Cái Đình


Ca sĩ Nguyệt Ánh với “We March for Freedom” tại Nieuwegein

Trong chuyến lưu diễn “We March for Freedom” (Chúng Tôi Tuần Hành Cho Tự Do), ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh cùng phái đoàn đã có một buổi sinh hoạt ca nhạc đấu tranh tại hội trường ‘t Veerhuis, Nieuwegein vào tối 27/03/2015.

Chuyến công tác của đoàn nghệ sĩ 14 người kéo dài 2 tuần (từ 18/03 đến 31/03/2015) qua 8 quốc gia Âu châu, với 9 địa điểm trình diễn. Cuộc lưu diễn nhằm mục đích vận động dư luận quốc tế ủng hộ cho công cuộc đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền cho người dân Việt Nam. Ngoài ra cũng là một chuyến lưu diễn để tưởng nhớ đến ca nhạc sĩ Việt Dzũng, người bạn đấu tranh khắng khít với Nguyệt Ánh suốt 40 năm, đã qua đời ngày 20/12/2013.

Trong lời mở đầu, Nguyệt Ánh giới thiệu những thành viên trong nhóm “We March for Freedom” (tại Nieuwegein có 12 thành viên hiện diện), là những người thuộc thế hệ thứ 1 và thứ 2, cư ngụ tại Hoa Kỳ, Pháp, Úc…, đã tình nguyện theo đuổi công tác này. Trong chuyến đi, đoàn hoàn toàn tự túc phương tiện di chuyển và chỗ ăn ở, không nhận bảo trợ của bất cứ hội đoàn hay đảng phái chính trị nào. Tuy nhiên, nhìn qua khung cảnh hội trường, cách thức tổ chức… chúng ta có thể thấy Nhóm Vinh Danh Cờ Vàng Hòa Lan đã nhiệt tâm hỗ trợ, thêm sự cộng tác vận động của anh chị Du ca viên Nguyễn Quyết Thắng – Minh Chiến. Nguyễn Quyết Thắng cũng là người đã đóng góp nhiều cho những sinh hoạt của Nguyệt Ánh – Việt Dzũng trong giai đoạn khởi đầu cho công cuộc đấu tranh bằng lời ca từ những năm cuối thập niên ’70, đầu thập niên ’80.

Sau phần dâng hoa tưởng niệm Việt Dzũng, Nguyệt Ánh đã tâm tình với đồng hương qua những mẩu chuyện liên quan đến chuỗi ngày hát nhạc đấu tranh, kể từ khi lên tàu ngày 30/05/1975, qua mối dây thâm tình với một số ca nhạc sĩ tại khắp nơi đã hướng dẫn chị trong bước đầu, những ngày gắn bó với đồng bào trong những buổi trình diễn… Những câu chuyện vui, buồn… gây xúc động cho những khán giả đang lắng tai nghe chị tâm sự bằng những diễn tả chân tình, thân mật. Những mẩu chuyện được đan xen bằng những ca khúc hát cho quê hương, từ hùng tráng đến tâm tình. Hai ca khúc “để đời” của Việt Dzũng, “Một Chút Quà Cho Quê Hương” và “Lời Kinh Đêm” qua tiếng ca truyền cảm của Vương Phùng Sơn đã khiến chị phải rưng rưng lau nước mắt khi nhớ đến những kỷ niệm xưa với người quá cố.

Bích Châu trong "Hẹn Em Ngày Chủ Nhật" và Vương Phùng Sơn trong "Lời Kinh Đêm"

Những ca khúc được Nguyệt Ánh sáng tác trong những biến cố đặc biệt đã được chị dành nhiều thời giờ dẫn giải, là “Em Vẫn Mơ Một Ngày Về” do chị sáng tác từ những ngày đầu tị nạn, và cùng hát với đứa con gái 14 tháng tuổi, “Hẹn Em Ngày Chủ Nhật” khi nghe tin những người tranh đấu ở Việt Nam hẹn hò nhau ra điểm tập trung biểu tình, hay bài được lấy làm chủ đề cho chuyến công tác này, “We March For Freedom” chị sáng tác trong ít phút xuất thần khi tham gia phong trào “biểu tình dù” ở Hong Kong, mà tối nay chị mời mọi người cùng hát…

Nguyệt Ánh và ca sĩ Tuấn Minh cũng hào hứng kể lại chuyến lưu diễn, khởi đầu từ Ba-Lan, “thủ đô” của tai sai Việt cộng tại hải ngoại, nhưng rồi qua phần lý luận đầy thuyết phục, phút gay cấn ban đầu đã nguội đi. Tuấn Minh vui mừng cho biết là ít ra đoàn cũng đã gieo vào đầu những người tham dự đêm đó suy nghĩ về những nỗi đau đất nước Việt Nam đang phải gánh chịu, cộng thêm mối đe dọa từ phương Bắc trong khi nhà nước Việt Nam ù lì hay có những hành động đi ngược lại những đòi hỏi của người dân Việt yêu nước.

Kỷ niệm về cuộc tiếp xúc với Hội đồng Nhân Quyền LHQ và Quốc hội Âu châu cũng là một dấu ấn đậm nét, khi họ thấy phái đoàn đến với một tư thế khác hẳn những đoàn thể đảng phái thường đến với một bản kiến nghị trong tay.

Chen giữa những giây phút bừng bừng hào khí là những bản nhạc nhẹ mang tình tự quê hương hay tình đồng đội. Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng đã đáp lại bằng một sáng tác của anh, “Những Nụ Bông Cau”.

Nguyễn Quyết Thắng trình bày sáng tác của anh: "Những Nụ Bông Cau"

Hai giờ rưỡi trôi qua nhanh chóng. Âm vang những nhịp vỗ tay và lời hô “Freedom for Vietnam, Tự do cho Việt Nam”, “Ta thề chết chứ không hề lui, Quyết không hề phản bội quê hương”… như vẫn còn vang vọng. Nguyệt Ánh và nhóm thân hữu quyến luyến chia tay mọi người, chị cho biết trong chuyến công tác này chưa có buổi nào có được âm thanh tốt như tối nay, và khán giả hưởng ứng rất nhiệt tình. Chị bùi ngùi tâm sự: “không biết có phải lần cuối không, vì lý do tuổi tác, sức khỏe…”, nhưng chị hy vọng phong trào tranh đấu bằng giọng hát lời ca sẽ được những thế hệ sau tiếp nối. Ca sĩ Tuấn Minh nhấn mạnh khi hỏi chuyện riêng anh, là đây không phải buổi “trình diễn”, mà là “trình bầy”, trình bầy tâm tư nguyện vọng của những người khắc khoải với tương lai đất nước.

Buổi sinh hoạt thu hút được khoảng 80 người, theo Nguyệt Ánh là hơn con số chị nghĩ khi đến Hòa Lan.

Cái Đình
(03/2015)


Cái Đình - 2015