Phạm Ɖình Lân
Nỗi lòng Mã Tộc
<===== Ảnh internet
Hôm nay là ngày đại diện Mã tộc hoàn vũ trình bày cùng Cộng Ɖồng Ɖộng Vật Quốc Tế về Nỗi Lòng Mã Tộc. Khắp hội trường đều có hình ảnh của các anh Mã lừng danh, bức tranh Mã Ɖáo Thành Công, hình ảnh những cuộc đua ngựa ở trường đua Hippodrome de Vincennes ở Paris, trường đua Phú Thọ ở Sài Gòn, trường đua Kentucky Derby ở Churchill Downs, Louisville, Kentucky v.v..
Các nhạc sĩ Mã tộc Mông Cổ, Á Rập và Bắc Âu hoạt động không ngừng trước khi đại diện Mã tộc hoàn vũ đọc tham luận. Ban nhạc EQUUS OULAN BATOR chọn các bản nhạc dưới đây để trình diễn:
1- Bản nhạc Urtiin Duu (Trường Ca <trên lưng Ngựa>) của Mông Cổ.
2- Ngựa Phi Ɖường Xa của Việt Nam.
3- Mã Tộc Kinh Chantilly, một bản nhạc được sáng tác tại chỗ bởi một nhạc sĩ Mã tộc Pháp ở Chantilly.
Bản nhạc Ngựa Phi Ɖường Xa của Việt Nam được hoan nghinh nhiệt liệt. Một đại biểu Gà Tây nói với đại biểu Thử tộc: “Việt Nam là nước có ít Ngựa. Nếu có, đó là những anh Ngựa nhỏ con, ốm yếu. Vậy mà có bản Ngựa Phi Ɖường Xa hùng tráng, dũng mãnh đáng ngưỡng mộ. Lại còn có bản Người Kỵ Mã Trong Sương Chiều nữa. Bạn nào có ảnh chụp kỵ mã Việt Nam, xin vui lòng cho tôi xem để ngưỡng mộ.”
“Dù có vài con Ngựa cò như vậy mà đã có Ngựa Phi Ɖường Xa. Mấy thằng cha Việt Nam đáng sợ thật.” Ɖại biểu Thử tộc nói.
“Anh nói gì tôi không hiểu?” Ɖại biểu Gà Tây hỏi.
“Mấy thằng cha ấy thâm sâu lắm. Bà con dòng họ Thử chúng tôi ở Việt Nam đều nói Việt Nam dễ sống. Dưới sông có Cá, có Cua; ngoài đồng có lúa, bắp, khoai ăn hoài không hết. Ở thành phố có nhiều ống cống để ở và có nhiều thực phẩm dư thừa do các nhà hàng bán ế vất ra hàng ngày, mạnh sức mà ăn. Nhưng anh Gà Tây ơi! Bà con tôi sống dưới hang cũng không an toàn.” Ɖại biểu Thử tộc nói.
“Sao vậy?” Gà Tây hỏi.
“Bọn họ dùng rơm đốt lửa, xông khói vào hang khiến bà con chúng tôi bị chết ngộp. Ɖể khỏi chết ngộp thì phải chạy ra khỏi miệng hang để bị bọn họ chực sẵn đón bắt đem về quay lu, rô-ti hay nấu cà-ri Chuột. Ɖộc địa hơn là họ ly gián Thử tộc chúng tôi khi bắt một anh hay chị Thử nào đó. Họ cạo lông rồi sơn trên mình anh chị Thử bị bắt đủ màu xanh, trắng, đỏ, vàng, đen rồi thả về hang ổ. Anh, chị Thử mặc quần áo muôn màu này làm cho cộng đồng Thử tộc xa lạ và sợ hãi, đinh ninh đó là một loài Thử tộc từ hành tinh khác đến xâm lăng địa bàn sống của Thử tộc Ɖịa Cầu. Họ bỏ ổ mà chạy. Anh, chị Thử mặc quần áo sặc sỡ đù màu cần nhập bọn vì nhu cầu cộng đồng sinh tồn. Anh chị ấy cố rượt theo các anh chị Thử tộc trong hang ổ. Chuột ăn mặc quần áo nhiều màu sắc càng rượt đồng bọn bao nhiêu thì đồng bọn càng chạy nhanh và xa hang ổ bấy nhiêu. Anh Gà Tây ơi! Ɖó là cách đuổi Chuột tài tình của mấy thằng cha Việt Nam ốm hom hem nhưng có nhiều mưu trí lạ thường.” Ɖại biểu thử tộc nói.
“Cám ơn anh cho tôi biết về điều này. Dòng họ chúng tôi mới đến Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX nên kinh nghiệm của chúng tôi về Việt Nam còn khiêm tốn lắm.”
Từ xa vọng về khúc nhạc Thúc Quân khiến cho Gà Tây và Chuột ngưng cuộc chuyện trò. Ban Tổ Chức Hội Nghị thông báo đại diện Mã tộc đến giữa những tiếng kèn thúc quân. Tất cả đại biểu các tộc động vật trong hội trường đều đứng dậy nghinh đón trưởng lão Mã tộc hoàn vũ.
Ɖó là vị trưởng lão Mã tộc kéo xe từ Bắc Âu đến. Tuổi lão đã cao nhưng trông lão còn mạnh khỏe lắm. Lão không có vẻ gì của một Mã tộc kéo xe cao tuổi cả. Trông lão khỏe mạnh và phong nhã lắm. Lão mặc áo màu hung đỏ sậm. Quần hai màu: hung đỏ sậm và chút màu trắng. Lão “hí” một tràng dài và bắt đầu đọc tham luận.
***
Tôi từ Bắc Âu giá lạnh đến. Thay mặt Mã tộc trên hoàn vũ tôi xin kính chào toàn thể đại biểu các tông động vật hiện diện tại đây ngày hôm nay. Xin kính chúc tất cả các tộc đều được no ấm quanh năm. Tộc ăn thịt thì có thịt. Tộc ăn lúa thóc, ngũ cốc thì có thóc lúa và các loại ngũ cốc. Tộc ăn hột thì có hột. Tộc ăn Trùn, Dế thì có Trùn, Dế. Tộc ăn rong rêu thì có rong rêu. Tộc ăn cỏ như chúng tôi thì có cỏ v.v..
Mã tộc chúng tôi có mặt khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi là động vật có xương sống, có máu đỏ, có vú và sinh con. Loài người cho rằng chúng tôi hiện diện trên hành tinh này từ 58 triệu năm trước. Nơi phát xuất nguyên thủy của Mã tộc nằm trên miền đồng cỏ Bắc Mỹ. Từ đó, vì các lý do khác nhau, chúng tôi vượt eo biển Bering sang Tây Bá Lợi Á (Siberia), Trung Á, Trung Ɖông và Bắc Phi. Từ năm 8000 trước Tây Lịch số Mã tộc trên đồng cỏ Bắc Mỹ sút giảm vì sự khắc nghiệt của thời tiết cũng như vì sự săn bắn của người bản địa trong việc tìm kiếm nguồn thịt để dinh dưỡng. Từ năm 1000 trước Tây Lịch loài người biết dùng Ngựa trong việc canh tác và chuyên chở. Ngựa bắt đầu có vai trò quan trọng trong xã hội loài người từ việc canh tác, chuyên chở, hoạt động thể thao đến việc chinh chiến ngoài mặt trận.
Ngựa (Ảnh: monaconatureencyclopedia.com)
Loài người đặt tên khoa học cho chúng tôi bằng La Tinh ngữ là Equus caballus, gia đình Equidae. Tên gọi thông thường là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Ngựa, Mã (Hán Việt) |
Anh |
Horse |
Pháp |
Cheval |
Tây Ban Nha |
Caballo |
Trung Hoa |
Ma (âm Việt ngữ thành Mã) |
Nhật Bản |
House |
Người Anh gọi nam Mã là Stallion, nữ Mã là Mare, Mã tử là Foal (nữ Mã tử: Foal), nam Mã tử là Colt và hoạn Mã là Gelding. Loài người tỉ mỉ quá. Sao họ quá lưu tâm đến Mã tộc chúng tôi!
Dưới nhãn quan của loài người Mã tộc có những đặc điểm như sau:
Người ta đồn rằng Ngựa không chạy giật lùi khi lâm trận. Cũng có tin cho rằng Ngựa không bao giờ đạp chủ khi té Ngựa. Lại càng đặc biệt hơn là Ngựa cùng dòng máu không bắt cặp nhau. Nếu bắt cặp thì anh Ngựa chết trên lưng Mã nữ!! Những điều ghi trên cần phải mất nhiều thời giờ kiểm chứng mới tin được.
Ngựa Shire ở Anh (Ảnh: equishop.com)
Trên thế giới có 400 loại ngựa khác nhau. Ngựa là động vật được loài người thuần hóa cách đây khoảng 4000 năm. Ngựa nặng cân nhất thế giới là Ngựa Shire ở Anh mang tên Mammoth vào thế kỷ XIX. Ngựa Mammoth cân nặng 3.360 pounds tức 1.522kg. Ngựa Thumbelina, Missouri, Hoa Kỳ là Ngựa nhẹ cân nhất thế giới: 26kg. Ngựa này sinh năm 2001 và chết năm 2018.
Ngựa Thumbelina, Missouri, Hoa Kỳ (Ảnh: Wikipedia)
Ngựa có móng chân đặc biệt. Chân ngựa rất mạnh. Ngựa có thể đá hai chân trước và hai chân sau rất mạnh. Ngựa có thể chạy với tốc độ 60km/giờ đến 75km/giờ. Tuổi thọ của Ngựa xê dịch từ 25 năm đến 30 năm. Tuổi yêu đương của ngựa bắt đầu từ năm 6 tuổi đến năm 8 tuổi. Các Mã nữ mang thai từ 330 ngày (11 tháng) đến 345 ngày (11 tháng rưỡi) mới sinh con.
Loài người thuần hóa ngựa để giúp đỡ họ trong việc đồng áng. Cho đến khi đệ nhị thế chiến bùng nổ, nhiều quốc gia Âu Mỹ vẫn chưa cơ giới hóa nông nghiệp nên vẫn còn dùng Ngựa để kéo cày, kéo xe. Cho đến đầu thế kỷ XX các xe tứ mã vẫn còn. Ngày nay cảnh sát ở Âu-Mỹ vẫn còn dùng Ngựa để giữ gìn an ninh đường phố. Ngựa được dùng trong thể thao ở Âu Châu, Mỹ Châu. Giới quý tộc trên thế giới đều phải biết cưỡi Ngựa. Ngựa đua nổi tiếng trị giá từ 100.000 Mỹ kim đến 300.000 Mỹ kim. Tiền nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, huấn luyện Ngựa đua lên đến 45.000 Mỹ kim/năm! Cho đến những năm 20 của thế kỷ XX Ngựa vẫn còn được dùng trong chiến trận. Vào thời Trung Cổ Mông Cổ nổi tiếng với đoàn kỵ binh của họ. Nga nổi tiếng với đoàn kỵ binh Cossaks. Kỵ binh mất nghĩa nguyên thủy của nó từ khi xuất hiện xe tăng, thiết giáp trên chiến trường Âu Châu trong đệ nhất thế chiến.
Về khả năng chuyên chở lý tưởng của mỗi anh, chị Mã tộc ta có: trọng lượng vật chuyên chở bằng 20% tức 1/5 trọng lượng của anh, chị Mã tộc. Trọng lượng chuyên chở lý tưởng của một anh Ngựa nặng 500kg là 500 x 20 : 100 = 100kg. Vai trò chuyên chở của Ngựa không còn quan trọng như xưa khi việc chuyển tải hàng hóa, nông sản, võ khí, bom đạn được các xe tải lớn, xe lửa, tàu bè, phi cơ đảm nhận.
Kính thưa quí vị,
Trước khi trở lại chủ đề về Mã tộc, tôi xin mạn phép nói qua Lư tộc (Lừa), một dòng họ gần của Mã tộc chúng tôi.
Thân thuộc gần với Mã tộc chúng tôi là Lừa. Về hình dáng Lừa giống Mã tộc đến 90%. Lừa nhỏ con hơn Ngựa. Màu quần áo của Lừa và Ngựa giống nhau: trắng, xám, đen, hung đỏ sậm, trắng với đốm đen. Tai Lừa dài so với thân hình nhỏ bé của anh chị tộc ấy.
Tên khoa học của Lừa là Equus asinus, gia đình Equidae. Người Anh gọi lừa là Donkey, Ass. Donkey là Lừa được người thuần hóa. Ass là anh chị Lừa sống trong trạng thái hoang dã ở Phi Châu hay Á Châu mang tên khoa học Equus africanus.
Lừa (Ảnh: flickr.com)
Lừa nhỏ con, không có ngoại hình dễ nhìn và không chạy nhanh như Ngựa nhưng Lừa chở hàng hóa đi trên đường gập ghềnh trên đồi núi bền bỉ hơn Ngựa. Lừa rất đắc dụng ở Bắc Phi, Trung Ɖông, Trung Á. Lừa dùng để cày, bừa, chuyển vận hàng hóa, chở nước lấy từ giếng hay suối ở các vùng khô hạn v.v.
Lừa nhỏ nhất là Lừa Sicilian (đảo Sicilia), cao 60cm, cân nặng 113kg.
Lừa to lớn nhất là Lừa Mammoth Jackstock của Hoa Kỳ, cao 1,40m, cân nặng 540kg.
Tuổi thọ của Lừa xê dịch từ 27 - 40 năm.
Thời gian mang thai: từ 11 tháng đến 15 tháng.
Lừa nam giao tình với Mã nữ sinh ra La (Lừa + Ngựa: Mule).
Mã nam giao tình với Lừa nữ sinh ra La (Ngựa + Lừa: Hinney).
La (Mule) hay La (Hinney) đều không sinh sản.
Lừa Kiang trên cao nguyên Tây Tạng trong dãy Hy Mã Lạp Sơn mang tên khoa học Equus kiang, gia đình Equidae. Ɖó là một loài Lừa hoang Á Châu. Lừa Kiang Tây Tạng, Qinghai (Thanh Hải) có tai màu trắng, sống trên cao độ 2.500m đến 5.500m.
Lừa Kiang trên cao nguyên Tây Tạng (Ảnh: natureplprints.com)
Ngựa Rằn là một thân thuộc gần của Mã tộc chúng tôi. Gọi là Ngựa Rằn vì các anh chị ấy mặc quần áo sọc trắng và sọc rằn đen. Các anh chị Ngựa Rằn tập trung trên lục địa Phi châu. Các anh chị ấy có hình hài giống Mã tộc chúng tôi hơn các anh chị Lừa. Người ta phân biệt ba loại Ngựa Rằn:
1- Ngựa Rằn Grevy đông đảo nhất.
Ngựa Rằn Grevy (Ảnh: istockphoto.com)
2- Ngựa Rằn đồng bằng.
3- Ngựa Rằn núi.
Chiều cao, chiều dài và trọng lượng trung bình của các anh chị Ngựa Rằn = chiều cao, chiều dài và trọng lượng của Mã tộc và Lừa cộng lại chia 2.
Trọng lượng trung bình của Ngựa Rằn lối 340kg cho cả ba loài Ngựa Rằn. Ngựa Rằn Grevy chiếm đa số trong rừng rậm Phi Châu, đặc biệt là ở Kenya và Ethiopia.
Tuổi thọ trung bình của Ngựa Rằn xê dịch từ 20 năm đến 40 năm.
Thời gian mang thai của các chị Ngựa Rằn kéo dài từ 12 đến 13 tháng.
Tên khoa học của Ngựa Rằn là:
Tên khoa học |
Gia đình |
Loài Ngựa Rằn |
Equus zebra |
Equine |
Ngựa Rằn Núi |
Equus grevyi |
Equine |
Ngựa Rằn đa số |
Equus quagga |
Equine |
Ngựa Rằn đồng bằng |
***
Như quí vị đã biết, Mã tộc chúng tôi giao tiếp với loài người cách đây 4.000 năm. Họ dùng Ngựa trong việc đồng áng, chuyên chở hành khách, hàng hóa. Trên đường núi non hiểm trở họ dùng Lừa nhiều hơn là Ngựa. Loài người làm xe song Mã, tứ mã để chở người sang trọng, giàu có. Căn cứ vào hình dạng và số Ngựa kéo, người ta biết địa vị của chủ xe. Từ khi kỹ nghệ phát triển, người ta dùng sức kéo của Ngựa để làm đơn vị sức mạnh của máy kéo. Từ đó xuất hiện xe Citroen 2 Chevaux hay Renault 4 Chevaux.
Từ thời Trung Cổ đến đệ nhất thế chiến người ta còn dùng Ngựa trong chiến trận. Ngựa được dùng trong thể thao, đua ngựa, các cuộc diễn binh, phụ giúp cảnh sát bảo vệ an ninh đường phố ở các thành phố lớn. Cuối cùng Ngựa cung ứng cho loài người thịt, sữa, huyết và da. Người Mông Cổ ăn nhiều thịt Ngựa và uống sữa ngựa thay cho nước! Trẻ em Mông Cổ sớm biết thuật quần Ngựa và cưỡi Ngựa. Người Do Thái không ăn thịt Ngựa vì Ngựa không phải là động vật nhai lại, chân không có móng chẻ.
Trong y học người ta dùng huyết thanh của ngựa làm thuốc trị chứng bạch hầu (diphtheria do trùng Corynebacterium diphtheriae gây ra), ngộ độc (botulism – các mạch bị một độc chất do trùng Clostridium botulinum gây ra), bị nhiễm trùng phong đòn gánh (tetanus do trùng Clostridium tetani gây ra), chó dại (rabies do vi khuẩn Lyssavirus gây ra), rắn, bò cạp và nhện có nọc độc cắn v.v.. Xương Ngựa dùng để nấu cao. Da Ngựa dùng để làm áo giáp hay nấu keo a-giao (éjiao). Mỡ Ngựa dùng làm cho da ẩm mát.
Tụi Ngựa Rằn sống trong rừng thẳm, thảo dã nên xa lạ đối với loài người. Loài người cho rằng tụi nó “khó dạy” nên bọn họ không được loài người sử dụng như Mã tộc chúng tôi. Nam tước Walter Rothschild (1868 - 1937) là nhà lý tài, chánh trị gia và động vật học nổi tiếng thuộc đại gia đình Rothschild gốc Do Thái ở Anh có xe do Ngựa Rằn kéo. Không biết xương sống anh chị Ngựa Rằn như thế nào mà người ta cho rằng các anh chị ấy không đủ sức chở người trên lưng. Thế là không có kỵ mã nào cưỡi Ngựa Rằn trong lịch sử! Các nhà dinh dưỡng học cho rằng thịt Ngựa Rằn bổ, có nhiều proteins hơn thịt bò hay thịt heo. Thịt Ngựa Rằn có Zinc và Omega 3 fatty acid có lợi cho sự vận hành của tim và làm giảm áp suất máu. Da Ngựa Rằn được dùng trong công nghệ giày dép, túi xách.
Lừa Phi Châu hay Lừa Tây Tạng, Qinghai (Thanh Hải), Hy Mã Lạp Sơn tức lừa Kiang được loài người dùng để chuyển vận hàng hóa trên cao nguyên và miền núi non hiểm trở. Các anh chị Lừa cung cấp cho loài người thịt và sữa. Sữa Lừa (jenny milk) được xem là loại sữa có giá cao hơn sữa bò. Người Trung Hoa dùng da Lừa để nấu keo a-giao (éjiao) làm thuốc trị xuất huyết, chóng mặt, mất ngủ, ho khan. Tây y chưa xác nhận nguyên lý chữa bịnh của a-giao nhưng xác nhận a-giao làm gia tăng sự sản xuất tế bào máu.
Trong huyền thoại Hy Lạp, Poseidon được xem là thần của biển cả, sông ngòi, ao hồ và Thần của Mã tộc. Pegasus được mô tả dưới dạng một Bạch Mã có cánh.
Pegasus trong huyền thoại Hy Lạp (Ảnh: paleothea.com)
Ngựa được đề cập trong Thánh Kinh sách Kings II 2:11; sách Psalm 20:7, 33:17, 76:6. Dưới thời vua Salomon hay Jedidiah (970 - 931 trước Tây Lịch – năm giả định). Ngựa đầu tiên xuất hiện trong chiến tranh trong thời kỳ vương quốc chia đôi thành vương quốc Israel và Judah.
Trong lịch sử Phật Giáo có chuyện Thái Tử Siddharta, tức Ɖức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này, cưỡi Ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) lông trắng như tuyết.
Trong Cổ Sử Việt Nam có chuyện Phù Ɖổng Thiên Vương cưỡi Ngựa sắt đánh giặc Ân. Ngựa sắt hí ra lửa khi xông trận và chở cậu bé làng Phù Ɖổng bay thẳng lên trời.
Tên tuổi của Mã tộc chúng tôi gắn liền với tên tuổi của người cưỡi.
Alexander Ɖại Ɖế cưỡi Ngựa Bucephalus. Bucephala, một thành phố cổ ở Pakistan, được đặt tên của tổ Bucephalus kính yêu.
Giáo chủ Muhammad cưỡi Ngựa Buraq từ Mecca đến Jerusalem.
Napoléon I cưỡi ngựa Marengo.
Quận Công Wellington cưỡi Ngựa Copenhagen trong trận đánh Waterloo (1815).
Thái Tử Willem Frederik dòng Orange, tức vua Willem II của Hòa Lan sau này, cưỡi Ngựa Wexy trong trận đánh Waterloo.
Thời Tam Quốc ở Trung Hoa có ngựa Xích Thố chạy nhanh như gió. Người ta cho rằng Guan Yu (Quan Vũ) cưỡi Ngựa Xích Thố (Ngựa Thố Ɖỏ) nhưng có người nói Lữ Bố (Lu Bu) cưỡi Ngựa Xích Thố chớ không phải Quan Vũ (Guan Yu).
Mustafa Kemal Atatürk, quốc phụ của Tân Thổ Nhĩ Kỳ, cưỡi ngựa Sakarya trong trận đánh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp năm 1921 tại Sakarya trong tỉnh Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngựa Black Jack của Hoa Kỳ kéo quan tài của tổng thống John F.Kennedy (1963), tổng thống Herbert Hoover (1964), tổng thống Lyndon B. Johnson (1973) và đại tướng năm sao Mc Arthur (1964).
Loài người xem Ngựa là biểu tượng của sự hanh thông, nhanh nhẹn, dũng cảm và thành công như bức tranh Mã Ɖáo Thành Công diễn đạt.
Tranh Mã Ɖáo Thành công (Ảnh: tranhtreotuong.vn)
Lừa được nói đến trong Tân Ước Kinh.
Thánh Kinh đề cập nhiều đến Lừa và xem Lừa là biểu tượng của sự phục vụ, đau khổ, an bình và khiêm tốn hèn mọn. Trong Tân Ước Kinh, sách Mark 11:1 nói đến Chúa Jesus đến núi Olives và phái hai người đi tìm một anh hay chị Lừa ở làng lân cận để Người cưỡi đi đến thành Jerusalem.
Trong tinh tú học các sao Pegasus, Flying Horse (Phi Mã), Equuleus (Mã), Colt (Mã Tử) đều nằm trong chòm sao Mã tượng trưng bởi Pegasus trong huyền thoại Hy Lạp.
Mã tộc được loài người ưa chuộng hơn Lư tộc (Lừa) vì có ngoại hình đẹp và phục vụ cho loài người nhiều hơn. Như đã thấy, Việt Nam không có nhiều Ngựa nhưng vẫn có nhiều bản nhạc về Ngựa như Ngựa Phi Ɖường Xa, Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Người Kỵ Mã Trong Sương Chiều, Ngựa Hồng Trên Ɖồi Cỏ Non. Ở Việt Nam và trên thế giới các thức ăn thường có nhiều Cá, thịt Gà, thịt Heo, thịt Bò. Ɖến năm 2024 số người ăn thịt Ngựa trên thế giới gia tăng. Nga, Ý, Pháp, Trung Hoa xem việc ăn thịt ngựa là hợp pháp. Anh, Hoa Kỳ và các nước Bắc Âu không đồng tình với Nga, Pháp, Ý, Trung Hoa. Người Việt Nam cho rằng thịt Ngựa có nhiều phong. Dù vậy vào thập niên 70 của thế kỷ XX xuất hiện một quán thịt Ngựa đối diện với Viện Ung Thư trong tỉnh Gia Ɖịnh.
Người Việt Nam dành cho Mã tộc chúng tôi nhiều hình dung từ riêng biệt như Ngựa trắng là Ngựa Bạch, Ngựa trắng mốc là Ngựa Kim, Ngựa lông đỏ là Ngựa Hồng, Ngựa lông xanh là Ngựa Biếc, Ngựa lông đen là Ngựa Ô, Ngựa con là Ngựa Cu nên có câu: Ngựa Cu háo đá, Ngựa lông hung đỏ là Ngựa Tía, Ngựa lông vàng là Ngựa Vàng, Ngựa chạy nhanh như gió là Ngựa Truy Phong, Ngựa chứng và hung dữ là Ngựa Sa-hoàng v.v..
Ngôn ngữ Việt Nam khen, chê, khinh rẻ chúng tôi không ít với những cụm từ: Ngựa chạy có bầy, Chim bay có bạn; Mã đáo thành công; Ngựa hay thường là ngựa chứng; Ngựa Cu háo đá; Ngựa quen đường cũ; Ɖầu Trâu mặt Ngựa; Tái Ông mất Ngựa, Kiếp Trâu cày Ngựa cưỡi; Ngu như Lừa; To sức làm chi nặng kiếp Lừa; Lừa đội lốt Sư Tử; Thảo dân là cái lưng Lừa gánh tất cả gánh nặng của quốc gia; Nhất ngôn ký xuất tứ Mã nan truy v.v.. Loài người dùng Mã tộc để xé xác người bị phạm tội tứ Mã phân thây.
Charles Perrault (1628 - 1703) viết chuyện cổ tích Peau d’Âne (Da Lừa được dịch sang tiếng Anh là Donkey Skin) năm 1695. Peau d’Âne đã được dừng thành phim Donkey Skin năm 1970.
Trong 12 con Giáp năm con Ngựa được gọi là năm Ngọ. Năm Ngọ là năm Dương (+) nên chỉ có:
Năm |
Hành |
Màu sắc |
Giáp Ngọ |
Kim |
Trắng |
Bính Ngọ |
Thủy |
Ɖen |
Mậu Ngọ |
Hỏa |
Ɖỏ |
Canh Ngọ |
Thổ |
Vàng |
Nhâm Ngọ |
Mộc |
Xanh |
Tháng Ngọ là tháng 05 Âm Lịch.
Giờ Ngọ: 11 - 01 giờ trưa.
Trong Ɖề 40 con của người Trung Hoa Mã tộc chúng tôi mang số 12, sau Khuyển tộc (số 11) và trước Tượng tộc (số 13).
Trong Tử Vi có sao Thiên Mã tượng trưng cho sự di chuyển, thay đổi, sự hanh thông.
Trong võ thuật loài người học Mã tộc chúng tôi cách chạy nhanh, cách phóng nhảy, cách đá song phi và cách đá giò lái. Nhưng họ không thể học và hành cách ngủ của Mã tộc chúng tôi.
Có một loại bịnh do nghèo khốn, suy dinh dưỡng gây ra. Ɖó là cam tẩu mã (Noma). Ngày xưa bịnh này bị cấm kỵ không cho nói đến ở Việt nam. Chứng phạm phòng có thể tử vong còn được gọi là thượng mã phong (tạm dịch là Ischemic stroke during sexual intercourse hay nôm na là Upper mafeng).
Thầy tướng số chê người có mặt Ngựa hay có xoáy Ngựa trên đầu. Ɖó là người “ÍT HIỀN”. Mà “ít hiền” thì “NHIỀU DỮ” vậy.
Trong thảo mộc học có nhiều loài cây có mang tên Ngựa, Horse hay Mã như:
***
Nhìn chung Mã tộc chúng tôi phục dịch cho loài người rất nhiều. Nào là cày, bừa. Nào là kéo xe. Nào là chuyên chở người và hàng hóa. Nào là chở cảnh sát trên lưng đi tìm kiếm gian phi trong thành phố. Nào là chạy đua cho loài người đánh cá ăn tiền. Nào là ra trận mạc, đùa giỡn với Tử Thần. Nào là chở người chạy đua và nhảy rào (show jumping). Sự phục vụ của Ngựa và Lừa cho loài người rất đa dạng nhưng việc dinh dưỡng ăn uống của Mã tộc chỉ xoay quanh những nắm cỏ khô vô vị. Ɖã vậy mà thằng cha Harpagon hà tiện tối nào cũng lên ăn cắp bớt cỏ vì sợ Ngựa ăn hết! Khi ốm yếu không kéo xe như lúc bình thường thì bị loài người dùng roi quất vào mông, vào lưng để gia tăng sức mạnh! Nghịch lý thay! Ɖánh đập làm gia tăng sức mạnh!! Loài người ghét những kẻ “đầu Trâu mặt Ngựa”. Họ không ngừng than “kiếp Trâu cày Ngựa cưỡi” của họ. Họ vẽ hình Ngựa treo trong nhà để cầu may mắn và hanh thông cùng đúc tượng Ngựa đặt ở các dinh miếu hay công viên. Thế mà họ nói xấu các Mã nữ với cụm từ đồ đĩ Ngựa đáng khinh. Ba từ ngắn ngủi này xúc phạm đến đại gia đình Mã tộc hoàn vũ không ít. Mã tộc Anh, Pháp, Na Uy, Thụy Ɖiển, Hoa Kỳ kiên định lập trường bảo vệ danh dự Mã tộc nên phải đưa vụ phỉ báng này ra tòa án. Vụ này không xử được vì không biết ai là tác giả của câu này để buộc tội. Chuyện càng trở nên rắc rối nếu kiện cả dân tộc Việt Nam.
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Các Ngựa cu lớn lên không cùng tư tưởng bảo thủ và trọng mặt mũi của các Mã trưởng lão. Từ “Ɖĩ” cũng không có gì xúc phạm “thủ phẩm” như các Mã trưởng lão nghĩ.
Ɖại diện Thố tộc đứng dậy và hỏi trưởng lão Mã tộc Bắc Âu: “Mã tộc các ông và Khuyển tộc sống gần gũi với loài người và được loài người yêu mến nên được dinh dưỡng và chăm sóc thuốc men đầy đủ. Cách đây gần hai thế kỷ bác sĩ Thú Y được gọi là Horse Doctor. Vậy giữa Mã tộc và Khuyển tộc loài người ưa chuộng nhóm nào? Mã tộc hay Khuyển tộc?”
“Ngựa giúp loài người trên nhiều lãnh vực khác nhau. Sư phát triển của khoa học kỹ thuật làm cho vai trò của Mã tộc lu mờ đáng kể. Khuyển tộc không có nhiều công lao với loài người như Mã tộc. Chó giữ nhà, Chó giúp chủ chăn Trâu, Bò, Dê, Trừu. Chó giúp loài người khi đi săn Thỏ, Chim, Nai, Chồn, Heo Rừng… Chó sống trong nhà của chủ. Ngựa sống xa chủ vì chuồng Ngựa có mùi hôi thối khó chịu. Chó biết làm cho chủ vừa lòng, Ngựa không có những đặc tính ấy.Chó nghe pháo hay súng nổ thì bỏ chạy đến quên đường về. Ngựa xông pha khi nghe tiếng nổ. Nhưng loài người vẫn thương Chó và dành cho họ nhiều ân huệ hơn. Chó ăn thức ăn ngon, được đưa đi bịnh viện, được chăm sóc sức khỏe khi bị bịnh. Ai ăn thịt Chó bị lên án kịch liệt. Người ăn thịt Chó tụ họp nhau ăn Cẩu nhục, uống rượu và nói chuyện ầm ĩ. Chó chết được thơm tho và được loài người đưa tiễn. Ngựa chết âm thầm. Không ai công khai nói các lão ông, lão bà Mã tộc chết ở đâu? Chôn ở đâu? Chết như thế nào?Mã tộc sống lao động khổ nhọc, vào sinh ra tử. Có những phút hào hùng hiên ngang đi trên đường phố các thủ đô giữa tiếng trống, tiếng kèn vang dội. Vậy mà khi về già cuộc đời kết thúc chua chát như thế.” Trưởng lão Mã tộc Bắc Âu nói.
Thưa quí vị, Trái Ɖất chúng ta đang sống đã già nua và chứng kiến biết bao nhiêu cảnh thăng trầm, tang thương biến đổi. Trong vũ trụ không có gì là tuyệt đối và bất biến cả. Tôi xin mượn ý này để kết thúc bài tham luận của Mã tộc hôm nay. Kính mời quí vị thưởng thức bản Tornado, Zorro’s Horse.
Kính chúc toàn thể quí vị một ngày vui.
Trưởng Lão Mã Tộc Scandinavia.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/noilongmatoc.html