Phan Văn Song
Tiểu Tiết
“Tiểu tiết bất đạt, đại sự hà vi”.
Đầu năm 2016, tình hình kinh tế Âu châu và thế giới vẫn còn trì trệ, các thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục èo uột. Các quốc gia tiền tiến, ngoài Mỹ ra, các quốc gia âu châu vẫn tiếp tục gặp khó khăn! Khó khăn vì kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục hẳn, nhưng khó khăn vì nạn nhơn chiến tranh Trung Đông đang tràn ngập vào Âu châu. Bỏ thì thì tội nghiệp người tỵ nạn, ngược với đạo lý, vương vào thì tội nghiệp cho người dân của mình. Bắt đầu từ các nước Đông Âu, cựu Cộng sản, với một nền kinh tế chưa ổn định mà phải nuôi dân tỵ nạn. Sau, cơn chống tỵ nạn truyền nhiễm đến các quốc gia có truyền thống Tin Lành, nhơn đạo hơn, như Đan Mạch, như Thụy Điển, tóm lại các quốc gia Bắc Âu, nay cũng bắt đầu chống làn sóng tỵ nạn. Chỉ tội nghiệp Hy Lạp, đã nghèo còn mắc quay thêm, vì biên giới sát nách Trung Đông! Từ đầu năm nay, tình hình kinh tế chánh trị chả đâu vào đâu cả. Tất cả tình hình chánh trị đều hướng vào những chuyện đại sự, dao to búa lớn, nào chiến tranh chống khủng bố, dẹp Daesh, nào phải cứu Syrie, nhưng cứu Syrie nào? Syrie của chánh quyền độc tài? Hay Syrie của những phe phản loạn tự cho mình là dân chủ chống độc tài? Giúp ai đây? Nga giúp Syrie độc tài, chống phản loạn. Tây Mỹ bảo phản loạn là đúng, nhưng hãy đánh mạnh vào Daesh. Kéo thêm Thổ nhĩ Kỳ vì Thổ là đồng minh NATO. Liên Âu cho tiền Thổ để Thổ tiếp tỵ nạn thế Âu Châu. Thổ nhập cuộc chống phản loạn nhưng chống luôn kháng chiến Kurdes là nhóm chống Daesh giỏi nhứt ngày nay.
Nói tóm lại ngày nay, đại sự là một nồi cháo heo, chả đâu vào đâu cả. Đó là tình hình Âu Châu và Trung Đông. Chưa kể Phi Châu. Riêng về Á Đông ta. Ta có biển Đông do Tàu đang bành trướng xâm chiếm, xây cất cũng cố các đảo cưỡng chiếm của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục, miệng thì nói, nhưng nhục nhã trơ mắt nhìn thằng Bắc Quốc xây nhà trên đất mình. Mỹ thì vẫn tiếp tục biểu dương lực lượng (cũng như Tàu) nhưng vẫn né Tàu (hai bên né nhau để nhân nhượng sống còn – một modus vivaldi ngầm với nhau). Kết cuộc chuyện mồm miệng nói đại sự, ngoài thì rầm rộ, hô hào, diễn thuyết, hội bàn, hội thảo… nhưng đi sâu vào tiểu tiết thì không một lời, dân vẫn đói, thất ngiệp vẫn thất nghiệp dài dài. Tây thất nghiệp theo Tây, ta thất nghiệp theo ta. Tây còn có tổ chức tương trợ xã hội! Được bao lâu? Tùy hệ thống. Còn Ta? Dân Việt Nam thất nghiệp quen, ăn độn quen cũng không sao. Riêng các nước hạng hai, BRICS, hy vọng ngày qua của thế giới sẽ là những đầu tàu tương lai kéo các ngành kỹ nghệ các nước già nua thoát khỏi trì trệ. Nhưng ngày nay vẫn không vươn lên được vì cơ chế đạo đức quá kém, các nhà lãnh đạo vẫn không vứt bỏ được những hủ tục quan liêu cửa quyền của những tập tục lạc hậu do lịch sử để lại. Tàu, Ấn, Nga, Ba Tây, Nam Phi nếu ngày hôm qua là những hy vọng, với các anh hùng dân tộc như Nelson Mandela, Lula hay Đặng Tiểu Bình, Gorbatchev, Gandhi với cơ may có thể thay đổi hướng đi của lịch sử. Thế nhưng, ngày nay, vướng phải bầy hậu duệ vô tài tham nhũng, lại vướng víu thêm với thị trường chánh trị (Đảng), với thị trường kinh tế (lợi tức gia đình đảng phái), đặt quyền lợi đảng phái trên hết, quản trị bằng chia chác, cai trị với hứa hẹn, mặc cả với lòng tham con người, nên dù đất nước có đầy tài nguyên, có đầy tài năng, có đầy hy vọng kia đi nữa, ngày nay cũng vướng víu với cái vòng lẩn quẩn không lối thoát, của lý thuyết, của quan niệm, chỉ đi vào những từ ngữ to lớn đầy đại sự nhưng rỗng tuếch như là Tự Do, là Dân Chủ, quên hẳn cái tiểu tiết phải giải quyết là Xã hội Sống Còn của Công dân của đất nước họ! Phải! Người Công dân, trước hết Con Người! Với cái Tự Do mơ ước là cái Tự Do của Con người. Với cái Dân Chủ mơ ước là cái Chủ quyền của Con Người được tự túc Ăn Sống, Hưởng Thụ, An Tâm Suy Nghĩ và Tham Gia vào Xã Hội.
Đó là Tiểu Tiết. Lo cái Tiểu Tiết của Người Dân là lo được Đại Sự của đất Nước.
“Tiên Thiên hạ Chi Ưu Nhi Ưu, Hậu Thiên Hạ Chi Lạc Nhi Lạc “Phạm Trọng Yêm (989 -1052 Tàu)
Chuyện Người:
Năm qua, Pháp chia đất nước thành từng vùng hành chánh lớn (13 vùng), thay thế những đơn vị tỉnh, huyện xưa, vậy thì quyền lực hành chánh sẽ thế nào?
Liên Âu và Bruxelles có thể tránh Anh Quốc Brexit, ra khỏi Liên Âu không?
Xứ Catalogne của Tây Ban Nha có thể biến thành một quốc gia hoàn toàn độc lập không?
Tô Cách Lan (Scotland) có thể thành một Công Hòa độc lập nằm ngoài Vương quốc Anh không?
Tại sao ngày nay người dân thờ ơ với bầu cử vậy? Chưa bao giờ dân chúng Âu châu thờ ơ với tình hình bầu cử của đất nước mình, tại sao?
Tất cả những câu hỏi ấy, tất cả những vấn đề ấy hiện nay là thời sự ở Âu Châu. Chúng tôi, thiết nghĩ đấy chỉ vì ngày nay những cái tiểu tiết quan trọng hơn những chuyện đại sự mà các nhà chánh trị trách nhiệm chẳng dám đưa ra bàn thảo.
Tiểu tiết rất cần thiết cho sự hài hòa của xã hội. Thế nhưng, vì sự thay đổi của những thể chế, của những chánh sách, và của cả nền chánh trị, nên nghĩ rằng cần lo cho đại sự, nên bỏ rơi những tiểu tiết. Có cần chúng ta phải để ý đến tiểu tiết không?
Một thí dụ nhỏ rất thời sự. Việt Nam vừa qua, một lời tuyên bố rất tiểu tiết: “Người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam phải là người miền Bắc (Việt Nam), vì chỉ người miền Bắc biết lý luận!” Câu nói ngu xuẩn xanh dờn ấy, tiểu tiết ấy, từ nay sẽ là cái mốc làm nguồn gốc của sự chia rẽ kỳ thị Nam Bắc Việt Nam. Hiểm họa chia đôi đất nước: đàng trong, đàng ngoài từ đây bắt đầu. Đúng là như người xưa đã nói: “Tiểu tiết bất đạt, đại sự hà vi”.
Bottom up hay Top down:
Câu nói anh ngữ nầy để diễn tả sự đối chọi giữa hai quan niệm tổ chức hành chánh, hai phương pháp truyền thông, hai quan điểm tổ chức điều hành. Bottom up, đi từ dưới, hạ tầng lên lãnh đạo. Top down, từ lãnh đạo chỉ thị xuống đến hạ tầng cơ sở. Tiểu tiết là bottom up.
Thoạt tiên, tiểu tiết, nếu được hiểu đúng, là một quan niệm về điều hành và về trách nhiệm: tất cả bắt đầu ngay từ vai trò cá nhơn của nhơn sự. Chính tại ngay phần hành của cá nhơn nhơn sự điều hành ấy! Cá nhơn ấy quyết định hành động, đây là một lựa chọn, một quyết định do chính ngay cá nhơn của nhơn sự trách nhiệm ngay ở phần hành. Trách nhiệm phần hành là của nhơn sự đảm nhiệm phần hành: trách nhiệm và quyền lợi cá nhơn của đương sự, đương sự phải là người toàn quyền quản trị tốt nhứt.
Nói như vậy, chúng ta phải hiểu rằng chỉ khi nào nhơn sự trách nhiệm phần hành không đủ năng lực để làm tròn nhiệm vụ mới cần đến những nhơn sự hay những tổ chức khác tiếp viện. Sự tiếp viện, sự tham dự ấy là một tiểu tiết, đến để tiếp vận, đến để cứu trợ.
Thí dụ nêu trên cho một cá nhơn cũng dễ dàng áp dụng cho một đoàn thể hay một hội đoàn. Tất cả mọi người trong đoàn thể tự giải quyết mọi vấn đề không cần sự can dự của một yếu tố ngoại nhơn nào cả.
Chúng ta chớ quên rằng sự kêu gọi tiếp viện, sự kêu cứu phát xuất do chính từ cá nhơn, hay chính từ đoàn thể ấy: không một động lực ngoại vi nào thay thế trách nhiệm ấy được. Do đó, quan niệm tiểu tiết là một quan niệm quản trị tốt – principe de bon gouvernement. Quyền lực của một cá nhơn được định nghĩa rõ ràng và ngưng lại nơi quyền lực của người khác bắt đầu.
Những Quyền Lực và Những Quyền Tự Do Địa Phương:
Những Tiểu Tiết mà chúng ta thường nghĩ ngay đến là những quan hệ quyền lực giữa các cơ chế chánh trị.
Thí dụ ở Pháp hiện nay, giữa các Vùng mới thành lập (13 Vùng): các quan hệ một mặt đối với các tỉnh (départements) - với các thị xã? Và mặt khác, quan hệ tương quan thế nào với Nhà Nước, với Trung Ương? Nếu như quan niệm Tiểu Tiết thật sự được áp dụng, các xã, thị xã tự điều hành, giải quyết mọi vấn đề nội bộ, có thể cùng bàn bạc hợp sức với xã, hay thị xã láng giềng trên một công tác nào đó (Tổ hợp các xã Liên hợp các xã – syndicats des communs), thí dụ tổ chức một tổ hợp chuyên chở công cộng liên xã, trong tỉnh, trong vùng; hay tổ chức một cơ chế Du lịch, hay cơ chế Văn hóa tỉnh, vùng (Nha Văn Hóa, Nha Du lịch, Phòng Triển lãm…) vân vân…
Thế nào đi nữa, quan niệm Tiểu Tiết không thế nào áp dụng ở một quốc gia Trung ương Tập quyền, (như nước Pháp ngày nay – hay cả Việt Nam) nơi mà mọi quyết định, mọi suy nghĩ, mọi hành động hành chánh đều được nhà cầm quyền trung ương chỉ đạo bằng luật lệ, văn kiện, nghị quyết!
Từ bao năm nay, nước Pháp chờ đợi một luật lệ thực sự về Tản Quyền – Décentralisation, như người ta vẫn quen sử dụng những Luật về Phân Quyền –Déconcentration, chỉ là những áp dụng những chỉ thị của trung ương mà thôi!
Thêm vào đó, nếu muốn tự lực, tự túc phải có “tự túc tiền bạc, tự túc ngân sách”. Hiện nay, có những điều luật nói về Tản quyền, nhưng không có điều luật nào cho Tự do Ngân Sách cho ngân quỹ địa phương. Do đó không thể có sáng kiến, hay cạnh tranh chi cả! Ngày hôm nay, ở Pháp, các thị xã, các Hội đồng xã chỉ “ráng sống qua ngày”, “gói ghém chi tiêu” giữa những đòi hỏi đóng góp với Trung ương, và những cắt giảm phụ cấp. Những quyền lực, những quyền Tự do, cả tánh tự chủ của địa phương ngày nay ở Pháp chỉ là những câu nói, câu viết đầy lý thuyết thôi!
Chưa kể Trung Ương Tập Quyền ở Bruxelles!:
Nhiều người vẫn tưởng lầm Dân Chủ là đương nhiên đi vào tiểu tiết. Lầm to, một trong những cha đẻ của quan niệm Liên Âu là Jacques Delors (ba của Martine Aubry, tác giả của luật lao động 35 giờ một tuần, làm kẹt giỏ mọi cải cách luật Lao động ngày nay, một trong những rào cản của thị trường lao động Pháp) ra một thí dụ về những quyết định gọi là dân chủ nhưng thật sự là để “chống Tiểu Tiết”. Ngay hôm trình diện Hiệp Ước Maastricht, hiệp ước đặt nền tảng sanh hoạt cho Liên Hiệp Âu Châu, vị chủ tịch Ủy ban Âu Châu, mở đầu, bảo rằng Hiệp Ước đặt nền tảng trên những tiểu tiết. Như đến lúc trình bày, ông nói rằng Hiệp Ước, nghĩa là cái phần hành Trung Ương, sẽ định nghĩa những chức năng và thẩm quyền của các cơ chế âu châu và của các quốc gia thành viên của Liên Âu. Ông nhận thấy có nhiều chức năng và thẩm quyển được giao phó hoặc cho Liên Âu, hoặc cho thành viên một cách tùy tiện hoặc có khi chia hai các thẩm quyền phân nửa phân nửa không có lý do gì cả. Cách tổ chức ấy không có gì gọi là đặt nền tảng trên quan niệm “tiểu tiết” cả!
Vì nếu thật là một quan niệm Tiểu Tiết đúng đắn nhứt phải là phải giao tất cả chức năng và quyền lực cho các quốc gia thành viên. Sau đó, tùy chức năng, thành viên “chia sớ” lại cho trung ương Liên Âu. Ngày nay, người ta đang nhìn thấy một sự lạm dụng của “trung ương tập quyền”. Đáng lý phải là một Tổ hợp tạo ra những luật lệ thực hành biến thành quy luật (như đã được quy định ở Bản Hợp Tác Duy Nhứt – L’Acte Unique năm 1956), đằng nầy người ta đang nhìn thấy một bộ luật âu châu đang thành hình và đang từ từ được áp dụng trên toàn bộ công dân âu châu, đi ngược lại với quan niệm rằng luật lệ không được tùy tiện đặt ra, mà phải được điều nghiên cẩn thận để hòa hợp với công lý xã hội (xin lỗi các lý thuyết gia về luật cụ thể – droit positif).
Vương Quốc Anh (và vài quốc gia khác), chối bỏ đồng euro, và đang đòi hỏi là sẽ không áp dụng một phần hay toàn thể những luật lệ âu châu. Nếu các thành viên khác và các cơ chế âu châu không chấp nhận đòi hỏi của Anh Quốc (và nhiều quốc gia khác nữa) thì chẳng chốc một Liên Âu mới sẽ thành hình, dước hình ảnh một Siêu Quốc Gia, xóa bỏ mọi quyền lực của các quốc gia thành viên độc lập tự chủ.
Vì những lẽ ấy, sự Sống còn của Liên Âu rất mong manh! Vì ngày nay, nếu đặt câu hỏi thực sự có bao nhiêu quốc gia dám giao phó một quyết định cho một quyền lực trung ương âu châu, nằm ở Bruxelles?
Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh đã một lần lên tiếng nói rõ vào những năm đầu của Liên Âu: “Chúng ta không thể vứt bỏ Nhà Nước của chúng ta ở London để thấy nó xuất hiện ở Bruxelles!”
Vì vậy phải trân quý quan niệm Tiểu Tiết:
Vẫn biết rằng tất cả người cẩm quyền nào, lúc nào, cũng muốn quyền lực mình được lan rộng. Và không một lý thuyết Dân chủ nào có thể dẹp được cái cám dỗ ấy! Và đau đớn hơn nữa là quyền lực giúp người cầm quyền nới rộng quyền lực lan rộng đến các phạm vi công cộng, các phạm vi của cải chung, và dĩ nhiên đưa đến sự sử dụng công quỹ. Phương cách bầu cử (mà thường được xem một cách vội vã, là một phương pháp dân chủ) chỉ là một phương pháp đặt nặng trên nền tảng trên phe đảng, trên các thân chủ bạn bè gia đình, chia chác lợi nhuận, quyền lợi, bổng lộc. Gia tài, bổng lộc đều đến từ Nhà Nước-Bảo Trợ, Nhà Nước Cha mẹ – L’État-Providence. Và một cách tự nhiên, tinh thần trách nhiệm cá nhơn bị mai một, và cũng một các tự nhiên tinh thần đạo đức công dân cũng tiêu tùng luôn! Và quan niệm “lo cho cái Tiểu Tiết”, cho cá nhơn, cho người dân cũng mất tuốt!
Việc Ta (chuyện Việt Nam):
Việt Nam ta ngày nay, khỏi bàn chuyện Tiểu Tiết. Chỉ toàn là Đại sự! Nào là cũng cố Đảng. Đại sự là ở sao cho vừa lòng anh láng giềng phương Bắc! 16 chữ Vàng, 4 chữ Tốt là quan trọng. Giữ yên việc nhà Việt Nam là nắm giữ Đảng. Ngậm miệng ăn tiền. Xưa kia thất sủng có thể nguy hiểm, mất mạng. Ngày nay, chuyện lên xuống là chuyện bình thường. Get Line - Faire la Queue - Sắp Hàng chờ phiên. Lớn ăn theo lớn. Nhỏ ăn theo nhỏ. Vô Đảng Cộng Sản để được lợi.
Người dân là chuyện nhỏ, quốc gia là chuyện nhỏ, Dân tộc cũng là chuyện nhỏ, là Tiểu Tiết. Cầm quyền là Ăn To Nói Lớn. Tuyên Bố, Khẩu hiệu. Đảng Cộng Sản là trên hết! Là Đại Sự!
Ngày mai, Sống Còn Đất Nước Việt Nam! Đảng Cộng Sản Việt Nam Lo.
Ngày mai Sống Còn Đảng Cộng Sản Việt Nam! Đảng Cộng Sản Tàu Lo.
Ngày mai Sống Còn Dân Tộc Việt Nam! Đảng Cộng Sản Quốc Tế – Tàu Ta như Một – Lo
Dân Tộc Việt Nam - Đân Tộc Tàu là một! (Núi liền núi, sông liền sông).
Sao Vàng Cộng Sản Việt Nam sẽ là Sao Vàng Cộng Sản Tàu thứ sáu trên Cờ Máu Tàu!
1968, Mậu Thân, thảm sát công dân Huế, diệt công dân cựu kinh đô Đế Quốc Việt Nam.
2016, Bính Thân, thảm sát dân tộc Đại Việt, diệt công dân cựu Quốc Gia Việt Nam.
Buồn! Chán! Nản!
Hồi Nhơn Sơn, Khai Bút Năm Bính Thân 2016 (Năm Con Khỉ Lửa)
Ngày Liên Âu thương thuyết cứu Anh Quốc khỏi Brexit
Phan Văn Song