Từ Thức
Virus. Chuyện kỳ thị da vàng ở Pháp
.
Báo chí, kể cả media Pháp, bắt đầu từ media Pháp, nói nhiều về chuyện kỳ thị người Tàu, và từ đó, người Á Châu ở Pháp, từ ngày có nạn virus. Chuyện đó thực hư thế nào? Kỳ thị là thói xấu được chia xẻ nhiều nhất, tại khắp nơi trên thế giới. Người Á Châu không thua ai, nếu không ăn đứt thiên hạ. Tôi không thấy “làn sóng kỳ thị” những ngày gần đây ở Paris. Cố nhiên là nếu kiếm, vẫn có những chuyện để kể: một ông taxi từ chối khách hàng người Tàu, một bà đổi chỗ ngồi trên métro khi một ông Tàu ho bên cạnh, những câu nói đùa về món ăn Tàu… Và tại các trường học, chắc chắn là có chuyện diễu cợt. Trẻ con đôi khi độc ác, nhưng kỳ thị, không. Chuyện các tiệm ăn Tàu ở quận 13, ở Belleville vắng khách là chuyện có thực, hình như họ mất 40, 50% khách, nhưng không tới những nơi đông người Tàu, là kỳ thị, hay chỉ là một sư thận trọng? Một sự thận trọng không phải là vô lý, khi những những người bị nhiễm virus ở Pháp đều là người Tàu. Ông bác sĩ Pháp bị lây bệnh, cũng vì đã săn sóc cho du khách Tàu. Trước khi có virus, tôi vẫn ngạc nhiên thấy người Pháp vẫn tới ăn rất đông ở các tiệm Tàu, sau những phóng sự trên đài truyền hình. Thí dụ, một TV quay cảnh các bà Tàu, hành nghề mại dâm, khi ế khách, gói chả giò, gỏi cuốn giao cho các tiệm ăn, hay tiệm thực phẩm. Năm, sáu người thuê chung một studio dành cho một người. Nhà chật, người ta chất thức ăn ngập ngụa dưới gầm giường, phòng tắm, toilettes. Nếu là người Pháp thứ thiệt, tôi sẽ bực mình thấy mỗi weekend, trước các siêu thị Tàu ở Belleville, những người gốc nông dân Tàu bày bán những loại thức ăn kỳ quái, rất khả nghi về mặt vệ sinh. Thú thực, từ lâu tôi không đặt chân tới tiệm Tàu, trừ khi có hẹn với bạn bè. Người An Nam vẫn không bỏ được phong tục hẹn nhau ở Chinatown, có lẽ vì nghiện bột ngọt, hay vì thức ăn rẻ. Chuyện kỳ thị người Á Châu ở Paris, có, nhưng thường thường là giữa người Tàu và người Ả Rạp. Hơn cả kỳ thị, những vụ xung đột xẩy ra thường xuyên. Đã nhiều lần, hàng chục ngàn người Tàu xuống đường rầm rộ, biểu tình tố cáo tình trạng bất an ở những khu Tàu. Những vụ cướp giật, phá cửa vào nhà xẩy ra mỗi ngày ở những khu Tàu, vì bọn gian biết người Tàu giấu tiền trong nhà, thay vì gởi ngân hàng. Thủ phạm là người Ả Rạp, hay người đến từ các nước Đông Âu hậu Cộng Sản, như Roumanie, Bulgarie, Albanie... Người Ả Rạp oán người Tàu vì đã đánh bật họ ra khỏi những khu, trước kia là đất cư ngụ của người Ả Rạp, hay các di dân khác. Nói chung, dư luận Pháp chống chuyện kỳ thị. Khi có virus, một tờ báo (Courrier Picard) chạy trên trang nhất: “Alerte Jaune!” (báo động vàng!), bị chỉ trích từ bốn phía, đã chính thức xin lỗi. Người Tàu, thay vì than phiền chuyện kỳ thị, có lẽ cũng nên tự xét mình, bỏ bớt thói quen sống riêng rẽ, thành lập những khu Tàu, xóm Tàu, sống với nhau như một xã hội đóng kín. Mỗi cộng đồng sống riêng một góc thích hợp với Hoa Kỳ, nhưng đi ngược lại văn hoá của những nước Âu Châu như Pháp hay Đức. Người Pháp coi hiện tượng các cộng đồng sống riêng trên lãnh thổ quốc gia, càng ngày càng nhiều, là một thất bại xã hội.
Mở một dấu ngoặc: nếu người Tàu bỏ thói quen cũ, gởi tiền vào nhà băng, khai thuế, đóng thuế như mọi người, sẽ hết chuyện cướp giật tiền bạc ngoài đường, hay chuyện đạo tặc phá cửa vào lùng tiền mặt hay vàng , giấu trong nhà.Khi người Tàu xuống đường biểu tình đòi an ninh, không ai dám đề cập tới chuyện đó, chính vì ở xứ Pháp, nói gì có vẻ kỳ thị đều bị lên án, và bị các tổ chức nhân quyền lôi ra toà.
Tóm lại, kỳ thị là một thói xấu, phải cảnh giác, và những chuyện kỳ thị cũng có, phải lên án, nhưng cũng nên thận trọng, không nên phóng đại, để khỏi tạo ra một ‘’làn sóng’’ đáng lẽ không có. Nhiều khi tự mình có cảm tưởng bị để ý. Thí dụ, khi ngồi giửa một đám người Pháp, tôi nín khe, không dám ho, vì biết mình có mặt mũi giống người Vũ Hán. Người Tàu cũng không nên quên rằng cái kỳ thị đối với người bị nghi là nhiễm virus, có lẽ không có ai tệ hơn là giữa người Tàu với nhau. Cũng như trong số những người bạn ngoại quốc, tôi thấy cái anh tổ sư kỳ thị hạng nhất là tôi.
.
Từ Thức, Paris Février 2020
(tuthuc-paris-blog.com)