Quảng Pháp


Ðại diện Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan tiếp xúc với Prinses Beatrix

 

Ngày thứ hai 25-1-2016 vừa qua, tại thành phố Utrecht, một đại hội với chủ đề Hòa Bình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm mười năm hoạt động của tổ chức In Vrijheid Verbonden. Tham dự đại hội bao gồm đại diện các tôn giáo đang hoạt động tại Hòa Lan như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Do Thái giáo và Ấn Ðộ giáo. Khách danh dự là Prinses Beatrix. Ðại diện Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan (HPGVN/HL) tham dự đại hội có ba đạo hữu Nguyễn Nhựt Quang, Nguyễn Quyết Thắng và Ngô Thụy Chương.

Trong phần mở đầu, ông Lalbahadoersing, chủ tịch tổ chức In Vrijheid Verbonden đã phát biểu: “Chúng tôi muốn mọi người thấy đưọc sự phong phú và đa dạng của các truyền thống tôn giáo và triết lý tại Hòa Lan. Chúng tôi tôn trọng bản sắc riêng của mọi tổ chức, và chúng tôi cố gắng tạo diễn đàn để mọi người nói lên giá trị của mình và của nhau. Chúng tôi muốn tạo dịp gặp gỡ và trao đổi để qua đó xây dựng và phát triển lòng khoan dung.”

Tiếp đó, bà tiến sĩ Annevike Vroom, giáo sư đại học Vrije Universiteit van Amsterdam, đã có bài tham luận đề cập đến cách sống ngày càng cá nhân và vị kỷ, trong khi chủ đích của các tôn giáo đều nhằm nhắc nhở con người sống vị tha và cởi mở hơn, như vậy lời kêu gọi của các tôn giáo có ý nghĩa gì trong thời đại hiện nay? Sau bài tham luận này, các tham dự viên đã được coi một đoạn phim ngắn về hoạt động của các thiện nguyện viên của các tôn giáo trong việc giúp đỡ người tỵ nạn, cũng như được thưởng thức những bài hát nhẹ nhàng do các tín hữu thuộc mọi tôn giáo tham dự trình diễn.

Ban tổ chức đã trao quà lưu niệm cho Prinses Beatrix để đánh dấu 10 năm hoạt động. Tiếp theo đó, mọi người cùng tham dự một tiệc tiếp tân với sự hiện diện của Prinses Beatrix.

Trong dịp này, đại diện HPGVN/HL đã có dịp tiếp xúc trực tiếp với Prinses Beatrix. Ðạo hữu Ngô Thụy Chương, sau khi tự giới thiệu thuộc HPGVN/HL, đã cho biết mình là người tỵ nạn Việt Nam đến định cư tại Hòa Lan năm 1981, lúc Nữ hoàng Beatrix vừa lên ngôi. Ðạo hữu Ngô Thụy Chương đã nói lên tâm tình của một người tỵ nạn Việt Nam, không bao giờ quên nghĩa cử cao đẹp mà Nữ hoàng Beatrix cũng như chính phủ và nhân dân Hòa Lan đã mở rộng vòng tay tiếp đón người tỵ nạn Việt Nam.

Prinses Beatrix đặt câu hỏi: “Có phải Phật giáo có nhiều nhánh khác nhau, và sự liên hệ giữa các nhánh như thế nào?”

Một tín hữu Phật giáo bạn trả lời: “Có rất nhiều nhánh, nhưng chỉ khác biệt về hình thức và do bắt nguồn từ sự phát triển của Phật giáo về mặt địa lý.”

Ðạo hữu Nguyễn Nhựt Quang giải thích thêm: “Có nhiều hình thức khác nhau trong Phật giáo, nhưng chúng tôi có thể sống chung với nhau một cách tốt đẹp. Người Phật tử Việt Nam tự hào rằng chúng tôi đã tạo phương tiện cho các Phật tử Tích Lan được sinh hoạt tại ngôi chùa của chúng tôi, mặc dù Phật giáo Tích Lan thuộc về một nhánh khác.”

Prinses Beatrix: “Tôi nghĩ, điều quan trọng là các nhánh khác nhau hay các tôn giáo khác nhau tìm đến với nhau và cố gắng cảm thông nhau.

Ðạo hữu Nguyễn Nhựt Quang nói tiếp: “Chúng tôi, những người Việt Nam tỵ nạn, đã trải qua kinh nghiệm là chúng ta cũng có thể tìm thấy tình người ngoài tôn giáo của mình. Chúng tôi đã trốn chạy khỏi quê hương, đi tìm tình người tại một quốc gia khác, có văn hóa và tôn giáo khác biệt hoàn toàn. Nhưng chính tại nơi đây, chúng tôi đã tìm lại được tình người. Và cho đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ và tri ân, và chúng tôi không bỏ qua cơ hội mỗi khi có dịp nói lên điều này.”

Prinses Beatrix: “Nếu lời nói này được cả triệu người nghe thì thật quý hóa.”

Buổi sinh hoạt chấm dứt lúc 18:30 giờ, cùng ngày.

Ðược biết In Vrijheid Verbonden, là một tập hợp của đại diện các tôn giáo tại Hòa Lan, hoạt động với mục đích cùng nhau kết hợp để tạo sức mạnh trong việc tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo.

Quảng Pháp

 


Cái Đình - 2016