Phạm Đình Lân
Quốc hoa trên thế giới
.
Quốc hoa là hoa biểu tượng của quốc gia. Không phải quốc gia nào cũng có hoa biểu tượng. Mãi đến năm 1986 tổng thống Reagan của Hoa Kỳ mới chọn Hoa Hồng làm hoa biểu tượng của Hoa Kỳ. Anh Quốc chọn hoa Hồng Tudor làm quốc hoa từ thế kỷ XV. Từ thời chế độ quân chủ chuyên chính, Pháp đã chọn Hoa Huệ thật sự là Hoàng Lan (Yellow Iris) làm quốc hoa. Cũng có một số quốc gia chọn cùng một loại hoa biểu tượng như:
- Hoa Hồng: Hoa Kỳ, Anh, Bulgaria, Cyprus, Cộng Hòa Czech, Ecuador, Iran, Luxembourg v.v...
- Hoa Súng: Sri lanka, Bangladesh
- Hoa Lài: Paraguay, Syria, Pakistan
- Hoa Uất Kim Hương (Tulip): Hòa Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập quốc hoa của Nhật Bản, Trung Hoa, Đức, Nga, Pháp, Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ và Ấn Độ mà thôi.
***
NHẬT BẢN
Nhật Bản có hai loại hoa biểu tượng: Hoa cúc là biểu tượng của hoàng triều và hoa anh đào là hoa biểu tượng của Nhật được khắp thế giới biết đến.
Hoa Cúc
Chrysanthemum indicum
Gia đình: Asteraceae
(Ảnh: Internet)
Tên khoa học của hoa cúc là Chrysanthemum indicium thuộc gia đình Asteraceaehay Compositae. Theo tiếng Hy lạp chrysous có nghĩa vàng chói ám chỉ màu của hoàng cúc (thực tế hoa cúc có nhiều màu khác nhau); anthemon có nghĩa là hoa. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Cúc |
Anh |
Chrysanthemum hay vắn tắt là Mum |
Pháp |
Chrysantheme |
Nhật |
Kiku |
Trung Hoa |
Juhua (Cúc Hoa) |
Triều Tiên |
Gughwa (tự như ‘juhua’: Cúc Hoa) |
Hoa cúc có nhiều mầu khác nhau (vàng, trắng, đỏ, tím) nhưng hoàng cúc (hoa cúc vàng) được ưa chuộng nhất.
Hoa cúc gốc ở Trung Hoa và được đưa vào Nhật vào thế kỷ VIII sau Tây Lịch và được hoàng gia Nhật chọn hình hoa cúc làm ngọc ấn. Ngọc ấn hoa cúc vàng có 16 cánh gọi là Kikunogomon. Huy chương cao quí nhất của Nhật là huy chương hoa cúc.
Hàng năm ở Nhật có tổ chức Đại Hội Hoa Cúc vào tháng 10 Dương Lịch. Đó là Ngày Hội Hạnh Phúc.
Hoa cúc là biểu tượng của Thái Dương (mặt trời), sự hoàn hảo và trường thọ.
Hoa cúc được người Trung Hoa trồng từ năm 1500 trước Tây Lịch. Ở Trung Hoa người ta ăn lá hoa cúc hay cho vào cháo nấu bằng thịt rắn. Hoa cúc dùng để làm trà (Juhua cha: Trà hoa cúc) uống trị cảm, nhức đầu, cao huyết áp. Bạch cúc được trân quí trong Đông Y (chống lão hóa, ngăn ngừa rụng tóc). Hoa cúc có pyrethrin(Pyrethrin I R= CH3; Pyrethrin II R= CO2 CH3) sát trùng, sát cá, kháng nấm, kháng khuẩn kể cả HIV-1 rất mạnh. Dầu hoa cúc có chrysanthenone C10 H14 O gây hưng phấn cho người bị bịnh Parkinson’s.
Hoa Anh Đào
Prunus serrulata
Gia đình: Rosaceae
(Ảnh: http://www.missouribotanicalgarden.org)
Hoa anh đào là một sắc thái đặc biệt của nước Nhật. Hoa anh đào được trồng ở Nhật vào thế kỷ VIII trước Tây Lịch.
Hoa anh đào có 05 cánh như hoa mai. Hoa có nhiều màu khác nhau từ trắng đến hồng và đỏ. Hoa kết thành chùm trên nhành cây. Cây hoa anh đào cao từ 10 - 15 m; gỗ cứng; có trái không ăn được. Người ta chỉ trồng để ngắm hoa mà thôi.
Tên khoa học của hoa anh đào là Prunus serrulata thuộc gia đình Rosaceae cùng họ với cây đào, cây mận (prune – plum). Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Anh đào |
Anh |
Ume tree (cây), Japanese cherry; Kwanzan cherry |
Pháp |
Fleur du cerisier |
Nhật |
Sakura |
Trung Hoa |
Shan ying hua (Sơn anh hoa) |
Các loại hoa anh đào thường thấy là anh đào:
Hoa anh đào là biểu tượng của: tinh thần hy sinh cao cả của các hiệp sĩ (samurai), võ sĩ đạo (Bushido) và các quân nhân Nhật cho đất nước và Thiên Hoàng. Sự hy sinh đó được ví như sự phù du của hoa anh đào với những cánh hoa rơi lả tả trước gió mưa. Vào đầu thập niên 1930 các sĩ quan trẻ yêu nước cực đoan của Nhật thành lập Hội Kín Hoa Anh Đào (Sakurakai) để tiến đến việc hình thành chế độ quân phiệt, nếu cần, bằng đảo chánh bạo động. Tôn chỉ của Hội Kín Sakurakai là: VÌ NƯỚC NHẬT và VÌ THIÊN HOÀNG.
Người Nhật rất quí hoa anh đào Yedo, tên cũ của Tokyo. Đó là hoa anh đào Prunus yedoensis, người Nhật gọi hoa anh đào Yedo này là Somei-yoshino. Từ ngàn năm trước các nhà quí tộc Nhật có truyền thống ngắm hoa anh đào gọi là HANAMI. Lễ Hội Hoa Anh Đào được tổ chức hàng năm ở Nhật tùy theo địa phương. Ở Okinawa nhiệt độ ấm nên hoa nở sớm vào khoảng tháng giêng (01) Dương Lịch. Trên đảo Honshu hoa nở vào cuối tháng 03 và tháng 04 DL. Trên đảo Hokkaido phía bắc khí hậu lạnh nên hoa anh đào nở vào tháng 05 DL.
TRUNG HOA
Hoa Mai
Ô Mai Xí Mụi
Prunus mume
Gia đình: Rosaceae
(Ảnh: http://www.missouribotanicalgarden.org)
Đây là một loại cây to ở miền bán nhiệt đới và ôn đới. Mai trong bài nầy âm từ chữ MEI của Hoa ngữ không phải là hoa mai Ochna harmandii ở Nam Bộ và một phần ở Trung Bộ Việt Nam. Cây mai trong bài có trái ăn được.
Tên khoa học của cây mai này là Prunus mume thuộc gia đình Rosaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Cây Ô mai ( mơ) |
Anh |
Chinese plum; Japanese apricot; Japanese flowering apricot |
Pháp |
Abricotier |
Nhật |
Ume |
Trung Hoa |
Mei |
Triều Tiên |
Maesil |
Ở Huangmei (Hoàng Mai) trong tỉnh Hubei (Hồ Bắc) có cây mai 1.600 tuổi vẫn còn ra hoa và trái hàng năm. Hoa trắng hay hồng nhạt; nhụy vàng. Hoa có 05 cánh. Trái và hoa đều ăn được. Trái dùng làm đồ chua, nước giải khát, làm ô mai (wumei), xí mụi, cất rượu. Đó là mai tửu (meiju). Ở Nhật mai tửu được gọi là umeshu (tựa như meiju của Trung Hoa).
Mai hoa tượng trưng cho Hy Vọng, Sắc Đẹp, sự Thanh Khiết và sự Chuyển Tiếp của cuộc đời.
Cây mai hoa (cây ô mai), cây tre và cây thông là ba loại cây bạn hữu của mùa đông. Mai hoa là đề tài của hội họa: Mai, Lan, Cúc, Trúc. Có người cho rằng tranh Tứ Thời là Lan (mùa Xuân), Sen (mùa Hạ), Cúc (mùa Thu), Mai (mùa Đông). Đó là 04 loài hoa đẹp, quí và có ý nghĩa trong 04 mùa trong năm. Hoa mai Prunus mume nở vào lúc giao thời của mùa Đông và mùa Xuân tức là dịp Tết.
Năm 1964 Trung Hoa Dân Quốc (đảo Taiwan – Đài Loan) chọn hoa mai làm quốc hoa.
Hoa có 03 nhụy cho mỗi cánh hoa biểu tượng cho Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I) do Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) đề xướng: Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc.
Năm cánh hoa mai tượng trưng cho Ngũ Quyền Phân Lập: Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, Giám Sát và Khảo Thí.
Hoa Mẫu Đơn
Paeonia suffruticosa
Gia đình: Paeoniaceae
Năm 1903, khi Trung Hoa còn dưới sự đô hộ của nhà Mãn Thanh (Qing), hoa mẫu đơn được công nhận là quốc hoa.
Người Trung Hoa rất thích treo hình hoa mẫu đơn trong nhà. Đó là loại hoa to màu trắng, hồng, đỏ; nhụy vàng, nhiều tai hoa mỏng và rộng rất đẹp. Hoa mẫu đơn được người Trung Hoa thuần hoá khoảng năm 750 trước Tây Lịch. Tương truyền rằng vua Tang Ming Huang-(Đường Minh Hoàng- 658 - 762; ngự trị từ năm 712 đến 756) cho trồng một bụi hoa mẫu đơn trước cung điện mùa hè.
Hoa mẫu đơn là nữ hoàng của các loại hoa trên trái đất. Tên gọi Paeonia do tên của Paeon, vị lương y trông coi về y tế, sức khỏe cho các Thần trong huyền thoại Hy Lạp. Như vậy Đông và Tây đều xem mẫu đơn có dược tính đặc biệt.
Tên khoa học của mẫu đơn là Paeonia suffruticosa thuộc gia đình Paeoniaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Mẫu đơn (xin đừng nhầm với mẫu đơn Việt Nam, một họ với dành dành Gardenia lucida, gia đình: Rubiaceae) |
Anh |
Peony |
Pháp |
Pivoine |
Nhật |
Botan |
Trung Hoa |
Mudan (âm thanh mẫu đơn) |
Triều Tiên |
Molan |
Hy Lạp |
Paionia |
Rễ và vỏ cây hoa mẫu đơn (mudanpi: mẫu đơn bì) dùng làm thuốc kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, trị sốt, giời (lupus erythematosus), điều kinh, đau khớp xương, chuột rút trong thời kỳ hành kinh v.v...
Hoa mẫu đơn có: paeoniflorin C23 H28 O11, albiflorin, oxypaeonflorin, benzoylpaeoniflorin, oxybenzoyl-paeonflorin, paeonflorigenome, lactiflorin, paeonin, galloypaeonflorin, paeonnolide, paeonol.
Hoa mẫu đơn còn được gọi là Phú Quí Hoa (fuguihua) biểu tượng cho sự giàu có, danh dự, hôn nhân hạnh phúc, lòng nhân ái.
Đó là quốc hoa của Trung Hoa thời Mãn Thanh.
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, một nước Cộng Sản to lớn và đông dân, nhiều lần muốn chọn mẫu đơn làm hoa biểu tượng nhưng không được chấp nhận.
Vì mẫu đơn được mệnh danh là Phú Quí Hoa không hợp với chế độ chuyên chính vô sản?
Đó là biểu tượng do nhà Mãn Thanh chọn?
Dẫu biết rằng Trung Hoa là nơi có nhiều hoa mẫu đơn. Nổi tiếng nhất là Loyang (Lạc Dương).
Hoa mẫu đơn cũng là hoa biểu tượng của tiểu bang Indiana.
ÚC ĐẠI LỢI
Hoa Me Keo Vàng
Acacia pycnantha
Gia đình: Fabaceae
(Ảnh: https://davesgarden.com và Internet)
Tên khoa học của cây me keo hoa vàng là Acacia pycnantha thuộc gia đình họ đậu Fabaceae. Theo tên khoa học này ta có:
- Pyknos: dày đặc (Hy Lạp ngữ)
- Anthos: hoa. Vì cây me keo nầy trổ hoa dày đặc. Hoa kết thành chuỗi dài màu vàng rực rỡ.
Hoa được cấu tạo bằng nhiều cánh nhuyễn tạo thành những vòng tròn màu vàng tươi rất đẹp và rất thơm. Hoa nở vào mùa Xuân ở Úc Đại Lợi (khoảng tháng 09 DL tương ứng với mùa Thu ở Bắc Bán Cầu). Đó là hoa biểu tượng của Úc Đại Lợi. Ngày 01 tháng 09 là Ngày Lễ Hội Hoa Me Keo Vàng ở Úc Đại Lợi.
Mùa ở Bắc Bán Cầu |
Mùa ở Úc Đại Lợi |
Xuân |
Thu |
Hạ |
Đông |
Thu |
Xuân |
Đông |
Hạ |
Tên gọi thông thường của cây me keo hoa vàng là:
Hai màu tiêu biểu ở Úc là màu xanh (rừng, đồng cỏ, cây khuynh diệp) và màu vàng (quặng mỏ, bãi biển, hoa vàng Wattle).
Người Úc có truyền thống đặt hoa Wattle Vàng (Golden wattle – hoa vàng của cây me keo Úc Đại Lợi) vào quan tài binh sĩ hy sinh vì tổ quốc trước khi chôn. Hoa me keo vàng golden wattle tượng trưng cho lòng yêu nước.
ĐỨC
Thanh Cúc Hoa
Centaurea cyanus
Gia đình: Asteraceae
(Ảnh: https://www.mijntuin.org/ en Internet)
Thanh cúc hoa là hoa biểu tượng của Đức. Vài chánh đảng ở Estonia, Phần Lan, Thụy Điển dùng thanh cúc hoa làm biểu tượng cho đảng chánh trị của họ.
Tên khoa học của thanh cúc hoa là Centaurea cyanus thuộc gia đình hoa cúc Asteraceae hay Compositae (Cyani flower: hoa màu xanh dương sẫm). Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Cúc ngô (cornflower), thanh cúc hoa, thị xã cúc, Xa cúc lam |
Anh |
Cornflower (vì mọc ngoài đồng lúa mì ở Anh) |
Pháp |
Bleuet (vì hoa màu xanh dương sẫm); barbeau |
Nhật |
Botan |
Trung Hoa |
Shi che ju (Thi xa cúc- do dược sĩ Lâm Thị Phương, Úc Đại Lợi, âm từ Quan Thoại) |
Tây Ban Nha |
Florecimiento de maiz |
Thanh cúc hoa có nhiều tai hoa mềm, bù xù màu xanh dương sẫm. Màu xanh là màu của mắt nên ngày xưa ở Âu Châu người ta nấu hoa cúc xanh để uống khi đau mắt hoặc lấy nước đun sôi của hoa cúc xanh để rửa mắt khi mắt đau.
Hoa cúc xanh ăn được. Hoa phơi khô dùng để làm trà uống. Hoa phơi khô cho vào chai, lọ cho thơm nhà cửa. Tinh chất lấy từ hoa cúc xanh dùng vào việc sản xuất xà bông gội đầu. Anthocyanin trong hoa cúc xanh là antioxydant trợ tim, kéo dài tuổi thọ, ngừa ung thư v.v... (theo những nghiên cứu gần đây). Do anthocyanin mà có màu đỏ của hoa hồng, màu xanh của thanh cúc hoa, màu tím của bông cải tím (cauliflower) v.v...
Ngày xưa quân sĩ Prussia thiện chiến của Đức mặc quân phục màu hoa cúc xanh.
Hoa cúc xanh là:
1. hoa biểu tượng của Đức
2. biểu tượng của ngày đình chiến 11-11-1918 (đệ nhất thế chiến). Người Pháp gọi là Bleuet de France (Thanh Cúc Hoa Pháp Quốc).
NGA
Hoa Cúc Camomile
Matricaria chamomilla
Gia đình: Asteraceae
Hoa cúc Camomile Matricaria chamomilla thuộc gia đình Asteraceae hay Compositae là quốc hoa của Nga. Đó là một loại hoa cúc màu trắng, nhiều tai dài và hẹp; nhụy vàng rất đẹp mắt.
Tên gọi camomile phát xuất từ chữ Chamaimelon của Hy Lạp. Chamai: đất; thổ; Melon: trái pomme. Vì cây hoa toát mùi thơm của trái pomme.
Tên gọi thông thường là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Anh |
German Camomile; Hungarian Camomile (vì có nhiều ở Đức, Đông Âu và Tây Á) |
Pháp |
Camomile |
Nhật |
Kamomiru |
Trung Hoa |
Gan ju (Cam Cúc) |
Đức |
Kamille |
Nga |
Romashka (Hoa Cúc La Mã) |
Biểu tượng: sự kiên nhẫn.
Hoa cúc camomile phơi khô dùng làm trà uống trị đau bụng, sôi ruột, nhuận trường, kháng viêm, và kháng côn trùng; trị mất ngủ, lo lắng; hạ máu đường; chữa vết phỏng lửa hay nước sôi. Hoa được dùng làm màu nhuộm vàng dùng nhuộm vài hay nhuộm tóc màu vàng. Hoạt chất lấy từ hoa cúc camomile thử nghiệm vào thú vật cho thấy nó có tính kháng viêm, chống sớ thịt co giật, hạ cholesterol và hàn các vết thương rất nhanh.
Dầu hoa cúc camomile có terpene bisabatol, farnesene, chamazulene C14 H16, flavonoids (apigenin, quercetin, luteolin) và coumarin.
HÒA LAN & THỔ NHĨ KỲ
Hoa Uất Kim Hương
Tulip
Tulipa biflora
Tulipa polychroma
Gia đình: Liliaceae
Hoa uất kim hương Tulipa biflora (Ảnh: https://www.vanengelen.com)
Hoa uất kim hương (tulip) là quốc hoa của Hòa Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Biểu tượng của hoa uất kim hương là tình yêu thuần khíết và vẹn toàn. Ý nghĩa biến thiên tùy theo màu sắc của hoa.
Uất kim là củ nghệ. Hoa tulip được gọi là uất kim hương vì đó là một loại hoa có củ như hoa huệ.
Hoa uất kim hương xuất phát từ các nước Trung Á, Trung Đông trên đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Uất kim hương được du nhập vào Hòa Lan vào thế kỷ XVI. Đến thế kỷ XVII Hòa Lan nổi tiếng về hoa uất kim hương. Phong trào ái mộ hoa uất kim hương dấy lên ở Tây Âu khiến Hòa Lan phát đạt nhờ loài hoa đẹp này. Đó là phong trào Tulipomania.
Có nhiều loại hoa uất kim hương khác nhau:
Hoa uất kim hương Tulipa polychroma (đa sắc) hay Tulipa biflora (uất kim hương lưỡng hoa) gốc ở Iran, Afghanistan, Turkestan <Tân Cương>, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ.
Uất kim hương Tulipa linifolia (Ảnh: https://www.vreeken.nl/)
Uất kim hương Tulipa linifolia gốc ở Baluchistan (Uzbekistan) màu đỏ thắm.
Uất kim hương Tulipa pulchella (Ảnh: https://www.gardenia.net)
Uất kim hương Tulipa pulchella lùn được gọi là uất kim hương trân châu Ba Tư (Persian pearl tulip) gốc ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Hoa búp và hoa nở tựa như hoa sen.
Uất kim hương thuộc dòng Tulipa, gia đình Liliaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Anh |
Tulip |
Pháp |
Tulipe |
Nhật |
Churippu |
Trung Hoa |
Rou mao yu jin xiang (Nhu mao uất kim hương - do dược sĩ Lâm Thị Phương, Úc Đại Lợi, phiên âm) |
Hòa Lan |
Tulp |
Tây Ban Nha |
Tulipan |
Hoa uất kim hương được ưa thích ở các quốc gia Âu- Mỹ khí hậu ôn đới. Keukenhof là nơi trồng nhiều hoa uất kim hương ở Hòa Lan. Hàng năm Hòa Lan tổ chức Lễ Hội Hoa Uất Kim Hương. Lễ hội này cũng được tìm thấy ở New York tức New Amsterdam của Hòa Lan trước khi rơi vào tay người Anh và thành phố Holland trong tiểu bang Michigan.
PHÁP
Hoàng Lan
Iris pseudacorus
Gia đình: Iridaceae
(Ảnh: http://www.luontoportti.com)
Quốc hoa của Pháp và của các vương triều xưa ở Pháp là Fleur de lis nếu dịch sát nghĩa là hoa huệ. Thực tế đó là hoàng lan, hoa lan Iris, tên nữ thần Iris móng cầu vồng ngũ sắc trong huyền thoại Hy Lạp.
Hoa lan Iris thuộc gia đình Iridaceae.
Hoa huệ thuộc dòng Lilium và gia đình Liliaceae.
Người Trung Hoa gọi hoa lan Iris là Hudiehua (Hoa Hồ Điệp tức Hoa Bướm).
Tên khoa học của hoàng lan là Iris pseudacorus thuộc gia đình Iridaceae. Iris: Nữ Thần Iris móng cầu vồng (rainbow) ngũ sắc; pseudacorus: có mùi bồ bồ giả Acorus calamus. Tên gọi thông thường là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Hoàng lan |
Anh |
Yellow flag, water flag, yellow iris |
Pháp |
Fleur de lis |
Nhật |
Ki ayame |
Trung Hoa |
Hudiehua; Huangse hongmo |
Tây Ban Nha |
Iris amarillo |
Hoàng lan được tìm thấy trên các lục địa Âu Châu, Tây Á, Tây Phi ở những nơi ẩm ướt, dọc theo sông, suối, ao hồ.
Hoàng lan là quốc hoa của Pháp ngay dưới thời quân chủ chuyên chính. Tương truyền vua Clovis I sắp ra trận bỗng rượt theo một con nai chạy lạc. Đến bờ sông ông thấy bụi hoàng lan và hái hoa gắn trên mũ. Ông thắng trận Poitiers năm 507.
Giới thống trị thời Đế Quốc La Mã xem hoàng lan là biểu tượng của vương quốc Thiên Chúa Giáo.
Vua Louis VII (1120 - 1180) của Pháp xem hoàng lan là biểu tượng của đức tin Thiên Chúa Giáo.
Dưới triều vua Louis XII (1460 - 1515) hoàng lan là quốc hoa của Pháp.
Biểu tượng của Hoàng Lan: Đức Tin, Hy Vọng, Khôn Ngoan, Can Đảm.
Công dụng:
Cọng của hoa hoàng lan có độc chất irisin gây dị ứng. Nhưng irisin hay FNDC5 làm giảm mỡ, ngăn chặn sự hình thành tế bào mỡ. Do đó irisin có khả năng làm giảm cân.
- trồng làm cảnh vì hoa có màu rực rỡ.
- quốc hoa của Pháp. Hình của hoa được tìm thấy trên cờ Pháp thời quân chủ chuyên chính.
- hoa hoàng lan có trái có nắp. Bên trong có nhiều hột màu hung đỏ. Hột rang, nấu nước uống như cà phê.
- Trị liệu: củ hoa hoàng lan dùng để trị đau răng, cầm máu, phát hạn, điều kinh, tẩy xổ. Củ rất chát vì có nhiều tannins.
- Hột dùng để làm màu nhuộm vàng. Củ làm màu nhuộm đen khi cho thêm sulfate sắt (Fe) vào. Củ có nhiều tannins dùng để làm mực.
- dầu lấy từ củ hoàng lan có mùi tựa như mùi bồ bồ Acorus calamus.
Chúng tôi xin dừng bài viết ở đây. Chúng tôi đã có dịp nói qua về Hoa Hồng, hoa biểu tượng của Hoa Kỳ và nhiều nước khác và Hoa Sen, hoa biểu tượng của Ấn Độ nên không muốn lập lại hai loại hoa đặc biệt ấy.
Bài viết dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do chính tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.
.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.