Nguyễn Thanh Việt


Tiếng nói không được lắng nghe

Cha mẹ tôi là chủ kinh doanh nhỏ ở Việt Nam và California, cả hai nơi đều từng bị tấn công phá hoại bởi kẻ trộm.

Vì vậy, trước hoàn cảnh  của các chủ tiệm, đặc biệt là người da màu, người có cửa hàng bị thiệt hại hoặc phá hủy bởi biểu tình ở Mỹ, tôi hiểu khía cạnh cá nhân và con người của những ai đang cảm thấy họ chưa làm bất cứ việc gì đáng tội để bản thân hoặc doanh nghiệp của mình phải gánh chịu bạo lực.

Tôi sẽ nêu ra các cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992 như tiền lệ cho vấn đề này. Với khoảng 800 tỷ USD thiệt hại tài sản, gần nửa trong số đó là của các chủ cửa hàng là người Hàn nhập cư. Đó là một thảm kịch, và cộng đồng người Mỹ gốc Hàn phải chịu thiệt hại nặng nề về cả kinh tế và tinh thần.

Nhưng hãy đặt điều đó trước các số liệu đối lập khác. 62 người chết trong cuộc bạo loạn đó, một là người Mỹ gốc Hàn, hầu hết đã là người da đen và da màu. Hàng ngàn người bị bắt phần lớn cũng là da đen và da màu. Điều đó nói với tôi rằng nhóm da đen và da màu đó đã phải trả giá bằng mạng sống và sự tự do của họ, vì đã "cướp bóc", hay vì phản đối các điều kiện phân biệt chủng tộc và cách biệt kinh tế mà họ phải chịu đựng hàng thập kỷ ở Los Angeles.

Los Angeles, trong nhiều thập niên, đã được xây dựng dựa trên việc vạch ra các "lằn ranh đỏ", nơi một số khu phố hiển nhiên được dành riêng cho người da trắng, và các khu lân cận khác được dành cho da đen, da màu và trong một giai đoạn, cho cả người gốc Á. Nó được thi hành bởi các giao ước chủng tộc và bởi phân biệt đối xử trong mua bán bất động sản và phương thức vay mượn. Người Mỹ gốc Hàn chịu thiệt nhưng chỉ về kinh tế. Họ có công việc kinh doanh và của cải để mất, nhưng họ không mất mạng sống hoặc tự do, ít nhất là ngay lập tức (họ chịu bao nhiêu sang chấn tâm lý và hệ quả lâu dài, tôi không biết cách định lượng, nhưng họ đã phải chịu).

Đây là bản chất phân tầng chủng tộc và kinh tế của xã hội Mỹ, nơi chủ nghĩa tư bản vận hành và là nơi người nhập cư và người Á được đặt vào. Người Mỹ gốc Hàn đã nhận ra điều này và rất tức giận vì sở cảnh sát Los Angeles về cơ bản đã cô lập khu phố Hàn và mặc nó cháy. Họ cũng thấy rằng họ đã phải hy sinh để xoa dịu cơn giận dữ của những người da đen, da màu và người nghèo. Đó là lý do tại sao, trong những ngày sau cuộc bạo loạn, người Mỹ gốc Hàn đã diễu hành tập thể, không phải để lên án khách hàng của họ, người da đen và da màu trong vùng mà để lên án sở cảnh sát Los Angeles và hệ thống phân biệt chủng tộc, giai cấp đã khiến họ phải ở bên lề, cho đến khi hệ thống đó quyết định hy sinh họ như là nhóm thiểu số làm mẫu ở trung gian.

Vì vậy, bất cứ ai nói về hoàn cảnh của các chủ tiệm mà không hiểu làm thế nào họ thích nghi với hệ thống lớn sẽ không thể hiểu. Kẻ chỉ trích không thấy được rằng hệ thống không thực sự quan tâm đến các chủ kinh doanh nhỏ kia. Hệ thống sẽ nâng đỡ các chủ tiệm, thường là người nhập cư, như một minh chứng về "giấc mơ Mỹ". Nhưng khi giấc mơ ấy sụp đổ trên chính mâu thuẫn của nó, người nhập cư hoặc tiểu thương bị hy sinh. Tại sao phần lớn các quỹ cứu trợ tài chính cho quốc gia này lại dành cho các tập đoàn thay vì doanh nghiệp nhỏ?

Tôi đã đăng kêu gọi về việc quyên góp cho quỹ bảo lãnh tại ngoại (cho người biểu tình - BTV) và bị một số độc giả phản đối trên trang cá nhân. Hầu hết các ý kiến cho rằng có quá nhiều cướp bóc và bạo lực, và rằng chúng ta chỉ nên ủng hộ những người biểu tình ôn hòa. Tôi không thực sự chấp nhận các phản bác này, khi chỉ trích của họ không cho thấy sự phẫn nộ nào đối với bạo lực của cảnh sát, đầu tiên là từ việc giết người da đen có hệ thống và sau đó là phản ứng bạo lực quá mức đáp trả các cuộc biểu tình.

Đừng chỉ đọc các tiêu đề trên báo về hôi của. Hãy đọc truyền thông xã hội, tìm kiếm các video của người tuần hành để thấy những gì đang xảy ra. Các cuộc biểu tình hầu hết ôn hòa trên diện rộng song cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay, đạn cao su - không hề vô hại, dùi cui và các kiểu bạo lực khác. Tóm lại, bất kỳ nỗi kinh hãi nào về bạo lực của người biểu tình không đồng thời nêu ra sự nghiêm trọng trong bạo lực của cảnh sát, và việc nhấn vào các chỉ trích này sẽ duy trì một cơ chế mà cảnh sát được phép sử dụng bạo lực bất cứ khi nào họ muốn, tiêu biểu là để đàn áp các nhóm người bên lề và không có tiếng nói. Nếu tầng lớp trung lưu, thượng lưu, da trắng và nhóm thân cận với người da trắng phải chịu bạo lực từ cảnh sát như kiểu cộng đồng người da đen, da màu, thổ dân và người nghèo phải chịu, chúng ta sẽ giải tán cảnh sát ngay ngày mai.

Về "cướp bóc" (looting): bất kỳ ai đang dùng từ đó liệu có hay biết Hoa Kỳ và nhiều đế quốc và chế độ thực dân khác như Pháp, Bỉ, Australia, Tây Ban Nha đã được xây dựng dựa trên sự cướp bóc có hệ thống những người da màu, da đen, thổ dân và vâng, các tộc người châu Á và những quốc gia nằm trong điểm mù lịch sử. Nước Mỹ sẽ không tồn tại nếu những người di dân da trắng không cướp đất từ thổ dân bản địa và người Mexico; và sự bóc lột trên các thân phận da đen Châu Phi - còn được gọi là nô lệ. Lao động nhập cư châu Á tại Mỹ cũng giúp xây dựng đất nước này và họ cũng bị bóc lột bởi các doanh nghiệp khai thác.

Cướp bóc là sai ư? Nếu vậy, bạn nên hiểu rõ hơn rằng việc cướp bóc các cửa hàng là tội phạm cá nhân, trong khi cướp bóc kiểu diệt chủng và nô lệ là cướp có hệ thống, với lịch sử của nó đã được gột rửa vì lợi ích ấy được xây dựng thành một hệ thống quyền lực tối cao có lợi cho người da trắng theo cách mà họ thậm chí không thừa nhận. Ví dụ: bất động sản cầm cố của những ai được chấp thuận, tài sản của ai được chuyển nhượng và thừa kế; cơ thể của ai phải chịu bạo lực của cảnh sát; trường học của ai đã được tài trợ tốt hơn, và cứ thế tiếp tục.

Lưu ý cuối cùng: Martin L. King Jr. đã nói rằng "Bạo loạn là ngôn ngữ của những tiếng nói không được lắng nghe".

.

Nguyễn Thanh Việt
(8/6/2020)

____

Nguyễn Thanh Việt (1971) là nhà văn người Mỹ gốc Việt, bút hiệu Viet Thanh Nguyen, sống tại California. Tác phẩm hư cấu đầu tay của ông, The Sympathizer, đã được trao giải Pulitzer năm 2016. Một số tác phẩm khác của ông là Nothing Ever Dies, The Refugees: Vietnam and the Memory of War, Race and Resistance: Literature and Politics in Asian America...


Cái Đình - 2020