Phạm Đình Lân


Dế và thân thuộc

 

Đại diện cho các tộc Dế thuộc đại gia đình GryllidaeRhaphidophoridae là một lão Dế Than, cựu vô địch Dế Đá Quốc Tế năm N. Trước khi lão đọc bài tham luận về đại gia đình GryllidaeRhaphidophoridae, ban nhạc Dế trình diễn bản Khúc Dạ Hành Tất Suất Quân một cách xuất sắc. Lão Dế Than tỏ ra hài lòng về sự trình diễn xuất sắc của giàn nhạc Dế. Lão xem đó là niềm danh dự và niềm tự hào của lão đính chánh lại thái độ xem thường và khinh miệt của loài người đối với dòng tộc của lão khi xem họ là côn trùng, trùn dế thấp bé trong vũ trụ to lớn này. Lão Dế Than nhe càng và gáy to vài tiếng rồi nhảy phóng lên bục dành cho đại diện các tộc động vật báo cáo về tộc mình.

Dưới đây là nguyên văn bài báo cáo của lão Dế Than.

****

Tôi là trưởng lão Dế Than, cựu vô địch trong giải Đá Dế Quốc Tế năm N. Hôm nay tôi hân hạnh hiện diện tại đây để trình bày cùng quí vị về dòng họ Dế tức Tất Suất của chúng tôi. Đại diện Gà, Vịt, Nhện, Rùa, Cắc Kè, Ếch, Nhái, Kỳ Nhông, Kỳ Đà... không xa lạ gì với chúng tôi vì thân thuộc các vị ấy ăn dòng họ Dế chúng tôi rất nhiều. Như các tộc động vật khác, loài người lúc nào cũng là kẻ thù đáng sợ của muôn loài động vật có xương sống, không có xương sống, có máu đỏ hay không có máu đỏ, sinh con hay sinh trứng.

Loài người liệt chúng tôi là côn trùng có cánh. Cánh chúng tôi có hai lớp. Nó giúp chúng tôi bay và gáy. Chúng tôi dài lối 2 - 3 cm; đầu cứng và đen bóng với hai sợi ăng-ten dài như hai sợi râu dùng để đánh hơi. Cuối thân hình chúng tôi có hai lông đuôi. Chúng tôi có hai cặp chân trước và một cặp chân sau dài và mạnh. Chân nào cũng có gai. Gai dài, nhọn và bén nằm ở cặp chân sau. Miệng chúng tôi có hai càng. Đó là võ khí cá nhân của chúng tôi để đánh nhau với đồng loại và để dọa kẻ yếu, để biến kẻ yếu thành mồi ăn thịt của mình.

Dế nam phân biệt với Dế nữ qua hình dáng to lớn, hai chân sau to, áo quần màu đen hay vàng-đỏ sậm và gợn sóng trong khi áo quần các chị Dế láng mướt, màu sắc không đậm đà. Các anh Dế gáy trong khi các chị Dế không biết gáy. Tiếng gáy của các anh Dế như sự minh định lãnh phận của mình, một biểu hiện của sức mạnh nam phái và một lời khêu gợi tình yêu đối với các nữ Tất Suất.

Dế đẻ trứng. Mỗi chị Dế sinh từ 50 đến 100 trứng. Trứng nở sau 02 hay 03 tuần. Có khi các anh Dế chết sau khi giao tình. Tất Suất tộc chúng tôi được xem là loài côn trùng hung ác vì Dế lớn ăn thịt Dế con! Dế con được xem là trưởng thành khi lên 09 - 10 tuần tuổi. Đó là tuổi yêu đương của các nam, nữ thiếu niên dòng Tất Suất. Họ sống thêm lối 03 tháng sau khi trưởng thành.

Thức ăn của dế là cỏ non, giá đậu, rau cải, mầm non cây, xác chết thối rữa của các động vật khác. Đặc điểm của dòng tộc chúng tôi là:

– Thích ve vãn và giao tình với các nữ Tất Suất. Các anh Dế khua cánh chắc mái là cách gợi tình với các chị Dế. Người ta tính các anh Dế có thể chắc mái 42.000 lần trong 04 tiếng đồng hồ liên tiếp. Vì tranh giành người yêu các anh thường đấm đá nhau đến chết hay tàn phế trọn đời.

– Thích đấu đá lẫn nhau khi lớn lên trong bầy hay sau khi bị loài người bắt bỏ trong giỏ và lớn tiếng gây gỗ, cấu xé nhau rồi đánh đập ầm lên trong giỏ ngục.

–  Cắn phá các mầm non của lúa hay đậu gây thất mùa và nạn đói cho loài người. Kinh nghiệm của nông dân Việt Nam cho thấy những năm xuất hiện nhiều Dế Cơm là những năm thất mùa lúa. Dế, Cào Cào, Châu Chấu đều phá hại mùa màng như nhau.

Người Việt Nam phân biệt các loại Dế khác nhau căn cứ vào màu sắc, hình dáng như sau:

Dế Than đực (trái) và Dế Lửa mái (phải)

1. Dế đá gồm có: Dế Than (màu đen), Dế Lửa ( màu vàng-đỏ), Dế Út Tiêu (nhỏ con nhưng gáy lớn tiếng và hung hăng khi đấu đá). Chỉ có Dế đá gáy mạnh mẽ mà thôi.

2. Dế Cơm là Dế to con, hai chân sau to, mạnh và đầy gai; cánh ngắn; bụng to và nhiều thịt.

3. Dế mọi là Dế nhỏ, không cánh, mình có sọc ngang màu đen. Dế này thường thấy trong nhà, trong các kẹt, hốc tối tăm.

4. Dế Trục: Dế Than và Dế Lửa cụt đuôi.

5. Dế Chó: Dế nhỏ con, mình nhỏ, tiếng gáy yếu ớt.

Dế Cơm (trái) và Dế Chó (phải)

Các nhà động vật học chia ra làm ba loại dế:

a. Dế đồng thuộc giống Gryllus như Gryllus assimilis, Gryllus bimaculatus thuộc gia đình Gryllidae. Dế đá thuộc loại Dế đồng (Field cricket).

b. Dế ở trong nhà (House cricket) là những con dế nhỏ, cánh ngắn thường được bắt làm mồi câu cá. Tên khoa học của Dế nhà là Achela domestica.

c. Dế hang động: Người Anh gọi là Dế Lạc Đà (camel cricket) vì loại Dế này không có cánh; lưng nhô lên như lưng Lạc Đà. Dế sống trong hang, các hốc đá. Họ sống bằng rong rêu, cây mục, rễ cây, cỏ non, xác thú chết rã rục. Ở Tân Tây Lan có loại Dế hang động rất to gọi là Dế Weta (hang Weta Auckland, Tân Tây Lan). Dế Weta mang tên khoa học Gymnoplectron acanthocera thuộc gia đình Rhaphidophoridae. Dế to, có thể dài đến 10 cm và cân nặng 75 grams. Dế có sáu chân dài nhất là cặp chân sau rất dài và có nhiều gai. Hai sợi râu trên đầu dài 5 - 6 cm. Đuôi dài 3 - 4 cm. Loại Dế Weta không có cánh; thân hình nhiều thịt; lưng gồ lên. Trên lưng có nhiều lằn rằn màu đen.

Dế Lạc Đà (trái) và Dế hang động Weta ở Tân Tây Lan (phải)

Tên thường gọi của Dế hay Tất Suất là:

Anh

Pháp

Việt Nam

Trung Hoa

Cricket

Grillon

Dế

Xi shuai (Tất Suất) (1)

(1) Do dược sĩ Lâm Thị Phương, Úc Đại Lợi, phiên âm phù hợp với Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn

Một thân thuộc khá xa của tộc Dế chúng tôi là anh chị Dế Nhủi. Ngoại hình chúng tôi trông bặm trợn vậy mà các anh chị Dế Nhủi còn dữ dằn hơn chúng tôi nhiều. Anh chị không mập nhưng có da, có thịt. Hai cánh quá ngắn so với thân hình dài. 30% chiều dài của thân hình là cái đầu với hai sợi râu và hai cái càng sắc bén. Các anh chị Dế Nhủi cũng có 03 cặp chân đầy gai. Như chân Dế tộc chúng tôi, hai chân sau dài và mạnh. Hai cặp chân trước ngắn hơn. Chân nào cũng có gai. Anh chị Dế Nhủi không biết bay cũng không nhảy mà chỉ bổ nhủi đầu về phía trước trông có vẻ chậm chạp lắm. Thế nhưng các anh ấy phá hoại mùa màng của loài người rất đáng kể. Tên khoa học của anh chị Dế Nhủi là Scapteriscus abbreviatus thuộc gia đình Gryllotalpidae. Tên thường gọi:

Anh

Pháp

Việt Nam

earth crab

taupe grillon

Dế Nhủi

mole cricket

Dế nhà (trái) và Dế nhủi (phải)

 

Chúng tôi là loài côn trùng. Số kiếp chúng tôi không làm mồi cho Điểu tộc, Gà, Vịt, Nhện, Ếch, Nhái, Cóc, bọn Bò Sát độc hiểm thì cũng bị loài người bắt làm mồi câu Cá. Mấy anh chị Cá vì ham ăn thân xác chúng tôi nên bị loại người bắt bỏ vào giỏ, thiếu nước nằm thở hơi lên chờ chết ngột ngạt trước khi bị loài người cầm dao lóc da, cạo vảy, xẻo thịt cho vào nồi nấu nước sôi 200 - 300 độ lại còn đổ dầu mỡ, sả, ớt lên thịt của các anh chị Cá hảo ăn thân xác chúng tôi. Đây là trường hợp mấy anh chị Dế nhà (House cricket). Có khi các anh chị ấy bị Thằn Lằn (Bích Hổ), Chuột, Cắc Kè ăn thịt không thương tiếc.

Các anh chị Dế Cơm to lớn, đôi chân sau đạp, đá rất mạnh nên phá hại lúa của loài người rất nhiều. Loài người bắt các anh chị Dế Cơm, chặt đầu, chặt chân, cắt cánh, nhét hột đậu phọng vào bụng anh chị rồi lăn bột nêm mặn vừa ăn rồi đem chiên. Việc ăn Dế, Cào Cào đã có từ xưa trong cộng đồng nhân loại. Môi trường sống của chúng tôi sạch sẽ, hợp vệ sinh. Sự nghiên cứu về chất dinh dưỡng trong thịt của chúng tôi trở thành một đe dọa lớn lao cho an ninh dòng họ Dế chúng tôi trong một tương lai không xa. Theo sự phân tách chất dinh dưỡng trong thịt Dế chúng tôi người ta đưa ra kết quả như sau: 100 grams thịt Dế có 121 calories, 12,9 gr protein, 5,5 gr chất béo, 75,8 mg Ca, 185,3 mg phosphorus, 9,5 mg sắt, 0,36 mg thianmin, 1,09 mg riboflavin, 3,10 mg niacin.

Quí vị nghĩ xem, chúng tôi ở trong hang ẩm và đượm mùi đất vậy mà không bị phong thấp chi cả. Trái lại chúng tôi bay nhảy mạnh dạn. Loài người bắt dòng họ chúng tôi, chặt đầu, chặt chân, cắt cánh rồi lăn bột chiên xào. Ăn xong họ than đau bụng, rêm mình!

Dế đá chúng tôi là Dế đồng thuộc dòng Gryllus. Trẻ nít Việt Nam đi lùng bắt các anh Dế sống cơ hàn dưới các đống rơm rã rục hay dây đậu phọng. Họ chê các anh này đấu đá kém, sức mạnh không đầy đủ, sự chiến đấu không bền bỉ vì cuộc sống không gặp khó khăn hay thử thách nào đáng kể. Họ quí các anh chị Dế đồng dũng sĩ hắc y hay hoàng y sống dưới hang sâu cùng với Rắn Lục, Rắn Hổ để quen dần với nọc độc của các anh chị họ Xà. Đó là lý luận của trẻ nít Việt Nam dày công vác cuốc đi lùng bắt và phá vỡ sào huyệt ẩn náu của các thân thuộc chúng tôi. Họ bắt các nam nữ Dế đồng giam trong một cái giỏ bằng tre thiếu ánh sáng và không khí. Về nhà họ thả các chị cho Gà ăn! Các chị Dế tìm cách thoát chạy nhưng vô ích trước mỏ nhọn của bọn Kê tộc nuốt sống các chị vào bụng với tất cả sự vui mừng của chúng.

Các anh Dế đồng được nhốt trong cái lỗ hay trong cái hộp quẹt chật hẹp đến nỗi các anh ấy nằm sát dưới đáy hộp quẹt mà đỉnh đầu cũng còn đụng trần hộp quẹt. Phần ăn của mỗi anh Dế đá là một cọng giá đậu xanh vừa nảy mầm. Vì bản chất đào hoa các anh không ngừng chắc mái suốt đêm thâu. Loài người biến Dế chúng tôi thành những võ sĩ côn trùng nhỏ bé như một trò thể thao, giải trí và cờ bạc. Họ cô lập các võ sĩ Dế đá với các chị Dế. Thực sự Dế tù không có phái nữ vì tất cả các chị đều được dùng làm chất dinh dưỡng cho bọn Gà, Vịt sau khi bị bắt.

Dế đá mặc hai màu áo: đen hay vàng-đỏ. Mỗi anh Dế võ sĩ thường mang một khăn vàng hay đen trên cổ. Trẻ nít Việt Nam có những nhận xét về Dế đá như sau:

–  Dế đá bắt dưới hang đá hay hơn Dế đá bắt trong các đống rơm hay đống dây đậu xanh, đậu đen v.v... Đây là cách đánh giá qua môi trường sống.
–  Dế đá hay là Dế có đôi chân sau mạnh, càng to khả dĩ làm cho đối thủ ê càng hay gãy cẳng. Đôi chân mạnh có tác dụng hất ngã đối thủ để kết thúc cuộc đấu trong thời gian ngắn nhất.
–  Dế nhe càng sát mặt phẳng của đấu trường là dế có thế đánh hữu hiệu.
–  Dế có tiếng gáy to và mạnh áp đảo tinh thần của đối phương.

Đối với trẻ nít không có nhiều phương tiện, đấu trường của cặp Dế đá là cái hộp vuông bằng cạt-tông khoảng 20 cm mỗi cạnh hay một cái khay trầu cau vuông 25 cm x 25 cm. Người ta dùng cây ráy để khiêu khích hai võ sĩ Dế. Cây ráy làm bằng cây có kích thước của cây chân nhang. Một đầu của cây ráy có một miếng hắc ín để dán hai sợi tóc cắt ngắn. Đôi khi người ta thay thế miếng hắc ín và hai sợi tóc cắt ngắn bằng cái đầu có hai râu của một anh Dế đã thua để khiêu khích tính hiếu chiến của hai võ sĩ Dế. Dế thắng trận gáy te te như nói lên sức mạnh vô địch của mình tựa hồ như kẻ bất bại khả dĩ đánh bại bất cứ đối thủ nào dù to lớn đến đâu và xuất phát từ các hốc đá Tây Tạng hay Hi Mã Lạp Sơn. Dế thua vừa chạy vừa gáy yếu ớt. Người ta ngắt đầu Dế thua như trừng phạt anh ta làm mất danh dự của người chủ trẻ của anh ta. Bạc bẽo hơn, người ta liệng anh Dế thua trận cho Gà, Vịt ăn. Cay đắng và nhục nhã hơn nữa, trẻ nít Việt Nam đặt cây ráy sau ót Dế bại trận rồi phun nước miếng vào mặt anh ấy để làm cho anh ấy tỉnh hay điên cuồng rồi bắt anh phải tiếp tục ra đấu trường! Dế ê càng vẫn không được tha. Tôi từng được tuyên dương Vô Địch Dế Đá năm N. Bây giờ già rồi tôi vừa hổ thẹn vừa hối hận với cái chức vô địch này. Muốn có chức này tôi phải cắn đầu, bẻ cổ đồng loại của tôi. Đối thủ của tôi hoặc chết, hoặc tàn phế, hoặc bị hạ nhục, hoặc bị chủ ngắt đầu, hoặc cho vào bụng Gà, Vịt. Cái chức vô địch của tôi có nghĩa gì nhỉ? Giết đồng loại hay làm khổ đồng loại để được danh hiệu vô địch?

Quí vị đừng tưởng đá Dế là trò chơi của trẻ nít hay người bình dân. Đá Dế có lịch sử 2000 năm ở Trung Hoa. Đây là một quốc gia nông nghiệp lâu đời. Người Trung Hoa xem tiếng gáy của con Dế là biểu tượng của sinh lực, sức sống mạnh. Đó là tiếng báo thức nông dân bắt đầu việc cày bừa vào mùa Xuân. Tiếng gáy bằng đôi cánh của Dế trở thành một điệu nhạc Dế dễ thương. Việc đá Dế trở nên thịnh hành dưới triều nhà Tống (Song) ở Trung Hoa. Tương truyền rằng Tể Tướng Jia Shidao (1213 - 1275) bị khiển trách vì không lo quốc sự mà chỉ lo đá Dế. Hoàng đế Ming Xuân Zong (1427 - 1464) say mê đá Dế. Trong phim The Last Emperor hoàng đế cuối cùng của nhà Qing (Thanh) là Pu Yi (Phổ Nghi) rất thích đá Dế. Vào thế kỷ XXI việc đá Dế vẫn còn thịnh hành trên lục địa Trung Hoa. Người ta nuôi Dế để bán. Giá mỗi con Dế xê dịch từ 1,5 Mỹ kim đến 10 Mỹ kim một con. Việc đá Dế không phải là trò chơi của trẻ nít mà là thú vui, giải trí và cờ bạc của người Trung Hoa ngày nay. Năm 2004 anh Dế Than càng đỏ đoạt giải Vô Địch Đá Dế trên lục địa Trung Hoa. Ở Indonesia và Việt Nam việc đá Dế vẫn còn thịnh hành và có cơ hội tiến đến việc thành lập HỘI NHỮNG NGƯỜI ĐÁ DẾ hay HỘI NHỮNG NGƯỜI NUÔI DẾ.

Người Trung Hoa và dân trên đảo Barbados tin rằng tiếng gáy của Dế mang lại tiền bạc và sự may mắn.

Loài người có tư tưởng lộn xộn không rõ ràng về các anh chị Dế trong nhà. Có người cho rằng đuổi Dế trong nhà tức là xô đuổi sự may mắn. Có người cho rằng Dế nhà không gáy là sự xui xẻo tang tóc. Ở Zambia, Phía Châu, người ta tin rằng Dế Gryllotapha africanus mang lại sự may mắn và sự nghiệp.

Trong Cựu Ước Kinh phần Leviticus 11: 20 - 23 (Lê Vy Ký) minh định các loại côn trùng có cánh đều dơ bẩn không ăn được. Nhưng côn trùng có cánh và biết phóng nhảy như Cào Cào, Châu Chấu, Dế đều ăn được.

Cricket là Dế. Đó cũng là một bộ môn thể thao của người Anh được các dân tộc cựu thuộc địa Anh ưa thích.

Trong tiếng Pháp Cri cri là Dế Mèn. Ở Hoa Kỳ có các ban nhạc Cri Cri Songs về các động vật dành cho nhi đồng. Có một loại phi cơ mà người Việt Nam gọi là máy bay bù xè được gọi là Cri Cri Plane (Phi Cơ Dế Mèn). Trong bài ca Thằng Cuội của Lê Thương có câu:

Có con Dế mèn
Suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền
nên nghèo xác xơ.

Ca dao Việt Nam nói về Dế và Dế Nhủi như sau:

Cảm thương con dế ở hang,
Nắng mưa chẳng nại,
Cơ hàn quản bao.
Đêm nằm giấc ngủ không an,
Trách con Dế Nhủi kêu vang ngoài thành.

Một nhà văn Việt Nam, Tô Hoài, viết Dế Mèn Phiêu Lưu Ký sống động và duyên dáng. Tựa đề này tạo cảm hứng cho một nhạc sĩ Dế Mèn sáng tác bản Khúc Dạ Hành Tất Suất Quân. Bản nhạc này được Thế Giới Động Vật Kháng Nhân Loại nhiệt liệt khen thưởng. Sự cống hiến công sức của dòng Gryllus trong việc gây đói cho loài người rất cao. Vì vậy loài người tức giận khi bắt được chúng tôi. Không tôn giáo nào khuyên họ khoan hồng, rộng lượng được cả. Họ chặt đầu, chặt chân, lột cánh, lăn bột và bỏ vào chảo dầu sôi cho đến khi chín vàng mới hả dạ.

Lão La Fontaine có bài ngụ ngôn La Fourmi et La Sauterelle (Con Kiến và Con Cào Cào) nhưng lão không đề cập đến dòng họ Tất Suất của chúng tôi. Mà thôi! Lão ấy mà nói thì sinh phiền. Lão bắt chước lão Aesop của Hy Lạp đa sự với động vật chúng ta. Hai lão này gây chia rẽ động vật chúng ta dữ lắm. Hai lão khen Kiến biết phòng xa và chê Ve, Cào Cào ham hưởng thụ và lười lao động. Lão La Fontaine hết lời hạ nhục chúa tể sơn lâm bị nằm trong lưới phải nhờ thằng Chuột Lắt cắn lưới cứu cho. Vậy mà là chúa sơn lâm! Nhưng lão cũng có lý vì:

Parfois on a besoin du plus petit que soi.
(Đôi khi người ta cũng cần đến kẻ nhỏ hơn mình).

Ở Nhật có đền Suzumushi-Dera (Tất Suất Tự hay Đền Chuông Dế) nằm về phía tây cựu đế kinh Kyoto. Khởi thủy đó là Phật Tự Kegonji xây vào năm 1723. Suzumushi-Dera (Tất Suất Tự) nằm trên núi được bao quanh một một rừng tre thơ mộng. Đền có một phòng riêng dành cho dòng Gryllus của chúng tôi. Tiếng nhạc Dế gần như thường xuyên trong đền như tiếng chuông chùa. Vì vậy mới có tên gọi Đền Chuông Dế.

Đền Chuông Dế Suzumushi Dera

Văn minh loài người luân chuyển theo vòng tròn.

Vào thời ăn lông ở lỗ người ta gặp gì ăn nấy thậm chí ăn sống chớ không nấu nướng chi cả vì chưa biết tạo ra lửa. Dần dần đời sống tinh thần và vật chất của con người được cải thiện hơn. Từ đó họ bắt đầu khinh khi những người ăn trùn, dế, ốc sên và một số thức ăn hạ đẳng khác.

Vào thế kỷ XXI văn minh nhân loại lên đến đỉnh cao. Thế nhưng việc ăn côn trùng (entomophagy) không có gì mới lạ, kỳ dị nữa. Côn trùng chiên, nướng được bán khắp các nước Á Châu, Phi Châu, Trung và Nam Mỹ. Việc nuôi Dế để bán thịt được phổ biến khắp năm châu kể cả Pháp, Canada và Hoa Kỳ. Nhân loại tập quen dần với việc ăn côn trùng để có chất dinh dưỡng khi Trái Đất sắp phải chứa 9 tỷ người vào giữa thế kỷ XXI. Hiện nay bột thịt Dế đã được tung ra thị trường. Nó trở thành một loại thức ăn bổ dưỡng và đắt tiền. Người ta đang nghĩ đến hamburger bằng bột thịt Dế trong những năm sắp tới. Trong việc cung cấp nguồn dinh dưỡng này các anh chị Gryllus campestris, Gryllus assimilis, Gryllus bimaculatus, Acheta domestica, Gymnoplecton acanthocera sẽ được đưa vào các trại chăn nuôi Dế vĩ đại khắp năm châu. Lúc ấy Dế chiên bán ở Việt Nam, Cambodia, Indonesia và các nước Nam Mỹ sẽ lên giá vì nó trở thành món ăn khai vị cao cấp ở các nhà hàng Âu, Á, Phi, Mỹ và Đại Dương Châu.

Trước khi chấm dứt bài tham luận tôi xin thành thật xin lỗi và chia buồn với các chị Dế, vợ của các võ sĩ Dế bị tôi giết chết hay gây tàn phế. Tôi xin từ bỏ chức Vô Địch Dế Đá Hoàn Vũ để sống cuộc đời ẩn dật ở vùng Địa Trung Hải nắng ấm.

Lão Bối Hắc Tất Suất, bí danh Grillon Noir.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2016