Nguyễn Minh Tâm
Mổ xẻ căn nguyên của bệnh dịch Covid-19
©Brea Souders
PHẦN 1: Người bệnh nhân đầu tiên (Patient Zero)
Không phải vì tham lam, hay tò mò mà một người đàn ông Trung Hoa tên là Li Rusheng ôm súng vào hang Shitou đế bắn dơi lấy thịt mà ăn.
Ông ta bắn dơi, ăn thịt để sinh tồn. Vào thời kỳ kinh tế làm ăn tập thể của Mao Trạch Đông, đầu thập niên 1970’s, thực phẩm vô cùng khan hiếm ở vùng thung lũng ngọc bích phía tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Hoa. Người nông dân như ông Li chỉ được ăn thịt mỗi năm một lần – nếu may mắn được chia khẩu phần thịt. Vì thèm chất đạm quá, ông Li và bạn bè rủ nhau đi vào hang động để săn bắn động vật mà họ vẫn nghe có tiếng kêu ré lên, hay tiếng chí chóe, rung từng hồi ở trong hang. Đó là con dơi.
Ông Li bò vào hang sâu tối om, bắn bừa vài phát súng lên trần hang, rồi chạy vào lượm mấy miếng đá, cát bụi rơi xuống mặt đất, trong lúc bạn của ông mang theo cái vợt có lưới chặn ở cửa hang để chụp bắt mấy con dơi tìm cách bay ra khỏi hang. Đem về, họ nấu nướng theo kiểu cổ truyền của người Hoa, bộ tộc Yi ở tình Yunnan. Tức là họ luộc con dơi để vặt lông và bóc da, lấy ruột bỏ đi, và xào nấu thịt con dơi để ăn. Ông Li năm nay được 81 tuổi, kể lại cho chúng tôi về món thịt dơi như sau: “Chúng tôi lựa những con nhỏ, mà béo để ăn. Thịt của nó ăn mềm và ngon lắm. Tôi không còn trông thấy những con dơi đó từ 30 năm nay, chắc chúng nó gặp nhiều khó khăn.” Ông Li ngậm ngùi nhớ đến những con dơi, và nhìn ra ngoài thửa ruộng trồng thuốc lá, khi kể lại chuyện ngày xưa thời kỳ đói khổ cho chúng tôi nghe.
Ngày nay, nước Trung Hoa không còn giống như xưa, một nước nghèo đói lạc hậu lúc ông Li còn nhỏ tuổi. Từ khi Đặng Tiểu Bình đi theo đường lối cải cách thị trường vào năm 1979, Trung Quốc đã liên tục phát triển, và trở thành một quốc gia hùng mạnh, giàu có. Ngày nay Trung quốc là nước có nền kinh tế đứng hàng thứ hai của thế giới, đứng đầu thế giới về mậu dịch. Trung quốc có nhiều tỉ phú hơn Hoa Kỳ, và có đường xe lửa cao tốc bằng tổng số đường rầy của cả thế giới gộp lại. Dưới sự cai trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, một nhà lãnh đạo cứng rắn, độc tài, Trung quốc đang theo đuổi chiến dịch giành lại “vị trí trung tâm của thế giới”. Nông dân như ông Li không còn phải đi bắt dơi để lấy thịt ăn vì đói khát.
Nhưng điều này không có nghĩa là cái hang Shitou đã biến mất, và không còn giữ vai trò quan trọng của nó. Ngày nay, cái hang sâu hoắm ấy không còn là kho cung ứng thực phẩm cho dân địa phương, mà trở thành thảm họa cho cả thế giới. Hang Shitou là nơi bà Shi Zhengli, nhà khoa học hàng đầu trong Viện Nghiên Cứu Vi Trùng ở Vũ Hán (WIV) làm việc từ bấy lâu nay qua những miếng phân dơi để lại trong hang. Năm 2011 và 2012, bà Shi đã phân tích riêng ra được loại vi rút mới, giống như loại vi rút SARS, gây ra bệnh dịch cách đây mười năm. Người ta gọi bà Shi là “Người phụ nữ chuyên nghiên cứu con dơi” (The Bat Woman), vì bà đã không ngừng liên tục nghiên cứu loại động vật có vú và có cánh này. Bà đã cảnh cáo rằng có thể sẽ có loại vi rút mới do từ con dơi sinh ra, lây sang con người. Bảy năm sau, lời cảnh cáo của bà Shi đã được minh chứng là đúng. Trong bài nghiên cứu công bố hồi tháng Hai, bà Shi tiết lộ đã khám phá ra loại vi rút “có họ hàng rất gần”, gọi tên là SARS-CoV-2, chính là coronavirus gây ra bệnh COVID-19. Nó cũng phát xuất từ hang Shitou mà ra.
Đặt tên cho vi rút mới này là RaTG13, bà Shi tìm thấy con vi rút bà tìm thấy giống đến 96,2% con vi rút đã giết hại hơn 600.000 người trên thế giới, trong đó có hơn 150.000 ở Hoa Kỳ. Công trình khám phá của bà Shi cho thấy bệnh COVID-19 có lẽ xuất phát từ con dơi – giống như bệnh chó dại, bệnh Ebola, SARS, MERS, Nipah, và nhiều loại vi rút làm chết người khác.
Nhưng tìm hiểu để biết xem con vi rút đã làm cách nào để đi từ loài dơi truyền sang thành phố Vũ hán, và vì sao bệnh dịch Coronavirus lại bùng phát, chúng ta cần tìm hiểu rõ diễn biến lần đầu tiên nó xảy ra như thế nào? Và từ đó, chúng ta tìm hiểu xem con vi rút đã dùng phương tiện nào, xe lửa, hay máy bay để đến nước Ý và giết những người y tá ở đây, những người nông dân ở Ba Tây, và những người nghỉ hưu ở Seattle? Làm cách nào con vi rút xâm nhập vào dân số loài người để tàn phá con người. Đó là vấn đề rất lớn đang đè nặng khắp thế giới. Việc nghiên cứu tìm xem ai là “người bệnh nhân zero”, hay người đầu tiên nhiễm bệnh COVID-19 là ai, hết sức quan trọng. Chúng ta tìm ra người này không phải để kết án, hay chỉ trích người đó, nhưng để khám phá xem mầm gây bệnh đã xâm nhập vào con người như thế nào, và truy cứu xem bệnh dịch đã tăng trưởng như thế nào? Làm như vậy, để giúp những người làm công tác khoa học, y tế công cộng hiểu rõ hơn về bệnh dịch, và tìm cách ngăn ngừa bệnh dịch xảy ra trong tương lai.
Trước tình trạng hàng triệu mạng sống đang bị đe dọa, trường đại học Cambridge ước tính rằng trong khoảng thời gian 5 năm, nền kinh tế thế giới sẽ bị thiệt hại khoảng $82 trillion đô la. Loài người không thể nào chịu nổi sự thiệt hại lớn lao như vậy thêm một lần nữa.
Nguồn gốc của bệnh dịch COVID-19 không chỉ thuần túy là một câu hỏi mang tính chất khoa học. Chính quyền của ông Trump đã dùng bệnh dịch này như một vũ khí để đánh chửi Bắc Kinh. Khi Hoa Kỳ không thể kiểm soát được sự bùng phát của bệnh dịch, khiến cho nền kinh tế Mỹ bị thiệt hại nặng, Tổng thống Donald Trump xoay qua đổ lỗi cho Trung Cộng.
Ông Trump và nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền ông gọi bệnh dịch COVID-19 là “Vi rút Ba Tầu”, và ‘Vi Rút Vũ hán”. Ông Bộ trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo còn nói rõ: “có rất nhiều bằng chứng” cho thấy con vi rút đã bay từ phòng thí nghiệm của bà Shi ra thành phố. (Ông chưa đưa ra được bằng chứng nào về việc này). Hồi tháng Năm khi nói về bệnh dịch, ông Trump cho rằng bệnh dịch tấn công nước Mỹ của chúng ta còn nặng hơn trận Trân Châu Cảng, hay cuộc tấn công của quân khủng bố trong vụ 9/11. Ông nói thẳng bệnh dịch từ Trung cộng lây sang. Để trả đũa, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị nói Tổng thống Hoa Kỳ đang tìm cách gây ra “cuộc chiến tranh lạnh mới” với “lý thuyết âm mưu”.
Căn nguyên của bệnh dịch xuất phát từ đâu quả thực là một chủ đề hết sức tế nhị. Tuy nhiên, cả thế giới đều tìm cách tìm hiểu nguồn gốc của nó. Nước Úc và các nước trong Liên Âu cũng đồng ý tham gia vào công việc điều tra nguyên nhân nhân xuất phát của bệnh dịch. Ngày 18 tháng Năm, Chủ tịch Tập Cận Bình bị áp lực cũng phải ủng hộ: “cuộc điều tra kỹ càng của các chuyên gia khoa học về nguồn gốc của bệnh dịch, và con đường truyền nhiễm của bệnh dịch”. Cuộc điều tra sẽ được Tổ chức Y Tế Thế Giới đứng ra giám sát, thực hiện.
Nhưng ông Trump đã công khai buộc tội tổ chức Y tế Thế Giới đứng về phe Trung cộng, và ông sẽ cúp ngân khoản tài trợ của Mỹ cho tổ chức này. Việc ông Trump tấn công tổ chức WHO cũng có một vài lý do biện minh được. Tổ chức đã bị Trung cộng làm áp lực không cho Đài Loan làm hội viên trong tổ chức. Bề ngoài thì tổ chức WHO khen ngợi Trung cộng minh bạch trong việc công bố thông tin, nhưng theo hãng thông tấn Associated Press giữa những chuyên gia y tế với nhau, họ hết sức bực tức về việc Trung cộng giấu nhẹm tin tức về tình trạng bộc phát bệnh dịch ở Trung cộng một thời gian khá lâu.
Hiềm khích giữa đảng phái, cũng như gấu ó nhau vì tinh thần quốc gia khiến cho ảnh hưởng không tốt đến công trình nghiên cứu về bệnh dịch của các chuyên gia khoa học. Họ chỉ muốn đi tìm sự thật. Thời gian là yếu tố cực kỳ thiết yếu. Trước đây, hồi xảy ra bệnh dịch SARS, việc tìm ra thuốc chủng được làm ra thật nhanh chóng. Ngày nay, việc tìm thuốc chủng cho bệnh dịch coronavirus bị đình hoãn, gián đoạn vì những tranh cãi chính trị. Bác sĩ Maureen Miller giáo sư bệnh bệnh dịch ở đại học Columbia nói: “Khi nào bệnh dịch này tạm thời lắng xuống, chúng ta mới có cơ hội thiết lập hạ tầng cơ sở cần thiết để ngăn ngừa một trận dịch khác sẽ xảy ra.”.
Công việc nghiên cứu căn nguyên của con vi rút xuất phát từ đâu bắt đầu từ những sạp bán thịt rừng xập xệ, che vải bạt mầu xanh ở chợ bán thịt tươi, và hải sản ở Huanan, tỉnh Vũ Hán. Nơi đây phát sinh ra bệnh viêm phổi từ giữa tháng Chạp, năm 2019 do một con vi rút gây ra, bây giờ gọi là bệnh COVID-19. Người bị bệnh đầu tiên là một bà bán thịt tươi tên là Wei Guixan, 57 tuổi, bà này gánh tôm tươi trong những xô nước lớn ở ngoài chợ mỗi ngày. Vào giữa tháng Chạp, bà bị lên cơn sốt, và bà nghĩ đó chỉ là bệnh cúm thông thường vào mùa đông. Bà kể lại cho tờ báo Nhật Báo ở Thượng Hải. Tờ nhật báo này là báo của nhà nước. Một tuần sau, bà rơi vào tình trạng lúc tỉnh lúc mê ở trong bệnh viện.
Trong số 41 bệnh nhân ở bệnh viện Vũ hán, 13 người không liên hệ đến chợ bán thịt, cá, kẻ cả người đầu tiên được ghi nhận mắc bệnh viêm phổi. Nhưng điều đó không có nghĩa là khu chợ bán thịt tươi này được loại trừ không phải là nơi phát sinh ra bệnh do từ thú vật. Chúng ta không biết chắc chắn có bao nhiêu người bị bệnh COVID-19 từ khu chợ thịt tươi này, song ít ra cũng khoảng 80%. Và ngay cả trường hợp chợ bán thịt ở tỉnh Huanan không phải là nơi phát sinh ra bệnh dịch, nó cũng là nơi ủ chứa mầm bệnh để lây lan đi nơi khác. Ngày 26 tháng Giêng, trong cuộc họp báo của Sở Phòng Bệnh Dịch Hong Kong, quan chức y tế cho biết có 33 trường hợp bị mắc bệnh COVID-19 trong tổng số 585 người được xét nghiệm sau khi các khu chợ bán thịt bị đóng cửa từ ngày 1 tháng Giêng. Trong số người bị mắc bệnh có 31 người từ khu phía tây của chợ, chuyên bán thịt thú hoang.
Đến tháng Năm, Trung cộng cũng yêu cầu được tham gia cùng với 100 nước khác để tìm hiểu căn nguyên phát sinh ra bệnh dịch theo một nghị quyết do các nước trong khối Liên Âu thảo ra.Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu rằng cuộc điều tra, nghiên cứu phải “toàn diện”. Nghĩa là không chỉ nhắm vào nước Trung Hoa, mà còn phải nghiên cứu xem bệnh dịch đã lan truyền đến nước khác như thế nào, họ đã phản ứng ra sao theo đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới – WHO – và chỉ điều tra sau khi tình hình bệnh dịch bắt đầu giảm bớt. Ông Tập Cận Bịnh nhắc lại nguyên tắc điều tra tại hội nghị của tổ chức WHO như sau: “Phải tôn trọng nguyên tắc khách quan và công bằng”. (Chúng ta nhớ lại là khi xảy ra bệnh dịch heo, H1N1 hồi năm 2009, và dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, cuộc điều tra bắt đầu trước khi cơn khủng hoảng hạ giảm). Theo thủ tục điều tra trước đây, toán nhân viên làm công tác điều tra gồm các chuyên gia y tế công cộng độc lập, và cựu nhân viên của tổ chức WHO. Họ sẽ đề nghị người làm công tác điều tra dựa theo danh sách của mỗi quốc gia đệ nạp. Tuy nhiên, đứng về mặt thực tế, kết quả điều tra tùy thuộc rất nhiều vào việc chính quyền Bắc Kinh có cộng tác hết lòng hay không. Không chắc Hoa Kỳ sẽ chấp nhận kết quả điều tra, bởi vì chính quyền ông Trump đã từng chỉ trích nặng nề Trung cộng là họ quản lý tắc trách, và hay che dấu thông tin về sự bùng phát của bệnh dịch.
Ông Peter Ben Embarek chuyên gia về an toàn thực phẩm, và bệnh tật do thú vật phát sinh, làm việc ở tổ chức WHO đề nghị rằng cuộc điều tra phải tập trung vào việc phỏng vấn kỹ càng những người liên quan đến trường hợp đầu tiên mắc bệnh. Hỏi cho ra lẽ họ đã đi đâu, và tiếp xúc với những ai trong nhiều ngày, hay trong tuần lễ trước khi mắc bệnh. Ngoài ra, còn phải tìm hiểu xem ai là thợ săn, nông gia, mang thịt thú vật đến bán ở chợ. Ông nói: “Nếu may mắn, và phân tích căn bệnh truyền nhiễm giỏi, chúng ta có thể tìm ra được căn nguyên của bệnh dịch.”.
Khi nghiên cứu xem nơi đâu là địa điểm xuất phát bệnh dịch COVID-19, nhiều người phát hiện có những sự kiện xảy ra hết sức tình cờ. Năm 2017, Trung cộng xây cất phòng thí nghiệm nghiên cứu an toàn sinh học đầu tiên, cấp độ số 4 ở tỉnh Vũ hán. Phòng thí nghiệm này có trách nhiệm nghiên cứu các loại gen, mầm mống gây ra bệnh lây lan trong không khí, và chưa có thuốc chủng ngừa. Từ đó đến nay, những chuyên gia hàng đầu của Trung Hoa đến đây nghiên cứu loại vi rút từ con dơi ở trong bin đinh trông như cái hộp sơn mầu sơn xám, mang tên là WIV. Thực vậy, chính ở trong bin đinh này, bà Shi lần đầu tiên nghe nói về sự bùng phát của bệnh dịch. Bà đã nói với tạp chí Scientific American: “Có lẽ nào con vi rút lại từ phòng thí nghiệm này bay ra ngoài hay sao? Kết quả điều tra tất cả các loại vi rút mẫu có trong phòng thí nghiệm cho thấy ở đây không có loại vi rút này.”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tiếp tục hoài nghi rất có thể vi rút đã từ phòng thí nghiệm thoát ra ngoài.
Lầm lẫn có thể xảy ra. Lấy ví dụ trường hợp bệnh dịch đậu mùa năm 1978, xuất phát từ phòng thí nghiệm ở nước Anh, ít ra là có 2 trường hợp bệnh SARS xuất phát từ phòng thí nghiệm Trung Cộng. Các nhà khoa học Hoa Kỳ cũng gây ra vài trường hợp lầm lỡ khi quản trị các loại mầm gen gây ra bệnh, trong đó có bệnh dịch Ebola. Hiện nay, có khoáng 70 Phòng Thí Nghiệm An Toàn Sinh Học ở 30 quốc gia. Sự hoài nghi có lầm lỡ xảy ra ở phỏng thí nghiệm an toàn sinh học Vũ Hán vẫn còn tồn tại. Một chuyên gia hàng đầu về sự lây lan của vi rút, xin được dấu tên, nói: “Nếu bạn hỏi tôi có thể nào xảy ra trường hợp con vi rút bị lỡ thoát ra khỏi phòng thí nghiệm. Tôi xin nói ngay là Phòng thí nghiệm Vũ Hán đứng hàng đầu trong số 10 phòng thí nghiệm bị nghi ngờ xảy ra chuyện lầm lỡ này.”.
Tuy nhiên, cả chuyên gia của tổ chức WHO, cũng như ban điều tra của 5 nước: Hoa Kỳ, Anh, Canada, Tân Tây Lan và Úc, đều không thể xác nhận con vi rút đã xuất phát từ phòng thí nghiệm của bà Shi. Chuyên gia nước Úc còn lảng tránh không đứng về phe Hoa Kỳ tố cáo vi rút từ phòng thí nghiệm Trung cộng thoát ra ngoài. Trong lúc đó, tất cả các chuyên gia về vi rút đều đánh giá rất cao về khả năng làm việc của bà Shi, và hết lời ca ngợi công việc của bà. Giáo sư Miller từng làm việc chung với bà Shi trong nhiều công tác, nói: “Bà Shi là một chuyên gia rất giỏi, và cẩn thận về vi rút. Bà là một khoa học gia gương mẫu, có nhiều kinh nghiệm.”. Viên nghiên cứu Wuhan Institute of Virology không bình luận gì về việc người ta nghi ngờ vi rút thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ hán.
Có bằng chứng cho thấy COVID-19 đã nhảy từ thú vật hoang dã sang con người. Truy cứu chính xác sự tiếp xúc đó như thế nào là điều vô cùng thiết yếu. Nó giúp chính phủ thiết lập hàng rào an toàn liên quan đến việc nuôi gia súc để lấy thịt, và việc mổ xẻ thú vật để ngăn ngừa sự lây nhiễm không còn xảy ra nữa. Lấy ví dụ bệnh dịch SARS bắt nguồn từ con dơi, sau đó lây sang con cầy hương nhỏ, loại động vật có vú thường thấy ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Sau đó, con cầy hương được đem bán ngoài chợ bán thịt tươi – ở đó cá sống, thịt tươi được, có khi cả con vật còn sống cũng được đem bày bán – như ở Quảng Đông, từ đó nó lây sang con người. Khi bệnh dịch SARS vừa bộc phát, làm chết 774 người trên toàn thế giới. Sau đó, con cầy hương bị cấm bán ở Trung Cộng. Rất có thể con dơi là con vật chứa sẵn trong người loại vi rút SARS-CoV-2, nhưng nó phải qua trung gian một con vật khác mới lây sang con người, và chính ở đó, bệnh dịch tăng trưởng nhanh chóng. Con dơi ở chung trong hang Shitou với loài chim sáo, và còn có một tổ chim cú mầu trắng khá lớn trên nóc hang. Từng đoàn dê trắng và đen được thả rông ăn cỏ gần những bụi cây trong khu vực gần miệng hang. Người dân bộ tộc Yi có thói quen nuôi chó để ăn thịt. Phân dơi thường được dân chúng ở đây dùng làm phân bón rất tốt cho hoa mầu.
Chỉ cách hang Shitou vài dậm, nhiều khách hàng ở nhà hàng Baofeng Horse Meat ngồi quanh bàn tròn, và uống nước trà nóng lấy từ bình trà lớn bằng đồng để ở bên cạnh. Trong lúc đó, người đầu bếp đang nấu thịt chó và nhiều món thịt thú hoang khác để khách hàng lựa chọn. Chủ tiệm ăn này, ông Wang Tao cho biết tất cả các loại thịt thú bán ở đây đề là thú hoang bắt được ở trong vùng. Phong tục mang tính chất văn hóa, ưa ăn thịt rừng, và sự truyền nhiễm bệnh tật là hai yếu tố quấn quyện lại với nhau. Bệnh dịch MERS vẫn tiếp tục xảy ra, do sự truyền bệnh từ con lạc đà sang con người vì người nuôi lạc đà ở vùng bán Đảo Arabian Peninsula bị nhiễm bệnh. Ở Trung cộng người ta còn đồn dại với nhau rằng ăn thịt thú hoang, và hiếm lại có lợi cho sức khỏe. Chính vì lý do này khiến phát sinh ra bệnh dịch hiện nay. Nhiều đặc điểm trong nền Y Học Cổ Truyền Trung Hoa (TCM) gọi tắt là Đông Y chỉ có ích lợi chút ít, như kỹ thuật xoa bóp, nắn xương cốt, hay châm cứu huyệt mạch, cũng như vài vị thuốc đắng lấy từ dược thảo, nhưng nhiều người lại tôn sùng việc ăn thịt loài thú hoang. Có lẽ niềm tin ăn thịt thú rừng để chữa bệnh trong ngành Đông Y đã giữ một vai trò khiến cho bệnh dịch bộc phát. Giáo sư Edward Holmes chuyên gia về sinh vật và vi rút ở trường Đại Học Sydney cho biết có nhiều đặc tính của vi rút mới SARS-CoV-2 được tìm thấy ở con tê tê Mã Lai (Malaysian pangolins). Đây là loại thú giống con chồn hôi, da của nó có vẩy.
Theo nhiều công trình nghiên cứu: Bệnh dịch COVID-19 xuất phát từ con dơi, và nhảy sang con người là do trung gian của con tê tê (pangolin) có lẽ đây là giả thuyết đúng nhất. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu về vi rút không đồng ý với giả thuyết này. Hàng năm có đến 2,7 triệu thú vật da có vẩy được đánh bắt ở khắp Á châu và Phi châu để ăn, phần lớn là tiêu thụ ở Trung cộng, vì ở đây họ tin rằng ăn cái vẩy trên da của con tê tê giúp chữa được nhiều bệnh như bệnh thấp khớp, hay viêm cơ bắp. Thịt của con thú cũng bán được giá cao vì cho rằng có lợi cho sức khỏe.
Ngày 24 tháng Hai, chính quyền Trung cộng chính thức ra lệnh cấm tiêu thụ, ăn thịt, và buôn bán thú rừng. Quyết định này làm tiêu tan ngành buôn bán thú rừng trị giá 76 tỉ đô la, và sử dụng khoảng 14 triệu công nhân làm việc trong ngành này, theo thống kê năm 2017 của Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Trung Hoa. Chủ tịch Tập Cận Bình là người luôn luôn hăng hái ủng hộ ngành Đông Y của Trung cộng, ông còn cổ vũ cho loại y học này trên khắp thế giới. Theo tài liệu của Ủy Ban Nhà Nước Trung Cộng, tổng trị giá doanh thương của ngành Đông Y Trung Hoa sẽ lên đến 420 tỷ đô la vào cuối năm nay. Thay vì cho rằng việc sử dụng sai lầm thuốc Đông Y có thể làm bùng phát bệnh dịch, song báo chí, truyền thông của nhà nước Trung cộng còn khoe ầm lên rằng chính ngành Đông Y có thể đóng vai trò “vô cùng thiết yếu” trong việc chữa trị cho bệnh nhân bị vướng bệnh COVID-19. Ở Trung cộng, nhà nước còn làm ra luật trừng phạt rất nặng những cá nhân nào có ý định nói xấu công dụng của ngành Đông Y của Trung Hoa. Vì thế việc ngăn cản hoạt động buôn bán bất hợp pháp thú hoang trong tương lai sẽ hết sức khó khăn. Nhu cầu ăn thịt thú vật ở Á châu, Phi châu, và Mỹ La tinh tăng lên rất cao, do đó sự lây lan của vi rút sang con người sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Không phải ông Li và các bạn láng giềng của ông không bị ngã bệnh vì ăn thịt dơi trong hang Shitou là chuyện may mắn tình cờ. Theo giáo sư Miller, nhà nghiên cứu về vi rút ở trường đại học Columbia thì thói quen ăn uống của dân địa phương ở đây tạo cho họ sức đề kháng tự nhiên chống lại con vi rút như vi rút gây ra bệnh SARS. Phân tích được tính chất đề kháng của dân địa phương, và tại sao nhiều người khác bị lây bệnh, sẽ giúp rất nhiều cho nhà khoa học phát minh ra thuốc chủng ngừa. Chính những người sinh sống ở đây sẽ mách nước cho chúng ta tìm ra chất kháng thể. Họ là con đường hầm dẫn chúng ta thoát ra khỏi mỏ than tối đen.
Mây mù che phủ con đường tìm ra căn nguyên của bệnh dịch có lẽ sẽ không bao giờ tan biến. Xác định xem ai là bệnh nhân đầu tiên mà con vi rút nhẩy từ thú vật sang con người có lẽ không thể nào tìm ra được. Tuy nhiên, khi hiểu ra được lộ trình lây lan của vi rút, nó sẽ giúp chúng ra rất nhiều trong việc ngăn ngừa sự bộc phát của vi rút mới trong tương lai. Nghiên cứu sự lây lan của vi rút từ động vật sang con người còn giúp chúng ta có thể dự đoán xem đại dịch sắp tới sẽ xuất phát từ đâu, để chúng ta có thể chuẩn bị những việc cần phải làm. Toán nhân viên trực phòng cấp cứu ở bệnh viện Providence Regional Medical Center, thành phố Everett, tiểu bang Washington đã làm công tác này. Lần đầu tiên, họ được cảnh báo là có lễ đây là trường hợp bệnh nhân đầu tiên của một đại dịch. Tháng nào họ cũng nhận được lời cảnh báo một lần. Kỳ này thì đúng là bệnh nhân đầu tiên của một trận đại dịch.
PhẦN 2: Gia phả của con vi rút
Khoảng 9 giờ tối ngày 20 tháng Giêng, Bác sĩ George Diaz nghe máy phóng thanh gọi tên ông vang lên lần thứ hai trong ngày.
Máy phóng thanh báo động về trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh COVID-19 ở Hoa Kỳ. Người bệnh là cư dân của tiểu bang Washington, ông ta mới đi thăm gia đình ở Vũ Hán quanh trở về. Ở tỉnh Vũ Hán, bệnh dịch lây lan rất nhanh. Nhận thấy mình bị sốt nóng cao, người đàn ông 33 tuổi, xin được dấu tên, đến trung tâm y tế để khám bệnh. Ở đây, ông ta khai thật mình đã đi những nơi nào. Trung tâm y tế báo ngay cho Sở Y Tế tiểu bang biết, và họ giúp trung tâm lấy mẫu xét nghiệm gửi thẳng về cho Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh Dịch – CDC – ở Atlanta. Lúc bấy giờ chỉ có phòng thí nghiệm của CDC ở Atlanta mới có khả năng xét nghiệm bệnh COVID-19. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính bệnh nhân được đưa ngay vào bệnh viện để quan sát, và bác sĩ Diaz toán chuyên gia về bệnh dịch của ông được mời đến để điều trị cho bệnh nhân.
Một toán cấp cứu chuyên môn được biệt phái đến nhà của bệnh nhân, và di chuyển người đó trên chiếc xe được trang bị đặc biệt dành cho bệnh truyền nhiễm, chạy trong 20 phút đưa bệnh nhân đến bệnh viện Providence Regional. Ở đó, bệnh nhân không thể nhìn thấy mặt người tiếp đón mình, bởi vì tất cả các nhân viên y tế đều mặc quần áo bảo hộ y tế cùng mình. Khi vào đến giường bệnh, ông ta chỉ được nói chuyện qua một “người máy” chuyển lời nói của ông ta đến các chuyên viên y tế, đứng ở ngoài căn phòng của bệnh nhân.
Một y tá cẩn thận dùng que bông gòn thọc vào lỗ mũi của bệnh nhân để lấy mẫu chất nhờn trong yết hầu của người đó đem ra thử nghiệm. Ông ta không những là trường hợp đầu tiên được xác định mắc bệnh SARS-CoV-2, mà mẫu xét nghiệm vi rút lấy trong người của ông ta lần đầu tiên còn được đem ra thực hiện trình tự xét nghiệm bộ gen. Theo thủ tục thống kê ở Hoa Kỳ, trình tự của ông ta được mang số WA1 (Washington 1). Nó sẽ được dùng làm hạt mầm để các chuyên gia truy cập toàn bộ gia phả bộ gen (genetic tree) miêu tả lộ trình di chuyển của vi rút SARS-CoV-2 từ người này sang người khác, và lây lan sang cộng đồng, nhiều quốc gia, và trên toàn địa cầu, và xem nó biến thiên, thay hình đổi dạng ra sao, hoặc là nó tự hủy diệt, hay nó trở nên mạnh mẽ, cứng cáp hơn, để lây lan mạnh hơn sang người khác.
Trình tự bộ gen – genetic sequencing – là một dụng cụ rất tốt để ngăn ngừa sự biến thiên của con vi rút. Các loại vi rút thường mang tính chất phát hoại, và tàn ác, nó không từ bất cứ dụng cụ nào giúp nó tái sinh, và tăng cường sức tàn phá. Nó thường dựa vào tế bào nào tiếp nhận nó để làm việc tái sinh sản thêm, và tàn phá – với cái giá phải trả cho hành vi tàn phá đó. Thủ tục sao chép này luộm thuộm, và khó đoán, thường vấp phải lỗi lầm, hay biến dạng. Nhưng con vi rút cũng vì thế lợi dụng thủ tục biến dạng này để khiến nó có thể tấn công nhiều tế bào khác trong cơ thể người bị nó tấn công. Vi rút SARS-CoV-2 hình như đã theo dạng phá lệ, khiến cho nhiều khi nó lây lan sang người mới mà người đó không có triệu chứng gì mắc bệnh cả.
Phác họa ra những thay đổi trong sự biến dạng của con vi rút vẫn còn là ngành khoa học khá mới. Sau khi xảy ra trận dịch Ebola ở Tây Phi Châu năm 2014, các nhà khoa học tìm ra bộ gen của khoảng 1.600 mẫu vi rút. Họ thu thập từ lúc bệnh dịch mới bộc phát, tức khoảng 5% tổng số trường hợp vướng bệnh. Công việc truy cập này giúp chúng ta có thể biết được vi rút gây ra bệnh Ebola đã di chuyển qua nhiều địa điểm, và biến đổi ra sao. Giáo sư Trevor Bedford, dạy ở Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư Fred Hutchinson nói: “Với COVID-19 mọi thứ đều di chuyển rất nhanh so với các vi rút trước đây, khiến cho những thông tin về sự biến thiên của nó càng nhiều càng có ích.”.
Kể từ tháng Giêng, là lúc bộ gen SARS-CoV-2 đầu tiên được công bố, các nhà khoa học đã phác họa ra được hơn 70.000 mẫu vi rút, lấy từ bệnh nhân ở nhiều nước, từ Trung Hoa, sang Hoa Kỳ, Liên Âu, Brazil, Nam Phi và nhiều nước khác. (con số này sẽ còn tăng lên nữa). Họ gửi mầu đó vào tổ chức Global Initiative on Sharing All Influenza Data (GISAID) để làm dữ liệu chính. Tổ chức GISAID từng cung cấp dữ liệu gốc từ năm 2008 về tất cả các bộ gen liên quan đến bệnh cúm. Khi dịch COVID-19 xảy ra, tài liệu của tổ chức đã giúp rất nhiều cho các nhà khoa học theo dõi, hình dung ra sự biến thiên của bệnh dịch trên toàn thế giới.
Giáo sư Joel Wertheim dạy y khoa ở trường UC San Diego cho biết: “Chúng tôi có bộ gen mẫu của tất cả sáu lục địa do các nhà khoa học, và nhà nghiên cứu sưu tầm, được lưu trữ trong tài liệu gốc. Nó giúp chúng tôi tự tin rằng mình có đầy đủ tài liệu hơn các nơi khác.”. Tổ chức Nextstrain sử dụng tài liệu của GISAID để cung cấp cho các nhà khoa học biết những thay đổi, biến dạng của con vi rút, giúp họ phòng ngừa trước tình trạng lây lan của bệnh dịch.
Nghiên cứu trình tự bộ gen giúp cho các nhà khoa học làm ra được thuốc chủng ngừa để ngăn chặn bệnh dịch. Nhờ biết được trình tự của vi rút SARS-CoV-2 mà công ty Moderna Therapeutic đã sản xuất ra được liều thuốc thử nghiệm trên con người trong thời gian kỷ lục, chỉ mất có hai tháng. Tài liệu do Nextstrain thu thập sẽ giúp cho nhà chế tạo thuốc chủng ngừa nghiên cứu sự biến thiên của con vi rút trong những năm sau đó.
Nhà vi trùng học Barbara Bartolini ở viện nghiên cứu Lazzaro Spallanzani bên Rome, nước Ý, biết được con vi rút sẽ di chuyển đi đâu, và bằng cách nào. Nhờ đó, chuyên gia trong ngành y tế công cộng có tin tức chính xác hơn về vị trí, nơi ẩn náu của kẻ thù, để tiêu diệt chúng.
Sau khi người bệnh nhân của bác sĩ Diaz được xác định dương tính, nhiễm vi rút SARS-CoV-2, các viên chức làm việc trong ngành y tế công cộng tiểu bang Washington đã khéo léo truy cứu những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân, từ phi trường, nơi làm việc đến tiệm ăn hải sản gần sở làm, nơi ông ta đến ăn với bạn bè cùng sở làm. Nhưng lúc bấy giờ, người ta chỉ biết rất ít về con vi rút, nên những người truy cứu việc tiếp xúc của người bệnh chỉ tập trung thu thập thông tin từ những người có triệu chứng bị bệnh. Không có ai tự động ra báo cáo đã gập người bệnh. Đến lúc nghiên cứu trình tự bộ gen thì kết quả lại khác hẳn, tiết lộ nhiều điều rất mới lạ.
Từ năm 2018, tình cờ Seattle là thành phố đầu tiên thiết lập ra chương trình truy cập những người bị bệnh cúm, lấy mẫu từ các bệnh viện, từ văn phòng bác sĩ, trường học, và cả những người vô gia cư sống trên lề đường. Họ lấy cả mẫu ở phi trường quốc tế, cửa ngõ đi vào thành phố của khách du lịch. Họ lấy mẫu bằng cách quẹt bông gòn sâu vào trong lỗ mũi của người bị bệnh cúm. Những người bị nhiễm bệnh cúm, hay bệnh về đường hô hấp được đem đi xét nghiệm qua trình tự biến thiên của bộ gen, để tìm biết bệnh cúm xuất phát từ đâu mà ra. Khi bệnh COVID-19 vừa xuất hiện ở vùng Seattle vào cuối tháng Hai, bác sĩ Bedford và các đồng nghiệp bắt đầu cho xét nghiệm các mẫu để xem có vi rút SARS-CoV-2 hay không, bất kể người bệnh có đi du lịch sang Trung Hoa hay không. Lúc đó, Trung Hoa đang là ổ dịch lớn nhất trên thế giới. Do đó, họ mới thấy rằng trường hợp nhiễm bệnh của bệnh nhân số 2 hay WA2 không hề đi du lịch sang Trung Hoa. Sau khi so sánh mẫu xét nghiệm của bệnh nhân WA1, WA2 và những trường hợp vướng COVID-19 khác, họ cho rằng vi rút SARS-CoV-2 đang lưu hành rộng rãi trong cộng đồng từ tháng Hai.
Theo bác sĩ Bedford, người bệnh nhân đầu tiên được phát hiện ở Seattle là do đi du lịch sang Trung Hoa trở về Hoa Kỳ. Cho đến cuối tháng Hai, hầu hết các trường hợp lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 vào Hoa Kỳ đều ít nhiều liên hệ đến việc du lịch từ Trung Hoa sang. Nhưng rồi sau đó, bệnh dịch cứ tiếp tục lan đi rất nhanh.
Phân tích trình tự biến đổi của bộ gen xác nhận vào ngày 26 tháng Hai, bệnh SARS-CoV-2 đã đạt đến một tiêu mốc quan trọng. Lần đầu tiên có tài liệu cho thấy nó đã nhảy sang một ca bệnh mới ở Santa Clara, California, người vướng bệnh không hề có lịch sử đi du lịch sang Trung Cộng. Không rõ vì sao người này lại bị lây bệnh, nhưng trình tự về hoạt động của bộ gen cho thấy người bệnh nhân này đã lây bệnh sang hai nhân viên y tế khác trong lúc được chữa trị ở bệnh viện. Và sau đó con vi rút lây bệnh sang cả cộng đồng, không cần phải nhập cảng từ đâu xa.
Bác sĩ Bedford và nhóm chuyên viên của ông bắt đầu quan sát sự biến đổi, lây lan của các mẫu lấy ở Seattle, so sánh với các mẫu ở Âu châu, và vùng duyên hải phía Đông Hoa Kỳ. Ông nói: “Lúc đầu chúng tôi vạch ra lằn ranh phân biệt mẫu vi rút lấy ở Trung cộng, so sánh với mẫu vi rút đang lây lan ở vùng Seattle. Sau đó, chúng tôi lại thấy sự biến dạng của mẫu vi rút ở Trung cộng so với mẫu ở Âu châu, và ở New York, đều giống nhau, và giống cả ở Seattle.”. Con vi rút đã tấn công dữ dội vào Hoa Kỳ.
Quan sát nhiều nơi khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu về vi rút nhận thấy có cùng một kiểu lây bệnh của vi rút SARS-CoV-2. Tháng Giêng, một cặp vợ chồng từ tỉnh Hubei, Trung Hoa đến Rome, mong muốn đi xem những thắng cảnh của một thành phố lịch sử ở Âu châu. Ngày 29 tháng Giêng, hai vợ chồng này phải nhập viện chữa bệnh tại Viện Lazzaro Spallazai vì bị bệnh sốt cao độ, và khó thở. Xét nghiệm xác nhận họ bị bệnh do vi rút SARS-CoV-2, tức bệnh COVID-19.
Nhà nghiên cứu về vi rút ở đây là bà Bartolini lấy mẫu xét nghiệm của người vợ, so sánh với tài liệu về bộ gen được lưu trữ trong tổ chức GISAID thì thấy rằng mẫu vi rút giống với mẫu vi rút từ những nơi rất xa như ở Pháp, Đài Loan, Hoa Kỳ và Úc. Rõ rệt là con vi rút SARS-CoV-2 đang hoành hành khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Các chuyên gia nghiên cứu sâu thêm thì thấy rằng con vi rút sẽ lây lan cực kỳ mạnh trong những khu vực sống chen chúc với nhau, như trong các chung cư, hay viện hưu dưỡng. Bác sĩ Charles Chiu ở bệnh viện UC San Francisco nói rằng theo dõi trình tự biến thiên của bộ gen cũng giúp cho các nhân viên y tế công cộng tiên đoán trước khu vực nào sắp sửa bị con vi rút tấn công, để chuẩn bị phương tiện đối phó. Ở tỉnh La Crosse, tiểu bang Wisconsin, bác sĩ Paraic Kenny còn nhận thấy rằng con vi rút thường hay xuất hiện tại một vùng khoảng vài tuần trước khi nó tấn công vùng này. Do đó, mục tiêu của chúng ta là phải xác định xem con vi rút hiện đang có mặt ở đâu.
Có lẽ khoảng 100 năm mới xảy ra trận đại dịch như thế này, khiến cho toàn thể dân số thế giới bị tê liệt, giấu mình né tránh con vi rút COVID-19. Phương pháp đầu tiên, và cơ bản nhất dùng để đối phó với bệnh dịch có từ vài thế kỷ nay. Đó là: sống cách ly, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, và giữ khoảng cách khi giao tiếp. Có lẽ sẽ không bao giờ chúng ta biết được đích xác con vi rút SARS-CoV-2 xuất phát từ đâu, nhưng quả thực là chúng ta đã hành động quá trễ khiến nó trở thành một thảm kịch cho toàn thế giới. Tuy nhiên, sự hiểu biết thêm của khoa học sẽ giúp chúng ta có thêm dụng cụ để theo dõi, ngăn ngừa nó. Trình tự biến đổi của bộ gen, hay genetic sequencing giúp chúng ta hiểu thêm về những biến đổi của con vi rút, để chế tạo ra thuốc chủng ngừa vi rút SARS-CoV-2, và quan trọng hơn cả là chế tạo ra thuốc chữa bệnh do con vi rút này gây ra.
Kiến thức về vấn đề này sẽ cứu được mạng sống của hàng triệu người, miễn là chúng ta hãy để các nhà khoa học làm việc, dừng để yếu tố chính trị xen vào, lấn át họ. Nên nghe lời khuyên của các khoa học gia. Lẽ ra những bệnh dịch quy mô lớn lao, và lây lan nhanh chóng như thế này cần phải được ngăn chặn từ lâu nay, không thể đế nó bất ngờ tấn công chúng ta. Từ nhiều thập niên qua, các chuyên gia khoa học từng cảnh báo cho chúng ta biết sẽ có những loài vi rút xuất phát từ động vật tấn công con người trên quy mô rất lớn. Nhà sinh vật học Holmes chuyên nghiên cứu về sự biến thiên, sự phát triển của vi rút từng nói như sau: “Người ta cứ hay dùng chữ unprecedented hay không thể tiên liệu trước được. Nhưng tôi xin được nói thẳng ra là trong cái nhìn của chuyên viên gia về vi trùng thì không có gì gọi là “không ngờ” đối với các loại vi rút. Nó đã xảy ra đúng như những gì chúng tôi quan sát về các loại vi rút gây ra bệnh về đường hô hấp.”. Đơn giản chỉ là vấn đề tìm hiểu xem con vi rút hành động ra sao, trước đây nó đã xảy ra, và trong tương lai nó sẽ tiếp tục còn xảy ra nữa. Chúng ta phải sớm công nhận sự thể này, phải hành động thật sớm dựa vào việc chấp nhận nó là như vậy để kịp thời kiểm soát sự bộc phát hữu hiệu hơn.
Nguyên tác: Anatomy of a pandemic, Charly Campbell & Alice Park. Time, 10.08.2020
Người dịch: Nguyễn Minh Tâm
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/moxecannguyencuabenh.htm