Lê Ngọc Vân


Software của Đại học Radboud (Nijmegen) giúp Việt Nam trong công tác nhận dạng người chết trong chiến tranh

 

Đây là một kế hoạch truy tìm nhân dạng có hệ thống có quy mô lớn nhất trong lịch sử khoa học.

Đại học Radboud (Nijmegen – Hà Lan) đã bắt đầu khóa huấn luyện cách sử dụng software Bonaparte cho một nhóm khoa học gia đến từ Hà Nội để họ có thể thực hiện kế hoạch dò tìm nhân thân những người tử trận trong cuộc chiến vừa qua.

Vào đầu năm nay (2016), 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Hà Nội đã bắt đầu triển khai kế hoạch nhận dạng những người vô danh đã chết trong chiến tranh. Theo ước tính, trong khoảng thời gian 30 năm (1945-1975) đã có khoảng từ nửa triệu tới 650 ngàn người chết mà vì hoàn cảnh, được chôn trong các nấm mộ vô danh. Sau mỗi cuộc giao tranh, những người chết, kể cả lính và dân, nếu không có ai nhận xác, sẽ được gom lại và chôn trong mộ tập thể. Hoặc là khi một đơn vị bị đánh tan, xác đồng đội bị bỏ lại trên đường thoát thân và sau đó người chôn không còn nhớ chỗ, hay chính cả những đồng đội sau đó cũng bỏ mình.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, vào năm 2014, Việt Nam đã giải ngân 500 tỉ đồng (25 triệu USD) để nâng cấp cho ba trung tâm nhận dạng sinh học nhằm có thể đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ.

Vài chục năm trước đây, chuyện tìm ra nguồn gốc từ những mẫu vật thi thể, trên lý thuyết là có thể được, nhưng trong thực tế chiến tranh Việt Nam đó là chuyện hoang tưởng vì có thể mất đến hàng ngàn năm.

Tuy nhiên, kỹ thuật nhận dạng qua phân tích DNA theo thời gian đã có những bước tiến đáng kể. Một nhóm nghiên cứu (SMART Research BV) thuộc Đại học Radboud ở Nijmegen đã thành lập được một chương trình software giải mã kết quả DNA bằng thuật toán (algorithme) dựa trên những thông tin lấy từ gia phả của những người có thân nhân mất tích trong chiến tranh. Kỹ thuật này được gọi là “Indirect Matching”.

Theo kế hoạch này (mã số là kế hoạch 150), trong vòng 10 năm tới đây, người ta hy vọng tìm ra tên của ít nhất 80.000 nạn nhân chiến tranh này. Cuối năm nay, nhà nước Việt Nam sẽ ra thông báo đến cho mọi người là những gia đình có người thân mất tích có thể hiến mẫu DNA (nước bọt, phiến quết tế bào trong má…) cho việc tìm kiếm. Khó khăn trong công tác này là những người chết vô thừa nhận ở Việt Nam thường rất trẻ. Họ chưa có con cái, còn cha mẹ đã qua đời từ lâu, gia phả thất lạc v.v… tức là không có thân nhân trực hệ còn sống, và dòng dõi thì mù mờ qua lời kể của những người thân quen.

 

Indirect Matching là gì?

Theo phương pháp cổ điển người ta sẽ thiết lập bản đồ DNA của nạn nhân và đem so sánh với bản đồ DNA của thân nhân trực hệ (cha mẹ hay con). Đó là Direct Matching (So Khớp Trực Tiếp). Bản đồ DNA khi truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ bị biến đổi một phần nhỏ, nhưng có những phần với cấu trúc đặc thù của giòng giống thì không thay đổi, hoặc chỉ thay đổi rất nhỏ. Với phương pháp Direct Matching, người ta đặt những bản đồ DNA lên nhau (nạn nhân/nghi can và thân nhân của nạn nhân/nghi can), nếu chúng khớp nhau trên một mức nhất định thì người ta sẽ tìm theo hướng đó bằng những phương pháp khác để lấy quyết định cuối cùng.

Indirect Matching (So Khớp Gián Tiếp) dựa trên nguyên tắc: tuy bản đồ DNA cá nhân trong giòng họ bị biến dạng từ đời này sang đời khác, nhưng nếu ta thiết lập được bản đồ DNA của nhiều người trong đại gia đình, thì ta có thể “khoanh vùng” được, vì khi biến đổi, cấu trúc DNA vẫn lưu lại một số điểm mốc. Thí dụ: cha mẹ có nhiều con, mỗi người con có bản đồ DNA gần giống cha mẹ. Sau này, những người con lập gia đình và sinh con cái, thì những người cháu này có mang bản đồ DNA gần giống cha mẹ chúng, bản đồ DNA của những đứa cháu chắt có thể khác khá nhiều so với cậu mợ chú bác của chúng, nhưng có những “điểm mốc” hoàn toàn không thay đổi, hay chỉ thay đổi rất ít. Nhờ đó, với phương pháp khoanh vùng và loại trừ, người ta có thể đưa đến kết luận với độ chính xác khá cao. Càng nhiều điểm mốc thì sự chính xác càng cao, nhưng muốn thế lại cần phải có nhiều mẫu DNA của nhiều người trong gia đình và một gia phả chính xác.

 

Thành quả đã chứng minh của software Bonaparte: 

Trung tâm Nhận dạng ADN thuộc Viện Công Nghệ Sinh Học ở Hà Nội – trung tâm đầu tiên được nâng cấp, đã cử một phái đoàn đến Nijmegen để được huấn luyện về software Bonaparte. Bonaparte nổi tiếng trên toàn thế giới sau khi nó được áp dụng để truy tìm nạn nhân trong tai nạn máy bay tại Tripoli năm 2010 và gần đây nhất là vụ chuyến bay chở hành khách MH17 bị bắn rơi ở Ukraine. Ở Hà Lan, software Bonaparte đã chứng minh hiệu quả của nó qua vụ điều tra vụ án mạng bí ẩn với nạn nhân là cô Marianne Vaatstra (1).

Chính quyền Việt Nam cũng đã ký một giao kèo với công ty Bioglobe ở Đức cho công tác hỗ trợ kỹ thuật xét nghiệm và lập bản đồ DNA. Khó khăn trong công việc này là vì khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam làm chất lượng DNA xuống cấp rất nhanh. Theo bà Huyền Trân, Giám đốc Trung tâm Nhận dạng ADN ở Hà Nội, “chất lượng mẫu ADN nơi những người chết trong chiến tranh Việt Nam tương đương với chất lượng ADN của những người đã chết 300 năm ở Âu châu”. Cũng theo ông Wolfgang Höppner, Giám đốc Điều hành Bioglobe, “đất có thể bị nhiễm những vi sinh vật làm giảm hiệu năng của các enzym sử dụng trong thao tác lập bản đồ DNA”. Theo ông, có thể người ta sẽ phải nhờ đến công ty Quiagen, họ sở hữu kỹ thuật lập bản đồ DNA từ những mẫu vật khó (thí dụ trong trường hợp cơ thể bị cháy thành than), bằng cách phân tích từ những mẫu xương, và họ có những kỹ năng bảo quản mẫu vật tốt. Kỹ thuật này đã được dùng trong chiến tranh tại Sarajevo (thủ đô Bosnië-Herzegovina). Sau đó, trong vụ thảm sát Sebrenica năm 1995 người ta đã áp dụng nó để truy tìm được gần đủ 8000 nạn nhân.

Nếu kế hoạch thành công như dự định, phải mất khoảng 100 năm để tìm ra phần lớn tung tích các nấm mộ vô danh ở Việt Nam. Với người dân Việt Nam, vấn đề bức xúc là chắc chắn sẽ có chuyện ưu tiên cho các quan chức cán bộ. Dân thường, nhất là dân miền Nam, và gia đình các chiến binh Việt Nam Cộng Hòa có lẽ sẽ nằm cuối danh sách cứu xét.

Lê Ngọc Vân
Hà Lan, 05/2016

_________

Chú thích

(1) Năm 1999 người ta phát hiện thi thể của cô Marianne Vaatstra 16 tuổi, sau khi bị cưỡng bức, bị giết và bỏ giữa đường nơi một làng nhỏ vùng phía bắc Hà Lan. Nhiều cuộc điều tra được mở ra nhưng không đưa đến một tia sáng nào. Người ta nghi thủ phạm là một trong những người tị nạn trong trại tiếp cư gần đó, nhưng không thể tìm ra bằng chứng. Sau nhiều đòi hỏi của dân làng và lan rộng đến toàn Hà Lan (không có lý nào mà một án mạng xảy ra trong đêm khuya nơi một ngôi làng hẻo lánh với dân cư rất ngoan đạo lại phải dẫn đến bế tắc!), năm 2012 (13 năm sau án mạng) chính phủ Hà Lan đã quyết định lập bản đồ DNA của hơn 900 cư dân đang sống trong một phạm vi rộng lớn quanh nơi phát hiện thi thể cô Marianne (tổng cộng hơn 8000 người đã nhận được giấy mời để thử DNA). Để thực hiện, một đạo luật mới đã phải được ban hành cho phép cơ quan điều tra được quyền “xâm phạm sự toàn vẹn thân thể qua quyết định của tòa án”. Cuối cùng thủ phạm được tìm ra nhờ phương pháp Indirect Matching với sự trợ giúp của software Bonaparte, và điều ngạc nhiên cho tất cả mọi người: thủ phạm là một người Hà Lan 100% sống trong làng từ lâu đời và hoàn toàn không có liên hệ quen biết gì với cô Marianne, còn vụ cưỡng hiếp đưa đến án mạng chỉ đơn thuần là một sự ngẫu nhiên với một nguyên nhân xã hội không ai ngờ tới. Bấm vào đây để xem thêm bài về vụ Marianne Vaatstra của cùng tác giả.

 

 


Cái Đình - 2016