Hoàng Giang


Tín hiệu Tổng thống Obama để lại cho Việt Nam sau chuyến viếng thăm lịch sử

Obama đã dành ba ngày cho chuyến công du Việt Nam (23 - 25/05/2016), một chuyến viếng thăm lịch sử: lần đầu tiên một vị tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đến thăm nước Việt Nam cộng sản. Hai nước cựu thù, sau 62 năm nay trở thành bạn.

Cuộc lân la làm quen giữa hai quốc gia thực ra đã bắt đầu từ lâu. Cựu tổng thống Bill Clinton là nhân vật số 1 Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam lần đầu tiên (2000) kể từ khi chiến tranh Quốc Cộng chấm dứt (sau đó tổng thống Bill Clinton còn trở lại nhiều lần nữa (2006, 2010, 2014 và 2015) trong đó có những lần thăm ghi dấu mốc lịch sử bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ bắt đầu từ sự nới lỏng cấm vận vào năm 1995, vốn là một trong những điều ông Bill tự hào nhất trong suốt nhiệm kỳ tổng thống.

Cuộc viếng thăm của tổng thống Obama vào giai đoạn cuối của vai trò lãnh đạo siêu cường số 1 xác định Hoa Kỳ đang chuyển điểm nóng qua châu Á. Và điều thứ hai, như một chuẩn bị của Obama sau khi ông rời ghế tổng thống, là ông sẽ tiếp tục làm một nhân vật chủ chốt cho những hoạt động trong kế hoạch gây một phong trào dân sự xã hội toàn cầu.

Dân chúng đổ ra đường chào mừng đoàn xe của tổng thống Obama tại Hà Nội (trái) và Saigon (phải)

Cuộc viếng thăm của Obama tại Việt Nam đã để lại trong lòng người dân Việt Nam nhiều ấn tượng đẹp khó quên. Mặc dù không được chính quyền đón tiếp với những nghi thức long trọng như đã dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm mới đây (tháng 11/2015), nhưng ông Obama đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của người dân. Ngay tại Hà Nội, nơi mà 44 năm trước đây người dân căm thù “giặc Mỹ” đến tận xương tủy qua chiến dịch Linebacker II với 12 ngày đêm mưa bom B-52 cùng lời tuyên bố “đưa Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá” thì bây giờ con cháu những người đó đứng đặc hai bên đường vẫy chào ông Obama, chẳng cần sự dàn dựng của nhà nước. Hàng ngàn chiếc smartphone lấp lánh đèn thay cho những cục đá năm nào ném vào tù bình Mỹ. Tại Saigon, sự chào đón còn nồng nhiệt hơn, “Mỹ đi rồi Mỹ lại về”. Người dân tự động ùa ra đường reo hò mừng đoàn xe quốc khách đi qua. Chẳng có vụ biểu tình phản đối nào như quần chúng đã dành cho Tập Cận Bình năm ngoái.

Hình ảnh đậm nét nhất của Obama trong đầu người dân Việt chắc chắn là sự thân thiện của ông và sự quan tâm đến người đối thoại. Trong bài phát biểu, ông Obama đã nhiều lần nhắc đến những nhân vật nổi tiếng trong sử Việt với một số giai thoại, câu nói lịch sử. Người ta có cảm tưởng ông gián tiếp cảnh báo Trung Quốc phải tôn trọng sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong cuộc tiếp xúc với giới trẻ tại Saigon, khi rapper Suboi (Hàng Lâm Trang Anh) đặt câu hỏi về quan niệm của ông về “sự quan trọng của nghệ thuật và văn hóa đối với quốc gia, vì mặc dù trong hoàn cảnh bị ràng buộc, những nghệ sĩ còn có nhiều điều phải nói lên”, Obama đã đáp lại: “Trước khi trả lời câu hỏi của cô, tại sao cô lại không cho tôi nghe 1 đoạn ‘rap’ nhỉ?”. Còn tại Hà Nội, hình ảnh ông Obama cùng đầu bếp Anthony Bourdain ngồi ăn bún chả – một món ăn đường phố Việt Nam đã nhiều lần được quốc tế đánh giá là một trong 10 món ăn bổ dưỡng nhất – trong quán Hương Liên và tu bia từ chai rồi sau đó tự móc túi trả tiền rồi còn lấy thêm 4 phần mang về nhà, là một hình ảnh chỉ còn ghi trong sách sử – hình ảnh những vị minh quân du hành thăm dân thường. Mà đây lại là một trong những vị chúa tể địa cầu! Nó đánh bật bất cứ hình ảnh nào của các lãnh tụ độc tài Trung Quốc, Liên Xô, Bắc Hàn…, các “cộng hòa nhân dân” nhưng không bao giờ hòa mình với nhân dân.

Suboi đang "rap" một đoạn tiếng Việt cho tổng thống Obama nghe (trái) và Obama cùng Anthony Bourdain ngồi ăn bún chả (phải)

Vẫn biết rằng màn “street food” này có sự dàn dựng – có lẽ cho serie truyền hình “Parts Unknown” của nhà đầu bếp danh tiếng (tất cả thực khách trong quán không ai đưa mắt nhìn sang bàn ông Obama), nhưng người ta thấy rõ ràng có sự khác biệt với các vị nguyên thủ quốc gia khác về mặt thu phục cảm tình quần chúng. Không nghiêm nghị răn đe, mà bằng nụ cười thân thiện. Bằng cách này, phải chăng ông Obama cho thấy quần chúng là quan trọng hơn hết. Và cũng bằng cách này, ông đã tạo một hình ảnh xã hội Việt Nam “thực sự” yên bình, chẳng có một đe đọa của khủng bố, của IS. Đó là một bảo đảm chắc chắn nhất cho các nhà đầu tư đang chuẩn bị nhảy vào một quốc gia đầy tiềm năng sản xuất và tiêu thụ. Thành công cụ thể đầu tiên là VietJet Air – hãng hàng không tư nhân Việt Nam đầu tiên với nick name “Bikini airline” – đã đặt mua 100 Boeing 737-MAX mới tinh trị giá hơn 11 tỉ euro, một đơn đặt hàng không dễ kiếm.

VietJet Air đưa luồng sinh khí mới vào đội ngũ máy bay qua những hình vẽ vui tươi trên thân máy bay, có cả hình các tiếp viên mặc bikini

Những nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam cũng như những người tranh đấu cho Việt Nam Tự Do tại hải ngoại thì khá bất bình khi thấy tổng thống Obama không đòi hỏi một cách cứng rắn là Việt Nam phải cải thiện nhân quyền như một điều kiện phải có để đổi lấy quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Nhưng nhìn vào thực tế, trong cuộc viếng thăm cấp nguyên thủ quốc gia mang tính hữu nghị, theo nếp xử sự văn minh, tổng thống Obama sẽ không thể nào ép buộc một sự trao đổi như vậy. Nó khác với cách xử sự của những vị lãnh đạo Việt Nam, khi mời khách đến mà lại mang chuyện xưa (đánh cho Mỹ cút) ra riếc móc. Hơn nữa, khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm viếng Hoa Kỳ vào tháng 7/2015, hai bên đã đồng thỏa thuận sẽ không can thiệp vào nội bộ của nhau, nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình bang giao Mỹ - Việt. Obama vì thế cũng không đưa ra lời nhận định trực tiếp nào về vụ tranh chấp biển đảo cũng như về vụ cá chết hàng loạt trong 2 tháng vừa qua tại Hà Tĩnh kéo dài xuống đến Đà Nẵng, mà nguyên nhân rất có thể là do nhà máy thép Formosa của Đài Loan xả chất thải gây ra nhiễm độc môi trường biển.

Cũng vì những lý do trên, chỉ có một số người hoạt động tương đối “vô hại” trong lãnh vực xã hội dân chủ được dàn xếp có mặt trong buổi hội kiến với Obama, còn những vị nào có thể nêu vấn đề chính trị hay nhân quyền trong buổi thảo luận đều bị nhà nước dùng mọi cách ngăn chặn sự tham dự. Sau đó, một lời xin lỗi là huề.

Trong bài phát biểu ở Hà Nội tổng thống Obama có lưu ý là việc bán từng mặt hàng vũ khí sẽ được xem xét căn cứ vào tình hình nhân quyền của Việt Nam cũng như mục đích sử dụng vũ khí. Nhưng ai nấy đều biết đó chỉ là một lời vuốt đuôi, cho cả mọi phía đều thỏa mãn. Không ai biết chính sách Hoa Kỳ sẽ thay đổi ra sao trong nhiệm kỳ tổng thống mới.

Chúng ta cần nhận chân một điều: thời điểm này là lúc chín mùi để Hoa Kỳ đặt cả 2 chân vào Việt Nam, và Việt Nam cũng đang rất cần Hoa Kỳ như một đối trọng để hy vọng có thể thoát một phần nào áp lực của Trung Quốc. Nguy cơ Trung Quốc kích động thù hận để có thể châm ngòi chiến tranh vùng Đông Nam Á không nhỏ. Nhưng đèn xanh đã bật, công tác của Obama đã xong, giờ đến lượt Việt Nam phải tỏ thái độ tương ứng.

Tình thế mới sẽ đặt cộng đồng người Việt tị nạn khắp nơi, nhất là ở Hoa Kỳ, vào một thế khó xử. Bạn của kẻ thù cũng là bạn mình sao, một khi Hoa Kỳ cũng ngầm thỏa thuận cho vấn đề nhân quyền xuống sau quyền lợi kinh tế và mục đích chính trị?Chúng ta hãy chờ xem trong một tương lai không xa các nhà hoạt động chính trị, các dân biểu nghị sĩ Việt cũng như Mỹ sẽ giải thích ra sao với người Việt ở Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ thân ái dắt tay anh bạn mới CHXHCNVN vào những sinh hoạt văn hóa thương mại ở Mỹ. Và những nhà viết sách lịch sử, sách giáo khoa ở Việt Nam chắc vừa nhận được chỉ thị phải viết lại lịch sử theo chiều hướng mới?

Ít ngày nữa, khi “hội chứng Obama” đã lắng dịu, tôi hy vọng mọi người sẽ bình tâm duyệt lại lịch sử quan hệ Mỹ Việt. Thế chiến 2 chấm dứt cùng với sự tàn lụi dần của những nước thực dân Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Thế giới trở thành bàn cờ phân cực giữa hai chủ nghĩa Tư Bản và Cộng Sản trong Chiến Tranh Lạnh. Những nước nhược tiểu bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp trong đó có Việt Nam, là nơi Hoa Kỳ muốn đặt một vị trí giám sát quanh vùng Đông Á. Với chính sách thực dụng tùy giai đoạn, Hoa Kỳ chỉ cần một chính phủ có cảm tình với họ và một xã hội tương đối ổn định. Cuối thập niên ’60, khi chính phủ Mỹ nhận thấy sự tranh chấp Quốc Cộng ở hai miền Nam Bắc Việt Nam không thể giải quyết một cách đơn giản, họ sẵn sàng hy sinh một phe để chờ vận hội mới thuận lợi hơn. 50 năm trôi qua, phải chăng lịch sử đã lập lại ở Việt Nam? Trong khoảng thời gian đó, cả chục triệu người Việt và gần 60 ngàn người Mỹ đã nằm xuống. Để đạt được gì? Tôi hy vọng toàn thể người Việt ý thức được bài học cay đắng này và sẽ cố gắng tạo một sức mạnh tự thân cho Việt Nam trong tương lai. Tôi không cảm thấy hãnh diện khi nghe người ta ca ngợi “miền Nam là tiền đồn chống Cộng trong vùng Đông Nam Á” hay “chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của phe XHCN, của quốc tế cộng sản”. Tôi chỉ cảm thấy hãnh diện khi nào thấy những phái đoàn đến Việt Nam để nghiên cứu học hỏi vì sao Việt Nam trở thành phú cường.

Hoàng Giang

 


Cái Đình - 2016