Lê Ngọc Vân


Nguồn gốc virus corona vẫn còn là một bí ẩn

.

Các thành viên trong nhóm nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới thăm ngôi chợ hải sản Hoa Nam
(đang bị đóng cửa) trong cuộc khảo cứu về nguồn gốc virus corona tại Vũ Hán.
Ảnh: Hector Retamal/AFP/GettyImages

Sau ba tháng dò tìm và thu thập, phân tích dữ kiện, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cuối tháng 8/2021 đã đệ trình bản báo cáo về (nguồn gốc) virus corona lên tổng thống Joe Biden. Rất nhiều người trông đợi một kết luận phù hợp với sự nghi ngờ của họ, là virus này xuất phát từ Trung Quốc, hoặc do Trung Quốc chủ ý tạo ra nhằm gây rối loạn toàn cầu nhằm tiến tới vị trí cường quốc số 1. Bản báo cáo – đúng ra là lời công bố chính thức từ chính phủ Hoa Kỳ – đã làm họ thất vọng. Báo cáo chỉ xác định dứt khoát một điều duy nhất: virus corona đã không được phát triển như một vũ khí sinh học.

Cuộc điều tra này bắt nguồn từ sự bất mãn dậy lên trong dư luận sau khi toán chuyên viên quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử đến Vũ Hán để làm cuộc điều tra về virus corona vào đầu năm nay. Sau 4 tuần lễ, nhóm này đã không đưa ra được một kết luận cụ thể nào về nguồn gốc của virus corona. Họ chỉ có thể kết luận là không tìm thấy bằng chứng virus corona này xuất phát từ một phòng thí nghiệm, giả thuyết có thể dễ được chấp nhận nhất là con virus này xuất phát từ dơi và qua một ký chủ trung gian (con thú khác) để truyền sang người. Và “gần như không có khả năng” virus corona trong phòng thí nghiệm nhảy sang con người.

Kết luận này không dễ được chấp nhận khi một nguồn tin tình báo tại Hoa Kỳ tiết lộ là 3 nghiên cứu viên làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology) vào tháng 11/2019 đã mắc một bệnh với những triệu chứng tương tự như Covid-19, phải nhập viện điều trị. Ngay sau đó, Covid-19 đã bùng phát tại Vũ Hán. Trung Quốc lập tức phong tỏa thành phố này.

Tóm lại, giả thuyết “Trung Quốc đã biết trước hiểm họa Covid-19” không phải là vô căn cứ, cho dù Giám đốc Viện Nghiên cứu trên đã cực lực phủ nhận nguồn tin nói trên.

Đồng thời, ngay trước thời điểm Hoa Kỳ công bố kết quả cuộc điều tra của tình báo, các cơ quan truyền thông Trung Quốc đã tận dụng mọi phương tiện loan đi một tin phủ đầu, là virus corona có thể đã bị rò rỉ từ căn cứ quân sự Detrick của Hoa Kỳ ở Maryland, nơi trước đây có phòng thí nghiệm sinh học nằm trong chương trình nghiên cứu về vũ khí sinh học của Hoa Kỳ.

Rõ ràng là Trung Quốc đã tìm nhiều cách ngăn trở phái đoàn điều tra của WHO thực hiện công tác thu thập dữ liệu. Các nhân viên chỉ được xem một số hồ sơ đã được chuẩn bị sẵn, và lấy mẫu ở những nơi đã được ấn định sẵn. Luôn luôn có người đi theo sát, không được đến những nơi phái đoàn muốn đến v.v. Đó là phát biểu chung của các nhân viên trong đoàn khi được hỏi.

Chuyện gì nằm phía sau?

Các cuộc điều tra, nghiên cứu tìm hiểu của phương Tây phần lớn nhằm vào sự tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: virus corona phải chăng là từ nghiên cứu bí mật nào đó của Trung Quốc. Chúng ta có thể thấy điều này khá rõ trong cách mà các phương tiện truyền thông phát tin cho công chúng.

Sự nghi ngờ của đại chúng không phải là vô căn cứ. Nó dựa trên các dữ kiện:

Và thế là mọi người hy vọng, mặc dù mong manh, là một số bí mật sẽ được khám phá qua cuộc nghiên cứu. Ít ai để ý đến khía cạnh chính thức về mặt ngoại giao.

Nhóm chuyên viên được WHO cử đến Trung Quốc, trên danh nghĩa chính thức, là để “thực hiện một cuộc khảo cứu khoa học” (scientific investigation) nhằm truy tìm nguồn gốc virus corona. Nó rất khác với hình ảnh đã được truyền thông gợi ra trong đầu người dân, rằng đây là cuộc điều tra xem có bằng chứng nào cho thấy virus corona phát xuất từ Vũ Hán hay không. Hoặc đây là cuộc thanh tra Viện Virus học Vũ Hán. Điều khác biệt rõ ràng nhất là vấn đề nguyên tắc làm việc. Trong cuộc khảo cứu, các chuyên viên có rất ít quyền hạn trong sự đòi hỏi, nó tùy thuộc mức độ tình nguyện hợp tác của nơi khảo cứu. Còn trong các cuộc điều tra hoặc thanh tra, các nhân viên trong toán làm việc có được nhiều quyền hạn hơn, và nơi khảo cứu có nhiệm vụ phải cung cấp dữ kiện theo yêu cầu.

Trung Quốc đã viện dẫn những nguyên tắc về một cuộc “khảo cứu khoa học” để chỉ cung cấp những dữ kiện và phương tiện rất hạn hẹp cho chuyến viếng thăm này, phần lớn là qua những nghiên cứu riêng của họ, mà không cho cơ hội kiểm chứng toàn bộ quy trình nghiên cứu. Việc khảo sát thăm dò tại chỗ đã bị hạn chế tối đa. Không những họ sợ bị chuyện “bới bèo ra bọ”, sợ những phê bình chỉ trích trong phương cách Trung Quốc sử dụng trong nghiên cứu sinh học, mà còn rất sợ bị cảnh “cho người ngoài vào xem bếp của mình”. Với những phương pháp phân tích dữ kiện trong ngành tình báo hiện nay, chuyện lộ bí mật có thể bắt nguồn từ một chi tiết mới nhìn qua tưởng như vô hại.

Vì vậy, sự kiện phái đoàn điều tra sau một tháng ròng phải đi về tay không – ngoài nỗi bực bội mang theo – là điều tất nhiên mà người ta có thể đoán biết.

Họ hiểu rằng muốn khảo cứu tường tận hơn, phải biến nó thành cuộc điều tra hoặc cuộc thanh tra (inspection). Nhưng trên thực tế, cần phải có một cơ quan hoặc tổ chức trọng tài ở cấp cao hơn quốc gia quyết định chuyện này, điều không đơn giản. Ngay cả đối với Liên Hiệp Quốc, vì có lẽ không bao giờ tìm được đồng thuận của một số quốc gia thành viên. Một cuộc điều tra sâu rộng sẽ động đến một số quốc gia, như Pháp (từng cộng tác trong việc xây dựng trung tâm nghiên cứu vi sinh học với TQ), Ý, Đức (hai quốc gia đầu tiên bị lây nhiễm nặng) và cả Hoa Kỳ (bị cáo buộc có nghiên cứu vi sinh học bí mật, và có những trường hợp phát hiện Covid-19 ở những vùng xa xôi gần như cô lập với thế giới bên ngoài).

Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adnahom Ghebreyesus, có lẽ vì am hiểu những khúc mắc, nên đã mạnh miệng kêu gọi phải điều tra tiếp tục, một phần nhằm mục đích gỡ lại những tai tiếng. Cộng thêm toán nghiên cứu của WHO, bị Trung Quốc mớm mồi bằng cách đưa ra giả thuyết “có thể virus đã theo sản phẩm thú rừng đông lạnh từ khắp thế giới nhập vào Vũ Hán, khiến cho một số nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm”, đành phải cho giả thuyết này vào bản đúc kết – theo yêu cầu của phía Trung Quốc – và kêu gọi một cuộc điều tra thực địa bổ túc! Tổng thống Joe Biden, cho biết Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục thúc ép Trung Quốc để có câu trả lời. Nội vụ vốn đã rối rắm, còn rối rắm hơn.

Rồi chuyện gì sẽ tới?

Cho tới giờ, các chuyên gia về vi sinh vật đều đồng ý một điểm: nhân loại chưa tiến đến mức có thể chế tạo ra một virus mới.

Nếu đúng như vậy, virus corona gây bệnh Covid-19, với tên chính thức SARS-CoV-2, phải bắt nguồn từ đột biến của một virus sẵn có. Nhưng đột biến này bắt đầu từ đâu? Từ một điểm hoặc từ nhiều điểm khác nhau?

Tuy với những hiểu biết ngày một nhiều về con virus này, cho tới nay vẫn chưa ai đưa ra được một lời giải đáp thích đáng có tính thuyết phục. Theo thời gian, “để lâu cứt trâu hóa bùn”, các mẫu vật lấy được trong giai đoạn đầu tiên, hoặc sẽ được lấy trong những điểm nghi ngờ là nơi xuất phát, sẽ dần dần bị hư hại cho tới khi người ta phải đưa ra một kết luận chung: không biết. Kháng thể trong những bệnh nhân đầu tiên cũng dần tiêu hao, khiến việc dò tìm ngày một khó khăn hơn. Tóm lại, nguồn gốc phát sinh virus corona vốn đã mù mờ, lại càng mù mờ hơn.

Hoặc giả phải chờ cho tới vài chục năm sau, khi các tài liệu được dần dần bạch hóa, người ta mới biết, nếu thực sự điều này có thực, virus corona đã hình thành trong phòng thí nghiệm ra sao, và bị rò rỉ như thế nào. Trong các nghiên cứu khoa học để tìm kiếm những cái mới lạ, luôn có một mạng lưới ẩn sâu trong bóng tối, có những liên lạc thầm kín trong giới khoa học với nhau mà người ngoài khó biết. Chỉ cho tới khi những phát minh mới đó được đem áp dụng mọi người mới hay. Có ai tự đặt câu hỏi vì sao nhiều viện bào chế đã thành công chế tạo vaccin ngừa Covid-19 theo phương cách mới mRNA gần như cùng lúc?

.

Lê Ngọc Vân

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/nguongocviruscorona.htm


Cái Đình - 2021