Nguyễn Lân Thắng
Tản mạn chuyện dậy con
.
Ôi đường đông quá, nguy hiểm quá. Ôi sao đỏ bắt nạt con. Ôi cô giáo trù dập. Ôi chương trình học nặng quá. Ôi cây đổ. Ôi điện giật… Có một tỷ thứ lý do làm xã hội nhảy dựng lên mỗi khi có chuyện xảy ra trong ngành giáo dục. Tôi công nhận là ngành giáo dục bây giờ có quá nhiều vấn đề. Nhưng những vấn đề đó theo tôi tất nhiên nó sẽ phải xảy ra trong một môi trường xã hội xuống cấp hiện nay. Có điều ít ai chịu nhìn nhận lại mình, giải quyết những vấn đề của mình với con cái, mà toàn chỉ biết ôm lấy con, bao bọc con và đổ thừa mọi chuyện cho xã hội.
Tại sao tôi lại dám nói thế? Hãy để tôi từ từ bắt đầu bằng chuyện của chính mình. Tôi viết chữ rất xấu. Xấu kinh khủng. Xấu còn hơn cả chữ bác sĩ như người ta vẫn thường nói. Từ xưa đến giờ trong xã hội nói chung có quan niệm: nét chữ là nét người. Thế nên tôi rất ngại khi phải viết tay bất cứ thứ gì. Ấy là nỗi xấu hổ và uất ức không chỉ của riêng tôi mà còn là của nhiều người khác sinh sau năm 1975.
Số là khoảng năm 1981, khi tôi đi học lớp một thì miền Bắc bắt đầu chương trình cải cách giáo dục. Ngoài những thay đổi về nội dung chương trình thì điều kinh khủng nhất là họ bắt trẻ con toàn miền Bắc tập viết theo một kiểu viết rất lạ đời, không biết nghiên cứu ở đâu ra. Ấy là việc viết tay mà không có các nét móc, nét hất nối nhau giữa các con chữ. Những chữ cái dù cũng được các cô giáo uốn nắn học sinh viết cho tròn, nhưng vì thiếu đi những nét móc, nên nom viết tay mà nó cứ như chữ in, rất rời rạc, không thuận theo chuyển động của tay người bình thường chút nào.
Cả một thế hệ trẻ con miền Bắc của chúng tôi lứa 1975 và mấy năm sau đó đều bị bắt tập viết loại chữ kinh khủng này. Có một số ít bạn được gia đình quan tâm, nên bắt tập lại theo cách viết kiểu cũ thì thoát khỏi cảnh chữ xấu. Nhưng đó là khi đã lên lớp 3, lớp 4… khi mà kiểu chữ viết không còn bị đánh giá lúc chấm điểm nữa. Còn đại đa số học sinh thời đó viết chữ như gà bới, và nhiều người viết xấu đến tận bây giờ.
Trong thời đại công nghệ ngày nay, chữ viết tay không còn quá quan trọng với nhiều người. Ngay chính bản thân bạn, hãy tự hỏi xem một ngày bạn cầm bút viết bao nhiêu dòng? Với thời đại của số hoá tiền tệ, của thương mại điện tử, của truyền thông đa phương tiện lên ngôi, tôi chắc có người đến cả tháng chỉ một vài lần cầm bút ký nhận cái gì đó là cùng thôi.
Có chuyên gia giáo dục như GS Nguyễn Ngọc Lanh còn cho rằng: chuyện học sinh cả lớp, cả trường, cả huyện… phải rầm rộ đi thi “chữ đẹp” thể hiện triết lý rất lỗi thời. Tại sao trẻ em Việt Nam cứ phải vung phí tuổi xuân vào những cuộc đua – tuy rất bổ ích cho “thành tích” của người có quyền, nhưng – vô bổ đối với sự nghiệp tương lai của chính các em?
Có người còn tập hợp ra danh sách các nhân tài thế giới viết chữ siêu xấu. Ấy là Picasso, Albert Einstein, Michael Jackson và Beethoven… Họ cho rằng những người viết chữ xấu thường có nét chữ lộn xộn do tốc độ suy nghĩ của họ còn nhanh hơn tốc độ của bàn tay. Kết quả là trí não đã tác động đến chữ viết thành ra cẩu thả xấu xí.
Nhiều khi tôi cũng nương theo dòng ý kiến này để tự làm hài lòng mình. Nhưng mà, thú thật là đôi khi nhìn lại tôi vẫn có cái cảm giác tiếc nuối vì mình không có chữ viết đẹp. Viết hai ba chữ vào cái phong bì mừng cưới chẳng hạn mà chữ xấu như gà bới, nghĩ cũng hận (hi hi). Ai không ở trong cái cảnh ấy khó mà hiểu được cảm giác đau đớn đó đâu.
Hôm vừa rồi tự dưng vợ tôi hỏi chuyện cho con bé con nhà tôi đi học lớp luyện viết chữ đẹp. Thế là chả suy nghĩ gì tôi đồng ý cái rụp. Dẫu biết bây giờ vẫn có rất nhiều ý kiến trong xã hội phê phán về chuyện bắt trẻ con đi luyện chữ đẹp, nhưng tôi kệ. Nhiều người lý luận cho rằng việc luyện chữ sẽ làm cho trẻ mất đi sức sáng tạo, mất đi bản sắc của riêng nó.
Tôi nghĩ họ lo như vậy cũng có lý, nhưng hơi quá. Những lo lắng này xuất phát từ xung đột xảy ra giữa bố mẹ và con cái trong thời kỳ trẻ bắt đầu đi học. Những xung đột ấy nảy sinh chẳng qua do bố mẹ đã quá nuông chiều. Khi đứa trẻ từ khi còn bé đã được quá tự do, thích làm gì thì làm, không phải chịu trách nhiệm. Khi bắt đầu đi học, nó sẽ phản ứng mạnh khi bị buộc phải vào khuôn khổ trường lớp, đừng nói gì đến việc phải cần mẫn ngồi luyện từng nét chữ hàng ngày.
Cuộc đời con người muốn hạnh phúc, muốn phát triển thì phải có thành công trong sự nghiệp. Sự thành công ấy có thể ví như con diều bay trên trời. Nếu cắt dây đi, diều có thể bay cao, bay xa hơn chút nữa, nhưng rồi chắc chắn nó sẽ rơi xuống đất. Sợi dây diều ấy chính là tính kỷ luật, mà nếu ai coi thường vứt bỏ đi sẽ không thể thành công và hạnh phúc trong đời.
Từng nét chữ, từng trang vở sẽ là bài học đầu đời để rèn luyện con người tính kỷ luật. Không có kỷ luật, bạn sẽ không thể hợp tác, đừng nói đến chuyện lãnh đạo người khác. Không thể hợp tác, không thể lãnh đạo người khác, bạn sẽ như viên bi, mặc cho cuộc đời xô đẩy bạn lăn lóc ở đâu đó mà thôi.
Chính vì thế, tôi đã cho con đi học lớp luyện chữ ngay ở trong ngõ gần nhà. Vào lớp mới thấy, trong khi các bạn khác cùng trang lứa còn đang khóc lóc mè nheo bố mẹ, con tôi nó đủng đỉnh đi vào lớp học như người lớn. Mỗi tuần ba buổi nó tự hăm hở đạp xe đến lớp, trong sự kinh ngạc của các cha mẹ khác. Rõ ràng phương pháp giáo dục, cách giao tiếp với con từ trước đây của chúng tôi mới là yếu tố then chốt để quyết định việc nó đối mặt và tiếp nhận mọi thứ xung quanh.
Tập viết chữ. Tập tính toán. Tập làm người. Tập đương đầu với hiểm nguy. Tập đối diện với bất công. Tập vươn lên để sống một cuộc đời thành đạt và hạnh phúc. Ấy là chặng đường dài mà bất cứ cha mẹ nào cũng sẽ không thể đi theo con đến suốt cuộc đời. Tất nhiên là mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng theo tôi thì chúng ta có thể làm một vài việc nho nhỏ ngay từ lúc ban đầu. Đó là thay đổi thái độ, thay đổi phương pháp giáo dục với con trẻ… để nó có đà tiến lên làm chủ cuộc đời mình.
.
Nguyễn Lân Thắng
(Trích FB cá nhân)