Trần Mộng Lâm
Quốc Hận: Le cordon ombilical.
(Thư gửi cháu gái)
Cháu gái tôi sinh năm 1981 tại Montréal. Cô ta thuộc thế hệ thứ hai, không biết gì nhiều về Việt Nam và cuộc chiến tranh vừa qua. Đã lâu, hai chú cháu không có dịp nói chuyện với nhau, cho nên thực là một ngạc nhiên cho tôi khi chiều hôm qua, 24 tháng tư năm 2015, cháu điện thoại hỏi tôi về ngày 30 tháng tư. Đây là cuộc nói chuyện giữa hai chú cháu tôi.
Cháu nói:
– Thưa chú, có người muốn phỏng vấn cháu về ngày quốc hận, ngày hành trình tới tự do, và về đạo luật S-219. Trước khi trả lời cho cuộc phỏng vấn này, cháu xin chú cho cháu được hỏi rõ về các vấn đề này.
Tôi hỏi lại:
– Cháu muốn biết cái gì??
– Xin chú cho cháu biết tại sao lại có chuyện tranh luận về tên gọi của ngày 30 tháng tư. Tại sao lại nhất quyết phải gọi ngày đó là ngày quốc hận, tại sao lại có sự phản đối của một số người về tên gọi ngày hành trình tới Tự Do, tại sao đạo luật này được Quốc Hội thông qua,tại sao CS VN phản đối đạo luật này, và xin chú cho cháu biết về những hậu quả của đạo luật này đối với tập thể các người tỵ nạn tại Canada.
– Như vậy cháu có 5 câu hỏi phải không, chú sẽ xin trả lời cho cháu, và các người trẻ tuổi Việt Nam từng câu hỏi một, để cho thế hệ thứ hai hiểu rõ ràng hơn về vấn đề này
Câu hỏi thứ nhất là tại sao gọi ngày đó là ngày quốc hận: Khi cháu sinh ra, từ rốn của cháu có một sợi dây nối liền với cái nhau đã từng nuôi dưỡng cháu từ khi còn là những tế bào nguyên thủy. Người ta gọi cái sợi dây này là cordon ombilical. Đây là một thí dụ để cháu hiểu về những người thuộc về thế hệ của cha cháu, của chú và một quốc gia nhỏ bé có tên là Việt Nam Cộng Hòa. Quốc Gia hiền hòa đó mà người ta gọi nôm na là “Miền Nam Việt Nam” đã bị một quốc gia láng giềng là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, gọi nôm na là “Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam” tấn công và bức tử ngày 30 tháng tư năm 1975. Công dân của Miền Nam phần lớn vẫn bị sống đọa dầy tại vùng đất này, trong thân phận người dân bị trị, một thiểu số, trong đó có cha cháu và chú, đã may mắn ra khỏi được Việt Nam, vả ngày nay đang sống, trở thành công dân của các quốc gia tư do như Pháp, Úc, Canada, Mỹ... vân vân. Ngày 30 tháng tư, khi được gọi là ngày quốc hận, ví như một cái cordon ombilical trong tâm tưởng mà mọi công dân của Miền Nam. Dù ở trong hay ngoài nước vẫn giữ để cùng nhau nhớ lại cội nguồn của mình. Cái cordon ombilical trong tâm tưởng đó rất thiêng liêng, đa số không ai muốn cắt đứt nó dù Miền Nam mất dến nay đã là 40 năm. Còn cái cordon ombilical đó, là tập thể các người Miền Nam còn nghĩ tới nhau, dù hiện nay kẻ ở trong, người ở ngoài.
Câu hỏi thứ hai: Tại sao người ta phản đối việc gọi ngày 30 tháng tư là ngày “hành trình tới Tự Do”, thì lý do dễ hiểu là danh xưng này chỉ đúng cho một thiểu số hiện đang sống tại hải ngoại. Dùng danh xưng này, có nghĩa là người ta muốn cắt đứt cái cordon ombilical trong tâm tưởng, là bỏ rơi đa số đang còn sống lầm than trong ngục tù Cộng Sản. Nếu coi như ngày 30 tháng tư là ngày người ta làm một cuộc hành trình tới Tự Do, thì ngày đó phải là một ngày vui đáng nhớ, vì người ra đi đã tìm được một cuộc sống tươi đẹp hơn. Gọi như vậy có thể đúng cho một thiểu số ngày nay sống sung túc tại hải ngoại, mặt mũi phương phi béo tốt, complet, cravate, gặp gỡ các quan chức ngoại quốc, trao đổi với nhau những cái bắt tay, nào biết đâu rằng khi nhìn những cảnh này, người trong nước u sầu, héo hon, lập tức tắt máy ngay, tủi thân, không còn can đảm nhìn thêm. Thật chua xót, thật ngậm ngùi cho đa số đang ở quê nhà.
Câu hỏi thứ ba: việc tại sao Quốc Hội Canada thông qua đạo luật này?? Canada là Canada, đang trong mùa tranh cử. Các người đã bỏ phiếu thuận cần lấy lòng các cử tri. Chú đã ở cái đất nước Canada này gần 40 năm, đã đi bầu quá nhiều lần rồi. Đã thấy người ta hứa lèo, người ta ve vuốt các cử tri quá đáng, vả lại, người Canada chỉ nghĩ đến các công dân của họ, mới cũng như cũ. Họ đâu có thông cảm được ý nghĩa của ngày 30 tháng tư đối với người Việt Miền Nam.Nếu nói Canada có mất nước đâu mà dùng chữ “Quốc Hận” thì cũng có thể hỏi tại sao Canada đã có Tự Do từ lâu mà nay còn phải làm “hành trình tới Tự Do”???? Tất cả chỉ là ngụy biện.
Câu hỏi thứ tư: Tại sao Công Sản phản đối đạo luật này?? Có nhiều lý do, thứ nhất, là CS hiện nay cai trị 90 triệu dân cả Nam lẫn Bắc. 90 triệu người này không có Tự Do nhưng bọn lãnh tụ vẫn rêu rao là họ có Độc Lập. Tự Do, Hạnh Phúc. Dĩ nhiên họ phải phản đối đạo luật này trên lý thuyết, vì không lẽ nhận là họ kìm kẹp để người dân phải ra đi tìm Tự Do. Một lý do khác cũng có thể nêu ra là Việt Cộng trăm mưu ngàn kế. Đạo luật này trong thực tế, đối với chúng chỉ như phủi bụi, nhưng chúng nhân cơ hội này, làm toáng lên để mọi người quên chuyện chống Công Sản Việt Nam và CS Trung Hoa đang toa rập trong việc thôn tính Việt Nam và vụ Biển Đông. Đừng quá ngây thơ để vì việc nhỏ không quan trọng mà quên đi đại sự.
Câu hỏi thứ năm là đạo luật S-219 có gây ra chia rẽ trong Cộng Đồng các người Việt Hải Ngoại hay không, thì chú xin trả lời là có 100%, ngay như chú, từ nay cũng sẽ mất rất nhiều bạn bè, và gây bất hòa ngay cả với các người thân trong gia đình, lúc nào cũng cho rằng chú chống cộng quá khích.
Tóm lại, ngày 30 tháng tư,theo chú, chỉ là cái cordon ombilical trong tâm tưởng nối những người Miền Nam mất nước lại với nhau. Để nguyên, hay cắt đứt cái cordon ombilical trong tâm tưởng, đó là tùy mọi người, tùy giới trẻ của thế hệ các cháu suy nghĩ. Nếu cháu muốn dứt khoát cắt đứt cái cordon đó, thì cũng nên biết rõ một điều, là đạo luật này cùng lắm chỉ liên quan đế vài trăm ngàn người Canadiens gốc Việt, trong khi người VN lên tới gần 90 triệu rồi. Và đúng như lời ông bộ trưởng văn hóa Canada nói, nó liên quan đến “l’histoire de notre pays” (lịch sử của đất nước chúng ta), notre pays dây là Canada, cháu cần suy nghĩ về điểm này. Bạn bè chú thì lúc nào cũng coi đời sống tại Canada dù tốt đẹp cách mấy cũng là tạm bợ. Tâm hồn các chú ngày đêm vẫn muốn viết thêm những trang sử cho Việt Nam (l’histoire du Việt Nam, notre chère Patrie) mà thôi. Trong một tháng, trong một năm, sau những háo hức ban đầu, đạo luật này sẽ trở về vị trí của nó, chỗ của những đạo luật bắt đầu bằng chữ S, và mọi người sẽ quên nó đi, như một chén trà nguội những năm sau này. Đừng coi việc này là quan trọng, đừng cải lương như những kẻ bị kích thích quá độ. Giữ cho cái đầu được lạnh, suy nghĩ cho chín, rồi lấy quyết định. Chú tin vào lòng yêu nước, sự thông minh của cô cháu gái rất thân yêu.
Trần Mộng Lâm