Lê Ngọc Vân


Đằng sau con virus gây bệnh COVID-2019

 

Virus Influenza gây bệnh cúm mùa, phóng lớn 100.000 lần – Và virus corona SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhìn qua kính hiển vi điện tử (wikipedia)

Những tháng đầu của năm 2020 được đánh dấu bằng “trận chiến” đối đầu với con virus Vũ-Hán, làm cả thế giới lên cơn sốt. Hình ảnh các nhân viên y tế phòng dịch mặc đồ bảo hộ trùm kín người, cảnh sát chăng dây canh gác, còn người đi ngoài đường mang khẩu trang, đường phố thì vắng tanh… xuất hiện mỗi ngày trên truyền hình. Mọi người kinh hoàng như sắp tới ngày tận thế. Trên bản đồ thế giới, vùng tô màu đỏ lan dần ra, khởi đầu từ thành phố Vũ Hán, mỗi ngày lấn thêm một chút. Nếu không có lời chú giải, chắc có người tưởng lầm là Trung Cộng đang tiến hành chiến tranh xâm lược toàn cầu!

Trận chiến chống cúm lần này mang vẻ khẩn trương như trận chiến chống bệnh Ebola, nhưng ảnh hưởng của nó khủng khiếp hơn nhiều, vì xảy ra trên một diện rộng. Vì sao thế?

Sơ lược về bệnh cúm:

Cúm không phải là bệnh lạ. Nhưng cho tới nay, chưa có thuốc nào chữa cúm có hiệu quả, ngoài thuốc FI6 được phát minh ra từ năm 2011 mà người ta đang hy vọng chứng minh được tác dụng của nó. Trong đại đa số trường hợp, người bị cúm sẽ qua khỏi và bình phục. Tuy nhiên, cúm sinh ra nhiều biến chứng, và người bệnh chết vì những biến chứng này. Khả năng sống sót tùy thuộc vào độ nhiễm và sức đề kháng của con người. Do đó, khi bị cúm, bệnh nhân thường được cho những thuốc giảm đau, giảm sốt, tăng sức đề kháng v.v.. Hàng năm, tới mùa cúm, bệnh cúm mùa do siêu vi Influenza týp A, B và C gây nên đã làm nhiều người thiệt mạng do các biến chứng, nhiều nhất là sưng phổi. Do tính phức tạp của vấn đề, không thể nào biết được chính xác con số tử vong có liên quan đến cúm Influenza. Trong một thống kê rộng lớn đăng trên tạp chí y khoa Lancet năm 2018, con số được ước lượng hàng năm giao động trong khoảng 291.000 – 645.000 ca tử vong do cúm mùa (Influenza) trên toàn thế giới.

Đi sâu vào ngành vi trùng, tên siêu vi (virus) cúm được ghi bằng mã số, thí dụ như cúm Influenza gồm có những chủng mang mã số với 2 chữ H và N, mỗi chữ có kèm theo một con số, bởi vì virus có khả năng đột biến thành con virus hơi khác một chút (tương tự như vi khuẩn, có thể biến đổi cấu trúc một chút để làm thuốc bớt, hoặc mất tác dụng, mà ta gọi là lờn thuốc). Thí dụ dịch cúm năm 2009 (cúm heo) là do virus cúm có mã số H1N1. Dịch cúm gia cầm (cúm chim) năm 2008 là do virus cúm có mã số H5N1 (369 trường hợp nhiễm với 234 người chết) v.v..

Ngoài loại virus cúm Influenza này, người ta còn biết đến các loại virus khác, thí dụ như Rhinovirus gây bệnh cảm lạnh, Enterovirus gây bệnh “Tay-chân-miệng” ở trẻ em, Morbivirus gây bệnh sởi…, và đương nhiên virus Corona đang làm cả thế giới lên cơn sốt. Người ta đã tìm ra hơn 2000 loại virus khác nhau, rất may chỉ có rất ít loại virus được biết là gây hại cho cơ thể con người.

Coronavirus khác các virus khác?

Coronavirus là tên chung chỉ một dòng virus riêng, cũng như Influenza virus là tên chung của dòng virus trong đó có hàng chục con mang mã số khác nhau. Các con Coronavirus cũng có những mã số riêng, thường có chữ CoV trong tên. Năm 2003, trận dịch do virus SARS-CoV, với điểm xuất phát ở Quảng Đông đã gây nhiễm hơn 8000 người trên 26 quốc gia, với gần 800 ca tử vong. Virus cúm corona lần này, xuất phát từ thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, mang mã số SARS-CoV-2. Ban đầu, tên thông dụng được dùng là Virus Vũ Hán, nhưng muốn tránh sự kỳ thị, WHO đã quyết định đặt tên cho bịnh gây ra do virus cúm này là COVID-19.

Triệu chứng của bệnh cúm khác bệnh cảm rõ nhất ở chỗ người mắc bệnh cúm bị sốt cao (trên 38,0°C hay 100,4°F) và đau nhức bắp thịt. Ngoài ra, người nhiễm cúm thường bị viêm họng và ho khan hoặc khó thở, những triệu chứng này cũng đôi khi gặp ở người bị cảm lạnh khi người đó bị thêm chứng viêm họng. Muốn biết rõ hơn là cúm do virus nào thì phải có những xét nghiệm phụ, bằng những phương pháp phức tạp thực hiện trên các mẫu chất dịch lấy trong mũi, miệng hoặc trong máu. Hiện tại, phương pháp xét nghiệm nhanh trong trường hợp virus corona thường được áp dụng là RT-PCR-test (Reverse Transcription - Polymerase Chain Reaction Test), nó cho biết người đó có nhiễm virus không. Muốn hiểu rõ hơn, phải làm thêm xét nghiệm đo kháng thể IgG và IgM trong máu, một phương pháp phức tạp hơn, mắc tiền hơn và tốn thời gian hơn. Và có thể kết hợp thêm làm CT-scan lồng ngực hay chụp hình phổi. Cũng như ở bệnh cúm mùa, hiện nay chưa có thuốc nào để ngừa, hoặc để chữa COVID-19. Các trung tâm nghiên cứu dược phẩm trên toàn thế giới đang chạy đua để tìm ra cách đối phó, qua nhiều ngã khác nhau, nhưng có lẽ phải mất vài năm mới cho ra kết quả cuối cùng.

Bệnh COVID-19 khác bệnh cúm mùa ở một số điểm:

Nhiều virus cúm gây bệnh ở loài vật, như ở các loại dơi, chuột sóc, chim chóc, gia cầm. Thường thì virus chỉ nhiễm bệnh cho một số loài vật nào đó, nhưng virus chủng này có thể đột biến thành chủng khác hoặc biến đổi cấu trúc để có thể lây lan cho người. Lý do vì sao lại có hiện tượng này vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Thú vật và con người sống sát cạnh nhau với số đông làm tăng khả năng đột biến và làm cho sự lây lan trở nên phức tạp. Hiện nay một trại chăn nuôi có thể nuôi hàng chục ngàn tới hàng trăm ngàn con thú (heo, gà v.v.) trong một khoảng không gian chật hẹp. 55% nhân loại hiện nay sống chen chúc tại các thành phố, so với 35% của 50 năm trước. Con người sống càng ngày càng có vệ sinh hơn, cộng thêm cách ăn uống thay đổi làm cho sức đề kháng của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh cũng bị ảnh hưởng theo. Đó là lý do vì sao dường như nhân loại càng ngày càng phải đối mặt nhiều với nguy cơ dịch cúm bùng phát.

Một số trận dịch lớn trên thế giới do virus gây ra. Nguồn: al-Jazeera.

Biện pháp đối phó với COVID-19 của các quốc gia

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh nói chung, và chống virus corona lần này, các chính phủ phải xem xét tới ba vấn đề:

Do đó, tùy hoàn cảnh, mỗi chính phủ đã áp dụng những phương pháp khác nhau, tại nhiều thời điểm dường như chúng còn chỏi nhau. Dưới đây là một số thí dụ:

Bắc Triều Tiên là nước đầu tiên tự cô lập mình, đóng cửa biên giới, ngay cả đối với Trung Quốc. Không hẳn là vì họ coi trọng mạng sống con người, mà do quốc gia này từ trước tới nay khép kín, chỉ có giao tiếp ra bên ngoài (xuất khẩu lao động) cho nên đóng cửa biên giới là chuyện không khó khăn.

Trung Quốc, với bộ máy kiểm soát chặt chẽ từng hành động của người dân, và dám ban bố những biện pháp thật nghiệm ngặt chống lại các phong trào của quần chúng, đã có đủ điều kiện để cô lập Vũ Hán, và sau đó cả tỉnh Hồ Bắc. Hơn nữa, họ đã rút kinh nghiệm từ vụ cúm SARS lần trước và thấy là không có biện pháp nào thích hợp hơn là cô lập hoàn toàn một vùng, sau đó là lùng tìm những người bị mắc bệnh và cách ly họ hoàn toàn với xã hội. Với phương tiện theo dõi hiện đại, họ đã có thể kiểm soát từng cá nhân một trong sinh hoạt, giao tiếp với ai, đi đâu v.v.. Người dân Trung Quốc đại đa số sinh hoạt trong phạm vi thôn xóm nhỏ, không có nhu cầu tiêu thụ nhiều, có nhiều khả năng tự thích ứng với hoàn cảnh do sống trong chế độ cộng sản kềm kẹp, ít xê dịch, nếu có bị cấm cửa cũng không ảnh hưởng bao nhiêu đến sinh hoạt thường ngày. Tóm lại, khoanh vùng, cô lập gắt gao và kiểm soát chặt chẽ thông tin, chịu thiệt hại một vùng để cứu kinh tế cả nước và nhất là để giữ thể diện cho chính phủ trên con đường cố đạt tới địa vị siêu cường số 1 là chính sách tốt nhất.

Đài Loan có lẽ là nước hiểu rõ người anh em của mình hơn ai hết, họ có vẻ hoàn toàn không tin tưởng những thông tin phát ra từ lục địa, vì họ có những đường dây liên lạc riêng và có hẳn một cơ quan trung ương chuyên phân tích và tiên đoán tình hình dịch bệnh. Cho dù có gắn bó kinh tế mật thiết với đại lục, chính phủ đã lập tức đóng cửa biên giới với Trung Quốc, những người vừa từ Macau và Hongkong đến thì bị nhốt riêng và theo dõi, đồng thời thực hiện xét nghiệm tất cả những trường hợp nghi ngờ. Đây là cách an toàn nhất, và dễ thực hiện trên đảo quốc chưa có tới 25 triệu dân.

Hàn Quốc cũng theo cách tương tự, nhưng có phần nào rộng rãi hơn. Do kinh nghiệm sẵn có từ trận dịch SARS và đã chịu nhiều tai tiếng khi đó, Hàn Quốc lần này đã lập tức đẩy mạnh việc xét nghiệm rộng rãi trên toàn quốc. Tương tự Đài Loan, Hàn Quốc đã dồn mọi nỗ lực vào sản xuất các thiết bị bảo hộ như găng tay, khẩu trang, và nước rửa tay. Tóm lại, họ chọn phương pháp xét nghiệm toàn bộ và cách ly ngay những trường hợp nghi ngờ, trong một đất nước có được nhiều sự đồng thuận và hưởng ứng của toàn dân, và quan trọng nhất, với vị trí kinh tế cao trên thế giới, họ có đủ phương tiện thực hiện. Hàn Quốc đã cho thế giới một cái nhìn khác về con virus, sau khi làm xét nghiệm trên diện rộng ở 100.000 người bất kỳ, là số người bị nhiễm mà không có biểu hiệu gì là rất cao.

Trong khi đó, cách nửa vòng trái đất, Hoa Kỳ, quốc gia của những người chủ trương tiêu xài theo kiểu gối đầu (vay mượn để mua sắm rồi sẽ ra sức kiếm tiền trả lại để lại có thể vay tiếp) rất lo sợ trước viễn cảnh chu kỳ luân lưu tiền tệ thình lình bị ngưng trệ. Tất cả nền kinh tế của Hoa Kỳ trông cậy ở sự tin tưởng của dân chúng vào hệ thống tài chánh, biểu hiệu qua các chỉ số sàn chứng khoán. Sự luân lưu của đồng đô la, tức là nhịp sinh hoạt hàng ngày của Hoa Kỳ phải bằng mọi giá được bảo đảm. Không thể tưởng tượng nổi một nước Mỹ không còn Super Bowl và một Las Vegas với sòng bạc khóa cửa. Hoa Kỳ lại luôn tự hào ở khả năng gần như bất tận của quốc gia, óc sáng tạo đột phá trong những phát kiến mới lạ, và ở vị trí tương đối biệt lập. Xã hội Hoa Kỳ rất phức tạp, nhân viên làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao luôn nơm nớp lo sợ bị đuổi, mà mất việc đồng nghĩa với một đống bill không thể trả. Nhiều người ở lậu và không có bảo hiểm sức khỏe, còn chi phí y tế thì cao một cách vô lý, những người này chắc chắn sẽ dấu bệnh, làm cho công tác chặn đứng dịch lây lan mất hiệu quả rất nhiều. Sự chần chờ của Hoa Kỳ trong công tác đối phó dịch bệnh là điều dễ hiểu. Giữ vững các chỉ số giao dịch chứng khoán là trọng tâm hàng đầu, quan trọng hơn cả sinh mạng con người. Ngoài ra, Hoa Kỳ bị lâm vào cảnh trì trệ do thể chế dân chủ ở quốc gia này: các tiểu bang có nhiều quyền hơn liên bang (do tu chính án số 10 ban hành năm 1791 về việc giới hạn quyền lực của chính phủ liên bang). Các tuyên bố của chính phủ liên bang vì thế lắm khi thay đổi tùy tình hình và tùy đề nghị của chính phủ các tiểu bang.

Brazil là một quốc gia coi mạng người ít có giá trị. Tổng thống Bolsonaro nhất quyết bằng mọi giá trấn an dân chúng để cố tránh gây hoang mang, ông đổ tội cho các nước tư bản thổi phồng mọi chuyện, và so sánh COVID-19 với bệnh cúm mùa hàng năm. Theo ông, “việc ngừa lây lan là chính đáng và cần thiết, nhưng không nên để cho các biện pháp phòng ngừa cao hơn (có nghĩa là tốn tiền hơn) căn bệnh thực sự”.

Chính sách này cũng được thấy ở những quốc gia vùng Đông Nam Á và Nam Á châu; và ở vài quốc gia trong thế giới Hồi giáo. Những quốc gia này không có một mạng an sinh xã hội đủ bảo đảm cho người dân, đại đa số dân chúng phải dựa vào sự chăm sóc lẫn nhau trong gia đình. Một sự sụp đổ kinh tế sẽ là thảm họa của quốc gia. Vì thế, chúng ta có thể thấy rõ ràng sự do dự của Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan v.v.. Các quốc gia như Syria, Ai Cập, Lebanon… cố gắng duy trì sinh hoạt hàng ngày bằng cách xóa thông tin, thay đổi con số, bịt miệng những người đưa tin không theo đúng chính sách, đổ lỗi cho âm mưu của Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Và chính phủ các nước này luôn so sánh dịch corona lần này với dịch cúm mùa hàng năm để cố trấn an dân chúng.

Âu châu, nơi tự do của người dân được tôn trọng, và cũng vì tin vào sự ý thức của người dân, đã chịu – trong thời gian đầu – chấp nhận sự thiệt hại phần nào về nhân mạng để cố giữ cho đời sống và nền kinh tế ít bị xáo trộn, trong bối cảnh chật vật về kinh tế trong những năm gần đây. Nằm trong liên minh, nhưng mỗi nước có những biện pháp ngăn chặn lây lan một cách khác nhau tùy theo mức độ diễn biến của bệnh dịch. Thường là trong giai đoạn đầu dân chúng được thả lỏng, chỉ kêu gọi sự tự giác tránh giao tiếp. Đến khi tình hình trở nên nguy ngập, chính phủ sẽ xiết chặt từ từ các biện pháp. Tuy vậy, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng không còn đủ giường IC, bệnh viện phải bấm bụng chọn lựa tùy theo tình trạng sức khỏe. Ở Ý, Tây Ban Nha, Ecuador… và ngay cả ở New York các xe tải đông lạnh đã được sử dụng tạm để chứa tử thi. Từ các quốc gia Âu châu đã phát xuất ra ý tưởng “cho lây nhiễm cộng đồng” và “hạ thấp điểm nhiễm cực đại”, tức là dùng những biện pháp hạn chế tiếp xúc, với mục đích cho bệnh lây lan chậm trong vòng kiểm soát để ngành y tế có đủ thời gian và phương tiện lo liệu, trong thời gian đó số người đã tạo được kháng thể chống virus ngày càng tăng, đến một lúc nào đó (khi chỉ số lây nhiễm R0 xuống dưới 1: 1 người chỉ lây nhiễm cho dưới 1 người) dịch bệnh sẽ tự bị tiêu diệt.

Việt Nam, trong hoàn cảnh kinh tế ràng buộc chặt chẽ với Trung Quốc (năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các linh kiện điện tử, trong đó gần 14 tỉ từ Trung Quốc; nhập khẩu trên 23 tỉ USD bông, xơ, sợi, vải, phụ liệu da giầy, trong đó nhập từ Trung Quốc là trên 11 tỉ USD v.v.), và là xứ chuyên làm gia công, xã hội dựa nhiều vào hoạt động của các cơ sở có quy mô gia đình, đã không thể ban hành một biện pháp mạnh như tại Trung Quốc nếu không muốn thấy một sự sụp đổ kinh tế toàn diện. Việt Nam, trong thời gian đầu, tin tưởng là nếu Trung Quốc đã phong tỏa chặt chẽ Vũ Hán và Hồ Bắc thì coi như không còn mối lo nữa. Việt Nam đã cố gắng bày tỏ sự minh bạch trong những ngày đầu mà tránh dùng những phương pháp kiểm soát qua mạng điện thoại như các nước lân bang, bằng cách công bố rõ ràng trên các phương tiện truyền thông những bệnh nhân bị kết quả dương tính trong xét nghiệm COVID-19, nhưng biện pháp này đã mang lại tác dụng ngược là đời tư một số nhân vật đã bị moi móc một cách quá đáng.

Sau ba tháng, các quốc gia trên thế giới đã rút ra được một số quy luật chung:

Cho đến thời điểm hiện tại (04/04/2020) tình hình đã trở nên quá phức tạp, chỉ có một số ít người theo dõi sát thời cuộc biết rõ quốc gia nào có biện pháp nào, giới hạn tới đâu, để ngăn chặn nạn COVID-19 này. Nhưng nói chung mọi người đã ý thức được sự quan trọng. Người ta ít ra đường hơn, tạm ngừng du lịch hoặc bớt đến những nơi giải trí như công viên, bãi biển. Cửa tiệm, nhà hàng, khách sạn cũng thu hẹp, do sự ngưng lại của ngành du lịch. Hoa Kỳ đã dành ra hơn 2000 tỉ USD cứu nguy nền kinh tế, và EU dự trù sẽ chi tổng cộng hơn 3000 tỉ cho mục đích này, tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu. Các quốc gia nói chung đã thắt chặt dần các biện pháp cứng rắn hơn, như đóng cửa trường học, rạp hát, tiệm ăn, ngăn cấm sinh hoạt đông người v.v., nói chung nhắm vào mục đích giữ mọi người ở trong nhà càng nhiều càng tốt, và ngăn chặn tối đa nguy cơ lây lan do tiếp xúc. Cho đến nay (đầu tháng 4/2020), các nước đã cho áp dụng biện pháp cách ly, rồi gia hạn hoặc gia tăng biện pháp cách ly, tất cả mọi nơi chỉ có chiều hướng tăng sự khắt khe. Ở Pháp và Tây Ban Nha, ra đường phải xin phép. Vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt rất nặng, tới mấy ngàn đô la như ở vùng Lombardie (Ý) hoặc ở Singapore. Chỉ duy nhất Trung Quốc đã nới lỏng dần các biện pháp cách ly ở Vũ Hán và Hồ Bắc sau 2 tháng cấm cửa, và cả thế giới đang trông chờ sự diễn biến tại đây, và sau đó là Nhật Bản cũng đang tháo gỡ dần những bó buộc. Điều nghịch lý là đại đa số cho là Trung Quốc không trung thực trong báo cáo, nhưng họ vẫn trông vào số liệu của Bắc Kinh đưa ra, có lẽ vì không còn cái phao nào để bám?

Chuyện gì đã xảy ra liền ngay sau khi cả thế giới báo động dịch COVID-19 bùng phát:

1. Quá lệ thuộc vào Trung Quốc

Mọi người (dân thường) ngã ngửa khi phát giác là sản xuất bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trung Quốc có thể coi như đứng đầu thế giới về sản xuất phụ tùng xe hơi. Toyota, Nissan, Honda đã phải giảm sản xuất từ 15 tới 30% do các hãng ở Trung Quốc đóng cửa. Hyundai cũng tê liệt. Các linh kiện trong sản xuất xe hơi, iPhone, nguyên liệu chế tạo vật dụng chất dẻo, đồ dùng trong nhà v.v. nằm phần lớn trong tay Trung Quốc. Đất hiếm (trong công nghệ chế tạo chip) do Trung Quốc nắm phần lớn việc khai thác. Ngay cả khẩu trang cũng hơn nửa do mấy anh Tàu cung cấp và đương nhiên họ đã dành mọi thứ cho dân trong nước trước. Nguy hiểm nhất là các hóa chất và nguyên liệu để bào chế dược phẩm. Do những luật lệ về bảo hộ lao động, về môi trường, chất thải…, các tài phiệt Âu Mỹ đã dựa vào toàn cầu hóa, đưa sản xuất sang những nước có nhân công rẻ và điều kiện lao động tồi tệ.  90% Penicilline hiện do các hãng Trung Quốc sản xuất (Âu Mỹ bị ràng buộc về luật sản xuất Penicilline đến mức không còn cục cựa được), 60% Paracetamol trên thế giới hiện do Trung Quốc sản xuất (vì tổng hợp từ Phenol, một chất độc và vì Trung Quốc cho giá thành quá rẻ, chưa tới 1 cent đô-la Mỹ 1 viên), một nửa số nguyên liệu chế tạo Ibuprofen cũng từ Tàu mà ra (chất gây độc hại cho môi trường và tôm cá). Còn rất nhiều thí dụ nữa không thể kể hết. Vào đầu tháng 3, khi số khẩu trang cần gấp cho các bệnh viện đã cạn kiệt, Hòa Lan đã phải nhờ một garage xe hơi đặt Trung Quốc làm khẩu trang qua những người môi giới mà họ quen biết!

Chuỗi sản xuất và cung ứng từ cuối thế kỷ 20 đã sang một hình thức khác. Khi nhu cầu phát sinh (có đơn đặt hàng), nó sẽ tự động kích hoạt dây chuyền sản xuất bắt đầu từ A (chế tạo nguyên vật liệu). Với các giao kèo có bảo đảm suốt dây chuyền, từ nguyên vật liệu (A) cho tới khi ra thành phẩm (Z), và theo nguyên tắc JIT (just in time), các công ty chỉ còn giữ một số hàng tồn kho rất nhỏ. Nay thì chỉ vì gián đoạn một khâu mà cả chuỗi cung cấp sản phẩm phải ngừng lập tức.

Ngoài ra, còn một số vụ chòng chéo, thí dụ như Hoa Kỳ đã ra lệnh cấm hợp tác với Trung Quốc nhưng công ty Qualcomm đã xin được “giấy phép đặc biệt” của Bộ Kinh tế Hoa Kỳ để chế tạo các thiết bị gắn trong điện thoại Huawei mới do Trung Quốc sản xuất! Chẳng khác nào đóng cửa trước và mở cửa sau.

2. Các hãng hàng không tê liệt

Khi một vùng bị phong tỏa, ảnh hưởng thấy ngay trước mắt là các đường bay tới và đi từ nơi đó giảm đến mức không thể giảm hơn. Các đường bay từ Á sang Âu tê liệt trước, sau đó tới tháng 3/2020 các đường bay quốc tế gần như ngưng hết. Phi trường Orly ở Paris phải đóng cửa vô thời hạn, phi trường Lelystad của Hòa Lan lại phải tạm dời ngày khai trương 1 năm, với nguy cơ phải hủy bỏ luôn.

Phi trường Schiphol la liệt các máy bay nằm ụ (ANP)

3. Các nơi giải trí, các sự kiện thể thao, trình diễn đông người đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại tại nhiều quốc gia.

Do có bằng chứng chắc chắn là sự lây lan bắt nguồn từ những lễ hội, chấm dứt những sinh hoạt loại này là một trong những biện pháp đầu tiên, cho dù nó gây tổn hại rất lớn, do sự chuẩn bị đã phải làm từ nhiều tháng trước, vé cũng đã bán rồi. Đây là vấn đề làm đau đầu các nước đứng tổ chức. Ta có thể thấy phần nào qua sự do dự của Nhật Bản trong suốt 2 tháng trước khi bó buộc phải hoãn Olympic 2020 lại một năm theo yêu cầu của phái đoàn lực sĩ từ nhiều quốc gia. Giải túc cầu Âu châu, Eurosongfestival cũng đã phải dời lại tới 2021. Vòng đua xe hơi Formule 1 cũng đã từng chặng bị hủy bỏ hoặc phải dời lại. Giải tennis Roland Garros, Wimbledon cũng không diễn ra, cũng như vòng đua xe đạp Tour de France hay triển lãm xe hơi tại Geneva và Detroit. Đây chỉ là vài thí dụ nêu ra của các sự kiện lớn, chi phí cao nhưng thu nhập do quảng cáo và tiền bản quyền để được phát hình tv cũng rất lớn, tiền đã bỏ ra, mà thu thì coi như mất gần hết.

4. Sự kỳ thị dân da vàng tăng nhanh khủng khiếp tại Âu châu

Dịch COVID-19 có nguồn từ các chợ bán động vật sống tại Vũ Hán, trong đó có những loại thú rừng bị nghi nhiễm như dơi, chồn làm người ta nhớ lại những dịch cúm gần đây như SARS, cúm heo… cũng phát xuất từ Trung Quốc. Từ trước tới nay Trung Quốc luôn dấu kín những thông tin bất lợi, từ đó đã đưa đến sự nghi ngờ và kỳ thị những người có khuôn mặt “giống người Tàu”, trong số đó có luôn cả những người từ Hongkong, Đài Loan, Thái Lan và dĩ nhiên cả Việt Nam. Nhất là khi thấy những người này ho, hắt hơi ngoài đường và đeo khẩu trang là mọi người lo tìm cách tránh xa. Rất may, tình trạng này không kéo dài, cũng vì những lý do khác sẽ được nêu ở phần sau.

Và chuyện gì đã xảy ra sau 3 tháng từ ngày báo động dịch COVID-19:

1. Sự kỳ thị và nghi ngờ lan rộng

Khi tâm dịch đã chuyển sang Ý và Tây Ban Nha rồi sau đó lan rộng ra hầu hết các nước Tây Âu để chuyển sang Hoa Kỳ, sự kỳ thị giờ đây đã thành “cơn dịch mới”. Ở Việt Nam có những cửa hàng để bảng có ghi rõ “tạm thời không phục vụ khách nước ngoài”. Trong khi tại các quốc gia Á châu, khẩu trang trở thành một vật không thể thiếu khi ra đường, người dân mang đồ che mũi miệng để tránh bị lây nhiễm thì tại Âu châu, người ta có quan niệm là chỉ người nào có bệnh mới cần mang khẩu trang để tránh lây lan cho người khác. Ở phi trường Schiphol, hành khách khi xuống máy bay đã được yêu cầu gỡ bỏ khẩu trang, phát xuất từ qui định không được che kín mặt để phòng khủng bố. Người Á châu mang khẩu trang tại Âu châu bị nhìn với con mắt nghi ngờ (đó là người nhiễm bệnh), trái lại du khách hoặc nhân viên làm việc tại các quốc gia Á châu, nhất là người da trắng, nếu không mang khẩu trang sẽ được nhắc nhở là phải mang, kẻo lây nhiễm người khác, với lý do là số người mắc chứng COVID-19 ở Âu châu cao hơn Á châu rất nhiều.

Một tấm biển cho thấy sự kỳ thị, mặc dù đã có chỉ thị cấm của nhà nước

2. Thế giới được chứng kiến và trải nghiệm sự kiểm soát đời tư cá nhân khủng khiếp bằng những phương tiện hiện đại

Hình ảnh những chiếc drone bay trên bầu trời Vũ Hán nhắc nhở những người đang đi trên đường phải trở về nhà lập tức đã làm nhiều người bị sốc. Đồng thời người ta cũng thán phục sự truy tầm con đường lây lan qua các dấu vết người bị nhiễm được lưu lại trong các trung tâm lưu trữ dữ liệu, vẫn thường được truy cập khi điều tra tội phạm. Nhờ vào những dấu vết này, người ta đã xác định với mức độ chính xác cao, con đường lây nhiễm do virus corona. Vào cuối tháng 3/2020, bệnh nhân số 0 dường như đã được tìm ra. Bà này có sạp bán tôm tươi tại chợ hải sản Vũ Hán, và bị bệnh vào ngày 10.12.2019, nếu chúng ta tin vào sự điều tra của tờ Paper phát hành tại Trung Quốc. Hoặc theo điều tra của tờ South Morning China Post, đó là một cư dân Hồ Bắc 55 tuổi, bị bệnh vào ngày 17.11.2019. Cho dù là ai đi nữa, chi tiết này chứng tỏ COVID-19 đã tiềm ẩn hơn một tháng trước khi Trung Quốc chính thức lên tiếng báo động.

Nhưng sau đó, người ta mới phát giác được là sự kiểm soát qua điện thoại di động và mạng internet đã được nhiều quốc gia khác áp dụng để truy tầm và theo dõi biện pháp cách ly đã chặt chẽ như thế nào. Ở Đài Loan, mọi người phải tải cái app để chính phủ có thể theo dõi từng giờ từng phút sự di chuyển, tiếp xúc, sinh hoạt. Nếu mất dấu (vì hết điện hay vì lý do gì đó) trong vòng chưa tới 1 tiếng là đã có nhân viên an ninh tới nhà hỏi lý do và nhắc nhở. Ở Hongkong, du khách mới tới phải mang một cái vòng đeo vào tay có mã QR để chính phủ có thể theo dõi 24/24. Tại Bắc Kinh, cách khoảng 300m lại có một trạm đo nhiệt độ, người nào có dấu hiệu sốt bị bắt buộc quay về nhà. Tại nhiều nơi, những người bị cưỡng bách ở nhà có bổn phận phải thường xuyên gởi hình selfie của họ cho trung tâm kiểm soát để họ biết là vẫn còn ở đó. Ngay cả Thụy Sĩ cũng áp dụng hình thức kiểm soát qua gps. Còn Đức, Hòa Lan, Ý, Úc v.v. đã dùng drone để theo dõi những nơi công cộng. Tunesia thì dùng cảnh sát robot rảo trên đường phố bắt mọi người phải vào trong nhà.

3. Ngành du lịch tê liệt, thị trường xăng dầu thế giới bị vỡ

Lệnh phong tỏa Vũ Hán, rồi cả Hồ Bắc đã có ảnh hưởng trên ngành du lịch toàn cầu, do mất đi số lượng du khách khổng lồ tới từ Trung Quốc. Sau đó, biện pháp đóng cửa biên giới của nhiều quốc gia làm tiếp đoạn sau, rồi hình ảnh các du thuyền lênh đênh nhiều ngày không nước nào chịu tiếp đã là dấu chấm hết cho ngành du lịch. Phi trường trở thành bãi đậu phi cơ khổng lồ. Nhân viên phục vụ trong ngành hàng không bị cho nghỉ việc tức khắc bởi tương lai rõ ràng mù mịt, du lịch ngưng trệ với một đống du khách đã đóng tiền, đang đòi hỏi được trả lại, đại đa số nhận được phiếu ghi nợ có thể dùng để mua tour du lịch cho lần sau, một kiểu khất lần.

Thượng Hải, trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất của Trung Quốc,
đã trở nên hoang vắng lạ kỳ (Nicole Chan trong serie ảnh One Person City) –
Trạm biên giới San Ysidro giữa Tijuana và San Diego, cổng biên giới nhộn nhịp hàng thứ 4 trên thế giới,
đã trở nên vắng hoe vào ngày 21.03.2020, sau khi California ban hành lệnh cấm cửa (Guillermo Arias) 

Khi máy bay không còn bay, người đi làm được khuyến cáo cố gắng ở nhà, trường học đóng cửa (vào đầu tháng 4/2020 đã có gần nửa tỉ trẻ em đã phải nghỉ học) làm cha hoặc mẹ cũng phải ở nhà luôn, phương tiện chuyên chở công cộng giảm thiểu, rồi biện pháp giữ khoảng cách tối thiểu đã làm một số sinh hoạt không còn thực hiện được nữa, thì lượng xăng dầu vẫn tiếp tục được bơm ra sẽ bán cho ai? Thị trường dầu hỏa tràn ngập vì mức dư thừa không thể kiểm soát được khi các biện pháp giảm bớt sinh hoạt xã hội tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đã được ban bố gấp gáp, các đoàn tàu chở dầu khi đó đã trên đường đến nơi giao hàng. Cuộc xung đột giữa Nga và khối OPEC làm thêm cú dứt điểm. Vào ngày cuối tháng 3, giá dầu thô xuống chỉ còn 20,48 USD/thùng, bằng 1/8 giá tại thời điểm cao nhất vào tháng 6/2008 (165,48 USD/thùng).

4. Sinh hoạt trong gia đình bị xáo trộn mạnh

Sau khi các trường học đóng cửa, trẻ em ở nhà được học qua hình thức online, đã phát sinh ra những chuyện trước đây người ta không nghĩ tới: chăn trẻ rất khó nếu không có kinh nghiệm, trong khi cha hoặc mẹ đã phải nghỉ làm; trẻ em cảm thấy bực bội không được gặp bạn bè, được chơi đùa; trong nhà không có đủ computer cho nhu cầu mỗi người một chiếc; những gia đình “sùng đạo quá mức” không có các phương tiện vi tính, truyền hình trong nhà; những gia đình ngoại quốc, vì bất đồng ngôn ngữ, không thể và cũng không muốn tiếp xúc với thầy cô qua computer. Và vấn đề mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn, là người ta thấy là những chuyện gia đình hòa thuận trong sách truyện không phản ảnh thực tế. Rất nhiều gia đình xào xáo, bây giờ cả hai vợ chồng ở nhà, con cái chịu áp lực rất lớn. Đã có những cuộc thảo luận về đề tài lợi và hại của việc đóng cửa trường, cho thấy khuynh hướng nghiêng dần về phe chống biện pháp này. Kế tiếp, sự bó buộc ở nhà, công việc từ sở chuyển về tư gia, tình trạng đột nhiên thất nghiệp hoặc phá sản đã – và sẽ còn tăng thêm – khiến nhiều người bị stress, xung đột trong gia đình xảy ra với tình trạng muốn ly dị mà không được.

5. Thích ứng của con người trong hoàn cảnh bó buộc

Các biện pháp giãn cách và cấm tụ họp đông người đã bắt buộc con người phải moi óc sáng tạo để có thể tồn tại. Các dịch vụ mua bán online đã thay thế cửa hàng có người phục vụ, hàng khi giao được để trước cửa nhà. Phim ảnh không còn chiếu trong rạp nữa thì đưa lên các mạng cho xem online trả tiền. Các buổi làm lễ, giảng đạo cũng lên mạng. Một số nhà cung cấp dịch vụ wifi đã phải hạ tốc độ đường truyền để đáp ứng số lượng người sử dụng, trong số này có một số hacker thừa nước đục thả câu. Nhà hàng không còn cho khách ngồi ăn uống, thì họ có thể gọi điện thoại đặt, và được người hầu bàn mang tới. Bia ứ đọng được đem trộn với đồ ăn cho heo. Khách sạn đại hạ giá cho dân vô gia cư, hoặc may mắn được các bệnh viện thuê tạm để giải quyết số giường bệnh còn thiếu. Các nhạc hội không có khán giả được cho live stream. Các trung tâm tập thể dục cho thuê các đồ tập để cố trám ngân sách thiếu hụt. Tù nhân được trả tự do trước thời hạn. Tạp chí và phụ trang thể thao đem chuyện quá khứ ra bàn, hoặc phỏng vấn các ông bầu, cầu thủ. Không còn đường thoát thì đem cho không, như số hoa tồn đọng ở Hòa Lan được tặng cho các bệnh viện. Hoặc những bãi đậu xe được sửa lại thành bệnh xá dã chiến. Đó là một số trong vô vàn thí dụ.

Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện một mình cho các nạn nhân COVID-19
tại quảng trường thánh Pierre tại Vatican ngày 28/03/2020.

Đương nhiên có nhiều ngành nghề hoàn toàn bó tay. Chẳng hạn như các phòng tập vật lý trị liệu, châm cứu, bác sĩ tâm lý, chăm sóc răng v.v. vì không nằm trong diện khẩn cấp thì đành chịu đóng cửa nằm nhà. Những văn phòng tư vấn, hớt tóc, thẩm mỹ viện, làm nails… đành phải trông nhờ vào sự trợ cấp xã hội, nếu chính phủ có dành ngân khoản cho việc này.

Lý thuyết đối chọi với thực tế

Khi có biến động, người dân thường phản ứng bằng con tim thay vì bằng cái đầu. Cả thế giới ùn ùn hốt sạch giấy đi cầu trong khi không có mối liên hệ chặt chẽ giữa tiêu chảy và COVID-19. Nhưng nhiều khi cái đầu có cái lý của nó. Các chuyên gia về y tế, ngay cả Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch ở Hoa Kỳ (CDC) cũng không khuyến khích dân chúng mang khẩu trang, với lý do là nó có hại nhiều hơn có lợi, nếu không biết cách mang và tháo bỏ, hơn nữa các bệnh viện đang cần rất nhiều khẩu trang. Thế nhưng dân vẫn cứ mang, và còn dùng đi dùng lại! Thói quen này dần dần đã đánh bạt lời khuyên, đến mức Áo đã ra lệnh các cửa hiệu, siêu thị phải phát khẩu trang cho khách hàng, và quan điểm bắt buộc phải mang khẩu trang khi ra đường đang ngày một lớn ở nhiều quốc gia, ngay cả ở Hoa Kỳ. Quan niệm đã thay đổi: cứ giả sử như mọi người bị nhiễm (vì có nhiều người bệnh không biểu lộ triệu chứng hoặc đang trong thời ủ bệnh) thì mang khẩu trang là chuyện cần thiết. Đúng như vậy, nhưng câu hỏi tiếp theo là làm sao có thể cung cấp số lượng lớn như vậy trong thời gian ngắn? WHO kêu gào mọi người phải rửa tay thường xuyên với nước và xà bông tối thiểu 20 giây mỗi lần, thế nhưng có đến hơn nửa số dân trên thế giới thiếu nước uống, và thiếu cả xà bông, nói chi đến 20 giây rửa tay, nhiều lần mỗi ngày. Điều đó cho thấy chức sắc kêu gào là bổn phận của chức sắc, dẫu biết tình trạng thực tế bất khả thi, họ cũng không đếm xỉa. Thời hạn “giãn cách xã hội” (social distancing) 2 tuần cũng bắt nguồn từ nhận định của WHO về thời gian ủ bệnh (từ 5 tới 14 ngày), nay thì dường như 2 tuần chưa đủ, có lẽ phải 2 tháng như Trung Quốc đã làm, hoặc lâu hơn.

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO kêu gào liên tục: “Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm! Đó là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.” Đồng ý, nhưng rõ ràng các bệnh viện đang thiếu hụt trầm trọng thuốc thử, máy móc; còn nhân viên phòng thí nghiệm đã làm đến hết khả năng của mình. Hơn nữa, theo suy luận của nhiều chuyên gia y tế, xét nghiệm nếu không có kế hoạch sẽ không làm vấn đề sáng tỏ, mà có khi còn làm rối hơn, vì không thể tiến hành xét nghiệm cho hàng chục triệu người trong một thời gian ngắn. Người nào kết quả xét nghiệm âm tính chỉ có nghĩa là vào thời điểm đó họ không bị bệnh, nhưng nó không đồng nghĩa là người đó sẽ không mắc bệnh. Rồi còn những người kết quả dương tính thì phải giải quyết ra sao, phân loại thế nào, khi bệnh viện không đủ giường nằm? Rốt cuộc, biện pháp được nhiều nước Âu châu áp dụng là tự biết mình, ai cảm thấy khác thường thì tự theo dõi và tự giam mình trong nhà, nếu sau vài ngày vẫn không bớt thì sẽ liên lạc với bác sĩ để được lời khuyên thực tế tùy trường hợp. Vì vậy, sau ba tháng chống chọi, các báo cáo con số người nhiễm COVID-19 trên thực tế đã không còn chính xác nữa, đó là điều nhiều người không để ý.

WHO cũng khuyến cáo mọi người giữ khoảng cách lẫn nhau từ 1 tới 2m. Chính phủ các quốc gia cũng cố gắng tạo cho người dân tự ý thức giữ điều này, nhưng hoàn cảnh thực tế không phải lúc nào cũng cho phép. Như những khu ổ chuột tại Ấn Độ. Như những township ở Nam Phi. Như tại khu trung tâm của những thủ đô hàng chục triệu dân. Như những chung cư ở các thành phố lớn như chúng ta có thể hình dung qua những khu tập thể ở Hà Nội hoặc cư xá ở Sài Gòn. Sau khi lệnh cách ly được ban hành ở New Dehli, sự hỗn loạn đã xảy ra do hàng trăm ngàn người tự dưng mất việc, đổ ra đường kiếm ăn hoặc xin cứu trợ, và cả biển người đã tràn ngập các bến xe để cố tìm cách trở về quê, nơi họ còn có chút hy vọng không bị chết đói.

Nhân công tại New Dehli bằng mọi cách bỏ chạy về làng quê ngày 18/03 khi Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc.

Kinh tế đối lại với mạng sống

Câu hỏi nhiều người đặt ra mà không ai muốn, hoặc dám trả lời: “Cái giá của sức khỏe và trật tự xã hội là bao nhiêu?”. “Khi nào ta phải hy sinh mạng người để cứu kinh tế và trật tự xã hội?”. Người nào cũng xác quyết là mạng người quý nhất, nhưng có thực như vậy không? Nếu một khi kinh tế suy thoái nặng, xã hội trở nên rối loạn thì mạng người cũng chẳng có giá là bao nhiêu, mà lúc đó tình trạng lại hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính phủ.

Với nhà nước, trật tự xã hội là ưu tiên đầu, vì đó là thước đo quyền lực. Bác sĩ Ai Fen, giám đốc Phân khu Cấp cứu bv. Trung ương Vũ Hán đã mất tích một cách mờ ám sau bài phỏng vấn của báo Nhân Dân về bệnh nhân số 1. Bác sĩ Lý Văn Lượng, người gióng tiếng chuông báo động đầu tiên về hiểm họa virus, để phải chịu biện pháp kỷ luật và sau đó đã bị chết cũng vì nhiễm con virus này, gây nên làn sóng phẫn nộ toàn cầu. Nhưng xét trên khía cạnh tổ chức xã hội, ông bác sĩ đã chống lại cơ chế quyền lực: là chuyên viên, ông không có quyền lên tiếng, vì đó là việc của đảng CS, của nhà nước, khi tuyên bố là đã có cân nhắc lợi hại giữa sự xáo trộn kinh tế xã hội với một số mạng người không đáng kể so với một tỉ rưởi người. Hành động vinh danh ông sau đó vì thế không phải là một biểu lộ cho sự hối hận của nhà cầm quyền. Sống dưới một chế độ nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch thì phải hiểu thân phận của mình. Nếu nhìn toàn bộ, ta có thể thấy rất rõ là chính phủ tất cả các quốc gia trên thế giới đều cố gắng giữ trật tự xã hội ít rối loạn chừng nào tốt chừng nấy. Có khác chăng là cách xử sự tùy theo hoàn cảnh quốc gia và văn hóa đặc thù của từng nước. Hạm trưởng hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt vào đầu tháng 4/2020 bị cách chức chỉ vì đã sao gởi cho nhiều người lời ông yêu cầu Hải quân Hoa Kỳ dùng biện pháp do ông đề nghị để cách ly những quân nhân bị nhiễm COVID-19 trên tàu, là một dẫn chứng cụ thể.

Nếu tình trạng dịch COVID-19 kéo dài, và nguy hiểm nhất là trong trường hợp dịch bệnh bùng phát lại sau khi nới rộng các biện pháp cách ly, sẽ đến lúc người ta phải đặt lại câu hỏi trên. Tại những quốc gia Nam Mỹ, Phi châu, và rồi những tiểu bang ở Hoa Kỳ có ít người bị lây nhiễm, đây là một bài toán nhức đầu trong một tương lai không xa.

Đằng sau những con số

Tất cả những phân tích và dự đoán đều phải dựa trên những số liệu chính xác. Với COVID-19, qua thời gian, người ta đã hiểu ra rằng những con số về các ca nhiễm và tử vong chỉ có độ tin cậy rất là tương đối. Nó tùy thuộc vào từng quốc gia, không thể cho chung vào một rổ được.

Cho câu hỏi vì sao có chuyện như vậy, đó là vì: 1. không có một qui tắc thống nhất cho việc thu thập thông tin; 2. đại đa số các quốc gia cố ý bóp méo sự thực để trấn an dân chúng đồng thời giữ thể diện; và 3. thực tế khác xa lý thuyết.

1. Con số người được ghi nhận là mắc COVID-19 là những người đã được xét nghiệm, khi họ đi khám bệnh, hoặc tình nguyện xin được xét nghiệm, hoặc nằm trong chiến dịch xét nghiệm tổng quát. Hiện nay người ta biết được rằng có rất nhiều người không có triệu chứng nhưng sự thực đã nhiễm COVID-19, khoảng thời gian cuối đông sang xuân cũng là mùa cúm Influenza. Vì phương tiện xét nghiệm không đủ, một số nước đã ra thông báo là tự để ý, nếu cảm thấy một số triệu chứng tiêu biểu của COVID-19 không bớt đi mà lại gia tăng thì mới đi khám, vì vậy nhiều ca nhiễm đã không có trong số thống kê. Số tử vong cũng không trung thực. Sai số nhiều nhất nằm ở những nhà dưỡng lão, tức là ở những quốc gia “phát triển”, người ta đã phát hiện ra là con số tử vong trong năm nay cao hơn con số trung bình, và cách duy nhất để giải thích cho sự sai biệt này là nhiều người trong đó cũng là nạn nhân COVID-19, nhưng không có bằng chứng về xét nghiệm.

2. Cho dù chính phủ Trung Quốc có giải thích ra sao đi nữa, không ai tin con số họ đưa ra, vì trong suốt quá trình diễn tiến, họ đã nhiều lần thêm vào một số mới, với những lý do không được công bố chi tiết rõ ràng. Mức tiến triển của lây lan dịch bệnh tại Vũ Hán, theo số liệu do Trung Quốc cung cấp, cũng khác với tiến trình lây lan tại Ý, Tây Ban Nha và New York. Sự vội vã ban hành lệnh cách ly ở một số quốc gia, thí dụ như ở Nga, cũng làm dấy lên câu hỏi phải chăng có chuyện gì đó bên trong mà chỉ một số nhân vật đầu não được biết. Tại thành phố Qom của Iran, không ảnh từ vệ tinh cho thấy hình ảnh nghĩa trang Behesht Masoumeh đang được mở rộng thêm như là một khu sẽ trở thành nơi chôn tập thể. Tại Somalia chẳng hạn, chỉ có duy nhất 1 người chết, là cựu thủ tướng Nur Hassan Hoessein, trong số 6 người bị nhiễm tổng cộng, con số này chắc chẳng ai tin. Đó là chưa kể tới những trường hợp, có thể là rất nhiều, khi chết trong bệnh viện sẽ được ghi trong hồ sơ là chết vì một lý do khác (thí dụ sưng phổi) thay vì chết do COVID-19, do không có xét nghiệm, hoặc do áp lực từ cấp trên để được mang danh hiệu tiên tiến, tích cực trong công tác phòng chống dịch.

3. Trên thực tế, không phải người dân nước nào cũng có ý thức về dịch bệnh như nhau. Ngoài ra các yếu tố về tập quán, về cơ cấu xã hội cũng có ảnh hưởng rất nhiều. Tại rất nhiều quốc gia, khám bệnh là phải tự trả tiền, hoặc những người làm công nhật v.v., họ sẽ dấu bệnh. Tại một số quốc gia khác, khi bị kết luận là mắc COVID-19 là cả gia đình khốn đốn vì những người trong gia đình có thể sẽ bị kỳ thị, không ai dám tiếp xúc với họ nữa, coi như cùi hủi. Không biết Việt Nam nằm vào trường hợp nào, nhưng con số 0 của tử vong trên 240 người bệnh là một con số không thuyết phục, nó tương tự như kết quả đắc cử với 99% số phiếu bầu.

Có chăng một âm mưu đằng sau con virus Vũ Hán?

Nhà văn nổi tiếng người Nga Anton Chekhov đã viết trong một tác phẩm: “Nếu hành động đầu tiên của bạn là treo súng lên tường, thì hành động thứ hai là nó sẽ khai hỏa”, ý nói “nếu bạn giữ súng thì trước sau gì bạn cũng sử dụng nó”. Câu này luôn ám ảnh nhân loại về thảm họa thế chiến thứ 3, mà nhiều người vẫn tin đó sẽ là cuộc chiến tranh dùng vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, nhân loại đã học được nhiều bài học về thảm họa phóng xạ – không chừa một ai – cũng sẽ làm người khai hỏa lãnh đủ. Bởi vậy, có nhiều khả năng thế chiến thứ 3, nếu có xảy ra, sẽ là cuộc chiến dùng vũ khí hóa học, vũ khí sinh học hoặc vũ khí số học. Hai khả năng sau cùng mang một tên: virus. Một thứ nhiễm vào người, một thứ nhiễm vào máy!

Liền ngay sau khi căn bệnh ‘lạ’ do virus corona phát sinh từ Vũ Hán, những ngón tay đã điểm mặt Trung Quốc, cáo buộc ‘một trung tâm nghiên cứu nào đó’ đã để xổng chuồng con virus nhân tạo đang được nghiên cứu để mưu một cuộc tấn công vào thế giới tư bản qua vũ khí sinh học.

Họ dựa vào nhiều lý do, ly kỳ nhất là sự ‘tiên tri’ của nhà văn Hoa Kỳ Dean Kuntz với cuốn tiểu thuyết giả tưởng Đôi Mắt của Bóng Tối (The Eyes of Darkness) ra mắt năm 1981 với câu chuyện xoay quanh con virus ‘tình cờ’ mang tên Vũ-Hán 400, có đủ sức phá hoại nhiều thành phố lớn trên thế giới. Giả thuyết này được củng cố bởi sự kiện là Trung Quốc, về chuyên môn vi sinh học và dịch bệnh, hiện đang ở mức ngang ngửa với Hoa Kỳ, Nhật v.v., cộng thêm với những chứng cớ Trung Quốc đã chiêu dụ các nhân tài thế giới về phục vụ. Điển hình là là họ đã mời được giáo sư Luc Montagnier của viện Pasteur Paris, một nhân vật nổi tiếng trong ngành siêu vi, đã được giải Nobel về Y khoa năm 2008, sang làm giáo sư thực thụ tại Đại học Giao thông Thượng Hải (biết đâu đó là thói quen của chế độ cộng sản: giấu những công tác mang tính bí mật quốc gia dưới tên một cơ sở hoàn toàn khác). Ngày 13.02.2020, chỉ sau một thời gian ngắn khi dịch được phát hiện, Trung Quốc đã giải mã được bộ gen của con virus này, và đến ngày 05.03, họ lại một lần nữa công bố đã giải mã được chủng thứ 2 của virus gây ra COVID-19. Nếu không có những nghiên cứu từ trước, tại sao họ lại có thể thành công trước cả các quốc gia Âu Mỹ trong việc giải mã gen?

Những ngón tay khác từ Tehran và Moscou thì chỉ sang Hoa Kỳ, với lập luận là cơ quan nào đó đã chế tạo ra loại virus mới, cho người mang sang Trung Quốc và không may đã để nó lọt ra ngoài.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu khoa học không tin là con người đã có đủ khả năng tạo nên con virus mới, và cho dù tạp chí y khoa hàng đầu Lancet đã khẳng định không tìm ra bằng chứng về liên hệ giữa các trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc ở Vũ Hán với sự phát sinh COVID-19 tại đây, người ta vẫn tin là có một bí ẩn nào đó chưa được phát hiện. Tiến sĩ James Lyons-Weiler, chuyên gia người Mỹ về phân tích di truyền sinh học, cho biết là con virus corona SARS-CoV-2 có dấu vết sử dụng công nghệ nhân tạo có tên là “P-Shuttle SN Vector” khi ông khám phá ra một nguyên tố kỳ lạ được cấy vào bộ gen của virus. Ghi chú: một tháng sau khi ông JLW công bố phát hiện này, một cuộc thử đối chứng đã được thực hiện và nhóm nghiên cứu ở Thượng Hải đã chỉ ra chỗ sai, tuy nhiên ông JLW vẫn giữ nguyên lập trường và trong bài phản biện ông nhấn mạnh là trong bài công bố lần trước ông cũng không nhắm vào Trung Quốc, vì theo ông, cách tạo nên con virus mới theo cách này đã từng được thực hiện tại nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.

***

Cho tới nay (04/04/2020) các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra bằng cách nào virus SARS-CoV-2 có lây từ người này sang người khác. Có nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải:

Một số dữ kiện tạm thời được ghi nhận là đặc biệt:

Những gì sẽ thay đổi trong tương lai?

Sau hơn 3 tháng kể từ khi COVID-19 được Trung Quốc chính thức thông báo, và 3 tuần kể từ khi WHO xác nhận đây là đại dịch toàn thế giới, đã có hơn 1 triệu trường hợp nhiễm được báo cáo từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong số đó có hơn 60.000 tử vong. Dịch COVID-19 rồi cũng sẽ đi qua, cho dù chưa biết chúng sẽ kéo dài bao lâu và hậu quả về nhân mạng như thế nào. Hậu quả về kinh tế chắc chắn là sẽ rất lớn và có lẽ không thể có một lượng định chính xác được. Chỉ có những công ty lớn mới được chú ý và lên trang nhất mỗi khi họ đánh tiếng sẽ sa thải nhân công hàng loạt hoặc phá sản. Nhiều cơ sở nhỏ trong phạm vi gia đình sẽ chết một cách âm thầm chẳng ai để mắt đến, nhưng đây mới chính là một thiệt hại về kinh tế khó lường. Có thể nó sẽ còn hơn sự thiệt hại về kinh tế năm 1930.

Xã hội sẽ có nhiều thay đổi trong cung cách sống. Ngày xưa người ta bắt tay nhau để chứng tỏ trong tay không cầm vũ khí, nhưng trong tương lai cách này có lẽ sẽ không còn nữa, mà thay bằng một kiểu chào khác. Cụng cùi chỏ chăng? Hoặc chắp tay chào như phong tục tại một số nước Á châu? Con người sẽ hướng tới các thế lực siêu hình? Nhà thờ, chùa, đền đài sẽ thu hút quần chúng hơn chăng?

Ngành du lịch phải cần một thời gian dài mới hồi phục. Nhiều gia đình đã lâm vào sự túng thiếu, số người thất nghiệp cao, và nhất là phải chờ đợi một kết quả tương đối chắc chắn về sự tái xuất hiện của một trận dịch COVID-19 mới. Biện pháp nào sẽ được áp dụng trong ngành hàng không trong tương lai? Ghế ngồi cách nhau 1 thước? Bắt buộc mang khẩu trang? Đo thân nhiệt trước khi bước lên máy bay hoặc trong khi check-in?

Thế giới lại có dịp so sánh giữa các thể chế. Ý niệm hiện nay về dân chủ sẽ bị thử thách, hãy xem gương Hungary - một thành viên của EU, khi thủ tướng Viktor Orbán ép buộc quốc hội trao cho ông toàn quyền quyết định các vấn đề hệ trọng của quốc gia. Sức khỏe được đánh đổi ra sao với tự do và bí mật cá nhân. Rất nguy hiểm, nhưng lại rất khó tránh, nếu các chính phủ thấy sự hiệu quả của các biện pháp theo dõi hành tung của từng cá nhân qua gps, qua bluetooth, qua các mạng xã hội v.v., dựa vào tình trạng khẩn cấp giả tạo để thực hiện âm thầm những phân tích xã hội hoặc cá nhân cho một mục đích nào khác.

Thế giới chắc chắn sẽ trải qua một sự tái phân bổ, nhưng không ai biết sẽ theo hướng nào? Chắc chắn sẽ có một sự cọ xát dữ dội giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để chiếm ngôi vị siêu cường số 1. Trung Quốc sẽ có những chiêu trò ve vãn thế giới và đồng thời ngầm tấn công Hoa Kỳ bằng dư luận. Thế giới sẽ trở thành những khối ‘liên quốc gia’ tự lực tự cường, toàn cầu hóa sẽ cáo chung? Sẽ có sự phân biệt giữa giới trẻ và những người cao niên, khi thấy là phải tốn rất nhiều chi phí để nâng tuổi thọ để rồi lại phải chi nhiều về vấn đề y tế cho số người này? Tự do cá nhân chắc chắn sẽ bị giới hạn, như ta đã thấy những gì xảy ra tại các nước Á châu. Lần này, robot bắt đầu được dùng thử trong việc săn sóc người bệnh tại một vài phòng IC trong bệnh viện. Lần sau, khi dịch bùng phát, rất có thể đội ngũ robot sẽ thay thế phần lớn các y tá. Chúng không bao giờ mắc bệnh, và có thể mượn đỡ con robot của nhà hàng, khách sạn… để đảm trách công việc này lập tức, chỉ sau một thời gian ngắn cài đặt chương trình thích ứng và tập dượt để chúng tự rút kinh nghiệm.

Và cuối cùng, qua trận dịch này các chuyên gia về chiến lược và các nhà nghiên cứu về ứng xử có được cơ hội bằng vàng để phân tích và dự đoán cho nhiều vấn đề trong tương lai, vì cuộc chiến tranh thế giới lần tới, nếu có xảy ra, sẽ nhắm vào sự hoảng loạn của xã hội.

.

Lê Ngọc Vân
(04/2020)

 


Cái Đình - 2020