Tâm Tịnh An
Sống chậm… thời Covid-19
.
Khoảng giữa tháng giêng 2020, người ta bắt đầu nghe tin tức về một loại vi rút gây hội chứng về đường hô hấp tương tự như bệnh SARS năm 2003, xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Tin tức lúc đầu có phần lạc quan, con vi rút nẩy không độc bằng con SARS, tỉ lệ tử vong trên số người bị nhiễm thấp hơn so với con SARS, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với con cúm mùa hàng năm vẫn giết mấy chục ngàn người ở Mỹ mặc dù đã có thuốc chủng. Hơn nữa, các nhà khoa học đã nhận diện được nó, hình dạng thế nào, nhiễm tế bào người bằng cách nào, nhân giống ra sao, lây lan thế nào…, nói chung là cũng không đáng sợ cho lắm. Vũ Hán là một thành phố lớn ở Trung Quốc nhưng với nhiều người đó là một nơi xa xôi trên quả địa cầu, có khi cách mình đến cả đại dương và châu lục, có gì đâu mà phải lo….
Thế rồi ít ngày sau người ta bắt đầu nghe thấy bệnh đã lây lan sang các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc.... rồi tới các nước xa hơn như Iran, Italy... mặc dù đã có các biện pháp đóng cửa biên giới và hủy bỏ các chuyến bay liên lục địa. Vũ Hán và một số thành phố lớn khác ở TQ bị cô lập hoàn toàn chẳng khác gì thành phố chết. Trên mạng có cảnh những nhân viên công lực cưỡng bức dân chúng đưa vào trại tập trung, bắt người ta như bắt chó. Nhiều người thắc mắc, có cần phải quá đáng như thế không và cô lập như thế thì người dân làm sao sống?
Đến khoảng đầu tháng ba thì cái nhìn của nhiều người đối với con vi rút Corona, còn gọi là Sars-CoV-2, tên bệnh là Covid-19, đã hoàn toàn thay đổi. Với tốc độ lây lan theo cấp số lũy thừa, thời kỳ nung bệnh có thể lên tới 14 ngày, người không có triệu chứng vẫn có thể truyền bệnh cho người khác, thuốc chủng và thuốc chữa vẫn còn nằm trong thời kỳ nghiên cứu, Covid-19 đã nhanh chóng trở thành pandemic của thế kỷ 21, với hơn 150 quốc gia trên thế giới bị nhiễm bệnh.
Lúc đầu khi nghe TQ đang gặp đại nạn Corona, tuy có thương cảm cho người dân TQ nhưng cũng có người hi vọng rằng đại nạn nầy sẽ khiến cho nhà cầm quyền TQ bớt hung hăng, bớt hà hiếp các nước nhỏ và từ bỏ ý định làm bá chủ thế giới. Nhiều người cũng hi vọng sự khủng hoảng kinh tế của TQ do dịch Covid-19 sẽ đưa đến sự sụp đổ của một thể chế chính trị độc tài phi nhân, đồng thời cũng sẽ kéo theo sự sụp đổ của các nước đàn em trong quỹ đạo của Cộng Sản TQ. Thế nhưng cho đến hôm nay Covid-19 không còn là vấn để của riêng TQ nữa mà là của toàn thế giới. Con vi rút nầy có trọng lượng chỉ bằng một phần tỉ tỉ trọng lượng con người nhưng có thể tấn công tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, giàu nghèo, địa vị xã hội hay chế độ chính trị, tuy vô hình mà có thể hiện diện khắp nơi, không có vũ khí mà có thể giết người hàng loạt. SARS-CoV-2 đã đối xử với mọi người một cách thật bình đẳng. Nằm sâu trong một tế bào nào đó của một người nào đó trong đám đông, con Corona với chiếc vương miện lấp lánh đang cười ha hả, “Sợ ta chưa, sợ ta chưa? Ta đây mới là chúa tể của muôn loài!” Covid-19 cũng cho thấy không có một cá nhân hay một quốc gia nào có thể tồn tại riêng lẻ. Tất cả vạn pháp đều phải nương nhau để tồn tại.
Đây là một cuộc chiến tranh toàn cầu mà mọi người mọi nhà đều phải dựa vào chính mình để tự vệ và bảo vệ người khác. Cho tới nay biện pháp hữu hiệu nhất và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng là biện pháp social distancing, với hi vọng giảm thiểu và làm chậm lại sự lây lan của Covid-19. Các hãng hàng không đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế, trường học đóng cửa, từ mẫu giáo đến đại học. Nhà hàng, rạp hát, tiệm ăn…, nói chung tất cả các sinh hoạt trong đời sống xã hội đều gần như dừng lại hết. Mọi người được khuyến cáo không ra khỏi nhà trừ khi hết sức cần thiết. Người ta có cảm tưởng mình đang phải... ngừng sống một thời gian chưa biết là bao lâu.
Thật ra ta không đến nỗi phải ngừng sống mà chỉ phải sống chậm lại thôi. Trong cuộc sống bon chen hối hả để chạy theo những nhu cầu thật có giả có của đời sống, ít khi ta có thời gian dừng lại. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tốc độ của cuộc sống càng ngày càng nhanh, càng vội vã. Buổi sáng có khi phải cầm ly cà phê vừa uống vừa chạy. Ra đường gặp lúc kẹt xe thì phải cố luồn lách để có thể tới sở không bị trễ. Buổi trưa sắp hàng mua thức ăn mất hết nửa thời gian, lại phải ăn vội vã để kịp trở lại làm. Buổi chiều sau khi vật lộn với dòng xe cộ, về đến nhà lại lăn xả vào bếp để lo cho bữa cơm chiều. Cứ như thế ngày này sang ngày nọ không dứt. Hôm nay với “social distancing “ và sự đình chỉ của hầu hết các sinh hoạt cộng đồng như là một biện pháp giảm thiểu sự lây nhiễm, đời sống con người trên toàn thế giới đã chậm lại một cách đáng kể.
Sự sống chậm tuy đã làm xáo trộn đời sống của tất cả mọi người nhưng không phải là không có những mặt tích cực. Rõ rệt nhất là ảnh hưởng trên bầu khí quyển và môi trường. Trước kia nước Mỹ mỗi ngày tiêu thụ hết 19.530.000 thùng dầu thô, Trung Quốc đứng hàng thứ nhì với 11.120.000 thùng, Nhật Bản thứ ba với 4.120.000 thùng. Với sự ngưng hoạt động của đại đa số các hãng hàng không trên thế giới, cùng với sự giảm thiểu tối đa của xe cộ trên đường phố và hoạt động của các hãng xưởng, mỗi ngày ta đã tiết kiệm được bao nhiêu là nhiên liệu, đồng thời cũng giảm thiểu được những khí độc đã làm ô nhiễm không khí đến mức trầm trọng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới nhất là ở Trung Quốc. Trái đất như đang có cơ hội để hồi phục sau một thời gian dài bị bốc lột và lạm dụng. Mẹ Trái Đất đang bệnh và rất cần được tĩnh dưỡng. Nếu bạn được phép ra đường để đi dạo vào buổi sáng sớm trong lúc này, hãy thưởng thức bầu không khí trong lành hiếm có. Bây giờ là đầu mùa Xuân, cây cối như không cần biết đến Covid-19, đang thản nhiên đâm chồi nảy lộc. Chim chóc vẫn vô tư ca hát líu lo trên cành. Đây là lúc ta có thể dừng lại để “smell the flowers”.
Với những người quanh năm tất bật với công việc, đi nghỉ hè có khi còn bận rộn hơn đi làm, thì đây là cơ hội hiếm hoi để có thể thực sự thư giãn. Tất nhiên ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế là điều tất yếu nhưng có lo cũng không làm gì được. Vậy thì hãy lợi dụng thời gian này để vợ chồng con cái có dịp gần gũi và dành thời giờ cho nhau, nhất là những gia đình có con nhỏ.
Hoa Kỳ là xã hội tiêu thụ trong đó mọi người phải ăn uống tiêu xài thật nhiều thì kinh tế mới phát triển, từ đó nảy sinh ra nhiều nhu cầu giả tạo, những thứ xa xỉ không thực sự cần thiết và phí phạm rất nhiều đến tài nguyên thiên nhiên. Chữ tiết kiệm hình như ít khi được dùng đến. Hiện nay với sự bất an đang rình rập và tình hình kinh tế đầy bất trắc, có thể nhiều người cũng đang thực tập tiết kiệm chăng? Ăn chậm và ăn ít giúp ta thưởng thức trọn vẹn những gì ta đang ăn, đồng thời cũng là cơ hội tốt để ta tập sống đơn giản, tri túc thiểu dục. Nói chậm giúp ta thận trọng hơn trong lời nói và lắng nghe nhiều hơn. Thở chậm giúp ta thở sâu hơn và hiệu quả hơn. Đây cũng là thời gian tốt để ta đánh giá lại những giá trị trong đời sống. Vốn liếng một đời dành dụm có thể theo thị trường chứng khoán biến mất trong chớp mắt, chỉ có sức khỏe, mạng sống, và những liên hệ tốt đẹp với người thân chung quanh ta mới là vốn quý nhất. Kinh tế có sụp đổ nhưng còn con người thì còn có cơ hội gầy dựng lại. Covid-19 cũng nhắc nhở ta rằng ăn uống lành mạnh và sống lành mạnh mới là biện pháp tốt nhất để chống lại nó.
Trong lịch sử, loài người đã trải qua nhiều đại dịch, từ Spanish Flu đến SARS, Ebola, H1N1…, và đại dịch nào rồi cũng phải đi qua. Theo luật vô thường thì cả điều tốt nhất cũng như xấu nhất đều không thể tồn tại vĩnh viễn. Hãy xem đại dịch Covid-19 như một tiếng chuông thức tỉnh để ta cùng dừng lại, sống chậm lại, để cho ta và cả trái đất có cơ hội nghỉ ngơi, điều chỉnh và hồi phục.
.
Tâm Tịnh An
(Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/diendan/songchamthoicovid19.htm)