Phạm Đình Lân


Mã Nghị Truyện

.

Một nhạc trưởng Kiến Nhọt mang một cặp mắt kiếng cận thị dày như đáy chai la-ve điều khiển ban nhạc Fourmi đồng ca bài Kiến Tha Lâu Đầy Ồ. Bài ca nói lên sức mạnh của tinh thần hợp quần, đoàn kết gây sức mạnh của Mã Nghị tộc. Tộc Mã Nghị nhỏ đến nỗi mắt thường không trông thấy hay thấy lờ mờ không rõ hình thù. Vậy mà với tinh thần đoàn kết và kiên tâm trì chí các anh tự tạo cho mình nơi ăn, chốn ở đầy đủ tiện nghi. Bản nhạc vừa dứt thì xảy ra một cuộc cãi vã ì ầm giữa một nhạc sĩ Kiến Lửa và nhạc trưởng Kiến Nhọt. Nhạc sĩ Kiến Lửa muốn độc tấu bản Cá ăn Kiến thì Kiến Ăn Cá nhưng nhạc trưởng Kiến Nhọt từ chối vì sợ mất tình đoàn kết động vật.

Chủ tịch Sư Tử yêu cầu phó chủ tịch Cọp cử Rái Cá và Tê Tê đến giải quyết hai bên mới ngừng cãi nhau. Ban hợp xướng Bồ Câu Trắng ca bản Con Chim Hoà Bình Đang Đau Nặng của Lê Thương, một nhạc sĩ Việt Nam như biện pháp tái lập trật tự và hòa giải kiến hiệu nhất.

Đại diện Ban Tổ Chức mời đại diện Mã Nghị tộc hoàn vũ lên diễn đàn. Đó là một nữ hoàng Kiến Vàng vườn bưởi Biên Hòa. Mặc dù khổ sở qua những năm dài chinh chiến trông bà mạnh khoẻ và còn giữ nét uy nghi của một bà mẹ có hàng triệu đứa con.

****

Thưa quí vị, người Việt Nam hay nói: Đông như Kiến. Họ nói đúng. Dòng họ chúng tôi rất đông đảo với từ 12.000 đến 22.000 chi tộc khác nhau. Chúng tôi sống khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Bắc Cực và Nam Băng Châu.

Chúng tôi là loại côn trùng nhỏ bé, đẻ trứng. Người ta ước lượng trên thế giới có 10.000 trillion dòng họ chúng tôi (một trillion < một CẢI >: 1.000 tỷ. Một tỷ: 1.000 triệu). Về kích thước Mã Nghị tộc chúng tôi dài trung bình từ 4 - 5mm. Các anh chị Kiến Titanomyrma giganteum được xem là Kiến to lớn nhất, dài lối 6cm tức 60mm. Dòng Kiến này đã tuyệt chủng.

Kiến Titanomyrma giganteum (https://en.wikipedia.org/wiki)

Dòng Kiến Phi Châu mang tên khoa học Dorylus wilverthi dài lối 5cm (50mm) hiện nay được xem là dòng Kiến khổng lồ trên thế giới. Dù thuộc chi tộc Kiến nào mỗi anh chị Kiến có thân hình dài có lông gồm: cái đầu nhỏ với hai con mắt to màu thủy tinh như ve chai, hai dây an-ten trên đầu dùng để đánh hơi; miệng có hai càng bén nhọn dùng để làm võ khí tự vệ và chuyển vận thức ăn về ổ; bụng to, tròn và trong suốt. Mỗi anh chị Kiến có ba cặp chân nhỏ, có móng nhọn. Quần áo thường thấy của Mã Nghị tộc là quần áo màu vàng, đen, hung đỏ, hung đỏ - đen, áo vàng quần xanh nhạt v.v.. Trọng lượng của các anh chị Mã Nghị tộc xê dịch từ 5mg đến 15mg.

Dòng Kiến Dorylus (https://www.wikiwand.com/nl)

Dưới đây là tên gọi của loài người gán cho chúng tôi:

Quốc gia

Tên gọi

Gia đình

Việt Nam

Kiến; Mã Nghị (Hán-Việt)

Formicidae

Anh

Ant

Pháp

Fourmi

Trung Hoa

Mayi

Mã Nghị tộc vừa đông đảo vừa hiếu chiến. Mã Nghị tộc có một số đặc điểm như sau:

1. Với tổng số dân 10.000 trillion Mã Nghị tộc trên hoàn vũ người ta ước lượng tổng trọng lượng của Mã Nghị tộc lớn hơn trọng lượng của 7,5 tỷ nhân loại. Trọng lượng trung bình của một người là 55 ki-lô. Trọng lượng của 7,5 tỷ người là: 7,5 x 55 = 412,5 tỷ ki-lô. Trọng lượng trung bình của Mã Nghị tộc là 10mg tức 10/1.000 = 1/100 ki- lô. Tổng trọng lượng của Mã Nghị tộc trên thế giới là: 10.000.000.000.000.000 x 01:100 = 10 x 10 lũy thừa 13 ki- lô!

2. Mã Nghị tộc không có tai nhưng chúng tôi không điếc. Chúng tôi cảm nhận những diễn biến ngoài chúng tôi qua những chấn động khi chân chúng tôi chạm vào đất.

3. Mã Nghị tộc có hai bao tử: một bao tử để giữ thức ăn và một bao tử để nghiền thức ăn.

4. Mã Nghị tộc không có phối. Khi oxygen vào những lỗ nhỏ li ti trên thân chúng tôi Carbon dioxides cũng thoát ra từ những lỗ nhỏ li ti ấy.

5. Mỗi thành viên dòng Mã Nghị có thể chở một vật nặng gấp 20 - 50 lần trọng lượng của mình bằng hai càng.

6. Mã Nghị tộc lội nước rất tốt. Chúng tôi là những nhà khí tượng đoán biết trước mưa bão, ngập lụt để kéo nhau vào nhà loài người hay trèo lên cây.

7. Mã Nghị tộc tôn thờ chủ nghĩa anh hùng. Họ thề cắn nhau cho đến chết chớ không chịu thua bỏ chạy.

8. Do tính hiếu chiến Mã Nghị tộc thường đánh nhau với Kiến ở các ổ khác hay Kiến cùng ổ vì ổ quá đông và hay có hai Kiến Chúa. Khi chiến tranh xảy ra giữa các tộc Kiến thì số chiến binh Kiến chết vô số vì tất cả đều chiến đấu trong tinh thần quyết thắng và quyết tử.

9. Sự đối xử của Kiến chiến thắng đối với Kiến chiến bại rất tàn bạo. Khi tấn công và đánh bại một ổ Kiến lạ, Kiến thắng trận tha trứng Kiến của ổ Kiến bại trận về ổ của họ. Trứng nở ra ấu trùng, nhộng rồi Kiến. Đó là những Kiến nô lệ phục dịch cho Kiến thắng trận.

Mã Nghị tộc theo chế độ mẫu hệ. Mỗi ổ Kiến qui tụ hàng ngàn hay chục ngàn đơn vị. Những ổ lớn có thể có đến hàng trăm ngàn Mã Nghị. Nơi sinh sống của Mã Nghị tộc tùy theo các chi tộc. Có chi tộc sống dưới đất. Có chi tộc sống trong những gốc cây mục. Có chi tộc quấn lá làm ổ như tộc Kiến Vàng chúng tôi chẳng hạn. Có chi tộc sống dọc theo vệ đường. Có chi tộc sống trong vách gỗ, trần nhà gỗ. Xã hội Mã Nghị tộc là xã hội mẫu hệ có tổ chức, có chỉ huy và có giai cấp.

Kiến Chúa (Wikipedia)

KIẾN CHÚA là nữ hoàng trong vương quốc Mã Nghị tộc. Bà là mẹ của thần dân trong Mã Nghị Quốc. Trong suốt quá trình sống bà có thể có hơn một triệu đứa con. Con của bà ít nam và nhiều nữ. Là nữ hoàng, Kiến Chúa dược Kiến Thợ phục vụ và nuôi dưỡng để đảm bảo sức khỏe khi sinh đẻ. Kiến Chúa to lớn và uy vệ hơn các chị Kiến Thợ lam lũ. Kiến Chúa có cánh và có thân hình to lớn hơn cả.

Kiến đực (Alex Wild Photography)

KIẾN ĐỰC không lao động mà chỉ giao tình với KIẾN CHÚA để sinh ra các nữ Mã Nghị công nhân. KIẾN ĐỰC có cánh. Họ có các chuyến bay hôn vụ trên không trung bất kể nắng gió. Sau khi giao tình KIẾN ĐỰC rời bỏ cõi đời để lại vô số bào thai.

Kiến thợ (PestWiki)

KIẾN THỢ đều là nữ Mã Nghị. Các chị phải lo cho vương quốc của mình bằng cách nới rộng vương quốc, xây dựng nhiều kho chứa lương thực. Hàng ngày các chị phải lặn lội đi kiếm thức ăn. Thức ăn ấy có thể là các loại hột, miếng bánh mì, chén cơm thiu, Côn Trùng chết, thịt của loài thú chết, cục đường, Cá hay Chim chết sình v.v.. Thức ăn ưa thích của chúng tôi là chất ngọt của đường, mật hoa, mật trái cây ngọt. Ở điểm này món ăn ưa thích của Kiến giống mấy anh chị Ruồi: mật, đường, si-rô. Gặp thức ăn nặng so với trọng lượng và sức mạnh của hai càng, chúng tôi phải hợp lực lại để tải hàng về vương quốc chúng tôi. Thỉnh thoảng gặp bão tố hay gió lớn cướp đi sinh mạng của nhiều chị Kiến anh hùng lao động chết tập thể không một ai trong vương quốc tỏ lòng thương tiếc và tưởng niệm. Khủng khiếp hơn là gặp con cái nhà họ Điểu ăn sống các chị Kiến Thợ. Thỉnh thoảng gặp mấy thằng cha say rượu tiểu vãi dọc đường khiến nhiều chị Kiến Thợ té ngã và ướt đẫm cả người. Nhiều nữ Mã Nghị ngất xỉu vì hơi độc của ammoniac! Cuộc đời Kiến Thợ là như vậy đó. Khi có một anh hay chị Kiến trong Mã Nghị Quốc chết vì nguyên nhân gì không được hội đồng y sĩ Mã Nghị xác định, các Kiến Thợ phải tha anh hay chị Kiến chết bị nghi là trúng độc hay bị nhiễm vi khuẩn độc ra khỏi vương quốc để tránh sự lây lan.

Kiến quân

KIẾN QUÂN là Kiến Đực nhưng không làm công tác truyền giống mà có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho vương quốc Mã Nghị tộc. Võ khí mà Mã Nghị tộc dùng là hai cái càng bén nhọn và mở rộng để cắn đối phương. Võ khí độc hại là võ khí hóa học làm bằng ác-xít phọt-mít (formic acid) được dùng khi đi săn mồi, khi chiến đầu tự vệ hay bảo vệ Mã Nghị Quốc.

Dù sống dưới đất, trong vách nhà, tường nhà, vệ đường, trên cây. Mã Nghị tộc chúng tôi gây bịnh cho loài người nhất là bịnh về da vì những vết cắn nhức nhối. Về phần chúng tôi gìn giữ vệ sinh môi trường sống là bổn phận của chúng tôi. Những nhà thiên văn của chúng tôi đoán thời tiết không bao giờ sai nên Mã Nghị tộc chết vì nạn lụt ít khi xảy ra.

Các anh chị Kiến Kim nhỏ bé màu vàng - trắng cắn rất đau làm cho loài người mất ngủ và chịu đau đớn vào những buổi trưa hè nóng bức.

Kiến Hôi

Mấy anh Kiến Hôi đen ngòm phá hoại cây trái của loài người ngay khi vừa kết quả. Kiến Hôi than phiền Kiến Vàng chúng tôi ỷ có nhiều ác-xít phọt-mít nên đánh đuổi họ ra khỏi các vườn cây ăn trái của loài người.

Kiến Đất (Wikipedia)

Kiến Đất (Black garden ant) Lasius niger mặc quần áo đen. Họ cắn các loại hột mới nảy mầm dưới đất. Các anh chị ấy đục lỗ các loại bắp, đậu xanh, đậu phọng khiến nông dân mất hột giống và phải bỏ những loại hột bị Kiến đục kia. Kiến Đất Lasius niger có tuổi thọ rất cao: 14 năm.

Kiến Lửa (https://antark.net/)

Kiến Lửa Solenopsis invicta cắn người đi chân không đạp vào hang ổ của Kiến Lửa dưới đất. Chi tộc này đã đi vào từ điển ngôn ngữ của người Việt Nam với nhóm chữ Đụng ổ Kiến Lửa hay Đạp vào ổ Kiến Lửa rồi!

Kiến Nhọt (https://www.aaas.org/)

Kiến Nhọt Pachycondyla chinensis (Asian needle ant: Kiến Á Châu có kim nhọn) và Kiến Đạn (Bullet ant) Paraponera clavata có kim nhọn chích rất đau vì có nọc độc. Kiến Nhọt và Kiến Đạn đều to lớn. Kiến Nhọt màu đen. Kiến Đạn màu đen - hung đỏ. Cả hai tộc Kiến này đều sống trong rừng.

Kiến Pharaoh (https://nl.pinterest.com/)

Kiến Pharaoh Monomorium pharaonis màu vàng nhạt, đầu và bụng màu vàng sẫm. Chi tộc này có tuổi thọ khá cao: 04 - 12 năm. Kiến Chúa Pharaoh sinh lối 400 trứng sau mỗi lần ái ân với Kiến Đực. Từ trứng, ấu trùng đến khi có hình hài Kiến phải mất từ 38 đến 45 ngày. Ổ Kiến Pharaoh không có nhiều Kiến: khoảng 2.000 - 3.000 Kiến.

Kiến Đen Thợ Mộc (https://njaes.rutgers.edu/)

Kiến Đen Thợ Mộc (Black carpenter ant) Camponotus pennsylvanicus làm ổ trong vách gỗ, trần nhà. Chi tộc Kiến này không chích nhưng cắn. Chi tộc Kiến sống trong gỗ này có ác-xít phọt-mít (formic acid). Cách cư trú của Kiến Đen Thợ Mộc làm hư vách và trần nhà của loài người. Suy cho cùng mới thấy Mã Nghị tộc cũng chẳng vinh quang gì vì chỉ phá hại được bọn loài người nghèo khổ mà thôi. Vì loài người giàu có nhà làm bằng gạch, bằng đá lại có thuốc trừ Kiến làm sao Mã Nghị tộc dám xâm nhập để phá hại.

Kiến Điện (https://alchetron.com/ )

Kiến Điện (electric ant) gọi như thế vì cắn đau nhức như Kiến Lửa. Tên khoa học của Kiến Điện là Tasmania auropunctata. Kiến Điện mặc quần áo vàng như Kiến Lửa nên còn được gọi là Tiểu Hỏa Mã Nghị (Kiến Lửa em - Little fire ant). Cộng đồng Kiến Điện có nhiều Kiến Chúa. Có những Kiến Chúa sinh trứng vì có giao tình với Kiến Đực. Cũng có Kiến Chúa sinh trứng dù không có giao tình với Kiến Đực.

Chi tộc chúng tôi được người Việt Nam gọi là Kiến Vàng vì quần áo chúng tôi mặc màu vàng cam. Thực tế Mã Nghị tộc mặc quần áo vàng rất nhiều. Ngay cả các anh chị Kiến Lửa cũng mặc quần áo vàng. Kiến Vàng của chi tộc chúng tôi người Anh gọi là weaver ant (Kiến Dệt) vì chúng tôi chầm nhiều lá cây rộng lớn để làm ổ. Chúng tôi to lớn như tộc Kiến Nhọt. Sáu (06) chân của chúng tôi rất mỏng. Hai càng của chúng tôi làm cho loài người xem chúng tôi là những kẻ gây hấn bạo tợn. Chúng tôi luôn luôn nhe càng trước mọi đối tượng trước mặt. Thân hình chúng tôi như chở một số lượng ác-xít phọt-mít CH2 O2 (formic acid) đáng kể. Đó là đặc tính vật lý của Kiến Vàng được biết dưới tên đăng ký khoa học Oecophylla smaragdina hay Oecophylla longinoda.

Kiến Vàng Oecophylla smaragdina được tìm thấy nhiều ở Việt Nam, Cambodia, Lào, Ấn Độ, Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân và Bắc Úc.

Kiến Vàng (ảnh Internet)

Kiến Vàng Oecophylla longinoda sống tập trung ở Trung Phi, Tây Phi, Đông Phi. Ở Thái Lan, Phi Luật Tân và Indonesia người ta bán trứng, ấu trùng và nhộng Kiến Vàng để ăn hay làm mồi câu cá. Ở vài nơi ở nông thôn Việt Nam người ta cho thịt bò thái mỏng vào ổ Kiến Vàng để Kiến tưới formic acid trên thịt làm cho thịt tái để ăn và uống rượu. Hương vị formic acid chua như chanh.

Formic acid là võ khí lợi hại của Kiến Vàng làm cho các tộc Kiến khác phải nể vì. Loài người ở Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, Phi Luật Tân làm dây cho Kiến Vàng làm ổ trong các vườn cây ăn trái để cây có nhiều trái và trái có vị đặc biệt (vườn chanh, bưởi, cam, quít, xoài, cà phê, ca cao v.v). Trứng và ấu trùng Kiến Vàng có nhiều protein và khoáng chất. Ở Ấn Độ và Trung Hoa người ta dùng Kiến Vàng để làm thuốc trị cảm, tê thấp, thuốc kích dục, thuốc trị ruột nhiễm trùng.

Một chi tộc Mã Nghị mặc quần áo vàng như Kiến Vàng chúng tôi bị loại người gọi là Kiến Vàng Điên (Yellow crazy ants) vì các anh ấy đi lang thang có khi như kẻ lạc lối vì bị điện vậy. Các anh chị Kiến Vàng Điên có 06 chân rất dài nên được gọi là Kiến Chân Dài (long- legged ants), mặc quần áo màu vàng nhạt. Đất sống của các anh chị ấy là vùng nhiệt đới ẩm ướt vùng Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Nam Mỹ nhiệt đới.

Kiến Vàng Điên (http://www.stephenbelcher.net/)

Kiến Vàng Điên là kẻ thù của loài người mặc dù các anh chị ấy có dồi dào formic acid. Tên khoa học của Kiến Vàng Điên là Anoplolepis gracilipes hay Formica longipes. Có một chi tộc bà con với chúng tôi cũng được gọi là Kiến Điên hay dài dòng hơn là Kiến Điên Sừng Dài (Longhorned crazy ants) mang tên đăng ký khoa học là Paratrechina longicornis hay Formica vagans. Các anh chị Kiến Điên Sừng Dài nầy mặc áo quần màu đen-xám trông không đẹp lắm trái lại có vẻ bụi đời. Các anh chị Kiến Điên Sừng Dài nầy sống khắp nơi trên thế giới ở các vùng ẩm ướt, khí hậu nhiệt đới. Các anh chị ấy sống trong các đống rác, cây gỗ mục, dưới đất ẩm. Vì hay đi lang thang bất định nên các anh chị ấy bị loài người cho là điên nên lang thang như người điên không biết đường về.

Loài người có cái nhìn khác nhau về chúng tôi. Đa số tỏ ra oán ghét chúng tôi vì chúng tôi cắn họ, đục các loại ngũ cốc, đậu, khoai củ, làm hư gỗ, vách của họ. Họ hoan nghinh sự hiện diện của Kiến Vàng chúng tôi trong vườn cây ăn trái của họ vì chúng tôi có nhiều formic acid làm cho các sâu bọ, Kiến Hôi phải bỏ chạy không phá cây trái của họ.

Nhưng thưa quí vị, họ bán bào thai của chúng tôi ngoài chợ Thái Lan, Indonesia… để ăn hay để câu cá. Đau đớn thay những Huỳnh Mã Nghị tử chưa được lớn lên để thấy Bangkok và Djakarta một lần.

Mã Nghị tộc chúng tôi có phá hại mùa màng của loài người nhưng loài người cũng có dành cho chúng tôi nhiều ý nghĩ tốt:

– Trong Cựu Ước Kinh, sách Proverbs (Châm Ngôn) 6:6 có câu: Hỡi kẻ biếng nhác, hãy đi đến loài Kiến; Khá xem xét cách ăn ở nọ mà học khôn ngoan.

– Trong bài ngụ ngôn La Cigale et La Fourmi, lão La Fontaine khen chúng tôi siêng năng cần mẫn và biết phòng xa nên đến mùa đông giá rét vẫn có đủ thức ăn. Còn vợ chồng thằng cha Ve lo ca hát suốt mùa hè không làm lụng, tích luỹ chi cả nên mùa đông bị đói meo.

– Người Việt Nam ca ngợi sự siêng năng, kiên nhẫn và óc hợp quần của Kiến qua câu:

Kiến tha lâu đầy ổ.

Kiến cắn bụng là bụng đói tựa chữ có Kiến cắn vậy.

Kiến bò miệng chảo: chảo bị hơ lửa nóng Kiến bò lên miệng rồi cũng chết vì nóng.

Khi loài người tựu hợp đông đảo họ nói: Đông như Kiến cỏ. Mấy anh chị Kiến Cỏ yếu đuối, mảnh khảnh và hiền lành nên không gây oán gây thù với loài người như mấy anh chị Kiến Lửa, Kiến Nhọt.

Người Anh có câu:

Have ants in one’s pants
(Kiến trong quần)

tức nóng lòng làm một việc gì; thiếu kiên nhẫn.

Kẻ yếu hèn trong xã hội mà dám kiện cáo cường hào ác bá địa phương được người Việt Nam ví với chuyện Con kiến mà kiện củ khoai!

Trong huyền thoại Hy Lạp có nói đến người Myrmidons ở vùng Thessaly. Trong huyền thoại Chiến Tranh Thành Troy người Myrmidons đặt dưới sự chỉ huy của Archilles. Căn cứ vào huyền thoại, người Myrmidons do Thần Zeus tạo ra từ ổ Kiến. Theo Hy Lạp ngữ Myrmex có nghĩa là Kiến (Mã Nghị).

Trong tinh tú học có Mây Kiến (Mã Nghị Vân) tức Ant Nebula Menzel 3 (MZ3) là mây hành tinh cách Trái Đất 8.000 năm ánh sáng! Mây Kiến nằm trong chòm sao Norma. Nó được xem là một tinh tú chết.

Trong thực vật học người Anh gọi bí kỳ nam là Ant plant (Mã Nghị Mộc). Bí kỳ nam không phải là bí mà ta ăn như bí đao, bí rợ. Đó là là cây biểu sinh (epyphitic plant) thường thấy ở vùng rừng sát ở Việt Nam, Cambodia, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia.

Cây có gốc lồi lên to như củ khoai mỡ. Các bà con Kiến của chúng tôi chun theo các lỗ nhỏ trên cái gốc lồi tựa như củ ấy để sống và có thức ăn thích hợp vì có vị ngọt! Tên khoa học của bí kỳ nam là Hydnophytum formicarum, gia đình: Rubiaceae. Trong tên khoa học có chữ formicarum (formica: Kiến < La Tinh >). Loài người dùng bí kỳ nam để trị viêm gan, tê thấp, kiết lỵ v.v..

Có một loại thảo mộc khác cũng được người Anh gọi là ant plant. Đó là cây kỳ nam gai mang tên khoa học Myrmecodia tuberosa, gia đình Rubiaceae (Myrmex: Kiến < Hy Lạp ngữ >). Rễ phù to như củ khoai to. Bà con Mã Nghị tộc của chúng tôi đục lỗ vào sống an lành trong đó. Họ bảo vệ cây chống lại bọn Sâu Bọ phá hại cây, gia tăng nitrogen, potassium, phosphorus cho cây. Bù lại cây cho các anh chị Kiến chỗ trú ngụ.

Người Việt Nam nói đúng: Có qua có lại mới toại lòng nhau. Vua William II (Wilhelm II – 1859 - 1941) của nước Đức còn nói rõ hơn: Les petits cadeaux entretiennent l’amitie. (Những món quà nhỏ bảo trì tình thân hữu).

Mã Nghị tộc sống trong cây bí Kỳ nam là tộc Kiến Vàng mặc quần áo vàng hay màu hung đỏ-đen trông hung dữ lắm. Tên khoa học của tộc này là Iridomyrmex cordatus (Myrmex: Kiến < Hy Lạp ngữ >) hay Philidris cordata (tên cũ). Các anh chị Kiến này sống trong gốc cây biểu sinh có gốc phình to trên cây tràm (melaleuca) ở vùng rừng sát ở Úc, Papua New Guinea, Indonesia, Mã Lai. Người Anh gọi cây biểu sinh đó là ant-house plant chúng tôi dịch thành Cây Mã Nghị Ốc vì Kiến sống trong loại cây tí hon hình cổ chai nầy. Tên khoa học của cây Mã Nghị Ốc là Myrmecodia beccarii.

Loài người ở vùng nhiệt đới Á Châu dùng bí kỳ nam gai Myrmecodia tuberosa trị viêm gan, ung thư, tê thấp. Bí kỳ nam gai có phenolic acid, saponins, phytosterols v.v.

Trẻ em Hoa Kỳ vào học lớp dự bị mẫu giáo đã ca bài The Ants Go Marching One by One.

***

Thưa quí vị đại biểu, như quí vị đã thấy, loài người ghét Mã Nghị tộc chúng tôi, dùng thuốc hay bột hóa học tiêu diệt chúng tôi vì chúng tôi phá hại nhà của họ, mùa màng của họ, hoa màu họ thu hoạch được. Với những công tác này chúng tôi tự hào đã góp phần không nhỏ vào việc lên án và kháng lại loài người. Quí vị chớ xem thường Mã Nghị tộc nhỏ bé này. Chúng tôi lưu ý với quí vị, động vật càng nhỏ, hiệu năng phá hoại và gây tổn hại cho loài người càng cao. Quí vị hỏi đại biểu Tượng tộc xem họ có sợ Mã Nghị tộc không? Rồi quí vị tìm loài người và hỏi xem họ sợ Kiến và vi trùng như thế nào thì rõ? Quí vị đừng quên rằng con ông Pasteur chết vì bị trúng thương hàn.

Loài người ghét Mã Nghị tộc chúng tôi nhưng họ cũng cần và nể nang chúng tôi. Ghét thì quí vị thấy rồi. Cần thì quí vị thấy họ giăng dây cho Kiến Vàng chạy về vườn cây ăn trái của họ (vườn cam, quít, bưởi; vườn xoài; vườn cà phê, ca-cao v.v.). Họ cần formic acid của Kiến Vàng chúng tôi. Họ cần bào thai và cả thân xác Kiến Vàng chúng tôi để làm thức ăn, mồi câu cá và làm thuốc nữa. Họ nể nang chúng tôi qua ngôn từ của họ.

Họ nể:

Họ thán phục khứu giác của chúng tôi. Khi có người hay động vật chết thì Mã Nghị tộc chúng tôi có mặt để kiếm phần ăn. Nếu là vật nặng chúng tôi gọi cả ổ ra khiêng phần ăn về kho dự trữ lương thực phòng khi đói kém. Nhìn chúng tôi đi chuyển, họ đoán biết sự biến động của thời tiết. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy chúng tôi di chuyển trên một hòn non bộ mà khuyên Nguyễn Hoàng, qua người sứ giả, hướng về phía nam dãy Hoành Sơn mà sống. Vậy mà loài người ăn bào thai Mã Nghị tộc hay dùng bào thai ấy bán cho người câu cá không một chút hối tiếc. Cá ăn Kiến. Khi Cá chết thì Kiến ăn Cá. Huề! Huề giữa Mã Nghị tộc và Ngư tộc! Còn con cháu nhà họ Điểu thì sao? Chim ăn Kiến thì Kiến cũng ăn Chim. Chỉ cần một bầy Kiến chun vào ổ Điểu tộc thì các bạn chỉ lìa bỏ tổ ấm mà đi xa thôi. Các bạn không thể ăn hết Mã Nghị tộc chúng tôi được. Các bạn không nghe người Việt Nam nói đông như Kiến sao?

Mã Nghị tộc chúng tôi nhỏ bé nhưng loài người không dám khinh thường chúng tôi vì chúng tôi đoàn kết, không sợ chết khi phải chiến đấu. Chúng tôi biết tự túc, tự lo liệu để tạo sự ấm no và phồn thịnh cho tộc mình. Hòa Lan, Thụy Sĩ, Do Thái, Singapore đâu phải là những nước to lớn, đông dân nhưng không vì thế mà các nước lớn xem thường họ vì họ có trí tuệ, có đoàn kết để cùng tạo cho đất nước họ có một nền kinh tế cường thịnh. Mã Nghị tộc chúng tôi nhỏ bé, không có trí tuệ như loài người nhưng có sức mạnh tập thể nên cũng được ấm no, sung túc.

Tôi, đại diện Mã Nghị tộc hoàn vũ cảm ơn quí vị lắng nghe bài tham luận của chúng tôi.

Lời thật dễ mất lòng. Nếu có, xin quí vị bỏ qua cho. Lời nói là gió thoảng, không hình thù, không màu sắc, không hương vị nhưng có tác dụng làm cho vài người tức ói máu mà chết. Vậy anh chị Cá và Chim đừng buồn nhé!

Trân trọng cảm ơn quí vị và kính chào đoàn kết.

Ban Nhạc Formica trổi bản The Ants Go Marching One by One do các nhi đồng tộc Kiến Vàng trình bày. Đại biểu Mèo Fossa đảo Madagascar nói với đại biểu Beo: “Anh còn nhớ đám này không? Bọn nó chun vào lỗ tai và cắn đau nhức không sao tả nổi.” Beo đáp: "Tụi mình thích sống leo trèo trên cây nên dễ bị các loài côn trùng quấy nhiễu. Tôi bị Ong chích, mình đầy vết thẹo vì phá ổ Ong để ăn mật. Mắt của anh lờ mờ vì bọn Ruồi và Bồ Hóng phải không?” Mèo Fossa khẽ gật đầu. “Gia đình tôi mất ngủ vì đám Kiến này. Gặp chúng thì thấy chúng nhe càng, hung hăng đáng ghét.” Mèo Fossa nói.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2020