Phan Văn Song


Lặng Nhìn Thiên Hạ Đón Xuân Sang (Thế Lữ) :

Việt Nam vô cảm trước những Phong Trào Cách Mạng?

Thấm thoát mà nay mấy mùa Cách Mạng trên thế giới đã trôi qua! Bao nhiêu lần thiên hạ trên thế giới làm Cách mạng để lật đổ độc tài của họ, bấy nhiêu lần dư luận người Việt tỵ nạn cộng sản hải ngoại chúng ta trông chờ, hy vọng. Hy vọng nhơn dân Việt Nam trong nước làm một cái gì, nổi dậy để đòi lại quyền quản trị, quyền tự quyết, quyền lãnh đạo đất nước? Hy vọng một Nhà nước sáng suốt chấp nhận sửa sai thay đổi cái nhìn, đi từ độc tài chuyển sang Dân chủ? Hy vọng những lương tâm con người còn sót lại trong não trạng tâm trí của những người cán bộ đảng Cộng sản Việt Nam sực tỉnh dậy sau giấc ngủ u mê nhận rõ cái sai trái của lý thuyết để thay đổi tình hình và tình trạng Việt Nam? Thế nhưng, đâu vẫn hoàn đấy, mọi việc vẫn yên, bình thản trôi đi…Việt Nam và người dân Việt Nam trong nước vẫn ngày ngày vật lộn với đời sống khó khăn, vẫn “lẳng lặng đi qua bên cạnh cuộc đời”, vẫn thích nghi với tham nhũng, với bụi bặm, với “xin cho”, với “chạy chọt”, với những thiên tai bão lụt, với Vinashine, Vinaline…, với Biển Đông, với xăng nổ, với thực phẩm dơ bẩn... Và vẫn chấp nhận Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền ung dung tự tại, vẫn với lưỡi gỗ tuyên truyền, vẫn với độc tài đảng trị ăn trên ngồi trốc, chấp nhận Đảng Cộng sản lãnh đạo với một thái độ trịch thượng, kẻ cả, quan trên, chẳng những tỉnh bơ trước nạn Hán hóa, nạn mất đất, mất biển, trái lại lợi dụng tình hình Tàu xâm lược Biển Đông lè phè du lịch đi tìm đồng minh xin xỏ ăn mày viện trợ khi quân sự, lúc nhơn đạo, nhưng tựu trung cầu xin thêm hầu bao để thêm phần chấm mút, tiền cò!

Phải, thiên hạ trên thế giới tuần tự nổi dậy tự giải phóng, kẻ thì thoát khỏi khối ngục tù Cộng sản đã từ sau Thế chiến 2 nhốt hàng triệu người trong cái Goulag khổng lồ của Liên bang Sô Viết và các chư hầu thuộc khối Varsovie, người thì nổi dậy lật đổ các chế độ độc tài Đảng trị ở khắp miền Bắc Phi và Cận Đông. Tuy nhiên nhơn dân Việt Nam ta, dân tộc Việt Nam ta, đã thường tự hào với 4000 năm văn hiến, tuy gặp đại nạn với ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, nhưng đã chứng tỏ chất sống còn dân tộc qua 7 lần đấu tranh sống mái với giặc Tàu phương Bắc, qua những nổi dậy liên tục suốt thời Tây thuộc từ Nguyễn Trung Trực đến Đề Thám, vẫn giữ được chất Việt, vẫn giữ được giang sơn cẩm tú, vẫn giữ gìn huyết thống, văn hóa của đất Việt, vẫn giữ gìn toàn vẹn và độc lập lãnh thổ. Thế nhưng, ngày nay lại thờ ơ, lãnh đạm, thiếu cả hy vọng, mất cả niềm tin vào tương lai đất nước, vào sức mạnh Sanh tồn của Dân tộc mình. 40 năm chung sống hòa bình, 40 năm thống nhứt đất nước sau 20 năm nội chiến và chia cắt, để cắt đứt mọi nghị lực đấu tranh, mọi ý chí độc lập, mọi tư tưởng quốc gia. Ai lại đi chấp nhận để giang sơn mỗi ngày mỗi bị xâm chiếm dần? Xưa Hoàng sa, Trường sa; nay hải phận, mốt địa phận; nay biên giới phía Bắc, mốt biên giới phía Tây; hôm nay thợ Tàu nhập cư làm việc, ngày mai quân Tàu xâm chiếm đô hộ. Đó là nói phần địa lý, nói phần giang sơn lãnh thổ. Còn cuộc sống người dân? Chấp nhận một cuộc sống mà hằng ngày mỗi cá nhơn đều sống trong sự đàn áp, đàn áp tinh thần, giấy tờ xin xỏ, công an hộ khẩu, đàn áp thể chất, xét hỏi bắt bớ, tù tội tập trung. Mất quyền công dân đã đành – vì người dân Việt Nam là công dân của một nước bị một chủ nghĩa ngoại lai biến các cán bộ đảng thành những ngoại nhơn cai trị, mà còn mất cả nhơn quyền, mất cả nhơn phẩm, nhịn nhục, chỉ mong sao được sống còn, yên ổn, gia đình đủ tý cơm canh ngày hai bữa. Vì là công dân hạng hai, nên đi làm thì Công An làm khó, tống tiền, khảo của, đi buôn gặp sưu cao thuế nặng, làm thầy chạy ngày hai việc, sáng vào sở chiều về chạy xe ôm, làm thợ thì bị khai thác, tay làm hàm nhai, bởi các xí nghiệp ngoại nhơn hết Tàu, đến Đài Loan, Đại Hàn, Mỹ, Tây Đức, Nhựt… Thân trai thì xuất khẩu lao động bán mồ hôi, cu ly ngoại quốc, phận gái xuất khẩu bản thân bán trôn nuôi miệng, làm điếm ngoại nhơn.

Trong cơn khốn khổ, công dân và nhơn dân Việt Nam thản nhiên lặng nhìn thiên hạ thế giới làm Cách mạng không chút giao động.

Thoạt đầu tiên, nhơn dân Việt Nam của một xứ Việt Nam Cộng sản, bỏ ngoài tai, không nghe tiếng nói khao khát Tự do của cả một khối xuyên quốc gia của hằng chục triệu người, cùng số phận với mình đồng bị nhốt trong ngục tù to lớn nhứt của lịch sử nhơn loại, Ngục Tù Chế độ Cộng sản, đã cất cao, và phá vỡ cánh cửa ngục là Bức Tường Bá Linh cuối năm 1989. Bức Tường Bá Linh sụp đổ, như Ngục Bastille của Paris năm Cách Mạng 1789 của Pháp năm xưa đã đưa người dân ra khỏi đêm dài tối tăm của các chế độ độc tài khi xưa Quân chủ, sau nầy trá hình dưới những mỹ từ như Xã hội Chủ nghĩa hay Nhơn dân. Bức tường Bá Linh sụp đổ, toàn khối người công dân các quốc gia cựu cộng sản, những cựu tù nhơn của chế độ Cộng sản ấy, bừng tỉnh dậy sau giấc ngủ dài u mê tăm tối, tiếp cận được với Tuyên Ngôn Nhơn quyền, tiếp cận được với các quyền Con Người, họ đã đồng loạt nổi dậy đập vỡ Bức tường Ô nhục, chia cách Ánh sáng Dân Chủ và Bóng đêm đen tối của Độc tài Đảng trị. Từ đó, các nước Đông Âu đã được giài phóng được dân chủ hóa, nước Đức thống nhứt, các quốc gia Dân chủ Tự do lần lượt ra đời.

Cũng ngay từ năm 1990, từ ngay sau khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, những quốc gia cựu Cộng sản khối Đông Âu, hay cựu Liên Bang Sô Viết kể cả Nga, trung tâm của chủ nghĩa Cộng sản, cũng chuyển mình đi tìm con đường Độc Lập, Dân tộc Tự Chủ, đi tìm một thể chế Dân chủ ngay. Tuy có ít nhiều khó khăn, cay đắng, tuy có khi gặp cả đổ máu, tuy có khi cần phải chiến tranh (Nam Tư) để giải quyết những chia rẽ dân tộc. Nhưng tựu trung tiếng nói của Quyền Con Người và tiếng nói của Dân tộc Tự quyết vẫn là tiếng nói cuối cùng. Trong khoảng thời gian ấy, Việt Nam có cái dịp ngàn năm một thuở, thừa cơ chủ nghĩa Cộng sản đang sụp đổ, có thể thay đổi hướng đi theo chiều gió mới của tiến triển nhơn loại, bước vào Dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam mới, Dân chủ, Tự do, Độc lập, Công bằng và nay, may ra, có thể có một trình độ phát triển như một Ba lan, một Thái lan, một Mã lai Á hay một Inđônêsia. Đằng nầy không! Đảng Cộng sản Việt Nam trái lại, ương ngạnh, cứng đầu, thủ cựu, cũng cố bám trụ vào cái lý thuyết tàn tệ ngu đần nhứt của nhơn loại, lý thuyết Cộng sản. Và bầy gia nô đệ tử của đệ tử của ba tên Tây Râu xồm, Mác-Lê và Xít Ta Lin, Hồ Chí Minh, lại đàn đúm cả bầy, dắt nhau qua Thành Đô (một thị trấn hạng nhì lạc lõng ở Tứ Xuyên – vì thằng Tàu khinh thị, không thèm mời, hay cho phép đến Bắc Kinh là thủ phủ) – khấu đầu xin được quan thầy Trung Cộng che chở cho cái thân từ nay mồ côi. Nhục nhã vuốt mặt, nhổ ra rồi lại liếm vào nuốt nỗi nhục bài học thằng Tàu họ Đặng cho năm 1979. Từ đấy, sau khi lỡ dịp may ấy, đã để cho qua bao lần Cách Mạng khác, cũng của thiên hạ trên thế giới. Nào là các Cách Mạng Màu của các cựu quốc gia Đông âu trên đường đi tìm Dân Chủ. Hãy nhìn gương người, hãy học gương người, cứ mỗi lần có một lãnh tụ – do dân cử – nào lạm dụng quyền lực làm điều sai trái bạo hành độc đoán độc tài (nhơn vô thập toàn) là mỗi lần đều có tiếng nói người dân, với Quyền Công dân, với Nhơn quyền, cho phép người dân lên tiếng lật đổ bạo quyền, lật đổ độc tài! Những gương sáng ấy chứng minh cái quyền làm chủ của người dân. Dân dựng lên lãnh tụ được, thì dân hạ được lãnh tụ. Lãnh tụ do dân lập, lãnh tụ do ý dân. Đó là một Nhơn quyền, như chúng tôi đã nói trong bài viết trước. Thời Quân chủ mệnh Vua là Thiên Mệnh. Ngày nay Dân chủ, mệnh lãnh tụ, mệnh Vua là Dân mệnh.

Và cứ thế giòng đời tiếp tục trôi… Dân Việt Nam vẫn lạnh lùng đi bên lề thời sự, lạnh lùng nhìn thiên hạ làm Cách mạng, nhìn dân người ta xuống đường đòi Nhơn Quyền, đòi Dân quyền, đòi Tự Do, đòi Hiến Pháp do Dân lập, đòi Dân chủ, đòi Độc lập. Lỡ dịp thoát ra khỏi khối Cộng sản, lỡ dịp làm một cuộc Cách mạng Màu. Người ta Màu Cam? thì mình Màu Vàng? Màu Dân tộc. Lỡ thêm một dịp thứ hai giải phóng khỏi Bạo tàn, Bạo Chúa, Độc tài, đảng trị.

Gần đây hơn, những quốc gia loại chậm tiến như Việt Nam mình, những xứ Bắc Phi với những tay độc tài Đảng trị cũng bị người dân nổi lên lật đổ, chứng minh rằng Nhơn quyền lần nữa vẫn là tiếng nói tối hậu làm nên lịch sử. Tunisie, chỉ một anh bán trái cây bị đàn áp nổi lửa tự thiêu hạ một triều đình độc tài Đảng trị. Rồi Ai Cập, rồi Lybie. Dĩ nhiên làm Cách Mạng như vậy là xáo trộn trật tự xã hội! Dĩ nhiên đây là một cuộc phiêu lưu, chắc gì đuổi một thằng độc tài xuống lại không phải gặp thằng độc tài khác sao? Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Dĩ nhiên là có hỗn loạn, có cướp bóc, có hôi của, có lưu manh. Cái giá phải trả có thể cao, nhưng có thể tạo một phát triển, tạo một tiến triển…. Nhưng rồi những cơn sóng gió sẽ qua, sẽ có những ngọn gió tà nổi lên đấy, nhưng cuối cùng người dân và tiếng nói trung thực của người dân cũng sẽ là tiếng nói cuối cùng.

Việt Nam và nhứt là nhơn dân Việt Nam cựu miền Nam Việt Nam Cộng hòa cũng đã có những kinh nghiệm ấy. Người Việt Nam miền Nam cựu Việt Nam Cộng hòa chúng tôi đã biết nói tiếng nói Dân chủ, đã biết thế nào là Dân chủ, thế nào là tự do ngôn luận, thế nào là Nhơn quyền. Nhơn dân miền Nam Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa cũng đã một lần nổi lên giành lại quyền làm chủ, khi một vị lãnh tụ – mặc dù đầy công trạng, tài đức cả chánh thống vì đã được dân cử dân bầu – nhưng vì chỉ một khoảng thời gian sai lầm lẫn lộn quyền Dân cử và Thiên mệnh, lẫn lộn Công quyền và Dân quyền nên đã bị người dân Miền Nam lật đổ. Một hành động ngày nay hậu thế thế hệ chúng tôi có kẻ trách, có người tiếc nhưng tựu trung vẫn là một một hành động gan dạ, can trường của toàn dân miền Nam! Hậu quả có thể chứng minh sai nhiều hơn đúng, nhưng đấy là những cái may rủi của thời sự mà thôi (câu thơ của Ngô Thì Nhậm “Gặp thời thế thế thời phải thế” rất ứng dụng thời buổi ấy). Cũng có thể, lúc bấy giờ quan niệm Dân chủ của nhơn dân miền Nam chưa hoàn toàn trưởng thành (6 năm sanh hoạt chánh trị trong một chế độ Dân chủ)? Cũng có thể những kiến thức áp dụng Dân chủ của thành phần quan chức chánh trị của miền Nam còn kém? Hay cũng có thể là tâm thức chánh trị còn quá tùy thuộc vào ngoại nhơn? Tóm lại, những dữ kiện tạo thành một nền móng dân chủ tuy có, nhưng chưa đủ, để thành công trong việc khai thông quyền Dân chủ trong ý thức chánh trị của nhơn dân miền Nam Việt Nam? Nhưng dù thế nào đi nữa, năm 1963, chế độ gia đình trị của cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm vì độc tài, đã bị lật đổ. Việc ấy chứng minh cái can trường, cái anh dũng, cái Gan dạ của Hành động - Le Courage d’agir, nói theo một từ ngữ Pháp.

Và chúng tôi tiếc. Tiếc vì vừa trong những ngày qua, Phong trào đòi Dân chủ của sanh viên, học sanh ở Hồng Kông không được nhơn dân Việt Nam hưởng ứng làm theo. Dân chúng, con em, sanh viên, học sanh Sài gòn, Hà nội chỉ dám căng vài ba chiếc dù gọi là… ủng hộ. Để làm gì? Sự ủng hộ của sanh viên, tuổi trẻ Việt Nam thay đổi gì cho bộ mặt chánh trị Hồng Kông? Trái lại, nếu giới trẻ Việt Nam song song cùng làm với Hồng Kông, hai nhà cầm quyền đảng trị “môi hở răng lạnh, núi liền núi, sông liền sông” nầy sẽ rất lúng túng và cả hai khối đấu tranh Dân chủ, Hồng Kông và Việt Nam ta sẽ tạo một bức tường phản kháng kiên cố! Rất tiếc dịp may đã mất!

Nhưng dù sao, ta chớ bi quan. Hạt giống Dân chủ đã được gieo. Ngày nay nhơn dân Việt Nam, tuy sống trong kềm kẹp, vẫn tạo được những anh hùng hiên ngang can trường, dám đứng lên nói tiếng nói Dân chủ, nói tiếng nói Đấu tranh, Phản biện. Nhưng tiếc quá, tất cả chỉ là những cá nhơn với những hành động lẻ tẻ, không tạo được phong trào, không nhận được hưởng ứng sâu rộng trong quần chúng. Không có hậu thuẫn quần chúng, những hành động bị nhanh chóng dập tắt, những cá nhơn bị đi tù, bị làm khó dễ.

Một Việt Khang, một Phương Uyên, vài cậu sanh viên, học sanh. Vài trí thức trẻ, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy,… dám ăn dám nói… Vài trí thức già dặn hơn như Đỗ Nam Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định…, nhưng lại quá trí thức. Một lớp già phản tỉnh, hay cựu nhóm Xét lại đề nghị… trở về con đường Cộng sản chuyên chính của thời kháng chiến, hay Cộng sản thân Nga. Vài cựu công chức Cộng sản, vài cựu quân nhơn, đảng viên bỏ Đảng, chán Đảng, rời Đảng…, tổng cộng chưa đầy vài trăm. may lắm một ngàn. Vài anh nhà văn kể chuyện hồi xưa, chắc lưỡi tiếc thầm, khi kháng chiến chưa thành công tình bạn thắm thiết, đến khi thành công ngoảnh mặt làm ngơ, tình đời bạc như vôi! Tóm lại chỉ là những đóm lửa lẻ tẻ. Còn tiêu đề, mục tiêu, đòi hỏi đấu tranh? Kẻ Nhơn quyền, người Dân chủ… loay hoay định nghĩa chả xong. Chỉ còn Dân Oan Khiếu Kiện đòi đất là họp được người dân. Và Chống Trung Cộng! Nhưng cũng không đồng nhứt, kẻ Lưỡi Bò, người đòi Trường sa Hoàng sa… Thật sự Lưỡi Bò là chống Bành trướng Trung Cộng thì đúng. Chứ Hoàng sa Trường sa là phải đòi Hà nội mới phải! Khi Hà nội đã chấp nhận cho thằng Trung Cộng rồi, làm sao mà đòi được. Phải đấu tranh Buộc thằng Hà nội Đòi thằng Trung cộng. Ngày nay thằng Trung Cộng đang xây Đảo Phú lâm lớn ra, đang xây đảo Gạc ma lớn thêm, đem dân Tàu tới ở. Ngày mai, dân Tàu sẽ làm Trưng Cầu Dân Ý đòi Phú lâm, thủ phủ Hoàng sa, đòi Gạc ma, thủ phủ Trường sa nhập vào đất nước Trung Cộng. Đây là một quyền Tự quyết. Tiền lệ là Đảo Crimée, Hắc Hải. Thế là xong chuyện Hoàng sa! Thế là xong đời Trường sa! Từ nay sẽ là tên Nam Sa và Tây Sa (tên hiệu đọc theo Hỏa Dù – Hoa Ngữ).

Muôn đời nhớ ơn các chiến sĩ hải quân hai nước Việt Nam bỏ mình vì Tổ quốc Việt Nam muôn thuở!

Mời các bạn độc giả thử điện thoại về trong nước, hỏi thử gia đình các bạn độc giả giùm xem thử bao nhiêu gia đình biết tên tất cả, hay chừng tên năm anh chị em đấu tranh trong nước. Hầu như gia đình chúng ta ở Sài gòn, ở Hà nội, ở Huế,… chỉ loáng thoáng nghe thôi. Công An, Nhà nước Cộng sản bưng bít quá giỏi? Hay gia đình chúng ta quá thờ ơ? Chúng ta, gia đình chúng ta, hoàn toàn vô cảm trước vận mệnh đất nước, trước tình hình Biển Đông, trước đại nạn Hán hóa, vi vậy đừng trách nhơn dân Việt Nam vô tình với các cuộc, các phong trào Cách mạng quốc tế. Đó là trong nước, còn ở Hải ngoại? Chúng ta có chống Cộng đấy, nhưng cũng rời rạc lẻ tẻ... Chúng ta ở ngoài nầy thường ngồi chờ, ngồi mong. Mong một sức bật của nồi hơi bực tức sẽ nổ tung, nhơn dân sẽ xuống đường tạo một phong trào Occupy. Mong Ngàn người, mong Vạn người, xuống ngồi lề đường, ăn ngủ ở lề đường, với hàng phố dân chúng ủng hộ, hưởng ứng, đổ ra chăm nuôi, săn sóc, lo cho ăn uống, sạch sẽ, một cuộc cách mạng ôn hòa, trật tự…(Cũng như năm xưa, ngày mồng một tháng 11 năm 1963 dân chúng Sài gòn đem cơm dĩa, bánh trái, nước nôi… ra thăm nuôi tiếp tế các binh sĩ đóng binh ở Sài gòn để lật đổ Ông Diệm!) Mơ rằng có một ngày, ngàn người vạn người, chúng ta ung dung tự tại, Occupy Sài gòn, Hà Nội, Huế… như ở Hồng Kông những ngày qua!

Chúng tôi một lần, trong một bài viết, tự hỏi: nếu mọi người dân Sài gòn tuần tự sắp hàng, get line, faire la queue, rồng rắn nối đuôi đưa nhau đến trước các bót Công An, các đồn Cảnh Sát xin được vào tù. Nếu các bạn ở Việt Nam vào tù, tụi già tụi tui ở Pháp ở Mỹ ở Úc… cũng tạo phong trào mua giấy máy bay về Việt Nam xin ở Tù. Tất cả chúng ta cùng nhau đi tù để buộc Đảng Cộng sản trả quyền Công dân cho người Dân.

Đấy là quyền chúng ta, quyền người dân lựa chọn Chánh phủ, bầu Tổng Thống, chọn lãnh đạo. Đó là Dân chủ, đó là một quyền Công dân tối thượng. Quyền được lựa chọn người lãnh tụ là Một Nhơn Quyền Tối thượng.

Không được quyền ấy, người dân chỉ là thứ dân một công dân hạng hai. Đó là lý đó tại sao con em sanh viên học sanh Hồng Kông xuống đường tạo phong trào Occupy đường phố, trương dù, trải bạt ngủ đường, nằm đường đòi quyền lựa chọn người Lãnh đạo Hồng Kông! Can trường thay dân Hông Kông;

Mong dân Việt Nam mình dám làm. Hãy can đảm dám làm.

Chả nhẽ dân tộc Việt Nam ta hèn mãi thế sao?

40 năm Hèn Nhát, 40 năm Trùm Mền đủ rồi! Hãy thức dậy!

Dậy mà Đi hỡi Đồng bào ơi!… (Nguyễn Xuân Tân).

 

Hồi Nhơn Sơn đầu tháng 10, Viết cho Hồng Kông
Phan Văn Song


Cái Đình - 2014