Phạm Ɖình Lân


Thiện Ngư Tộc (Lươn)

.

Lươn là động vật sống dưới nước nên việc di chuyển và tham dự hội nghị trên lục địa rất khó khăn như Ngư tộc đã gặp. Ban tổ chức hội nghị phải mời ban nhạc Colomba di Roma tức Cáp Tử La Mã (Bồ Câu) giúp vui.

Nhạc trưởng ban nhạc Colomba di Roma (Cáp Tử La Mã) tham khảo ý kiến một lão Hạc Việt Nam về các bản nhạc liên quan đến Thiên Ngư tộc. Lão Hạc Việt Nam cho biết lão không biết nhiều về nhạc nhưng lão nhớ có một nhạc sĩ Unagi Nhật sáng tác bài “Vuốt Ɖuôi Lươn” dựa theo cách nói khôi hài của người Việt Nam.

Ca sĩ Cáp Tử La Mã trình bày xuất sắc bản “Vuốt Ɖuôi Lươn”. Dưới hội trường các đại biểu động vật cười nghiêng ngửa. Một đại diện Sơn Kê (Gà Núi) gốc ở miền Kontum-Pleiku hỏi lão Gà Ri ngồi bên cạnh: “Thiện Ngư là đám nào?” Lão Gà Ri lắc đầu ra dấu không biết. Lão nói: “Chút nữa anh hỏi lão Hạc Việt Nam. Chắc chắn lão biết và trả lời cho anh.”

Beo nói với Chó Sói: “Tụi Lươn này có bà con quyền uy lắm.”

“Bà con tụi nó là ai?”Chó Sói hỏi.

“Long tộc đó.” Beo đáp.

“Long tộc ở đâu? Tôi thấy hình mà không thấy mặt lần nào. Hình vẽ thì Rồng giống Lươn và Rắn về hình dáng. Khác với Lươn vì có nhiểu vảy. Khác với Rắn vì Rồng có chân và móng vuốt. Mặt mày trông dữ dằn. Tôi có nghe Cọp và Sư Tử bàn nhau về Rồng. Ɖó là động vật có sức mạnh đáng sợ, sống vẫy vùng dưới nước. Lúc thì bay bổng lên Trời xanh. Lúc thì phun nước xối xả tạo mưa giông, lũ lụt. Lợi cũng có mà hại cũng nhiều.” Chó Sói nói.

“Về các động vật sống dưới nước chỉ có anh Gấu là thông thạo hơn cả. Không thấy anh nói gì cả. Anh ấy sợ nên lặng thinh không dám nói nửa lời?” Beo nói.

“Chúng ta chờ xem đại diện Lươn Ɖịa Trung Hải có đề cập đến các thân thuộc lớn, nhỏ của anh ấy không. Lớn như Rồng, Thuồng Luồng (Giao Long). Nhỏ như Trùn Ɖất hay văn vẻ là Ɖịa Long.” Chó Sói nói.

Cuộc nói chuyện giữa Beo và Chó Sói bị gián đoạn. Ban nhạc ngừng hoạt động. Một anh Bạch Mã chở một lão Khỉ Ɖột bạch mi ôm một cái hồ cá thủy tinh có chút bùn sình. Trong đó có lão Thiện Ngư Ɖịa Trung Hải. Lão Khỉ Ɖột bạch mi đặt hồ cá thủy tinh trên một cái bàn có một chậu sả và một chậu nghệ làm cảnh. Toàn thể đại biểu động vật đều đứng dậy cúi đầu chào đại diện Thiện Ngư tộc theo kiểu chào của các hiệp sĩ Nhật Bản thời tiền Minh Trị Thiên Hoàng.

***

Tôi là trưởng lão Thiện Ngư (Lươn) vùng Ɖịa Trung Hải, trân trọng kính chào toàn thể quý vị đại biểu các tộc động vật hiện diện trong hội trường hôm nay.

Thiện Ngư tộc chúng tôi là Cá không vảy có hình hài giống Rắn, đầu nhọn, mắt ti hí, có răng nhọn lởm chởm, dài trung bình từ 40cm - 60cm. Khác với Rắn chúng tôi không có vảy. Chúng tôi sống khắp nơi trên thế giới, kể cả vùng nước trong vùng khí hậu lạnh. Chúng tôi sống trong nước mặn lẫn nước ngọt dễ dàng. Chúng tôi sống dưới bùn và chỉ cần một ít nước là đủ. Vào mùa mưa chúng tôi di chuyển trên mặt đất có chút nước để đi đến một địa bàn sống ở nơi khác.

Các nhà động vật học của loài người sắp xếp chúng tôi vào 20 gia đình Thiện Ngư khác nhau với tất cả lối 800 chi tộc Thiện Ngư trên thế giới. Gia đình được biết đến nhiều là gia đình Anguillidae, Nemichthyidae, Cyemidae, Muraenidae. Tên gọi thông thường mà loài người dành cho chúng tôi là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Lươn; Hán-Việt: Thiện Ngư (Cá Lành). Mãn Ngư (Cá Trơn)
âm từ Hoa ngữ Shanyu và Manyu

Anh

Eel

Pháp

Anguille

Tây Ban Nha

Anguila

Trung Hoa

Shanyu, Manyu (âm thanh Thiện Ngư và Man Ngư)

Nhật Bản

Unagi

Ấn Ɖộ

Baam machhalee

Hy Lạp

Cheli

Lươn có cặp mắt nhỏ. Răng nhiều nhưng nhỏ. Vi trên lưng dài. Vi dưới bụng ngắn, chạy dài từ hậu môn đến đuôi. Thị giác kém. Lươn tìm mồi bằng thính giác, khứu giác và xúc giác.

Lươn là Cá không vảy có hình ống dài như Rắn. Khác với Rắn, Lươn không có vảy. Ɖa số Rắn sống trên mặt đất, một số sống dưới nước. Lươn không thể sống trên mặt đất mà sống dưới nước và trong bùn sình.

Lươn là động vật có xương sống, đẻ trứng. Lươn được liệt vào loại ăn tạp hay ăn thịt sống. Chúng tôi ăn các loại cá nhỏ, các phiêu sinh vật và những loài thủy sinh dưới đáy sông, đáy biển.

Lươn-Chạch (Trạcheel-loach) Pangio longimanus  (Ảnh: https://www.fishfish.fr/)

Lươn nhỏ nhất là Lươn-Chạch (Trạch – eel-loach) Pangio longimanus thuộc gia đình Cobitidae.  Lươn-Chạch (Trạch) dài lối 20cm.

Lươn Cá Chình hay Cá Lạc conger conger (Ảnh: https://fishsizematters.eu/)

Lươn to nhất là Lươn Cá Chình hay Cá Lạc (conger) mang tên khoa học Conger conger hay Anguilla conger thuộc gia Congridae. Lươn Cá Chình dài 1,5m. Có anh Lươn Cá Chình dài 6m và cân nặng 110kg!

Quần áo của Thiện Ngư tộc chúng tôi không đẹp. Các màu thường thấy là màu hung đỏ-đen phần trên và vàng ở vùng bụng. Ngoài ra còn có Lươn mặc quần áo vàng, xanh nhạt. Thiện Ngư tử đầu giẹp, mình mỏng, mặc áo màu thủy tinh trong veo.

Lươn là động vật thiên cư (catadromous). Người ta thấy vài anh chị Lươn di chuyển từ Bắc Ɖại Tây Dương đến biển Sargasso cách nơi xuất phát 6.500km. Cuộc đời của Thiện Ngư Tộc rất trôi nổi, bềnh bồng. Tuổi thọ trung bình của chúng tôi xê dịch từ 05 - 20 năm. Anh Lươn thọ nhất được 88 tuổi. Anh sống thọ vì bị giam cầm nên được dinh dưỡng, thuốc men đầy đủ và không bị kẻ dữ hiếp đáp, đe dọa.

Ngoài thiên nhiên Lươn có nhiều kẻ thù như Cá Nhồng (barracura), Lươn khổng lồ, Chim Biển, Raccoons, Rắn Biển. Kẻ thù ghê gớm nhất vẫn là loài người. Họ bắt chúng tôi bằng cần câu, tát nước bắt Cá và Lươn, lưới Cá và Lươn, đặt ống tre có mồi để Lươn chui vào ống tre nhưng không ra được . Không có miếng ăn thì làm sao sống nổi? Vì ham ăn, tham mồi mà Cá và Lươn thọ nạn.

Mâu thuẫn thay! Không ăn thì chết vì đói.

Táp mồi như Cá và Lươn lại rút ngắn sự sống vì thức ăn!!

Chuyện về Thiện Ngư Tộc đôi khi có nhiều huyền hoặc, bí hiểm. Tuổi yêu đương của chúng tôi khá cao so với các động vật khác: ít ra 4 tuổi cho cả hai phái nam, nữ Thiện Ngư. Các chị Thiện Ngư sinh lối 1.000 trứng ngoài biển. Trứng ấp và nở thành những ấu trùng. Ɖó là những ấu nhi của Thiện Ngư tộc. Những ấu nhi này là những Thiện Ngư tử đầu giẹp, mình mỏng (leptocephalus). Các cháu trôi giạt ngoài biển và lớn dần. Mắt to hơn, thân hình trong suốt như pha lê. Khi quần áo các cháu chuyển sang màu vàng hay hung đỏ-đen, bụng vàng thì các cháu được xem như trưởng thành khi di chuyển về vùng nước lợ ở các hà khẩu hay vùng nước ngọt của sông, suối, ao, hồ trong nội địa. Các cháu nhỏ này khi mới sinh phần lớn là nữ phái. Khi lớn lên các cháu chuyển giới tính. Môi trường sống quyết định tỷ lệ nam nữ chuyển giới. Khi gần sinh sản các nữ Thiện Ngư ra biển để sinh. Nếu là Thiện Ngư Âu Châu thì về biển Sargasso ở phía đông nam Hoa Kỳ. Biển là nơi các chị Thiện Ngư sinh trứng và chết lúc tuổi xế chiều.

Lươn kiếm ăn ban đêm. Chúng tôi là động vật ăn tạp và thích các món ăn sình thối. Vì vậy ruột Lươn là kho chứa vi trùng. Ruột Lươn rất độc. Khuyển tộc hay Miêu tộc ăn nhằm ruột Lươn thì bị bịnh và tử vong trong vài ngày. Huyết Lươn rất tanh. Nhưng nếu nấu chín thì độc chất biến mất.

Các chi tộc Thiện Ngư quan trọng trên thế giới là:

Tên gọi

Tên khoa học

Gia đình

Lươn Âu Châu

Anguilla anguilla

Anguillidae

Lươn Mỹ Châu

Anguilla rostrata

nt

Lươn Nhật Bản

Anguilla japonica

nt

Lươn Phi Châu

Anguilla mossambica

nt

Lươn Ɖiện

Electrophorus electricus

Anarhichadidae

LƯƠN ÂU CHÂU

Lươn Âu Châu Anguilla Anguilla (Ảnh: Wikipedia)

Lươn Âu Châu được tìm thấy nhiều trong Ɖại Tây Dương, Ɖịa Trung Hải, biển Baltic, Hắc Hải, Bạch Hải ở Nga, biển Sargasso ở Tây Bán Cầu.

Tên khoa học là Anguilla anguilla thuộc gia đình Anguillidae. Các anh chị này dài trung bình 60cm - 70cm. Chiều dài hiếm thấy là 1,5m. Lươn Âu Châu vừa trưởng thành màu bạc. Lươn trưởng thành lâu năm màu xanh lá cây nhạt. Xương sống có 110 - 120 đốt.

Tuổi thọ trung bình của Lươn Âu Châu xê dịch từ 10 - 20 tuổi. Các chị Lươn Âu Châu lớn tuổi mang rất nhiều trứng.

Từ thập niên 1970 về sau việc nuôi Lươn được các nước Ɖan Mạch, Ɖức, Ý, Hòa Lan đặc biệt chú ý. Họ mua Lươn giống của Pháp, Bồ Ɖào Nha, Tây Ban Nha và Anh quốc. Trong những năm gần đây Âu Châu sản xuất 10.500 tấn Lươn nuôi. Hòa Lan chiếm 50% mức sản xuất này.

LƯƠN MỸ CHÂU

Lươn Mỹ Châu Anguilla rostrata (Ảnh: https://www.worldlifeexpectancy.com/)

Tên khoa học của Lươn Mỹ Châu là Anguilla rostrata thuộc gia đình Anguillidae.

Ɖịa bàn sống của Lươn Mỹ Châu là các cửa sông miền đông bắc Bắc Mỹ (Canada & Hoa Kỳ), Ngũ Ɖại Hồ, các dòng sông lớn ở Canada và Hoa Kỳ, Nam Mỹ.

Lươn Mỹ Châu mặc quần áo đen, dài lối 1,5 m và cân nặng trung bình 4kg. Khi còn nhỏ, ấu nhi Thiện Ngư Mỹ Châu sống trong vùng nước lợ hay nước ngọt. Khi trưởng thành, các chị ra biển Sargasso để đẻ trứng. Mỗi chị có thể đẻ đến 4.000 trứng.

Tuổi yêu đương của Lươn Mỹ Châu xê dịch từ 2,5 - 3 tuổi. Nữ phái to lớn hơn nam phái. Tuổi thọ của Thiện Ngư Mỹ Châu rất cao: 50 tuổi!

Người Hoa Kỳ và Canada không thích ăn thịt Lươn chúng tôi. Họ cũng không thích nuôi Lươn để bán. Nói chung họ không xem chúng tôi là nguồn lương thực quan trọng. Họ cũng không chú trọng đến việc đào ao nuôi Lươn để xuất khẩu. Như quý vị đã biết, trong ruột Thiện Ngư tộc có vô số vi trùng. Loài người cho rằng chúng tôi có 29 loại bịnh về nấm, vi trùng và ký sinh trùng.

LƯƠN NHẬT BẢN

Lươn Nhật Bản Anguilla japonica (Ảnh: https://www.inaturalist.org//)

Lươn Nhật Bản được tìm thấy ở Ɖông Á và Ɖông Nam Á như Nhật, Triều Tiên, Trung Hoa, Ɖài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia, bắc Úc Ɖại Lợi.

Tên khoa học là Anguilla japonica, gia đình  Anguillidae.

Lươn Nhật Bản dài trung bình 40 cm - 60cm. Lươn dài nhất đo được 1m và cân nặng gần 2kg.

Ở Nhật Lươn sống trong các sông, suối nước ngọt. Khi trưởng thành Lươn ra ngoài biển cách bờ biển Nhật 3.000km để đẻ trứng. Từ biển các ấu nhi Thiện Ngư tìm đường vào vùng nước lợ và nước ngọt để sống, lớn lên ở đó, thay đổi màu quần áo. Trên 90% ấu nhi Thiện Ngư là nữ phái. Sự chuyển giới của Thiện Ngư là một kỳ bí chưa có sự giải thích thỏa đáng.

Ở Việt Nam vùng biển rộng trong Vịnh Thái Lan là nơi Lươn tập trung sinh sản.

Nhật là dân tộc ăn nhiều Lươn. Ngay từ năm 1879 Nhật đã nuôi Lươn. Nam Hàn nuôi Lươn năm 1968. Lục địa Trung Hoa, đặc biệt là tỉnh Guangdong (Quảng Ɖông), nuôi Lươn năm 1975. Nhật phải nhập cảng Lươn từ Hoa lục, Mã Lai để làm món Kabayaki unagi (Lươn ướp nước tương và hương liệu rồi đem nướng). Người Nhật gọi Lươn là Niho-unagi

Năm 1965 Nhật sản xuất 140 tấn Lươn. Ɖến năm 2000 mức sản xuất này giảm xuống còn 40 tấn.

LƯƠN PHI CHÂU

Lươn Phi Châu là Lươn nước ngọt vùng nhiêt đới, được tìm thấy nhiều ở Mozambique, Kenya, Madagascar, các hải đảo Ấn Ɖộ Dương, Nouvelle-Calédonie ở nam Thái Bình Dương. Chi tộc này có vi dày trên sống lưng.

Lươn Phi Châu  Anguilla mossambica (Ảnh: https://www.worldlifeexpectancy.com/)

Tên khoa học của Lươn Phi Châu là Anguilla mossambica thuộc gia đình Anguillidae. 

Lươn nuôi trong hồ. Nam Thiên Ngư Phi Châu dài 1,5m, nữ dài 1,2m. Trọng lượng tối đa là 5kg. Trọng lượng trung bình lối 500gr (nửa kí-lô).

LƯƠN ƉIỆN

Electrophorus electricus
Gia đình:  Gymnotidae
Anarhichadida
Electrophoridae

Lươn Ɖiện Electrophorus electricus (Ảnh: https://www.pbase.com/)

Gọi là Lươn Ɖiện vì các anh chị ấy có hình hài giống Lươn nhưng cơ thể các anh chị ấy có ba bộ phận phát ra dòng điện mạnh đến 860volts, cường độ 1 ampere. Các nhà động vật không liệt các anh chị này là Lươn mà thuộc về gia đình Cá. Người Anh gọi các chị Lươn Ɖiện là Wolf Eel (Lươn Sói) hay Wolffish (Lang Ngư) như để nhắc nhở về sự nguy hiểm và bạo tợn của chi tộc Cá có hình dạng Lươn này.

Ɖịa bàn sinh sống của các anh chị Lươn Ɖiện là sông Amazon, sông Orinoco ở Nam Mỹ. Lươn Ɖiện mặc quần áo đen. Màu áo dưới bụng màu vàng. Các chị mặc quần áo đen sậm. Chiều dài của Lươn Ɖiện xê dịch từ 2m - 2,5m. Trọng lượng có thể lên đến 20kg. Lươn Ɖiện có thể sống từ 10 đến  22 năm.

Loài người chưa nghiên cứu nhiều về Lươn Ɖiện, chỉ nghe nói thịt Lươn Ɖiện cũng thơm ngon như Tôm Hùm theo khứu giác và vị giác của loài người.

***

Về hình dáng hình ống không vảy, người ta tưởng Thiện Ngư tộc có bà con với Ɖịa Long, tức Trùn Ɖất, mang tên khoa học Lumbricus terrestris, gia đình Lumbricidae.  Bọn Trùn Ɖất này mang họ LONG, tức họ RỒNG. Có phải chúng nó là bà con cấp thấp của họ Long không? Riêng Thiện Ngư chúng tôi không có bà con nào mang họ Long cả. Thiện Ngư tộc chúng tôi cũng không có liên hệ gì với đám Thuồng Luồng.

Người Trung Hoa gọi Thuồng Luồng mà họ gặp trên sông Yang-Tse (Dương Tử) là Giao Long. Giao Long được mô tả giống như Rắn, có vảy cứng, bốn chân có móng vuốt dài và nhọn. Miệng rộng, răng lởm chởm trông ghê rợn. Giao Long ăn bất cứ động vật to lớn nào, kể cả loài người. Loài Giao Long ghê gớm kia ngày nay vẫn còn sống trên sông Yang-Tse bên Trung Hoa. Ɖó là các anh chị Sấu mang tên khoa học  Alligator sinensis hay Caigator sinensis thuộc gia đình Alligatoridae

Giao Chỉ là tên của phần đất người Việt cổ trên châu thổ sông Hồng, có nghĩa là xứ của Giao Long Cá Sấu. Người ta cho rằng tục xâm mình của người Việt cổ nhằm làm cho Thuồng Luồng, một loại thủy quái ăn thịt người, tưởng là dòng giống của chúng nên không ăn thịt. Giao Long là Thuồng Luồng, là Sấu (Ngạc tộc) đe dọa sinh mạng của dân chúng sống trên châu thổ sông Hồng. Người Việt cổ thờ Thuồng Luồng vì quá khiếp sợ loài thủy quái này. Nhân dịp này chúng tôi long trọng đính chánh: chúng tôi, Thiện Ngư tộc, không có liên hệ huyết thống với gia đình họ Long, tiêu biểu là Ɖịa Long (Trùn Ɖất) và Giao Long (Thuồng Luồng: Sấu).

***

Loài người xem Lươn chúng tôi là một nguồn lương thực ngon và bổ. Người Nhật, Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia, Cambodia, Lào, đều ăn thịt Lươn. Khi làm thịt Lươn, người ta bỏ ruột hay kỹ hơn là đem chôn để Chó và Mèo đừng ăn để bị trúng độc mà chết. Nhớt Lươn rất tanh. Do đó người nấu nướng thịt Lươn phải khử mùi tanh bằng sả, tỏi, ớt, hành, tiêu, bột nghệ.

Người Nhật thường ăn thủy sản sống nhưng họ không dám ăn Lươn sống vì Lươn rất tanh, huyết Lươn rất độc. Do đó họ phải ướp thịt Lươn rồi nướng chín mới ăn.

Người Việt Nam có các món ăn ngon làm từ thịt Lươn như: cháo Lươn nấu với khoai môn nêm mắm ruốc, Lươn hấp sả ăn với nước mắm me, Lươn xào lăn v.v.

Dưới mắt của các Hoa y thịt Lươn rất bổ. Nó có omega-3 fatty acids, calcium, potassium, selenium, manganese, zinc, sắt.  Thịt Lươn bổ máu, lợi phế, bổ thần kinh. Người Ɖông Phương gọi Lươn là thủy nhân sâm như để diễn tả tính bổ dưỡng của thịt Lươn và đồng loại (Chạch, Lịch). Các nhà khoa học hiện đại cho rằng Lươn vàng tốt cho bịnh tiểu đường và bồi bổ trí nhớ. Nhưng huyết Lươn rất độc. Protein trong huyết Lươn độc hơn cả nọc độc của Rắn. Nó làm cho bắp thịt và tim co thắt và dẫn đến tử vong. Nhưng huyết của Lươn Ɖiện, một loài Cá hơn là Lươn, không độc.

Là động vật không ngôn ngữ, không văn tự, chúng ta phục vụ cho loài người dưới nhiều dạng khác nhau. Các động vật bị giết một cách khủng khiếp và chỉ được một cuộc mai táng thơm tho với sả, tỏi, gừng, hành, nghệ, tiêu, ớt, dầu mỡ. Thế là hết một kiếp động vật trên trần thế.

Người Melanesians trên đảo Fiji, Solomon xem Lươn Abaia là Lươn khổng lồ huyền bí có sức mạnh huyền nhiệm làm ra mưa gió gây lụt lội vì tức giận loài người bắt Cá trong hồ nước ngọt trên các hải đảo do Abaia làm chủ. Niềm tin này đồng hóa Lươn với Rồng phun nước làm mưa.

Trong huyền thoại Hy Lạp có nữ thần Echidna, tức Long Nữ có đầu và ngực của phụ nữ và đuôi của Rắn. Echidna tượng trưng cho sự mục nát, hư thối, bịnh tật, hôi tanh. Echidna có hình hài Long Nữ nhưng có đầy đủ đặc tính của Lươn (kho chứa vi trùng trong ruột, máu độc, hôi tanh, ăn thức ăn sình thối v.v.).

Trong Cựu Ước Kinh, sách Leviticus 11-12 minh định động vật ăn được và động vật không thanh sạch không ăn được. Sách không đề cập thẳng đến Lươn nhưng dạy rằng thủy sinh có vi và vảy ăn được. Loài thủy sinh không vi hay không vảy được xem là không thanh sạch, không ăn được. Vậy những người theo Do Thái Giáo (Judaism) không ăn thịt Lươn, khác với khái niệm y học của người Trung Hoa cho rằng thịt Lươn bổ dưỡng và có khả năng trị được nhiều thứ bịnh, nhưng chúng tôi không muốn kể ra đây vì có hại cho an ninh của Thiện Ngư tộc. Vả lại chúng tôi thấy có sự cường điệu thái quá về sự bổ dưỡng và dược tính của thịt Lươn.

Trong danh sách các tinh tú xưa vào thế kỷ XVIII có sao Anguilla, gọi văn vẻ là Thiện Ngư tinh, tức sao Con Lươn.

Trong đề 40 con Lươn mang số 29 sau Gà (số 28) và trước Cá Ɖen (số 30).

Trong thực vật học có:

Như người Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Hoa, người Việt Nam thích ăn Lươn. Ngon miệng cũng có mà bổ dưỡng và mạnh sinh lý cũng có nhờ ăn Lươn và Cá Chạch nước ngọt Macrognatus aculeatus thuộc gia đình Mastacembelidae. 

Trong ngôn ngữ của người Việt Nam không thấy có chữ nào khen Thiện Ngư tộc chúng tôi cả.

Vuốt đuôi Lươn: diễn tả chuyện bất thành.

Bắt Lươn đàng đầu chớ bắt đàng đuôi: dạy kỹ thuật bắt Lươn. Vì Lươn rất trơn nên bắt Lươn phía đuôi thì Lươn vuột mất. Thiện Ngư tộc rất ghét cách dạy thuật bắt Lươn này của loài người vì nó cướp tự do và sự sống của Thiện Ngư Tộc chúng tôi.

Ti hí mắt Lươn: tướng xấu của đàn ông hay phụ nữ có mắt “ti hí mắt Lươn”.

Những người ti hí mắt Lươn
Trai thì…, gái buôn….

Ca dao Việt Nam nói về Lươn, Lịch và Chạch như sau: 

Ɖừng chê Lươn ngắn mà ham Chạch dài.

Cá Chạch (Trạch) Macrognatus aculeatus (Ảnh: https://nl.pinterest.com/)

Cá Chạch có hình dáng của Lươn nhưng dài hơn. Tên khoa học của Cá Chạch (Trạch) là Macrognatus aculeatus thuộc gia đình Mastacembelidae.  Ɖây là loại Lươn-Cá Chạch nước ngọt và nước lợ, mình giẹp. Chạch Lau là Cá Chạch trên mình có đốm. Chạch Nghệ là cá Chạch mình vàng. Loài người tin rằng thịt cá Chạch bổ dưỡng cho nam giới.

Cũng là Lươn, Lịch cùng nhau một phần.

Người Anh gọi Lịch là Lươn Bengal, Lươn Bùn (Mud eel) vì các anh chị ấy hay chui đầu dưới bùn. Tên khoa học của các anh chị Lịch là Ophisternon bengalense thuộc gia đình Synbranchidae. Các anh chị Lịch dài trung bình lối 1m. Các anh chị ấy sống trong vùng nước ngọt hay nước lợ.

Lịch Ophisternon bengalense (Ảnh: https://askar.birds.watch/)

Loài người khen hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Lươn chúng tôi sống trong nước có bùn, đầu chui và bùn nhưng không bao giờ lấm bùn. Có khác gì với hoa sen không? Nếu không khác sao không khen Lươn đầu chui vào bùn nhưng không dính bùn?

***

Kính thưa quý vị,

Thiện Ngư tộc chúng tôi ra đời trên mặt nước, trôi giạt khắp đó đây trong quá trình sống từ khi mới chào đời đến lúc trưởng thành. Chúng tôi sống xa quê cha đất tổ hàng ngàn cây số. Khi thì trong biển mặn, lúc vào hà khẩu các vùng nước lợ hay đi sâu vào nội địa chỉ thuần nước ngọt. Sống như trần truồng với lớp da mỏng có màu không đẹp mắt. Mắt nhỏ, mõm nhọn, sống dưới bùn hôi tanh, ăn động vật chết sình thối. Tướng mạo khi thì giống Rắn, lúc giống Trùn Ɖất. Lại có lời truyền thuyết khi già Lươn hóa Chồn. Không biết truyền khẩu này dựa vào thuyết tiến hóa nào mà nói như vậy.

Chung qui mặt chúng tôi dễ bị ngộ nhận lầm. Lúc thì giống Rắn, lúc thì giống Trùn, lúc thì giống Chồn Cáo. Cuối cùng vì sống dưới nước nên được đồng hóa với Ngư tộc với tên gọi Cá Lành (Thiện Ngư) đầy vẻ trìu mến nhưng không kém phần mỉa mai. Sống nghèo dưới bùn nhơ và đồ bẩn như vậy vẫn chưa đủ. Chúng tôi bị loài người chế giễu đủ điều. Họ dùng đôi mắt nhỏ của chúng tôi để xỉa xói lẫn nhau. Họ giả vờ gọi chúng tôi là Cá Lành (Thiện Ngư) rồi lại cho chúng tôi là kho chứa vi trùng. Máu huyết chúng tôi có độc chất chết người!! Vì thế họ phải nướng, chiên, xào, hấp thân xác chúng tôi bằng lửa hồng cực nóng.

Ông Charles Richet (1850 - 1935), bác sĩ, tiến sĩ Khoa Học, Giáo Sư Ɖại Học Y Khoa Pháp, dùng huyết thanh của Lươn chích vào một anh Chó và khám phá ra phản ứng mẫn cảm (anaphylaxis) của động vật bị dị ứng khi trúng độc vì thức ăn, vì thuốc, vì nọc đọc của Rắn, vì bị Ong chích v.v.. Năm 1913 ông được giải thưởng Nobel về sự khám phá này.

Quý vị ơi! Mấy thằng cha Việt Nam hay nói: “Vàng thiệt không sợ lửa.

Loài người quay, nấu, nướng, chiên, xào, thiêu đốt, hầm động vật chúng ta bằng lửa, điện, ga. Không thấy động vật nào sợ và la thét cả. Vậy chúng ta là vàng thiệt rồi phải không?

Dưới hội trường vang lên câu: “Chúng ta là vàng thiệt! Vàng thiệt không sợ lửa!”

Thưa quý vị, động vật chúng ta là nạn nhân của loài người. Chúng ta dùng da, thịt, cốt huyết của chúng ta để nuôi động vật hai chân. Chúng ta dùng thân xác chúng ta bồi bổ sức khỏe cho họ khi họ suy dinh dưỡng hay bịnh tật. Nhưng không thấy bọn họ cám ơn bọn mình bao giờ. Ɖã vậy còn dùng lắm lời kiêu bạt đáng ghét. Xét qua khía cạnh nào đó thì động vật chúng ta nuôi dưỡng và cưu mang kẻ bắt bớ, giam cầm, giết và thiêu đốt chúng ta bằng dầu sôi, lửa bỏng. Nhưng quý vị đừng buồn giận chi cả. Loài người há không tán tụng người mang đau khổ cho họ đến nỗi phải van xin: Lạy trời cho bạo chúa sống lâu hay sao? Không chuyện lạ, phi lý và mâu thuẫn nào trong vũ trụ không có nguyên nhân của nó. Thiếu nợ thì phải trả. Nợ nào cũng phải trả có lời. Cảm nghĩ nông cạn này của chúng tôi chấm dứt bài tham luận hôm nay.

Trân trọng kính chào toàn thể quý vị.

Ɖại diện Thiện Ngư tộc cúi đầu chào các đại biểu trong hội trường. Ban nhạc Colomba di Roma (Cáp Tử La Mã) trổi lên bản nhạc trầm buồn Being an Eel khiến cho cả hội trường đều rơi lệ, sụt sùi.

Ɖệ Nhất Trưởng Lão Thiện Ngư Tộc Ɖịa Trung Hải Anguilla anguilla.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.      

 

Direct link: http://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/thienngutoc.htm


Cái Đình - 2021