Đình Nguyên


Tôi là bác sĩ: Nếu tôi làm rớt đồ ăn trong bếp, tôi vẫn cứ ăn nó.

Có thể bạn đã đọc hoặc nghe nói về cuộc nghiên cứu vạch trần quy luật năm giây đồng hồ (nhiều người cho rằng nếu lượm đồ ăn trong vòng năm giây sau khi làm rớt xuống sàn thì có thể ăn mà không sợ bị nhiễm bịnh – chú thích của người dịch). Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng không có vấn đề nhanh chậm như thế nào khi bạn lượm thức ăn rớt trên sàn nhà, vì bạn sẽ lấy luôn cả vi khuẩn dính trong đó.

Những soi mói tiếp tục vào các mối đe dọa này từ lâu đã làm tôi bối rối. Tại sao chúng ta quá lo lắng về sàn nhà? Còn có nhiều thứ khác nguy hiểm hơn chuyện đó.

Lần đầu tiên tôi quan tâm đến các quy luật năm giây là vào nhiều năm trước, khi tôi là đồng tác giả của một cuốn sách về những huyền thoại y tế. Chúng tôi trích dẫn một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm khi đã chạm vào các nơi trong nhà – ngay cả trong một khoảng khắc ngắn – cũng đã có thể lây nhiễm vi khuẩn hoặc các chất có hại khác rồi.

Cuộc nghiên cứu tương tự gần đây nhất được thử nghiệm trên nhiều loại thức ăn, nhiều chất khác nhau và vào những lúc khác nhau. Và, giống như những nghiên cứu khác, điều này cho thấy thức ăn chạm vào sàn nhà, ngay cả trong một khoảng thời gian rất ngắn, có thể dính vi khuẩn.

Không có một khoảng thời gian kỳ diệu nào để ngăn ngừa lây truyền. Nhưng mặc dù tôi biết các vi khuẩn có thể tích lũy trong vòng chưa đầy năm giây đồng hồ, tôi sẽ vẫn ăn thức ăn đã rớt trên sàn nhà bếp của tôi. Tại sao? Bởi vì sàn nhà bếp của tôi là không thực sự dơ bẩn đâu.

Số liệu của chúng tôi không phải là liệu rằng có nhiều vi khuẩn trên sàn hơn con số 0 hay là không. Nó phải cho biết có bao nhiêu vi khuẩn trên sàn so với các bề mặt tiếp xúc khác trong căn nhà ta ở. Và ở khía cạnh đó, có rất nhiều nơi trong ngôi nhà của bạn làm cho chúng ta phải quan tâm hơn, so với sàn nhà.

Có lẽ không ai tại Hoa Kỳ đã dành nhiều thời gian điều tra về sự hiện diện của vi khuẩn trên bề mặt tiếp xúc ở những nơi công cộng như Charles Gerba. Ông là một giáo sư vi sinh học và khoa môi trường tại Đại học Arizona, và ông đã xuất bản nhiều bài báo về đề tài này.

Năm 1998, ông và các đồng nghiệp đã điều tra xem các sản phẩm tẩy rửa có thể làm giảm số vi khuẩn coliform trên những bề mặt tiếp xúc trong nhà hay không. Là một phần của nghiên cứu đó, họ đếm số vi khuẩn ở những vị trí khác nhau trong ngôi nhà trước khi làm sạch.

Họ nhận thấy rằng sàn nhà bếp có khả năng nuôi dưỡng, tính trung bình, khoảng ba con vi khuẩn coliform mỗi inch vuông (chính xác là 2,75). Vì vậy, có một số nhất định vi khuẩn nằm trên ấy. Nhưng đây mới là là điều đáng nói – đó là nơi ấy sạch hơn cả tay nắm tủ lạnh (5,37 con mỗi inch vuông) và bệ bếp (5,75 con mỗi inch vuông).

Chúng ta dành rất nhiều thời gian để lo lắng về những gì thực phẩm mà chúng ta lượm từ sàn nhà lên, nhưng chúng ta lại không lo lắng về việc rờ tủ lạnh. Chúng ta dường như cũng không lo lắng khi thực phẩm chạm vào quầy tính tiền. Nhưng quầy tính tiền nó cũng dơ như thế, nếu không nói là còn dơ hơn.

Điều tương tự cũng xảy ra trong phòng tắm. Tôi biết rất nhiều người đang lo lắng về bàn cầu, nhưng nó sạch hơn so với tất cả những thứ trong nhà bếp tôi vừa mới đề cập trên đây (0,68 con vi khuẩn mỗi inch vuông). Có gì dơ hơn nữa trong phòng tắm? Gần như tất cả mọi thứ. Nút xả nước bồn cầu (34,65 con mỗi inch vuông), vòi nước bồn rửa mặt (15,84 con mỗi inch vuông) và bàn nước (1,32 con mỗi inch vuông).

Mọi thứ trở nên dơ bẩn khi có nhiều người chạm tay vào chúng và khi chúng ta không suy nghĩ về nó. Chúng ta lo lắng về sàn và bàn cầu, vì vậy mà chúng ta lau chùi nó sạch hơn. Chúng ta không nghĩ về tay nắm tủ lạnh hoặc vòi nước nhiều như vậy.

Nếu chúng ta khai triển lý luận này ra thêm, có những điều chúng ta dùng rất thường mà không bao giờ thực sự lau chùi chúng sạch sẽ. Một nghiên cứu, ví dụ, cho thấy, khoảng 95 phần trăm điện thoại di động mà nhân viên y tế sử dụng bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong số những người bị nhiễm khuẩn tụ cầu gây mủ vàng (staph aureus), hơn một nửa đã bị nhiễm vi khuẩn kháng methicillin (MRSA).

Hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu người đã cầm tiền trong bóp của bạn. Một nghiên cứu trên tờ một đô la cho thấy 94 phần trăm có nhiễm vi khuẩn, 7 phần trăm trong số đó là vi khuẩn có thể gây bệnh nơi những người khỏe mạnh và 87 phần trăm trong số đó là gây bệnh cho những người đã được nhập viện hoặc những người đã bị tổn hại hệ thống miễn dịch. Bạn giữ tiền nơi nào? Trong bóp hoặc túi xách? Lần cuối bạn chùi sạch nó là khi nào? Vật này rất có thể dơ bẩn.

Tôi thấy người ta trả tiền ăn mỗi ngày và sau đó ăn những gì người ta vừa đưa cho họ mà không sợ rằng các thực phẩm đã có thể đã bị lây nhiễm. Còn tiền bạc và những bàn tay mới cầm chúng có thể dơ hơn mặt sàn nhà nhiều.

Có rất nhiều nghiên cứu đương đại cho thấy rằng những vật chúng ta chạm vào mỗi ngày rất, rất là dơ. Chẳng hạn như bơm xăng. Các nút máy ATM rút tiền. Bộ điều khiển. Nút bật đèn. Bàn phím máy vi tính.

Vật dơ bẩn nhất trong nhà bếp của bạn, điểm qua cho đến nay, rất có khả năng là các miếng bọt biển bạn giữ gần bồn rửa chén. Hầu hết mọi người dường như không bao giờ xả sạch hoặc tẩy trùng những miếng bọt biển. Ông Gerba đã tìm thấy là chúng có trung bình hơn 20 triệu con vi khuẩn trên một inch vuông.

Tất cả những điều đó nhắc nhở bạn rằng rửa tay trước khi ăn bao giờ cũng là ý hay. Rửa tay vẫn là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tật.

Mọi người phản ứng với tin tức loại này bằng một trong hai cách. Có những người trở thành hoang tưởng về tất cả mọi thứ. Những người như vậy bắt đầu thấy là họ bị bắt buộc phải làm sạch sẽ mọi thứ, lo lắng về tất cả những điều họ đang sờ mó, và xài nước rửa tay quá độ.

Nhóm người khác nhận thức là trong hầu hết chúng ta, hệ thống miễn dịch còn khá tốt. Mọi người chúng ta đều đã có đụng chạm vào những thứ dơ bẩn này trong một thời gian dài, mà không biết điều đó, mà cũng chẳng xảy ra chuyện gì cả.

Tôi thuộc vào nhóm sau, rõ như ban ngày. Nếu tôi làm rớt đồ ăn trên sàn, tôi vẫn ăn nó. Tôi làm điều đó bởi vì các tác hại tôi có thể nhận được từ sàn nhà là không đáng làm cho tôi quan tâm so với nhiều, rất nhiều những thứ khác. Bạn có thể có cảm nhận khác. Dù bằng cách nào, hãy phán đoán sự việc dựa trên một mức rủi ro tương đối, không phải tùy thuộc vào bất kỳ khoảng thời gian vật dụng tiếp xúc với nhau.

Nguyên tác: I’m a Doctor. If I Drop Food on the Kitchen Floor, I Still Eat It – Aaron E, Carroll (The New Health Care, Oct 10,2016).
Người dịch: Đình Nguyên (Hà Lan)

________

Aaron E. Carroll là giáo sư nhi khoa tại Indiana University School of Medicine, có viết blog về nghiên cứu y tế và chính sách trong tạp chí The Incidental Economist và thực hiện video cho Healthcare Triage.

 


Cái Đình - 2016