Minh Hạnh


“Lễ Hội Sứ Quán” Embassy Festival 2019

Có một cách để mở rộng kiến thức về thế giới là tham dự những cuộc triển lãm đa quốc gia, giới thiệu du lịch quốc tế hay các lễ hội đa văn hóa.

“Lễ Hội Sứ Quán” là một thí dụ của một sinh hoạt loại này.

Hình thành năm 2012 từ một sáng kiến, với 7 quốc gia tham dự, sau 7 năm Embassy Festival 2019 đã thành một lễ hội quy tụ gần 70 quốc gia (kể luôn các vùng lãnh thổ), chiếm trọn khu Lange Voorhout ở thành phố Den Haag. Ngoài các gian hàng giới thiệu các sắc thái đặc biệt của quốc gia mình, còn có 4 sân khấu trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc thù của một số quốc gia.

Den Haag, thành phố trong đó 1/3 cư dân có gốc ngoại quốc, và là nơi tập trung nhiều sứ quán, lãnh sự quán, là điểm lý tưởng để thực hiện lễ hội này. Chi phí thực hiện do các sứ quán đài thọ, chung với một số cơ sở, hiệp hội.

Tối thứ sáu 06/09/2019 là phần khai mạc lễ hội với các tiết mục văn nghệ. Thứ bảy 07/09 là ngày hội chính, vào lúc mở hội (12 giờ) đã đông nghẹt người trong khoảnh công viên nơi diễn ra lễ hội trong khi nhiều gian hàng vẫn còn đang bận rộn trang trí và sắp đặt các phẩm vật trưng bày. Không thấy có sự khoanh vùng từng châu lục rõ rệt, ngoại trừ khu Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan (gian hàng 54), Indonesia (51), Phi Luật Tân (52), Malaysia (55), và đương nhiên Việt Nam (53), còn anh Trung Quốc được sắp gần đó (40). Dường như mọi hận thù đều được (tạm) bỏ qua trong ngày này, hay vì mọi người còn đang bận rộn cho gian hàng của mình. Do Thái kế cận Palestine, Pakistan cách Ấn Độ một khoảng sân ngắn.

Khu các gian hàng Đông Nam Á, với gian hàng Việt Nam

Các quốc gia Úc châu, Tây Âu (trừ Áo và Thụy Sĩ), và Hoa Kỳ không có gian hàng. Có lẽ vì những nét văn hóa tại các nơi này không xa lạ gì với người Hòa Lan, cho nên họ không cần phải giới thiệu.

Cảm nhận đầu tiên là hầu hết các quốc gia tham dự đều giới thiệu đất nước của mình qua “cửa hông”, tức là qua đồ ăn thức uống. Sau đó là y phục trang sức và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các nước Hồi giáo có đủ các loại bánh ngọt nhỏ và kẹo. Các nước Nam Mỹ và các quốc gia Đông Âu có rượu nho. Ấn Độ, Thái Lan không thể thiếu áo váy sặc sỡ. Gian hàng của Nga đương nhiên trưng bày vài trăm con búp bê matroeska đủ kiểu. Cũng như gian hàng Việt Nam, búp bê thiếu nữ mặc áo dài không thể thiếu. Các nước Phi châu và Nam Mỹ bày nhiều tài liệu giới thiệu thiên nhiên, điểm mạnh của họ, với mục đích quảng cáo du lịch. Vài nhà văn, nhạc sĩ mang sách, đĩa nhạc tặng không, người qua lại ơ hờ ngó. Họ dường như chú ý nhiều đến đồ ăn, sau đó tới đồ xài. Sản phẩm trí tuệ không có chỗ đứng nơi này. Vài quốc gia có hai gian hàng, một trưng bày đồ ăn, một đồ xài. Xế trưa, phải xếp hàng rồng rắn chờ người ta nấu tại chỗ tại một số gian hàng như Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Vương quốc Ả rập Thống nhất...

Đi một vòng mới thấy có lẽ thế giới ăn cơm nhiều hơn ăn bánh mì và khoai. Dường như chỉ có Việt và Tàu ăn cơm trắng. Các nước khác nấu cơm chung với các thứ hột, đậu, có trộn các rau thơm, gia vị, nước canh…, mỗi nước mỗi vẻ. Dân Trung Mỹ và Nam Mỹ ăn đậu, ăn bắp. Dân vùng Balkan có những món bột nhồi đem nấu (dumpling) hay nướng. Các nước Á châu có cơm, có mì. Gian hàng Malaysia là một chợ những trái cây hiếm gặp: mít, sầu riêng, măng cụt, ổi, chôm chôm… Nhìn giá, thấy măng cụt 5 trái 2 euro, tức 4 euro một chục. Chục măng cụt tốt nặng gần một ki-lô, quá rẻ. Lựa chục trái, được bà coi gian hàng tặng cho 2 trái. Làm thêm một chục nữa, cũng được 2 trái thêm, và chục thứ ba được thêm tới 4 trái. À có lẽ họ cũng có kiểu “chục có đầu” như ở Việt Nam, và nhớ hồi ở Việt Nam còn nghe mấy bà bán chào: mua đi, chục mười ba, chục mười bốn…, bán rẻ cho cô cậu nè!

Nhìn đi nhìn lại, trên thế giới ít có nước ăn thịt heo. Gà đứng số 1, sau đó là bò và cừu. Những món ăn lạ miệng hay dễ gây phản cảm không thấy nơi những gian hàng. Peru không dám đưa món chuột bọ (cavia – guinea pig) nướng của họ ra chào. Gian hàng Mông Cổ cũng không có sữa ngựa chua koumis, món uống phổ thông của họ. Có vài điều ngộ nghĩnh ghi nhận được: gian hàng Ấn Độ trưng bày sari qua các con mannequin cao hai thước, gian hàng Mông Cổ không có người Mông Cổ đứng trông coi, gian hàng Peru chỉ có người nói được tiếng Anh… Và hoàn toàn không thấy khoai tây chiên hay hamburger.

Điểm làm tôi thích thú nhất là có thể ghé qua những gian hàng của các quốc gia ít được biết, để xem họ ăn uống ra sao. Những nước như Kazachstan, Yemen, Kuweit, Tanzania, Kosovo v.v… cho cơ hội so sánh. Chẳng hạn Rumania thì có bánh ngọt trộn hột walnut với mùi cam chanh Cozonac, Phi Luật Tân có những thứ bánh gạo nếp Biko, Azerbaijan có bánh rau thịt gói trong lá nho Dolma cũng từa tựa như dolma của Thổ Nhĩ Kỳ hay Hy Lạp. Georgia có món bánh nhân phô-mai Khachapuri. Áo thì quảng cáo dầu hột bí đỏ của họ (Kürbiskernöl), còn Việt Nam đương nhiên có phở, bún bò Huế…. Rất tiếc ăn thì phải trả tiền mua nguyên phần ăn, nhỏ thôi, vậy mà ăn chừng năm lần là nứt bụng.

Rất ít nơi cho nếm thử. Khác với rượu, bánh ngọt, trà, được một ly nhỏ hay một miếng. Tôi đi ngang gian hàng ghi Darwish, chưa thấy tên nước này bao giờ, hỏi ra mới biết đây là tên chung để gọi một vùng đất rộng gồm các quốc gia Tiểu Á, xuống tận vùng Đông Bắc Phi châu, tức là những vùng đất trước đây chịu ảnh hưởng của xứ Ba Tư.

Các em cũng có góc chơi riêng, hay được tặng những món quà nhỏ, bút viết, bong bóng, được học xếp giấy thành hình (origami) tại gian hàng Nhật Bản, viết chữ Hán tên mình v.v…

Màn múa của ban Reog Ponorogo (Indonesia) và ban Alma Latina (Bolivia)

Bên cạnh ăn uống cũng phải có giải trí. Bốn khán đài liên tục phục vụ những màn ca nhạc, múa, kịch… hay những màn trình diễn thời trang, nghệ thuật. Các vũ điệu Phi châu hoang dã, Nam Mỹ gợi cảm, Á châu diêm dúa, Hồi giáo trang nghiêm thần bí. Đó là nét chung. Vài nước đem cả đao kiếm hay búa vào các vũ điệu, như Yemen hay Bolivia…, phần lớn là để diễn lại những khoảng lịch sử quốc gia phải chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Vài quốc gia có đội ngũ văn nghệ chuyên nghiệp, nhưng phần lớn là tự tập với nhau, coi bộ sơ sài. Việt Nam có màn múa nón, chỉ tội bốn cô vũ công mặc áo dài mỏng, bị trận mưa ướt mẹp, quần áo lấm lem bùn đất rồi lại nhận được những tràng vỗ tay khích lệ nhiều hơn tán thưởng.

Trình diễn của Thái Lan và Việt Nam

Chương trình lễ hội chính thức kéo dài tới 8 giờ tối, nhưng chừng 6 giờ chiều các gian hàng đã lục tục thu dọn, bởi vì các món ăn đã bán hết và trời xấu, không mấy ai còn hứng thú vui chơi. Nhưng nhìn lại, hẳn mọi người thấy đây là một ngày giải trí bổ ích, không hao tốn nhiều, mà học được nhiều thứ.

.

Minh Hạnh


Cái Đình - 2019