Lê Thị Thanh Tâm


(Gởi các em Việt Nam yêu thương:Lê thị Thanh Tâm)

 

***

 

Bộ Giáo dục Hòa Lan đã cho nghỉ việc cả đám giáo viên ngoại quốc dạy tiếng mẹ đẻ (Onderwijs in Allochtone Levende Talen) – gồm các nước như Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Việt Nam. Sau này còn có dân Somalie tỵ nạn khá đông nên cùng nhập bọn.

Vì cho nghỉ việc sớm, nên chúng tôi rất rảnh rang. Mùa hè, thu, xuân đẹp trời tôi đi dạo hay ra phố chơi. Chúng tôi được trợ cấp thất nghiệp đến ngày nghỉ hưu (65 tuổi) với điều kiện là mỗi tháng phải đi xin việc mới, nếu không được nhận làm. Nhưng lúc này khó tìm được việc cho lớp người ở tuổi trên dưới 50 và ngôn ngữ, bằng cấp của Hòa Lan chưa đủ xài ở đây như đám giáo viên chúng tôi. Thật là một chuyện ngược đời: khi đi dạy người ta muốn mình có bằng cấp nghề tiếng Việt, để đến khi thất nghiệp thì lại đòi phải có bằng cấp nghề của Hòa Lan. Vì thế, tôi đành ở nhà hưởng nhàn phút nào hay phút đó vậy. Cũng nhờ đó chúng tôi được đi du lịch thả giàn, tùy ý lúc nào cũng được chứ không bị bó buộc vào các ngày nghỉ vào mùa hè nữa.

 

Thanh Tâm và các bạn đồng nghiệp Hòa Lan

Thật ra lúc còn đi dạy xa hơn 200km tôi vẫn thấy nhàn dù mọi người vẫn cho là cực nhọc vì phải đi làm xa. Buổi sáng 6 giờ tôi đã dậy dù mùa đông trời lạnh cóng, tối đen. Những khi có tuyết đổ ngập đường trơn trợt khiến mọi người phải cẩn thận dò dẫm đi, vì dễ ngã nhất là người già. Tôi đón xe bus lúc 6 giờ 40 ra ga xe lửa, lấy chuyến xe 7 giờ rưỡi thì gần 10 giờ sáng tôi đã có mặt ở trường rồi. Ðến trường các bạn đồng nghiệp Hòa Lan xúm lại rót cà phê mời, cho tôi tỉnh ngủ vì lúc còn trên xe, tôi chỉ ngủ. Và họ nói chuyện ríu rít, vui ơi là vui. Tôi bắt đầu dạy sau 10 giờ rưỡi nghĩa là sau khi trẻ ra chơi (pauze). Tôi đến lớp đón từng nhóm trẻ theo thứ tự vào lớp tôi, mỗi giờ một nhóm tùy trình độ. Đến 11 giờ rưỡi nghỉ ăn trưa cùng các bạn đồng nghiệp rất ấm cúng. Nhờ nhà tôi học lại nghề cũ, nên chúng tôi về ở miền bắc Hòa Lan (vì có trường đại học giỏi nổi tiếng). Dân chúng rất cởi mở, bình dân hơn các miền khác, như sau này tôi có thêm một chỗ dạy nữa, lúc nhà tôi ra trường có việc làm ở vùng trung nam, là vùng trù phú nhất, nên cách sống của họ cũng nâng lên "một cấp" nghĩa là giàu có thì sanh lễ nghĩa thôi.

 

Cô giáo và lớp Việt ngữ ở miền bắc Gronigen.

Dọn nhà về miền trung nam, chỉ ba năm sau tôi lại nhận thêm một lớp Việt ngữ ở đây nữa.

Lớp dạy thứ nhì này cũng do tình cờ chúng tôi dọn nhà về ở xóm có chị bạn đồng nghiệp lớn hơn tôi cả con giáp, nên cách dạy của chị rất mô phạm xưa cũ cứng ngắc, làm các con tôi cứ phàn nàn rằng bà không cởi mở vui vẻ như mẹ dạy. Nhưng tôi lại rất mừng vì các con tôi cũng nhờ đó học tiếng Việt tiếp tục vì tôi phải dạy xa. Chỉ hai năm sau "cô giáo già" (theo lời bọn trẻ) có việc mới tốt hơn ở tỉnh khác, nên chị ấy bàn giao lớp này lại cho tôi, như đám "tàn quân". Và đúng vậy, vì gay nhất là phụ huynh học sinh, họ là những người không mấy dễ gây thiện cảm, họ muốn chi phối tôi theo ý họ. Tôi phải làm sao đây? Tôi không thích luồn cúi để có thêm việc làm như họ nghĩ. Thế nên, thấy tôi cóc cần thì họ thay đổi thái độ, tử tế với tôi vô cùng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau đó lại có nhóm Việt mới về, có rất đông trẻ đến lớp này. Nhóm này rất dễ thương vì là dân quê, không may bị bao năm dài chờ đợi ở trại tỵ nạn Hồng Kông, nên thiếu thốn nhiều lắm. (Khi qua được Hòa Lan thấy con gái tôi có nhiều áo đầm của tôi tự may đẹp quá, chúng thích lắm. Tôi mang cho hết. Chúng mừng vui, cứ bảo như áo công chúa, thấy thương vô cùng). Từ đó lớp lại đông vui không kém gì lớp ở miền bắc. Các ban giám hiệu của các trường cũng thật tốt, và họ hay cười đùa với chúng tôi trong giờ chơi. Có lẽ dưới mắt họ, chúng tôi là sắc dân Á châu nho nhỏ, xinh xinh, tô điểm màu sắc cho trường học đẹp thêm. Ở đây trường ốc khang trang hơn miền bắc, nên tôi được riêng một phòng dạy và các bạn đồng nghiệp rất thương mến lớp Việt ngữ. Nhưng về lâu dài sau tôi nhận ra rằng có vài cô giáo Hòa Lan ganh tị với tôi vì trẻ Việt Nam thích học với tôi hơn với họ. Khổ chưa??

Buổi hội hóa trang của trường năm cuối cùng (Thanh Tâm mặc áo dài xanh)

 

Trở lại lớp dạy học đầu tiên miền bắc dễ thương kia. Chỉ buồn là mới dạy hơn 1 năm tôi đã phải dọn đi xa rồi. Và nhà tôi lại muốn tôi nộp đơn xin nghỉ việc nữa chứ. May cho tôi là phòng giáo dục tỉnh yêu cầu tôi ở lại, vì không tìm được giáo viên thay thế, vì đa số các gíao viên Việt Nam thích ở nơi ấm áp, kinh tế thịnh vượng hơn là về miền bắc lạnh lẽo, nghèo kém!!

Vì thế nên ba năm đầu, tôi còn ở lại trọ 1 đêm tại nhà cô bạn Hòa Lan tốt bụng làm cán sự cho người Việt ở đó. Chúng tôi thương nhau như chị em vì cùng hiểu và hợp nhau vô cùng. Thế nhưng đến khi cô bạn này có bồ đến ngủ, thì tôi sửa soạn từ giã cô ấy để mỗi ngày đi đi về về cho yên thân, dù cô ấy không chịu, cố giữ tôi lại. Cô bạn Việt thân yêu cũng muốn tôi ở lại, tôi cũng từ chối. Thế là tôi cứ sáng sớm xách ô đi, mãi tối mò mới xách ô về, nhưng thấy mình tự do, sung sướng biết bao không phiền rộn ai. Chỉ phiền là hai đứa bé con chúng tôi cả ngày đi học phải tự lo dù mới 7 và 9 tuổi. Lúc còn ở miền bắc, các cháu đi học về tôi gởi cho ông bà Harry ở gần nhà trông hộ, họ rất thương chúng tôi và họ chỉ có 5 thằng con trai, nên có thêm bé Ti nhà tôi họ mừng lắm. Trường học cũng rất gần nhà và con gái đầu lòng thật ngoan, biết lo cho em trai, nên tôi cũng yên lòng. Vì tuy đường xa bằng từ Sài Gòn đi Phan Thiết mà tôi chỉ đi có hơn 2 giờ là đến rồi. Chiều dạy xong tôi thu dọn lớp, ra xe bus đến ga xe lửa, về đến nhà hơn 7 giờ tối. Về mùa đông trời mau tối nhưng mùa xuân trời bắt đầu hơi ấm và sáng lâu hơn, nên đi xa rất thú vị.

Năm đầu tiên nhận lớp Việt ngữ thật vui. Bộ giáo dục cho chúng tôi học 1 năm về luật của sư phạm, xã hội, và ngôn ngữ Hòa Lan ở trường sư phạm, học chung với sinh viên Hòa Lan trẻ hơn chúng tôi nhiều. Tuy ở đây mới qua đây chỉ vài năm dù còn nhiều khó khăn, nhưng được trở lại môi trường này tôi sung sướng vô cùng. Ngoài ngày đi học ở trường sư phạm ra, tôi chia ngày giờ dạy trẻ Việt Nam ở các trường công lập mà cha mẹ trẻ đã gởi đơn yêu cầu cho con họ được học tiếng Việt. Đó là điều may mắn cho tôi, vì tôi không hề cạy cục xin việc làm cực nhọc như bao người khác, tôi chỉ cần nộp bằng cấp, giấy tờ chứng minh mình là giáo viên cũ cho trường học, là họ lo mọi việc hết cả. (vì các trường rất cần nhiều học sinh để được nhiều trợ cấp của bộ giáo dục). Nhà chúng tôi ở gần trường và cha mẹ học trò hầu như tôi quen biết hết. Họ ở vùng biển Cam Ranh, đi chung 1 chiếc tàu qua thẳng Hồng-Kông tỵ nạn, sau đó Hòa Lan đón nhận họ và đưa về đây. Do đó chúng tôi làm việc với nhau rất vui vẻ. Nhóm trẻ lớp đầu tiên mới rời Việt Nam vài năm nên chúng còn giỏi tiếng Việt. Lúc đó chúng tôi chưa quen thuộc với ngôi trường mới ở đây, nên tất cả phòng ốc học cụ làm cả thầy lẫn trò đều vui thích cả. Điều khó khăn nhất là sách vở dạy và học cụ tôi hoàn toàn không có, vì lúc đó chưa ai được về Việt Nam để mua sách giáo dục của chương trình cũ được. Tôi chỉ mua từ bên Pháp, sách dạy theo chương trình của thập niên 50, 60 nên không còn thích hợp nữa. Tôi phải dựa vào đó tự làm bài lại và học cụ, có khi phải mượn của lớp Hòa Lan Sau này có chị bạn T.V. (ra trường trước) cũng đồng nghiệp, ở gần tỉnh tôi dạy. Chị dựa vào sách Hòa Lan để soạn sách mới theo chương trình mới vì có nhóm thiện nguyện Hòa Lan tài trợ tài chánh, nên lớp Việt ngữ có bộ sách thật đẹp và "văn minh" hơn bộ sách cũ kia nhiều. Nhưng cũng không may, vì tiền bán sách chưa thâu vào bao nhiêu thì lớp Việt ngữ đã đến hồi cáo chung rồi. Thôi thì có còn hơn không!!

Vì tôi dạy mỗi tuần chỉ có 19 giờ. Nghĩa là chỉ đứng lớp 2 ngày/tuần. Số giờ còn lại để soạn bài. Do đó trường không có phòng riêng chính thức cho chúng tôi, chỉ dạy ở một phòng dành cho sinh hoạt hobby còn trống trong trường thôi. Dù vậy tôi đã thấy hài lòng và hạnh phúc vô cùng. Vì nhớ lại những năm còn dạy ở Việt Nam, ngoài giờ làm ở Nha Khảo-thí tôi được dạy thêm ở trường trung học Mỹ-thuật Gia-Định, và đến tiểu học sau năm 75 (để ít bị học chính trị) nên tôi phải về dạy ở Cần Giuộc, làng quê không có điện nước với bao cực nhọc, nghèo khổ của quê nhà. Giờ sung sướng ở đây, làm tôi bồi hồi nhớ lũ học trò nghèo thiếu ăn, mà các thầy cô cũng có hơn gì chúng đâu!! Những ngày mưa xập xình, hay khi nắng chói nung người, vào những chiều buồn im ắng, tôi lặng người nhìn ruộng đồng mênh mang, khói lam chiều tỏa trên mái tranh nghèo, mà thương quá cái đẹp mộc mạc bình dị đó. Thương quá những người dân quê cùng bạn bè trong trường, đã thương yêu giúp tôi lúc khó khăn trong buổi giao thời đó. Làm sao gặp lại? Nên nếu viết lại thời gian ấy, biết bao nhiêu bút mực nào tả xiết đây??

Và tôi đã muốn khóc bao lần khi nghe thấy các bạn đồng nghiệp Hòa Lan nói chuyện râm ran, vui cười rộn rã trong giờ nghỉ, mà nhớ tiếng cười đùa chọc ghẹo của lũ giáo viên chúng tôi lúc còn ở quê nhà. Sợ nhất là cả tháng hè dài bị học bồi dưỡng nghiệp vụ ở thị trấn Cần-Giuộc, rất may tôi có nhà Duyên bán gạo ở đấy, nên được cho trọ suốt thời gian học. Nếu không, tôi cũng như các giáo viên khác ở Sài Gòn, phải tìm chỗ trọ, lang thang, đói nhiều hơn no....

Thế nên bây giờ, tôi đã may mắn hơn họ là tôi được trở lại nghề dạy ở đây, ở một môi trường tự do, văn minh làm tôi sung sướng mà thương các bạn đồng nghiệp và các học trò còn ở lại quê hương đó.

Trở lại lớp học, nhóm trẻ đầu tiên tôi dậy rất ngoan và học giỏi, cả tiếng Hòa Lan cũng vậy – chúng rất thương và thân mật với cô giáo – chúng thích đến lớp tôi và muốn ở lại luôn, tôi phải nhắc đến giờ trở về lớp Hòa Lan, nhất là đám con gái. Các em tin tưởng tôi như mẹ chúng ở nhà, vì có khi chúng quên gọi tôi là má làm tôi bật cười. Và có những chuyện riêng mà chúng tâm sự với tôi, mà không dám kể cho mẹ nghe, vì tôi hiểu tâm tư của những trẻ Việt Nam ở đây. Ở môi trường mới này, nếu chúng ta giáo dục các em cứng ngắc theo truyền thống cũ ở trong nước, sẽ làm trẻ khổ sở vô cùng. Nên tôi chủ trương dung hòa giữa hai nền văn hóa đông và tây để cho trẻ sống hạnh phúc, an bình hơn. Ðó là thập niên đầu mới ở đây.

Sau đó, đến thập niên kế thì lũ trẻ Việt Nam được cưng chìu quá, chúng khác hơn nhóm đàn anh chị của chúng ngày mới thành lập lớp.

Dạy lớp Việt ngữ chúng tôi rất phấn khởi. Tôi tổ chức cho lũ trẻ chơi Tết Trung thu. Tôi nhờ nhà tôi soạn giùm tôi vở kịch Chú Cuội để đám trẻ tập dượt trình diễn cho đêm Trung thu. Rồi có mục thi lồng đèn đẹp nhất được giải thưởng. Các trẻ Việt Nam lúc đó đã lớn dù đã 14, 15 tuổi (nhờ khai sụt tuổi) nên còn học với tôi. Các em biết vẽ tranh làm phông cho sân khấu thật đẹp. Bức tranh rất to, sau này cô bạn cán sự tiếc của đem về làm kỷ niệm. Vở kịch Chú Cuội do con Diễm và thằng Dũng đóng vai chính, vài đứa khác đóng vai phụ. Chúng đóng rất hay. Ðêm đó có phóng viên báo tỉnh nhà đến chụp ảnh đăng báo, làm bác Ba trưởng lão của xóm Việt Nam ở đó sướng phổng mũi vì mấy lời khen ngợi đó.

Ðến năm sau theo đà, tôi lại tổ chức Trung thu lớn hơn, có thêm phụ cấp nhờ cán sự xã hội cùng tổ chức thì chuyện tranh giành giải thưởng lồng đèn không vui xảy ra do cha mẹ của một em gây ra. Tôi chán nản bỏ luôn không tham gia nữa, mà tổ chức trong lớp cho trẻ tự làm lồng đèn chơi thôi. Tết trẻ con hãy để chúng vui chơi vô tư với nhau, như ngày xưa lúc còn đi học, tôi cũng tổ chức góp tiền các em tôi chơi tết Trung thu mỗi năm thật vui. Tôi đã theo nghiệp với trẻ từ đó rồi.

Tết Trung thu Thanh Tâm khai mạc trước tấm phông vẽ "tuyệt tác" của các em mới qua Hòa Lan

 

Học trò lớp đầu tiên rất giỏi về chính tả vì chúng biết đánh vần, còn lớp trẻ trong thập niên sau này tôi dạy chính tả rất cực vì chúng không thể nào quen được lối đánh vần Việt Nam để viết chính tả dễ dàng được, nên chúng rất sợ viết chính tả, mặc dù tôi đã chuẩn bị rất kỹ. Có một lần đang viết chính tả bỗng thằng Xuân Tây quăng viết, gọi tôi là ‘bà quỷ' vì nó không viết giỏi bằng mấy đứa kia. Tôi ngạc nhiên đớ người khi thấy nó hỗn như vậy, nhưng sau đó tôi hiểu nó, cho nó về lớp Hòa Lan lại và cho ba má nó hay, ông bà sau đó tới trường xin lỗi tôi và xin cho nó học lại. Tôi đồng ý nhưng tạm ngưng lớp tiếng Việt của nó một tháng, để nó "tỉnh" người lại. Sau đó mười mấy năm, tình cờ đến trường dạy, tôi lên xe bus gặp Xuân Tây cũng đẩy xe của con nó đi cùng. Tôi ngạc nhiên, biết nó đã có gia đình sớm và ly dị nên phải thỉnh thoảng giữ con, học hành dang dở cả. Tôi hơi buồn lo cho nó, và nó cũng ngượng ngùng khi gặp lại cô giáo cũ thân yêu, trong hoàn cảnh này. Tôi biết nói gì để an ủi nó đây? Vì mỗi người đã tự chọn cho mình một cuộc đời riêng mất rồi.

Thằng Xuân Tây như vậy vẫn còn hiền hơn thằng em kế nó. Eo ơi, anh nầy thì phá làng không nể ai. Nhất là vô lớp tôi, nó được học chung với mấy đứa con gái xinh xinh, nên nổi nghề trêu ghẹo suốt buổi, làm tôi điên đầu. Ðã vậy thằng Xuân Nghiên còn rủ thêm hai đứa theo phá nhưng hai đứa này ngoan, chỉ thỉnh thoảng hùa theo mà thôi.

Tôi phải dùng phương pháp lấy độc trị độc để dẹp con ‘ngựa chứng sân trường' này, vì những lời dỗ dành ngọt ngào hay phạt, đuổi ra hành lang lớp, đối với nó cũng vô ích. Tôi tuyên bố với lũ trẻ là từ nay giao phần giữ trật tự lớp cho thằng Xuân Nghiên trong những lúc tôi vắng mặt. Cả lũ học trò đều ngạc nhiên, nhưng cuối cùng thì tôi thành công, vì từ đó anh này ngoan không ngờ. Anh chàng cảm thấy oai trước đám con gái suốt ngày chỉ ham nói chuyện. Hễ đứa nào nói chuyện làm ồn lớp là bị nó ghi tên để tôi phạt, cho điểm hạnh kiểm xấu. Trong lớp có Thủy rất đẹp mới mười một tuổi, nhưng nó đã đẹp duyên dáng vô cùng. Tuổi đó vài đứa đã biết ăn diện làm dáng đánh son, kẻ mắt nên càng làm mấy đứa con trai chú ý chọc ghẹo hơn. Trong giờ học nó và Xuân Nghiên cứ nói qua nói lại nên tôi rầy phạt cả hai. Vậy mà con Thủy buồn giận vì thấy tôi không binh nó, về mách mẹ sai trái thế nào mà mẹ nó đùng đùng nổi giận, từ xa tôi đang đứng trong lớp mà đã nghe tiếng bà gào thét từ ngoài đường lộ. Tôi mời bà vô trường giải thích rõ ràng trước đám học trò, nên bà hết giận ngay và vội xin lỗi tôi một cách vui vẻ.

Rồi sau đó cũng có trường hợp gần như vậy, nhưng con bé này lại hay lén cô giáo đem học cụ về nhà chơi mà đồ này không thuộc lớp tôi, mà là của nhóm người già đến giải trí vào buổi tối hay cuối tuần tại trường. Nó lấy nhiều lần, nên tôi không cho, nó cũng giận về đặt điều khiến mẹ nó cũng binh nó đến trường tìm tôi. Cô ta không gây la, mà lại căm ghét tôi vì không chấp nhận lỗi con mình. Tôi không màng giải thích. Sau đó con bé Nguyệt nghỉ học lớp tôi, nhưng các em nó thì lại lần lượt vào lớp tôi đều đặn cho đến đứa út. Thương con, tâm lý các bà mẹ đều giống nhau nhưng cách hành xử thì tùy trình độ và tâm tánh từng người. Sai lầm nhiều nhất là các phụ huynh tuổi còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm nuôi con. Chúng tôi thường va chạm với những trường hợp còn đáng buồn hơn nữa. Tuy nghề giáo có linh động vui đùa với trẻ con và tình thân thương với chúng chan hòa êm đềm bên nhau, nhưng khi có vấn đề "ngựa chứng sân trường" này thì lũ bạn đồng nghiệp Hòa Lan của tôi còn khổ tâm nhiều hơn, như vài giáo viên lớp mẫu giáo hay nhóm 7, 8 bị căng thẳng thần kinh quá, phải nghỉ ở nhà dưỡng bịnh cả năm mới trở lại trường được.

Có một lần, trong giờ chơi hai học sinh Hòa Lan bế bổng con bé Thúy mới 5 tuổi, quay vòng vòng như bông vụ, như chơi búp-bê. Lũ trẻ Việt sợ quá chạy vào mách tôi. Can ngăn chúng xong, tôi lại tìm thầy dạy của chúng để mắng vốn. Nhưng Friet chỉ ngồi im nghe và xin lỗi thôi. Nên tôi vẫn còn giận, vì nghĩ rằng họ xem thường người Việt mình chăng? Cái tự ái dân tộc nhược tiểu làm tôi hiểu lầm như vậy. Chứ thật ra lũ con trai Hòa Lan chỉ thấy trẻ Việt nhỏ bé quá, lại xinh xắn như con pop nhà chúng, nên bạo gan chơi như vậy thôi. Cũng từ đó không có chuyện như vậy xảy ra cho lớp tôi trong trường này nữa.

Mỗi năm Tết Việt Nam đến tôi đều lì xì cho trẻ. Sau đó nhờ anh Nikos, bạn đồng nghiệp người Hy-Lạp mách bảo, tôi xin được tiền trợ cấp của phòng giáo dục nên tổ chức cho trẻ chơi rất linh đình. Tôi dắt chúng đi siêu thị tự chọn mua sắm các món về lớp tôi và mấy đứa lớn chiên, nấu bày tiệc thật nhộn nhịp làm cả trường xúm lại thòm thèm. Tôi mời tất cả giáo viên Hòa Lan cùng chung vui, nhưng họ chỉ thích ăn chả giò thôi. Rồi sau này mấy đứa ra trường trung học, cũng được về chơi chung Tết với lũ đàn em, rất ấm cúng. Lì xì cho chúng không bằng cho chúng một ngày vui như vậy.

Nhưng rồi cũng đến thời lớp Việt ngữ ít dần. Theo hoàn cảnh chung, tất cả các trường đều vắng bớt học sinh Hòa-Lan, nên trường từ từ thu nhỏ lại và bị sát nhập vào những trường lớn ở gần đó, chỉ thay tên trường, và hiệu trưởng bị xuống chức, cả trường đều buồn lắm. Nhưng nhờ vậy tôi mới được một phòng hoàn toàn riêng cho chúng tôi. Lũ trẻ mừng lắm, chúng tha hồ trang hoàng và coi chừng đứa nào trong trường vô phá, vì thỉnh thoảng họ cũng mượn lớp để tổ chức những khi có lễ hội. Ðám trẻ những năm sau cùng này hoàn toàn khác đám trẻ trước, vì mẹ chúng phần nhiều được "bốc" thẳng từ trong nước qua, nên trẻ được cưng chìu nên ít chịu khó học thêm tiếng Việt. Có một lần đến giờ tôi dạy mà bé Mỹ không chịu vào lớp, nó cứ đứng ở hành lang, im như pho tượng. Cả đám trẻ chạy vô mách tôi. Tôi ra thị sát tình hình thì đúng y như vậy. Mỹ học lớp tôi hơn một năm rồi, nó rất thông minh, tuy mới vào lớp mẫu giáo mà bài tập nào tôi đưa, nó làm đều giỏi và rất nhanh. Con bé thật đẹp không thua trẻ Hòa Lan và lại rất ngoan, nhưng bỗng dưng nó đổ lì như vậy, tôi và cả đám trẻ đều ngạc nhiên, dỗ mãi nó cũng không nhúc nhích. Cuối cùng tôi đành để nó đứng im như vậy luôn để cho mẹ nó đến đón, thì nó òa lên khóc om sòm. Cô giáo Hòa Lan lớp Mỹ cũng chịu thua luôn, vì hôm đó nó cũng không có vấn đề gì ở lớp cô ấy cả. Từ đó tôi cho nó nghỉ một năm của mẫu giáo 2 và đến nhóm 3 thì nó vô lớp tôi học lại, vẫn ngoan và giỏi. Ðến ngày tôi nghỉ dạy từ giã bọn trẻ thì chị em của Mỹ là học trò giỏi và ngoan nhất của tôi. Còn mấy thằng bé kia chỉ học tiếng Việt vì ba mẹ chúng bắt buộc mà thôi.

Ðến đây là thời lớp Việt ngữ bị cáo chung rồi. Không riêng gì lớp tiếng Việt mà các bạn đồng nghiệp O.A.L.T. các nước khác cũng tâm sự với tôi như vậy. Lớp trẻ mới sau này cha mẹ đã xa rời quê hương quá lâu, chúng không cần nói, học tiếng mẹ đẻ bằng chính tiếng Hòa Lan bản xứ. Vì thế, bốn năm sau này Bộ Giáo dục đổi tên chương trình, từ OETC. thành OALT (giáo dục cho người ngoại quốc, sinh ngữ và đời sống). Nên thay vì được dạy một phần trong giờ học, nay Bộ giáo dục bắt buộc chúng tôi phải dạy hoàn toàn ngoài giờ học tiếng Hòa Lan, nghĩa là tôi phải dạy sau 3 giờ chiều, sau khi trẻ học xong lớp Hòa Lan và suốt ngày thứ bảy. Ðám trẻ càng lười đi học hơn nữa. Tuy nhiên hai năm đầu dạy ngoài giờ đó nhờ đám đàn anh chị thứ bảy trở về lại trường cũ thăm tôi và muốn học tiếp nên cả lũ nhóc kia mới thích học chung ngày thứ bảy. Một phần vì sau giờ học những đứa lớn chơi đùa trong phòng thể dục, dạy mấy đứa nhóc chơi theo. Lớp tiếng Việt thứ bảy của tôi duy trì được vài năm cho đến năm cuối cùng thì chỉ còn hai, ba đứa ở rất xa chịu khó học thôi. Hỏi ra thì có rất nhiều tỉnh, các lớp Việt ngữ cũng không dạy được ngày thứ bảy vì trẻ Việt Nam không quen đi học thứ bảy, chúng chỉ quen đi tới trường các ngày trong tuần, khác với trẻ Trung Hoa ngày thứ bảy chúng đi học rất đông ở lớp Hoa ngữ ngoài phố.

Bất cứ phong trào nào rồi cũng từ thịnh đến suy. Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ lâu nên không buồn hay khủng hoảng như nhiều người lâm vào tình trạng mất việc. Lớp Việt ngữ có rất nhiều kỷ niệm êm đềm, nhất là ngôi trường đó đã cho tôi một tình thân với mọi người suốt bao năm dài. Họ rất tử tế, thương chúng tôi: những người tị nạn bỏ nước ra đi từ ngày đầu họ gặp chúng tôi, sau vài năm ở Hòa Lan mà còn bơ vơ, ngơ ngác đáng thương vô cùng. Đất nước này đã dang tay rộng đón chúng tôi, ơn đó thật to lớn. Và có phải là duyên nghiệp hay không?

Và đến ngày tôi thôi việc, ông hiệu trưởng còn nhắc lại thật vui, bên các bạn Hòa Lan nhìn chúng tôi âu yếm, đầm ấm như chung một gia đình.

Nếu viết về lớp học Việt ngữ thì tôi sẽ còn viết hoài chưa bao giờ hết, nhưng đã lâu không cầm bút lại nên văn chương chữ nghĩa cũng bay bổng mất rồi. Hơn hai mươi lăm năm tôi không viết lại, cảm thấy mình không còn "tinh thần" cũ nữa, nếu không nhờ anh bạn xưa ở Sydney khuyến khích, thì tôi đã gát bút luôn rồi. Cám ơn anh nhiều lắm. Tôi xem như không có gì hiện hữu cả, cũng như tôi đã viết rồi nhưng xem như tôi không viết gì cả.

 

Lê Thị Thanh Tâm
Gia Bình Vân Nga

(T.V. ngày cũ) 2008.

 


Cái Đình - 2016