Phan Văn Song
Việt Nam còn khả năng phát triển không? Từ thực tế tụt hậu ngày nay, hãy nhìn về tương lai
I - Việt Nam:
1. Con đường phát triển tương lai trong giấc mơ dài của nhóm lãnh đạo
Từ mùa thu năm 1989, khi nhóm Solidarnosc thắng cuộc tranh cử để cầm quyền tại Ba Lan đến tháng 12/1991, đánh dấu ngày Liên Bang Sô Viết vỡ tung và bức tường Bá Linh sụp đổ. Các nhà nghiên cứu chánh trị thế giới vừa ngạc nhiên vừa vui mừng tin rằng chế độ Cộng Sản sẽ tan rã trên khắp thế giới – và chủ nghĩa cộng sản cũng sẽ không còn lý do để tồn tại nữa!
Hai Mươi Lăm năm trôi qua thế giới vẫn còn 4 chế độ CS tại Á Châu và tại Cu Ba. Tuy rằng Cộng Sản Cu Ba là một chế độ vá víu, nay đã trên đường mở cửa nhờ Mỹ bỏ cấm vận và nói chuyện trở lại và các chế độ Cộng Sản Tàu, Bắc Hàn và Hà Nội thuộc loại Mác xít Lê nin nít nửa chừng xuân, nhưng có một sức phản kháng khá đặc biệt với tất cả những diễn biến thời cuộc bên ngoài, nhưng tựu trung, có lẽ là nhờ những chánh sách kịp thời vá víu theo thời cuộc.
Câu hỏi thường xuyên của các nhà bình luận là đảng cộng sản Việt Nam đang thay hình đổi dạng trên đà suy sụp hay chế độ cộng sản Việt Nam đang biến hóa để cải tiến và vượt qua những chướng ngại vật do thời cuộc và sự sống còn bắt buộc?
Rất nhiều những người đang mong chờ một Gorbatchev Việt Nam chụp lấy chánh quyền để sửa đổi. Có người lại mong chờ các phe phái đang cầm quyền đấm đá nhau.
Nhưng nhóm cầm quyền tại Ba Đình vẫn cố gắng giữ lấy tay lái. Họ nhứt định khư khư không thay đổi hướng đi, nhưng họ không cưỡng lại những sự thay đổi bên ngoài. Một sự thả lỏng chánh trị, bằng những bài trả lời “lưỡi gỗ” bằng những bản “vẹt hót”, ai có nghe hay không nghe mặc kệ! Nếu cần họ “đè bẹp”, họ “khủng bố” mọi dư luận chống đối chế độ ở trong nước và nếu cần họ có thể chấp nhận đổ máu để đập tan mọi hành động “phản kháng” có tổ chức và nguy hiểm cho sự sống còn của chế độ.
Họ vẫn biết là cái chủ nghĩa của họ ngày nay rỗng tuếch không có một tí gì hy vọng giữ bền vững “chế độ anh hùng chủ nghĩa cộng sản nữa” nhưng họ vẫn cố gắng gỡ gạc dựa vào cái “quá khứ anh hùng kháng chiến chống Pháp chống Mỹ”. Bài nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 30 tháng 4 năm 2015 nầy đã chứng minh điều ấy, mặc cho những tay “cá độ” mong chờ Đồng chí X Ba Dũng ra tay cứu nước!
Hồ chí Minh dù là cái xác khô đét được ướp nằm đó, hàng ngày tô son điểm phấn bởi một nhóm văn công gia nô ca bài “Tư tưởng Hồ chí Minh” vẫn tiếp tục hướng dẫn hành động của nhóm cầm quyền, nhưng đặc biệt không thấy có một chương trình, một dự án, không thấy một tư tưởng chánh trị Việt Nam có giá trị khả thi để phát triển đất nước.
Đối với tuổi trẻ mọi giấc mơ tương lai đều trở thành xa xỉ.
Cái vòng lẩn quẩn “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” chẳng những đã không giải quyết được phát triển mà chỉ trói buộc thêm suy nghĩ của nhà cầm quyền Cộng Sản mà thôi.
Làm sao có thể mở cửa cho đầu tư - thật sự, cho thương mại - thật sự - theo hướng kinh tế thị trường - thật sự - mà không bị trói buộc bởi những suy nghĩ định chế xơ cứng của chủ nghĩa cộng sản lỗi thời?
Làm sao có thể áp dụng một chánh sách kinh tế xã hội mà dung hòa được hai quan niệm “thợ thuyền” và “nông dân” mà không bị mâu thuẫn về bản chất, bởi nông dân còn mang nặng đầu óc về tư hữu?
Hà Nội đang mơ giấc mơ dài giữa hai hình ảnh “tương lai xán lạn kinh tế thị trường” và “quá khứ anh hùng xã hội chủ nghĩa chống ngoại xâm”...
Nhằm đề cao “chánh nghĩa” tinh thần dân tộc bằng những cuộc chống Pháp Mỹ (nhưng bỏ quên Tàu) ngõ hầu động viên nội lực dân tộc, để khắc phục khó khăn, đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, vì nếu tăng trưởng kinh tế không đạt được như dự tính, Nhà nước lo sợ sức ép của xã hội sẽ có cơ bùng nổ lớn.
Thực tế là những hiện tượng chống đối của nhiều giới trong đó có giới trẻ trí thức xuất hiện là một hiện tượng rất quan trọng, càng ngày cho thấy càng rõ, nét và gây, ảnh hưởng sâu rộng thêm.
2. Những khó khăn phải vượt qua:
Muốn phát triển Việt Nam, phải có một chương trình đầy đủ khả năng vượt những khó khăn sau đây:
– Giữ vững một chỉ số tăng trưởng của Tổng sản lượng hàng năm vào 7% là tối thiểu. Chỉ ở chỉ số này, mới hy vọng tạo đủ công ăn việc làm cho những công nhơn mới hàng năm bước vào thị trường lao động: giới trẻ và những nông dân trên đà đô thị hóa. Nhưng chỉ số 7% không đủ sức để giảm những bất công xã hội chớ chưa nói đến hy vọng bắt kịp những phát triển của những nước trong khối ASEAN, Thái Lan hoặc Mã Lai Á trong một tương lai dài.
– Cố gắng giải quyết những thiếu sót trong những chương trình nông nghiệp, hiện nay chỉ số phát triển chỉ ở độ mức 4,5%, rất xa với cái 7% lý tưởng: năng suất thu hoạch của nông nghiệp kém, giá cả thị trường nông nghiệp càng ngày càng hạ thấp, những thông tin, hiểu biết về những thị trường nông nghiệp thay thế kém hay không được cập nhựt hóa, chương trình tín dụng các ngân hàng nông nghiệp không ứng dụng đúng với tình trạng nông nghiệp hay nhu cầu nông nghiệp nên biến lợi tức của nông dân mỗi ngày mỗi kém cỏi: kết quả họ bỏ ruộng lên thành thị tìm sống qua ngày.
– Làm sao giải quyết được hai tệ nạn đang làm “bế tắc” mọi phát triển của thị trường “Khu vực thứ hai”:
a. Hàng hóa thứ rẻ tiền của Tàu sang tràn ngập vào thị trường tiêu thụ Việt Nam? Nhập cảng bình thường và nhập cảng lậu, nghĩa là trốn thuế doanh nghiệp.
b. Một loại kinh tế gia đình không giấy tờ, không cơ sở doanh nghiệp, chui lòn, trốn thuế, trốn nhiệm vụ xã hội nhưng vẫn sản xuất, vẫn trao đổi doanh thương, nửa lậu, nửa thật chỉ làm lợi cho người buôn và các nhơn viên cầm quyền hủ hóa tham nhũng.
– Làm sao chống tham nhũng hữu hiệu, chống cửa quan cửa quyền làm khó khăn mọi thủ tục hành chánh. Phần sau tạo thiên vị và bất công để phần trước sanh sôi nẩy nở.
– Có dám đóng cửa các cơ sở quốc doanh và nâng cao số cơ sở tư doanh không? Làm sao biến các công thương quốc doanh làm ăn có lời, có hữu hiệu?
– Có dám có những chương trình tín dụng ra lệnh những ngân hàng chỉ cho vay những dự án làm ăn có lời. Với những bản chiết tính chi thu rõ ràng?
– Lập lại hệ thống ngân hàng, xóa những nợ khó đòi, lập một chương trình đầu tư, và tín dụng với những chương trình phát triển dài hạn có lời, những chương trình xem xét, kiểm tra rõ ràng hằng năm cập nhựt hóa lời lỗ.
– Cải tổ lại chương trình giáo dục, y tế, giảng huấn cán bộ cấp Đại Học, cải tổ và mở mang mạng lưới giao thông và thông tin.
3- Những tất yếu phải làm ngay:
Hình ảnh bi quan ấy chúng ta có thể vượt qua được nếu chúng ta và đặc biệt nếu Nhà nước Việt Nam chấp nhận một vài cải tổ về mặt suy nghĩ và tư tưởng như:
Việt Nam trong thực tế chỉ vì bi quan ấy, có thể có một chương trình xây dựng phát triển dựa trên những yếu điểm sau đây:
II. Kết luận:
1/ Những quyết định can đảm vì đất nước:
Việt Nam phải có một nền chánh trị và một thể chế pháp lý dựa trên một nền dân chủ pháp trị đúng mức, nghiêm chỉnh. Đây là một sine qua non.
Một nền chánh trị đối ngoại dựa trên một sự giao hảo hữu nghị với tất cả các cường quốc, quốc tế và vùng, để thoát khỏi vòng phong tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hãy suy nghĩ lại và làm lại một chương trình phát triển mới.
Hãy cố quên đi “quá khứ anh hùng chống ngoại xâm” một vài giây đi và cố gắng bỏ đi giọng nói trịnh thượng của người chiến thắng đi “xin tiền” các kẻ thù nay đã thua trận.
Hãy mạnh dạn có những suy nghĩ thực tiễn để tìm một hướng đi sáng tạo khai triển các tinh túy của tính chất “Việt”. Quá khứ của dân tộc Đại Việt, văn hóa của dân tộc Đại Việt. Thành tựu của nhóm người Việt tỵ nạn tại những quốc gia tư bản đã chứng minh rằng người Việt và Việt Nam có một tiềm lực. Vì vậy, phải và nên sử dụng đúng đắn.
Một chế độ chánh trị và một phương trình chánh trị đúng đắn, văn minh, nhơn bản, sẽ đưa Việt Nam nhanh chóng bước vào một kỷ nguyên phát triển thật sự. chương trình ấy phải được dựa trên một sự nối tiếp theo những cái hay cái mới của thế giới văn minh vừa qua và ngày nay, đã, trong một hoàn cảnh đặc biệt, đã hội nhập vào cho Việt Nam trong một thời gian rất ngắn!
Thật vậy, Việt Nam đã học hỏi, và tiếp thu trong sự đớn đau của chiến tranh, thù hận, chia rẽ, những hệ thống kinh tế, những suy nghĩ, những tư tưởng chánh trị khác nhau. Việt Nam, là một trong một số nước nhỏ trên thế giới nhận được sự góp nhặt vô cùng quí báu ấy. Và cũng do một vị trí địa lý thuận lợi đem lại cho Việt Nam nhiều cay đắng, nhưng cũng nhiều học hỏi tích cực đặc biệt về kinh tế.
Hãy không ngại làm “đứa con lai giống” kinh tế ấy, vì đó sẽ giúp Việt Nam có những yếu tố để phát triển trong những ngày tới, khi Việt Nam đã hồi phục được dân chủ dân bản pháp trị.
2/ Những giá trị truyền thống cần đổi mới hay khai triển:
▪ Một quan niệm nông dân, và văn minh nông dân đặc biệt với hệ thống văn minh “ lũy tre” “lệ làng” giúp đỡ nhiều cho sự phát triển nông nghiệp và đời sống xã hội cộng đồng.
▪ Những sự bất công xã hội mà các tiền bối của chúng ta đã vấp phải và đã có chánh sách giải quyết thỏa đáng, nếp sống phong kiến của quan lại vua chúa, tôn giáo v.v...
▪ Văn hóa Trung Hoa cổ, đặc biệt tư tưởng của Khổng Tử, rồi những sai lầm cũ và mới của Trung Quốc do một lớp quan lại vì đặc quyền đặc lợi cố tình bảo thủ để giữ quyền lực đã tác hại xã hội không ít mở đường cho thực dân cộng sản ngày nay.
▪ Tính Nhơn Bản của Tam giáo
▪ Bản chất của Việt Nam là lấy con người và tình thương làm gốc xây dựng xã hội.
▪ Duy lý (cartesianisme) của các nhà cầm quyền Pháp.
▪ Sự thực tiễn chất Business, và quản lý của người Mỹ.
3/ Những ảnh hưởng thời đại cần phải tránh:
▪ Ảo tưởng của ý thức cộng sản đã lường gạt cả tình lẫn lý nên dứt khoát loại bỏ
▪ Những sự thái quá do những sự đầu cơ và những sự phá điều lệ (dérégulation) tài chánh của thị trường chứng khoán á châu v.v...
Trong không khí thiếu điều chỉnh, thiếu tổ chức, trong không khí đấu tranh giành ảnh hưởng của những “tư tưởng kinh tế”, Việt Nam ráng đừng như một con thuyền dập dờn trôi theo những dòng nước ngược chiều nhau giữa DAVOS và Porto Alegre.
4/ Đào sâu, phát triển, phổ biến một dự kiến:
Vào những ngày từ 20 tháng ba và 10 tháng tư năm 2002, tại Washington DC, thủ đô xứ Huê Kỳ, một nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam và một nhóm nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cùng nhau làm việc, cùng trao đổi những suy nghĩ về các vấn đề chánh trị, kinh tế sau 15 năm đổi mới, quân sự và vị trí chiến lược của Việt Nam trong vùng Thái Bình Dương.
Sau hai ngày làm việc cả hai nhóm đều chấp nhận một bản nhận định tổng quát về tình hình Việt Nam và đưa ra một Bản Lộ Đồ Thư để giúp chánh phủ Huê Kỳ có những suy nghĩ và chọn lựa khi cần đề cập đến vấn đề Việt Nam trong chánh sách đối ngoại của Huê Kỳ vào những ngày tháng tới.
Dĩ nhiên về phía Việt Nam, Nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội cũng có thể sử dụng Bản Lộ Đồ Thư này như bức cẩm nang để đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng (lúc ấy). Bản Lộ Đồ Thư ấy, chẳng những đem lại Việt Nam một chế độ dân chủ tự do để phát triển, sẽ nâng Việt Nam vươn lên tầm vóc các nước láng giềng trong vùng mà còn có khả năng bảo vệ Việt Nam trước những hiểm họa bành trướng của phương Bắc.
Thực hiện Bản Lộ Độ Thư ấy là chuyển hóa Việt Nam về mặt hiện tại vô cùng xấu, cực kỳ bất lợi cho dân tộc, để tiến lên một tình trạng tốt đẹp hơn, đem lại phúc lợi cho toàn dân, chớ hoàn toàn không nhằm lật đổ, gây xáo trộn bất ổn vô ích. Bản Lộ Đồ Thư ấy, nay năm 2015 vẫn còn hiệu lực, chỉ cần cập nhựt hóa vài dữ liệu, vài con số thống kê...
Nhưng nếu Hà Nội vẫn cương quyết giữ mãi con đường xã hội chủ nghĩa, thì làm sao Hà Nội có thể:
Ở trong nước xây dựng một sự phát triển hài hòa với các sắc tộc, các tôn giáo, với những phần tử ly khai, với những người không cộng sản đấu tranh cho dân chủ cho nhơn quyền, trong ôn hòa?
Và ở ngoài nước phải tuân hành theo một chánh sách mở cửa hợp tác?
Hãy chấp nhận đối thoại, mở cửa, phải chấp nhận xét lại toàn bộ tư tưởng của mình.
Hãy mạnh dạn dứt bỏ mô hình cũ để bước vào một mô hình mới.
Đây là lúc phải dứt khoát để được vào TPP, góp mặt với thế giới về mặt kinh tế, góp mặt với Vùng thoát ảnh hưởng Bắc phương.
Đừng quên Việt Nam có ba yếu tố quyết định quan trọng để tiến lên hàng một nước phát triển ngày mai này:
▪ Sự khát vọng tự do
▪ Tuổi trẻ từ 17-25 tuổi chiếm 70% dân số
▪ Địa lý trên bản đồ Đông Nam Á.
Mong lắm thay!
Hồi Nhơn Sơn, tháng Ba 2003,
Hiệu đính tháng 7 năm 2015 .
Mười hai năm rồi, cảm thấy vẫn như cũ.
Phan Văn Song