Phạm Đình Lân
Cà Phê, Thuốc Lá, Rượu
Cây thuốc lá và hoa
Người viết không có dữ liệu khả tín để quả quyết người Việt Nam trồng và hút thuốc lá vào lúc nào. Chỉ biết rằng cây thuốc lá gốc ở Mỹ Châu. Một người Pháp tên Jean Nicot de Villemain đem thuốc lá từ Mỹ Châu về Pháp năm 1560. Cây thuốc lá mang tên khoa học Herba nicotiana hay Nicotiana tabacum thuộc gia đình Solanaceae như cây cà. Thuốc lá có nicotine C10H24N2 (tên của Nicot), anabisine, tabacine, nicotianine v.v...
Trồng thuốc lá như trồng cây kỹ nghệ vì thuốc lá mang lại nhiều lợi nhuận. Nông dân Việt Nam trồng thuốc lá và dùng phân bánh đậu tức xác hột đậu phọng sau khi ép đậu trộn với rơm để làm phân bón cho cây thuốc lá. Xắt thuốc lá là một nghệ thuật không phải người nông dân nào cũng làm được. Thuốc lá xắt từng sợi nhuyễn được trải mỏng và đều trên liếp tre. Mỗi liếp có từ 05 đến 07 bánh thuốc tươi mới vừa xắt. Liếp tre để nằm dưới đất. Người ta giẫm trên bánh thuốc lá tươi cho các sợi thuốc tươi quấn chặt vào nhau rồi đem ra phơi nắng. Bánh thuốc phơi khô có màu vàng-đen và có mùi thơm rất nồng. Người ta dùng thuốc lá đó để vấn với giấy báo gọi là giấy nhựt trình, lá chuối khô hay lá cò ke khô để hút. Người khá giả hút thuốc lá được tẩm với vài loại thảo mộc có vị ngọt và hương thơm. Thuốc này được dùng để hút ống điếu hay được vấn với giấy hút thuốc trắng mịn đắt tiền gọi là giấy quyến. Ở Việt Nam đàn ông hút thuốc. Đàn bà dùng thuốc để xỉa khi ăn trầu. Số phụ nữ hút thuốc ở Việt Nam thời tiền chiến rất ít ngoại trừ dân nông thôn. Ở nông thôn trẻ em 12, 13 tuổi đã biết hút thuốc.
Khi tiếp xúc với người Pháp, người Việt Nam ở thành thị bắt đầu hút thuốc điếu vấn rất đẹp bằng giấy hút thuốc trắng và mỏng gọi là giấy quyến. Hãng thuốc MIC được thành lập ở Chợ Lớn để sản xuất thuốc điếu. Hãng thuốc mua thuốc lá Nha Trang, Xuân Trường, Tân Khánh, Gò Vấp để tẩm và vấn thuốc bằng máy. Thuốc Mic, Bastos, Job, Melia là những loại thuốc điếu nặng khói được những người sành thuốc lá ưa chuộng. Hút thuốc Cotab và uống cà phê sữa là biểu hiện của nếp sống trưởng giả của những người sống thời hậu đệ nhị thế chiến. Lúc ấy một viên thuốc Dagenan và một hộp sữa đặc Con Chim Nestlé trị giá tương đương với tài sản của một gia đình nghèo! Quân viễn chinh Pháp chiến đấu trên chiến trường Đông Dương được bán thuốc Gaulois.
Từ năm 1954 đến 1975 các hiệu thuốc lá Cotab, Bastos và Melia tồn tại song song với thuốc Capstan mà nhiều người diễn dịch khôi hài thành Con Anh Phá Sản Tại Anh Ngu và thuốc Quân Tiếp Vụ dành cho quân sĩ VNCH. Năm 1965 hàng trăm ngàn quân sĩ Hoa Kỳ được phái sang miền Nam Việt Nam. Các hiệu thuốc lá Hoa Kỳ như Salem, Winston, Marlboro, Philip Morris, Pall Mall được tìm thấy khắp nơi ở miền Nam Việt Nam. Phần lớn các loại thuốc lá này có đầu lọc và được vấn bằng loại giấy vấn thuốc rất tốt, tàn thuốc trắng, điếu thuốc không cháy bùng. Thuốc Salem có vẻ hấp dẫn những người mới tập hút thuốc.
Sau ngày 30-04-1975 là thời kỳ thuốc lá thịnh hành trên toàn thể lãnh thổ thống nhất. Điều này cho thấy công dân trong nước có nhiều chuyện phải lo âu suy nghĩ. Do đó họ hút thuốc rất nhiều để nhờ thuốc kích thích phổi và óc. Thuốc lá cũng có tác dụng làm giảm sự thèm ăn trong thời kỳ thực phẩm khan hiếm và đắt giá. Nhà nước XHCN có thuốc Hoa Mai, Vàm Cỏ, Phù Đổng, Đà Lạt. Số người vấn thuốc lá ở miền Nam gia tăng. Thuốc lá bán cho người nghèo đôi khi được vấn bằng thuốc lá kết hợp với lá khoai mì sấy khô và thái nhuyễn. Chợ Lớn trở thành lò sản xuất thuốc lá ngoại quốc Made in Chợ Lớn. Giấy vấn thuốc lá Hoa Kỳ có giá trị như vàng. Ngay cả việc cắt giấy vấn thuốc cũng là một công việc kiếm nhiều tiền. Thuốc lá Samit từ Thái Lan nhập vào chinh phục thị trường Việt Nam trong đầu thập niên 1980. Sau đó thuốc Craven A, State Express 555 của Anh được xem là quà giao dịch thời bấy giờ giống như miếng trầu là đầu câu chuyện của tiền nhân ngày xưa.
Ngày nay Việt Nam có thuốc lá Trường Sơn, Thăng Long nhưng thuốc lá được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều vẫn là thuốc lá ngoại quốc như Marlboro, Kent (Hoa Kỳ), Craven A, State Express 555 (thuốc ‘Oanh Tạc’) (Anh). Theo thống kê mới nhất, Việt Nam tiêu thụ 4 tỷ 170 triệu (4.170.000.000) gói thuốc lá trong năm vừa qua. Nếu tính theo đầu người thì mỗi người bất luận nam, nữ, tuổi tác và nghề nghiệp tiêu thụ 46 gói thuốc lá mỗi năm!
****
Cây cà phê, hoa và hột chưa chế biến
Trước khi người Pháp đến Việt Nam người Việt Nam không biết cà phê. Tên gọi cà phê âm từ tiếng Pháp café mà ra. Chữ café của Pháp âm trại từ chữ Kaffa, một địa danh ở Ethiopia, nơi xuất phát của cây cà phê. Tên khoa học của cây cà phê là Coffea arabica, gia đình Rubiaceae. Cà phê có caffein C6H10N4O2, một chất kích thích và gây ghiền nhẹ. Các tu sĩ, học sinh học bài thi cần thức khuya nên uống cà phê để kích thích không buồn ngủ. Uống cà phê buổi sáng để được tỉnh táo và người uống có cảm giác no để khỏi ăn sáng.
Cà phê được bán ở thành phố. Cho đến giữa thế kỷ XX cà phê vẫn chưa được phổ biến sâu rộng ở nông thôn Việt Nam. Việc rang cà phê, phân phối và bán cà phê đều do người Hoa đảm nhận. 99% tiệm nước ở Nam Bộ đều do người Hoa làm chủ. Các tiệm ấy đều ở các thành phố lớn hay nhỏ trong nước hơn là ở nông thôn hẻo lánh. Cà phê bán trong các tiệm nước của người Hoa được luộc bằng một cái vợt bằng vải tựa như chiếc vớ nằm trong một cái siêu đầy nước đặt trên lò lửa than. Nước cà phê đen và có vị đắng như thuốc Bắc. Cà phê vừa mới rót ra rất nồng. Nếu nôn nóng uống thì rót một phần cà phê vào cái đĩa dưới tách cà phê và uống café trên cái đĩa đó.
Quán cà phê ‘phin’ (filtre) mọc lên như nấm sau năm 1954 ở miền Nam vĩ tuyến 17 như là sự thụ hưởng hòa bình sau 09 năm chiến tranh. Cà phê ‘phin’ đậm đà và có vẻ văn hóa hơn cà phê vợt ở các tiệm nước trước kia. Cà phê ‘phin’ được bán ở các tiệm kem sang trọng nổi tiếng ở Sài Gòn. Có nhiều quán cà phê ‘phin’ bình dân nhưng ngon nổi tiếng như cà phê Năm Dưỡng ở Bàn Cờ, cà phê trên đường Nguyễn Phi Khanh (tên đường cũ: Faucault nối liền Đa Kao và Tân Định) v.v... Cà phê Năm Dưỡng do một người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 làm chủ. Quán cà phê Nguyễn Phi Khanh gần nhà thầy Ba La bói toán do một phụ nữ miền Bắc có chồng Pháp làm chủ. Bà chủ pha cà phê rất độc đáo. Khách uống cà phê được đọc báo Paris Match và được bà chủ nói về nguồn gốc thuật pha cà phê của bà khi còn ở Hà Nội và sống với người chồng Pháp. Bình dân hơn thì uống cà phê Hòa Hưng dưới tàng cây bóng mát trên đường dẫn vào khám Chí Hòa.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam II cách uống cà phê của người miền Nam vẫn còn phỏng theo Pháp, thư thả ngồi chờ cà phê nhỏ giọt từ những cái ‘phin’ kim loại. Các quân nhân Hoa Kỳ không có thú này vì mất nhiều thì giờ. Họ đưa vào Việt Nam cà phê nguyên chất chỉ cần cho nước sôi vào, quấy đều thì uống liền (instant coffee).
Sau năm 1975 quán cà phê gia tăng ở miền Nam mặc dù lúc bây giờ cà phê rất khan hiếm vì chánh sách ngăn sông cấm chợ. Bắp rang cháy xay nhuyễn được dùng để thay thế cà phê. Người uống dùng nước sắc này để được tỉnh ngủ, tạo trạng thái no hơi để tiết kiệm bữa ăn. Sau 1975 số người không có tiền nhưng có nhiều thì giờ rất đông. Họ dùng cà phê và thuốc lá để làm cho đầu đỡ nhức nhối và đến quán cà phê để tìm chút ánh sáng hy vọng dù là giả tưởng qua các tin tức tưởng tượng từ xa vọng về. Trước khi vào quán cà phê gặp bạn bè và người quen để chuyện vãn người ta dặn nhau phải nói gì, viết gì khi công an áp vào và đưa mọi người một tờ giấy trắng để viết lại những gì đã nói với nhau! Người mở quán cà phê không còn cách sinh sống nào khác. Người thì mất việc vì liên hệ đến chế độ cũ. Người thì có thân nhân đi học tập cải tạo hay ra nước ngoài trước hay trong ngày 30-04. Người buôn bán không còn được buôn bán nữa. Tiền bạc mất sau những đợt đổi tiền. Bán cà phê tương đối không cần nhiều vốn liếng. Lúc bấy giờ mỗi ngày được uống một ly cà phê và hút vài điếu Hoa Mai hay Vàm Cỏ là hạnh phúc lắm rồi. Nếu có thuốc điếu Samit hay States Express được âm thành ‘thuốc Oanh Tạc (States)’ thì hạnh phúc dâng trào có thua gì những người ở nước ngoài bị bắt buộc phải ăn cơm dồn thịt!
Các đồn điền cà phê của Pháp trên cao nguyên Nam Trung Bộ này đã đổi chủ. Diện tích đồn điền cà phê Việt Nam được nới rộng xuống các vùng đất đỏ của Phước Long, Bình Long, Biên Hòa, Bà Rịa (Phước Tuy). Hiện nay Việt Nam là quốc gia sản xuất nhiều cà phê đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Brazil. Mức sản xuất cà phê Việt Nam lên đến 1,5 triệu tấn trị giá lối 1,5 tỷ Mỹ kim. Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam ngày nay có cà phê Expresso đậm đà hơn cà phê ‘phin’. Cà phê Starbucks của Hoa Kỳ cũng có mặt ở Sài Gòn (Thành Phố Hồ Chí Minh) và được những người nhà giàu mới (arrivists) trong nước nhiệt liệt hưởng ứng. Nhưng dư âm của cà phê cứt chồn, ngày nay được gọi một cách thanh bai là cà phê chồn, vẫn còn sống mãi trong ký ức người uống cà phê sành điệu ở Việt Nam.
****
10 thương hiệu bia hàng đầu hiện nay tại Việt Nam
Trước khi người Pháp đến Việt Nam, quốc tửu của người Việt Nam là rượu cất từ gạo nếp. Đó là rượu nếp, rượu nếp than, rượu bách nhật (chôn dưới đất 100 ngày). Cũng có nhiều loại rượu trái cây dùng các loại trái cây sẵn có trong nước để cất rượu như rượu Mít, rượu Sim, rượu Giâu chẳng hạn. Rượu nếp có nồng độ rượu rất cao ngang hàng với rượu Vodka của Nga hay Whisky của Scotland. Người ta dùng rượu nếp hay nói nôm na là rượu trắng để làm rượu thuốc. Rượu thuốc là rượu trắng ngâm với vài loài thảo mộc có dược tính giúp cho lục phủ ngũ tạng hoạt động điều hòa. Cũng có khi người ta ngâm một vài loại thú như cắc kè, nhím, rắn, chuột con mới sinh v.v... trong rượu.
Khi Pháp thiết lập nền móng cai trị ở Việt Nam họ lập nhà máy sản xuất rượu nếp và cho tào cáo đi ruồng bắt những người cất rượu nếp không đóng thuế chánh quyền thuộc địa để độc quyền bán rượu nếp cất bằng máy của họ. Từ đó rượu nếp có nhiều tên gọi khác nhau như rượu trắng (vì màu trắng trong), rượu nếp (cất từ nếp), rượu đế (vì cất lậu dưới lùm cỏ đế), rượu rừng (vì cất lậu trong rừng) v.v... Rượu trắng do nhà nước thuộc địa sản xuất gọi là rượu máy (cất bằng máy) hay rượu công xi (công ty- Compagnie). Những tiệm bán rượu phải có một môn bài bằng thiếc nền đỏ chữ vàng: RA BÀI BA (RA: Régie d’alcool – Công Quản Rượu). Rượu máy bị dân chúng chê lạt nên tình trạng bán rượu đế lậu trở nên thịnh hành trong xã hội nhất là ở nông thôn khiến cho chánh quyền thuộc địa không có cách gì kiểm soát nổi.
Người Pháp du nhập vào nước ta rượu bia, rượu chát hay rượu vang (vin), rượu Champagne và rượu mạnh như Martell, Cognac. Do đó có cảnh:
Tối rượu sâm-banh (Champagne), sáng sữa bò hoàn toàn khác với nếp sống thường ngày của người nhà quê thuộc địa.
Rượu bia thường thấy thời Pháp là bia Alsace. Các loại rượu mạnh ngoại quốc như rượu Rhum (Martinique), rượu Whisky (Scotland), Bisquit VSOP Cognac (Pháp) có mặt ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Sau này công ty BGI (Brasserie et Glacières de L’Indochine) ở Chợ Lớn sản xuất rượu bia và nước ngọt. Đó là bia Larue có hình đầu cọp, Bia 33. Bia hộp chỉ xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 1965 khi có hàng trăm ngàn quân sĩ Hoa Kỳ được phái sang chiến đấu ở miền Nam Việt Nam.
Sau ngày 30-04-1975 chánh quyền xã hội chủ nghĩa ngăn cấm việc dùng gạo nếp cất rượu, làm bún hay làm bánh tráng. Cấm không có nghĩa là không có nhưng không dồi dào như trước và giá bán cố nhiên cao hơn nhiều. Phẩm chất rượu đế giảm đi vì rượu đế được cất bằng khoai mì (cassava - manioc).
Từ khi Việt Nam mở cửa đón nhận đầu tư ngoại quốc đời sống dân chúng được cải thiện rõ rệt. Nhiều người làm ăn phát đạt. Nhiều người khác nhờ bán đất giá cao cũng phát đạt. Nhà hàng, quán nhậu mọc lên như nấm. Đó là nơi gặp gỡ để bàn việc làm ăn và giao thiệp với người có thẩm quyền. Đó là nơi hưởng thụ của người có tiền. Trong nước có nhiều công ty sản xuất rượu bia hoặc của Việt Nam hoặc của ngoại quốc hợp tác với Việt Nam. Việt Nam sản xuất bia Hà Nội, bia Sài Gòn, bia Larue, bia 333 (phỏng theo các hiệu bia 33 nổi tiếng trước kia), bia Heineken (sản xuất trong nước), bia Zorok (sản xuất ở Bình Dương), bia Huda (Huế & Đan Mạch). Việt Nam nhập cảng bia từ Bỉ, Đức, Nga, Tiệp Khắc. Các loại rượu mạnh ngoại quốc đều bán chạy ở Việt Nam. Số người có đủ tiền để uống các loại rượu mạnh giá cả ngàn Mỹ kim một chai rất đông so với người khá giả ở miền Nam Việt Nam trước 1975.
Việt Nam tiêu thụ nhiều bia và rượu mạnh nhất ở Đông Nam Á. Năm 2016 Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia (3.400.000.000 lit) và 10 triệu lít rượu mạnh ngoại nhập. 77% đàn ông Việt Nam uống rượu. Đó là một tỷ lệ uống rượu lớn trên thế giới. Nếu tính số rượu bia chia đều cho 90 triệu dân thì mỗi công dân bất luận nam, nữ, tuổi tác, nghề nghiệp uống 37,8 lít rượu bia/ năm.
****
Cách đây trên nửa thế kỷ người Việt Nam cân nặng trung bình 45 ki-lô, cao 1,55 m và tuổi thọ trung bình lối 60 hay 60 ngoài đôi chút. Những bịnh thường thấy là phong thấp (môi trường sống và làm việc ẩm thấp), suy thận (ăn mặn, uống nhiều nước), ho lao (làm lụng nhiều, dinh dưỡng kém), răng yếu (suy dinh dưỡng; thiếu chăm sóc về răng; dùng răng xước mía, mở nắp rượu bia, ăn vật nóng giòn hay cứng; hậu quả của tiểu đường, suy thận). Ngày nay tuổi thọ của người Việt khá cao. Sự dinh dưỡng tương đối khá đầy đủ. Trọng lượng, chiều cao của những người ở tuổi 40- 45 gia tăng. Nhưng việc ăn uống thừa mứa và không điều độ mỗi ngày lại có hại cho sức khỏe. Cây tốt nhờ phân nhưng bón phân quá nhiều mỗi ngày thì cây không tốt tươi mà có thể chết. Người Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Người ta đào mồ bằng răng của mình.” Các thầy thuốc Đông Y cho rằng người ăn quá nhiều thức ăn bổ dưỡng thì bịnh khó chữa. Việc ăn uống bổ dưỡng, hút nhiều thuốc lá và uống nhiều rượu dễ dẫn đến cao huyết áp, tim đập mạnh, ung thư phổi, cổ trướng. Cổ trướng, ung thư phổi là những bịnh hiểm nghèo khó chữa mặc cho những tiến bộ của y học hiện đại.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.