Minh Hạnh
28 phát minh và công trình không tưởng nổi ‘làm tại Trung Quốc’ hiện đang thay đổi thế giới
.
Trung Quốc trong thời gian qua dựa vào sự bao che của các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã bao dung cho hưởng nhiều ưu đãi dành cho các nước chậm phát triển. Trong khi thế giới Tây phương nghĩ là từ đó sẽ thâu lợi qua mỹ từ “toàn cầu hóa” bằng giao thương với Trung Quốc, đồng thời hy vọng với sự tiếp cận với thế giới bên ngoài sẽ buộc Trung Quốc phải đi theo xu hướng chung của thế giới về xã hội, thì Trung Quốc âm thầm cải tiến nội bộ, bất chấp luật lệ (như xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, không có biện pháp thích đáng để bảo vệ môi trường, không có sự minh bạch trong biện pháp ngăn ngừa hiểm họa nhân loại do phát triển công nghệ cao không kiểm soát, ôm mộng bành trướng lãnh thổ…). Xã hội Trung Quốc, do quen với hình thức tập trung nhân vật lực cho những kế hoạch thi đua mũi nhọn, cộng với những vụ xé rào nêu trên, ít nhất đã tạo được lợi thế là có những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc. Daniel Couglin, trong một bài tổng kết đăng trên chuyên trang Money của msn.com vào cuối tháng 01/2019 đã liệt kê 28 phát minh đột phá của Trung Quốc mà ông cho là chúng đang làm thay đổi thế giới. 28 phát minh này là:
1. Bác sĩ robot (docbot) đầu tiên tốt nghiệp y khoa:
Sử dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo, vào tháng 11/2017 Xiaoyi đã tốt nghiệp kỳ thi lấy bằng y, được coi là rất khó tại Trung Quốc. Con docbot này được hãng iFlytek chế tạo.
2. Sở hữu nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới:
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư khai thác năng lượng tái tạo hàng đầu trên thế giới. Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng nhà máy điện mặt trời trên biển lớn nhất nước. Ngoài ra, đập Tam Hợp được xây tại một mỏ than cũ phía đông tỉnh An Huy, với trị giá 151 triệu đô la, có thể cung cấp hoàn toàn năng lượng cho 94.000 hộ gia đình.
3. Máy bay chở khách tự lái (drone) đầu tiên:
Vào tháng 2/2018, tại phi trường Lianyungang thuộc tỉnh Giang Tô, chiếc Ehang 284 đã hoàn thành một chuỗi trắc nghiệm về máy bay tự lái. Chiếc máy bay này có thể bay với tốc độ tới 130km/giờ và rất có thể là phương tiện chở khách trong một tương lai không xa.
4. Dịch vụ giao hàng tận nhà bằng máy bay tự lái (drone):
Trong khi dân Tây phương ngóng cổ chờ Amazon mở dịch vụ giao hàng bằng thiết bị bay thì công ty bán lẻ trên mạng JD.com đã dùng drone để giao hàng. Công ty này có 40 chiếc máy bay tự lái để giao hàng tới các vùng xa xôi, và có kế hoạch phát triển mạng lưới này tới toàn lãnh thổ Trung Quốc.
5. Cơ sở chuyển chất thải thành năng lượng lớn nhất thế giới:
Nhà máy chuyển đổi chất thải thành năng lượng hiện đang xây dựng ở phía đông tỉnh Thẩm Quyến dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2020. Nhà máy này có thể xử lý 1/3 số rác của thành phố và cung cấp năng lượng đủ cho 100.000 hộ sử dụng.
6. Nhân bản con khỉ đầu tiên:
Tiến dần tới việc nhân bản (clone) con người, vào đầu năm 2018, các nhà di truyền học Trung Quốc đã thành công nhân bản hai con khỉ macaca, được đặt tên là Zhong Zhong và Hua Hua. Toán chuyên viên của Viện Nghiên cứu Khoa học Thiên An đã dùng phương pháp tương tự như phương pháp nhân bản được áp dụng để tạo ra con cừu Dolly nhờ nhân bản.
7. Ngân hàng robot đầu tiên trên thế giới:
Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã khai trương ngân hàng đầu tiên tiếp khách bằng robot vào tháng 4/2018. Tiếp viên robot, nếu cần, sẽ hướng dẫn khách hàng tới những nơi đặt thiết bị dùng trí tuệ thông minh để giải quyết công việc về tài chính.
8. Chữa trị tái tạo phổi đầu tiên trên thế giới:
Vào tháng 4/2018, Đại học Đồng Tế (Thượng Hải) loan báo đã thành công dùng tế bào gốc của chuột để tái tạo phổi cho bệnh nhân, một bước đột phá trong ngành y.
9. Xe lửa thông minh đầu tiên không chạy trên đường rầy:
Trung Quốc đi trước thế giới qua việc khai trương tuyến xe lửa không chạy trên đường rầy cổ điển mà chạy trên đường rầy ảo. Tuyến đường được đặt tại Chu Châu Thị, thuộc tỉnh Hồ Nam. Họ tuyên bố là hình thức này rẻ hơn xe điện, xe bus, và thân thiện với môi trường.
Xe lửa thông minh tại Chu Châu Thị, ảnh Xue Yuge/Tân Hoa Xã
10. Hải pháo đầu tiên trên thế giới dùng kỹ thuật đường rầy:
Tháng 3/2018 Trung Quốc đã cho thử một siêu vũ khí mới: khẩu đại bác đặt trên chiến hạm 936, dùng hiệu ứng điện từ để bắn (kỹ thuật này đang được dùng trong ngành hỏa xa cho các chuyến tàu siêu tốc). Đạn rời khỏi “nòng” súng với siêu tốc khoảng 10.000km/giờ (gần gấp 10 lần tốc độ âm thanh).
11. Thành phố rừng đầu tiên:
Do nạn ô nhiễm không khí trầm trọng trên toàn quốc, Trung Quốc đang thử nghiệm xây một thành phố rừng đầu tiên tại ngoại thành tỉnh Quảng Tây. Thành phố này có thể chứa 30.000 dân, với 40.000 cây, sẽ có thể hấp thụ 10.000 tấn thán khí (CO2) mỗi năm.
12. Đường cao tốc đầu tiên dùng năng lượng mặt trời:
Áp dụng năng lượng mặt trời vào đường phố là một hình thức dùng năng lượng rẻ tiền, và thêm vào đó, nó có thể giúp làm tan băng tuyết đóng. Pháp đã thực hiện con đường đầu tiên theo kiểu này vào năm 2016, nhưng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên áp dụng nó cho một đường cao tốc tại thành phố Tế Nam, thuộc tỉnh Sơn Đông.
13. Bộ nghe nhìn (headset) đầu tiên dùng kỹ thuật 4K cho thế giới ảo:
iQIYI, đang trên bước cạnh tranh với Netflix, vào tháng 04/2018 đã tung ra bộ nghe nhìn với độ phân giải 4K, QIYU VR II. Hãng cho biết bộ này trong tương lai sẽ được nâng cấp lên 8K, hứa hẹn sẽ cho người dùng có được cảm giác trong thế giới ảo như thật, không có gì có thể so sánh.
14. Lò phản ứng nguyên tử thế hệ thứ 3 đầu tiên trên thế giới:
Trung Quốc là nước đầu tiên xây dựng lò phản ứng nguyên tử AP1000 tại huyện Tam Môn, tỉnh Chiết Giang. Lò được cho là có công suất cao hơn, độ an toàn cao và hiệu năng chuyển đổi năng lượng tốt hơn. Nhà máy số 2 đã hoàn thành tốt công tác thử nghiệm vào tháng 11/2018 và trong tương lai gần sẽ đưa vào sử dụng.
Lò phản ứng nguyên tử AP1000 (Oleg Alexandrov/Wikipedia)
15. Chiếc xe hơi điện đầu tiên sản xuất bằng kỹ thuật in 3D:
Công ty in Polymaker đã hợp tác với công ty Ý (X Electrical Vehicle) để “in” ra chiếc xe hơi điện đầu tiên với công nghệ in 3D. Loại xe này có giá khoảng 10.000 đô la, sẽ được rao bán vào đầu năm 2019.
16. Tàu khai thác mỏ dưới biển sâu đầu tiên trên thế giới:
Xưởng đóng tàu Fuijan’s Mawei vào tháng 3/2018 đã hạ thủy chiếc tàu Nautilus New Era, để khai thác mỏ dưới biển sâu. Chiếc tàu này có thể hoạt động ở độ sâu hơn 2500 thước.
17. Tàu hàng đầu tiên trên thế giới chạy bằng điện:
Công ty TNHH Đóng tàu Quảng Châu (Guanzhou Shipyard International Ltd.) đã hạ thủy chiếc tàu biển chở hàng đầu tiên chạy bằng điện vào tháng 12/2017. Oái oăm thay, chiếc tàu này chạy trên sông Châu Giang, chở than đá cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.
18. Răng cấy đầu tiên được robot gắn:
Nha sĩ robot đang hình thành. Vào tháng 9/2017 hai chiếc răng cấy (implantate) được làm bởi kỹ thuật in 3D đã được con robot gắn thành công vào hàm một phụ nữ tại bệnh viện ở Thiên An.
19. Phụ giảng đầu tiên dùng trí tuệ nhân tạo:
Vào tháng 4/2018, công ty nghiên cứu nhu liệu và game NetDragon đã giới thiệu một phụ giảng dùng trí tuệ nhân tạo AI, Qiqi. Nó có thể theo dõi sự vắng mặt, nhận biết các sinh viên cần sự giúp đỡ cá nhân và sẽ giúp riêng cho họ. Theo chân Qiqi, Tân Hoa Xã từ tháng 11/2018 đã đưa ra nhân viên đọc tin tức suốt ngày, dùng công nghệ AI.
20. Máy bay đáp cả trên bờ lẫn dưới nước tự lái đầu tiên trên thế giới:
UVS Intelligent System, hãng làm máy bay drone ở Thượng Hải, tháng 9/2017 đã đưa ra chiếc máy bay U650 không người lái, có thể đạt tốc độ gần 180km/giờ và chở được hơn 250 kg hành lý.
Máy bay U650
21. Nhà máy thanh lọc không khí lớn nhất thế giới:
Có thể đây sẽ là một giải pháp trong tương lai: nhà máy thanh lọc không khí cao 100m được thiết kế bởi Viện Nghiên cứu Khoa học Thiên An, đã chứng tỏ tác dụng tốt sau 1 năm hoạt động, và một số nhà máy tương tự đang được nghiên cứu xây dựng.
22. Kính hiển vi điện tử siêu nhanh với kỹ thuật 3D:
Vào cuối năm 2018, Đại học Trung Quốc ở Hongkong đã đưa trình chiếc kính hiển vi điện tử này. Người ta hy vọng với kỹ thuật này, ngành chữa trị cườm nước (glaucoma) và nghiên cứu về bệnh lú Alzheimer sẽ tiến được những bước dài.
23. Đội ngũ xe buýt đầu tiên trên thế giới hoàn toàn chạy điện:
Đó là ở vùng tây nam Thẩm Quyến, vào cuối năm 2018. Toàn bộ đội ngũ xe buýt 16.000 chiếc đã được chuyển từ diesel sang chạy điện. Ngoài việc giảm xả thải khí CO2 tới 48%, xe chạy điện đã tạo được sự êm ả lạ kỳ cho vùng này, với 12 triệu cư dân.
24. Chiếc cầu trên biển dài nhất thế giới:
Với kinh phí 20 tỉ đô la, chiếc cầu nối Hongkong-Châu Hải (một hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Đông)-Macau dài 50km trong đó có 6km đường hầm dưới biển đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hongkong tới Châu Hải từ 4 giờ xuống còn nửa giờ.
Cầu Hongkong-Châu Hải-Macau
25. Đĩa thu sóng radio đơn lớn nhất thế giới:
Vượt qua Hoa Kỳ và Nga Sô, từ năm 2016 Trung Hoa đã có chiếc đĩa thu sóng đơn lớn nhất thế giới đặt tại Quý Châu. Những chiếc đĩa khổng lồ này dùng để tìm bắt tín hiệu của sinh vật ngoài không gian.
26. Vệ tinh đầu tiên dùng kỹ thuật Quantum:
Cũng bỏ rơi Hoa Kỳ, Trung Quốc là nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật thông tin bằng quantum, dựa trên việc truyền tín hiệu qua các hạt photon. Kỹ thuật này hiện nay được coi là không (hay chưa) thể bị hacker thâm nhập phá hoại.
27. Thiết bị dò tìm những vật chất tối có độ nhạy cao nhất:
Vật chất tối là câu trả lời cho một vấn nạn trong ngành vật lý để có thể giải thích một số điều vô lý trong quy luật vật lý hiện đại. Người ta vẫn đang cố gắng đi tìm bằng chứng cho lý thuyết này, sự tìm ra vật chất tối sẽ đảo lộn nhiều ngành khoa học. Trung Quốc là nước từ năm 2015 đã có thiết bị dò tìm với độ nhạy lớn nhất thế giới. Vương Hầu, tên thiết bị này, vẫn còn đang dò tìm, song song với những thử nghiệm theo hướng khác của nhiều quốc gia trên thế giới.
28. Hạ cánh đầu tiên xuống mặt tối của mặt trăng:
Mặt trăng có một mặt “tối” nơi đó không bao giờ chúng ta có thể thấy được từ trái đất. Vì không thể thấy được cho nên muốn có một cuộc thám hiểm vùng này người ta cần nhiều thiết bị điều khiển trung gian nằm ở những vị trí phức tạp. Trung Quốc đã thành công cho một cuộc hạ cánh trên vùng tối mặt trăng vào tháng 1/2019 và đã truyền được bản đồ một phần của vùng này về trái đất.
***
Nhiều người cho rằng Trung Quốc làm 1 nói 10 và có những gian lận trong báo cáo khoa học. Thế nhưng chúng ta không thể chối cãi nỗ lực vượt bực của họ với quyết tâm vượt Hoa Kỳ và Âu châu. Đương nhiên nhiều quốc gia Tây phương cũng đang có những chương trình nghiên cứu, mở và mật. 28 thành quả trên cho chúng ta cái nhìn về một tương lai với những ứng dụng hiện giờ có thể xa lạ với chúng ta, nhưng một số lớn trong chúng trong một ngày gần đây sẽ thực sự xuất hiện trong đời sống hàng ngày.
.
Minh Hạnh