Huy Phương


Những đứa trẻ cởi truồng

 

Hằng năm, mỗi độ trời trở lạnh, người ta lại thấy trên các trang báo chí, qua hằng trăm bức ảnh được chuyển đi cho khắp thế giới, ở Việt Nam, tại các vùng cao nguyên như Sapa, Hà Giang, Mộc Châu, Lạng Sơn Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu… cảnh các em bé cởi truồng chân đất, da tím ngắt, tái tê đứng ngơ ngác giữa những con đường lạnh giá.

Những hình ảnh này đã làm xúc động những người Việt trong nước và cả ở nước ngoài. Hà Nội hay California mới lạnh khoảng 5 độ C (50 độ F) áo quần đầy đủ, chăn ấm nệm êm mà người ta đã than lạnh, ở đây trẻ em trần truồng, không có cái quần để mặc, phơi người ra trong cơn gió lạnh, nghĩ có tội nghiệp không! Những hình ảnh này quả gây ấn tượng cho những du khách người Việt miền xuôi đã tới đây, họ đã ngồi xuống ôm những đứa trẻ này, lau mũi dãi cho chúng, kiếm quần cho chúng mặc.

Không ít những chuyến xe từ thiện vào mùa Đông này, lại tấp nập lên đường, mang thực phẩm, dày dép, quần áo, khăn quàng, mũ nón lên vùng cao mong phần nào xóa bỏ cảnh xót xa là những em bé cởi truồng mà chúng ta thường gặp mỗi khi lên đây.

Một thành viên trong đoàn từ thiện có tên là “Cơm có thịt” đã lên Pa Cheo, Lào Cai, gặp những đứa trẻ cởi truồng, đem theo quần áo mặc cho chúng, cảm thấy hạnh phúc vì nghĩ rằng từ nay, chúng đã có quần ấm để chịu đựng qua mùa đông giá rét. Nhưng năm sau, người kia lại lên nơi này, vẫn thấy những đứa trẻ ấy cởi truồng đứng chơi ngoài đường, trong lòng người hảo tâm kia bỗng nẩy sinh ra một dấu hỏi lớn. Những cái quần kia đã rách, đã mất hay đã đem đổi lấy gạo?

Nhưng cuối cùng, người làm từ thiện xót xa, hiểu ra rằng, ở miền cao này, những đứa trẻ không hề có nhu cầu mặc quần. Chúng thiếu thốn ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, không có sữa, không có cơm ăn, nói chi đến một mảnh vải để che một bộ phận sinh dục chưa phát triển. Đó phải chăng là một điều không cần thiết và thật là vô ích?

Quan niệm cho rằng đem quần cho trẻ em miền cao là “vô ích và vô nghĩa” không sai. Khi chúng quen cởi truồng, tự chúng không thích mặc quần.

Những chiếc quần tự tay anh mặc cho chúng, sẽ bị lột ra ngay sau khi anh rời khỏi nơi này. Chúng cởi truồng, không phải vì chúng không có quần, ở nhà vẫn có vài cái quần máng trên vách hay vứt ở trên sàn.

Cũng như vậy, ngày xưa những đứa trẻ nghèo ở nông thôn có lẽ cũng không biết mặc tã lót (diapper) như những đứa trẻ ở thành thị hay đã lớn lên ở Mỹ ngày nay, vì sự thật là đời sống quá thấp, các bậc cha mẹ không nghĩ ra thêm một nhu cầu tốn kém hay phiền phức là con mình phải cần mang tã. Có gì thì mang chiếc chiếu ra ao, hay gọi con Vàng, con Vện lúc nào cũng túc trực ở đó!

Cách đây 60 năm, ở Việt Nam chúng ta không có nhu cầu cần có một cái TV để trong nhà, cũng chỉ cần có cái quạt khi trời nóng, cái “lồng ấp” hay đốt lửa lên khi trời lạnh. Chúng ta chưa hình dung ra cái máy lạnh, cái máy nóng nó như thế nào, vì lúc ấy chúng ta chưa văn minh, còn thiếu thốn nên… không có nhu cầu. Chính thói quen đó ngày nay có những cụ già sang Mỹ 30 năm rồi nhưng không chịu nằm máy lạnh hay chịu để cho con cái mở máy “heat” trong phòng của mình.

Sự thiếu thốn trở thành thói quen và chúng ta cảm thấy không cần nhu cầu. Một cô giáo trong nước đã nhận định trên VnExpress: Những cảnh “cởi truồng, chân đất, không đánh răng, không tắm giặt, không đến trường… những biểu hiện tối thiểu của nền văn minh nhân loại không hề xuất hiện ở nhiều nơi tôi từng đi qua, trên chính mảnh đất tôi yêu thương gọi là Tổ quốc." (Đỗ Sông Hương)

Câu chuyện hôm nay là: “Trẻ em vùng cao không mặc quần, nên chúng ta từ nay không nên tặng cho chúng quần!” Cũng như vậy, những nhu cầu như quần áo, dày dép, xà phòng, kem đánh răng và cả việc đến trường hoàn toàn không cần thiết. Và vì không cần thiết nên chúng ta không nên quan tâm? Phải giúp những đứa trẻ này làm quen với những nhu cầu tối thiểu của một con người -tôi nói tối thiểu- vì sau này người dân cần có nhu cầu mà nhà lãnh đạo cần mang đến cho họ nữa.

Rõ ràng hôm nay những đứa trẻ vùng cao này không thích mặc quần (tức là thích cởi truồng), thì xã hội phải giải nghĩa và bắt chúng phải mặc quần, cũng như phải bắt chúng mang tả, phải đánh răng, tắm rửa, đi dày dép nếu đất nước có khả năng giúp chúng.

Lãnh đạo với quan niệm “chúng có thích mặc quần đâu mà tặng”, sẽ đưa đến một tương lai “toàn dân toàn là những đứa cởi truồng!” Dân không có nhu cầu muốn tự do đâu mà đem tự do cho họ. Dân thích có nhu cầu thích đè đầu cỡi cổ thì đừng bẻ xiềng, mở khóa cho họ.

Chúng ta không thể chiều theo thị hiếu “không có nhu cầu,” vì thói quen thiếu thốn để cai trị dân, trong khi đó chúng ta đẻ ra những nhu cầu thật quái đản và điên cuồng như xây một tượng đài 1,400 tỷ, hay việc làm hai cái bánh chưng nặng 7 tạ, huy động hơn 20 thanh niên trai tráng, vượt một quãng đường dài, leo hơn 200 bậc thang để lên đỉnh núi, “cung tiến” thây ma Hoàng Thị Loan, thân mẫu “Bác Hồ.”

Cũng như những đứa trẻ quen cởi truồng, ngày xưa dân còn ngu, chưa có thông tin rộng rãi như ngày nay, không biết tự do dân chủ là gì, quyền làm người bị tước đoạt, chính phủ toàn trị, lộng quyền, hô hoán là dân đã có đảng “chỉ đường,” dân không cần những thứ ấy!

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong Đại Hội Đảng lần 12, đã khẳng định trong một cuộc họp báo sáng thứ Hai 10/01/16 tại Hà Nội rằng: “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng!”

Những đứa trẻ vùng cao không có nhu cầu mặc quần cũng như “đảng ta” không có nhu cầu “đa nguyên, đa đảng”. Xin đừng đem quần đến cho chúng cũng như đòi hỏi đa đảng, đa nguyên cho dân.

Những đứa trẻ cởi truồng vùng cao sẽ không thấy xấu hổ khi chúng nhìn nhau, hay cha mẹ chúng nhìn con, vì chúng không có nhu cầu mặc quần. Nhưng là khách qua đường, chúng ta cảm thấy khó chịu và thương xót cho chúng. Cái quần không phải là một vật xa xỉ, nhưng ở truồng là một chuyện lạc hậu, đáng xấu hổ.

Vì sự tiến triển của nhân loại và sự văn minh của đất nước, cho đến một lúc nào đó, chúng ta không thể chấp nhận cho “những đứa trẻ cởi truồng” hiện diện trên đất nước này, dù ở vùng cao hay vùng thấp.

Huy Phương

 


Cái Đình - 2016