Phạm Đình Lân


Rau Giấp Cá – Trà Dokudami 

 

Người Việt Nam không xa lạ gì với rau giấp cá. Nó được dùng như rau có mùi như rau quế, húng cay, tía tô, ngò gai trong các món ăn của người Việt Nam. Người miền Bắc không ăn được rau giấp cá vì mùi tanh cá của nó. Thực tế rau giấp cá không được ưa chuộng như ngò gai, húng quế, húng cay, tía tô. Rau có mùi tanh cá nhưng có vị chua lợ dễ thương.

Tên khoa học của rau giấp cá là Houttuynia cordata hay Polypra cochinchinensis thuộc gia đình Saururaceae. Tên Hán Việt của rau giấp cá là ngư tinh thảo vì rau có mùi tanh của cá. Vài điều đáng lưu ý về rau giấp cá:

a. loại rau này được tìm thấy ở vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới và ôn đới. Rau tạm chết vào mùa đông khi có tuyết. Nhưng rau mọc lại vào mùa xuân. Đây cũng là đặc điểm được các thầy thuốc dược thảo quan tâm đến vì sức sống ngoan cường của nó.

b. rau có mùi tanh cá. Các loại thảo mộc có mùi vị đắng, cay, chua, ngọt, mùi thơm hay mùi khó chịu đều có dược tính riêng của chúng.

c. rau giấp cá cũng được đặc biệt để ý đến vì có nhiều tên gọi. Người Anh gọi là fishwort vì mùi tanh cá như ta gọi rau giấp cá hay ngư tinh thảo (Hán Việt). Ngoài ra người Anh còn gọi là heartleaf vì lá hình trái tim; chameleon plant (cây cắc ké vì hoa có nhụy tựa đầu con cắc ké), lizard’s tail (vì dây dài như đuôi cắc kè), bishop’s weed (cỏ giám mục). Người Nhật gọi là Dokudami có nghĩa là tẩy chất độc (Doku: chất độc; Dami: tẩy độc; ngăn chặn). Người Nhật cũng gọi rau giấp cá là Juuyakico có nghĩa là mười thang thuốc. Người Ấn Độ gọi rau giấp cá là Toningkhok.

Rau giấp cá Houttuynia cordata (trái) và rau giấp cá Houttuynia chamaelion (phải)

Mùi tanh cá của rau giấp cá là do aldehydesketone mà ra. Tinh dầu của rau có lauric aldehyde CH3-(CH2)10-CHO, methylnonylketone, myrcene. Lá và hoa trắng của rau giấp cá có isoquercitrinquercitrin có tính lọc máu, làm cho các mạch máu lưu thông dễ dàng, chống lão hóa. Lá và hoa của rau giấp cá nhuận tiểu, hạ áp huyết. Aldehydeketone có khả năng diệt trùng Trichophyton gây viêm da, trùng Staphylococcus làm cho thức ăn bị nhiễm độc, trùng Gonococcus tức Neisseria gonorrhoea gây ra bịnh lậu, trùng Tubercle bacillus tức Mycobacterium tuberculosis gây ra bịnh lao (Koch bacillus).

 

Cỏ Yerba mansa

Ở Mỹ Châu có cỏ Yerba mansa (yerba: cỏ; mansa: yên tĩnh. Yerba mansa: Yên tĩnh thảo) được gọi là Lizard’s tail như tên gọi thông thường của người Anh dành cho rau giấp cá. Lá yên tĩnh thảo không giống lá hình trái tim của rau giấp cá nhưng hoa trắng, 04 cánh; nhụy to rất giống hoa của rau giấp cá. Tên khoa học của yên tĩnh thảo yerba mansa là Anemopsis californica thuộc gia đình Saururaceae như rau giấp cá. Loại thảo mộc này được dùng làm thuốc sát trùng, kháng khuẩn để chữa chứng âm hộ bị nhiễm trùng (vaginal candidiasis).

Hoa cỏ Yerba mansa

Ở Việt Nam người ta dùng rau giấp cá để trị sốt, thủy thũng, nhiễm trùng đường tiểu, đau thận, đau màng nhĩ, ung thư vú.

Người Nhật có vẻ quí rau giấp cá khi mệnh danh đó là Mười Thang Thuốc (Juuyakico) hay Tẩy Độc (Dokudami).

Dùng ngoài da lá rau giấp cá trị vết thương mưng mủ, cầm máu, kháng viêm, trĩ (hemorrhoids), mụt chốc, rắn cắn, nhiễm trùng.

Trà Dokudami trị viêm phế quản, suyễn, dị ứng, táo bón, rắn cắn, đường tiểu nhiễm trùng, ngừa sạn thận, sốt rét, đau cuống họng, phong hủi.

Rau giấp cá có polyphenols giải độc, kháng trùng rất mạnh, kích thích hệ thống miễn nhiểm, kháng viêm, chống lão hóa. Ngoài ra rau giấp cá còn có ursolic acid, heptadecanoic acid, tricosanoic acid, sterculin A, stigmasterol v.v…

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2016