Nguyễn Hữu Liêm


Thử nhìn vào khủng hoảng văn học Việt Nam qua Kiều và Nietzsche

Cái tật của bọn học giả, nói như Friedrich Nietzsche (1844-1900),
là không viết lên được gì nếu không dựa trên trích dẫn từ sách vở.

Friedrich Nietzsche, qua đời năm 1900, được cho là một trong số các nhà tư tưởng lớn nhất của nhân loại thế kỷ 19

"Bọn họ quá lạnh lùng. Mong cho sét đánh ngay vào thức ăn của họ để mồm miệng chúng biết ăn món lửa," Nietzsche viết.

Thế còn nhà văn? Tính sáng tạo của nhà văn là khả năng nấu nướng những gì có sẵn thành một món ăn mới. Còn những thể loại văn chương thiếu chiều sâu thì chỉ biết đem những vật liệu còn sống, chưa được nấu, để như vậy và chỉ bày biện thành món ăn với thật nhiều gia vị.

Có lẽ đây là giá trị của văn chương bình dân và phổ thông. Nó mang phẩm chất tươi mát ở nơi kỹ thuật trình bày đơn sơ và trần trụi. Nhưng chính đó cũng là khuyết điểm lớn – những trạng thái sống sượng từ sự kiện chưa được nấu nướng và chuyển hóa bằng ngữ văn.

Văn học Việt thiếu vắng tư tưởng

Văn chương Việt Nam – "Văn Lang" – là một thể loại phong hóa bình dân – một quá trình dàn dựng sự thể của sự kiện nhân sinh vào một mâm cỗ ngôn ngữ, cho thêm nhiều gia vị, và không được chuyển hóa. Người ăn mâm cỗ văn thơ tiếng Việt phải chấp nhận cái tươi mát và sống sượng của cuộc đời làm thực phẩm cho mình.

Và dù độc giả có nhận thấy sự giới hạn và nghèo nàn của chúng, họ cũng không có chọn lựa nào vì con người và văn chương Việt Nam chưa bước lên tới bình diện tư tưởng để chuyển hóa sự thể sống sượng ở sự đời. Người đọc văn tiếng Việt phải ngậm đắng nuốt cay mà tiếp thu phong hóa văn chương nầy.

Khi chúng ta đi vào thế giới ngôn ngữ nơi sách vở, cái cần thiết là tư tưởng – khi cuộc đời đã được thăng biến lên bình diện phạm trù. Văn chương Việt Nam thiếu cái đó. Nó cứ dọn những bữa ăn sống và tươi và đổ lên thật nhiều gia vị. Ðối với trái cây hay sà lách thì được. Nhưng lịch sử và con người Việt Nam là thịt, là cá, là gạo đang phơi trần trong khí hậu nhiệt đới. Nếu không nấu, không chuyển hóa, người dùng bữa sẽ dễ bị bội thực và ngộ độc. Văn hóa Việt Nam đang bị bội thực và ngộ độc vì khả năng tri thức dân tộc chỉ dừng lại ở biên giới văn chương – thể loại văn chương thuần diễn tả.

Hãy nhìn Việt Nam gần suốt thế kỷ qua cho đến hôm nay. Lâu lắm mới có một vài tác giả viết về tư tưởng, nhưng phần lớn thiếu sáng tạo, và rồi bị bỏ quên. Trước 1975, ở ngoài Bắc thì chỉ có học thuyết Marx-Lenin, vốn không thể gọi là tư tưởng vì không có tự do tư duy; còn trong Nam thì một chút ít triết học hiện sinh từ Âu Châu nặng chất văn chương được bày biện sơ sài trên các mâm cỗ thức ăn chưa được nấu, sống sượng và lỏng lẻo.

Cho đến giờ này, trí thức Việt hầu hình như vẫn chỉ làm được ba chuyện: Làm thơ, viết truyện ngắn dạng mô tả, và dịch sách ngoại ngữ.

Chúng ta phải mang ơn và trân trọng trí thức và văn nghệ sĩ Việt. Tuy nhiên, vấn đề là ở ngay cả thượng tầng trí thức Việt Nam, họ còn thiếu sáng tạo trầm trọng. Tất cả tạo nên một nền văn hóa chữ nghĩa thuần trích mượn – a throughoutly derivative intellectual culture... Các tạp chí ở hải ngoại, kể cả các mạng điện tử, đều cũng chỉ chia chung một màn kịch – và trò chơi – văn học. Cả một cộng đồng ngôn ngữ tiếng Việt bị hút hồn trong cơn say thi ca và văn chương nhẹ cân và thiếu chiều sâu nầy.

Đây có phải là một định mệnh Văn hóa?

Nói như thế có bất công chăng! Đến đây chắc có người sẽ phản biện rằng, văn chương là gì nếu không phải là những chuyện kể. Nó khác với triết học hay tư tưởng – vì thơ văn khai sáng cuộc đời từ một góc độ tiếp cận khác. Đòi hỏi thơ văn phải như là những luận đề triết học hay lịch sử, văn hóa, là lạc đề – và chưa nắm được yếu tính văn học. Văn chương mang mầu sắc triết học chỉ là một hình thức làm dáng!

Xin trả lời: Vâng, tùy tầm nhìn. Nếu ta muốn văn chương Việt nằm mãi ở trình độ diễn tả sự kiện như những chuyện kể cho giới bình dân thì không có gì để bàn đến. Nhưng nếu ta muốn nâng văn Việt lên tầng cao mới thì phải nghiêm chỉnh nhìn kỹ vấn đề. Hãy đọc văn – xin được thả vài tên quen thuộc – Dostoevsky hay Kafka, Camus hay Hess, chẳng hạn, thì sẽ thấy được khiếm khuyết của văn học Việt.

Chỉ cần đọc một đoạn trong "Ghi chú dưới tầng hầm" (Dostoevsky) hay "Huyền thoại Sisyphus" (Camus) để thấy văn chương người ta đã được nấu nướng cẩn trọng như thế nào. Có thể cùng một câu chuyện, nhưng suy tư của các nhà văn lớn luôn bao phủ hay gợi ý tinh tế một tầng khái niệm mang giá trị hoàn vũ về con người, thực tại thế gian, và sử tính.

Còn văn chương Việt thì chỉ nằm ở tầm diễn tả sự thể thế gian - và dừng lại ở đó. Có phải nhà văn Việt Nam mang tầm nhìn giới hạn, thiếu ý chí và khả năng sáng tạo? Hay là vì sự non yếu của tiếng Việt đang giam cầm khả thể văn học tầm cao? Có thể so sánh rằng, cổ thụ dưới thung lũng thấp không thể sánh chiều cao với đồng chủng ở trên đồi – khi sàn văn hóa của dân ta còn quá thấp, nấc thang tiến hóa tâm thức đang ở Thời quán thiếu niên, thì văn học không thể mặc áo vượt qua đầu được. Sự thể yếu kém của văn học Việt Nam có phải chăng là một định mệnh văn hóa!

Nhà văn ta đang đắm say với chính mình

Có lần, một nhà văn tâm sự với tôi rằng khi bài của mình được đăng lên báo hay tạp chí, ông chỉ đọc say mê bài mình viết - và chỉ bài của mình, dù khi thảo đã đọc nó cả chục lần. Cái thú đọc bài mình viết trên báo cũng giống như là một cậu thiếu niên mặc áo đẹp nhìn vào gương. Không có gì là mới hay lạ cho đối tượng cả.

Nó chỉ là cái ta ngã mạn được xoa nắn, tái dựng bởi chính ta. Ðó là cái thú văn chương trong vòng lẩn quẩn – lấy cái hiện tại từ sự kiện quen thuộc, bày biện nó lại qua một kiểu cách ngôn ngữ khác, để chiêm ngưỡng lần nữa. Trong thú vui này, con người bị chìm đắm vào cái ta, không bước lên hay thoát ra ngoài vòng cuộc sống bằng tinh thần hay tư tưởng. Văn chương thiếu tinh thần và tư tưởng không đánh thức được ai, nó chỉ ru ngủ thiên hạ – và làm cho mình bị say đắm với chính mình.

Trở lại để trích dẫn Nietzsche lần nữa: "Con gà mà đẻ nhiều thì trứng sẽ nhỏ đi."

Cái yếu của văn chương Việt Nam là nhiều chữ quá mà không nói lên được điều gì. Văn chương – qua dạng truyện ngắn thuần mô tả – làm cho người đọc bị kiệt sức. Một múi chanh của sự thể nhân sinh – phần lớn là số vốn cuộc đời bản thân – khi vào trong tay của nhà văn Việt thì bị vắt đến nát nhừ nhằm rút ra thêm được chút tàn lực chất chua, chất chát.

Như những tập tự truyện gần giống nhau và đồng bản chất kể lể, nhà văn Việt nói tới, nói lui thì cũng chỉ một âm điệu đã nhàm – cái âm điệu bi đát, ai oán, đầy tiêu cực và thiếu tinh thần. Cuối cùng họ chỉ lặp lại chính mình. Từ đó, các hội nhà văn, nhà thơ trở thành những đoàn thể cho văn thi sĩ Việt định danh, tùy thuộc ngân sách nhà nước, là những "echo chamber" cho những bất mãn chung chung, vang vọng âm ngữ bầy đàn vốn đã kéo dài trên thế kỷ qua.

Viết mãi vẫn chỉ là chùm cước chú cho Kiều

Đây có lẽ là gia sản chính từ Truyện Kiều của Nguyễn Du – văn chương chỉ diễn tả được bi kịch cá nhân trong hoàn cảnh – situational tragedy – chứ không khai phá được một tầng nhân cách trên cơ sở ý chí – the tragic consequences of the individual Will.

Tác giả Việt bắt buộc từng nhân vật văn chương phải mang cho mình một số phận nạn nhân, hoàn toàn thụ động, bất lực. Thế gian chỉ là một bóng tối bao trùm mà ta không thể khai sáng, không muốn thắp một ngọn nến xua tan màn vô minh. Thực tại như là một con quỷ xé nát cuộc đời mà ta chỉ còn van xin ân huệ.

Từ đó, hầu hết văn chương tiếng Việt – và sau này di cư qua Mỹ, Pháp, văn tiếng Anh, Pháp bởi người gốc Việt – phần lớn vẫn chỉ là những chùm cước chú cho Truyện Kiều. Từ trong quặng mỏ chứa thuần các lớp thân phận, ta cứ thấy hoài một chuyện – những biến hóa chữ nghĩa được mãi khai thác từ cái cuốc mòn văn chương nhà ta. Văn chương Việt – Việt hay Anh, Pháp ngữ – chỉ là những tuyển tập thú tội.

Ở đó, bi đát không vươn lên được tầm bi tráng; số phận cá nhân chỉ là một lát mỏng cắt ngang khúc cây từ hoàn cảnh tập thể dân tộc trong sự trống vắng về ý chí tác hành bằng ý thức sử tính và thời đại.

Đọc văn Việt thì như là nghe vọng cổ, hay nhạc bolero – cũng như cha ông ta đọc Kiều. Nó chỉ làm cho ý chí hành động bị tê liệt. Nói hơi đại ngôn một tí rằng, thể loại văn chương, thi phú nầy chính là nguồn gốc sâu xa cho hầu hết những thảm kịch lịch sử Việt Nam cho đến hôm nay – một lịch sử chỉ hoàn toàn chứa đựng những năng động thuần chất tình cờ, ngẫu nhiên – không mang một tinh yếu ý chí cá thể.

Trong khi thi ca Tây phương biến bi kịch cá nhân thành là một nguồn kích khởi ý chí hành động; thì ngược lại, văn thơ Việt nhấn chìm người đọc vào số phận bi đát của nhân vật. Càng đọc thi ca Việt ta càng bị đắm mình vào cái đập nước ngôn từ do chính chúng ta tự kiến lập lên.

Hãy vịn vào Nietzsche mà đứng dậy

...Chính vì thâm nhiễm Kiều với chủ nghĩa số phận bi thương, thụ động mà Việt Nam phải bị Thực dân Pháp đem cho một linh hồn mới. Từ bi kịch đô hộ đó, từ khát vọng vương lên làm lịch sử, ta cầu cứu đến Marx với lời sấm ý chí, "Ta sẽ dẫm lên đống gạch vụn từ quá khứ để tái tạo lại lịch sử như là một Thượng đế mới." Nhưng, tai họa không thể rời nàng Kiều.

Nhắm mắt gán Marx vào hồn Kiều đã trở nên một thang thuốc tự vận. Cuối cùng, khi đã hết thực dân và đế quốc, văn chương Việt lại lần nữa vực linh hồn Kiều sống lại trên nghĩa trang Marx.

Từ "Phận đành chi dám kêu oan" (Kiều) đến "Mẹ khỉ, cái thằng đểu này là điềm gở nhất của số phận mình" (Tướng hồi hưu, Nguyễn Huy Thiệp) ta thấy rằng: Cái ác, cái xấu tất cả đều ở bên ngoài ta, là từ xã hội, nơi tha nhân. Khi sự yếu đuối ý chí được lấy làm biện minh cho thụ động trong oán hờn liệt kháng thì thơ văn Việt chính là một lời nguyền tự đến – a self-fulfilling prophecy.

Rất có thế vì thế mà ở Việt Nam hiện nay, phong trào dịch và đọc Nietzsche – với những khẩu hiệu tung hô mẫu người "Siêu nhân," "Ý chí Quyền lực," "Vượt qua Thiện-Ác," "Phủ quyết tâm thức Nô lệ," "Lên án tinh thần Bầy đàn" – đang khá thịnh hành. "Cuộc đời không chỉ là sự đáp ứng nội tâm theo nhu cầu ngoại thân, nhưng mà là của Ý chí Quyền lực, phát khởi từ trong ta nhằm chinh phục và làm chủ ngoại cảnh," Nietzsche viết.

Có thể nói rằng những khái niệm "Siêu nhân", "Ý chí Quyền lực" chính là những câu sấm mới thay cho lời nguyền văn học Việt hiện nay.

Phải chăng, hiện tượng nửa triết nửa văn với Nietzsche này chính là một nỗ lực từ vô thức đi tìm một năng lực Ý chí mới – khi văn học Việt đang thiếu những món ăn tinh thần cho một dân tộc đang muốn vươn ra khỏi tình trạng độc tài, thiếu tự do hiện nay?

.

TS Nguyễn Hữu Liêm

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/diendan/thunhinvaokhunghoang.htm


Cái Đình - 2021