Nguyễn Hiền


Thỏ con Nijntje đã vĩnh viễn yên nghỉ

Ngày 16/02/2017 Dick Bruna, người cha tinh thần của cô thỏ Nijntje đã qua đời tại thành phố Utrecht, nơi ông sinh ra, 6 tháng trước khi ông tròn 90 tuổi.

Dick Bruna (Hendrikus Magdalenus Bruna) sinh ngày 23/08/1927, dòng dõi một gia đình sống về nghề xuất bản sách (nhà xuất bản A.W. Bruna & Zoon), nhưng thời học sinh ông thiên về ngành vẽ và vì thế ông khởi đầu sự nghiệp bằng một công việc phối hợp cả hai lãnh vực, đó là thực hiện bìa sách. Năm 1953, khi lập gia đình, ông bắt đầu viết truyện thiếu nhi. Năm 1955, trong một kỳ nghỉ hè ở một nông trại tại Egmond aan Zee, mỗi tối ông đọc truyện cho cậu con và từ đó ông đã vẽ một truyện bằng tranh lấy nhân vật chính là một chú thỏ trắng mà cha con ông thường thấy chạy tung tăng nơi căn nhà nghỉ mát. Ông nẩy ra ý định thực hiện những cuốn truyện tương tự xoay quanh nhân vật này và đặt tên nó là “Nijntje” (viết tắt từ chữ konijntje có nghĩa là con thỏ nhỏ). Có lẽ số mệnh đã gắn ông với Nijntje kể từ ngày đó. Ông sinh năm Đinh Mão (cầm tinh con mèo theo tử vi Việt Nam, nhưng theo tử vi Trung Hoa Mão là năm con thỏ).

Những cuốn truyện với nhân vật Nijntje dần nổi tiếng. Thời gian đầu ông vẽ Nijntje theo những nét tự nhiên. Nijntje được vẽ với gương mặt ngó nghiêng với hai tai chĩa ra, nhưng sau đó ông sửa lại, cho Nijntje nhìn thẳng vào người xem. Bằng cái nhìn trực diện, ông muốn tạo một sự tin cậy vào Nijntje nơi trẻ nhỏ. Đôi mắt tròn đơn giản ngây thơ như mắt trẻ em. Về mũi và miệng, ông đã để nhiều thời gian tìm tòi cho một biểu tượng thân thiện với trẻ em để cuối cùng thì Nijntje chưa bao giờ có miệng, bởi nó không biết cãi và không biết giận. Điều tài tình là dựa theo cốt truyện, người ta cảm nhận Nijntje có khi vui, có khi buồn, tuy rằng cùng nét vẽ. Đôi tai cũng được ông vẽ dỏng lên cũng là một cách tăng sự thân thiện của thỏ Nijntje biết lắng nghe.

Hình thỏ Nijntje qua những giai đoạn

Sau đó ông quyết định những truyện với nhân vật Nijntje được thực hiện trên một khổ sách vuông vức. Từ những truyện ngắn, ông còn chuyển sang những đề tài khác qua một loạt sách giáo dục trẻ em: sách tập đọc, tập làm tính, sách tô màu… Tất cả những sách này đều mang một dạng như nhau: vuông, và cùng đường lối thực hiện: dùng những đường đơn thật giản lược, màu căn bản, sặc sỡ; và lối diễn giải ngắn gọn. Nijntje vì thế tạo được nơi trẻ em một cảm giác ấm áp thân quen và an toàn, đồng thời Nijntje cũng toát ra vẻ ngây thơ con trẻ, nét tích cực và đón nhận những kinh nghiệm mới lạ trong các cuộc phiêu lưu.

Dick Bruna trong xưởng vẽ, năm 2007 (foto Dolph Kohnstamm)

Dick Bruna có một tình yêu trẻ và yêu nghệ thuật tuyệt vời. Ông cặm cụi vẽ bằng cọ và tô màu những tranh chú thỏ Nijntje bằng tay rất cẩn trọng trong xưởng vẽ của ông ở Utrecht. Mỗi khi xong một tác phẩm, ông đưa trước cho bà vợ Irene thẩm định, và nếu bà chỉ tỏ ý không hài lòng một chút thì ông sẽ sửa lại chỗ đó cho tới khi hoàn hảo. Ông có óc tưởng tượng rất phong phú. Những câu chuyện của ông là những khám phá sự kỳ diệu phi thường về những điều bình thường trong cuộc sống của một đứa trẻ. Nijntje trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt học đường cấp 1 tại Hòa Lan và thư viện nào cũng có nhiều kệ dành cho truyện thỏ Nijntje.

Người Hòa Lan dễ liên hệ tên Nijntje với từ konijntje (con thỏ nhỏ), nhưng khi phổ biến ra nước ngoài, ông phải chọn một tên khác. Trong quá khứ đã có những tên khác nhau dành cho nhân vật này như Mouffe, Petit Lapin (Pháp), Nientje, Ninchen (Đức), Naynti (Ả Rập), Usako-chan (Nhật), Mi-fei (Trung Quốc), Coelhinho (Bồ Đào Nha)… Thỏ Nijntje là "cô" thỏ, nhưng các em bé, dù trai hay gái, đều thích như nhau. Dick Bruna quyết định tìm một cái tên quốc tế dễ gọi, và thế là sau này nhân vật Nijntje của Hòa Lan được chuyển tên thành (cô thỏ) Miffy.

Những truyện về Nijntje của ông đã được in ra hơn 80 triệu ấn bản, được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ khác nhau, tổng cộng hơn 100 đầu sách dịch. Tiếc là chưa có tác phẩm nào của ông được dịch ra tiếng Việt, một phần cũng vì sự thao túng thị trường của tập đoàn Nhật Bản Sario, công ty lăng xê những con thú trong nhóm mèo Hello Kitty. Sario có thời đã lăng xê cô thỏ Cathy nhưng bị Bruna kiện về tội nhái hình thỏ Nijntje. Năm 2010, tòa án Amsterdam đã phán quyết Cathy thua cuộc tại các quốc gia Benelux. Sau đó cô thỏ Cathy trở thành chú mèo Musti.

Những cuộc cạnh tranh: Cô thỏ Cathy (trái), chú mèo Musti (giữa) và một sản phẩm nhái gần giống thỏ Nijntje tại Việt Nam (phải)

Dù sao, ít nhiều Dick Bruna cũng phải chạy theo thương mại, quảng cáo. Người ta than phiền về giá cả các sản phẩm Nijntje ăn theo các cuốn truyện, nhưng bù lại những sản phẩm này được tiếng là bền bỉ. Nhờ công ty Mercis lăng xê, Bruna đã trở thành triệu phú đa quốc gia.

Năm 2014, Dick Bruna tuyên bố ngưng sáng tác truyện Nijntje vì lý do sức khỏe, sau khi đã cho ra đời hơn 30 tác phẩm trong serie này. Năm 2015 thành phố Utrecht đã nhớ ơn ông bằng cách cho tổ chức kỷ niệm 60 năm thỏ Nijntje rầm rộ suốt một năm. Hình người đi bộ trên một số đèn giao thông cho khách bộ hành được thay bằng thỏ Nijntje, tên ông được đặt cho một con đường dọc bờ kinh ở vùng chung cư tân lập Het Zand trong tỉnh Utrecht (Dick Brunasingel), một vinh dự rất hiếm dành cho một nhân vật còn sống.

Dick Bruna đã được trao tặng nhiều giải thưởng và huy chương cao quý của Hòa Lan trong đó có giải minh họa sách thiếu nhi Max Velthuijs 2016 được trao cho toàn bộ công trình của ông. Trong cuộc bình chọn những nhân vật lớn tại Hòa Lan từ xưa tới nay, được thực hiện năm 2004, ông được xếp hạng 67, tương đối khiêm nhường so với những đóng góp của ông trong ngành giáo dục cho biết bao thế hệ tại Hòa Lan.

Nguyễn Hiền

Ghi chú: Trong các tác phẩm, dick bruna không ghi tên mình và tên thỏ nijntje với chữ hoa, tuy nhiên để dễ đọc, trong bài này những tên này được viết hoa.


Cái Đình - 2017