Quảng Phúc
Từ bốn Thánh Ðịa Thiêng Liêng Phật Giáo đến vườn Tứ Ðộng Tâm chùa Vạn Hạnh
Ước mơ trân quý của người con Phật là một lần trong đời được đến chiêm bái bốn thánh địa thiêng liêng của Phật giáo. Ðược coi là thánh địa vì nơi đây ghi dấu bốn sự kiện trọng đại của cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của Ðức Phật Thích Ca.
Bốn thánh địa đó là:
1. Lumbini (Vườn Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật đản sanh
2. Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng), nơi Đức Phật thành đạo
3. Sarnath (Vườn Lộc Uyển), nơi Đức Phật khai giảng giáo pháp
4. Kushinara (Câu Thi Na), nơi Đức Phật nhập niết-bàn
Vườn Lâm Tỳ Ni
Vườn Lâm Tỳ Ni nằm dưới chân núi Himalaya thuộc nước Nepal, phía đông kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa; khu vực này nằm sát thị trấn biên giới Sonauli, Ẩn Ðộ. Tại vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu Mada, vợ của vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ, đã hạ sinh hoàng tử Tất Ðạt Ða vào sáng ngày Rằm tháng tư Âm lịch (trước Tây lịch 624 năm). Hoàng tử Tất Ðạt Ða sau này trở thành Ðức Phật Thích Ca, người khai sáng đạo Phật và đem ánh sáng từ bi rọi sáng muôn loài.
Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Ðức Phật đản sanh
Bồ Ðề Ðạo Tràng
Bồ Ðề Ðạo Tràng là nơi hoàng tử Tất Ðạt Ða giác ngộ dưới gốc cây Bồ Ðề và trở thành Ðức Phật, 2560 năm trưóc.
Bồ Ðề Ðạo Tràng là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Ðộ. Những ai có diễm phúc thăm viếng nơi đây sẽ được thăm một di tích nổi tiếng, đó là chùa Ðại Bồ Ðề (Mahabodhi Temple). Trong chánh điện, một tượng Phật uy nghi được tạc vào thế kỷ thứ 10. Chùa Ðại Bồ Ðề nổi tiếng thiêng liêng vì nơi đây, trong sân chùa, nơi khu vườn đẹp có trồng một cây Bồ Ðề oai nghi to lớn. Ðức Phật đã ngồi thiền dưới bóng cây Bồ Ðề và thề rằng: “Nếu ta không thành đạo, thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”. Với ý chí hùng dũng, cương quyết ấy, sau 49 ngày tư duy, Ngài thấu rõ chân tướng của vũ trụ, của nhân sanh và đắc đạo. Cây Bồ Ðề, với những tàng cây bay cao và tỏa rộng ra xa như đem chân lý giải thoát đến cho nhân loại. Rễ cây to lớn cuộn chặt xuống đất như giữ giáo pháp của Ðức Thích Ca muôn đời bất diệt.
Ngày nay, chung quanh khu vực Bồ Ðề Ðạo Tràng, cộng đồng Phật giáo nhiều quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Miến Ðiện, Tây Tạng, Bhutan v.v…đã xây cất các chùa hay tu viện theo cấu trúc của quốc gia mình, do vậy khu vực này đã trở thành một thị trấn Phật giáo đa dạng và rạng rỡ.
Bồ Ðề Ðạo Tràng (trái) và cây Bồ Ðề (phải)
Vườn Lộc Uyển
Sau khi tu thành chánh quả, Ðức Phật Thích Ca nghĩ ngay đến sứ mạng chuyển mê khai ngộ cho tất cả mọi người. Ðầu tiên, Ngài đến vườn Lộc Uyển, tìm mấy người bạn đồng tu trước kia để thuyết pháp.
Bài giảng đầu tiên là Tứ Diệu Ðế và năm người bạn được nghe bài Pháp này là Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Ðề. Năm vị này đều được khai ngộ và trở thành năm đệ tử đầu tiên của Ngài. Nơi vườn Lộc Uyển này, Tăng Ðoàn Phật Giáo ra đời xuyên qua sự giác ngộ của Kiều Trần Như, vị đệ tử cao niên nhất trong năm đệ tử đầu tiên của Phật Thích Ca.
Hầu hết những toà nhà cổ và những công trình kiến trúc tại Vườn Lộc Uyển bị hư hại theo thời gian hoặc bị tàn phá bởi giặc Hung Nô vào thế kỷ thứ 5 và sự xâm lấn của đạo quân Hồi giáo từ Trung Á vào giữa thế kỷ thứ 10 và 15. Tuy nhiên, trong khung cảnh đổ nát, người đi chiêm bái có thể nhận ra được các thắng tích sau đây:
- Tháp Dhamek uy nghi cao 40 mét, rộng 28 mét;
- Tháp Dharmarajika được xây dựng do vua A Dục. A Dục Vương là hoàng đế Ấn Ðộ từ năm 273 đến năm 232 trước Tây lịch;
- Tháp Chaukhandi là nơi kỷ niệm Đức Phật gặp gỡ các đệ tử của mình lần đầu;
- Tàn tích của tịnh xá Mulagandhakuti đánh dấu nơi Đức Phật an cư trong mùa mưa;
- Trụ đá của vua A Dục;
- Ngoài ra còn có một cây Bồ Đề được chiết nhánh từ cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng.
Vườn Lộc Uyển
Câu Thi Na
Ròng rã 49 năm, hạt giống từ bi được reo khắp xứ ở Ấn Ðộ. Từ Bắc chí Nam, từ Ðông sang Tây, từ rừng núi đến đồng bằng, không nơi nào Ðức Phật không đặt chân đến, hay truyền đệ tử Ngài đến để hóa độ chúng sinh.
Khi Ngài 80 tuổi, theo định luật vô thường, thân sắc Ngài yếu đi.
Ngài gọi ông A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Ngài, và nói:
“Ðạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, ta nay đã có đủ 4 hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Nhiều đệ tử có thể thay ta truyền bá Ðạo Pháp khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các ngươi mà đi. Thân hình ta theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn nơi rừng cây Ta-la, thành Câu thi na”.
Trong thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài, đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo.
Sau đây là lời phú chúc của Ngài để lại trong giờ phút cuối cùng:
“Này! Các người phải tự thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người !”
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai âm lịch.
Câu Thi Na
Vườn Tứ Ðộng Tâm – Chùa Vạn Hạnh
Trong khuôn viên chùa Vạn Hạnh, Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan (HPGVN/HL) đang kiến tạo một vườn Tứ Ðộng Tâm như một biểu tượng của bốn thánh địa thiêng liêng mà người Phật tử mong ước đến chiêm bái.
Qua khu vườn này, HPGVN/HL sẽ tạo dựng bốn khu đồi nhỏ, mỗi đồi cao 1 mét, trên đỉnh đồi sẽ đặt một trong các hình tượng theo thứ tự như sau: Ðức Phật Ðản Sanh, Ðức Phật Thành Ðạo, Ðức Phật Chuyển Pháp Luân và Ðức Phật Nhập Niết Bàn. Tượng bằng đá và cao 1m50. Giữa khu đồi là một khoảng đất được đặt tượng Ðức Phật Di Lạc.
Mỗi cuối tuần, nhiều Phật tử phát tâm về chùa làm công quả, cùng nhau xây dựng khu vườn này. Người nhổ cỏ, trồng cây, người ban đất, lát gạch. Tất cả làm việc trong tình đồng đạo, hài hòa, vui vẻ, với một ước vọng kiến tạo ngôi chùa Vạn Hạnh ngày càng khang trang, tốt đẹp.
Phối cảnh vườn Tứ Ðộng Tâm chùa Vạn Hạnh
Với những nỗ lực góp công sức như trên, cộng thêm sự đóng góp tịnh tài và yểm trợ tinh thần của Phật tử khắp nơi, một ngày không xa, Vườn Tứ Ðộng Tâm sẽ hình thành và sẽ là nơi tĩnh tâm, an lạc cho hàng Phật tử, cũng như tạo nên vẻ thanh cao cho ngôi chùa Vạn Hạnh mới.
Quảng Phúc
(Tài liệu tham khảo: Phật Học Phổ Thông chùa Khánh Anh; Trang nhà Thư Viện Hoa Sen)