Phạm Đình Lân


Hương liệu Địa Trung Hải

 

Địa Trung Hải rộng 2,5 triệu km2 là biển nối liền ba lục địa Âu Châu, Á Châu và Phi Châu. Địa Trung Hải ăn thông với Đại Tây Dương bằng eo biển Gibraltar và nối liền với Hồng Hải bằng kinh đào Suez. Hồng Hải ăn thông ra Ấn Độ Dương.

Các quốc gia có bờ biển trên Địa Trung Hải là:

1. Âu Châu: Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Albania, Croatia, Montenegro, Slovenia, Bosnia-Herzegovina, Hy Lạp, Cyprus, Malta.
2. Tây Á (Trung Đông): Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Lebanon, Do Thái, Palestine (Gaza).
3. Phi Châu: Morocco, Algeria, Tunisia, Libya, Ai Cập.

Hy Lạp là cái nôi của văn hóa Âu Châu. Alexander Đại Đế từng đưa đạo quân chinh phục sang tận sông Indus trên tiểu lục địa Ấn Độ từ thế kỷ IV trước Tây Lịch.

Ai Cập nổi tiếng với văn minh Kim Tự Tháp kết hợp cùng văn minh Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia) trên châu thổ sông Tigris và Euphrates.

Đế quốc La Mã thống trị từ Đại Tây Dương đến bờ đông của Địa Trung Hải.

Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ một thời đô hộ các quốc gia miền đông Địa Trung Hải bao gồm miền đông nam Âu Châu và các quốc gia ở miền nam Địa Trung Hải.

Về tôn giáo đó là giao điểm của văn hóa Thiên Chúa Giáo La Mã, Hồi Giáo và Chính Thống Giáo.

Địa Trung Hải xưa kia là hải lộ thương mại của người Pheonicians và người Hy Lạp. Vào thời Trung Cổ thành phố Venice trở nên hưng thịnh nhờ trao đổi hàng hóa với các nước phương đông như Ấn Độ và xa hơn là Trung Hoa. Từ đó xuất hiện hai con đường thương mại giữa Âu Châu và Á Châu:

a. Đường biển là Đường Hương Liệu do các nhà hàng hải Bồ Đào Nha và Hòa Lan khai thông trước tiên.
b. Đường bộ là Đường Tơ Lụa do Marco Polo, công dân thành phố Venice, đích thân mở đường.

Các nước trong vùng Địa Trung Hải có khí hậu đại dương, mặt trời chói lọi, biển trong xanh. Khí hậu tương đối khô này thích hợp cho việc trồng nho, ô-liu, cây bơ (avocado), hạnh nhân, cam, quít, hoa hồng, hoa huệ, các loại cây hương liệu dùng để cho vào các thức ăn của các dân tộc sống trong vùng. Ngoại trừ các dân tộc theo đạo Hồi không ăn thịt heo và không uống rượu, các dân tộc quanh vùng Địa Trung Hải ăn nhiều thịt trừu, dê, bò, cá, gà, vịt, heo và uống rượu nho nhất là các nước Thiên Chúa Giáo. Hương liệu thường dùng là nguyệt quế, rau carum hay thì là Ba Tư, kinh giới, hương thảo (rosemary), hương liệu paprika, rau húng cay núi, long thảo (tarragon) v.v... Các loại hương liệu đắt tiền vào thời Trung Cổ trong vùng là hương liệu mua từ các nước Nam Á và Đông Nam Á như đậu khấu, đại hồi, đinh hương, hồ tiêu, quế, nghệ, riềng, tỏi, gừng v.v...

Trong bài này lần lượt chúng tôi trình bày vài loại hương liệu vừa kể qua ở phần trên trong vùng Địa Trung Hải được dùng để cho vào thức ăn hay làm thuốc.

HƯƠNG THẢO

Rosemary
Rosmarinus officinalis
Gia đình: Lamiaceae

Dùng chữ hương thảo nghe có vẻ xa lạ nhưng nếu dùng chữ rosemary thì nhiều người hiểu ngay. Người Pháp gọi là rosemarie và Tây Ban Nha gọi là Romero. Nhưng dùng chiết tự chữ rosemarie của Pháp để gọi đó là hoa hồng của Mẹ Marie thì không đúng vì đây là một loại hương liệu không có hoa đẹp như hoa hồng. Nếu chiết tự tên khoa học Rosmarinus officinalis thuộc gia đình Lamiaceae thì ta có Ros: sương; marinus: biển (La Tinh) tức hải sương vì hoa cây hương thảo màu trắng nhạt xa xa trông như sương.

Hương thảo có thể cao từ 1 đến 2m. Thân có lông; lá nhuyễn và nhọn như cây kim, có hương thơm. Hoa nhỏ màu trắng nhạt, trắng-xanh nhạt, hồng hay tím nhạt. Hương thảo là thảo mộc thích hợp với khí hậu Địa Trung Hải như vùng Florida và California của Hoa Kỳ.

Người Âu Châu, Trung Đông và Bắc Phi dùng lá hương thảo ướp thịt, cá cho có hương thơm. Người ta cũng dùng lá cho vào súp, ra-gu để tạo mùi thơm cho thức ăn tăng thêm phần thơm ngon và hấp dẫn.

Người Ai Cập ngày xưa dùng lá hương thảo gội đầu cho sạch và thơm tóc.

Ngày xưa người ta tin rằng mùi thơm hương thảo làm trí óc thanh thản và trí nhớ gia tăng. Người Hy Lạp có mang vòng hoa hương thảo trong người với hy vọng gia tăng trí nhớ trong lúc đi thi.

Hương thảo có tính kháng viêm, kháng nấm, điều hòa mật trong ruột, gây phát hạn (đổ mồ hôi), điều kinh, trị mất ngủ, tăng cường trí nhớ, giảm lo âu. Dùng quá liều có thể gây trụy thai đối với phụ nữ mang thai.

Hoa hương thảo ướp khô làm cho quần áo được thơm và xua đuổi côn trùng.

Lá hương thảo có camphor, rosemaridiphenol, rosmanol, caffeic acid, ursolic acid, betulinic acid, carnosic acid, rosmarinic acid.

Dầu có borneol, bornylacetate, camphene, cineol, pinene.

Dầu hương thảo không uống được vì có thể gây tử vong. Dầu được dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa.

NGUYỆT QUẾ ĐỊA TRUNG HẢI

Bay Leaf
Laurus nobilis
Gia đình: Lauraceae

Chúng tôi gọi là nguyệt quế Địa Trung Hải để phân biệt với nhiều loại nguyệt quế khác có xuất xứ khác nhau. Tên khoa học của nguyệt quế Địa Trung Hải là Laurus nobilis thuộc gia đình Lauraceae. Người Anh gọi là laurel tree, bay leaf, bay tree, sweet bay tree.

Cây nguyệt quế Địa Trung Hải cao từ 10-12m; lá láng màu xanh. Gân lá nổi bật chạy từ cuống lá đến đầu lá; rìa lá gợn sóng. Lá nguyệt quế Địa Trung Hải rất thơm; hoa nhỏ màu vàng. Trái có dầu béo.

Lá khô dùng để cho vào súp, ra-gu, pa-tê, thịt hầm cho có hương thơm nồng ở Hy Lạp và các quốc gia Âu Châu ven Địa Trung Hải. Ở Thái Lan người ta cũng dùng lá nguyệt quế Địa Trung Hải cho vào món bai kra wan của họ.

Gián, ruồi, muỗi, chuột, loài côn trùng không cánh (silverfish) kỵ mùi thơm nguyệt quế Địa Trung Hải.

Lá nguyệt quế Địa Trung Hải dùng để cất dầu dùng trong kỹ nghệ dầu thơm. Dầu có eugenol C10 H12 O2, eucalyptol, terpene, sesquiterpenes, methyleugenol, alpha-beta-pinene, phellandrene, linalool, geraniol, terpinol. Dầu dùng trong trị liệu xoa bóp, hương trị liệu, trị tê thấp, đau tai, cao huyết áp.

Lá nguyệt quế Địa Trung Hải được người Hy Lạp kết thành vương miện cho người thắng cuộc chơi. Nó là biểu tượng của sự thắng lợi. Người La Mã cũng có ý nghĩ tương tự. Trong Thánh Kinh nguyệt quế Địa Trung Hải biểu tượng cho danh tiếng, thịnh vượng và sự phục sinh của Chúa Jesus.

HƯƠNG LIỆU PAPRIKA

Ớt – Lạc-Tử
Capsicum annuum
Gia đình: Solanaceae

Nguyên liệu của hương liệu paprika là loại ớt cay màu đỏ phơi khô ngoài trời rồi xay nhuyễn thành bột. Có loại paprika không có hột ớt. Có loại xay nhuyễn luôn cả hột. Ớt cay là do chất capsaicin C18 H27 No3. Chất capsaicin càng nhiều ớt càng cay.

Tên khoa học của cây ớt là Capsicum annuum thuộc gia đình Solanaceae. Tên Hán-Việt của cây ớt là lạc tử hay tân lạc tử. Ớt có màu trắng, vàng, xanh và đỏ. Người ta chỉ chọn ớt cay màu đỏ để làm paprika.

Bồ Đào Nha là quốc gia sớm phát triển hàng hải. Tây Ban Nha là nước khám phá Tân Lục Địa (Mỹ Châu) nơi xuất phát của cây ớt. Người Bồ Đào Nha du nhập ớt vào Á Châu vào thế kỷ XVI. Người Tây Ban Nha đem hột ớt về trồng trên bán đảo Iberia vào đầu thế kỷ XVI. Từ đó ớt được trồng ở các nước ven Địa Trung Hải. Như vậy hương liệu paprika thực tế xuất phát từ quê hương của cây ớt tức là từ lục địa Mỹ Châu. Người Tây Ban Nha gọi ớt là pimento; Pháp: piment; Anh: chilli pepper, red pepper, Cayenne pepper.

Ớt được du nhập vào miền đông Địa Trung Hải đồng thời với sự bành trướng của đế quốc Ottoman. Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng từ Đông Nam Âu Châu sang Trung Đông vòng qua Bắc Phi tức từ đông bắc Địa Trung Hải, đông Địa Trung Hải sang toàn thể các nước Bắc Phi ở phía nam Địa Trung Hải. Hương liệu paprika thực sự thịnh hành ở Hung Gia Lợi vào thế kỷ XIX. Danh từ này vào từ điển Anh năm 1896. Paprika có ảnh hưởng dần dần ở Đức. Chữ paprika có gốc của chữ piperi của Hy Lạp cổ nghĩa là ớt. Ngày nay Nhật cũng có hương liệu paprika mà họ gọi là papurika. Các xứ Hung Gia Lợi, Serbia, Tây Ban Nha sản xuất nhiều hương liệu paprika. Hòa Lan là quốc gia cung cấp nguyên liệu sản xuất hương liệu này. Paprika có màu đỏ thắm vì sự hiện diện của zeaxanthin C40H56O2.

Hương liệu paprika có:

- sinh tố A: 66%
- sinh tố B6: 5%
- Fe: 7%
- Ca: 1%

Người Hung Gia Lợi cho hương liệu paprika vào món gulyas của họ. Người Hoa Kỳ gọi thức ăn này là goulash. Đó là món thịt (trừu, bò, dê) nấu với mỡ, hành, tỏi, cà chua, khoai tây, ớt chuông với hương liệu paprika. Nguyên thủy món ăn này là món ăn của những người Magyar chăn trừu ở Hung Gia Lợi xưa kia. Ngày nay nó trở thành món ăn đặc thù của cả nước.

Ớt có sinh tố C, sinh tố A, B6, potassium, magnesium, sắt, protein v.v... Người ta dùng ớt để trị thống phong (kết hợp với vỏ cây ký ninh Cinchona pubescens và đắp lên chỗ đau), trị sình bụng, trĩ, tiêu chảy, kiết lỵ, sốt xuất huyết và phòng ngừa say sóng.

Ở Việt Nam ớt được dùng để làm tương ớt. Ớt có giá cao vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhiều nông dân các xã Phú Hữu, An Mỹ, Phú Chánh trong tỉnh Bình Dương có lợi tức khá cao nhờ trồng nghệ và ớt. Ớt là cây hương liệu dễ trồng, có trái trong vòng 03 tháng và dễ chế biến (tương ớt, ớt phơi khô, ớt bột, ớt sa-tế v.v...).

THÌ LÀ BA TƯ: RAU CARUM

Persian cumin – Caraway
Carum carvi
Gia đình: Apiaceae

Thì là Ba Tư là một loại cỏ cao từ 60 đến 70 cm, bộng ruột; lá nhỏ và dài, có mùi thơm nồng; hoa nhỏ màu trắng hình tán dù ; trái có nhiều hột có nhiều dầu. Đó là loại thảo mộc gốc ở Tây Á tức đông Địa Trung Hải tức Trung Đông ngày nay.

Tên khoa học của thì là Ba Tư hay rau carumCarum carvi thuộc gia đình Apiaceae. Gọi là rau carum do tên thành phố Caria ở Thổ Nhĩ Kỳ, vùng được xem là nơi xuất phát của loại rau này. Người Anh gọi là caraway, Persian cumin. Người Ai Cập và các dân tộc Trung Đông đã dùng thì là Ba Tư từ 5.000 năm nay. Người Âu Châu mới biết rau này vào thế kỷ XIII qua những cuộc Thánh Chiến với người Hồi Giáo.

Lá, củ và hột thì là Ba Tư đều ăn được. Hột có nhiều dầu. Trung bình 20 kí-lô hột cho 1 kí-lo dầu carum. Người ta cho hột carum vào bánh mì hay rau cải để ăn. Hột carum có protein, magnesium, potassium, phosphorus, sinh tố A.

Lá và trái carum thơm nồng và có carvone, limonene. Lá được cho vào súp, ra-gu cho có mùi thơm.

Dầu carum được dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa, xà bông, thuốc sát ký sinh trùng.

Lá, củ và hột được dùng làm thuốc trục lãi, sình bụng, loét dạ dày, tiêu chảy, chuột rút trong thời kỳ phụ nữ có kinh, viêm phế quản, làm sáng mắt vì có sinh tố A.

CỎ CÀ RI

Fenugreek
Trigonella foenum- graecum
Gia đình: Fabaceae

Tên gọi cỏ cà-ri nhắc cho chúng ta mùi vị của nó trong món cà-ri ở Ấn Độ và các nước Trung Đông. Vùng Địa Trung Hải là nơi phát tích cỏ cà-ri. Nó cũng được tìm thấy ở Ấn Độ, Pakistan, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Hoa. Đó là loại cỏ lưu niên, lá có răng cưa nhuyễn. Ba lá kết lại thành hình tam diệp. Hoa hình tam giác màu trắng. Trái dưới dạng trái dầu. Theo tiếng La Tinh foenum- graecum có nghĩa là rơm Hy Lạp. Trigonella có nghĩa là hình tam giác ám chỉ hình dạng của hoa cỏ cà-ri.

Tên khoa học của cỏ cà-ri là Trigonella foenum-graecum thuộc gia đình Fabaceae. Tên gọi thông thường:

Anh

Ấn Độ

Ả Rập

Mã Lai

Fenugreek

Methi

Hilbeh

Halta

Công dụng:

- Củ có vị đắng nhưng nếu nấu hay nướng vị đắng giảm đi. Củ nghiền thành bột cho vào bánh mì, ra-gu và các thức ăn chiên xào.

- Hột có mùi thơm trộn với cải xà lách được xem là bổ gan, bổ thận và tạo sự cường tráng cho bộ phận sinh dục.

- Hột dùng để cất dầu. Dầu được dùng trong kỹ nghệ thực phẩm.

- Cỏ cà-ri được trồng làm hương liệu và là nguồn thức ăn của thú vật. Từ thế kỷ thứ VII trước Tây Lịch người Ai Cập biết dùng cỏ cà-ri làm thuốc uống khi bị hành kinh. Ở Ai Cập và các nước Trung Đông người ta nấu cỏ cà-ri phơi khô để uống như trà. Trà này dành cho phụ nữ mới sinh con uống.

- Ở Trung Hoa cỏ cà-ri được dùng làm thuốc bổ thận, giảm đau, hạ cholesterol, hạ huyết áp, giảm đường trong máu, trị cước khí, lãnh dục (frigidity), kinh nguyệt đau đớn.

- Ở Ấn Độ đó là thuốc kích dục, trị bịnh phổi, tiêu hóa, suy nhược cơ thể, trị tiểu đường, hạ sốt, hạ huyết áp, kháng trùng, nhuận trường.

- Thành phần hóa học: Cỏ cà-ri có polysaccharides, galactomannan, saponins (diogenin, yamogenin), alklaloids (choline trigonelline).

RAU HÚNG ĐỊA TRUNG HẢI

Thyme
Thymus vulgaris
Gia đình: Lamiaceae

Đó là thân thuộc của bạc hà và kinh giới. Rau húng Địa Trung Hải cao lối 50, 60 cm; thân cây màu hung đỏ; lá tròn, rìa lá gợn sóng màu xanh sậm trên mặt; mặt dưới màu nhạt hơn. Lá có mùi thơm. Hoa màu trắng-xanh nhạt. Trái có hột đen, nhỏ li ti.

Rau húng Địa Trung Hải được dùng làm rau, cho vào súp, thức ăn cho có mùi thơm, trồng trong vườn làm cảnh và dùng làm thuốc.

Tên khoa học là Thymus vulgaris thuộc gia đình Lamiaceae. Người Anh gọi là thyme; Ả Rập: Zatar.

Công dụng:

- lá ăn được, cho vào thức ăn cho có hương thơm. Người ta cho lá rau húng vào nước chấm, trứng chiên, trứng omelette, súp, thức ăn làm từ cá để khử mùi tanh của cá.

- Lá và thân rau dùng để cất dầu. Dầu có từ 20- 55% thymol C10H14O, p- cymene, myrcene, borneol, linalool. Lá khô dùng làm trà uống trị ho, ho gà, viêm phế quản. Lá tươi làm nước súc miệng. Thymol kháng nấm thường thấy ở các ngón chân.

- Hippocrates (460 tr. Tây Lịch - 370 tr. T.L ), Thánh tổ Tây Y, dùng rau húng trị bịnh về hô hấp. Theo những khảo cứu gần đây kem làm bằng rau húng trị mụn trứng cá (acne) có hiệu quả cao hơn cả (Đại Học Leeds Metropolitan University, England).

- Hoa, lá, dầu rau húng dùng để trị đái dầm, tiêu chảy, đau bụng, sình bụng, đau khớp xương, đau cuống họng, ho, ho gà, tăng thêm nước tiểu, viêm phế quản.

- Ngày xưa người Ai Cập dùng rau húng để ướp xác chết. Người Hy Lạp dùng rau húng để nấu nước tắm. Cây rau húng khô được đốt như nhang tỏa mùi thơm trong các đền. Hương thơm của rau húng là nguồn can đảm của người ngửi nó. Thời đế quốc La Mã rau húng được khuyến khích trồng ở các nước chịu ảnh hưởng của đế quốc La Mã. Vào thời Trung Cổ người ta đặt rau húng trong gối để ngủ yên không bị ác mộng.

Rau húng Địa Trung Hải tươi có sinh tố C, sinh tố A, sắt, manganese, sợi, đồng v.v...

Trong vùng Địa Trung Hải nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ có rau húng núi tức rau húng hoang được dùng làm hương liệu cho vào súp. Người ta cũng ăn lá rau húng hoang này như rau cải.

Tên khoa học của rau húng hoang này là Thymbra spicata thuộc gia đình Lamiaceae.

Tên gọi thông thường:

Anh

Thổ Nhĩ Kỳ

Ả Rập

Wild thyme

Zahter

Zatar

Cách gọi tên của người Ả Rập cũng giống như đã gọi rau húng Địa Trung Hải mà chúng ta đã nói qua. Về hình dạng rau húng hoang cũng hao hao như rau húng Địa Trung Hải Thymus vulgaris.

Lá rau húng hoang rất thơm. Lá được dùng để cất dầu. Dầu có carvacrol C10H14O kháng trùng, kháng viêm, hạ cholesterol, bảo vệ gan. Lá khô dùng để làm trà hay hương liệu cho vào thức ăn. Ở Thổ Nhĩ Kỳ người ta hái rau húng hoang để bán làm hương liệu quá nhiều đến nỗi chánh phủ phải giáo dục dân chúng tránh sự khai thác bừa bãi có thể gây tuyệt chủng loại rau húng hoang quí giá này.

LONG THẢO

Tarragon
Artemisia dracunculus
Gia đình: Compositae

Tarragon hay estragon đều âm trại từ chữ dragon (con rồng). Người Anh gọi là dragon herb. Long thảo là một loại thảo mộc có liên hệ thân thuộc với nhân trần, ngải cứu dòng Artemisia (do tên của Nữ Thần Artemis trong huyền thoại Hy Lạp). Long thảo được tìm thấy nhiều ở Tây Á (Trung Đông), các quốc gia ven Địa Trung Hải. Cây cao từ 60-100 cm. Lá nhỏ và dài. Lá tươi hay khô đều có hương thơm. Hoa màu trắng hay vàng-xanh nhạt. Vài loại hột long thảo đôi khi không nẩy mầm để có cây con.

Tên khoa học của long thảo là Artemisia dracunculus thuộc gia đình Asteraceae hayCompositae của hoa cúc, hoa hướng dương. Người Anh gọi là tarragon như Pháp hay dragon herb.

Công dụng:

- lá long thảo được dùng như rau cải. Lá được cho vào trứng, thức ăn có cá, nước chấm Bearnaise có giấm để có mùi thơm hồi hương (anise) của long thảo. Các đầu bếp Pháp thường dùng long thảo cho vào các món ăn của họ. Có nơi người ta cho long thảo vào bánh ngọt. Có nơi người ta thích ăn món ăn nấu bằng thịt gà có hương vị long thảo. Long thảo Pháp được các nhà nấu bếp ca ngợi nhiều hơn long thảo Nga.

- lá long thảo dùng để cất dầu. Dầu có nhiều methy chavicol tức estragole C10H12O và methy eugenol C11H14O2. Lá long thảo có sinh tố A, C, B6, sắt, potassium, protein v.v...

- long thảo được dùng để trị bịnh scorbutus do thiếu sinh tố C (da xuất huyết, nướu răng rướm máu), điều kinh, hạ sốt, trục lãi, trị nôn mửa, đau bụng, tiêu hóa bất thông, tê thấp (thuốc đắp). Côn trùng kỵ mùi long thảo.

KINH GIỚI Ô

Origanum syriacum
Gia đình: Lamiaceae

Theo chiết tự từ Hy Lạp ngữ Oros: núi; Ganos: niềm nở, hân hoan, dòng thảo mộc Origanum có nghĩa là niềm hân hoan của núi. Người ta gọi kinh giới ô có lẽ dựa vào màu sắc của núi chăng? Theo tiếng Hy Lạp Oreiganon là một loại cỏ đắng.

Thảo mộc mang tên khoa học Origanum syriacum thuộc gia đình Lamiaceae gốc ở Tây Á (Syriacum: xứ Syria). Người Anh gọi kinh giới là oregano, majoram.

Kinh giới ô Origanum syriacum là bái hương được đề cập nhiều trong Thánh Kinh. Cây cao lối 50, 60cm; thân và lá có lông. Lá màu xanh nhạt, có răng cưa. Thân và lá có mùi thơm nồng.

Từ 2000 năm trước người Hy Lạp và Do Thái đã dùng kinh giới ô trong nhà bếp của họ. Họ cũng dùng nó trong việc trị bịnh cho sản phụ. Lá và thân dùng để cất dầu, làm trà. Lá tươi ăn như rau trộn với xà lách, dầu ô-liu, hành, tỏi, cà chua.

Kinh giới ô hoang Origanum vulgare cũng có công dụng tương tự vì dòng Origanum có nhiều flavonoids, carvacrol, thymol. Lá kinh giới ô Origanum vulgare được cất dầu dùng trị cảm, sốt, kinh nguyệt. Dầu cũng được dùng trong kỹ nghệ sản xuất xà bông tắm gội, kỹ nghệ nước hoa và kỹ nghệ thực phẩm.

****

Xem như thế hương liệu Địa Trung Hải không cay nồng như hương liệu ở các nước Á Châu. Hương liệu tiêu biểu ở Á Châu là:

- Ngũ Vị Hương của Trung Hoa: 1. hồi hương Illicium verum; 2. quế Cinnamomum zeylanicum; 3. hồ tiêu mộc Tứ Xuyên Zanthoxylum simulans; 4. hột thì là Anethum graveolens; 5. đinh hương Eugenia aromaticum.

- Ngũ Vị Hương Ấn Độ: 1. hồ tiêu Piper nigrum; 2. quế Cinnamomum zeylanicum; 3. đinh hương Eugenia aromaticum; 4. thì là Ai Cập Cuminum cyminum; 5. đậu khấuAmomum cardamon.

- Thất Vị Hương Nhật Bản: 1. hồ tiêu mộc Tứ Xuyên Zanthoxylum simulans; 2 & 3. mè trắng và mè đen Sesamum indicum; 4. rong biển Fucus vesiculosis; 5. trần bì Citrus deliciosa; 6. ớt Capsicum annuum; 7. hột cần sa Cannabis sativa.

Đó là lý do tại sao vào thế kỷ XVI người Âu Châu phải mở đường hương liệu xa xôi để mua hương liệu từ Nam Á, Đông Nam Á đem về Âu Châu bán với giá đắt. Người Bồ Đào Nha đến Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia trước tiên. Họ bị Hòa Lan hất chân ra khỏi Indonesia. Từ năm 1600 Hòa Lan biến quần đảo Indonesia thành thuộc địa của họ. Hòa Lan độc quyền về hương liệu do Indonesia sản xuất. Vai trò thương mại của Venice giảm sút trước sự phát triển hàng hải của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Pháp và Anh.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

_______

Ghi chú: Phần lớn nội dung bài viết này dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.

 


Cái Đình - 2015