Trịnh Thanh Thủy
Phát minh mới: Người máy biết sáng tác nghệ thuật
.
Lâu lắm rồi tôi có viết một bài với tựa đề “Người máy có biết yêu không?” Trong bài viết tôi đặt vấn đề xoay quanh câu hỏi làm sao người máy có được cảm xúc như con người, khi tôi nhìn thấy sự tiến bộ kỳ diệu của người máy. Có thể vấn đề hồi đó tôi đặt ra là không tưởng, nhưng ngày nay nói đến những phát minh mới về người máy một câu hỏi khác lại nảy ra trong đầu tôi, “Con người có yêu mến người máy hay không?”
Từ ngàn xưa, xem một tấm ảnh, ngắm một bức tranh, đọc một bài thơ, nghe một bản nhạc, chúng ta để tâm hồn mình rung động theo từng tác phẩm. Nghệ thuật gây cảm xúc, và chúng ta yêu mến những tác giả đã tạo ra những tuyệt tác tinh thần ấy. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, người máy trở nên đa năng, hữu dụng, mà còn vươn cao đến một trình độ thông minh tột bực là biết sáng tác những tác phẩm hội họa, thơ ca và âm nhạc, điều này thật sự gây nhiều kinh ngạc cho chúng ta. Chúng ta dần dà có yêu mến những nghệ sĩ robot này như chúng ta từng yêu mến Picasso, Van Gogh, Beethoven, Tagore hay không?
Không ai còn ngạc nhiên khi vào các quầy trả tiền, người ta có thể trả tiền tự động bằng máy trong một ngôi chợ. Hay vào một cơ quan công quyền, một phòng thí nghiệm thử máu, hay một tiệm ăn ở Hoa Kỳ, khách phải ghi danh bằng máy tự động thay cho một cô tiếp viên đứng ở quầy hàng ghi danh. Ngay cả trong các phi trường quốc tế bận rộn như Los Angeles, khách phải ghi danh vào hệ thống thông minh của máy tính. Tại phi trường ở Brazil, một cô người máy đi vòng vòng nhắc hành khách hãy đặt tay vào người cô để làm thủ tục lên phi cơ.
Các hệ thống thông minh nhân tạo đang dần chiếm lấy các nhiệm vụ trước đây do con người thực hiện như trong các quy trình liên quan đến những chuyển động đơn giản, hay lặp đi lặp lại. Hơn thế nữa, con người tiếp tục đi xa hơn đến mức vượt trội khi các người máy bắt đầu được giao phó thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm và tinh xảo như trong việc thám hiểm trên không gian, dưới đại dương, trong các hầm mộ cổ bên Ai Cập. Mới đây nhất, người máy còn lấn qua các sân chơi về tinh thần của con người là lãnh vực trừu tượng và sáng tạo. Tuy nhiên, khi nói đến sáng tạo, bây giờ chính chúng ta lại phải đối đầu với những cạnh tranh sáng tạo của các người máy nghệ sĩ do chính chúng ta sáng tạo ra.
Trong vài năm gần đây, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của hàng trăm nghệ sĩ AI (“artificial intelligence,” tức thông minh nhân tạo). Họ là ai? Họ là sản phẩm của trí thông minh của con người, do con người tạo ra, nên sự thông minh của họ được gọi là thông minh nhân tạo.
Các nghệ sĩ AI đang tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo (và đôi khi kỳ lạ). Họ đã tạo được những hình ảnh hay tranh ảnh tuyệt đẹp, những bài thơ sâu sắc, những ca khúc âm nhạc siêu việt và thậm chí cả kịch bản phim hiện thực. Chính các tác phẩm của các nghệ sĩ AI này đang làm dấy lên các câu hỏi về bản chất của nghệ thuật và vai trò của sự sáng tạo của con người trong các xã hội tương lai.
Dưới đây là một vài tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi các thực thể không phải con người.
Ai-Da bên cạnh tác phẩm “Unsecured Futures”
Ai-Da là một trong những nghệ sĩ AI hiện đại. Cô được xem là nghệ sĩ robot vẽ siêu thực đầu tiên. Khả năng cơ học của cô, kết hợp với các thuật toán dựa trên AI, cho phép cô vẽ, thậm chí điêu khắc. Cô có thể vẽ người bằng mắt nhân tạo và bút chì trong tay. Các tác phẩm nghệ thuật của Ai-Da được trưng bày trong buổi triển lãm đầu tiên của riêng cô, có nhan đề “Unsecured Futures” (Tương lai bất định), tại Đại học Oxford vào tháng Bảy, 2019.
Trong buổi triển lãm, Ai-Da mặc một chiếc áo trắng với tóc dài buông xoã, giống hệt một nữ hoạ sĩ đang mải miết vẽ bằng cây bút chì những gì cô muốn phác thảo trên giấy. Tuy nhiên những tiếng “bíp, bíp" phát ra từ cánh tay cô đưa người xem trở về thực tế: Cô là một nghệ sĩ robot.
Ai-Da trong buổi triển lãm
Rõ ràng Ai-Da không có ý thức, suy nghĩ hoặc cảm xúc thực sự. Mặc dù vậy, các nhà tổ chức (con người) của triển lãm tin rằng Ai-Da đã là một thí dụ căn bản, một chất kích thích cho các cuộc nói chuyện rất quan trọng về đạo đức của các nền công nghệ mới nổi trong tương lai.
Một tác phẩm điêu khắc của Ai-Da
Vào tháng 3, 2019 một nghệ sĩ AI tên là AICAN đã tạo ra bức “Chân dung vô diện xuyên thời gian.” Tác phẩm có được do sự hợp tác giữa con người và máy móc. Ahmed Elgammal là người sáng tạo ra AICAN. Ông cũng là giám đốc phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật tại Đại học Rutgers. Ông coi AICAN không chỉ là một nghệ sĩ AI tự lập, mà còn là cộng tác viên của ông trong những nỗ lực sáng tác nghệ thuật khác.
“Faceless Portraits Transcending Time” của AICAN và Ahmed Elgammal
Làm thế nào mà AICAN tạo ra được bức chân dung kỳ lạ này? Hệ thống máy tính AICAN đã được xem 100.000 bức ảnh nghệ thuật phương Tây trong hơn năm thế kỷ. Sau đó, nó nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm từ kiến thức lịch sử này rồi thực thi nhiệm vụ tạo ra một cái gì đó mới để sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật mà không cần sự can thiệp của con người.
Theo một bài báo của The Guardian, vào một ngày cuối tuần tháng Hai, 2016, một chi nhánh về khoa học điện toán của công ty Google đã tổ chức một buổi triển lãm tại một rạp chiếu phim được tân trang lại ở San Francisco. Với chủ đề “Deep Dream,” cuộc triển lãm đã trưng bày một loạt tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo bởi một lập trình điện toán thông minh chuyên môn tạo hình có tên Deep Dream. Lập trình này sử dụng rất nhiều những dữ kiện có sẵn trong máy tính như các bức hoạ danh tiếng thời Phục Hưng hay của các danh hoạ như Van Gogh để sáng tác thành những bức hoạ mới độc đáo và lạ lùng.
Tranh chó (Google Deep Dream)
Tranh phong cảnh (Google Deep Dream)
Ngay cả thơ ca cũng vậy. Tỷ như hai câu thơ rất sâu sắc dưới đây được sáng tác trong một dự án nghệ thuật mới nhất của Google, có tên là PoemPortraits (Chân dung thơ ca) .
Our transcendence adorns,
That society of the stars seem to be the secret.
Chúng không hề giống bất cứ câu thơ nào bạn đã đọc được trước đây. Chúng được sáng tạo bởi một thuật toán được trui rèn và huấn luyện trong việc chọn lựa những từ ngữ trong 20 triệu từ ngữ của thơ ca trong thế kỷ thứ 19. Dự án “Chân Dung Thơ Ca” này ứng dụng việc bạn tự chọn một chữ (trong việc gợi ý), đưa cho máy tính, nó sẽ sáng tác ra một bài thơ độc đáo, có một không hai mà bạn chưa bao giờ thấy qua. Các câu thơ không trùng lặp hay sao lại bởi vì nó dùng các tài liệu có sẵn để sáng tạo một khuôn mẫu phức tạp theo xác xuất chọn lựa của nó. Kết quả là, thuật toán tạo ra các cụm từ gốc mô phỏng phong cách của những gì nó được tạo ra như hai câu thơ trên. Thơ của nó tạo ra đôi khi có thể sâu sắc và đôi khi hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng điều làm cho dự án PoemPortraits trở nên thú vị vì nó là một dự án có sự tương tác giữa bạn và máy móc. Bạn chọn chữ gợi ý, nó sáng tác ra thơ.
Trí thông minh nhân tạo của máy móc không dừng ở hội hoạ, thơ ca, nhiếp ảnh mà nó còn lan qua lãnh vực âm nhạc và tỏ ra rất hữu dụng trong lãnh vực sáng tác.
AIVA Technologies đưa ra một tổng phổ âm nhạc có nhan đề “Genesis” do nghệ sĩ máy móc AI sáng tác. AIVA là một nghệ sĩ AI làm việc tổng hợp nhạc phim cho phim ảnh, quảng cáo, các trò chơi và trailer. Những tác phẩm sáng tạo của nó trải rộng trên một loạt các cảm xúc và trạng thái. Tổng phổ mà nó tạo ra không giống bất cứ tổng phổ nào được tạo ra bởi các nhà soạn nhạc tài năng nhất của con người.
Nghe “Genesis” do AIVA sáng tác
Công cụ âm nhạc AIVA cho phép người dùng tạo ra tổng phổ ban đầu theo nhiều cách. Một là tải lên tổng phổ do con người tạo ra và chọn một bản nhạc tạm thời để làm căn bản cho tiến trình sáng tác. Một phương pháp khác liên quan đến việc sử dụng các thuật toán đặt trước để soạn nhạc theo các phong cách được xác định trước, bao gồm mọi loại nhạc, từ cổ điển cho đến Trung Đông.
Hiện tại, công cụ này được quảng bá như một cơ hội sáng tác cho các nhà làm phim và nhà sản xuất. Nhưng trong tương lai, AIVA có thể phát triển rộng ra thị trường cá nhân cho chúng ta sử dụng. Lúc đó âm nhạc được cá nhân hóa dựa trên sở thích, thị hiếu và trạng thái cảm xúc của từng người một.
.
Trịnh Thanh Thủy
___________
Tài liệu tham khảo
“Ai-Da, the humanoid robot artist, gears up for first solo exhibition”
“The Rise of AI Art—and What It Means for Human Creativity”
https://singularityhub.com/2019/06/17/the-rise-of-ai-art-and-what-it-means-for-human-creativity/
https://damau.org/61499/pht-minh-moi-nguoi-my-biet-sng-tc-nghe-thuat