Phạm Ɖình Lân


Thảo mộc trị tiểu đường

.

Trong quá khứ tiền nhân chúng ta cho rằng bịnh tiểu đường là bịnh của người giàu có và bịnh lao (TB) là bịnh của người lao lực nhiều nhưng ăn uống thiếu chất dinh dưỡng. Ở Hoa Kỳ bịnh tiểu đường lan sang người nghèo vì người nghèo cũng được dinh dưỡng đầy đủ.

Bịnh tiểu đường không hẳn là bịnh của người ăn nhiều đường. Nó xuất phát từ sự rối loạn của nội tạng như gan, tỳ, thận. Nó đánh dấu bởi TAM ƉA (Three POLYs): nhiều nước tiểu (Polyuria), khát nước dữ dội (Polydipsia) và đói lủi (Polyphagia). Dấu hiệu bắt đầu của bịnh: da khô và nhăn, táo bón hay tiêu chảy, sụt cân, đi tiểu suốt đêm, khát nước, mệt mỏi, ngón tay ngón chân tê, thị giác giảm. Ɖây là một loại bịnh gây tử vong chậm cho loài người. Ngày nay Tây y có đủ thuốc men để trị bịnh tiểu đường. Thuốc có khả năng ngăn chận không cho bịnh phát triển nhưng không chấm dứt bịnh tiểu đường như các bịnh khác. Việc dùng thuốc thảo mộc để trị tiểu đường không thể hơn Tây dược về kết quả trị liệu cũng như nguồn cung cấp dược liệu. Nhưng nó thích hợp cho hoàn cảnh của người bịnh trong quốc gia đang mở mang. Trở ngại trước mắt là không có đủ nguồn thuốc để điều trị lâu dài!

Bịnh lao (TB) là bịnh vi trùng có thể trị dứt bằng trụ sinh.

Bịnh tiểu đường không phải là bịnh vi trùng mà do sự rối loạn trong nội tạng làm mất quân bình của chất lỏng trong cơ thể do sự hoạt động bất bình thường của gan, tỳ và thận. Thận suy. Gan không hấp thụ insulin hay tỳ không sản suất đủ insulin.

Ở các quốc gia nghèo người bị bịnh tiểu đường chỉ khám phá mình bị bịnh khi thấy nước tiểu trong, nhiều bọt và hấp dẫn đàn kiến đánh hơi vị ngọt của đường. Và phương cách chữa trị không gì khác hơn là dùng các loại thảo mộc quanh mình. Khi xài thuốc lá cây thì thường nghe theo lời thầy thuốc dạy phải tôn trọng luật Nam Thất, Nữ Cửu, tức nam có Thất Khiếu (7) và nữ có Cửu Khiếu (9).

Thảo mộc có dược tính trị tiêu khát (diabetes insipidus) và tiểu đường loại 2 (diabetes mellitus) trong dân gian đại cương có: chuối hột, ổi, lá sống đời, khổ qua, cỏ ca-ri, cây insulin, cây đuôi chuột, cây muồng trà Matara Senna auriculata, mè đen (hắc chi ma ngăn chận sự khát nước) v.v.

***

KHỔ QUA

Momordica charantia
Cucumis africanus
Sicyos fauriei

Gia đình: Cucurbitaceae

Khổ qua Momordica charantia (Ảnh: https://www.researchgate.net/) ===>

.

Khổ qua là một loài dây có trái dùng làm thức ăn. Vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới và khí hậu đại dương trên thế giới đều thích hợp cho việc trồng khổ qua.

Người Việt Nam ăn khổ qua non ngâm giấm, khổ qua non luộc ăn với mắm nêm. Vào dịp Tết nhiều nhà Việt Nam có một nồi khổ qua hầm.

Vị đặc biệt của khổ qua là đắng. Khổ qua non đắng hơn khổ qua già. Vị đắng đó là dược tính của khổ qua.

Tên khoa học của khổ qua là Momordica charantia thuộc gia đình Cucurbitaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Khổ qua, Mướp đắng, Cẩm lệ chi (Hán-Việt)

Anh

Bitter melon, Bitter gourd

Pháp

Melon amer (Mướp đắng)

Tây Ban Nha

Melon amargo

Ấn Ɖộ

Karela

Trung Hoa

Ku gua (khổ qua)

Nhật Bản

Goya

Khmer

Mreas

Lào

Kheua mark xai

Thổ dân Nam Mỹ sống dọc theo thung lũng sông Amazon, người Mexico, Ấn Ɖộ và Trung Hoa đã biết dùng dây, rễ, lá, trái và hột khổ qua trong việc trị bịnh từ lâu.

Ở Brazil người ta dùng khổ qua làm thuốc trị bướu, vết thương, tê thấp, sốt rét, tiểu đường, bạch huyết, viêm, trùng lãi, phong hủi (leprosy), bịnh về da.

Ở Mexico khổ qua được dùng để trị tiểu đường, kiết lỵ, làm thuốc kích dục, thuốc trụy thai.

Ngày nay khổ qua được nghiên cứu sâu rộng hơn. Nó được dùng để trị tiểu đường, hạ cholesterol, trị viêm gan, trùng lãi, sốt rét, béo phì (obesity), táo bón, trĩ (hemorrhoids). Việc dùng khổ qua trong việc trị ung thư và bịnh AIDS còn trong vòng nghiên cứu.

Saponins charantins có đặc tính như insulin hạ đường trong máu. Ở Phi Luật Tân có thuốc Charantia. Trà khổ qua được bán khắp nơi trên thế giới.

Khổ qua kháng khuẩn, kháng trùng. Proteins của khổ qua alpha-momorcharin beta- momorcharin diệt khuẩn HIV (Human Immunodeficiency Virus) gây ra bịnh AIDS trong thí nghiệm. Khổ qua có sinh tố A, sinh tố B, sinh tố C, Phosphorus, Potassium, Sắt, Zinc, Strontium, momordicine C30H48O4. Trái non có nhiều quinine C20H24O2 dùng để trị sốt rét và bịnh Babesiosis do tế bào hồng huyết cầu nhiễm ký sinh trùng Babesia microti sau khi bị bò chét nai cắn và truyền vào máu. Cũng có tài liệu cho rằng khổ qua non không có quinine nhưng trị sốt rét có kết quả.

Lá khổ qua giã nát, vắt nước uống trị chứng nghiện rượu.

Dầu lấy từ hột khổ qua có alpha-eleostearic acid C18H30O2 ngăn chận ung thư đường ruột.

CÂY ỔI

Psidium guajava

Gia đình: Myrtaceae

(Ảnh: https://cayxanhgiapham.com/ & https://privixexim.com/)

Cây ổi là cây ăn trái gốc ở Nam Mỹ nhiệt đới như Peru, Brazil, Columbia. Ɖó là loại cây ăn trái sớm ra trái so với các loại cây ăn trái khác. Có loại ổi chỉ trong 8 tháng thì có trái.

Cây ổi không to cũng không cao. Gỗ rất cứng nhưng không thể dùng để sản xuất bàn, ghế, tủ vì cây không to. Ở Nam Mỹ có nhiều rừng ổi do chim ăn ổi chín phóng thải hột tạo ra. Ở Nam Mỹ, trên các hải đảo trong biển Caribbean và nhiều quốc gia Á Châu, trong đó có Việt Nam, có nhiều vườn ổi được lập ra để bán trái.

Cây ổi màu hung đỏ tròn láng. Lá dày khá rộng. Gân lá nổi cộm. Hoa màu trắng. Trái có núm, nhiều hột nhỏ rất cứng. Từ khi trổ hoa kết trái đến lúc trái chín phải mất từ 100 đến 120 ngày. Trái ổi chín màu vàng, ruột đỏ có hương thơm. Người ta ít khi ăn ổi chín mà ăn ổi xanh già với muối ớt hay với mắm ruốc như thường thấy ở bến phà Mỹ Thuận hay ở các quày bán trái cây ngâm cam thảo của người Hoa ở Việt Nam.

Trái ổi non và lá ổi rất chát vì có nhiều tannins.

Tên khoa học của ổi là Psidium guajava thuộc gia đình Myrtaceae. Tên gọi thông thường của ổi là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Ổi, Thiên đào, Sơn lựu

Pháp

Goyave

Anh

Guava

Tây Ban Nha

Guava (dựa vào thổ ngữ Arawak guayaba
hay thổ ngữ Galibo và Tupi guayava)

Cây ổi có giá trị kinh tế lẫn trị liệu. Brazil, Cuba, Ấn Ɖộ nổi tiếng về việc xuất cảng ổi.

Về trị liệu ta có:

- Lá ổi sắc nước dùng để trị tiêu chảy, kiết lỵ, ói mửa, đau cuống họng, rối loạn tiêu hóa, kinh nguyệt bất thông. Thổ dân sống dọc theo sông Amazon nhai lá ổi non khi nướu răng chảy máu. Phụ nữ dùng nước sắc của lá ổi để tẩy sạch bạch huyết. Nước sắc của lá và vỏ cây ổi dùng để rửa các u nhọt và vết thương. Khi đau mắt, người ta dùng hoa ổi giã nát, vắt nước và lọc sạch, nhỏ vào mắt. Ở Peru lá ổi còn được dùng để trị ho, kinh nguyệt quá đà, cước khí. Lá và vỏ cây ổi kháng trùng staphylococcus, shigella, salmonella, bacillus, E. Coli, clostridium (gây trúng độc thực phẩm – botulism), chống kết nấm, lên men và chống sốt rét.

- Những nghiên cứu gần đây của Nhật Bản và Brazil cho thấy hoạt chất trong lá và trái ổi có khả năng hạ huyết áp, hạ đường trong máu nên có thể dùng ổi để trị tiểu đường, hạ cholesterol nhờ có nhiều potassium và sợi hòa tan trong cơm trái ổi.

Thành phần hóa học: Trái ổi có tannins, sinh tố A, C, B3, G4, quercetin C15H10O7, phenol C6H6O, triterpenes C30H48, carotenes C40Hx, guajaverin C20H18O11, avicularin (cùng công thức hóa học C20H18O11– ngăn chận sự tích tụ mỡ, chất béo), gallic, ellagic acids, potassium, chất vôi, đường, sắt (Fe), phosphorus.

CHUỐI HỘT

Musa basjoo
Musa japonica
Musa balbisiana
Musa sapientum

Gia đình: Musaceae

Chuối hột Musa balbisiana (Ảnh: https://onszaden.com/ & http://www.biomens.eu/)

Quê quán gốc của cây chuối hột là quần đảo Ryu Kyu ở miền nam nước Nhật. Vì vậy cây chuối hột còn có tên khoa học Musa japonica.

Ɖối với người Việt Nam, chuối hột và chuối sứ hay chuối Xiêm là hai loại chuối có nhiều công dụng trong đời sống từ chuối cây, chuối con, trái chuối, lá chuối, bắp chuối (hoa), sợi lấy từ cây chuối và tàu lá chuối. Trái chuối hột chín ngọt nhưng không đươc hưởng ứng như trái chuối hột xanh, tức chuối chát, lại có giá hơn trái chuối chín. Người Việt Nam ăn thịt bò với khế, chuối chát, rau với mắm nêm.

Chuối hột có nhiều sợi dài và bền chặt được người Nhật dùng để dệt thảm, nắp bàn hay vải chuối.

Tên khoa học của chuối hột là Musa basjoo (xem các tên khoa học khác trên tựa) thuộc gia đình Musaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Chuối hột (vì trái chín có nhiều hột đen, cứng, lớn hơn hột tiêu đen khô)

Anh

Japanese banana, hardy banana, Japanese fiber banana, Thai black banana

Phi Luật Tân

Butuhan

Thành phần hóa học:

Theo kinh nghiệm chữa trị dân gian, người ta chặt cây chuối hột và khoét sâu vào thân cây cho nước tiết ra từ cây chuối tụ lại rồi dùng nước này để uống trị tiểu đường. Ɖể đề phòng côn trùng và bụi bặm, người ta bao thân cây chuối đươc khoét lỗ bằng vải lưới.

Rượu chuối hột (1) được xem là bổ thận, được dung để trị đau lưng, bất lực sinh lý, khó ngủ. Ɖó là kinh nghiệm trị liệu bằng chuối hột của người Việt Nam.

Chú thích (1): Chuối hột chín lát mỏng, phơi khô hay sấy khô rồi ngâm với rượu trắng 45 độ.                                     

CÂY MUỒNG TRÀ MATARA (1)

Cassia auriculata
Cassia densistipulata
Senna auriculata

Gia đình: Fabaceae

Cây muồng trà Cassia auriculata (Ảnh: https://www.indiamart.com/) ====>

.

Cây muồng trà Matara được tìm thấy nhiều ở Ấn Ɖộ, đảo Sri Lanka. Nó cũng được tìm thấy ở các quốc gia Ɖông Nam Á.

Cây cao từ 1 - 2,5m. Lá tựa như lá me nhưng to, màu xanh nhạt. Hoa vàng tươi rất đẹp. Trái như trái đậu có nhiều hột.

Tên khoa học của cây muồng trà là Cassia auriculata (xem các tên khoa học khác trên tựa) thuộc gia đình Fabaceae.

Người Ấn Ɖộ gọi là Avaram. Người Anh gọi là Matara tea tree, tanner’s cassia.

Công dụng:

- Lá non ăn được.

- Cây thuốc trị sốt, tiểu đường, béo phì (hạ mỡ), táo bón. Lá rất xổ. Hoa làm giảm đường. Lá khô có tác dụng hạ máu đường. Lá, hoa và hột được dùng để trị tiểu đường. Ở Tanzania người ta dùng cây muồng trà Matara để trị bất lực sinh lý do hậu quả của tiểu đường mà ra. Ở Phi Châu người ta dùng hột, vỏ, cây muồng trà Matara để trị thấp khớp, đau mắt (eyes ache), bịnh lậu (gonorrhea), tí thấp (GOUT).

- Vỏ cây muồng trà Matara là thuốc nhuộm màu đen (nhiều tannins). Hoa cho màu nhuộm vàng.

Thành phần hóa học:

1- Hoa có phenols, flavonoids, terpenoids, alkaloids, steroids, carbohydrates.

2- Thân cây có triterpenoid glycosides

Chú ý: Vỏ, hoa, hột muồng trà Matara có Pyrrolizidine alkaloids có hại cho gan.

Chú thích (1): Matara là tên một thành phố trên đảo Sri Lanka.

CÂY INSULIN THUỘC GIA ƉÌNH MYRTACEAE

Pedra hume caa
Myrcia uniflora
Myrcia multiflora
Myrcia salicifolia
Myrcia spharerocarpa
Aubmyrcia salicifolia

Gia đình: Myrtaceae

Cây Insulin Pedra hume caa (Ảnh: https://www.plantes-et-sante.fr/) =====>

.

Gọi là cây insulin vì nó được thổ dân vùng thung lũng Amazon dung để chữa bịnh tiểu đường từ lâu. Người Tây Ban Nha gọi là insulina vegetal (Insulin thực vật).

Cây insulin có rất nhiều ở Brazil và được thổ dân sống dọc theo thung lũng sông Amazon dùng làm thuốc chữa bịnh, đặc biệt là tiểu đường.

Ɖây là một loại cây bụi nhỏ, lá dày, dài và láng. Hoa trắng, nhụy có nhiều tia tựa như hoa mận Eugenia aquea ở Nam Bộ.     

Tên khoa học của cây insulinMyrcia salicifolia (xem các tên khoa học khác trên tựa) thuộc gia đình Myrtaceae của cây sim, cây mận ở Nam Bộ. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Tây Ban Nha

Insulina vegetal

Pháp

Pierre d’Ume (dịch âm từ Pedra hume caa của tiếng Bồ Ɖào Nha ở Brazil)

Anh

Vegetal insulin

Bồ Ɖào Nha

Pedra hume caa

Lá cây insulin Myrcia salicifolia (lá như lá liễu) có nhiều dược tính đáng kể. Các nhà khoa học Brazil và Nhật thâm cứu loại thảo mộc này để kiểm nhận phương pháp trị liệu cổ truyền của thổ dân Nam Mỹ.

Lá cây insulin được dùng để trị tiểu đường, cầm máu, trị tiêu chảy, kiết lỵ, viêm ruột (enteritis), xuất huyết, loét miệng, bảo vệ gân cốt của người bị tiểu đường, hạ huyết áp, làm tăng hiệu quả thuốc trị bịnh Graves (hyperthyroidism – bướu cổ).

Lá cây insulin có: flavonoids (quercetin C15H10O7, myricitrin C21H20O12, guaijaverin C20H18O11, desmanthin C28H24O16), flavanone glucosides (myrciacitrin I, II), flavonols, acetophenone glucosides (myrciaphenones A & B).

CÂY INSULIN THUỘC GIA ƉÌNH COSTACEAE

Chamaecostus cuspidatus
Costus cuspidatus
Costus igneus
Costus pictus
Costus mexicanus
Globba cuspidata

Gia đình: Costaceae

Cây Insulin Chamaecostus cuspidatus (Ảnh: https://nl.pinterest.com/ ) =====>

.

Cây insulin thuộc gia đình Costaceae là một loại cây có củ như gừng. Trong quá khứ nó được liệt vào gia đình Zingiberaceae của gừng.

Loại thảo mộc này được tìm thấy nhiều ở đông bộ Brazil, xứ Ấn Ɖộ và vùng núi Hy Mã Lạp Sơn. Cây cao từ 70cm - 100cm (1m). Lá rộng, dài, màu xanh lá cây rất tươi. Hoa màu vàng cam, nhụy vàng tươi nhưng trông đẹp mắt. Cây có củ như củ gừng.

Tên khoa học của cây insulin thuộc gia đình CostaceaeCostus igneus (xem các tên khoa học khác trên tựa) thuộc gia đình Costaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Cây insulin (dịch từ Insulin Plant)

Ấn Ɖộ

Banda

Sanskrit

Asama

Anh

Fiery Costus, Insulin plant, Spiral flag, Spiral ginger

Tây Ban Nha

Apagafuego, Camote de lipana

Công dụng:

Trị tiểu đường. Ở Ấn Ɖộ người ta còn dùng cây insulin này để trị viêm phổi, suyễn, sốt, trùng lãi. Ở Mexico nó còn được dùng để trị rối loạn thận. Vì có insulin thiên nhiên nên công dụng chính của loài thảo mộc này là chữa trị tiểu đường.

Thành phần hóa học:

Tannins, saponins, alkaloids, polysterols, corosolic acid C30H48O4 (tác dụng làm giảm cholesterol), sắt, proteins, potassium, ascorbic acid C6H8O6 (chống lão hóa), steroids, b-carotene C40H56, flavonoids.

Cây insulin Costus igneus kháng lão hóa, kháng viêm, kháng tiểu đường, hạ mỡ trong máu.

CÂY ƉUÔI CHUỘT

Cây Mạch Lạc
Xà Thảo Hoa Xanh

Stachytarpheta cayennensis
Stachytarpheta dichotomy
Stachytarpheta urticifolia
Stachytarpheta jamaicensis
Stachytarpheta indica
Verbana cayennensis

Gia đình: Verbenaceae

Cây đuôi chuột Stachytarpheta cayennenis (Ảnh: http://www.imageria.com/) =====>

.

Gọi là cây đuôi chuột (rat tail) vì hoa trổ trên một trục dài chĩa lên không trung như cái đuôi chuột.

Chúng tôi gọi là xà thảo hoa xanh, dịch từ tiếng Anh Blue snake weed vì công dụng trị rắn cắn của loại thảo mộc này.

Cây đuôi chuột hay cây mạch lạc, xà thảo hoa xanh gốc ở Nam Mỹ và các hải đảo trên biển Caribbean, hiện được trồng ở các quốc gia Á Châu nhiệt đới.

Cây cao từ 1m - 2m, lá xanh tươi, mặt lá nhám, rìa lá có răng cưa. Hoa màu xanh-tím mọc trên một trục cao chĩa lên không trung như cái đuôi chuột. Trái có nhiều hột nhỏ li ti.

Tên khoa học của cây đuôi chuột là Stachytarpheta cayennensis (xem các tên khoa học khác trên tựa) thuộc gia đình Verbenaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi


Việt Nam

Cây Đuôi chuột (dịch từ rat tail), cây mạch lạc (theo kinh nghiệm chữa trị của người Việt Nam vào thế kỷ XXI), xà thảo hoa xanh (tác giả dịch từ tiếng Anh Blue snake weed qua công dụng trị rắn cắn)

Brazil

Gervao

Ấn Ɖộ

Kariyartharani

Nhật Bản

Honagaso

Trung Hoa

Jia ma bian

Mã Lai

Jolok racing

Hawaii

Owi

Tagalog

Kandikandilaan

Anh

Rat tail, Brasilian tea (Trà Brazil), Blue snake weed

Pháp

Herbe bleue, Queue de rat

Tây Ban Nha

Rabo de zorro, Verbena de las Antillas

Công dụng:

- Trị sốt rét, kiết lỵ, đau nhức, gan rối loạn, tiểu đường, kháng viêm, trùng lãi, dị ứng, táo bón, suyễn (có hispidulin C16H12O6), viêm gan (hepatitis), cổ trướng (cirrhosis), khử độc trong gan, bảo vệ thần kinh, gan, tim. Lá giã nát đắp vào vết thương, vết lở loét. Ở Nigeria người ta sắc lá cây đuôi chuột cho phụ nữ mới sinh con uống để tử cung co thắt trở về vị trí cũ.

Thành phần hóa học: flavonoids, terpenes, phenols, steroids, hispidulin C6H12O6, stachytarphine, scutellarein C15H10O6, stigmasterol C29H48O, tarphetalain, verbascoside C29H36O15 v.v..

- Cây đuôi chuột kháng trùng, kháng nấm, kháng viêm, kháng lão hóa, hạ huyết áp, hạ mỡ và cholesterol trong máu (antidyslipidaemia).

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Tự Ɖiển do tác giả Phạm Ɖình Lân biên soạn.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/thaomoctritieuduong.htm


Cái Đình - 2021