TTA


Tâm thư gửi Người Vô Cảm

Trong tháng 6, 2018, trên toàn cõi Việt Nam từ Bắc vô Nam, dân chúng đã hàng loạt đứng lên biểu tình để chống lại dự luật An Ninh Mạng và dự luật Đặc Khu, điều chưa từng xảy ra kể từ sau tháng tư, 1975. Tuy không ai biết chính xác bao nhiêu người, nhưng con số có thể lên tới hàng trăm ngàn.

Chúng ta ai cũng biết dưới chế độ toàn trị, mặc dù biểu tình là quyền công dân đã được qui định rõ ràng trong Hiến pháp nhưng thực sự ít ai dám dùng đến. Vụ đàn áp dã man của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với cuộc  biểu tình đòi tự do dân chủ của sinh viên ở Thiên An Môn vào năm 1989 vẫn còn là một nỗi ám ảnh cho những ai muốn đòi tự do dân chủ ở các nước Cộng Sản. Chế độ toàn trị cai trị dân bằng việc siết bao tử và gieo rắc sự sợ hãi bằng bạo lực, gọi một cách hoa mỹ là “bạo lực cách mạng”. Việc siết bao tử bằng chế độ hộ khẩu và bao cấp đã không thể tồn tại vì đưa đến nguy cơ chết đói cả nước nên họ bắt buộc phải chuyển sang “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Định hướng gì thì định hướng, nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng đã mất đi cái độc quyền ban phát gạo thịt cho nhân dân. Dân không còn phải cầm sổ hộ khẩu sắp hàng chờ mua gạo mốc thịt ôi nữa. Tuy nhiên, với chế độ công an trị bằng một lực lượng công an khổng lồ thì sự sợ hãi là một điều thường trực trong đời sống hằng ngày. Không ai dám nói bất cứ điều gì khác với “đường lối của Đảng và Nhà nước” vì sẽ bị ghép vào tội “phản động” và “chống phá cách mạng”. Chưa bao giờ trong lịch sử ngôn ngữ của VN, chữ “phản động” lại được dùng một cách bừa bãi và vô tội vạ đến như vậy. Từ chỗ không dám nói khác dần dần đưa tới việc không dám nghĩ khác, cứ mắt lấp tai ngơ trước những sự bất công, áp bức đang xảy ra chung quanh mình, miễn sao những chuyện nầy chưa xảy ra cho mình là được rồi. Và đó chính là sự “vô cảm”.

Trong bối cảnh xã hội như thế, tại sao lại có đến hàng trăm ngàn người đã vượt thoát được sự sợ hãi triền miên, dám đứng lên xuống đường biểu tình để bày tỏ ý kiến của mình trước nguy cơ mất nước. Có phải chăng cái nguy cơ mất nước ấy còn đáng sợ hơn đạn cay, dùi cui, đánh đập, tù đày….?  Nếu như chúng ta thoát khỏi sự bưng bít và tìm hiểu những gì đã xảy ra cho các dân tộc Mãn, Hồi, Mông, Tạng, ta có thể tin rằng Việt Nam rồi cũng sẽ cùng chung số phận với các dân tộc nầy nếu chúng ta cứ tiếp tục “vô cảm”.

Từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, tôi hầu như chưa từng nghe, nói hoặc viết hai chữ “vô cảm”. Hai chữ nầy cũng không có gì là to lớn hay khó hiểu. Vô là không, cảm là phản ứng của tâm hồn mình trước việc xảy ra chung quanh hay trước mắt mình. Vô cảm là thờ ơ lãnh đạm, không cần biết, không cần quan tâm đến cái ác, cái xấu nếu nó không liên quan trực tiếp đến mình.  Ngày xưa mình không dùng đến chữ nầy vì mình không cần. Ngôn ngữ là như thế, người ta dùng ngôn ngữ để diễn đạt tâm tư tình cảm và những gì đang xảy ra. Thấy hình ảnh anh công an thẳng tay đánh đập người biểu tình một cách dã man mà nhiều người vẫn thờ ơ nghĩa là vô cảm. Thấy tàu Trung Cộng đâm thẳng vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam mà mình vẫn không thấy phẫn nộ  tức là mình vô cảm. Thấy nhà nước bỏ tiền tỉ của dân để xây tượng đài và nghĩa trang cho cán bộ cao cấp trong khi trẻ em phải lội qua nước lũ mỗi ngày để đi học vì không có cầu mà mình không nói gì là vô cảm. Thấy Đảng và Nhà nước đang công khai tìm cách bịt miệng dân để dâng đất nước do ông cha đã đổ bao xương máu gầy dựng cho giặc Tàu mà mình vẫn thờ ơ cũng là vô cảm

Dân VN hiện nay có đến 90 triệu mà số người đi biểu tình chống dự luật bán nước và dự luật bóp nghẹt tự do ngôn luận chỉ có vài trăm ngàn. Tôi tin rằng những người ở nhà không phải ai cũng là ngưởi vô cảm mà là những người chưa vượt thoát được sự sợ hãi và tôi hoàn toàn cảm thông với họ. Tuy nhiên cũng có những người vẫn còn tin rằng mình phải dựa vào bóng mát của Đảng để sống còn. Xin đừng tiếp tục nhắm mắt mà hãy mở mắt ra xem Đảng đang dắt mình đi đâu. Nếu cứ nhắm mắt mà đi theo, đến lúc lọt xuống vực, mở mắt ra  thì  đã quá muộn rồi.

Hãy đau cái đau của những người đang bị công an đánh đập, hãy phẫn nộ cái phẫn nộ của ngư dân đang bị cướp đi nguồn sống, hãy uất nghẹn nỗi uất nghẹn của người dân bị cướp đất đai để bán cho ngoại bang, và hãy lo sợ nỗi lo sợ của thế hệ con cháu chúng ta trước nguy cơ sống đời nô lệ và lưu vong ngay chính trên đất nước của mình. Bạn có thể không có hành động gì, nhưng XIN ĐỪNG LÀM NGƯỜI VÔ CẢM.

.

TTA


Cái Đình - 2018