Phạm Ɖình Lân


Thiềm Thừ Thán

.

Đại diện các tộc động vật bị lôi cuốn bởi vở kịch La Grenouille Qui Veut Se Faire Aussi Grosse Que Le Boeuf (Con Ếch Muốn To Bằng Con Bò) dựa theo bài ngụ ngôn của La Fontaine do đoàn kịch Thiềm Thừ Pháp Quốc diễn. Chàng Ếch muốn lo lớn như anh chị Huỳnh Ngưu nên cố hết sức đến bể bụng mà chết. Đại diện Thiềm Thừ thẹn đỏ mặt. Những đốm đỏ trên người ông như nổi cộm to hơn. Dù sao Ếch cũng là thân thuộc của ông. Tham vọng của Ếch làm cho anh ta chết thê thảm để một kịch sĩ tộc Ếch Âu Châu địa bàn Pháp Quốc dựng thành kịch để dạy đời bằng câu thơ của La Fontaine ‘le monde est plein de gens qui ne sont pas plus sages’ (Thế gian có lắm người không mấy khôn ngoan hơn). Đại diện Thiềm tộc không mấy vui khi cả hội trường cười nghiêng ngả vì vở kịch chế nhạo một thân thuộc gần của ông ấy. Ông ấy bước những bước nặng nhọc trước máy vi âm và bắt đầu cất tiếng. Giọng của ông là giọng Cóc rất khó nghe nên có nhiều đại diện động vật nhăn mặt vì không hiểu ông ấy nói gì.

****

Nhân danh Thiềm tộc trên mặt Địa Cầu tôi hân hạnh kính chào toàn thể đại biểu các tộc động vật trên hoàn vũ. Thiềm tộc chúng tôi là động vật sống trên mặt đất và dưới nước. Các thân thuộc của chúng tôi là Ếch, Nhái, Chàng Hiu. Ảnh Ương sống dưới nước nhiều hơn tộc họ Thiềm của chúng tôi.

Chúng tôi sống khắp năm châu. Những vùng quá lạnh không phải là nơi sinh sống lý tưởng của chúng tôi.

Loài người đặt tên La Tinh cho chúng tôi là Bufo bufo thuộc gia đình Bufonidae. Tên gọi thông thường của Thiềm tộc chúng tôi là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Cóc; Thiềm hay Thiềm Thừ

Anh

Toad

Pháp

Crapaud

Tây Ban Nha

Sapo

Trung Hoa

Lai Ha Ma (lai cáp mô-lai: cùi; cáp mô: con cóc);
Chan chu (Thiềm Thừ) (1) 

Cóc Bufo bufo

Có người cho rằng chúng tôi là loài bò sát như Rắn, Sấu. Thực tế chúng tôi di chuyển và phóng nhảy bằng bốn chân. Thiềm tộc di chuyển rất chậm và không phóng nhảy nhanh nhẹn như mấy anh chị Ếch, Nhái, Chàng Hiu. Thiềm tộc chúng tôi trông xấu xí, nặng nề, áo quần sần sùi với nhiều đốm đỏ trông dơ bẩn và ghê tởm. Quần áo chúng tôi màu xám, đen nhạt, hung đỏ, vàng nhạt. Thiềm tộc không có răng. Chúng tôi dùng lưỡi để bắt mồi và nuốt sống con mồi. Trên đầu phần gần cổ chúng tôi có hai hạch có độc chất bufagin C24 H34 O5. Độc chất này có nhiều ở chi tộc Bufo marinus (Hải Thiềm). Mắt Thiềm Thừ màu đỏ. Quần áo của chúng tôi có nhựa mủ chứa đầy độc chất. Đó là võ khí tối độc của Thiềm tộc chúng tôi. Nó giúp chúng tôi chống lại những kẻ thù to lớn hiếp đáp chúng tôi. Độc chất bufagin có khả năng ngăn chặn sự hoạt động của tim để gây tử vong cho người hay động vật bị nhiễm độc chất ấy. Thiềm tộc chúng tôi có bốn chân. Hai chân trước ngắn. Hai chân sau dài và mạnh khả dĩ giúp Thiềm tộc nhảy phóng trên một khoảng cách ngắn. Đùi của Thiềm tộc ốm và nhỏ so với đùi của anh chị Ếch.

Sự phân biệt Cóc đực và Cóc cái tương tối khó khăn vì Cóc đực hay Cóc cái đều không có bộ phận sinh dục thấy được. Cóc đực không có dương vật mà chỉ có hai hòn thận bên trong. Hai hòn thận nầy sản xuất tinh trùng. Do vậy việc phân biệt Cóc đực và Cóc cái căn cứ vào hình dáng. Cóc cái to lớn hơn Cóc đực. Vì vậy khi ái ân hai chân trước của Cóc đực dài lên như hai tay ghìm chặt Cóc cái để làm công tác truyền giống.

Tuổi yêu đương của nam Thiềm xê dịch từ 3 đến 4 tuổi. Tuổi yêu đương của nữ Thiềm là 4 hay 5 tuổi. Mùa yêu đương của Thiềm tộc ở vùng khí hậu ôn đới và nhiệt đới là tháng 2 hay tháng 3. Ở vùng lạnh tháng yêu đương của Thiềm tộc là tháng 4 và tháng 5. Các nam Thiềm tụ họp ở các ao hồ, dòng suối nơi các nữ Thiềm kêu gọi yêu đương trước vài ngày trước khi bắt đầu cuộc ái ân. Cuộc ái ân của Thiềm tộc kéo dài cả ngày hay nhiều ngày. Trong lúc ái ân các nữ Thiềm sinh hàng ngàn trứng trên một dây chuyền dài đầy những trứng nhỏ màu đen sau khi tiếp nhận tinh trùng từ các nam Thiềm. Trứng tự ấp và phát triển từng ngày. Trong vòng 03 ngày sau khi sinh, trứng tượng hình nòng nọc với đầu to đuôi nhỏ và dài. Đến ngày thứ 29 nòng nọc có hai chân sau. Ngày thứ 46 hai chân trước xuất hiện. Sau 7 tuần lễ (49 ngày) nòng nọc rụng đuôi và ta có một Thiềm tử đầy đủ hình hài của cha mẹ Thiềm. Thiềm tộc không có đuôi cũng không có răng.

Thiềm tộc là động vật ăn tạp. Chúng tôi hoạt động ban đêm. Do đó thị giác phải tốt. Thức ăn của tộc chúng tôi là côn trùng, sâu bọ, trùn đất, chuột nhỏ, kiến, mối. Những thức ăn trên rất độc. Vậy mà chúng tôi chỉ nuốt sống. Điều này chứng tỏ bộ tiêu hóa của Thiềm tộc rất mạnh và có khả năng khử trừ chất độc trong thân thể các loài sâu bọ.

Kẻ thù của chúng tôi là chồn, chó, rắn, mèo, chim, nhím. Rắn cỏ (Grass snake Natrix natrix) và Nhím (Hedgehog – Erinaceus europaeus) được xem là động vật miễn nhiễm độc chất bufagin do Thiềm tộc tiết ra. Loài người là kẻ thù nguy hiểm nhất của Thiềm tộc và muôn loài động vật khác.

Trong trạng thái hoang dã tuổi thọ của Thiềm tộc có thể lên đến 10 hay 12 tuổi. Loài người nuôi Ếch để ăn thịt nhưng không nuôi Cóc vì thịt Cóc màu tím đỏ không đẹp mắt bằng thịt Ếch. Hơn nữa người ta ngại da Cóc có mủ nhựa độc và mật Cóc, trứng Cóc rất độc có thể gây tử vong. Tuy nói thế người Việt Nam vẫn ăn cháo Cóc và cho trẻ nít bị mắc cam tích (potbelly) hay suy dinh dưỡng ăn cháo Cóc. Cháo Cóc ngon và bổ dưỡng như các loại cháo thịt khác. Còn tính năng trị cam tích hay suy dinh dưỡng hiệu quả như thế nào xin chờ kết quả nghiên cứu của các nhà y học. Có phải người ta thấy Cóc có bụng to, mỗi khi nghinh chiến với kẻ thù bụng Cóc phình to như đứa trẻ mắc cam tích chăng?

Cóc Khổng Lồ

Thiềm thừ to lớn nhất trong họ Thiềm là Cóc Khổng Lồ (Goliath Frog) mang tên khoa học Conraua goliath thuộc gia đình Conrauidae. Các anh chị Cóc Khổng Lồ hay Cóc Goliath hay Khổng Thiềm nầy dài 32 cm và cân nặng đến 3,25 ki-lô. Cóc Khổng Lồ được tìm thấy nhiều ở Cameroon, Guinea (Phi Châu). Thức ăn của các anh chị Cóc Khổng Lồ này là sâu bọ, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, chuột, rắn, dơi, rùa con, cua v.v... Dân số Cóc Khổng Lồ sụt giảm nặng nề. Hiện nay mỗi năm Guinea chỉ xuất cảng 300 anh chị Cóc Goliath này mà thôi.

Hải Thiềm

Hải Thiềm tức Bufo marinus được tìm thấy nhiều ở Florida, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Người Anh gọi là Cane Toad (Thiềm Cam Giá – Cam Giá: cây mía) vì người ta nuôi các anh chị Bufo marinus trong các đồn điền trồng mía để ăn các loại côn trùng màu trắng thuộc gia đình Scarabacidae phá hại mía. Người Mỹ và Âu Châu xem Hải Thiềm hay Thiềm Cam Giá là Thiềm Thừ to lớn nhất. Nhưng so với Thiềm Thừ Goliath (Cóc Khổng Lồ) thi Hải Thiềm nhỏ hơn nhiều. Hải Thiềm hay Thiềm Cam Giá (Cóc Mía) nổi tiếng có nhiều độc chất bufagin C24 H34 O5 và bufotenin C12 H16 N2 O. Ở vùng Caribbean người ta dùng bufotenin độc này làm thuốc kích dục (thuốc hít hay hút). Độc chất bufotenin được tìm thấy nhiều trong hột cây Thiêng Cebil Anadenanthera colubrina, trong nhựa cây Takini hay cây Giâu Thủy Ngân Thực Vật Brosimum acutifolium và trong hột cây Mắt Mèo Mucuna pruriens.

Các anh chị Ếch, Nhái, Chàng Hiu, Ảnh Ương đều là động vật sống nửa đất, nửa nước như Thiềm tộc. Nói cách khác, tuy khác gia đình, nhưng họ là thân thuộc gần của chúng tôi. Thiềm tộc mặc quần áo sần sùi, nhiều màu khác nhau với nhiều đốm đỏ trông dơ bẩn. Các anh chị Ếch, Nhái, Chàng Hiu, Ảnh Ương mặc áo quần láng, màu sắc đơn giản. Bản thân các anh chị Ếch, Nhái không có độc chất như Thiềm tộc chúng tôi. Ếch, Nhái là thức ăn được ưa thích của loài người. Người Pháp thích ăn đùi Ếch chiên bơ. Người Việt Nam ăn Ếch xào lăn với bột nghệ, hành, tỏi, nước cốt dừa với đậu phọng rang, ngò om ăn với bánh phồng tôm Sa Đéc. Các nhà hàng người Hoa ở Sài Gòn, Chợ Lớn bán Ếch chiên bơ. Trước năm 1975 ở Chợ Cầu cách Sài Gòn 12 cây số về hướng tây bắc có trại nuôi Ếch cung cấp thịt Ếch cho các quán nhậu ở Chợ Cũ Sài Gòn hay Vĩnh Hội.

Ếch

Tên khoa học của Ếch là Rana esculenta hay Pelophyllax esculentus thuộc gia đình Ranidae.

Ếch và Nhái mặc áo quần láng. Nhái nhỏ bằng 1/6 kích thước của Ếch. Do đó Nhái không cho nhiều thịt bằng Ếch. Ếch Rana catesbeiana ở Mỹ Châu được gọi là Ếch Bò có thể nuốt một con Dơi. Ếch Discodeles adspersus trên đảo Solomon và Ếch Rana crancivora ở Á Châu ăn cua. Ếch có răng rất nhuyễn ở hàm trên mà thôi. Răng của Ếch không có tác dụng dùng để nhai thức ăn mà chỉ để giữ mồi hay thức ăn. Cóc, Ếch chỉ nuốt sống con mồi mà thôi. Tiếng kêu của Ếch phần lớn xuất phát từ các anh Ếch. Đó là tiếng gọi ái tình. Các chị Ếch cũng đáp lại như báo hiệu các chị sẵn sàng bắt đầu cuộc yêu đương. Các chị Ếch tuyển chọn các anh Ếch có tiếng kêu to nhất để giao tình. Tiếng kêu to phản ánh sinh lực của nam giới Ếch. Cách giao tình của Cóc và Ếch đều giống nhau. Môi trường yêu đương là các dòng nước, ao, hồ.

Chàng Hiu

Chàng Hiu nhỏ như Nhái nhưng mặc quần áo màu xanh; lòng bàn chân Chàng Hiu nhám để bám vào các cành cây. Tên khoa học là Hyla cinerea thuộc gia đình Hyli-dae. Như Ếch và Nhái, Chàng Hiu không có nọc độc như Thiềm tộc. Chàng Hiu được tìm thấy nhiều ở miền Đông và Đông Nam Hoa Kỳ. Người Mỹ gọi là American Green Tree Frog.

Ảnh Ương

Ảnh Ương mặc quần áo láng. Ở Việt Nam Ảnh Ương mặc quần áo vàng. Ở Mỹ Châu Ảnh Ương có màu vàng-xanh, xanh lá cây, xanh dương. Ảnh Ương phát triển đệ tam nhãn (parietal eyes). Tên khoa học của Ảnh Ương là Rana catesbeiana hay Litho-bates catesbeianus thuộc gia đình Ranidae. Người Anh gọi Ảnh Ương là Bull frog vì tiếng kêu to của các anh Ảnh Ương tựa như tiếng bò rống. Ảnh Ương thuộc gia đình của Ếch, Nhái, không có độc chất như Cóc. Vì vậy nhiều dân tộc trên thế giới ăn thịt Ảnh Ương như ăn thịt Ếch, Nhái. Ở Trung Hoa và Đông Nam Á có tộc Ảnh Ương Hoplo-batrachus rugulosus được dân chúng ăn thịt như ăn thịt Ếch. Trong toa thuốc trị bịnh phong hủi của Hoàng Đôn Hòa thời vua Lê Chúa Trịnh có nói đến Cóc Vàng. Có phải đó là anh chị Ảnh Ương không? hay Cóc Vàng Độc ở Nam Mỹ xa xôi và hiếm hoi?

Ếch Vàng Độc Dendrobates leucomelas

Trong rừng nhiệt đới Colombia có vũ lượng từ 4.000 mm trở lên có tộc Ếch Vàng Độc Dendrobates leucomelas hay Phyllobates terribilis thuộc gia đình Dendrobatidae mang nhiều độc chất nên được gọi là Golden Poison Frog (Ếch Vàng Độc). Đặc điểm của loài Ếch Vàng Độc nầy là:

Ở Nam Mỹ nhất là Panama có Cóc Vàng Độc có đốm đen Atelopus zeteki thuộc gia đình Thiềm tộc chúng tôi, Bufonidae. Tộc nầy mang trong thân thể nhiều độc chất bufadienolide C24 H34 O2 và guanidine CH5 N3.

Cóc Vàng Độc có đốm đen

***

Thưa quí vị đại biểu động vật hiện diện, loài người chuộng vẻ đẹp bề ngoài nên có vẻ quên lãng Thiềm tộc chúng tôi chỉ vì Thiềm tộc ăn mặc xốc xếch, áo quần sần sùi khó coi lại mang nhiều độc chất. Họ nói nhiều về Frog tức các anh chị Ếch dòng Rana. Họ không mang ơn chúng tôi đã ăn côn trùng, sâu bọ phá hại mùa màng của họ mà còn săn bắt chúng tôi vào những đêm tối không trăng sao và trời mưa tầm tã. Họ bắt chúng tôi bỏ vào giỏ. Các anh chị Cóc và Ếch bị bắt đều sợ đến tiểu ướt cả giỏ! Họ giết chúng tôi bằng cách chặt đầu, lột da và mổ bụng trông ghê rợn. Các anh chị nhái nhỏ bị ghim vào lưỡi câu nhọn để làm mồi câu cá. Thịt Cóc được bằm nhuyễn để nấu cháo. Có khi họ ướp thi thể Cóc đã lột da và móc ruột, với muối, hành, tiêu, tỏi, ớt và sả rồi đem nướng với lá bưởi. Họ cũng dùng cách này với các anh chị Ếch. Thịt Ếch được bán ở các nhà hàng ở Pháp, Việt Nam để biến chế thành những thức ăn ngon. Người Pháp thích ăn món đùi ếch chiên bơ đến nỗi trong tiếng lóng của người Anh Frog ám chỉ người Pháp. Chuyện này không làm cho người Pháp hài lòng bao giờ. Ở Việt Nam cũng có món Ếch chiên bơ bán ở các nhà hàng ở Chợ Cũ Sài Gòn. Nhưng các tay nhậu ở Việt Nam thích ăn món Ếch xào lăn hơn cả.

Không biết các anh chị Lươn, Ếch, Rùa, Rắn, Vịt có liên hệ tiền kiếp gì với ngò om (finger grass – Limnophila aromatica) mà ngò om luôn luôn hiện diện khi các anh ấy mất. Tình nghĩa này không sao nói hết được. Khi sống họ không nương nhờ nhau. Vậy mà khi chết họ không bỏ nhau. Cao quí thay! Cao quí thay! Tình nghĩa Thực-Động Vật! Sống bất tương cầu. Chết bất tương ly.

Người Việt Nam gọi Cóc Đực là Cóc Kẹt. Cóc Kẹt hay nghiến răng. Các anh này thường được dùng trong các phòng thí nghiệm của loài người. Cóc có mụt tím đỏ trên áo quần được gọi là Cóc Tía. Dưới mắt người Việt Nam Thiềm tộc tượng trưng cho thảo dân nghèo khổ, tay lấm, chân bùn.

Cóc nghiến răng thì trời sắp mưa.

Người có bụng to được ví với bụng Cóc.

Người có da sần sùi được ví với da Cóc.

Đồ Cóc Nhái là những từ ngữ chê bai, khinh miệt dành cho người có thân phận thấp bé ngoài xã hội.

Nhảy Cóc nhảy Nhái nói lên sự nhảy múa loạn xạ, không nghệ thuật.

Cóc mang guốc hay Cóc trèo thang là những cụm từ đầy ngạo nghễ, kẻ thấp hèn muốn thay đổi thân phận để vươn lên trong xã hội.

Cóc là hình ảnh xấu xí và nghèo nàn của thảo dân.

Cóc cắn Rắn mổ là lời rủa độc. Cóc hay Rắn đều có nọc độc hay độc chất. Do đó Cóc cắn hay Rắn mổ thì khó sống.

Theo Hán Việt thì Cóc là Thiềm hay Thiềm Thừ.

Thiềm cũng là mặt trăng.

Nguyệt lý Thiềm Thừ là hình Cóc trên mặt trăng.

Thiềm tô là nhựa mủ độc trên da Cóc dùng để làm thuốc.

Ca dao Việt Nam nói về Thiềm tộc như sau:

Cóc kêu dưới vịnh tre ngầm
Cóc kêu mặc Cóc tre dầm mặc tre.

*

Con Cóc nằm ngóc bờ ao
Lăm le lại muốn đớp sao trên trời.

Hai câu ca dao nầy ám chỉ Đỗ Thích ám sát Đinh Tiên Hoàng và con là Nam Việt Vương Đinh Liễn năm 979 sau khi nằm chiêm bao thấy sao rơi vào miệng nên đinh ninh ông ta có số làm vua. Người ta quá chú trọng đến tên giết người Đỗ Thích mà quên ai đứng sau lưng anh ta? Thập Nhị Tướng Quân Lê Hoàn? Hoàng hậu Dương Vân Nga?

Loài người có vẻ quan tâm đến các thân thuộc Ếch Nhái hơn là Thiềm tộc. Người Anh gọi các anh chị ấy là Frog. Nhưng loài người vẫn có cái nhìn xấu đối với các anh chị Ếch, Nhái hơn là nói tốt cho họ.

Trong Thánh Kinh Ếch, Nhái được đề cập trong Exodus:1-14; 8:2-14; 8:13-14; Psalm 105:30; Revelation 16:13. Do Thái và Ai Cập chống báng nhau từ ngàn xưa. Do đó quan niệm của người Do Thái về Ếch trong Thánh Kinh và người Ai Cập có hoàn toàn trái ngược nhau. Ở Ai Cập có nữ Thần Hemet mang hình hài của Ếch. Ếch tượng trưng cho sự sống và sinh hóa.

Người Nhật gọi Ếch là Kaoeru (trả lại; hoàn lại) tượng trưng cho sự may mắn về tiền bạc. Cóc, Ếch được xem như Thần Mưa (Vũ Thần). Ý niệm này cũng giống ý niệm Cóc nghiến răng thì trời sắp mưa của người Việt Nam.

Trong huyền thoại Hy Lạp Leto, mẹ của Thần Artemisis và Apollo, biến người Lycians thành Ếch vì làm đục nước!

Cư dân vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia) có truyền thuyết nữ Thần Innana-Ishtar yêu người làm vườn. Người này cho bà một trái cây (biểu tượng của sự cám dỗ?). Khi tỉnh thức bà biến người làm vườn thành anh Ếch!

Trong vũ trụ có sao Thiềm Thừ (Constellation of the Toad). Đó là 05 ngôi sao nhỏ màu xanh lá cây nối lại giống hình Cóc nằm.

Trong thực vật học ta có:

1. Toad flax: hoa liễu ngư Linaria vulgaris thuộc gia đình Scrophulariaceae, hoa màu vàng rất đẹp nên còn được gọi là yellow toad flax.

Hoa liễu ngư Linaria vulgaris

2. Toad flower: Hoa Thiềm Thừ Stapelia gigantea thuộc gia đình: Apocynaceae. Hoa có mùi khó chịu.

Hoa Thiềm Thừ Stapelia gigantea

 

3. Toad tree: Thiềm Thừ Mộc – Tabernaemontana elegans thuộc gia đình Apocynaceae. Người Phi Châu xem đó là một cây thuốc quan trọng.

Thiềm Thừ Mộc Tabernaemontana elegans

Người Anh gọi Ếch là Frog. Người Trung Hoa gọi là Qing wa (Thanh Oa) (2).

Loài người nhiều chuyện lắm. Họ nói đủ thứ về Ếch. Nào là Ếch mang số 24 trong Đề 40 con. Nào Ếch ngồi đáy giếng; Mèo mã gà đồng (Gà đồng: Ếch); Ếch vồ hoa dâm bụt v.v…

Người Anh có trên 20 câu châm ngôn nói về Ếch đại cương như:

Never try two Frogs with one hand
The Eagle doesn’t war against Frogs
If you are a Mouse, don’t follow the Frog
The Frog in the well knows nothing of the great ocean (Ếch nằm đáy giếng không biết gì về sự vĩ đại của đại dương). Người ta cho rằng câu này được dịch từ một câu châm ngôn của người Trung Hoa. Việt Nam cũng có Ếch ngồi đáy giếng.
It’d rather be a big Frog in a small pond than a small Frog in the big pond v.v…

Hình như loài người khinh rẻ bọn Cóc, Ếch, Nhái, Chàng Hiu, Ảnh Ương chúng tôi. Ca sĩ có giọng hát kém bị ví với giọng Ảnh Ương.

Người Việt Nam ăn Cóc, Ếch, Nhái nhưng không thấy ăn Ảnh Ương, Chàng Hiu. Ếch to, lớn tuổi được gọi là Ếch Bà mặc dù có thể là Ếch Đực! Nhái to được gọi là Nhái Bầu. Nhái nhỏ bị người Việt Nam ghim vào lưỡi câu để làm mồi câu cá.

Chiều chiều bắt Nhái cắm câu,
Nhái kêu cái ẹo, thảm sầu Nhái ơi.

*

Cóc chết bao thuở Nhái rầu.
Ảnh Ương to tiếng Nhái Bầu dựa hơi.

Ban nhạc Cóc, Ếch, Nhái, Ảnh Ương hòa tấu thì không ai ngủ được. Tụi Nhái thì lớn tiếng; Ảnh Ương ồn như tiếng đại vĩ cầm; Cóc thì có những tiếng nghiến răng khô khan. Lão Trình Giảo Kim có lẽ mang cốt Thiềm tộc. Thắng hay thua lão chỉ đánh ba búa. Nên có cụm từ ‘ba búa Trình Giảo Kim’. Khi thua thì giả đau bụng như Thiềm tộc giả chết khi biết không đấu lại đối thủ của mình. Cái dũng của Trình Giảo Kim giống như sự gan dạ của Cóc Tía.

Loài người chê anh chị Ếch ngu và thụ động. Xin lỗi anh chị Ếch về chuyện này. Họ nói anh chị Ếch nằm trong nồi nước đặt trên bếp lửa. Nước lạnh: Ếch chịu được. Nước ấm: Ếch chịu được. Ếch nằm im và chịu chết khi nước sôi mà không có phản ứng gì cả! Đó là chuyện khoa học về Ếch luộc (boiling Frog).

Dù loài người chê bai chúng tôi, họ vẫn dùng chất độc trên thân Thiềm Thừ để làm thuốc làm chậm nhịp tim khi giải phẫu, để trị ung thư và làm thuốc kích dục. Họ cũng có những chuyện kể như Chuyện Cóc Đại Náo Thiên Đình đầy phạm thượng, chuyện Chàng Nhái Kiển Tiên, chuyện The Frog Prince ở Đức v.v... Trong sách tập đọc Việt Nam có chuyện chị Ếch đại để như sau:

Có một chị Ếch thấy phụ nữ của loài người ăn mặc đẹp quá. Chị bắt chước để tự làm đẹp, từ bỏ thân phận Ếch để bắt chước cho giống nữ phái đẹp của loài người. Chị Ếch lấy lá tía tô làm khăn, hai khoanh củ hành làm mắt kiếng, một tai nấm mối làm dù và hai trái ớt khô làm giày. Chuẩn bị xong chị Ếch đi chập chững bằng hai chân sau. Đi được vài trăm thước chị Ếch gặp một nông dân ốm gầy. Có lẽ anh ta thiếu dinh dưỡng. Gặp chị Ếch anh ta mừng lắm. Anh ta chụp chị Ếch. Chị hốt hoảng né tránh và định phóng nhảy như đã làm thường ngày khi gặp nạn. Lần này đầu đội khăn tía tô, mặt mang hai khoanh củ hành, tay có dù nấm mối, chân có giày ớt khô nên việc thoát hiểm trở nên khó khăn. Chị bị bắt. Anh nông dân ốm gầy không thể từ bi với chị được vì anh cần chất dinh dưỡng. Chị Ếch bị giết chết và được tẩn liệm bằng lá tía tô, củ hành Tây, ớt hiểm khô và nấm mối sẵn có. Sự đau khổ của chị là niềm vui của khẩu vị của anh nông dân.

Chuyện thương tâm này của chị Ếch được một nhạc sĩ họ Thiềm sáng tác bài Sống Như Chị gây xúc động trong cộng đồng Amphibian thế giới. Cộng đồng Amphibian Hoàn Vũ làm lễ truy điệu chị Ếch hàng năm. Bản Sống Như Chị luôn luôn được các giàn nhạc Toad và Frog dùng như làm nhạc cầu hồn các anh chị Cóc, Ếch, Nhái, Chàng Hiu, Ảnh Ương chết đau đớn trong cảnh chặt đầu lột da ghê rợn của loài người. Thịt thì họ nấu cháo, xào lăn, nướng với lá bưởi sau khi ướp muối, sả, ớt.

Chất bufagin để làm thuốc trên cơ sở lấy độc trị độc mà loài người thường hay truyền tụng. Loài người nói nhiều về Thiềm tộc. Có cái đúng. Có cái thêm thắt. Có cái không được đúng nhưng không hoàn toàn sai. Đúng hay sai đều do loài người truyền miệng mà ra. Miễn bàn!

Thưa quí vị đại biểu động vật hoàn vũ, Thiềm tộc long trọng cảnh báo: loài người xâm lấn địa bàn sống của chúng tôi. Trước kia người ta câu Ếch dọc theo khuôn viên thành Ô-Ma (Camp Aux Mares) dọc theo đường Nancy trước trường Pétrus Ký. Bây giờ chúng tôi đã mất các dòng nước, vùng đất ẩm khắp nơi trên thế giới chớ không riêng gì Sài Gòn. Địa bàn sống của chúng tôi đã mất khi loài người đô thị hóa nông thôn, lấp các dòng nước, kinh, rạch, ao, hồ. Các giàn nhạc Ếch, Nhái, Chàng Hiu, Ảnh Ương và Cóc ngừng hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới kể cả Bangkok nơi có nhiều kinh rạch và các dòng nước nhân tạo. Người Anh chế nhạo người Pháp ăn thịt Ếch. Bây giờ vài nhà hàng Mỹ cũng có món thịt Ếch. Nước Mỹ giàu có đã ăn thịt Ếch thì có ngày thịt Nhái cũng được đưa vào thực đơn nhà hàng. Nhân danh Thiềm tộc tôi xin nhắn nhủ với loài người rằng thịt Thiềm tộc không trị được chứng suy dinh dưỡng hay cam tích. Phân Ếch, Nhái, Cóc, Chàng Hiu, Ảnh Ương đều là phân nước dưới dạng nước tiểu chẳng có lợi gì cho nhà nông. Loài người cướp môi trường sống của chúng tôi thì quí vị cũng sẽ tự cướp môi trường sống của nhau trong một ngày không xa. Tôi xin chấm dứt bài tham luận Thiềm tộc ở đây và xin mời toàn thể quí vị hiện diện thưởng thức bài Thiềm Dạ Hành.

Chúc quí vị một ngày vui.

Trưởng lão Hải Thiềm tức Thiềm Cam Giá ‘cane Toad’ Bufo Marinus
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_______

Chú thích:

(1) Lai Ha Ma: Lai Cáp Mô (Cóc sần sùi) (Lai: phong hủi); Chan chu: Thiềm Thừ.

(2) Qing wa: Thanh Oa.

Cảm ơn dược sĩ Lâm Thị Phương, Úc Đại Lợi, đã giúp tôi phiên âm Quan thoại ra Việt ngữ.


Cái Đình - 2017