Cái Đình


Đến Nơi Rồi – Ngày hội “Chủ nhật Văn hóa” 01/05/2016 tại Utrecht

Kể từ 2001, mỗi năm thành phố Utrecht tổ chức 6 ngày hội “Chủ nhật Văn hóa” (Culturele Zondagen), mỗi lần theo một chủ đề văn hóa mang tính thời sự, đồng thời với mục đích giới thiệusự đa dạng trong văn hóa của thành phố này đến cư dân cũng như du khách.

Ngày hội “Chủ Nhật Văn Hóa” được thành hình do sự hợp tác của những tổ chức (phần lớn là tình nguyện) phù hợp với chủ đề mỗi ngày hội.

Ngày 01/05/2016, ngày hội này mang chủ đề “Đến Nơi Rồi” (Bestemming Bereikt) gồm những màn trình diễn, giới thiệu văn hóa của người tị nạn, với ý nghĩa Utrecht là nơi "đất lành chim đậu" của nhiều sắc dân tị nạn.

Người Việt tị nạn đã đóng góp một phần không nhỏ trong ngày này, qua các tiết mục: nói chuyện về vấn đề tị nạn, về cuộc sống của họ tại Utrecht, trình diễn âm nhạc, sản phẩm… Đa số những người Việt này hiện đang tham gia vào kế hoạch “Đặc Biệt Chưa Từng Biết” (Ongekend Bijzonder) do hội BMP (Stichting Bevordering Maatschappelijke Participatie) đề xướng từ năm 2013, với mục đích tạo một kho tài liệu sống gồm những cuộc phỏng vấn video chi tiết về cuộc sống của người ngoại quốc tại Hòa Lan. Utrecht đã chọn Việt Nam là 1 trong 4 sắc dân tiêu biểu cho kế hoạch thực hiện những khúc phim phỏng vấn. Khối tài liệu này sẽ được trao cho Văn khố của các thành phố lớn trong ngày 11/05/2016. Tiffany Pham (Ngọc Hải) là một trong những người điều hợp phần Việt Nam trong kế hoạch của BMP.

Dưới đây là một số hình ảnh về ngày Chủ nhật Văn hóa 01/05/2016 tại Utrecht.

Kim Nguyen, thuộc thế hệ thứ hai trình bày cuốn sách của cô - "Thuyền Nhân 2379 Duc Thang Nguyên" - viết về gia đình cô,
với người cha là thuyền nhân (đã qua đời), mẹ bán chả giò tại Utrecht. Cuốn sách gồm những hình ảnh chọn lọc mà cô góp nhặt được trong tập ảnh gia đình,
những posters nguyên thủy cô tìm ra được, và những bức hình cô tự thực hiện. Qua bản mẫu, Kim Nguyen hy vọng tìm được nguồn tài chánh
để cô có thể phổ biến rộng rãi tác phẩm này. Phần giới thiệu sách kết thúc bằng những cuốn chả giò đãi những người tham dự, do mẹ cô mang tới

 

Phạm Văn Tuấn Anh, lớn lên ở Hòa Lan, kể về những gắn bó của anh với những kệ sách trong thư viện Utrecht, chúng đã mở ra cho anh một thế giới mới
về những truyện bằng tranh, truyện cổ tích của Hòa Lan. Phần nói chuyện của anh đã khiến cho nhiều em sau đó lưu luyến nhiều phút trong thư viện

 

Chị Nguyễn Phương Lan chia sẻ cảm nghĩ về những thay đổi trong nhân sinh quan trong suốt khoảng thời gian 35 năm ở Hòa Lan,
từ những năm luôn luôn bận rộn với công việc, gia đình cho đến khi nhận thức rằng mình đã không có những phút rảnh rỗi thực sự và
qua đó chị đã thay đổi cách sinh hoạt để tìm thấy sự thảnh thơi, cân bằng trong cuộc sống

 

Ông Nguyễn Hiền trình bày về công tác tiếp nhận thuyền nhân của Hòa Lan trong thập niên '70 - '80 và sự hướng dẫn họ trong những bước đầu, mà ông cho là rất chu đáo.
Điểm cần lưu ý là những hội đoàn của người tị nạn hay đại diện của họ đã giúp rất nhiều trong việc giảm bớt những dị biệt về quan điểm giữa hai bên

 

Anh chị Nguyễn Thanh Hùng - Bùi Tố Nga trong phần trình tấu và diễn giải một số nét trong nhạc cổ truyền Việt Nam

 

Cũng trong cùng sảnh đường, ông Đào Quốc Bảo đã đọc một đoản văn do ông viết

 

Quầy triển lãm những tác phẩm và công trình nghiên cứu về xã hội của người tị nạn Việt Nam ở Hòa Lan
và những sách/tài liệu do người Hòa Lan viết về người Việt tị nạn ở Hòa Lan - do Cái Đình thực hiện

 

Viện Bảo tàng Trung Ương của Utrecht (Centraal Museum Utrecht) trong dịp này cũng đã dành một gian phòng để trưng bày những kỷ vật của người tị nạn
(mở cửa từ 23/04 tới 02/10/2016). Trên đây là một số những kỷ vật từng gắn bó với người tị nạn Việt Nam được trưng bầy trong gian triển lãm EXPO 6
Thư Viện Trung Ương thành phố Utrecht. Ngoài ra khách đến xem triển lãm có thể nghe một khúc video phỏng vấn trong chủ đề "Ik neem je mee".

*** Bấm vào đây để nghe phần phỏng vấn này ***

 

 

Cái Đình

Hình ảnh: Từ Vĩnh Thuận, Hồng Nhật, Tiffany Pham, Nguyễn Hiền

 


Cái Đình - 2016