là Hoa Kỳ, Canada, Australia, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nhật, Thụy Sĩ, Ireland, Ba Lan, Phần Lan. Những nước này hiện đang có mối giao thương với Việt Nam ở tầm mức cao, người ta cho rằng tiếng nói của họ sẽ mang ảnh hưởng nhiều đến đường lối của Việt Nam trong tương lai, và họ hy vọng có thay đổi trong chiều hướng thuận lợi.
Trong tuyên bố chính thức của phái bộ Hoa Kỳ có những đề nghị thực tiễn:
1. Sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ được sử dụng để đàn áp các quyền phổ quát, và thả vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức;
2. Bảo vệ các quyền của người lao động được quốc tế công nhận và tăng cường thực thi luật cấm lao động cưỡng bức; và
3. Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn
Hòa Lan thì có khuyến nghị tự do Internet và quyền phụ nữ. Ðại đa số những chỉ trích và khuyến nghị đưa ra nhắm vào những vấn đề: tự do phát biểu, tự do trong sử dụng internet, yêu cầu bãi bỏ án tử hình, tự do ra báo, lập hội...
Vào ngày 25/2, một loạt các tổ chức NGO dự định sẽ nhóm họp ở Geneva và đề nghị khai trừ Việt Nam khỏi Hội đồng Nhân quyền vì theo các tổ chức này "Việt Nam không đảm bảo các quyền tự do cho người dân ở mức cao nhất, tương xứng với tư cách thành viên."
Về phía Việt Nam, họ được đồng thuận ít nhất là của hai nước Cộng Sản đàn anh: Trung Quốc và Cuba. Ðại diện Trung Quốc chúc mừng các kết quả Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực nhân quyền, chẳng hạn như Việt Nam đã thúc đẩy bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo. Trung Quốc bày tỏ ủng hộ sự lựa chọn độc lập của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền. Cuba thì nhắc: “Tiếp tục đảm bảo quyền con người để thực sự là một nhà nước do dân và vì dân.…chúng tôi vẫn nhớ những lời của lãnh tụ vĩ đại Việt Nam…”
Ðài truyền hình VTV tường thuật: “Kết thúc phiên họp UPR, 'đại diện nhiều nước đã xếp hàng để tới chúc mừng đoàn Việt Nam có một bản báo cáo thuyết phục'.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, trưởng phái đoàn gọi các ý kiến chỉ trích là "Một số không nhiều các khuyến nghị không phản ánh đúng tình hình thực tiễn tại Việt Nam"
Khách quan điểm qua diễn tiến suốt phiên điều trần, phần thắng dường như nghiêng về Việt Nam. Việt Nam đã cử các Bộ chuyên môn đi theo phái đoàn để họ trả lời thẳng vào trọng tâm những câu chất vấn nào nằm trong lãnh vực chuyên môn của họ – tuy nhiều khi với luận điệu “củ chuối” – và vì thế đã qua được buổi điều trần khá gay gắt. Ðương nhiên, những người trong cuộc thầm hiểu rằng những buổi điều trần như thế ít nhiều mang tính cách trình diễn, bằng chứng là những câu trả lời của Việt Nam đã được soạn sẵn trên giấy để cho thuyết trình viên đọc. Trong cuộc Ðiều trần UPR lần thứ nhất vào năm 2009, Việt Nam đã nhận tổng cộng 138 khuyến nghị của các quốc gia thành viên LHQ, nhưng những lời khuyên dường như đã trôi từ tai này sang tai khác. Tuy nhiên, hiện nay khi những mạng xã hội đã trở thành một lực lượng quan sát viên hữu hiệu và nhanh chóng, người ta hy vọng sẽ thúc đẩy Việt Nam có cái nhìn tiến bộ hơn về quyền làm người.
Minh Hạnh
(02/2014)