Di Nguyễn
Làm thế nào để tránh tin vịt
Trong thời đại internet, càng ngày tin vịt (fake news) càng đầy tràn khắp nơi.
Vậy cần làm gì để tránh tin vịt, đặc biệt trong mùa dịch hiện nay?
Xem lại trang web mình đang xem là gì. Ðể an toàn, đọc những tờ báo lớn, có tên tuổi và uy tín, tránh các trang web lạ. Tránh các trang web có chữ “lo” (ví dụ như Newslo) hoặc trang web kết thúc bằng “.com.co”.
Google tên tờ báo hoặc trang web để kiểm tra nguồn.
Luôn luôn phải kiểm tra, đối chiếu, đặc biệt trước khi chia sẻ cho người khác. Luôn luôn kiểm tra xem các tờ báo lớn có đưa tin không, đọc nhiều nguồn với quan điểm khác nhau để đối chiếu và so sánh.
Nếu thử Google mà không thấy báo nào đưa, có khả năng cao đó là tin vịt.
Nếu bạn ủng hộ Ðảng Cộng hòa, có thể bạn sẽ không thích một số tờ báo như CNN, nhưng vẫn nên đọc nhiều nguồn khác nhau, không nên chỉ đọc Fox News và các kênh có cùng quan điểm. Nếu không tin CNN, bạn có thể không đọc CNN, nhưng vẫn phải fact-check, và có thể kiểm tra bằng báo chí nước khác
Ngoài ra, có thể sử dụng các trang web chuyên fact-check như Snopes.com hoặc Fullfact.org.
Ðặc biệt trong mùa dịch, chuyện fact-check càng rất quan trọng, một phần vì khắp nơi có thuyết âm mưu (như coronavirus là vũ khí sinh học, hoặc từ 5G), một phần vì vấn đề sức khỏe – nếu nghe theo tin vịt, đôi khi người ta có thể uống hoặc đưa chất độc vào cơ thể, làm hại đến mình và người thân.
Ðôi khi nếu hấp tấp, bạn có thể vô tình chia sẻ một bài châm biếm mà không biết, hoặc chia sẻ một bài viết từ Facebook nhưng nó lại có nguồn từ một trang web châm biếm.
Một vài ví dụ là tờ The Onion, The Daily Mash, The Babylon Bee, hay mục The Borowitz Report của tờ The New Yorker. The Borowitz Report luôn luôn ghi rõ “Not the News” (không phải tin tức), nhưng vẫn có nhiều người tưởng là tin nghiêm chỉnh.
Nếu thấy tin tức bằng tiếng Việt nhưng không phải về Việt Nam, chẳng hạn như tin tức về Mỹ hoặc coronavirus, đặc biệt trên mạng xã hội, luôn luôn tìm nguồn tiếng Anh nếu có thể.
Tôi để ý thấy trên Facebook có rất nhiều người Việt tung tin vịt, không dẫn nguồn, nhưng có hàng trăm người chia sẻ. Trong những trường hợp này, chỉ cần gõ vài từ khóa bằng tiếng Anh trên Google là có thể thấy những thông tin đó là hoàn toàn bịa đặt.
Một công cụ rất tiện dụng có vài năm nay của Google là reverse image search, tức là tìm ngược hình ảnh.
Ví dụ, có một dạo cộng đồng người Việt chuyền nhau hình Bà Melania Trump mặc áo dài Việt Nam, hoặc Ông Trump ăn phở, nhưng nếu dùng công cụ reverse image search, có thể tìm thấy hình gốc và thấy đây là sản phẩm của Photoshop.
Ðây cũng là tính năng rất tiện lợi để chống “lừa tình” (catfish): trên Facebook hoặc các trang web hẹn hò, nếu nghi ngờ ai đó dùng hồ sơ giả và dùng hình của người khác, cách tốt nhất là dùng reverse image search để xem hình có hiện ra với tên người khác không.
Cách làm là, nếu bạn đang dùng Google Chrome, click chuột phải trực tiếp vào hình, sau đó chọn “search Google for image”, sẽ có kết quả.
Nếu không dùng Google Chrome, bạn có thể click chuột phải vào hình, chọn “copy image address” hay “copy image link”. Sau đó mở Google Images, ở khung tìm kiếm, click vào biểu tượng camera, và khi nó hiện lên một khung mới với dòng chữ “search by image”, đưa vào đường link vừa copy bên dưới dòng chữ “paste image URL”.
Nếu bạn có hình trong máy tính (chẳng hạn như tải từ email), không có đường link, cũng mở Google Images và click vào biểu tượng camera như vậy, nhưng khi nó hiện ra khung với dòng chữ “search by image”, click vào dòng chữ “upload an image” và đăng tải hình ảnh để tìm nguồn.
Cần cảnh giác với tin tức từ mạng xã hội, và không nên chia sẻ chỉ vì nó hợp với quan điểm của mình hoặc nghe thú vị.
Chẳng hạn, cách đây vài tháng, nhiều người trên Twitter và Facebook chia sẻ hình ảnh thiên nga trở lại kênh đào Venice, hoặc tin đàn voi chui vào đồng ruộng ở China, say rượu bắp và lăn ra ngủ. Những hình ảnh có vẻ dễ thương, thú vị, cho thấy động vật trở lại thiên nhiên khi con người đang cách ly mùa dịch. Nhưng thật ra, như National Geographic sau đó kiểm chứng và đưa lên, đây đều là tin xạo (1).
Ngoài mạng xã hội, một nơi có nhiều tin vịt là qua email. Ðây cũng là nguồn gốc cho nhiều thuyết âm mưu vớ vẩn.
Cũng trong mùa dịch, người ta có thể chuyền nhau các bài viết như làm sao để biết mình bị coronavirus, hoặc uống gì nếu bị nhiễm v.v.. Ðể biết thông tin chính xác về coronavirus, cần đọc các trang web chính thức của bộ y tế hoặc các tờ báo có uy tín, đừng vội tin email hay thông tin trên Facebook.
Nên chú ý, hiện nay cả thế giới vẫn chưa tìm ra vaccine hay thuốc chữa cho Covid-19.
Một nguồn khác cần cảnh giác là YouTube. Ai cũng có thể lập ra một kênh Youtube và đăng video, và các phong trào theo thuyết âm mưu như trái đất phẳng, vaccine gây tự kỷ v.v. đều từ YouTube mà ra. Trên Wikipedia, ai cũng có thể viết bài được, nhưng ngược lại, ai cũng có thể chỉnh sửa bài đã viết, hoặc đặt dấu hỏi về nguồn, trong khi YouTube không hề có chức năng đó.
Số lượt xem cao hoặc số người subscribe nhiều không có nghĩa là đáng tin cậy.
Trên YouTube, chỉ có những kênh của các báo đài thật sự là tin được (nhưng vẫn phải fact-check và kiểm tra nhiều nguồn).
Khi một bài báo hoặc một bài quan điểm nói về phát ngôn của một người nổi tiếng, nguyên tắc là phải đi tìm câu đầy đủ. Cần có câu trích dẫn trực tiếp (trong ngoặc kép), chứ không phải một câu gián tiếp. Tìm video nếu có, và tìm bối cảnh (context) của nó, vì đôi khi một câu nói có thể bị bóp méo khi cắt khỏi ngữ cảnh, hoặc người nói có ý đang nói đùa, có thể thấy trong video, nhưng khi viết xuống lại không thấy rõ ý đang đùa.
Người Việt, qua cách truyền thông phương Tây đưa tin về chiến tranh Việt Nam, đã quá biết rằng hình ảnh, ngay cả khi không chỉnh sửa Photoshop, đôi khi có thể bóp méo sự thật, khi chỉ cho thấy một phần, hoặc không cho biết câu chuyện phía sau một bức hình.
Ngoài chuyện chụp từ góc nào, đưa gì vào khuôn hình, còn vấn đề khác là ống kính. Chẳng hạn, vài nhiếp ảnh gia của Ðan Mạch cho thấy sự khác biệt giữa ống kính góc rộng (wide-angle lens) và ống kính tele (telephoto lens hay long lens), và cách báo chí có thể bóp méo sự thật khi đưa tin về mùa dịch và vấn đề khoảng cách an toàn xã hội (social distancing) (2).
Ống kính tele ép không gian, làm khoảng cách nhỏ lại, nên đôi khi nhiều người đứng cách nhau vài mét nhưng trong hình lại có vẻ đứng sát nhau. Báo chí đôi khi có thể đưa tin như thể nhiều người phá luật và không quan tâm sức khỏe, nhưng thực tế không phải vậy.
Ngoài ra, cũng nên đọc bình luận trên báo online hoặc mạng xã hội, vì đôi khi có thể có ai đó phân tích hoặc đưa ra bằng chứng tại sao tin tức nào là tin vịt.
.
Di Nguyễn
________