Lê Ngọc Vân
Viễn tượng về “vaccin Covid-19”
.
Gần một năm đã trôi qua kể từ khi con virus corona mang tên SARS-CoV2 gây bệnh Covid-19 cho hàng chục triệu người (có lẽ phải tới cả trăm triệu vì có rất nhiều trường hợp không phát hiện hoặc không đưa vào thống kê) và cho tới nay (tháng 9/2020) số tử vong đã là 800 ngàn trên toàn thế giới. Đã hơn nửa năm nhân loại đang trông ngóng một loại thần dược, có thể trị hoặc ngừa chứng bệnh thế kỷ này.
Cách vài tuần, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta nghe tin mừng: thuốc chủng này có lẽ có hiệu nghiệm, công ty này đang thử nghiệm thành công v.v.. Nhưng rồi chúng vẫn chỉ là… tin trên báo, trên đài, chưa có dấu hiệu gì cho thấy dân chúng trong tương lai gần sẽ được chích. Tương lai gần, ý nói là mùa thu-đông 2020, khoảng thời gian virus cúm mùa hoành hành. Hai thứ virus cộng chung có nguy cơ làm phần lớn sinh hoạt bị tê liệt.
Để trị được virus nói chung, và con virus corona này nói riêng, có 2 hướng chính:
Bài này chỉ để cập đến hướng thứ 2, tức là thuốc chủng (chích) ngừa.
***
Virus corona là tên gọi chung của một chủng virus, đã được phát hiện và nghiên cứu từ thập niên ‘50 của thế kỷ trước. Cho tới nay, người ta đã biết là có 7 chủng virus này có thể nhiễm vào người. 3 đợt dịch lớn do virus corona gây nên là SARS (2003, gần 10.000 người bị nhiễm), MERS (2012, hơn 1000 người bị nhiễm) và Dịch viêm phổi Vũ Hán (2019).
Cho tới nay, 17 năm sau dịch SARS, vẫn chưa có thuốc chủng nào được coi là công hiệu ngừa nhiễm virus corona.
Vaccin tác động ra sao?
Hai nguyên tắc chung của vaccin (thuốc chủng hoặc thuốc chích) là:
Trên thực tế, một vaccin được cho là có hiệu quả khi tác động của nó kéo dài đủ lâu để cơn dịch qua đi, vì một đặc tính của virus là chúng đột biến liên tục, cơn dịch thường xảy ra theo hình chiếc chuông, tức là có một cao điểm và sau đó sự lây lan giảm dần, một phần là do khi người đã mắc bịnh và khỏi thì trong người có một lượng kháng thể, độ lây lan vì thế cũng giảm đi.
Một câu hỏi quan trọng trong bệnh Covid-19 mà chúng ta ít được nghe truyền thông đặt ra là: cơ thể duy trì tính miễn nhiễm được bao lâu? Nói cách khác: cơ thể “nhớ” được con virus này lâu hay mau? Câu hỏi này quan trọng vì đây là một trong những yếu tố quyết định. Chủng đậu (trồng trái) chỉ cần 1 lần, là cơ thể nhớ suốt đời. Vaccin DTP (bạch hầu, ho gà, uốn ván) có thời gian hiệu nghiệm là 10 năm. Về Covid-19, những chi tiết về kháng thể còn rất mù mờ, hay nói cho đúng hơn, theo những dữ kiện thu lượm được, dường như cơ thể không “nhớ” được con virus này sau vài tháng. Chúng ta vẫn còn phải chờ cho khoa dịch tễ đưa ra câu trả lời chính xác. Và cũng không may, càng ngày người ta càng phát hiện ra những trường hợp khỏi Covid-19 rồi mà bị nhiễm ngay lại (qua khảo sát bộ gen mỗi lần nhiễm, người ta có thể biết chắc chắn đó là nhiễm lại, không phải do virus trong người chưa bị tận diệt).
Ngoài ra, một vaccin tốt phải là vaccin giúp cho hệ miễn dịch trong người nhớ một cách tổng quát hơn là nhớ chuyên biệt một dạng virus. Muốn biết vậy, cần phải có thời gian thử rộng rãi. Ở Hoa Kỳ, người ta thường lấy mốc là 30.000 người dùng thuốc để đánh giá độ tin cậy.
Tiến trình nghiên cứu
Cũng như mọi loại thuốc mới, trước khi được cấp giấy phép sản xuất, công trình nghiên cứu phải qua các giai đoạn sau:
Tiến trình này đã được tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới chấp nhận.
Kèm theo những nghiên cứu chuyên biệt về thuốc, còn có những nghiên cứu thuần về lý thuyết để bổ sung cho luận cứ về tác dụng của thuốc. Những nghiên cứu này thường là nghiên cứu mở, qua các báo cáo y khoa trên các tạp chí mà người ta có thể tham khảo. Những nghiên cứu chuyên biệt thường được giữ kín trong phạm vi công ty phụ trách nghiên cứu. Trong trường hợp Covid-19, có những nghiên cứu các vaccin khác với hy vọng tác dụng của thuốc được tăng cường, một trong những nghiên cứu này là ảnh hưởng tích cực của vaccin BCG trên những người đã được chủng ngừa lao với vaccin này.
Chi phí cho một cuộc nghiên cứu một thứ thuốc hoàn toàn mới, như vaccin ngừa virus corona, là không dưới 1 tỉ đô la.
Hiện có bao nhiêu thuốc chủng Covid-19 đang trong vòng thử nghiệm?
Hiện giờ, có khoảng từ 150-200 loại vaccin khác nhau đang được thử nghiệm, phần lớn còn trong giai đoạn thử trong phòng thí nghiệm trên mẫu cấy hoặc trên thú vật. Trên 20 vaccin có triển vọng thành công đã được thử trên người, trong đó có khoảng 10 vaccin được cho là có nhiều hứa hẹn. Thống kê ngày 01.09.2020 cho biết đã có 8 vaccin đang bước vào giai đoạn 3. Những vaccin có nhiều tiểm năng là những vaccin do các công ty sau đây đang tiến hành nghiên cứu:
Có thể kể thêm một số quốc gia khác như Hàn Quốc (có 2 vaccin đang trong giai đoạn thử hạn chế trên người), Nhật, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan (mỗi nước có 1 vaccin đang trong giai đoạn thử hạn chế). Ngay cả những nước như Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Cuba… cũng có những vaccin đang trong giai đoạn thử trên người. Việt Nam cũng có hợp tác trong vài cuộc nghiên cứu vaccin, và cũng đang tự nghiên cứu để phát mình ra 4 loại vaccin, tất cả đều sử dụng công nghệ virus vector và đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (thử trên thú vật).
Cuộc nghiên cứu về bản thể virus, để dựa vào đó (tìm cách) chế ra vaccin trong nửa thế kỷ vừa qua đã có những bước nhảy vọt. Người ta có thể nhanh chóng giải mã trình tự bộ gen bằng những công nghệ phân tích vi lượng. Công ty Moderna cho biết nhờ vào kỹ thuật hiện đại, họ đã trong vòng 2 tháng đã thực hiện được vaccin khởi đầu. Janssen dùng virus cúm mùa và cấy vào trong đó một đoạn gen của chủng virus corona để làm ra con virus mới với hy vọng nó sẽ kích thích được hệ miễn nhiễm ngăn được corona virus đồng thời ít gây phản ứng phụ (tốt tương đương với vaccin ngừa cúm mùa).
Nói chung, khi được đem vào thực tế, trước tiên vaccin được áp dụng trên những người làm trong ngành y tế, sau đó là những người có công việc phải tiếp xúc thường xuyên với nhiều cá nhân khác nhau, và những người dễ bị bệnh nặng khi nhiễm virus cúm.
Chỉ thuần là khoa học?
Trong cục diện toàn cầu hiện tại, khó có thể coi cuộc chạy đua nghiên cứu vaccin hiện tại là cuộc nghiên cứu khoa học thuần túy. Quốc gia nào có thể chứng minh trước nhất về phẩm chất của vaccin (tạo được miễn nhiễm lâu dài + ít phản ứng phụ), ngoài việc chiếm thượng phong về thành tích, còn là một vũ khí tuyên truyền lợi hại và còn có thể làm cuộc nghiên cứu tiếp theo bị tê liệt một phần lớn.
Tại sao vậy?
1. Trong nghiên cứu dược phẩm, các quốc gia đã đề ra một tiến trình nghiên cứu phải theo, và hồ sơ đăng ký phải hội đủ một số điều kiện về sự công hiệu, mức độ an toàn và khả năng áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, đây chỉ là một qui định mang tính hướng dẫn. Hội đồng xét duyệt sẽ căn cứ vào những biện luận có dẫn chứng của công ty đăng ký, và họ có thể cân nhắc lợi hại giữa tác dụng của thuốc và sự thiệt hại về mặt sức khỏe nói chung (nếu không có thuốc). Hai thí dụ cụ thể: Aspirin và Penicilline. Giả sử nhân loại chưa có hai thứ thuốc này và một công ty xin cấp phép sản xuất cho chúng, hồ sơ đăng ký sẽ không bao giờ được chấp thuận với lý do có quá nhiều phản ứng phụ xảy ra thường xuyên cho người dùng. Tóm lại, tùy theo tình hình, chính phủ có thể cấp phép cho một dược phẩm mới với những biệt lệ mà người ngoài khó biết được. Các nước có một chính sách độc tài kiểu cộng sản còn có thể đốt giai đoạn vì họ không đặt nặng vấn đề đạo đức (bỏ luôn, hoặc bỏ phần lớn giai đoạn 1), và sẵn có nhiều người “tự nguyện một cách bắt buộc” làm vật thí nghiệm để lấy con số. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc và Nga cho quân đội thử nghiệm thuốc vaccin mới. Khi loan báo sẽ đưa vaccin Sputnik-V ra áp dụng rộng rãi, Nga cũng tuyên bố là vaccin này chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm trên người (giai đoạn 3). Nga đã thắng ván đầu mà không quốc gia nào có thể chống lại, vì Nga tạm thời chỉ sử dụng vaccin này trong nội địa (và cho các khách hàng đồng ý mua với thỏa thuận chịu rủi ro), cho dù đây đó có sự phê phán. Trong tương lai, có lẽ Hoa Kỳ và Trung Quốc khó tránh khỏi chuyện đi theo vết xe do Putin vẽ ra.
2. Tuy có nhiều quốc gia chạy đua trong việc chế vaccin, nhưng hy vọng vẫn nằm trong vài quốc gia đạt được trình độ khoa học cao: Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga. Những quốc gia khác phải tìm cách hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vì thiếu vốn để có thể tự đầu tư vào công trình nghiên cứu. Thậm chí nhiều quốc gia còn phải đặt mua vaccin trước tại các công ty đưa ra lời hứa sắp thành công, vì sợ chậm chân. EU đã đặt mua trước 300 tới 400 triệu liều của công ty AstraZeneca với quảng cáo của hãng là “đầy hứa hẹn”. “Chúng ta không thể nào chấp nhận được là nếu trong tương lai, khi có vaccin, sẽ là người đứng xếp hàng sau chót để chờ mua”, bộ trưởng Bộ Sức Khỏe Hòa Lan giải thích cho công chúng như vậy. Thế giới đã sang thời đại mới chăng? Chưa thấy hàng đâu, cũng chưa thấy có gì hứa hẹn lắm mà đã chầu chực xếp hàng đưa tiền trước!
Chúng ta có thể suy luận thêm là trong hoàn cảnh ngặt nghèo (giả sử dịch Covid-19 bùng phát mạnh và kinh tế suy thoái trầm trọng), các quốc gia sẽ dùng áp lực, và đồng thuận với nhau để cho vaccin được tung ra thị trường với một số phản ứng phụ “chấp nhận được”. Thí dụ: giả sử cứ 10 người chích thì có 5 người bị nóng lạnh ngày hôm sau, thì có sao đâu?, người ta sẽ lý luận như thế, cho dù mục tiêu đặt ra khi khởi đầu là tối đa 1/10 sẽ bị nóng lạnh khi chích.
3. Nếu theo dõi chặt chẽ tin tức về Covid-19 và vaccin, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra là những quốc gia ở Nam Phi, Trung Mỹ, châu Mỹ Latinh, Brazil, Ấn Độ, vài nước ở vùng Tiểu Á v.v. được các công ty đang nghiên cứu vaccin hứa hẹn sẽ giúp, hoặc đã thực hiện việc mang thuốc chủng tới để giúp dân chống lại bệnh dịch. Cũng như Trung Quốc từng hứa (và đã thực hiện) tặng không hàng triệu khẩu trang cho một số quốc gia, đó chỉ là cái bẫy để lôi kéo các quốc gia non yếu vào vòng ảnh hưởng của họ, và khi nói về vaccin, đó là một nơi thử thuốc rất rẻ tiền và có kết quả rất nhanh. Peru, Maroc, Argentina, Vương quốc Ả Rập Thống Nhất… đã ưng thuận hợp tác với Trung Quốc trong việc thử nghiệm vaccin ở diện rộng. Venezuela bắt tay với Nga v.v.. Các nước nghèo không có cách nào khác là chấp nhận lời đề nghị. Việt Nam đã đặt mua từ 50 tới 150 triệu liều vaccin của Nga với “giá hạ”, là một trong nhiều thí dụ. Nhờ cách này, các quốc gia giàu có đã có thể tạo được một tình hữu nghị với các nước “nghèo” để có thể nhờ vào đó đạt được những mục đích khác trong tương lai.
4. Nếu tình trạng đã tiến tới mức bát nháo như vậy, các cuộc nghiên cứu tiếp theo sẽ bị chựng lại một thời gian. Không ai dại gì bỏ rất nhiều tiền ra để làm một thứ thuốc chắc gì đã có khách hàng, vì những khách hàng cũ đã bị buộc chặt vào các công ty mà họ mua thuốc, với các thủ đoạn cạnh tranh khi có công ty khác tìm ra thuốc mới, tốt hơn. Người ta có thể nghĩ rằng: nếu sau này, khi đúc kết kết quả nếu thấy là vaccin của công ty (hoặc nước) nào đó không đáp ứng được yêu cầu thì công ty đó hoặc nước đó sẽ bị mất mặt. Đây thực ra chỉ là một cách để tự an ủi là mọi chuyện chắc là sẽ diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng hiện nay, thuốc có lẽ chỉ được sử dụng trong vùng ảnh hưởng của một khối quốc gia, người ta sẽ có nhiều cách tuyên bố để làm nhẹ đi tiếng xấu trong trường hợp kết quả ra ngoài tầm dự phóng, đó là tài nghệ của ngành quảng cáo thời nay.
Kết luận
Để tóm tắt, có thể nói người ta đã tiến đến gần mốc thành công đầu tiên trên con đường tìm vaccin ngừa Covid-19. Có nhiều hy vọng là đến giữa năm 2021 phần lớn dân chúng sẽ có thể được chích ngừa. Tuy nhiên, hai câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ là: 1. vaccin này có công hiệu trong bao lâu, và 2. phản ứng phụ của nó như thế nào. Dù sao, cung cách sinh hoạt ngoài xã hội chắc chắn sẽ phải thay đổi không ít thì nhiều. Thật là rủi nếu chẳng may người ta không chứng minh được là các loại vaccin đang nghiên cứu đã mang lại tác dụng như mong muốn. Nếu quả thực như vậy, sẽ có một thay đổi lớn trong ứng xử xã hội. Trong quá khứ không xa lắm, đã có một trường hợp tương tự xảy ra: cho tới giờ vẫn chưa có vaccin ngừa bệnh Aid, do virus HIV gây ra.
.
Lê Ngọc Vân
(09.2020)
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/vientuongvevaccin.htm