Cái Đình
Ra mắt “Verborgen Veerkracht”
Tác phẩm đầu tay, tự truyện của Lữ Thị Tường Uyên “Verborgen Veerkracht” (tạm dịch: Sự Dẻo Dai Ẩn Tàng) đã được giới thiệu trong buổi sinh hoạt với chủ đề “Vrijheid en Verborgen Veerkracht” (Tự Do và Sự Dẻo Dai Ẩn Tàng) vào chiều ngày 12-05-2018 tại nhà thờ của làng Odoorn (thuộc tỉnh Drenthe).
Trong không khí trang nghiêm, buổi sinh hoạt được mở đầu với bài phát biểu của bà Harriët Prins, nhấn mạnh về ý nghĩa của tự do và những cảm nghĩ trong cuộc hành trình đi tìm tự do cho tới khi thấy được. Một phút mặc niệm với nghi thức thắp nến cho những người đang và đã tranh đấu cho tự do, cho những người bị tước đoạt tự do…
Sau đó là những bài phát biểu, ca nhạc, đọc thơ văn với chủ đề “(Mất) Tự do”. Đặc biệt, ông Phạm Văn Thành, một nhân vật hoạt động trong các phong trào đấu tranh phản kháng đòi nhân quyền, từng bị kết án 12 năm tù về tội âm mưu lật đổ chính phủ cộng sản VN, (nhưng sau 6 năm thì được chính phủ Pháp can thiệp và được thả về Pháp) đã từ Pháp qua góp mặt với những bài hát, bài thơ mang tính đấu tranh.
Ông Phạm văn Thành (hình trái) và chị Nour Saadi (hình phải, người thứ 2 từ trái) trong tiết mục ca nhạc
Trước phần giới thiệu tác phẩm “Verborgen Veerkracht” là cuộc phỏng vấn ngắn tác giả Uyên Lu (Lữ Thị Tường Uyên) và chị Nour Saadi, người Syrië tỵ nạn ở Hòa Lan, về sự cảm nhận tự do qua các giác quan.
Nour Saadi cùng gia đình khi đang đi chơi ở Hòa Lan thì chiến cuộc ở Aleppo – nơi gia đình chị ở – bùng nổ, do đó chị không trở về được và được chấp thuận cho tị nạn ở Hòa Lan. Tuy nhiên, khi bà mẹ ở Hoa Kỳ bị bệnh và qua đời năm 2016, chị đã không được phép nhập cảnh để thăm mẹ. Hoàn cảnh trớ trêu này đã là một trong những nguyên nhân khiến chị Tường Uyên cùng với một số hội đoàn đứng ra tổ chức ngày ra mắt sách với đề tài Tự Do và có mời gia đình chị Nour Saadi cộng tác.
Chị Tường Uyên đã viết nên tác phẩm “Verborgen Veerkracht” để kể lại một phần đời của mình từ những ngày sắp tàn cuộc chiến. Chị cùng ba chị em đã vượt biên nhiều lần, có lần chị gặp cướp biển, lần khác bị tù, cho đến năm 1980 chị cùng với người chị thứ Hai mới thành công. Đến Hòa Lan trong diện trẻ vị thành niên độc thân, chị đã trải qua những chặng đường khổ nhọc để có được cuộc sống hôm nay. Phần lớn đó là do sự bảo bọc của gia đình “Bố Eigenman”, người bảo trợ. Trong buổi ra mắt sách, ông đã cố gắng đến tham dự dù rất yếu, và nhận cuốn sách danh dự đầu tiên từ Tường Uyên.
Nhờ kinh nghiệm đã trải qua cộng với ngành chị theo học tại Hòa Lan, Tường Uyên hiện là cán sự tâm lý xã hội, đặc biệt giúp cho những cựu chiến binh bị chấn thương tâm lý. Chị hiện đang giữ một chức vụ cao cấp trong “Hội Những Binh Sĩ Nạn Nhân do Chiến Tranh và Công Vụ của Hòa Lan” (Bond van Nederlandse Militaire Oorlogs- en Dienstslachtoffers).
Sau buổi giới thiệu sách là một tiệc trà nhỏ với các món Việt Nam và Syrië. Buổi sinh hoạt – nói tiếng Hòa Lan, Anh và Pháp – do một số hội đoàn lo công tác xã hội tổ chức, quy tụ được hơn 50 người tham dự.
.
05/2018
Cái Đình
_______
Cho các bạn biết tiếng Hòa Lan:
Đọc chương “Ausländer” trong tác phẩm “Verborgen Veerkracht”