Phạm Đình Lân


Thảo mộc trị ho lao trên thế giới

Bịnh ho lao (TB: Tuberculosis) là một bịnh gây tử vong rất nhiều ở các quốc gia nghèo đang mở mang. Ngày xưa ho lao nằm trong tứ chứng nan y trong Đông Y. Tứ chứng nan y là bốn (04) loại bịnh không chữa được trong ngành Đông Y. Thực tế Tây Y cũng có cái nhìn tương tự dù không thẳng thắn nói rằng đó là những bịnh không thể chữa trị nổi. Tứ chứng nan y đó là:

Phong, Lao, Cổ, Lại.

Phong là bịnh về dị ứng (allergy)
Lao là ho lao (tuberculosis)
Cổ là cổ trướng (Cirrhosis – Cổ: cái trống vì gan người bịnh bị tổn thương. Đại, tiểu tiện bất thông. Bụng to lên như cái trống)
Lại: phong hủi (leprosy).

Bịnh lao là bịnh do vi trùng Mycobacterium tuberculosis (MTB) được viết vắn tắt là vi trùng Koch vì được ông Robert Koch (1843 - 1910), một bác sĩ và nhà vi trùng học người Đức, khám phá ngày 24 tháng 03 năm 1882. Năm 1905 ông Koch được lãnh giải thưởng Nobel về Y học. Ông chế ra glycerine gọi là tuberculin để trị bịnh lao. Ngày nay người ta lấy ngày 24 tháng 03 làm ngày Lễ Bịnh Lao.

Năm 1906 bác sĩ và nhà vi trùng học Pháp Albert Calmette (1863 - 1933) và Camille Guérin (1872 - 1961) dùng vi trùng lao của bò Mycobacterium bovis làm một loại thuốc chích trị bịnh lao . Đó là BCG chữ viết tắt của Bacillus Calmette-Guérin. Vi trùng Mycobacterium bovis gây bịnh lao như vi trùng Mycobacterium tuberculosis nếu ăn thịt bò sống của con bò bị nhiễm vi trùng lao. Có phải chăng câu “Dở như phổi bò” là một lời cảnh giác về bịnh lao truyền nhiễm từ bò sang người vì bò lao lực nhiều nên dễ bị nhiễm trùng lao phổi?

Bịnh lao được xem là bịnh của nghèo khổ, lao lực nhiều nhưng thiếu dinh dưỡng. Nó cũng xảy ra do sống gần gũi người bị bịnh. Người không bịnh hít không khí của người bịnh nhiễm trùng lao và bị bịnh lao. Bịnh lao cũng được tìm thấy nơi những người bị nhiễm HIV.

Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX bịnh lao gây tử vong cho nhiều người trên thế giới kể cả Hoa Kỳ. Đến giữa thế kỷ XX ở Âu Mỹ tỷ lệ người bị bịnh lao giảm xuống 90%. Năm 1943 một sinh viên tiến sĩ Hoa Kỳ tên Albert Israel Schalz (1920 - 2005) khám phá ra trụ sinh Streptomycin C21 H39 N7 O12. Việc chữa trị bịnh lao đạt kết quả mỹ mãn. Số tử vong về bịnh nầy giảm xuống rõ rệt. Dù vậy, theo thống kê năm 2012, trên thế giới vẫn có 8,6 triệu người bị bịnh lao nhất là ở các quốc gia Á-Phi-Châu Mỹ La Tinh đang phát triển. Hàng năm có từ 1,4 đến 1,5 triệu người chết vì bịnh này trên thế giới.

Bài viết này không có mục đích chỉ thuốc trị hay ngừa lao mà chỉ ghi lại những loài thảo mộc mà loài người dùng trong quá khứ xa xưa để trị bịnh lao. Số tử vong to lớn của những người mắc bịnh lao trong quá khứ cho thấy hiệu quả tương đối của những loài thảo mộc mà chúng tôi sắp đề cập.

***

Theo kinh nghiệm trị liệu cổ truyền của các dân tộc trên thế giới khi bị bịnh lao, có hàng chục loài thảo mộc khác nhau dùng để trị bịnh này. Các loài thảo mộc dùng để trị bịnh lao (TB: tuberculosis) đại cương gồm có: Cây quả hạch Malabar, cây thuốc giòi, sả, tiêu lốt, cây nhàu, hoa bông dừa (hải đăng), rau má v.v...

Cây Quả Hạch Malabar

Adhatoda vasica
Justicia adhatoda
Gia đình: Acanthaceae

Cây quả hạch Malabar

Malabar là miền duyên hải phía tây của nước Ấn Độ. Cây quả hạch Malabar được tìm thấy nhiều ở Malabar, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Indonesia.

Cây quả hạch Malabar cao lối 3m. Lá cây màu xanh sẫm, dài và rộng. Gân lá chìm, sắp theo hình xương cá. Hoa dài lối 40cm, màu trắng có chỉ hồng rất đẹp. Cây thích hợp với đất có nước. Vì vậy người Anh gọi là water willow tức thủy liễu nhưng đừng nhầm với thủy liễu là tên gọi văn vẻ của cây bần. Gỗ cây quả hạch Malabar mềm, đốt thành than dùng làm thuốc súng. Trái có nắp và có 04 hột.

Tên khoa học của cây quả hạch Malabar là Justicia adhatoda thuộc gia đình Acanthaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc Gia

Tên Gọi

Anh

Malabar nut tree, water willow

Ấn Độ

Adulasa

Sanskrit (Phạn)

Vasaka

 Y thư Ayurveda của Ấn Độ đề cao nhiều đến tính năng trị liệu của cây quả hạch Malabar. Lá, rễ, hoa và vỏ cây quả hạch Malabar được dùng làm thuốc trị ho, suyễn, ho lao, xuất huyết nội, phong hủi, trĩ, kinh nguyệt, loét dạ dày, nướu răng rướm máu, thanh lọc máu, tiểu đường, hạ huyết áp, trục trùng lãi, làm cho phụ nữ mang thai dễ sinh vì kích thích tử cung.

Thành phần hóa học: quinazoline alkaloid C8 H6 N2, vasicine C11 H12 N2 O, adhatodinine, asicinol, tannins, saponins, flavonoids, hợp chất phénol.

Quinazoline alkaloid C8 H6 N2 chống sốt rét, chống ung thư, chống trùng lao.

Vasicine C11 H12 N2 O kích thích hệ thống hô hấp và tử cung.

Cây Thuốc Giòi

Sát Trùng Thảo
Cây Bọ Mắm
Pouzolzia zeylanica
Pouzolzia cochinchinensis
Parietaria cochinchinensis
Gia đình: Urticaceae

Cây thuốc giòi Pouzolzia zeylanica (cây bọ mắm)

Có hai loại thảo mộc mang tên cây thuốc giòi. Trước tiên chúng tôi đề cập đến cây thuốc giòi Pouzolzia zeylanica hay P. cochinchinensis thuộc gia đình Urticaceae mà người Việt Nam còn gọi là cây bọ mắm hay sát trùng thảo. Những chữ ZeylanicaCochinchinensis trong tên khoa học chỉ xuất xứ Sri Lanka (đảo Ceylon) và Nam Bộ Việt Nam.

Cây thuốc giòi được tìm thấy nhiều ở vùng Đông Nam Á, Nam Á, Hoa Nam, bắc Úc Đại Lợi v.v... Đó là một cây có thân mềm, có lông. Lá nhọn màu xanh tươi. Gân lá chìm. Ba gân lá chìm xuất phát từ cuống lá. Hoa nhỏ màu trắng.

Tên khoa học là Pouzolzia cochinchinensis thuộc gia đình Urticaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Cây thuốc giòi, sát trùng thảo, cây bọ mắm

Phi Luật Tân

tuia, apoyapoyan

Anh

graceful Pouzol’s bush

Trung Hoa

wu shui ge

Tamil

Kallurukki

Người Việt Nam gọi là cây bọ mắm hay thuốc giòi vì người ta dùng lá cây này đậy mắm để làm chết giòi, bỏ trong mắm tôm, mắm nêm. Vì lá cây có thể làm chết giòi thì người ta tin nó có thể làm chết vi trùng lao trong phổi con người.

Cây thuốc giòi có quercetin, vitexin, isovitexin, phyllantin, methyl stearate, beta-sistosterol-3-beta-D-glucopyranoside.

Vitexin C21 H20 O10 và Isovitexin (cùng công thức hóa học) có khả năng diệt trùng Staphyloccus aureus, Escherichia coliStreptoccus haemolyticus. Vitexin có trong cây thuốc giòi, lá tre hoa Kỳ, hoa lạc tiên (chùm bao), cây cọ bắp cải núi acai palm.

Phyllantin C24 H34 O6 có tính năng bảo vệ gan.

Cây thuốc giòi được dùng để trị ho, ho lao, đau cuống họng. Nó nhuận tiểu, nhuận trường. Ở Phi Luật Tân người ta dùng cây thuốc giòi để trị vết thương và vết loét.

Cây Thuốc Giòi dòng Euphorbiaceae Euphorbia dulcis
Euphorbia atoto
Chamaesye atoto
Gia đình: Euphorbiaceae

Cây thuốc giòi dòng Euphorbiaceae (trái) và Cây thuốc giòi Euphorbia dulcis ‘chameleon’ (Cắc Kè) (phải)

Cây thuốc giòi dòng Euphorbiaceae được tìm thấy nhiều dọc theo bờ biển Phi Luật Tân, Việt Nam, các hải đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Úc Đại Lợi.

Cây cao lối 60 - 70cm, có nhiều nhánh nhỏ màu xanh tươi. Lá xanh, mọc thành hình ngôi sao 05 cánh rất đẹp. Hoa màu trắng-xanh mọc thành chùm trông đẹp mắt. Có loại lá màu tím, láng; hoa vàng. Đó là loại Euphorbia dulcis ‘chameleon’ (Cắc Kè).

Tên khoa học của cây thuốc giòi đại kích lành (sweet spurge) là Euphorbia dulcis, gia đình: Euphorbiaceae. Tên gọi thông thường của cây Euphorbia dulcis:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Cây thuốc Giòi; đại kích lành

Phi Luật Tân

Tairas

Anh

beach spurge (spurge: lai kích); sweet spurge

Trung Hoa

Haibin da ji

Lá giã nhuyễn vắt nước và nhựa cây dùng để làm thuốc trị kinh nguyệt, gây trụy thai, trị ho lao và táo bón (Phi Luật Tân, New Caledonia, hải đảo Thái Bình Dương). Đặt lá trên mắm để tránh hoá giòi.

Sả

Mao Hương
Cymbopogon citrates
Cymbopogon nardus
Gia đình: Poaceae

Cây sả

Sả (mao hương) là một loại thảo mộc miền nhiệt đới Á Châu trồng từng tép và nở bụi to; lá dài, mỏng và bén. Sả có mùi thơm của chanh. Đó là một loại cây gia vị rất quen thuộc ở các quốc gia nhiệt đới và bán nhiệt đới. Bụi sả cao từ 1 - 1,50m, không hoa, không trái.

Tên khoa học của Sả là Cymbopogon citrates thuộc gia đình Poaceae như lúa gạo, cây mía v.v... Tên thông thường là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Sả; Mao hương

Anh

Lemongrass; citronella

Pháp

Citronnelle

Tây Ban Nha

La Hierba de limon

Trung Hoa

Ningmeng cao (Ninh Mộng Thảo?)

Trong thức ăn của người Việt Nam có nhiều sả. Người ta dùng sả và bột nghệ để ướp cá, thịt, nấu bò kho, bún bò Huế vừa gia tăng hương vị vừa khử mùi tanh nếu có. Muối sả ớt được dùng để ăn cơm trong thôn quê trong thời kỳ thịt cá đắt đỏ. Người ta cũng xắt sả từng khoanh nhỏ và ngâm giấm để ăn thịt bò nhúng giấm.

Sả có nhiều tinh dầu, nhiều citral C10 H16 O (kháng trùng rất mạnh), myrcene, geraniol, citronella C10 H20 O, citronellal C10 H18 O đều có mùi chanh. Citronella còn có mùi thơm của hoa hồng. Ở Việt Nam khi bị cảm, sổ mũi, nhức đầu người ta nấu nước lá sả và các loại lá có tinh dầu hay mùi thơm như lá chanh, bưởi, ổi… để xông cho ra mồ hôi thì khỏi bịnh.

Sả lợi phế, lợi cho tiêu hóa, hưng phấn, sát trùng, gây phát hạn, trị lác, thấp khớp. Sả được dùng để giết loài ve (loài bọ) bám vào da trâu bò để hút máu. Côn trùng không hợp với mùi sả.

Dầu sả được dùng trong kỹ nghệ sản xuất xà bông và nước hoa. Dầu sả Cymbopogon flexuosus ở Ấn Độ được dùng trong thức ăn. Dầu sả Cymbopogon martini ở Ấn Độ được dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa. Sả được cho vào trà, súp, và cà ri. Sả dùng để ướp cá, thịt kết hợp cùng muối, ớt, tiêu, hành, tỏi v.v...

Trong những năm gần đây Viện Đại Học Ben Gurion ở Do Thái phát hiện việc uống trà sả mỗi ngày chẳng những giúp cho sự tiêu hóa mà còn giết tế bào ung thư do tác dụng của citral. Những cánh đồng trồng sả trong sa mạc Neguev trở thành nơi thăm viếng của những người Do Thái bị bịnh ung thư!

Tiêu Lốt

Piper longum
Piper retrofractum
Chalice roxburghii
Gia đình: Piperaceae

Cây tiêu lốt

Tiêu lốt là một loại dây mọc bám vào giàn hay một cây sống. Dây dài 3, 4m. Lá màu xanh tươi, láng và có vị cay nồng khi vỡ nát. Trái dài lối 5 - 6cm. Khi chín trái có màu đỏ. Sau khi phơi khô trái chuyển sang màu đen.

Tiêu lốt gốc ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Người Hy Lạp là người Âu Châu đầu tiên biết đến tiêu lốt qua sự tiếp xúc với Ấn Độ. Vào thế kỷ VI và V trước Tây Lịch thời Hippocrates, tổ ngành Tây Y, tiêu lốt được dùng làm thuốc hơn là hương liệu như sau này.

Tên khoa học của tiêu lốt là Piper longum tức hồ tiêu dài thuộc gia đình Piperaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

tiêu lốt

Anh

Long pepper, Indian long pepper, Javanese long pepper

Pháp

Poivre long

Ý

Pepe lungo

Tây Ban Nha

La Hierba de limon

Ấn Độ

Pipli

Sanskrit

Pippali rasayana

Indonesia

Cabe puyung

Tên gọi của người Anh, Pháp, Ý mô tả hình dạng dài và xuất xứ Ấn Độ hay Java (Indonesia) của dây tiêu lốt. Tên gọi bằng tiếng Sanskrit (Phạn) pippali rasayana gợi lại cây bồ đề thiêng Ficus religiosa nơi Đức Phật tọa thiền và đắc đạo.

Tiêu lốt tươi được dùng làm đồ chua, hương liệu nêm vào thức ăn. Công dụng của tiêu lốt trong thức ăn không phổ biến bằng tiêu sọ đen Piper nigrum. Nhưng công dụng trị liệu của tiêu lốt cao hơn tiêu sọ đen nhiều (dùng dây, rễ, trái).

Ở Việt Nam người ta ngâm tiêu lốt chín phơi khô với rượu nếp để dùng khi bị thổ tả, đau bụng, kiết ly, tiêu chảy, tê thấp.

Ở Trung Hoa tiêu lốt được dùng làm ấm tử cung phụ nữ khó đậu thai.

Ở Ấn Độ tiêu lốt có vẻ có công dụng đa dạng hơn. tiêu lốt được dùng để chữa các chứng bịnh về tiêu hóa, kích thích dịch vị, trị bịnh phong tình, lưỡi tê cóng, kiết lỵ, thổ tả, sốt rét kinh niên, viêm gan, sốt xuất huyết, bịnh về hô hấp (ho, ho lao, suyễn), tẩy độc trong phổi, bịnh về lá lách, thông ống dẫn mật, củng cố hệ thống miễn nhiễm.

Trái tiêu lốt có sesamine C20 H18 O6, piperine C17 H19 NO3

Rể dây tiêu lốt có piperlongumine, piperlonguminine.

Cọng tiêu lốt có alkaloids pipeline, piperlongumine.

Dầu tiêu lốt có caryophyllene C15 H24, monocyclic sesquiterpenes, hydrocarbon.

Hoa Hải Đăng

Hoa Dừa Cạn
Hoa Bông Dừa
Trường Xuân Hoa
Vinca rosea
Catharanthus roseus
Gia đình: Apocynaceae

Hoa Dừa Cạn

Tên gọi Dừa Cạn, Bông Dừa dành cho hoa Hải Đăng làm cho người tò mò tìm hiểu về tên gọi Hải Đăng. Hải Đằng hay Hải Đăng?

Nếu Đằng là dây (climbing plant) thì tên gọi này không có nghĩa vì hoa Dừa Cạn là một cây hoa nhỏ cao lối 50 - 60cm với nhiều nhánh mềm dễ gãy.

Hải Đăng (lighthouse) là đèn pha cho tàu chạy ngoài biển? Các thủy thủ đi biển ngày xưa thấy màu trắng, hồng hay đỏ của hoa Dừa Cạn thì biết nơi đó có đất hoặc hải đảo hoặc đất liền. Vì cây hoa Dừa Cạn này được xem là ngọn hải đăng thiên nhiên cho thủy thủ đi biển. Cây rất dễ sống với đất cát, đất miền duyên hải có nước biển mặn và khí hậu nóng bức và khô hạn.

Ở Việt Nam người ta thường trồng cây Dừa Cạn quanh các mồ mả để có hoa vì Dừa Cạn dễ sống, không cần nhiều ẩm độ. Cây Dừa Cạn là cây hoa thấp, có nhánh nhỏ; lá láng, dây màu xanh sẫm; hoa có 05 cánh màu trắng, trắng-hồng; tím nhạt; đỏ khá đẹp. Cây Dừa Cạn có trái với hột nhỏ.

Tên khoa học của Dừa Cạn hay Hải Đăng là Vinca rosea thuộc gia đình Apocynaceae.

Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Dừa Cạn; Bông Dừa; Hải Đăng

Anh

Rosy Periwinkle

Pháp

Sorcière Violette (nữ phù thủy tím)

Ấn Độ

Sadabahar

Mã Lai

Shaver Naari

Trung Hoa

Chang Chunhua (Trường Xuân Hoa)

Gia đình thảo mộc Apocynaceae thường có nhiều độc chất nên không ăn được nhưng bù lại những độc chất được dùng làm thuốc trị các nan chứng. Dân chúng ở Madagascar và trên quần đảo Antilles dùng cây hoa Hải Đăng để trị tiểu đường và vài chứng bịnh khác. Các nhà khảo cứu thí nghiệm không thấy cây hoa hải đăng trị được tiểu đường. Nhưng nó có nhiều alkaloids, vinblastine, vincristine, alstonine, ajmalicine, leucrocristinereserpine. Những hoạt chất trên cho thấy hoa Hải Đăng có khả năng chữa bịnh bạch huyết cầu (leukemia), kháng ung thư phổi, ung thư bàng quang, ung thư não, ung thư ngoại thận, bịnh Hodgkin với viblastine C46 H58 N4 O9, Vincristine C46 H56 O10, leurocristine v.v... Bịnh Hodgkin là chứng nở rộng tuyến bạch huyết gây ra chứng sưng gan và lá lách.

Thảo mộc có nhiều độc chất được dùng để trị ác chứng. Nó cũng gây phản ứng phụ ghê gớm cho người bịnh. Phụ nữ mang thai không được dùng thuốc bào chế từ các loại thảo mộc có nhựa độc cho khuyển tộc (dogbane) thuộc dòng Apocynum.

Cây Nhàu

Morinda officinalis
Morinda citrifolia
Gia đình: Rubiaceae

Cây nhàu Morinda citrifolia

Cây nhàu cao từ 5 - 10m. Đó là một loài thảo mộc miền nhiệt đới và khí hậu đại dương, được tìm thấy nhiều ở Á Châu, các hải đảo Thái Bình Dương và miền bắc Úc Đại Lợi. Lá to, láng, màu xanh tươi. Lá có mùi chanh (citrifolia như tên khoa học đã định).

Tên khoa học của cây nhàu là Morinda citrifolia thuộc gia đình Rubiaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Nhàu

Anh

Indian mulberry (Indian: Ấn Độ)

Úc

Canary wood

Hawaii

Noni

Tahiti

Nono

Samoa

Nonu

Rễ, lá, trái nhàu được dùng làm thuốc. Trái nhàu sống dùng để nấu cà ri. Trái nhàu là thức ăn chống đói của cư dân hải đảo. Trái nhàu chín có mùi khó chịu nhưng ăn được và dùng để làm nước giải khát và làm thuốc.

Y thư Trung Hoa dưới triều Hán (206 trước Tây Lịch - 23 sau Tây Lịch) đã đề cập đến nhàu.

Trái dùng để trị kiết lỵ, tiêu chảy, xuất huyết, hạ sốt, hượt trường.

Lá dùng để trị ho, đau khớp xương, rắn cắn.

Rễ cây nhàu có vai trò quan trọng trong y học trị liệu. Rễ nhàu + cam thảo Glycyrrhiza uralensis dùng để khử độc chất trong cơ thể.

Vỏ làm thuốc nhuộm màu hung đỏ-tím.

Nhàu có sinh tố C, moridone, rubichloric acid, morindadiol, sitosterol kháng trùng, hạ huyết áp, kích dục, kích thích thận (kidneys), trị ho lao, bất lực sinh lý, ẩn ức sinh lý (libido), lãnh dục (frigidity), vô tự (sterility), hạ sốt, hượt trường, hoàng đản, sốt rét, đau đầu gối, đau chân, bắp thịt teo, bao tử loét, đường tiểu nhiễm trùng.

Rau Má

Tích Tuyết Thảo
Centella asiatica
Hydrocotyle asiatica
Trisanthus cochinchinensis
Gia đình: Apiaceae hay Typhaceae

Rau má là một loại cỏ thân nhỏ, mọc mạnh ở những vùng có ẩm độ cao. Cọng nhỏ, dẻo và cứng bám trên mặt đất. Lá rau má tròn, màu xanh tươi. Hoa nhỏ màu hồng nhạt, lưỡng tính. Rau má được tìm thấy nhiều ở những nơi ẩm thấp trên thế giới nhất là vùng nhiệt đới và khí hậu đại dương.

Tên khoa học của rau má là Centella asiatica thuộc gia đình Apiaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Rau má; Tích tuyết thảo

Anh

Asiatic pennywort; Gotu Kola

Pháp

Centella asiatique; Gotu kola

Ấn Độ

Brahmi

Mã Lai

Shaver Naari

Trung Hoa

Ji xue cao (Tích tuyết thảo)

Người Ấn Độ gọi rau má là Brahmi, nữ Thần của sự Thông Minh, vì rau má và rau đắng (cũng được gọi là Brahmi) Bacopa monnieri, có dược tính làm tăng trí nhớ, bổ não và làm giảm sự lo âu.

Người Á Châu và cư dân hải đảo Thái Bình Dương ăn lá rau má như rau cải hay dùng lá rau má để nấu canh. Người Trung Hoa dùng rau má + lá mã đề + rễ tranh + mía lau để nấu một loại nước giải khát làm mát cơ thể. Người Việt Nam gọi đó là nước sâm. Rau má hàn. Vào mùa hè người ta nghiền nát rau má vắt nước làm nước giải khát sau khi cho đường và chút đá lạnh.

Y học cổ truyền Ấn Độ và Trung Hoa quan tâm đến tính năng trị liệu của rau má từ lâu. Rau má có asiaticoside (triterpene glycoside), brahmoside, brahminoside, madecassoside (kháng viêm) madecassic acid C30 H48 O6 (kháng viêm), asiatic acid C30 H48 O5 (trị cước khí, mệt mỏi, triển vọng có thể trị bướu não), sinh tố K v.v... Asiaticoside C48 H78 O19 có khả năng trị bịnh lao (TB) và bịnh Alzheimer.

Rau má nhuận tiểu, làm lành vết thương, trị cao huyết áp, ho lao, suyễn, bịnh về gan, thận, nhiễm trùng đường tiểu, nước tiểu có sạn, giải độc và trị cả bịnh hủi nữa (kinh nghiệm trị liệu cổ truyền ở Ấn Độ). Steroids của rau má (trong cọng rau má) được dùng để chữa phong hủi.

Cổ y Trung Hoa cho rằng rau má là một trong các thảo mộc giúp con người trường thọ. Người ta cho rằng Li Ching Yun (Lý Thanh Vân) (1677-1933) sống 256 tuổi nhờ dùng rau má. Tuổi thọ 256 năm làm cho các nhà y học hoài nghi vì nó trên 200% tuổi thọ cao nhất thế giới!! Dù vậy cũng nên để ý đến bí quyết trường thọ của Li Ching Yun được tóm lược như sau:

1. giữ cho TÂM được yên tịnh
2. ngồi như RÙA
3. đi như BỒ CÂU
4. ngủ như CHÓ

Các loại thảo mộc giúp cho loài người trường thọ là:

a. nấm linh chi Ganoderma lucidum mà người Nhật gọi là Reiishi hay Mannentake nghĩa là ‘nấm 10.000 năm’.
b. sâm rừng Panax ginseng
c. hà thủ ô Polygonum multiform (Hà Thủ Ô: Đầu Đen của Ông Hà)
d. rau má Centella asiatica

***

Con người có nhiều tiến bộ từ thế kỷ XIX đến nay. Bịnh tật bị đẩy lùi nhưng không phải hoàn toàn bị diệt. Thuốc có mạnh, vi trùng có thua trận nhưng chúng cũng tìm cách sinh tồn và hiện hữu phù hợp với câu: Vỏ quít dày, móng tay nhọn. Bịnh lao có thuốc trị nhưng không phải hoàn toàn không còn nữa. Vi trùng là kẻ thù đáng sợ. Thuốc mạnh trị vi trùng như võ khí hóa học độc hại giết vi trùng hàng loạt. Thân thể con người như bãi chiến trường bị tàn phá nặng nề sau khi võ khí hóa học tàn sát vi trùng tàn độc. Đó là chiến tranh trong thân thể con người. Có cách nào tránh chiến tranh nghĩa là tránh sự giao tranh giữa vi trùng và thuốc cực mạnh lấy thân thể con người làm bãi chiến trường không? - Có. Thứ nhất: đừng để kẻ thù (vi trùng) xâm nhập vào cơ thể bằng cách gìn giữ vệ sinh, tránh sự lạm dụng tửu, sắc và các chất ma túy; giữ quân bình giữa dinh dưỡng - giấc ngủ - lao lực. Thứ hai: không dùng võ lực thì dùng ngoại giao, thương thuyết qua trung gian ông thầy thuốc là bổ thuốc nhuận tiểu, nhuận trường để tống khứ độc chất trong cơ thể. Còn vi trùng thì sao? - Thầy thuốc là bó tay. Các thầy lang ngày xưa biết bịnh ban cua (typhoid) do vi trùng có ngoe, càng như con cua gây ra. Nhưng họ không có cách chi diệt chúng nên số tử vong của người bị bịnh vi trùng rất cao. Cuối cùng đành phải chấp nhận chiến tranh giữa thuốc mạnh và vi trùng mặc cho sự tàn phá trên bãi chiến trường (cơ thể người bịnh).

Đến cuối cuộc đời con người không còn cách gì hơn là chấp nhận Định Số, sự An Bài với định luật bất biến về Phát Sinh, Phát Triển và Suy Tàn.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
(Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Tự Điển do Phạm Đình Lân biên soạn).


Cái Đình - 2017