Phạm Đình Lân


Vài loại hoa đẹp vào mùa thu

.

Mùa thu là mùa gió, mùa lá đổ. Đó là mùa của các thi nhân, văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia. Nếu nghiệm kỹ ta thấy trong ngày cũng có bốn mùa:

a. Buổi bình minh tương ứng với mùa Xuân, khí trời mát mẻ, con người cảm thấy khoan khoái sau một giấc ngủ dài. Khi thức dậy thấy ánh sáng mặt trời ban mai tươi sáng và mát mẻ.
b. Lúc giữa trưa trời nóng bức. Đó là mùa hạ trong ngày.
c. Khi mặt trời lặn, gió thổi hiu hiu mát, dễ chịu. Đó là cảnh mùa thu trong ngày.
d. Khi sụp tối trời lạnh dần. Càng về khuya càng lạnh hơn. Đó là mùa đông trong ngày.

Mùa Xuân khí Âm và khí Dương cân bằng nhau. Âm (-) = Dương (+). Ngày và đêm bằng nhau.
Mùa Hạ khí Dương nhiều hơn khí Âm. Dương (+) > Âm (-). Ngày dài hơn đêm với tháng 05 (Â.L.) chưa nằm đã sáng.
Mùa Thu khí Âm bắt đầu cao hơn khí Dương đôi chút. Âm (-) > Dương (+). Khí trời mát mẻ nhưng hơi lạnh. Đêm dài hơn ngày đôi chút.
Mùa Đông khí Âm lấn át khí Dương. Âm (-) .>>. Dương (+). Đêm dài hơn ngày với tháng mười (A.L.) chưa cười đã tối.

Vào mùa thu cây cối đều rụng lá. Trước khi rụng, lá cây miền ôn đới đổi màu vàng, đỏ, xanh, tím rất đẹp. Sự biến đổi màu sắc này làm vui mắt con người trước cảnh ảm đạm của mùa thu.

Con người vào mùa thu của cuộc đời là vào tuổi trung niên bước sang tuổi cao niên, từ ngưỡng cửa mùa thu lá đổ sang mùa đông giá buốt, tuyết phủ trắng đồng. Hàn khí bao trùm cuộc đời của người bước vào tuổi mùa đông. Âm lấn át Dương. Trước khi vào hàn môn Thượng Đế cho con người hoài tưởng và thấy lại hạnh phúc (Đỏ), cảnh huy hoàng rực rỡ (Vàng), sự u sầu và buồn thảm (Tím, Xanh) của quá khứ trôi qua như những chiếc lá đỏ, vàng, tím, xanh bị gió mùa thu cuốn khỏi cây già.

Mùa thu chỉ có thế thôi sao? Mưa? gió? lá đổ? mây chập chùng? Chỉ có:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo?

hay:

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi?

Con người kỳ thị mùa này với mùa kia, màu sắc này với màu sắc kia nhưng Thượng Đế thì không. Tất cả đều là sản phẩm của Thượng Đế. Vào mùa thu vẫn có nhiều loại hoa đẹp mà chúng tôi sắp đề cập trong những trang giấy nhỏ hẹp này. Mùa thu là mùa của hoa cúc. Vẻ đẹp trang nhã nhưng không kém phần lộng lẫy và rực rỡ của hoa cúc mang niềm vui và sự lạc quan cho loài người để quên đi cảnh ảm đạm của mùa thu lá đổ.

Dưới đây là vài loài hoa đẹp vào mùa thu:

HOA ANEMONE NHẬT BẢN

Phong Hoa
Anemone japonica
Anemone hupehensis
Gia đình: Ranunculaceae

Hoa Anemone japonica 'Hadspen Abundance' (Alamy)

Hoa Anemone japonica 'Honorine Jobert' (Photolibrary.com)Hoa Anemone hupehensis 'Bressingham Glow' (Nicola Stocken Tomkins) 

Hoa anemone là dòng hoa mà Chúa Jesus đề cập trong Tân Ước Kinh. Đó là hoa Kalaniot (tiếng Hebrew) mang tên khoa học Anemone coronaria, gia đình: Ranunculaceae. Chúng tôi gọi là hoa huệ đồng cỏ.

Hoa anemone Nhật Bản mang tên khoa học Anemone japonica hay Anemone hupehensis, gia đình: Ranunculaceae. Thực tế loài hoa này gốc ở miền tây nam Trung Hoa và được du nhập vào Nhật từ nhiều thế kỷ trước. Người Anh gọi là:

1. Windflower (Phong Hoa)
2. Japanese anemone
3. Chinese anemone.

Cây hoa nhỏ, có nhiều nhánh, cao lối 1m. Lá chẻ ba, màu xanh sẫm, có lông mịn trên mặt lá. Hoa rất đẹp, có nhiều cánh màu trắng, hồng, tím-xanh. Nhụy vàng, có hột nhỏ li ti. Hoa nở vào mùa thu. Có lẽ vì vậy mà có tên ‘phong hoa’ (vì mùa thu là mùa có nhiều gió?).

Hoa Anemone acutilota

Hoa Anemone acutilota hay Anemone hepatica được xem là dược thảo trị bịnh gan, thận, bàng quang, cổ trướng, ho, viêm phế quản, táo bón, cầm máu (tannins nhiều trong lá). Hoa có nhiều cánh màu trắng, tím, hồng, xanh dương. Nhụy vàng. Lá tươi có độc chất protoanemonin C5 H4 O2. Khi phơi khô protoanemonin biến thành anemonin C10 H8 O4. Lá khô sắc uống như trà hay thuốc sắc để trị bịnh.

Người Anh gọi hoa Anemone hepaticaLiverwort (Cỏ Trị Gan), Kidneywort (Cỏ Trị Thận).

HOA HUỆ THIỀM THỪ

Tricyrtis formosana
Gia đình: Liliaceae

Hoa huệ Thiềm Thừ Tricyrtis formosana (trái) và Hoa huệ Thiềm Thừ ‘Samurai' (phải)

Gọi là hoa huệ thiềm thừ vì hoa to, 06 cánh có nhiều đốm đỏ-tím trên mặt các cánh hoa như những nốt đỏ trên da con cóc. Chữ Formosana trong tên khoa học gợi lại xuất xứ đảo Taiwan (Đài Loan) của hoa. Loài hoa huệ thiềm thừ này cũng có nhiều trên quần đảo Ryu Kyu (Lưu Câu) ở miền nam nước Nhật.

Tên khoa học của hoa huệ thiềm thừ là Tricyrtis formosana, gia đình: Liliaceae. Người Anh gọi là Toad Lily. Đôi khi họ còn gắn thêm chữ Samurai (hiệp sĩ Nhật) để gợi lên xuất xứ Ryu Kyu của Nhật Bản.

Cây hoa huệ thiềm thừ cao lối 80cm; lá dài, đầu lá nhọn màu xanh nhạt. Rìa lá có vết vàng nhạt. Hoa màu trắng, 06 cánh, có nhiều đốm đỏ-tím.

HOA HƯỚNG DƯƠNG MẮT BÒ Heliopsis helianthoides

Heliopsis scabra
Gia đình: Asteraceae

Hoa hướng dương mắt bò

Người Anh gọi hoa Heliopsis helianthoidesFalse sunflower, oxeye, oxeye sunflower. Đây là một loại hoa to như hoa cúc màu vàng, nhiều cánh hoa. Nhụy màu vàng cam. Cây cao từ 1 - 1,5 m; lá dài, đầu lá nhọn. Cuống hoa dài màu xanh sẫm phủ lông mịn. Hoa màu vàng rất đẹp.

Chúng tôi không dùng chữ False sunflower (Giả hướng dương – Hướng dương: hoa quỳ. False sunflower: giả quỳ. Giả quỳ mang tên khoa học Tithonia diversifolia cùng gia đình hoa cúc Asteraceae). Hoa hướng dương mắt bò to, nhiều cánh như hoa hướng dương. Hoa hướng dương mắt bò cũng cùng màu, cùng hình dạng và cùng gia đình thảo mộc với hoa hướng dương nhưng hoa nhỏ hơn. Xin đừng nhầm hoa hướng dương mắt bò với hoa cúc mắt bò (Oxeye daisy) mang tên khoa học Chrysanthemum leucanthemum.

Hoa hướng dương mắt bò (oxeye sunflower) có helioxanthin C20 H12 O6, heliobuphthalmin C22 H22 O8 được dùng để ngăn ngừa sự kết bướu não. Người ta cho rằng hoa hướng dương mắt bò có chất kích thích và gây ghiền cannabimimetics. Các lực sĩ bị cấm không được dùng cannabimimeticscannabinoids. Các chất này được tìm thấy trong cây cần sa Cannabis sativa.

HOA HELE

Hoa Hắt Hơi
Helenium autumnale
Gia đình: Asteraceae

Hoa hắt hơi Helenium autumnalE (trái) và Hoa hắt hơi 'Moerheim Beauty' (phải)

Chữ Helenium trong tên khoa học gợi lên tên của Helen thành Troy trong huyền thoại Hy Lạp. Do đó hoa này được gọi là Helen flower. Cũng có giả thuyết cho rằng hoa này có nhiều trên đảo Helen nên gọi là Helen flower, false sunflower (hướng dương giả).

Hoa Helen còn có tên thông thường khác là sneezeweed, bitterweed. Người ta cho rằng lại gần cây hoa Helen thì bị hắt hơi. Về chuyện này có hai luồng dư luận hoàn toàn trái ngược nhau. Một xác nhận và một phủ nhận.

Cây hoa Helen mang tên khoa học Helenium autumnale thuộc gia đình Asteraceae của hoa cúc. Cây hoa cao từ 60cm đến 150cm. Hoa có nhiều cánh uốn ngược về phía sau. Nhụy to. Hoa màu vàng, đỏ hay tím rất đẹp.

Lá, hoa, hột (trong nhụy hoa) của hoa Helen (Hoa hắt hơi) có độc chất cho người, chó, dê, trừu, ngựa, cá. Độc chất đó là sesquiterpenes lactones helenalin C20 H25 O5 gây ray rức cho da khi đụng đến và gây nôn, bào bọt bao tử khi ăn vào. Hoa Helen chỉ hấp dẫn loài bướm.

Ở Bắc Mỹ người Da Đỏ dùng hoa Helen để trị sốt và cảm hàn.

Cùng dòng Helenium có hoa mộc hương có dược tính rất cao. Tên khoa học của hoa mộc hương hay thổ mộc hương là Inula helenium, Helenium grandiflora (Hoa Helen đại đóa), Aster helenium (Cúc Helen) thuộc gia đình Asteraceae.

Hoa mộc hương hay thổ mộc hương Inula helenium

Truyền thuyết người đẹp Helen thành Troy trong huyền thoại Hy Lạp được nhắc đến. Nào là nước mắt của Helen khi bị Paris bắt cóc đã khóc. Nước mắt của người đẹp Helen biến thành hoa mộc hương này. Nào là giả thuyết có thể người đẹp Helen dùng củ của thổ mộc hương để trị bịnh khi bị trùng độc cắn.

Tên gọi thông thường của hoa mộc hương (thổ mộc hương) là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Mộc hương; thổ mộc hương

Anh

Wild sunflower (hướng dương hoang), horse heal, elecampane

Pháp

 Aulnée

Tây Ban Nha

Enula campana

Hoa mộc hương có củ. Hoa màu vàng có nhiều cánh như hoa cúc hay hướng dương. Lá dài. Thân mềm màu xanh lá cây. Hoa mộc hương được tìm thấy khắp lục địa Âu - Á - Phi Châu.

Người Anh gọi hoa mộc hương là horse heal vì ngày xưa người ta dùng mộc hương (elecampane) làm thuốc chữa bịnh cho ngựa. Ở Pháp và Thụy Sĩ người ta dùng mộc hương làm rượu áp-sanh (absinthe). Rượu Vin d’aulnée có mùi rượu áp-sanh.

Củ mộc hương có nhiều chất nhầy, vị đắng và có mùi long não. Củ dùng để làm thuốc phải có ít ra 03 tuổi. Củ mộc hương là một nguồn inulin C6 H12 O6, helenin C15 H20 O2.

Mộc hương nhuận tiểu, cầm máu, lợi phế (trị suyễn và các bịnh về phổi). Đó là thuốc trị bịnh cho trừu, ngựa v.v…

Ở Hoa Kỳ củ mộc hương được dùng để trị bịnh ngoài da. Vào cuối thế kỷ XVIII vùng New England người ta dùng củ mộc hương trị chứng ngộp nước vì bị chó dại cắn.

Ở Việt Nam củ mộc hương dùng để trị bịnh về hô hấp, cước khí và tiêu hóa.

Ở Âu Châu củ mộc hương được dùng để trị bịnh về phổi, kháng trùng, làm thuốc bổ, điều kinh.

Củ mộc hương còn dùng để cất dầu, làm mầu nhuộm xanh.

HOA CHÙM CANDIA DÒNG IBERIS

Candytuft
Iberis amara
Gia đình: Brassicacea

Hoa Chùm Candia

Tên gọi của hoa Iberis amara thuộc gia đình Brassicaceae hay Cruciferae là CANDYTUFT. Trong cây hoa này không có gì liên quan đến kẹo cả ngoại trừ hương thơm của hoa và vị đắng và nồng của cây hoa.

Chữ IBERIS gợi lên bán đảo Iberia của hai xứ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì loài hoa này có nhiều trên bán đảo Iberia. Chữ AMARA phát xuất tiếng La Tinh AMARUS (amer ) có nghĩa là đắng, vị đắng và nồng của cây hoa này.

Chữ CANDYTUFT kết hợp bằng hai chữ CANDIA + TUFT.

Candia là một hải cảng trên đảo Crete ở miền đông Địa Trung Hải. Tên cũ của hải cảng Candia là Heraklion hay Iraklion. Tiếng Pháp là Candie phát âm tựa chữ Candy (kẹo) của tiếng Anh.

Tuft: chùm hoa hay lá. Căn cứ vào đó chúng tôi tạm gọi hoa Candytuft là Hoa Chùm Candia.

Hoa chùm Candia gốc trên đảo Crete và được tìm thấy nhiều ở miền Nam Âu nhất là trên bán đảo Iberia. Hoa cũng được tìm thấy nhiều ở Anh và Hoa Kỳ ngày nay.

Cây hoa cao 50 - 70cm; thân, lá màu xanh tươi. Hoa màu trắng, hồng, tím có hương thơm. Hoa 04 cánh kết thành chùm tạo thành hình cầu rất đẹp.

Cây hoa chùm Candia là một cây thuốc đối với người Âu Châu ngày xưa. Thân, lá, củ, hột đều được dùng làm thuốc. Hột có nhiều dược tính hơn cả. Nhưng dùng nhiều hột dễ sinh ra chứng chóng mặt.

Hoa chùm Iberis amara

Cây hoa chùm Candia chủ trị bịnh về phổi, bao tử (dạ dày), tê thấp, thống phong (gout), lớn tim, viêm phế quản. Hoa Kỳ dùng hoa làm trà dành cho người lớn tim, suyễn, thống phong, đau thần kinh uống.

Cây hoa chùm Candia có: amines, cucurbitacines, flavonoglycosides, glycoside, dầu mustard. Người ta cũng dùng hột cây hoa chùm Candia để làm mustard.

Đây là một loại cây hoa thơm, đẹp, cây lương thực dùng như rau cải và một cây thuốc quí giá.

HOA CÚC

Chrysanthemum indicum
Chrysanthemum procumbent
Gia đình: Asteraceae hay Compositae.

Hoa Cúc Vàng Bông To (Cúc đại đóa)Hoa Cúc Đỏ Chrysanthemum indicum

Hoa Cúc Trắng (trái) và Hoa cúc Chrysanthemum indicum Hybride “Oury” (phải)

Mùa thu là mùa của hoa cúc, một loài hoa đẹp, có tính biểu tượng và có nhiều dược tính đáng quí. Nói đến hoa cúc thường thường người ta chỉ nghĩ đến hoàng cúc tức cúc màu vàng. Thực tế có cúc màu trắng (bạch cúc), màu hồng, màu xanh, màu tím nữa.

Hoa cúc gốc ở Trung Hoa. Từ đó cúc được đưa sang Triều Tiên, Nhật Bản và các nước Âu Châu.

Tên khoa học của hoa cúc là Chrysanthemum indicum thuộc gia đình Asteraceae (Indicum: ám chỉ Ấn Độ vì người Tây Phương tiếp xúc người Ấn Độ trước khi đến Trung Hoa). Theo tiếng Hy Lap Chrysos nghĩa là màu vàng chói lọi; anthemon có nghĩa là hoa. Chrysanthemum là hoa màu vàng chói lọi. Tên gọi thông thường là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Cúc; hoa cúc

Trung Hoa

Juhua (Cúc hoa)

Nhật

Kiku

Triều Tiên

Gughwa (hao hao chữ Cúc hoa)

Anh

Chrysanthemum, mum, daisy

Pháp

Marguerite (gắn liền với Thánh Margaret)

Cây hoa cúc cao từ 50 - 70cm. Thân cây khá cứng với nhiều nhánh nhỏ. Lá chẻ và dài. Hoa to màu vàng tươi có nhiều cánh dài và nhỏ hợp lại rất đẹp. Hoa cúc vàng (hoàng cúc) được ưa chuộng nhất. Ngoài cúc vàng còn có cúc trắng, đỏ, hồng, xanh và tím nữa.

Ở Pháp, Ba Lan người ta xem cúc trắng (bạch cúc) là biểu tượng của tang chế, buồn thảm. Người Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên cũng có ý tưởng tương tự. Những thầy thuốc Đông Y lại trân quí bạch cúc.

Người Trung Hoa trồng hoa cúc từ năm 1500 trước Tây Lịch. Tao Yuan Ming (Đào Viên Minh) được xem là người trồng hoa cúc đầu tiên trên thế giới. Điều này cần cứu xét lại vì ông là nhà thơ sinh năm 365 và chết năm 427 sau Tây Lịch so với 1500 năm trước Tây Lịch, năm hoa cúc được trồng!

Thành phố Juxian (Cúc Tiên) là thành phố hoa cúc. Địa danh Juxian là tên mới của Xiaolan (Tiểu Lan) trong thành phố Zhongshan (Trung Sơn, Guangdong (Quảng Đông). Hàng năm Lễ Hội Hoa Cúc được tổ chức ở Tongxiang (Đông Hương) gần Hangzhou (Hàng Châu). Hoa cúc có ý nghĩa đặc biệt trong ngày lễ Trùng Cửu 09-09 Âm Lịch ở Trung Hoa.

Hoa cúc được du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ VIII sau Tây Lịch và được chọn làm ngọc ấn của Thiên Hoàng. Ngọc ấn hình hoa cúc vàng có 16 cánh hoa gọi là Kikunogomon. Huy chương cao quí nhất của Nhật là huy chương hoa cúc. Ở Nhật hoa cúc (Kiku) là hoa mùa thu và hoa anh đào (Sakura) là hoa mùa xuân. Nhật tổ chức Lễ Hội Hoa Cúc hàng năm vào tháng 10 Dương Lịch.

Ở Trung Hoa người ta ăn lá hoa cúc với cháo nấu bằng thịt rắn. Người ta dùng hoa cúc làm trà uống trị cảm. Trà này là cúc hoa trà (juhua cha). Người ta dùng hoàng cúc để trị cảm, nhức đầu, cao huyết áp v.v... Bạch cúc được trân quí trong Đông Y. Nó được đề cao trong việc ngăn chặn chứng rụng tóc và chống lão hóa vì tóc chóng bạc.

Hoa cúc có: glycoside chrysanthemin C21 H21 O11, pyrethrin (pyrethrin I: R = CH3; pyrethrin II: R = CO2 CH3). Pyrethrin sát trùng rất mạnh. Người ta dùng nó làm thuốc sát côn trùng và sát cá. Nó kháng nấm, kháng khuẩn kể cả HIV-1. Dầu hoa cúc có chrysanthenone C10 H14 O gây hưng phấn não của người bị bịnh Parkinson. Hoa cúc còn được dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm.

Người Trung Hoa xem hoa cúc như biểu tượng của thuốc trường sinh do các đạo sĩ Lão Giáo chế biến. Trong tỉnh Hunan (Hồ Nam) có một làng dân chúng sống rất thọ vì họ uống trà cúc rừng mọc hoang đầy cả thung lũng trong vùng.

Trên thế giới có nhiều loại hoa cúc khác nhau.

Ở Hoa Kỳ có nhiều cúc mắt bò Chrysanthemum leucanthemum.

Ở Bắc Phi có cúc Chrysanthemum catananche trên núi Atlas trên cao độ từ 2000 - 3000 m.

Quanh vùng Địa Trung Hải có cúc vạn thọ (Corn marigold) Chrysanthemum segetum. Lá cây cúc này có coumarin độc, C9 H6 O2.

Hoa Cúc Chrysanthemum segetum

Nam Âu có cúc hoa hình cầu màu xanh-tím, cánh hoa từa tựa như gai. Tên khoa học của loài cúc này là Echinops ritro gốc ở Ethiopia. Cây cúc có hoa hình cầu này có thể cao đến 5m.

Một lãnh sự Anh ở Nhật tên Hodgson đã khám phá ra một loại cúc rất đẹp trên đảo Hokkaido (bắc nước Nhật). Tên khoa học của loài cúc này có tên của ông Hodgson: Ligularia hodgsonii. Người Trung Hoa gọi loại cúc này là Lu ti tuo wu. Người địa phương dùng rễ loại cúc này để trị ho và ung thư.

Cúc Ligularia hodgsonii

Một nhà thám hiểm Nga tên Nicolai Przewalski (1839 - 1880) khám phá ra cúc núi ở Shensi (Thiểm Tây), Sichuan (Tứ Xuyên), Kansu (Cam Túc) và Mông Cổ. Tên của ông được ghi trong tên khoa học loại cúc núi nầy: Ligularia przewalskii. Người Anh gọi loại cúc này là Elephant ears (Cúc Tai Voi) vì lá to và chẻ ra như bàn tay xoè. Hoa vàng nở trên một trục cao màu tím nhạt. Không biết vì sao hoa cúc này được gọi là Leopard plant (Cây Beo). Hoạt chất trong cây cúc tai voi này có tính sát trùng.

Ở Tây Á và vùng Địa Trung Hải có loại cúc có hoa màu trắng rất đẹp. Tên khoa học của loài bạch cúc này là Bellis perennis (bellis: đẹp). Hoa, lá đều ăn được, làm đồ chua. Nó cũng được dùng để chữa ho, vết thương nhẹ, chảy nước mắt sống, vết bầm v.v…

Hoa cúc Bellis perennis

Ở Anh có cúc Tanacetum vulgare hay Chrysanthemum vulgare (Oxeye daisy: Cúc mắt bò) có thujone C10 H16 O dùng để trục lãi, xức ghẻ, giết chí, bọ chét. Dễ gây trụy thai. Uống quá liều có thể tử vong. Ngày xưa người Hy Lạp cổ táng người chết bằng lá cây hoa cúc này để thi thể chậm rã rục vì lá cây cúc này có khả năng diệt trùng. Loại cúc này được tìm thấy nhiều trong trạng thái hoang dã trên dãy núi Caucasus.

Hoa cúc hình ngôi sao (Chinese aster) Callistephus chinensis

Hoa cúc hình ngôi sao (Chinese aster) nhiều cạnh gốc ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản mang tên khoa học Callistephus chinensis được cả thế giới ưa thích. Hoa to và có nhiều màu đặc biệt là hoa màu tím sẫm rất hiếm có. Hoa cúc hình ngôi sao nhiều cánh nhỏ (Chinese aster) được đưa sang Pháp vào thế kỷ XVIII.

Hoa cúc tím hình ngôi sao (Chinese aster) Callistephus chinensis

Ở Việt Nam thường thấy hoàng cúc Chrysanthemum indicum, bạch cúc Chrysanthemum sinensis, cúc nút áo Spilanthes acmella.

Cúc, Daisy, Marguerite là những tên dành cho nữ phái ở Việt Nam và ở Pháp, Anh. Đó là sự tương đồng tư tưởng Đông-Tây trong cách dùng tên hoa để đặt tên cho con gái.

Nói về cúc ca dao Việt Nam có câu:

Tưởng là trồng cúc ngay hàng
Hay đâu cúc mọc mỗi đàng một cây.

***

Mùa thu không thê lương ảm đạm như các văn thi sĩ, nhạc sĩ mô tả. Mùa thu không nóng bức như mùa hạ cũng không giá buốt như mùa đông và những ngày cuối đông đầu xuân. Đó là mùa tổng hợp và chiết trung của ba mùa còn lại.

Khí hậu ôn đới là khí hậu trung gian giữa khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới và hàn đới. Các quốc gia ôn đới đều là những quốc gia phát triển. Sự dịu mát của khí hậu giúp cho năng suất lao động của con người được cao hơn. Tánh tình ôn lương hơn so với cư dân vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới hay hàn đới nơi ION + (nhiệt) và ION - (hàn) quá thịnh.

Mùa thu cũng tương tự như thế trong bốn mùa. Nó không quá nóng như mùa hạ cũng không quá lạnh như mùa đông. Nó được trang điểm bằng những loại hoa đẹp muôn màu. Nổi bật nhất là hoa cúc, một loại hoa đẹp, trang trọng và hữu ích trong việc bảo vệ y tế và sức khỏe của loài người. Trên thực tế hoa cúc vàng được xem là quốc hoa của Nhật Bản. Ngọc ấn của Thiên Hoàng mang hình hoa cúc vàng 16 cánh. Hoàng triều Nhật được mệnh danh là Hoàng Triều Hoa Cúc. Người Nhật rất kính trọng Thiên Hoàng (Mikado) nên hoa cúc (Kiku) mặc nhiên được công nhận như là quốc hoa của Nhật Bản vậy.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

(Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn).


Cái Đình - 2017