Phạm Ɖình Lân


Hùm tộc tâm sự

Ban tổ chức rất bận rộn khi đến phiên đại diện Hùm tộc đọc tham luận vì Sư Tử, Hùm, Báo, Hùng (Gấu) và Tê Giác là năm đại anh hùng rừng xanh trên thế giới. Một ảnh chụp rọi lớn của trưởng lão Hùm Bengal được treo trong phòng hội nghị.

Nữ nghệ sĩ Hồ Điệp tộc ngâm bài Hổ Nhớ Rừng. Nhạc sĩ Thiền tộc (Ve) đàn một loại đàn kỳ lạ âm thanh ai oán dị thường.

Bài thơ vừa chấm dứt, đại diện Hùm tộc xuất hiện. Đại diện Mã tộc hí vang lên vì sợ. Đại diện Khuyển tộc phóng ra khỏi ghế ngồi. Đại diện Nga tộc, Kê tộc hoảng hốt chạy tán loạn. Ban tổ chức phải bắc loa kêu gọi họ trở về chỗ ngồi.

Đại diện Hùm tộc là con của trưởng lão Hùm Bengal được biết dưới danh hiệu Bengali Tiger Jr. Ông ta chưa già nhưng cặp mắt lúc nào cũng như lửa đỏ có lẽ vì ăn thịt người quá nhiều. Người ta nói mắt ông ta có cô hồn. Đó là hồn của những người bị Bengali Tiger Jr. ăn tươi nuốt sống.

Đại diện Hùm tộc không chào hỏi cũng không bắt tay với ai cả. Ông ta nắm ghì máy vi âm và dõng dạc đọc bài tham luận của Hùm tộc.

***

Tôi là con của cha tôi, trưởng lão Hùm tộc Bengal. Người ta gọi tôi là Bengali Tiger Jr. Chúng tôi uy dũng như thế này mà các nhà động vật học của loài người liệt chúng tôi vào Miêu tộc của gia đình động vật Felidae. Tên khoa học của Hùm tộc là Panthera tigris, Felix tigris, Tigris striatus, Tigris regalis.

Loài người gọi dòng họ chúng tôi như sau:

 Quốc gia

 Tên gọi

Việt Nam

Cọp; Hùm; Hổ (Hán-Việt)

Anh

Tiger; Tigress (chị Cọp)

Pháp

Tigre; Tigresse (chị Cọp)

Trung Hoa

Hu (âm thanh Hổ trong tiếng Việt)

Hindi (Ấn Độ)

Baagh

Chúng tôi là động vật ăn thịt sống, có xương sống, có máu đỏ, có vú và sinh con. Địa bàn sinh sống của chúng tôi là rừng nhiệt đới Á Châu như Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Lào, Việt Nam, Mã Lai, Indonesia. Dòng họ Hùm chúng tôi cũng sống ở vùng bán nhiệt đới và ôn đới lạnh như Hoa Nam, Triều Tiên, Siberia xuống vùng biển Caspian.

Thật vậy, mặt mày chúng tôi giống Miêu tộc. Người Việt Nam hay nói: Con Mèo là dì con Cọp. Nói vậy Mèo là bậc cha mẹ của chúng tôi sao? Mèo chỉ dài 60 - 70 cm tính cả đuôi và cân nặng tối đa 10 kg. Hùm tộc chúng tôi dài từ 150 - 280 cm tính cả đuôi. Các chị Cọp tương đối nhỏ và không nặng cân bằng các anh Cọp. Trọng lượng trung bình của các anh Cọp xê dịch từ 90 - 290 kg. Trọng lượng của các chị Cọp xê dịch từ 55 - 165 kg. Cọp to lớn nhất là Cọp Tây Bá Lợi Á. Trọng lượng của Hùm nam xê dịch từ 180 - 300 kg và Hùm nữ từ 100 đến 140 kg.

Hùm tộc gốc ở Á Châu. Dòng họ chúng tôi mặc hai màu áo rằn. Đa số mặc quần áo vàng sọc đen. Một ít Hùm tộc khác mặc áo trắng rằn đen. Đó là các anh chị Bạch Hổ. Bạch Hổ gốc ở miền tây Bengal, Bihar, Assam (Ấn Độ). Hiện nay rất khó tìm thấy Bạch Hổ trong trạng thái hoang dã mà chỉ thấy trong tình trạng giam cầm trong các sở thú. Bạch Hổ rất khó nhân giống. Do đó số Bạch Hổ hiện hữu trong trạng thái thiên nhiên hầu như không còn nữa ngoại trừ trong các sở thú lớn trên thế giới.

Bạch Hổ (Ảnh: Internet)

Hùm tộc chúng tôi có các đặc điểm sau đây:

Tuổi thọ của Hùm tộc tùy theo địa bàn sống. Sống trong trạng thái hoang dã tuổi thọ của Hùm tộc lối 15 năm. Trong tình trạng bị giam cầm trong các sở thú của loài người tuổi thọ của Hùm tộc có thể kéo dài từ 20- 25 năm. Vì trong sở thú thân nhân chúng tôi được ăn uống đầy đủ, được các bác sĩ thú y bảo vệ sức khỏe khi bị bịnh cũng như ngừa bịnh không phải chết vì thời tiết nóng hay lạnh thái quá hay chết vì phải chiến đấu với các động vật hung tợn khác như đã thấy trong trạng thái hoang dã.

Tuổi yêu đương của Hùm tộc khác nhau chút ít giữa nam Hùm và nữ Hùm. Nữ Hùm bắt đầu đời sống gối chăn với nam Hùm khi được 3 hay 4 tuổi. Tuổi yêu đương của nam Hùm là 4 hay 5 tuổi. Các nam Hùm đi tìm người yêu qua tiếng gọi của các nữ Hùm trong thời kỳ cần sự giao hoà Âm-Dương: mùi nước tiểu của các nữ Hùm đang khao khát yêu đương. Ở vùng bán nhiệt đới hay ôn đới mùa động cỡn của Hùm tộc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 04. Ở miền nhiệt đới thời gian này gần như quanh năm. Các nam Hùm chiến đấu đến chí mạng để giành quyền yêu đương. Mỗi nam Hùm có thể ái ân với 03 hay 04 nữ Hùm. Thời kỳ mang thai kéo dài 103 ngày (03 tháng 13 ngày). Mỗi nữ Hùm sinh từ 3 đến 4 con nặng từ 600gr đến 1.500gr. Hùm tử không có răng và không mở mắt khi mới sinh. Phải đợi vài ngày sau khi sinh các cháu mới mở mắt và răng bắt đầu lú lên. Hùm tử bú sữa mẹ và bắt đầu độc lập với mẹ sau khi được 18 tháng tuổi. Đến 25 tháng các cháu hoàn toàn tách rời khỏi gia đình Hùm tộc của mình để sống cuộc đời cô đơn và tự lập. Hiếm khi các anh Hùm chăm sóc con cái ngoại trừ vài trường hợp đơn lẻ khi các Hùm tử sớm mồ côi mẹ.

Tỷ lệ tử vong của các Hùm tử lên đến trên 50% vì bị các nam Hùm không cùng tổ ăn thịt, chết đói, chết lạnh, bị các dã thú khác như Mèo Rừng, Beo, Chó Sói, Linh Cẩu… ăn thịt v.v..

Rừng Á Châu là nơi sinh sống của Hùm tộc. Thân nhân chúng tôi sống từ Tây Bá Lợi Á xuống biển Caspian xuyên qua các quốc gia Trung Á nóng bức và khô hạn tràn xuống Nam Á, Đông Nam Á lục địa và quần đảo. Người Việt Nam cho rằng Hùm là Chúa Tể Sơn Lâm. Ở Phi Châu danh chức nầy dành cho Sư Tử. Ngày nay các nhà động vật phân loại 8 chi tộc Hùm căn cứ vào vị trí địa lý của địa bàn sinh sống. Tám chi tộc Hùm Á Châu là:

1. Cọp Tây Bá Lợi Á, bắc Hei Longjiang (sông Hắc Long Giang), Primorye và Khabarovsk. Các anh chị Cọp Tây Bá Lợi Á được xem là Cọp to lớn nhất. Có anh Cọp dài gần 4m và cân nặng trên 400 ki-lô. Tên khoa học của Cọp vùng lạnh là Panthera altaica. Dãy núi Altai (Kim Sơn) nằm ở Trung Á thuộc bốn (04) quốc gia Nga, Trung Hoa, Mông Cổ và Kazakhstan.

Cọp Tây Bá Lợi Á (Ảnh: https://en.wikipedia.org/)

2. Cọp Ấn Độ hay nói rõ hơn Cọp Bengal vì được tìm thấy nhiều trong vùng này. Cọp Bengal cũng được tìm thấy ở Nepal, Bhutan, Tây bộ Trung Hoa. Cọp Bengal có hai chi tộc:

a. chi tộc mặc quần áo rằn ri màu vàng cam
b. chi tộc mặc áo rằn ri màu trắng. Chi tộc Bạch Hổ càng ngày càng ít đi.

Cọp Bengal (Ảnh: https://infozoeken.nl/)

Tên khoa học của Cọp Bengal là Panthera tigris. Cọp Ấn Độ giết hại nhiều dân địa phương vào thế kỷ XIX với nữ Hùm Champawat lừng danh một thời.

3. Cọp Đông Dương là chi tộc Cọp sống trên các nước Đông Nam Á lục địa như Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Lào, Việt Nam. Ở Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Khánh Hòa, Bà Rịa, Xuân Lộc, Lộc Ninh, Bà Rá, Ban Mê Thuột, Kontum, Quảng Trị, Thanh Hoá, Ninh Bình là những vùng có nhiều Cọp. Tchya (1) Đái Đức Tuấn viết chuyện Thần Hổ ở Đồng Giao. Dân chúng vẫn truyền tụng: Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận. Tên khoa học của Cọp Đông Dương là Panthera corbetti.

Cọp Đông Dương (Ảnh: https://www.picfair.com/)

4. Cọp Hoa Nam mang tên khoa học Panthera amoyensis.

Cọp Hoa Nam (Ảnh: http://animalplantsrainforest.blogspot.com/)

5. Cọp Sumatra Panthera sumatrae.

Cọp Sumatra (Ảnh: https://commons.wikimedia.org/)

6. Cọp Bali Panthera balica.

Cọp Bali (Ảnh: Bernard Spragg)

7. Cọp Java Panthera sondaica. (Sumatra, Bali, Java đều nằm trong quần đảo Indonesia)

Cọp Java (Ảnh: https://javapost.nl/)

8. Cọp vùng biển Caspian Panthera virgata.

Cọp vùng biển Caspian (Ảnh: https://nl.pinterest.com/)

Ngày nay Cọp Sumatra, Bali và Cọp biển Caspian hầu như tuyệt chủng..

Bà con thân thuộc với Hùm tộc chúng tôi có các anh chị Beo (Báo) mặc quần áo với nhiều đốm đen và anh chị Báo mặc quần áo đen (Hắc Báo). Người Việt Nam tưởng đó là Cọp nên gọi là Cọp Mun. Các anh Báo Leopard hay Black Panther đều mang tên khoa học Panthera pardus. Báo Leopard hay Panther gốc ở Á Châu.

Beo (Báo) Leopard (http://www.biodiversityexplorer.info/

Cougar mang tên khoa học Puma concolor hay Felis concolor. Có người gọi các anh chị ấy là Mèo Rừng hay Beo Sư Tử vì các anh chị ấy không mặc quần áo có đốm đen như các anh Beo Leopard. Quần áo Cougar màu vàng-trắng hay trắng-hung đỏ như quần áo các anh chị Sư Tử. Địa bàn sống của các anh chị Beo Cougar là lục địa Mỹ Châu.

Beo Cougar (Ảnh: https://www.britannica.com/)

Chi tộc Jaguar Panthera onca ở Mễ Tây Cơ, Trung và Nam Mỹ cùng Beo Cougar, Beo Leopard được gọi tên chung là Đại Miêu dưới cái nhìn của loài người. Về hình dáng Cọp và Beo (Báo) đều giống Mèo nhưng khác xa về chiều dài, trọng lượng, màu áo quần và sự lợi hại khi săn mồi. Miêu tộc không gây tử vong cho loài người nhưng Báo tộc và Hùm tộc thì khác.

Beo Jaguar Panthera onca ở Trung và Nam Mỹ (Ảnh: https://www.flickr.com/)

MÈO < BEO < CỌP

Hùm tộc chúng tôi dũng mãnh và bạo tợn làm cho muôn loài động vật phải kinh sợ kể cả loài người. Nhưng dưới mắt chúng tôi loài người là kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng tôi. Họ có dao, búa, tên độc, súng lửa rất lợi hại. Họ không ăn thịt chúng tôi. Họ giết chúng tôi để lấy da, xương, răng, móng vuốt và để chứng minh óc mạo hiểm và tài thiện xạ của họ. Họ treo da Cọp trên tường trong phòng khách với đầu Cọp nhe răng dài chơm chởm như để nhắn nhủ với những người quanh họ biết họ là ai? đã làm gì? và sẽ làm gì? Xương cốt chúng tôi họ dùng để nấu cao hổ cốt bán với giá cao. Răng và móng vuốt được mạ vàng, mạ bạc cho trẻ nít đeo không sợ ma quỉ quậy phá, ngủ khỏi giật mình!! Loài người có óc vị lợi cao nên rất mê tín, dị đoan nên dễ tin, dễ nghe từ chuyện hoang đường đến những chuyện trước mắt được thêu dệt.

Cọp bị bắt bị trói bốn chân và khiêng đi bêu riếu khắp nơi. Đó là cách loài người hạ nhục Hùm tộc chúng tôi. Các anh chị Cọp bị bắt đem giam trong sở thú để trẻ con và người lớn của loài người đến ngắm tù Cọp nằm trong cũi sắt để chế giễu, châm chọc và ngâm bài Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ làm cho tù Cọp càng đau đớn thêm:

Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.

Tù Cọp bị giam cầm nhưng không có bản án chi cả. Họ bị bắt và nhốt trong sở thú cho đến khi chết. Tội gì? Tại sao bị tù chung thân? Không nghe nhà luật học nào đề cập đến chuyện này.

Các anh chị tù Cọp khác được huấn luyện làm trò vui cho loài người. Họ phải đi hai chân. Họ phải phóng nhảy theo lịnh của người huấn luyện. Họ bị đánh bằng roi điện, bị phạt mất bữa ăn nếu không làm đúng theo lịnh của người huấn luyện. Như quí vị biết đó, mỗi ngày Hùm tộc phải ăn tối thiểu 05kg thịt. Chỉ vì 05kg thịt mà các anh chị Hùm đành phải khuất phục trước anh chàng huấn luyện cân nặng 45kg. Vào hoàn cảnh này các anh chị Cọp mới thấm thía câu nói của người Việt Nam:

Miếng ăn là miếng tồi tàn.

Vì nó mà Hùm tộc chúng tôi đánh mất thú phẩm của mình. Đau đớn thay!

Nỗi buồn khác là loài người cướp mất sự thuần chủng của dòng họ HÙM tức HỒ của chúng tôi. Họ cho Cọp quần áo vàng có rằn đến ái ân với Bạch Hổ để có những đứa con mặc quần áo hai màu kỳ dị. Màu trắng không ra màu trắng. Màu vàng không ra màu vàng. Yểu điệu không ra yểu điệu. Hùng tráng của nam tử Hùm hoàn toàn thiếu vắng. Tệ hơn, loài người cho Hùm tộc lai với Sư Tử hay Beo. Chúng tôi không thích có bờm như Sư Tử cũng không thích mặc quần áo bông của bọn Beo. Hùm tộc là Hùm tộc. Thế thôi.

Theo thống kê của loài người về Hùm tộc thì vào đầu thế kỷ XX có 100.000 Hùm tộc trên thế giới hay nói rõ hơn ở Á Châu. Vậy mà đến năm 2016 chỉ còn 3.890 anh chị Cọp sống trong trạng thái hoang dã được phân phối như sau:

1. Ấn Độ: 2.226;
2. Nga Á: 433;
3. Indonesia: 371;
4. Mã Lai: 250;
5. Nepal: 198;
6. Thái Lan: 189;
7. Bangladesh: 136;
8. Bhutan: 103;
9. Trung Hoa: 07;
10. Việt Nam: 05;
11. Lào: 02.

Số Cọp giảm dần vì:

Ngày nay số Hùm tộc sống hoang dã (3.890 đơn vị) nhỏ hơn số Hùm tộc bị người Trung Hoa giam cầm: 4.000. Hoa Kỳ giam cầm 2.884 Hùm tộc trong các sở thú lớn của họ.

Liên hệ giữa Hùm tộc và loài người không có gì thân thiện cả. Loài người run sợ trước sự dũng mãnh của chúng tôi. Vài tướng lãnh của loài người ngồi ghế chạm hình ảnh Hùm tộc chúng tôi hay treo hình chúng tôi sau chỗ ngồi của họ. Tượng và hình ảnh Hùm tộc chúng tôi được tìm thấy trước các đình làng hay trong chùa ở Việt Nam.

Trong Ấn Giáo, Thần Shiva phủ áo da Cọp trên người như nói lên sức mạnh vạn năng của Thần trong vũ trụ. Vợ của Thần Shiva là nữ Thần Durga cỡi Cọp. Bà có nhiều tay vung kiếm chém quỉ Thủy Ngưu trong huyền thoại.

Trong huyền thoại Hy Lạp có hình vẽ Dionysus cỡi Beo. Dionysus là Thần rượu, Thần thảo mộc và các lạc thú. Thần Dionysus là con của Thần Zeus và công chúa Semele thành Thebes. Beo không phải là Cọp nhưng là thân thuộc gần của chúng tôi. Ở Hy Lạp và Trung Đông không có Cọp mà có Beo. Vì vậy trong Thánh Kinh đề cập đến Sư Tử và Beo hơn là Hùm tộc chúng tôi. Chữ layish dùng trong sách Job 4:10-11 là Sư Tử chớ không phải Cọp.

Trong Phật Giáo có chuyện xảy ra trong tiền kiếp của đức Phật khi NGƯỜI hy sinh thân xác mình cho một chị Hùm bị đói sắp ăn thịt các Hùm tử.

Tu sĩ Hoàng Giáo Tây Tạng (Tantrism) kết hợp Ấn Giáo (Hinduism) và Phật Giáo (Buddhism) ngồi tĩnh tâm trên da Cọp. Da Cọp là sự chuyển hóa của sự giận dữ sang sự khôn ngoan vào nội tâm người tĩnh tâm ngồi trên tấm da Cọp.

Năm 1994 một ngôi chùa Phật Giáo Tiểu Thừa được xây dựng trong tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan, để nuôi Cọp nên chùa được gọi là Chùa Cọp (Hổ Phật Tự). Tên của chùa là Wat Pha Luang Ta Bua Yanasampano. Đến năm 2016 chùa nuôi 150 anh chị Cọp. Tháng 05 năm 2016 cảnh sát và cơ quan bảo vệ tài nguyên hoang dã ngăn chặn không cho chùa nuôi Cọp sau khi thấy nhiều xác Cọp bị giết chết và được ướp trong tủ lạnh. Du khách không còn cơ hội chụp hình với Cọp khi Chùa Cọp không còn nuôi Cọp nữa.

Cọp trong Chùa Cọp (Hổ Phật Tự – Wat Pha Luang Ta Bua Yanasampano) ở Thái Lan

Hùm tộc chúng tôi là một trong 12 con giáp. Đó là năm Dần. Tháng Dần là tháng 01 Âm Lịch. Giờ Dần kéo dài từ 3 giờ sáng đến 05 giờ sáng.

Trong Đề 40, con Cọp mang số 6 sau Địa Long (số 5) và trước Trư tộc (số 7).

Trong Tử Vi có sao Bạch Hổ. Bạch Hổ gặp Tang Môn thì xấu lắm. Trái lại Bạch Hổ ngộ Phi Liêm thì Hổ mọc cánh bay xa (Phi Hổ) rất tốt. Long Trì, Phượng Các, Bạch Hổ, Hoa Cái biểu tượng cho công danh hoạnh đạt.

Đó là tứ linh như Long, Lân, Qui, Phượng. Tứ Linh biểu tượng cho bốn vì sao chỉ bốn hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) và bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông).

Biểu tượng

Hướng

Mùa

Thanh Long
(Đông Phương Thanh Long)
Dong fang Qinglong

Đông

Xuân

Chu Tước
(Nam Phương Chu Tước)
Nan fang Zhu Que

Nam

Hạ

Bạch Hổ
(Tây Phương Bạch Hổ)
Xiang Baihu

Tây

Thu

Hắc Qui- Huyền Vũ
(Bắc Phương Huyền Vũ)
Beifang Xuanwu

Bắc

Đông

Lão La Fontaine viết nhiều bài ngụ ngôn về Sư Tử. Xem chừng lão không biết gì nhiều về Hùm tộc chúng tôi. Người Việt Nam nói về chúng tôi hơi nhiều qua thơ văn, chuyện truyền khẩu và các cụm từ trong ngôn ngữ của họ. Loài người lấy chuyện bắn giết, đánh gục Hùm tộc chúng tộc để ra uy với người chung quanh. Trung Hoa có chuyện Võ Tòng đả Hổ. Việt Nam có Lê Văn Khôi đánh chết Cọp bị tổng trấn Lê Văn Duyệt quát nạt vì không được đánh chết Cọp mà phải bắt sống Cọp nên phải đánh và túm bốn chân của anh Cọp khác để đền tội trước quan tổng trấn Gia Định Thành và cũng là dưỡng phụ của ông. Ở Tân Khánh, Thủ Dầu Một (Bình Dương), có chuyện ông Ất, ông Giáp đánh chết Cọp như là lời truyền tụng võ thuật Tân Khánh, Ba Trà. Trong chuyện đời xưa của người Việt Nam lúc nào cũng vu oan giá họa cho Hùm tộc chúng tôi bằng cách kết thúc câu chuyện bằng cái chết bị Trời đánh hay bị Cọp ăn thịt của kẻ xấu, thâm độc. Trời ơi! Cọp chúng tôi đâu có rảnh mà lựa người xấu, thâm độc để ăn và chừa người tốt sống trường thọ! Suy cho cùng thịt người xấu chắc kém hấp dẫn hơn thịt của người tốt dưới cái nhìn chuyên nghiệp của Hùm tộc.

Hội Đồng Hùm Tộc Đông Nam Á nhóm họp để thảo luận về bài thơ Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ. Chi tộc Hùm Việt Nam cho rằng nhà thơ này ngạo chúa sơn lâm trong cảnh thất thế tù đày và nhắc lại thời oanh liệt hống hách của Hùm tộc trong rừng xanh. Hùm Tây Bá Lợi Á không nghĩ như vậy mà cho rằng Thế Lữ có nỗi lòng của ông và mượn hình ảnh anh Hùm bị nhốt trong sở thú để nói thay nỗi lòng của mình. Đại biểu các chi tộc Hùm Lào, Cambodia, Bengal, Miến Điện, Nepal, Bhutan đều tán đồng ý kiến của đại biểu Hùm tộc Tây Bá Lợi Á.

Hùm tộc chúng tôi tức giận về bài tập đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư về chuyện một anh Cọp tò mò tìm hiểu trí khôn của loài người bị một anh nông dân Việt Nam cột vào gốc cây và dùng gậy đập vào đầu cho đến khi chết đau đớn và ngã gục trên vũng máu của anh ta. Cọp chết vì tò mò chuyện không đáng. Loài người lật lọng và tàn độc không giữ lời hứa mà còn dùng mưu kế cột anh Hùm rồi dùng gậy đánh anh cho đến ngã gục trên vũng máu. Hùm tộc miễn bàn về chuyện Thần Hổ hay Cọp Ba Chân ở Khánh Vân thời chiến tranh Việt- Pháp. Quí vị đã biết, loài người thích thêu dệt chuyện lắm.

Mặc dù giữa Hùm tộc và người Việt Nam không có sự liên lạc gần gũi và mật thiết nào, thái độ của người Việt Nam đối với chúng tôi lẫn lộn giữa nể sợ, oán ghét và nhạo báng. Họ cho chúng tôi ba tên gọi: Cọp, Hùm, Hổ và nhiều biệt danh như Ông Ba Mươi, Chúa Tể Sơn Lâm v.v. Họ có nhiều cụm từ nhức nhối dựa vào hình ảnh của Hùm tộc như:

Dữ như Cọp cái; Dữ như Cọp;

Ăn như Hùm như Hổ;

Sợ Cọp chớ ai sợ cứt Cọp;

Hùm chết để da người ta chết để tiếng;

Cọp dữ không nỡ ăn con;

Cọp lẻ không cự Cáo bầy;

Rừng nào Cọp nấy,

Làm Hùm làm Hổ;

Hổ phụ sinh Hổ tử,

Hổ phụ sinh Khuyển tử,

Dưỡng Hổ di họa;

Không vào Hổ huyệt làm sao bắt Cọp con;

Hổ Lang (Cọp và Chó Sói – Đương cơn cha mắc tai nàn, Dương Hương ra sức Hổ Lang chạy dài) v.v.

Chọc chi Lang Sói, Hùm Beo.

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.

Hổ tử lưu bì, Nhân tử lưu danh.

Hổ tử hùng tâm tại.

Hổ ngạ phùng nhân thực, Nhân cùng khởi đạo tâm.

Hổ lạc bình dương bị Khuyến khi.

Họa Hổ, họa bì, nan họa cốt, Tri nhân, tri diện bất tri tâm.

Trong khoa phong thuỷ có thế đất Hổ trục quần Dương (Cọp đuổi bầy Dê) được xem là thế đất tốt về lợi lộc và quyền uy.

Ông Hoàng Hoa Thám (Đề Thám; Trương Văn Thám) lập chiến khu kháng Pháp ở Yên Thế, Bắc Giang, vào cuối thế kỷ XIX, được gọi là Hùm Thiêng Yên Thế.

Trong thực vật học có vài loại cây cỏ mang chữ Cọp, Hổ, Tiger như sau:

****

Thưa quí vị, loài người càng ngày càng đông đảo. Văn minh của loài người đạt đến đỉnh cao. Máy móc thay thế con người và các động vật như Trâu, Bò, Voi, Ngựa. Máy móc thay thế con người trong các nhà máy. Người ngày càng đông đảo mà không có việc làm, không có đất cày cấy. Rừng núi được khai quang để lập thành phố, khu kỹ nghệ, đình, chùa, nhà thờ, nghĩa địa, bến xe, đường sá v.v.. Động vật chúng ta mất đất sống, không có thức ăn phải đói rét cơ hàn. Khoai củ không có. Cỏ cũng không đủ để ăn. Trâu, Bò, Ngựa, Voi không còn hữu dụng như xưa. Loài người có máy cày, máy xới, xe truck nên Bò, Trâu, Voi, Ngựa mất đi sự quan trọng của mình trong việc giao thông, chuyển vận. Hùm tộc chúng tôi không còn dũng mãnh trước súng ống, lựu đạn của loài người. Nhiều động vật bị xóa tên trong danh sách động vật trong những ngày sắp tới. Động vật nào cung cấp thịt cho loài người như Bò, Trâu, Heo, Gà, Vịt, Ngỗng, Thỏ được giam cầm trong các trại chăn nuôi chờ ngày đưa đến các lò sát sinh. Trước kia loài người không ăn thịt Ngựa. Bây giờ ở Âu Châu họ bắt đầu thưởng thức Mã nhục. Những động vật to lớn và không hữu ích nhiều cho loài người càng lúc càng ít dần. Voi mất ngà; Tê Giác mất sừng; Hà Mã mất răng!! Trước mắt loài người cướp đất sống của Hùm tộc, cướp mạng sống của chúng tôi để lấy da, xương cốt và các bộ phận trong cơ thể chúng tôi để ăn cho được cường dương như họ tin tưởng. Không bao lâu nữa các sở thú của loài người ở các thành phố sẽ là những chiếc thuyền Noé khổng lồ giữ các giống động vật trên mặt địa cầu. Đó là viễn ảnh tương lai của muôn loài động vật trên Địa Cầu.

Trân trọng kính chào toàn thể quí vị. Xin quí vị trút bỏ những âu lo chưa thấy để thưởng thức bản Một Ngày Không Có Hổ Trong Rừng Xanh do một nhạc sĩ Hùm tộc Đông Dương sống ẩn dật trên dãy Trường Sơn sáng tác và do ban nhạc Siberian Tiger hòa tấu. Mời toàn thể quí vị thưởng thức.

Bengali Tiger Sr., đại diện Hùm tộc thế giới.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

____________________

Chú thích: (1) TCHYA là bút liệu của văn sĩ Đái Đức Tuấn. Có người cho rằng TCHYA là Tôi Chẳng Yêu Ai. Có người là nói ngược lại rằng TCHYA là Tôi Chỉ Yêu Anh.

 

 

 

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/humtoctamsu.htm


Cái Đình - 2020