Phạm Đình Lân
Các loại dây leo có hoa thơm
Theo từ ngữ thảo mộc Hán-Việt, các loại dây leo gọi là ĐẰNG. Rừng ở vùng nhiệt đới và xích đới có nhiều mưa thường có nhiều loại dây leo chằn chịt quấn chặt vào các cây to để sống và tìm ánh sáng mặt trời. Trong bài viết này, chúng tôi tuyển chọn 6 loại dây leo có hoa thơm và có ích lợi kinh tế và y dược trị liệu. Đó là :
1. Dây Ylang Ylang
2. Dây Kim Ngân Hoa
3. Dây Dạ Lý Hương
4. Dây hoa Thiên Lý
5. Dây hoa Lài Vàng
6. Dây Sử Quân Tử tức dây Giun
Dày Ylang Ylang
Ylang Ylang là từ ngữ của tiếng Tagalog được nhiều người Phi Luật Tân dùng. Ylang có nghĩa là hoang dã. Đó là một loại dây leo có thân mộc cứng nên có thể sống rất lâu trong trạng thái hoang dã. Lá dài màu xanh sậm. Hoa có 6 cánh dầy, dài và uốn cong giống như hoa mãng cầu. Hoa Ylang Ylang màu vàng-xanh nhạt rất thơm. Trái có núm, kết thành chùm xa xa trông như chùm trái lê ki ma.
Xin đừng nhầm dây Ylang Ylang với cây hoa sứ công chúa Ylang Ylang Cananga odarata hay Annona odorata (tên khoa học này có nghĩa hương thơm mãng cầu) có hoa cùng màu, cùng hình dáng, cùng gia đình thảo mộc Annonaceae của mãng cầu và cùng hương thơm ngào ngạt với hoa của dây Ylang Ylang. Dây Ylang Ylang được tìm thấy nhiều trên quần đảo Phi Luật Tân, Miến Điện, Ấn Độ, Hoa Nam, quần đảo Indonesia v.v.
Tên khoa học của dây Ylang Ylang là Artabotrys odoratissimus thuộc gia đình Annonaceae. Người Anh cũng gọi là Ylang Ylang, Climbing Lang Lang; tiếng Hindi : Hari-Champa (Hari: sư tử; thần Vishnu hay Nag Champa; Champa: hoa sứ)
Hoa và lá Ylang Ylang dùng để cất dầu thơm Ylang Ylang nổi tiếng. Hoa Ylang Ylang kháng trùng, kháng nấm, kháng ung thư, trị sốt rét, bịnh về tim, nôn mửa, khát nước, nhức đầu. Khả năng trị HIV của hoa Ylang Ylang được quan tâm để nghiên cứu.
Lá của dây Ylang Ylang có nhiều alkaloids và anthraquinone C14 H8 O2. Alkaloids giết chết lăn quăn của muỗi. Lá Ylang Ylang có tính sát trùng. Lá sắc nước dùng để trị kiết lỵ, tiêu chảy. Phụ nữ có thai không được uống nước sắc này. Đó là thuốc trụy thai ngày xưa. Trái dùng làm thuốc kích thích tim, hạ huyết áp, trị chứng bắp thịt co giật.
Dây Kim Ngân Hoa
Gọi là kim ngân hoa vì hoa mới nở màu trắng (ngân: bạc - màu trắng bạc). Hoa chuyển sang màu vàng (kim: vàng - màu vàng) khi gần tàn. Các loại kim ngân hoa được biết là:
- Kim ngân hoa Nhật Lonicera japonicca thuộc gia đình Caprifoliaceae (Capri: con dê, folia: lá – Dương Diệp tiếng Pháp gọi là gia đình Chèvrefeuille) hoa trắng chuyển sang màu vàng khi gần tàn. Lá bầu ở phần cuống và nhọn ở đầu lá. Dây dài và dẻo có nhiều sợi. Hoa hình loa kèn; cánh hoa dài, uốn cong lên. Hoa rất thơm nhất là về đêm. Trái nhỏ, tròn, màu đen khi chín. Người Anh gọi kim ngân hoa Lonicera japonica là Japanese honeysuckle, goat leaf; Trung Hoa : Jin Yin Hua; Nhật Bản : Suikazura ; Pháp : chèvrefeuille (1).
- Kim ngân hoa Lonicera periclymenum ở Âu Châu có hoa đỏ.
- Kim ngân hoa Hòa Lan mang tên khoa học Lonicera periclymenum Belgica có hoa trắng rất thơm. Hoa chuyển dần từ trắng sang màu vàng rồi màu đỏ hồng khi gần tàn. Người Anh gọi loài kim ngân hoa Hòa Lan là Dutch honeysuckle.
- Kim ngân hoa nhẫn đông có hoa màu trắng sữa, mang tên khoa học Lonicera fragrantissima. Người Anh gọi loại kim ngân hoa cực thơm này là fragrant honeysuckle hay winter honey suckle.
- Kim ngân hoa Việt Nam mang tên khoa học Lonicera dasystyla. Người Anh gọi là kim ngân hoa Bắc Kỳ (Tonkinese honeysuckle). Dòng Lonicera của kim ngân hoa được đặt tên dựa vào tên của vị bác sĩ Đức tên Lonicer, người Âu Châu tìm thấy kim ngân hoa đầu tiên vào thế kỷ XVI.
Kim ngân hoa có tannins, saponins, flavonoids, luteolin, lonicerin, inositol, ác xít chlorogenic, ác xít isochlorogenic.
Kim ngân hoa được dùng để kháng trùng lao, trùng kiết lỵ, trị đau màng óc, kháng viêm, hạ nhiệt, nhuận tiểu, trị chuột rút, hạ cholesterol, hạ huyết áp, trị quai bị, viêm gan, sưng phổi, ho lao. Kim ngân hoa kết hợp với liên kiều Forsythia suspensa dùng để trị nhức đầu, đau cuống họng, khát nước.
Kim ngân hoa có saponins. Người ta chặt dây kim ngân hoa bỏ xuống ao, hồ làm cho cá bị say để bắt. Dây kim ngân hoa có sợi dùng để bện dây, đan rỗ, giỏ.
Ở Nhật và Trung Hoa, người ta rất quý trà kim ngân hoa (Jin yin hua cha). Trà làm từ hoa, lá và dây kim ngân hoa. Nó có sinh tố C, ác xít salycylic C7 H6 O3 như aspirin tự nhiên, potassium, magnesium, antioxidants, bioflavonoids. Trà giải nhiệt, tẩy độc chất trong cơ thể, chống sự nhiễm trùng bàng quang, trị nhức đầu, ho, kháng viêm, kháng trùng. Người Nhật trân quý các loại trà xanh, trà kim ngân hoa, trà tía tô (tử tô), trà rau vấp cá (ngư tinh thảo).
Dây Dạ Lý Hương
Dạ lý hương hay Lý Xiêm là một loại dây hay bụi, thân nhỏ, dẻo; lá xanh; đầu nhọn. Hoa hình ống có 5 cánh trắng. Hoa rất thơm, cách xa 100m vẫn còn hương thơm. Hương thơm tỏa về đêm, do đó có tên Dạ lý hương. Toàn cây dạ lý hương đều có độc chất, nhất là trái của loại hoa này.
Tên khoa học của dạ lý hương là Cestrum nocturnum thuộc gia đình Solanaceae của các loại cà ăn trái như cà tím, cà tô mát (cà chua) và cà độc dược. Người Anh gọi dạ lý hương là Queen of the night, night blossoming jasmine tựa như cách gọi ye lai xiang (dạ lài hương) của người Trung Hoa. Ngoài ra người Trung Hoa còn gọi dạ lý hương là ye xiang mu (dạ hương mộc). Người Tây Ban Nha gọi dạ lý hương là Dama de noche (Dạ Nữ).
Dạ lý hương được tìm thấy khắp nơi trên thế giới: ở Đông Nam Á, bắc Úc Đại Lợi, Hoa Nam, Nam Á, các hải đảo trong biển Carribean, Trung và Nam Mỹ.
Người Maya cho rằng Thần Chết Kisin sinh ra trong bụi cây dạ lý hương. Ở một địa phương ở Ấn Độ, người ta cho rằng hương thơm của dạ lý hương hấp dẫn rắn đến nên người ta không trồng dạ lý hương gần nhà. Cũng tại Ấn Độ, người ta dùng hoa dạ lý hương để cúng thần Shiva và Ganesh.
Độc chất trong lá, thân, hoa, trái dạ lý hương gây tử vong cho động vật có vú như chó, ngựa, và cả loài người vì có alkaloids tựa như atropine, glycoalkaloid solanine. Một con bò ăn 15 pounds, lối 6,8 ki-lô, lá, thân dây dạ lý hương thì chết. Ăn trái bị nôn mửa, xùi bọt mép và có thể bị tử vong nếu không cứu chữa kịp thời. Hương thơm của dạ lý hương gây dị ứng cho người bị bịnh suyển, gây ngứa cuống họng, bị nôn mửa vì sự hiện diện của ác xít chlorogenic C16 H18 O9. Lá và hoa dạ lý hương dùng làm thuốc trị động kinh, nhức đầu, mất quân bình. Ở Mễ Tây Cơ, thời văn hóa Maya, người ta nấu lá và hoa dạ lý hương tắm để trị chứng mồ hôi trộm.
Hoạt chất lấy từ dạ lý hương làm chết lăn quăng của muỗi Ardes aegypti gây ra sốt xuất huyết (sốt Dengue). Flavonoids của hoa dạ lý hương hủy tế bào beta của chuột bị tiểu đường (thí nghiệm). Thí nghiệm này cho thấy dạ lý hương có thể được dùng để trị bịnh tiểu đường. Nhưng phải thận trọng vì dạ lý hương có độc chất có thể gây tử vong.
Dây Thiên Lý
Hoa thiên lý hay hoa lý là một loại dây leo trên giàn hay trên vách tường. Hoa thiên lý có 5 cánh màu vàng-xanh nhạt, rất thơm về đêm như hoa dạ lý hương. Sự khác biệt của hoa thiên lý và hoa dạ lý hương là dạ lý hương có độc chất có thể gây tử vong cho động vật có vú kể cả loài người. Trái lại lá và hoa thiên lý là thức ăn bổ dưỡng của loài người.
Lá thiên lý hình trái tim màu xanh sậm. Hoa màu vàng-xanh nhạt. Hoa búp thon dài. Hoa rất thơm về đêm vì sự hiện diện của geraniol, beta- ionone, dihydro- beta ionone, dihydro beta- ionol. Hoa và lá dùng để nấu canh hay chiên với hột gà. Đó là nguyên liệu nấu nướng được yêu thích ở miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam, Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, Thái Lan v.v. Người Ấn Độ cho hoa thiên lý vào món cà-ri của họ. Người Mã Lai cho hoa thiên lý vào món gulai của họ. Ca dao Việt Nam về hoa thiên lý được ghi chép như sau:
Thương chồng nấu cháo cao lương
Nấu canh hoa lý, nấu chè hột sen
*
Tóc em dài, em cài hoa thiên lý
Miệng em cười có ý anh thương
Hoa thiên lý có sinh tố A, B1, B2, proteins, carbohydarates, chất vôi, sắt, phosphorus v.v.
Tên khoa học của hoa thiên lý là Telosma cordata (còn nhiều tên khác) thuộc gia đình Asclepiadaceae. Người Anh gọi hoa thiên lý là Tonkin jasmine (Hoa Lài Bắc Kỳ), Tonkin creeper (dây leo Bắc Kỳ) (2), Chinese violet, Pakalana vine, cowslip creeper ; Mã Lai: Bunga Tongteng (2); Thái Lan: Dok salit; Tamil: Chambanga; Pháp: Parfum nocturne (Dạ Hương); Tây Ban Nha: Fragancia nocturna.
Ở Việt Nam, Cambodia, Lào, hoa thiên lý được xem là nhuận tiểu. Theo giáo sư Nguyễn Văn Dương trong quyển Medicinal Plants of Viet Nam, Cambodia and Laos, tr. 77, năm 1962 bịnh viện Thái Bình báo cáo dùng lá thiên lý làm thuốc đắp trị sa ruột và sa tử cung có kết quả tốt.
Ở Trung Hoa, đó là nguyên liệu sản xuất một loại dầu thơm đắt tiền có hương thơm như dầu thơm Chanel No.5. Ngoài việc dùng hoa thiên lý trong nhà bếp, người ta còn dùng nó để trị đau mắt (nhậm mắt).
Rễ dây hoa thiên lý dùng làm thuốc trị hàn chứng (bị lạnh) vì tiểu đường, tẩy độc trong cơ thể, hạ nhiệt, tiểu viêm, đau mắt. Lá thiên lý có tính sát trùng, trị trĩ (hemorrhoid), ung nhọt.
Ở vùng Hy Mã Lạp Sơn, Ấn Độ và Phi Châu có một loại thiên lý mang tên khoa học Pergularia extensa (còn nhiều tên khác) thuộc gia đình Asclepiadaceae. Dựa vào cách gọi của người địa phương, chúng tôi tạm gọi đó là hoa thiên lý Ultaran vì một trong những tên khoa học của hoa thiên lý là Pergularia odoratissima. Hoa thiên lý Ultaran màu trắng rất thơm. Lá hình trái tim. Trái có gai mềm, xa xa trông ghê rợn vì có gai và có lông. Trái có nhiều hột nhỏ. Hoa thiên lý Ultaran ăn được và có dược tính rất cao. Người Anh gọi là Pergularia, treillis vine (dây leo giàn). Tiếng Sanskrit (Phạn) gọi là Uttamarani.
Hoa có nhiều flavonoids kháng trùng, bảo vệ gan nhưng gây trụy thai.
Lá và rễ có steroids, nhiều alkaloids, tannins, beta-sistosterol, glucoside, calactin, caletropin. Ở Ấn Độ ngày xưa người ta dùng thiên lý Ultaran để trị phong hủi, thiếu hồng huyết cầu, trĩ. Lá dùng để trị tiểu đường, tê thấp. Lá thiên lý Ultaran nhuận tiểu, nhuận trường, trị sạn thận, bịnh gan.
Dây Hoa Lài Vàng
Hoa lài vàng Jasmimum odoratissimum thuộc gia đình Oleaceae là một loại dây dài 2 - 3m, dẻo và cứng; lá láng; hoa hình ống màu vàng trông như hoa huỳnh anh Allemanda cathartica. Hoa lài vàng rất thơm nên người Anh gọi là the sweetest jasmine hay đơn giản là yellow jasmine. Chữ jasmine dùng ở đây như gợi lại hương thơm hơn là hình sắc của hoa lài. Hoa lài vàng được tìm thấy nhiều ở Bắc Mỹ, Đông Á, miền nam nước Pháp, hải đảo trong Đại Tây Dương gần lục địa Phi Châu.
Hoa lài vàng có hương thật thơm dùng để cất nước hoa, tạo sự thư giãn cho phụ nữ mang thai sinh sản dễ dàng.
Ngoài hoa lài vàng vừa nói, ở Nhật có nhiều hoa lài vàng Jasminum mesnyi mà người Nhật gọi là Kin- sokei. Người Anh gọi hoa lài vàng Nhật là Japanese jasmine, Primrose jasmine, Winter jasmine (Hoa lài đông tiết); Ấn Độ: peeli malati. Hoa lài vàng Nhật rất thơm và đẹp. Hoa tựa như hoa mai nhưng có hai lớp. Do đó có thể có đến 10 cánh hoa vàng.
Lá hoa lài vàng Nhật có secoiridoids, coumarin, linalool. alpha- terpineol, asarone C12 H16 O3, phytol, geraniol. Lá được dùng để trị tiểu đường, đau bắp thịt, không thèm ăn, kháng viêm. Người ta cũng dùng nó để làm thuốc thú y : xổ lãi cho ngựa.
Ở Ý có hoa lài vàng Jasminum humile (chậm lớn). Thực tế hoa lài vàng Jasminum humile này gốc ở Afghanistan, Hy Mã Lạp Sơn, Sichuan (Tứ Xuyên) nhưng vì người ta thấy trồng nhiều ở Ý nên gọi là hoa lài vàng Ý (Italian jasmine). Hoa lài vàng Ý rất thơm, có nhiều antioxidants, kháng trùng, cầm máu, trị hắc lào (ringworm), ích lợi cho tim. Lá phơi khô dùng để nấu nước uống như trà.
Ở miền đông Hoa Kỳ có hoa lài vàng độc không thuộc dòng Jasminum và gia đình Oleaceae mà thuộc dòng Gelsemium và gia đình thảo mộc Loganeaceae. Tên khoa học của loại hoa lài vàng độc này là Gelsemium sempervirens. Người Hoa Kỳ gọi là Carolina jasmine (Hoa lài Carolina). Độc chất do sự hiện diện của alkaloids độc như gelsemine, gelseminine liên hệ đến strychnine C21H22N2O2 dùng làm thuốc diệt chuột. Nhưng trên cơ sở "lấy độc trị độc" hoa lài vàng độc được dùng để trị bịnh thần kinh, suyển, ho gà, hạ sốt, động kinh, bắp thịt co giật. Xin đừng tự ý dùng nếu không có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Hoa lài vàng độc là hoa biểu tượng của tiểu bang South Carolina.
Dây Sử Quân Tử: Dây Giun
Gọi là dây giun vì công dụng diệt trùng lãi của loại thảo mộc này. Tên Sử Quân Tử âm từ cách gọi của người Trung Hoa Shi Jun Zi.
Người Anh gọi dây sử quân tử là vermifuge liane (dây giun), Chinese honey suckle (Kim ngân hoa Trung Hoa), Rangoon creeper dịch văn vẻ bác học là Ngưỡng Quang Ɖằng (Rangoon : Ngưỡng Quang, thủ đô của Miến Điện; Đằng : dây leo) (3)
– Pháp: Quisqualis d’Inde
– Tây Ban Nha: Quiscual
– Tagalog (Phi Luật Tân): talolong; niyog- niyogan
– Ấn Độ: Madhu malti; Lào: Khua hung.
Tên khoa học của dây sử quân tử là Quisqualis longiflora (vì hoa có cuống dài), Quisqualis pubescens (có lông), Quisqualis indica (indica: Ấn Độ; Quisqualis: cái gì?– Quisqualis indica: cái gì ở Ấn Độ nếu dịch sát nghĩa của tên khoa học của dây sử quân tử (dây giun). Dây sử quân tử thuộc gia đình Combretaceae.
Dây sử quân tử (dây giun) được tìm thấy nhiều ở các vùng nhiệt đới Á châu, Mỹ châu và Phi châu, nhất là Nam Á, Đông Nam Á, bắc Úc Đại Lợi, các hải đảo Thái Bình Dương nơi có khí hậu đại dương. Trong trạng thái hoang dã, dây giun có thể dài đến 20m; dây có mộc cứng; lá bầu, có nhiều gân lá dọc theo chiều ngang của lá sắp xếp như bộ xương cá. Hoa có hương thơm của hoa lài hay kim ngân hoa. Hoa nhỏ, 5 cánh. Khi mới nở hoa màu trắng toát. Dần dần hoa chuyển sang màu hồng nhạt rồi màu đỏ bầm trước khi tàn. Trái dây sử quân tử ăn được. Hột có nhiều dầu dùng để làm dầu giun. Hột có ác xít oleic, palmitic, sterols, saponins.
Trái dùng để trị ho, viêm thận.
Hột dùng để trục lãi.
Người Phi Luật Tân rất chú ý đến dây sử quân tử nên nghiên cứu khá nhiều về loại dây có hoa thơm và có hột trị lãi này.
Bài viết tổng hợp này đưa vào Thế Giới Thảo Mộc Tự Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
__________
Ghi chú :
(1) Không biết vì sao người Pháp đặt tựa bài Scarborough Fair là Chèvrefeuille Que Tu Es Loin và được Phạm Duy dịch thành Giàn Thiên Lý Đã Xa. Nhưng Chèvrefeuille (goat leaf) là kim ngân hoa chớ không phải hoa thiên lý. Người Pháp gọi hoa thiên lý là Parfum nocturne (dạ hương).
(2) Chữ Tonkin âm từ Đông Kinh (Đông Đô) tức Thăng Long (Hà Nội). Dần dần Tonkin co nghĩa là Bắc Kỳ tức Bắc Bộ bây giờ. Các sách cổ viết : Tonking, Tongking hay Tonquing.
(3) Burma (Birmanie) là danh xưng của nước Miến Điện. Ngày nay danh xưng này được đổi thành Myanmar. Thủ đô Rangoon mà người Trung Hoa âm thành Ngưỡng Quang trở thành Yangon. Hiện nay thủ đô của Miến Điện là Naypidaw có nghĩa là ‘thành phố của các vua '.