Nguyễn thị Cỏ May
Ăn thông minh, chết mạnh khỏe
Ăn cũng chết, không ăn cũng chết. Ngày nay, thế giới văn minh vẫn còn tình trạng thiếu ăn rất phổ biến. Chính sự thiếu đói là nguyên nhân gây ra 45% cái chết của trẻ con dưới 5 tuổi hằng năm, tức 3,1 triệu đứa trẻ. Nhưng ăn nhiều, ăn những thức ăn thừa chất dinh dưỡng cần thiết, lại còn chứa những mầm bịnh tật cũng gây tử vong không ít. Hiện nay các cơ quan lo về sức khỏe người dân đang báo động mối nguy vì ăn.
Trong bài trước “Đũa và Dao”, Cỏ May mô tả tình hình dân chúng ở Huê kỳ mắc những chứng bịnh hiểm nghèo do thói quen ăn uống bị ảnh hưởng thị trường, không thể chọn lựa hoặc không biết chọn lựa khác hơn (Forks over knives, phần phụ đề pháp ngữ; 3 tạp chí Le Nouvel Obs, Marianne, Le Point).
Bịnh tật và tử vong nghiêm trọng không riêng gì ở Huê kỳ vì Huê kỳ là quê hương của những thức ăn nhanh, chế biến sẵn hàng loạt, mà cả ở Âu châu như ở Hi-lạp, nước bị khủng hoảng kinh tế nặng nề hay ở nước cộng sản chậm tiến như Việt nam. Vì thế giới không còn biên giới và kinh tế được toàn cầu hóa.
Nạn nhân của “ăn thiếu thông minh” là sự béo phì. Năm rồi, 2014, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) công bố một báo cáo về tình trạng sức khỏe dân chúng Âu châu theo đó, Hi-lạp là nước dẫn đầu 33 nước của Âu châu về trẻ con béo phì. Cứ 4 trẻ con trên 10, tức 44% từ 4 tới 16 tuổi bị bịnh béo phì do tập quán ăn uống.
Điều nghịch lý ngày nay là các cơ quan y tế kêu gọi hãy ăn ít để sống khỏe và sống lâu. Ăn cho no là càng chết sớm!
Trước kia, người gầy là người bịnh hoạn, thiếu ăn vì nghèo. Người mập mạp mới là người dư ăn dư để. Ngày nay, người mập phì là người nghèo vì ăn những thức ăn chế biến sẵn của kỹ nghệ thực phẩm. Ở Tàu và Việt nam, người ta quan niệm đứa trẻ mập mới đẹp và biểu hiện từng lớp có tiền nên ở hai xứ cộng sản này bắt đầu xuất hiện bịnh béo phì ở trẻ con trong lúc đó ở Huê kỳ, tỷ lệ trẻ con béo phì đã ổn định và giảm từ vài năm nay, chỉ còn ở một số tiểu bang, người lớn da đen và mễ, bị béo phì chiếm trên 44%, da trắng hơn 33%.
Vì tiền
Trước đây, để sản xuất 100 đơn vị thành phẩm, người ta phải cần 1000 đơn vị vật liệu để sản phẩm được bảo đảm phẩm chất. Trái lại ngày nay, muốn có 1000 đơn vị thành phẩm, người ta tính toán thế nào để chỉ cần 100 đơn vị vật liệu mà thôi. Số lượng lớn mới đem lại lợi nhuận cao. Do đó, sản phẩm thiếu phẩm chất, về thực phẩm, chẳng những gây nguy hại cho sức khỏe con người mà còn làm thiệt hại môi trường, từ qui mô địa phương tới qui mô toàn cầu.
Cách sản xuất thực phẩm hàng loạt nhằm đạt chỉ tiêu số lượng, bắt đầu từ Huê kỳ, Âu châu đi theo. Ngày nay thì Minnesota qua Picardie, Pháp, về mặt kỹ nghệ thực phẩm, cung cách sản xuất gần như không còn biên giới, ngoại trừ tầm vóc xí nghiệp.
Theo những nhà chuyên môn, kỹ nghệ chế biến thực phẩm ăn nhanh hàng loạt có mầm độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng được nuôi sống, lớn mạnh trên những thứ mà chính nó tiêu dìệt. Thử nhìn qua trường hợp thức ăn chơi hằng ngày để thấy họ làm giàu bằng cách gây ra bịnh tật: nhà phân phối làm giàu nhờ buôn bán, nhà kỹ nghệ dược phẩm giàu nhờ bán thuốc chữa bịnh, nhà ngân hàng giàu nhờ quản lý hằng tỷ bạc của những người này.
Y sĩ và Dược sĩ nói với nhà kỹ nghệ fast-food “Nếu bạn đừng thay đổi gì cả thì bạn cứ tiếp tục gởi tới chúng tôi khách hàng của bạn”.
Ăn uống nguy hại ngày nay bắt nguồn từ những chuyển biến lớn trong kỹ nghệ và xã hội ở hậu bán thế kỷ XX mà nguyên tắc chỉ đạo vẫn còn được áp dụng triệt để là “sự sản xuất, sự nhanh chống, mức lợi nhuận”. Áp dụng vào thực tế, ở khắp nơi, người ta phải sản xuất mau và rẻ để dân chúng ăn nhiều. Con người từ nay không còn “ăn để sống” cho mình nữa mà “sống để ăn” để làm giàu cho giới kỹ nghệ thực phẩm. Chính khẩu hiệu “sản xuất, nhanh, lợi” đã tự nhiên biến đồng áng trở thành những xí nghiệp mà nhà nông trở thành nạn nhân. Đồng thời, nhiều thanh niên bỏ ruộng vườn, đi ra thành phố làm công lãnh lương để cải thiện đời sống bản thân.
Sau cùng khẩu hiệu “cạnh tranh hay chết” đưa một số kỹ nghệ gia và thương gia trở thành những người chỉ còn biết lợi nhuận, bỏ mất hẳn tinh thần “trao đổi tự do”, tái lập một thứ tư bản nhà nước độc quyền trọn vẹn thị trường và sản xuất. Nói cách khác, đó không gì khác hơn chế độ cộng sản nhưng trên cơ sở sở hữu tư nhân.
Những chất độc bạn ta
Ai cũng biết “ăn cũng chết, không ăn cũng chết”. Nhưng nếu ăn uống kỹ lưỡng, biết cẩn thận chọn lựa thức ăn thì giữ gìn được sức khỏe tốt, tránh được đau yếu, bịnh tật triền miên. Muốn vậy, những thứ độc hại quen thuộc nay cần được nhận diện.
Đường
Trong việc lựa chọn tránh những thứ độc hại, trước mắt nên tránh ăn nhiều đường. Trong nhiều thức ăn, uống chế biến sẵn, có lượng đường rất cao. Ai có nghĩ món súp tươi rau cải (légumes) trong hộp 1 lít có ít nhứt 1 cục đường, muối nhiều hơn, trong lúc đó, thứ chủ yếu là rau cải (légumes) lai chỉ có không quá 20% vì phần còn lại là những thứ phụ như mùi vị nhơn tạo, bột, nước,... Một chai Coca Cola chứa lượng chất ngọt bằng 25 cục đường. Thậm chí, sốt tô-mát (sauce tomate) như ketchup cũng có đường (23 grs/100 grs), hay cá mòi hộp, các loại sà-lách sẵn sàng để ăn vô hộp,... Bánh kẹo, những thỏi ngũ cốc chứa nhiều đường là dĩ nhiên vì đó là những thứ ngọt.
Muối
Trong các thứ chế biến sẵn, từ những thứ tươi cho tới đồ hộp hay chín như thịt nguội,... đều có rất nhiều muối. Người ta dùng nhiều muối để tạo cho những thứ này có “vị” (goût) vừa làm mất đi cái cảm giác dở ở khách hàng.
Khi ăn tại chỗ, khách hàng ăn mặn sẽ phải uống nhiều nước. Cửa hàng nhờ đó thâu thêm món lợi. Theo qui định của Y Tế Quốc tế (OMS), mỗi ngày, mỗi người không được ăn quá 5g muối. Khi ta ăn một gói khoai tây chiên (frite) của Mc Do hay một gói Chip, ít ai ngờ mình đã ăn gần đủ số muối trong ngày cho phép. Dân Tây sực mỗi người ngày từ 8 tới 9g muối mà không hề để ý tới. Ở xứ Tây, số lượng muối trong thực phẩm chế biến sẵn chưa bắt buộc phải ghi ra trên bao bì. Năm tới, 2016, sẽ bắt buộc. Nay, người ta chỉ ghi “sodium” mà 1gr sodium bằng 2,5gr muối!
Dầu Cây cọ (Huile de Palme)
Đây là thứ dầu được kỹ nghệ thực phẩm dùng nhiều nhứt vì giá rẻ nhờ dễ sản xuất. Nó ít mùi vị hơn các thứ dầu khác. Khi ta ăn chocolat, chip, margarine, nhiều loại bánh nướng, cả bánh mì, bánh ngọt, cả mayonnaise,... là ăn thứ dầu này. Trong dầu Cây cọ, chất acide chứa nhiều acide béo bão hòa làm tăng cholestérol xấu trong máu, hạ thấp cholestérol tốt, và gây ra bịnh tiểu đường.
Người ta cho hydrogène vào dầu thảo mộc như dầu bắp, dầu cây cọ,... để làm cho các loại nướng thêm dòn nhưng lại là mầm làm nghẽn mạch máu, làm tim bịnh và còn là mầm móng ung thư. Hiện nay, ở Pháp, dầu cây cọ dùng rất hạn chế.
Các thức ăn có nhiều bột chiên hay làm chín ở độ nóng trên 120°C được xem là mầm mống trực tiếp gây ung thư. Các loại này rất phổ biến, bày bán khắp nơi, cả trong các máy tự động: bánh bít-qui, frites, crackers, nugets, chips, café,... Cẩn thận là không ăn nhiều, thường xuyên.
Thịt “VSM”
Thứ thịt này, ít có ai nghĩ tới. Đó là thịt người ta cố lấy cho hết sạch, đưa vào máy gọt để lấy cho được những miếng thịt cuối cùng còn bám sát theo xương. Trong quá trình này, máy cạo luôn gân, sụn, tủy. Thứ thịt này rẻ tiền nên đem làm xúc-xích, ravioli (như hoành thánh của Ý),... Đó là mầm truyền nhiễm bịnh điên từ súc vật như bò điên. Ngoài bao bì, bắt buộc phải ghi rõ “thịt vsm” (viande séparée mécaniquement = thịt tách ra bằng máy).
Sau cùng những chất độc là những hóa chất đưa vào thức ăn chế biến sẵn như màu, chất bảo quản,...
Sự thật và ngộ nhận
Uống nưóc từ vòi nước trong nhà. Tức uống nước phong-tên. Nhưng từ lây nay, người ta chọn uống nước chai như Evian, Vichy, Vittel,... vì cho rằng nước chai tốt hơn, tinh khiết hơn, có nhiều khoáng chất hơn. Thật ra, nước trong chai không phải dở về mặt sức khỏe nhưng cái tai hại là quá trình lấy nước, vô chai, bảo quản, bày bán,... nước bị tác hại bởi những điều kiện khách quan nên khi uống, người uống bị bịnh. Trái lại, nước phong-tên trong nhà, có khi có mùi chlore, uống không ngon, nhưng về mặt vệ sinh lại an toàn. Vì khi nước bị dơ, chỉ trong vài giờ, cơ quan thẩm quyền báo động ngay. Trong lúc đó, nước chai không thể làm được.
Sữa và các thứ từ sữa như yaourt, phó-mát, xưa nay được nhìn nhận là nguồn dinh dưởng tối ưu. Đúng. Nhưng nay, giới chuyên môn lại cho biết – đang chờ kết quả nghiên cứu cuối cùng – đó cũng chứa mầm móng ung thư prostate, tiểu đường loại 2,... nếu ăn nhiều sữa.
Về mật ong, không phải thứ mật nào cũng tốt. Người tiêu dùng nên cẩn thận khi dùng.
Giữa bơ và marguerine (chất béo từ thảo mộc), khuyên nên chọn bơ.
Dầu Olive là thứ tốt nhứt trong dinh dưỡng. Dân sống ven địa trung hải, ít bịnh về tim mạch nhờ họ ăn nhiều dầu olive. Hơn nữa, dầu Olive nguyên chất dùng chiên xào tốt nhứt, cả ở độ nóng cao.
Đừng quan tâm tới “Olive Bio” vì đó chỉ là cách tiếp thị phổ thông bởi cây Olivier không cần phân bón và sát trùng.
Ăn nướng, gần đây bị lên án là mầm ung thư vì phần cháy đen. Nếu tránh được thịt cá nướng bị cháy đen thì không có gì đáng ngờ vực nữa.
Về cá, không phải trong con cá, tất cả đều tốt.
Café chỉ là chất kích thích. Không đúng. Theo kết quả một nghiên cứu ở Harvard, café làm giảm căng thẳng ở phụ nữ với không quá 4 tách ngày. Nhưng café pha liền không tốt bằng café pha qua cái lọc giấy. Tức “cái nồi ngồi trên cái cốc” vì nó vướng vài thứ qua quá trình chế biến theo kỹ nghệ.
Ngày nay, mọi thứ, mọi nơi đều bị ô nhiễm. Tìm cho được một thứ thiệt tinh khiết tốt cho sức khỏe không còn là điều mà ai cũng làm được.
Ở Việt nam, người ta ăn từ sáng cho tới tối, trong nhà, trong tiệm, trên hè phố, lề đường. Người có tiền đòi cho được những thứ thật cầu kỳ, thật hiếm. Người không tiền, thì bết đại xuống lề đường, quán cốc, ăn cho qua cơn đói, không kịp biết giá trị dinh dưỡng của món ăn. Cũng như người Tàu, trước đây, không mấy quan tâm vấn đề vệ sinh ăn uống vì nước Tàu bị nạn đói triềm miên. Đói chết trước khi bị bịnh vì ăn uống thiếu vệ sinh.
Người ta an ủi nhau “ăn cũng chết, không ăn cũng chết”. Nhưng ăn uống kỹ lưỡng để giữ sức khỏe. Mai này có chết thì cũng làm ma mạnh khỏe hơn là ma đau ốm!
Nguyễn thị Cỏ May