Chu Nguyễn


Căn bệnh thời đại: chứng rối loạn nhân cách

Trường hợp đa nhân cách trong phim The three faces of Eve

Thời đại chúng ta, ngoài tệ nạn bạo hành, và xu hướng tình dục lên ngôi còn có một nguy cơ khác nữa là chứng tâm lý bất thường lan rộng. Tâm lý bất thường nên Kim Jung Un, có khuôn mặt baby, lại nhiều lúc lộ tướng hung thần thách thức nhân loại gây chiến tranh hạch nhân. Cũng vì có vấn đề tâm lý nên cựu lãnh tụ Nam Hàn Park Geun-hye vốn được khen là mực thước, kín đáo, dòng dõi danh gia, bỗng bị cáo là ăn hối lộ và bị bỏ tù và hiện ở trong tình trạng điên dại nói lảm nhảm suốt ngày.

Các tâm lý và bệnh lý gia chỉ biết gán cho các chứng trạng bất thường trên là rối loạn nhân cách. Hiện tượng nhiều mặt nhân cách cùng xuất hiện ở một người này không hiếm ở Mỹ.

Những câu chuyện về loại tâm bệnh trên được tường thuật mỗi lúc một nhiều.

Một ngày, Kate – cô gái da trắng – mắng chửi thậm tệ những ai coi cô là phụ nữ. Kate khẳng định cô là một chàng trai da đen và công khai đeo đuổi một cô gái cùng chỗ làm.

Kate là gái 100%. Cả bố mẹ, gia đình và những người biết cô đều khẳng định như vậy. Thậm chí cô đã có bạn trai được hơn 1 năm.

Ban đầu, mọi người tưởng Kate bị đồng tính, nhưng lâu dần họ hiểu ra là không phải như vậy, bởi cô không dùng bất cứ một thứ trang phục phụ nữ nào và kiên quyết không chấp nhận chuyện mình… có kinh nguyệt hàng tháng. Kate còn đau khổ nghĩ rằng mối tình với cô gái kia không được chấp nhận chỉ vì mình là một người đàn ông da đen… Người nhà cho rằng Kate bị ma ám.

Một trường hợp tương tự: M. John là một chuyên gia trong ngành ngân hàng tại Washington DC. Anh có một mức lương lý tưởng, được sếp và đồng nghiệp tôn trọng, yêu mến.

Bỗng một buổi sáng kia, John đến ngân hàng, ngồi vào bàn của Mark – người phụ trách quỹ, giở sổ sách, máy tính ra và làm việc như một người quản lý quỹ thực thụ. Tất cả mọi người ngạc nhiên, bực bội và cuối cùng quyết định đưa John ra khiển trách vì hành động vi phạm kỷ luật lao động của anh.

Thay vì ăn năn, nhận lỗi, John kiên quyết phủ nhận lỗi lầm của mình và nhạo báng mọi người rằng tại sao họ lại quên rằng anh đang là một người quản lý quỹ.

Gần tháng sau, người đàn ông ấy lại trở về thành anh chàng John khi xưa, giỏi giang và hiền lành.

Hằng năm ở Mỹ, con số những người có biểu hiện như John hay Kate lên tới vài chục nghìn. Họ mang những đặc điểm rất giống nhau như: Cùng bị các rối loạn thể trạng và tâm lý. Khi vào “vai” nào đó, họ mang một nhân cách đặc biệt riêng, không hề giống với nhân cách vốn có hoặc những vai khác mà họ đã nhập. Sau khi “trở về” nhân cách ban đầu, họ không hề nhớ những chuyện đã xảy ra với mình trong khoảng thời gian bị “ma ám”.

Ban đầu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những người này bị rối loạn tâm lý hoặc có các tiền sử bệnh tâm thần trong quá khứ, hoặc bị các thương tổn tâm lý mạnh. Nhưng các kết quả kiểm tra đều không đúng như vậy. Một số người khác cho rằng họ bị mất trí nhớ tạm thời, nhưng cũng không thuyết phục. Ngay cả ý kiến cho rằng họ mắc chứng hoang tưởng cũng bị bác bỏ.

Các nhà khoa học cho rằng những người như John và Kate không hề bị ma ám như dân gian gán cho mà thực chất họ bị chứng rối loạn đa nhân cách (Multi Personality Disorder – MPD), căn bệnh được Pierre Janet, một bác sĩ người Pháp, mô tả lần đầu ở thế kỷ 19.

Khoa học nhận định ra sao về MPD?

Khoa học cho rằng MPD là một chứng bệnh tinh thần trầm trọng khiến bệnh nhân trong cuộc sống đã bộc lộ ra nhiều nhân cách khác nhau. Có bệnh nhân biểu lộ hàng trăm nhân cách khác biệt nhưng thường ở con số 10 tới 15. Mỗi nhân cách (personality) sẽ điều khiển trong một thời gian nào đó trong cuộc sống của bệnh nhân, từ mọi hành vi cử chỉ kể cả danh tính, giọng nói, cử động… tạo thành lối sống hoàn toàn độc lập với cung cách thường nhật.

Chứng trạng này từ thế kỷ XIX đã được nhà tâm lý người Pháp Pierre Janet (1859-1947) đề cập tới nhưng nhiều người không quên một tác phẩm, tuy là tiểu thuyết nhưng lại đưa ra một trường hợp MPD điển hình. Tác phẩm này có tên Strange Case of Dr. Jekyll and Mr. Hyde (Vụ án kỳ lạ của bác sĩ Jekyll và ông Hyde) của nhà văn người Anh, Robert Louis Stevenson, ra đời vào năm 1886. Tác phẩm còn được biết đến với tên gọi đơn giản Jekyll & Hyde.

Truyện kể về một luật sư ở Luân Đôn tên Gabriel John Utterson điều tra về sự hiện diện kỳ lạ giữa người bạn cũ của ông, Henry Jekyll và một tên cực kỳ nguy hiểm Edward Hyde. Họ là hai, một tốt một xấu nhưng thực ra chỉ là một của một bệnh nhân rối loạn nhân cách. Đóng vai Jekyll là người đạo đức, nhưng chuyển sang vai Hyde lại là tên cực kỳ tàn bạo.

Được biết khi Stevenson viết Jekyll & Hyde trong ba ngày, bà vợ đọc xong thấy truyện quái dị quá nên đốt đi và nhà văn lại cặm cụi trong ba ngày hồi phục tác phẩm.

Truyện kể lại một bác sĩ nổi tiếng là trung thực và tài ba, đã chế ra một dung dịch thuốc có thể làm biến đổi nhân cách, từ tốt sang xấu. Nếu uống một liều thuốc này, thuốc tác dụng sẽ khiến ông biến thành một con người hoàn toàn đối nghịch với nhân cách bình thường tốt đẹp của mình. Con người ma quái được tạo ra từ Jekyll, có tên là Hyde. Hyde có thể làm tất cả các việc tàn ác như ngược đãi trẻ con tới sát nhân. Cuộc giằng co giữa thiện và ác ở một con ngưởi dẫn tới bi kịch là cái chết của Bs. Jekyll.

Rồi đến năm 1957, công chúng mới biết đến bệnh trên nhờ phim Ba gương mặt của Eve (The three faces of Eve) xuất hiện năm 1957 do nữ tài tử lừng danh Joanne Woodward thủ vai chính. Khi xuất hiện dưới vai Eve White thì rõ ràng là một phụ nữ rụt rè, kín đáo. Nhưng khi biến thành Eve Black thì phô bày sỗ sàng, man rợ, đa tình và rồi lại biến thanh Jane mang tính cách khác hẳn. Đặc biệt, khi nhân cách Eve Black thống trị thì bệnh nhân bộc lộ khuynh hướng sát nhân và bị gửi vào nhà thương điên. Căn bệnh tạo thành bi kịch một đời!

Trên là tiểu thuyết và phim ảnh, nhưng trong thực tế kẻ bị “hội chứng đa nhân cách” có thể diễn ra rối loạn hết sức phức tạp. Đó là trường hợp Sybil Dorsett. Sybil là nhân vật trong một tác phẩm khá ăn khách xuất bản vào năm 1973 ở Mỹ và được quay thanh phim vào năm 1976 với nữ tài tử Sally Field thủ vai Sybil.

Câu chuyện dựa vào bi kịch của một bệnh nhân có thực ở New York bị chứng rối loạn đa nhân cách (multiple-personality disorder, M.P.D hay D.I.D – dissociative-identity disorder.) Ban đầu cô nữ sinh viên này bị chứng mất trí nhớ (amnesia), rồi nhức đầu ghê gớm, đôi khi cảm thấy như thị giác tê liệt nên phải tìm tới chuyên viên tinh thần bệnh. Qua các cuộc chẩn đoán, trong nhiều lần khác nhau, giới y học phát giác ra Sybil có nhiều nhân cách khác nhau ở trong cùng một con người. Khi cô xưng là Vicky từ Paris tới. Biến sang nhân cách khác, cô tự nhận là Peggy Lou…và ở mỗi nhân cách, Sybil xuất hiện độc lập, không hề liên quan tới nhân cách khác, tới mức ở một cô gái này có tới 16 dạng nhân cách khác biệt.

Phải chấp nhận xã hội biến chuyển quá nhanh, quá phức tạp, tạo áp lực cho cá nhân nên thời đại mới có căn bệnh mới.

Theo thống kê mới nhất thì có khoảng từ 25.000 tới 250.000 ngưởi Mỹ bị “chứng rối loạn đa nhân cách” (multiple personality disorder-MPD). Việc thống kê từng vùng, từng năm có khác biệt vì chứng này khó chẩn đoán. Hơn nữa, những người thuộc dạng MPD có nhiều triệu chứng có thể lẫn lộn với nhiều chứng trạng tâm thần khác. Do đó, chuyên gia bệnh lý muốn chẩn đoán chính xác một người có mắc MPD hay không có thể phải theo dõi một thời gian dài có khi lên tới 5, 6 năm.

Trong những năm gần đây con số bệnh nhân tăng cao, phần nhờ khoa học tiến bộ trong việc chẩn đoán, cũng nhờ y bác sĩ có kinh nghiệm hơn khi theo dõi bệnh nhân và cũng vì có giả thuyết bệnh nhân bị hội chứng này bắt nguồn từ thuở ấu thơ gặp nhiều áp lực, một hiện tượng mà xã hội không thể bỏ qua trong việc bảo vệ tuổi thơ hữu hiệu hơn.

Theo Pierre Janet, một người được coi là bị MPD khi có ba triệu chứng:

Có hai hoặc nhiều hơn trạng thái của các nhân cách thay nhau chi phối con người.

Các nhân cách phải hoàn toàn riêng biệt, tương đối ổn định về nhận thức, quan hệ gia đình, xã hội, khả năng miêu tả thế giới xung quanh.

Khi bị một nhân cách này chi phối, người bệnh có khả năng quên các thông tin quan trọng liên quan đến các nhân cách tiềm ẩn khác, đến mức không thể xem đó là chứng quên thông thường.

Theo các nhà y học, bệnh nhân MPD phải chịu những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Họ bị hai hay nhiều nhân cách thay nhau kiểm soát và chi phối, thậm chí có người có tới 37 nhân cách khác nhau. Cá biệt có những người bị giằng xé cùng một lúc bởi hai nhân cách hoàn toàn trái ngược. Theo một thống kê của Hội Tâm thần Mỹ, có tới 1% dân số Mỹ có biểu hiện MPD và khoảng 20% bệnh nhân đang điều trị thực chất là bị MPD.

Thuyết đa nhân cách

Các nhà khoa học cho rằng, con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều “mầm nhân cách” khác nhau, giống như mang nhiều hạt giống. Hạt giống nào phù hợp với cơ thể, điều kiện sống và giáo dục thì sẽ phát triển trở thành nhân cách của con người. Khi ấy, họ “bỏ quên” các nhân cách khác kém hoặc không phát triển.

Tuy có quá trình “chọn lọc tự nhiên” như vậy nhưng những mầm nhân cách kia không bị mất đi hoàn toàn mà nấp ở đâu đó trong tiềm thức. Dưới một tác nhân nào đó, các nhân cách còn lại kia trỗi dậy, kiểm soát và đưa người ta vào chứng MPD.

Cho đến nay có giả thuyết cho rằng hội chứng “rối loạn đa nhân cách” ở một cá nhân có thể bắt nguồn từ thuở ấu thơ bị đẩy vào một cuộc sống đọa đày gây tổn hại cho tâm trí. Khoa học hy vọng, dùng biện pháp tâm-phân (psychoanalysis) giải tỏa những ẩn ức sẽ hy vọng cải thiện sự rối loạn tâm trí của bệnh nhân.

Nhân loại cố gắng trị căn bệnh thời đại nhưng đến nay chỉ bước những bước chậm chạp trong việc đi tìm “thuốc tiên chữa bệnh quỷ.”

Chu Nguyễn


Cái Đình - 2017