Phạm Ɖình Lân
Nỗi lòng Đà Điểu
(Hình: http://eol.org)
Người Việt Nam gọi chúng tôi là Đà Điểu hay chim Lạc Đà (camel bird). Thực sự họ không biết nhiều về tộc Đà Điểu chúng tôi mà họ chỉ nghe qua người Trung Hoa hay người Tây Phương nói về chúng tôi vì chúng tôi tương đối xa lạ với loài người sống ngoài lục địa Phi Châu và đầu cầu Âu-Á. Địa bàn chính của chúng tôi là các vùng đất khô hạn, thảo dã Phi Châu nhiệt đới, các sa mạc Phi Châu, Trung Đông. Từ thế kỷ XIX chúng tôi mới có dịp đi dần sang các nước khác bằng tàu của các nước Âu Mỹ khi người Âu-Mỹ có ý nghĩ lập trại tập trung nuôi dòng tộc chúng tôi để lấy lông, thịt và da.
Đà Điểu chúng tôi là loài chim to lớn nhất còn sống sót trên thế giới. So với Công và Gà Tây chúng tôi to lớn hơn nhiều. Chúng tôi là loài chim không bay được mặc dù có đôi cánh rất dài.
Người Anh gọi chúng tôi là Ostrich; nam Đà Điểu là Ostrich cock; nữ là Ostrich hen; ấu nhi là Ostrich chicks.
Người Pháp gọi chúng tôi là Autruche khiến nhiều người hiểu lầm là Autriche của nước Áo. Con cái chúng tôi họ gọi là Autruchons.
Người Nhật gọi chúng tôi là Dadou.
Tên La Tinh của chúng tôi là Struthio camelus thuộc gia đình Struthionidae. Do chữ Camelus (lạc đà – La Tinh) mà người ta gọi chúng tôi là Chim Lạc Đà (camel bird). Nhiều nhà động vật học so sánh chúng tôi với Lạc Đà với vài đặc điểm như:
Chúng tôi có thị giác, xúc giác và thính giác rất tốt. Nhờ vậy mà chúng tôi đi ăn ban đêm dễ dàng và nhìn thấy kẻ thù ở cách xa chúng tôi hàng cây số.
Người ta phân loại chúng tôi xuyên qua dòng giống và địa bàn sinh sống:
1. Đà Điểu Struthio camelus camelus ở Bắc Phi có cổ đỏ.
Đà Điểu Bắc Phi (Wikipedia)
2. Đà Điểu Struthio camelus molybdophane ở Somalia, Kenya.
3. Đà Điểu Struthio camelus massaicus ở Masai, Kenya, Tanzania, Zambia, Mozambique có cổ vàng. Đuôi của nam Đà Điểu màu vàng.
Đà Điểu Struthio camelus massaicus ở Masai (http://eol.org/)
4. Đà Điểu Struthio camelus australis ở Nam Phi
5. Đà Điểu Struthio syriacus ở Syria, Iraq, Jordan, bán đảo Ả Rập nói chung là Trung Đông. Dòng Đà Điểu này bị loài người săn bắn giết hại rất nhiều nên năm 1966 các anh chị Đà Điểu Struthio syriacus bị xem như tuyệt chủng.
Giống như Gà Tây và Khổng Tước, Đà Điểu chúng tôi là điểu cầm đầu nhỏ, mình to; cổ dài hình chữ S. Đà Điểu có nhiều lông nhưng lông đuôi của nam, nữ Đà Điểu rất ngắn so với Gà Tây hay Khổng Tước. Nam Đà Điểu có lông đen, trắng rất mượt. Nữ Đà Điểu mặc quần áo màu đen xám hay hung đỏ thật nhạt trông cũ kỹ lắm. Nam và nữ Đà Điểu phân biệt nhau qua màu sắc của lông, màu da ở cổ, chiều cao và trọng lượng. Quần áo của các anh Đà Điểu đẹp hơn quần áo của các chị Đà Điểu. Nam Đà Điểu có da cổ đỏ. Nữ Đà Điểu không có màu da cổ như vậy. Về chiều cao và trọng lượng chúng ta có những con số dưới đây:
Đà điểu |
Chiều cao |
Trọng lượng |
Nam |
2,10 – 2,70 m |
100 - 150 kg |
Nữ |
1,75 - 1,90 m |
90 - 110 kg |
Đà Điểu chúng tôi có đôi cánh dài lối 2m tạo thăng bằng cho chúng tôi khi chạy trong sa mạc cũng như lúc giao tình với nữ Đà Điểu. Đôi chân chúng tôi vừa cứng, vừa khoẻ. Mỗi bàn chân có hai (02) ngón với móng vuốt dài 10cm hoàn toàn khác biệt với phần lớn Điểu tộc có bàn chân bốn ngón. Nhờ đôi chân khoẻ Đà Điểu chúng tôi có thể chạy 60 - 70 km giờ cao hơn vận tốc xe đò cũ ở Việt Nam vào giữa thế kỷ XX. Đôi chân cứng như đá giúp chúng tôi chiến đấu để sinh tồn. Đôi chân chúng tôi có thể giết chết người hay một loài dã thú như linh cẩu, chó sói hay cả sư tử nữa!
Tuổi thọ của chúng tôi ngang hàng với tuổi thọ của loài người trong một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn. Nó xê dịch từ 40 đến 70 tuổi trong tình trạng bình thường.
Chúng tôi không có răng nhưng có ba bao tử và khúc ruột dài 14 - 15 m. Thức ăn của chúng tôi là cỏ, mầm non cây cối, các loại hột, củ, trái cây, côn trùng, thú vật chết rữa thối, loài bò sát v.v... Chúng tôi phải ăn sỏi, đá để nghiền thức ăn trong bao tử chúng tôi. Một anh hay chị Đà Điểu có ít ra 01 ki-lô sỏi trong bao tử cho đến ngày giã biệt cõi trần. Nếu chúng tôi ăn mầm non cây cối có chút nước thì chúng tôi có thể không uống nước trong vài ngày.
Các nữ Đà Điểu phát triển đời sống yêu đương khi được 02 hay 03 tuổi. Các nam Đà Điểu làm công tác truyền giống trễ hơn một năm (lối 04 tuổi). Khác với Kê tộc và các loại Điểu tộc khác, nam Đà Điểu có bộ phận sinh dục để hoàn thành công tác truyền giống. Qua chuyện này Đà Điểu tộc có quyền tự hào rằng chúng tôi là loài chim thượng đẳng so với Gà, Gà Tây, Khổng Tước và các loại Điểu tộc khác.
Trong trạng thái hoang dã các nam Đà Điểu đấu đá nhau đến chết để giành quyền truyền giống với các nữ Đà Điểu trong đàn trong mùa hội hôn nhân từ tháng 04 đến tháng 09. Bình thường các anh Đà Điểu rất thầm lặng không ồn ào như các anh Gà Tây. Nhưng trong những tháng hội hôn nhân các anh ấy nhảy múa, xoè và nhịp cánh theo một vũ điệu tình yêu riêng của dòng tộc và phát ra những tiếng gọi tình yêu thê lương, tang tóc, não nề. Xã hội Đà Điểu của chúng tôi là xã hội đa thê. Trong đàn một nam Đà Điểu chính có từ 03 đến 07 nữ Đà Điểu. Trong số nữ Đà Điểu này có một nữ Đà Điểu được xem là trưởng. Nam Đà Điểu giao tình với nữ Đà Điểu trưởng này trước. Sau đó mới ái ân với các thiếp Đà Điểu còn lại. Mỗi chị Đà Điểu mang thai có thể sinh từ 03 đến 15 trứng. Số trứng tối đa mà một chị Đà Điểu có thể sinh là 20. Trứng Đà Điểu hình bầu dục to hơn trứng Ngỗng và bằng 12 trứng Gà hợp lại. Một trứng cân nặng gần 1,5 ki- lô. Sau khi giao tình với nữ Đà Điểu trưởng anh nam Đà Điểu làm bổn phận của người cha tương lai bằng cách đào một cái lỗ sâu lối 50 - 60 cm và rộng lối 3m cho chị Đà điểu sinh. Ổ này là ổ tập thể của nữ Đà Điểu trưởng và các thiếp. Do đó số trứng có thể lên đến 50 - 70 trứng! Đây là lúc anh Đà Điểu phải cực khổ canh chừng các trứng vì đó là thức ăn ưa thích của loài người, Chim Ưng, Chó Sói, Linh Cẩu. Ban ngày chị Đà Điểu trưởng ấp trứng. Anh Đà Điểu canh phòng ổ. Ban đêm bà mẹ Đà Điểu tương lai đi kiếm ăn. Anh Đà Điểu thay thế vợ ấp trứng. Ở điểm này tộc Đà Điểu chúng tôi khác với các anh Gà Tây rất nhiều. Trứng ấp từ 35 đến 42 ngày thì nở ra ấu nhi Đà Điểu. Đến giai đoạn này việc canh phòng Chó Sói, Linh Cẩu càng nghiêm nhặt hơn vì các ấu nhi Đà Điểu là mồi ngon của kẻ dữ. Dân số Đà Điểu giảm dần vì trứng ấp chỉ nở lối 10% - 15% mà thôi bởi chị Đà Điểu trưởng chỉ ấp trứng của mình mà thôi. Một số trứng bị loài người hay thú dữ trộm để ăn. Các ấu nhi Đà Điểu bụ bẫm nhưng xấu xí. Mặt mày thiếu ánh sáng. Tóc lún phún trông xấu xí lắm. Các anh Đà Điểu giáo dục con từ cái ăn, cái uống đến cách đi đứng. Trong năm đầu kể từ ngày rời khỏi vỏ trứng ấu nhi Đà Điểu tăng trưởng 25cm mỗi tháng! Khi được 01 tuổi các cháu cao lớn, đi đứng mạnh dạn như cha và mẹ các cháu. Lúc ấy các cháu cân nặng đến 45 ki-lô.
Trứng đà điểu so với trứng gà (https://schobbejakshoogte.be)
Nhiều thân thuộc của chúng tôi ở Syria, Jordan bị xem là tuyệt chủng trong trạng thái hoang dã vì các thợ săn của loài người không ngừng tìm kiếm và giết dòng Struthiocủa chúng tôi để ăn thịt, lấy lông và lấy da. Vào thế kỷ XIII, dưới triều vua Henry III (1207 - 1272) lông Đà Điểu được gắn trên quân phục ở Anh. Dưới triều vua Henry VIII (1457 - 1509) nón phụ nữ có gắn lông Đà Điểu. Người ta chỉ dùng lông cánh của các nam Đà Điểu mà thôi. Mỗi cánh Đà Điểu có 24 lông cứng và dài.
Lông đà điểu (https://www.demuseumwinkel.com)
Đến thế kỷ XVIII dân số Đà Điểu sụt giảm đáng lo ngại. Vào thế kỷ XIX loài người bắt đầu lập trại chăn nuôi để nuôi dòng họ chúng tôi không ngoài mục đích lấy lông, da và thịt. Nam Phi và Úc Đại Lợi là hai quốc gia phát triển việc chăn nuôi Đà Điểu. Nhiều thân thuộc chúng tôi được ngồi xe hơi ra các cảng Phi Châu để đầy qua Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu và Nam Mỹ Châu. Không bao lâu có Đà Điểu nhập tịch Hoa Kỳ, Canada và các nước Âu Châu. Dòng Struthio chúng tôi không biết nhiều về các quốc gia Á Châu. Đến đệ nhất thế chiến nhiều trại chăn nuôi Đà Điểu ở Úc đóng cửa. Nam Phi dẫn đầu về việc chăn nuôi dòng Struthio nhưng mức sản xuất giảm dần do nhu cầu tiêu thụ lông Đà Điểu giảm nhiều. Việc nuôi Đà Điểu rất khó. Giá Đà Điểu giống có thể lên đến hàng chục ngàn Mỹ Kim một cặp. Nhi đồng Đà Điểu ăn rất nhiều nhưng cũng dễ bị bịnh và sớm tử vong. Một anh Đà Điểu ăn mỗi ngày 3 ki-lô thực phẩm. Ở Hoa Kỳ các tiểu bang tương đối có nhiều nắng và cát trắng như California, Arizona, Florida là những nơi có trại chăn nuôi Đà Điểu. Ở Florida vào cuối thế kỷ XIX người ta bắt thân thuộc chúng tôi chở du khách như cỡi ngựa vậy. Họ làm xe bắt đồng đội tộc Struthio kéo hai bà du khách ngồi trên đó. Ở Phi Châu loài người ngồi trên lưng thân thuộc chúng tôi để chạy đua.
Từ thập niên 1970 và 1980 việc chăn nuôi Đà Điểu thịnh hành trở lại. Khắp thế giới đều có lò sát sinh Đà Điểu, kỹ nghệ lông Đà Điểu và kỹ nghệ thuộc da Đà Điểu. Người Nhật mua nhiều da Đà Điểu và các sản phẩm làm từ da Đà Điểu.
Loài người bắt đầu quí thịt của dòng tộc Struthio vì ít mỡ, ít cholesterol nhưng có nhiều protein, chất vôi, chất sắt v.v… Thịt Đà Điểu trở thành món ăn quí hiếm. Không phải người nào trong cộng đồng loài người cũng ăn được. Thường thường người ta dùng thịt Đà Điểu làm món steak chiên nửa sống, nửa chín để ăn. Muốn có thịt ngon loài người phải hạ sát các thiếu nhi tộc Struthio được 14 tháng tuổi.
Một trại chăn nuôi đà điểu ở Hòa Lan (https://www.tripadvisor.nl/)
Các quốc gia sản xuất nhiều thịt Đà Điểu là Nam Phi, Trung Quốc, Brazil, Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ, Do Thái.
Ngày còn sống hoang dã trong sa mạc Đà Điểu chúng tôi phải vất vả đi tìm kiếm thức ăn và chiến đấu chống nhiều kẻ thù trên đồng vắng để sinh tồn. Chúng tôi chia sẻ sự cực nhọc của các bà vợ trong thời kỳ sinh sản và dưỡng dục đám con mới rời khỏi vỏ. Đó là lúc chúng tôi thể hiện tình phụ tử và nghĩa phu thê trọn vẹn. Từ khi tiếp xúc với người Âu Châu chúng tôi có tên La Tinh. Người Âu Châu bắt chúng tôi phải rời sa mạc và đầy chúng tôi đi khắp nơi trên thế giới. Đó là lúc dòng họ Struthio nghẹn ngào ca lên câu:
Ngàn trùng xa cách Đà Điểu đi rồi!
Ngồi trên tàu một tiền bối Đà Điểu gặp anh chị Cà Phê Coffea arabica, anh chị Sốt Rét Mộc Cinchora pubescens, anh chị Cao Su Hevea brasiliensis... và nhiều anh chị lạ mặt khác. Họ từ Phi Châu, Brazil, Nam Mỹ, bị đầy vĩnh viễn sang các nước trong vùng Đông Nam Á. Thấy vậy một lão tiền bối Đà Điểu an ủi được phần nào về số phận của mình. Đó là lời ông viết trong hồi ký Đà Điểu Lưu Đày đầy đau đớn, xót xa của dòng Struthio mà các nhà động vật học trán cao kiếng dày của loài người gán cho chúng tôi.
Trong các trại tập trung của loài người chúng tôi nghe nhiều tin đồn về số phận của dòng họ chúng tôi ở Syria, Jordan, và trên bán đảo Ả Rập. Ngày xưa loài người dùng cung tên bắn giết tổ tiên chúng tôi. Bây giờ họ dùng súng lửa nên sự giết chóc càng khủng khiếp hơn. Loài người ăn dòng họ chúng tôi từ trong trứng, giết mẹ Đà Điểu trong thời kỳ sinh sản, giết cha Đà Điểu lấy lông, lấy thịt, lấy da. Còn cách nào ít ác nữa không? Càng ngày loài người càng nghĩ thêm điều ác. Loài người dùng thức ăn tức dùng nếp sống có vẻ sung mãn để chia rẽ chúng tôi và lũng đoạn tinh thần phấn đấu thiên bẩm khi còn sống trên đồng vắng, hoang vu, nóng bức ban ngày, giá buốt ban đêm. Trong trại tập trung nhất là ở Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu chúng tôi có đủ thứ. Nào là thức ăn ngon; chỗ ngủ sạch sẽ; đèn điện sưởi ấm khi trời lạnh; màn che kín khi có gió lớn; thuốc men, thầy thuốc thú y đầy đủ để bảo vệ sức khoẻ của chúng tôi trước và sau khi bị bịnh. Chúng tôi có sân tập thể dục: đi, đứng, chạy nhảy và gặp mặt bạn bè nói đủ thứ chuyện cơ hồ như không bao giờ dứt.
Nam, nữ Đà Điểu làm công tác truyền giống tự do không cần tình yêu và trách nhiệm như lúc còn sống trên thảo dã Phi Châu. Đó là chuyện tình dục giữa nam, nữ tù Đà Điểu. Loài người lo tất cả mọi việc cho chúng tôi. Các ấu nhi Đà Điểu sinh trong trại tập trung của loài người không có tình thương mẹ hay cha chi cả. Mẹ chúng bị tước quyền chăm sóc con. Chúng không biết cha chúng là ai. Và nếu biết, cha của chúng cũng bị tước quyền dưỡng dục mà họ có lúc còn sống trong sa mạc hay thảo dã Phi Châu. Ngày cơ cực thiếu thốn lại có tình phụ tử, nghĩa phu thê. Ngày được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khoẻ lẫn an ninh thì lại mất chữ TÌNH. Thanh thiếu niên Đà Điểu 14 tháng tuổi và các lão niên nam nữ Đà Điểu đều được đưa lên xe cam nhông che kín tối đen như âm phủ để chở đến lò sát sinh. Trên đường đi đến lò sát sinh một thanh niên Đà Điểu la to: Tôi phải sống! Tôi phải sống! Rồi tất cả đàn Đà Điểu trên xe đồng thanh la lên: Chúng ta phải sống! Nếu chết phải chết một cách vinh quang! Người tài xế nghe động tĩnh ngừng xe. Một người xuống xe và chửi xối xả các Đà Điều trên đường sắp bị hành quyết tập thể. Các anh chị và lão bối Đà Điểu nhao nhao đập vào hông xe như phá tù xa để thoát chạy. Nhưng không một dũng sĩ Đà Điểu nào chạy thoát. Họ bị gãy xương chân khi nhảy từ trên cao xuống đất. Thế là tất cả bị bắt và đưa lên tù xa đưa đến lò sát sinh. Từ hàng ngàn năm nay không nghe một anh hay chị Đà Điểu nào được đưa đến lò sát sinh mà được thả, được cứu sống hay vượt thoát thành công. Tiền nhân chúng tôi có thuật lại chuyện một anh hùng Đà Điểu đã lớn tiếng hỏi đao thủ phủ tại lò sát sinh: Tôi phản đối loài người không tôn trọng THÚ PHẨM của dòng họ Struthio của chúng tôi. Dòng Struthio chết phải đầy đủ hương liệu, tối thiểu phải có hành, tiêu, tỏi, ớt thì cái chết mới được thơm tho. Các Đà Điểu sắp bị hành quyết lắc đầu chán ngán. Người đao thủ phủ đáp lời người thanh niên anh hùng dòng Struthio rằng: Đây là lò sát sinh. Hương liệu hay hành tiêu tỏi ớt đợi các anh ở nhà hàng. Nói xong anh ta bấm nút cho máy cướp mất sự sống của thân thuộc của chúng tôi. Chuyện trích từ hồi ký Đà Điểu Lưu Đày vào ngày X, tháng Y, năm Z ở thành phố A.
Chúng tôi tiếp xúc với người Ai Cập cổ và cư dân vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia) rất sớm. Trong một ngôi mộ cổ người ta thấy tượng của Arsinoe II cỡi Đà Điểu hay những hình vẽ người ta dùng cung tên đi săn bắn tổ tiên chúng tôi trong sa mạc.
Vào khoảng năm 50 sau Tây Lịch người La Mã dùng tổ tiên chúng tôi đấu với người. Hậu quả nhiều võ sĩ trong tộc Đà Điểu bị mấy anh võ sĩ La Mã giết chết.
Giữa Đà Điểu chúng tôi và loài người có một khoảng cách rất xa. Chưa có lúc nào chúng tôi và loài người thân thiện nhau. Loài người khai thác lông, da, thịt của dòng họ chúng tôi và không ngừng nói xấu chúng tôi với câu:
Giấu đầu lòi đuôi.
Bây giờ họ tự giải nghĩa vì sao có câu này bằng hai giả thuyết:
1. Các anh Đà Điểu đề phòng kẻ thù bằng cách nằm sát trên mặt đất nhưng thân hình quá to lại gồ lên khiến người ở xa thấy Đà Điểu chôn đầu dưới cát nhưng ló đuôi. Đó là hình ảnh của câu Giấu đầu lòi đuôi.
2. Hình ảnh các chị Đà Điểu ấp trứng dùng cái đầu nhỏ và cái cổ chữ S dài để cào trứng vào để ấp. Người đứng ở xa chỉ thấy cái đuôi của nữ Đà Điểu mà không thấy cái đầu nên tưởng là đầu chôn dưới đất.
Trong Cựu Ước Kinh phần nói về Job 39: 13 đến 39: 18, Micah 1: 8, Isaiah 13: 21 và 34: 13, Ca Thương (Lamentation) 4: 3 có đề cập đến Đà Điểu tộc của chúng tôi. Người Do Thái gọi Đà Điểu chúng tôi là Ya’anah có nghĩa là tham ăn, tham lam. Ca Thương 4: 3 ghi rằng: “Con gái dân ta <Do Thái> trở nên hung bạo như loài Đà Điểu trong hoang dã”. Trong Isaiah còn gọi chúng tôi là ‘con gái của Chim Cú’ nghĩa là lạnh lùng, hung tợn mang điềm hung tránh điềm kiết.
Đà Điểu chúng tôi sống thiếu thốn trong sa mạc, cơm không đủ no, nực nội ban ngày nhưng áo không đủ ấm ban đêm trong sa mạc mênh mông đá núi còn phải bể sá gì thân xác chúng tôi. Vậy mà loài người không tha chúng tôi. Họ bắn giết chúng tôi. Thịt thì họ ăn. Lông thì làm vật trang trí hay trang sức. Da thì làm bóp, làm găng tay. Họ vẫn không vừa lòng bằng cách gán cho chúng tôi lắm tính xấu từ tham ăn, hung bạo đến hèn nhát.
Chữ Ostrich của người Anh có nghĩa là người trốn tránh sự thật, không dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm diễn ra trước mắt. Từ Ostrich hay cụm từ Bury your head in the sand đều có nghĩa như nhau.
Tiên tri Micah có nói về chó rừng và tiếng kêu não nùng của Đà Điểu tộc.
Trong thực vật học có:
******
Thưa quí vị, chúng tôi xin tóm lược cuộc tranh luận và không có giải pháp của các Đà Điểu trong một trại tập trung của loài người ở một nước Âu Châu do một nữ Đà Điều ghi lại và lén lút gởi về văn khố Đà Điểu ở sa mạc Sahara như lời kết luận như sau:
Loài người trông nho nhã, nhân từ, tiên phong đạo cốt lắm. Họ ra vẻ tử tế với chúng tôi, lo lắng cho chúng tôi từ thức ăn, thức uống, thuốc men đến nơi ăn chốn ngủ sạch sẽ, an toàn, ấm khi lạnh và mát khi nóng nực. Khi vài thân nhân chúng tôi chết họ có vẻ buồn rầu, xót xa. Nhưng thưa quí vị, không phải họ buồn rầu vì thương chúng tôi đâu mà buồn rầu vì lo là tiền bạc do những cái chết thình lình như vậy gây ra. Bên cạnh lời nói và hành động đầy nhân tính đôi khi mang cả Thánh tính, tiềm ẩn sự ác độc khủng khiếp. Họ giết tập thể dòng họ Struthio chúng tôi không một chút thương tâm. Những cái chết tập thể đó làm cho túi tiền của họ được vun đầy. Loài người rất bạo tợn khi nói: Máu gọi máu. Đà Điểu chúng tôi không cảm ơn kẻ chém giết chúng tôi. Nhưng chúng tôi không buồn cũng không oán hận khi được biết loài người giết hại nhau còn ghê gớm tệ hại hơn họ tàn sát dòng tộc Struthio chúng tôi gấp trăm, ngàn lần!! Đó là chuyện máu gọi máu triền miên của loài người từ khi họ có mặt trên hành tinh này.
Kính chào quí vị và hy vọng quí vị cho chúng tôi một phút suy nghĩ về nỗi lòng của Đà Điểu tộc vừa trình bày. Làm sao có hòa bình nếu không có sự hiểu biết, sự cảm thông và tương đồng quyền lợi với nhau?
.
Trưởng Lão dòng Struthio hoàn cầu
hiện sống trong sa mạc Kalahari, Phi Châu.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.