Phan Văn Song
Tản Mạn về Tình Yêu Nước :
Nhơn danh Yêu Nước, người công dân phải cầm quyền.
… “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”…
(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan – 1805-1848.)
Chỉ với hai câu trong tuyệt tác Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan đã tả tất cả cái lòng yêu nước, yêu quê hương đất nước. Nhưng tại sao đau lòng khi nhớ nước? Tại sao mỏi miệng khi thương nhà? Phải chăng nữ sĩ muốn nói đến cái tâm trạng của những kẻ sĩ thời bấy giờ bó tay, thất thế trước thời cuộc, phải phục vụ làm tôi cho một chế độ mà không phải do bà và thân thuộc hay người cùng xứ bà chấp thuận? Phải bỏ xứ Bắc Hà vào Nam, tâm trạng “Hoài Lê” là tâm trạng chung của những kẻ sĩ Bắc Hà thời ấy không phục nhà Nguyễn. Hai cặp chữ “Nhớ Nước-Thương Nhà” biểu hiện tình Yêu Nước.
Tâm trạng “Hoài Lê” của kẻ sĩ Bắc Hà thời ấy khác chi, ngày nay kẻ sĩ Sài gòn đang “Hoài Thời Cộng Hòa” vậy!
1/ Yêu Nước:
Cả mấy tháng nay, anh em bạn bè chúng tôi, người Pháp hay người Việt chăm chú lo lắng theo cuộc bầu cử đã xảy ra ở Mỹ, sau đó cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên đại diện liên minh hai phái trung và hữu, cho cuộc bầu cử Pháp vào tháng 05 năm 2017. Cả hai cuộc bầu cử các ứng cử viên đều nhơn danh hai chữ Yêu Nước.
Các đây 40 năm, chúng ta những Người Việt Yêu Nước, tuy phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày, vẫn hy sanh quây quần, cùng nhau bảo vệ phân nửa nước chống độc tài Cộng Sản Đỏ, không một người bỏ xứ ra đi! Độc tài Đỏ, Cộng sản chủ nghĩa cũng nhơn danh Lòng Yêu Nước, xô quân vượt tuyến tràn vào Nam để trùm cái gông cùm Cộng sản vào chúng ta.
Cái lạ lùng là tất cả những tên độc tài Đỏ, hay độc tài Đen, Cộng sản hay Phát Xít Nazi đều tự vỗ ngực xưng là những nhà Ái Quốc! Còn người Dân Chủ chúng ta, mắc cở cái miệng, không dám tuyên bố mình là Nhà Ái Quốc e rằng mình không đủ khả năng Yêu Nước thật sự! Đó là cái nghịch lý lớn!
Nói như vậy, để nói rõ rằng từ ngữ Yêu Nước là một từ ngữ bị nhiều lạm dụng nhứt. Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh thí chốt dân lành, giết hại thương vong bao nhiêu thế hệ thanh niên thanh nữ Việt Nam – thí cả con em miền Bắc đi xâm chiếm đất nước cướp quyền lãnh đạo, thí cả con em miền Nam phải lo bảo vệ quê hương. Nhơn danh Yêu Nước,02 Hồ Chí Minh giết và thủ tiêu bao nhiêu người ái quốc nhân tài. Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận bán đứng, nhuộm đỏ đất nước cho Trung Cộng, hậu duệ các triều đại Hán tộc Bắc phương bành trướng! Bán cả đất đai biên giới, giao cả lãnh hải, thậm chí giao phó bao sanh mạng đồng bào chiến sĩ cho ngoại nhơn Tàu thay mình cầm quân ra trận. Tàu Cộng sử dụng chiến thuật biển người giết bao nhiêu thanh niên Việt Nam chỉ để đánh chiếm một căn cứ không có gì là một tầm vóc chiến lược như Điện Biên Phủ, (chiến thắng Điện Biên Phủ là do hai tướng Tàu điều khiển chứ chẳng phải của Võ Nguyên Giáp). Nhơn danh Yêu Nước, Hồ Chí Minh chấp nhận phá tan đất nước miền Bắc để thắng Mỹ. May mà Mỹ nhơn đạo, chiến tranh hạn chế, có bom nguyên tử nhưng không dùng đến, không đánh các đê điều khi mùa lũ, không đánh bom tàn phá Hà nội (thử so sánh với những cuộc dội bom của Đức xóa sổ thành phố Coventry ở Anh, hay cuộc đánh bom của đồng minh ở Dresden, Đức, hay Mỹ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima Nhật trong Thế Chiến 2!). Vì vậy ngày hôm nay, khi nghe Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nói Yêu Nước, chúng tôi rất sợ! Và chúng ta hãy nhớ những khẩu hiệu định nghĩa Yêu Nước của Cộng sản như “Yêu nước của Cộng sản là Yêu Xã hội Chủ Nghĩa” hay “Trung thành với Nước là Trung với Đảng”. Làm sao chúng ta có thể tin vào lòng Yêu Nước của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Dân Syrie dám chết để đòi Độc lập. Dân Việt Nam ngày xưa do Cộng sản quốc tế xúi, dám chết để Chống Mỹ Cứu Nước. Ngày Nay có ai dám chết để Chống Tàu cứu Nước không ?
Dân Việt Nam có dám liều chết bảo vệ dân chúng và đất nước Việt Nam không?
Riêng chúng tôi, người hải ngoại, nói “Nhớ Nước-Thương Nhà” có lẽ đúng hơn! Nói như vậy chúng tôi không phủi tay, mackeno, mà chúng tôi chỉ làm, khi người Việt Nam, người dân Việt Nam trong nước, nếu thật sự là người Việt Nam Yêu Nước, phải làm! Bé cổ thấp miệng thì cũng phải xuống đường biểu tình đòi Nhà cầm quyền Cộng sản phải lấy trách nhiệm, hoặc đánh Tàu, hoặc giao quyền cho người khác, cho người dân, chúng tôi ngoài nầy chỉ là vũ khí tuyên truyền, là vận động dư luận, vũ khí là kêu gọi bạn bè. Người dân trong nước, xin đừng trông chờ hải ngoại. Người dân trong nước xin đừng mong Mỹ, Nhựt, hay Philippines, hay Nga hay ai đó. Làm được hay không, dám làm không, đó là tùy lòng dạ các bạn trong nước đó thôi!
Với chúng ta ngày nay ở hải ngoại, quê hương là “nhớ nước”. Nhớ nước qua hình ảnh xưa, nhớ nước qua kỷ niệm, nhớ nước qua quá khứ : Sàigòn với con đường Duy Tân cây dài bóng mát, Sàigòn với mùa gió và những cánh trái dầu rơi xoay theo gió, Sàigòn tình tứ khi ngồi trú mưa chờ em với ly cà phê nhỏ giọt và điếu thuốc Capstan thơm tho… và nhiều nữa. Với chúng ta ngày nay ở hải ngoại quê hương là “thương nhà”. Thương nhà là thương những ngày thanh bình tuổi ấu thơ, thời học trò, thời “ô môi” ăn vàng răng,… thời ăn chùm ruột chấm mắm ruốc. Thương nhà là thương cả những ngày “đổ mồ hôi nơi quân trường”, hay thương cả những ngày hành quân truy địch, và thương cả những ngày chiến đấu sống còn quần thảo với Việt Cộng, thương nhà cũng là thương cả những ngày dưỡng thương hay nghỉ phép, cùng em dạo phố…
Chúng ta ngày nay, ở hải ngoại, đấu tranh đòi hỏi tự do, nhơn quyền cho người dân trong nước, đấu tranh đòi hỏi dân chủ, dân quyền phải được trả lại cho người dân trong nước. Chúng ta không chấp nhận Việt Cộng cầm quyền, vì có phải vì họ cầm quyền láo, làm hư hỏng cả một nước, một quốc gia? Hay là chúng ta không được nhìn thấy những cái gì chúng ta mơ thay đổi hoặc chúng ta thấy quá nhiều thay đổi nhưng không giống định nghĩa của chúng ta ? Có lẽ cả hai. Và chúng ta sốt ruột, vì sao người dân trong nước, những người chúng ta mơ giống chúng ta cúi đầu chấp nhận, và giòng đời cứ thế mà trôi, và chẳng chốc 40 năm đã qua.
Và chúng tôi mong, và chúng tôi mơ, chúng tôi thèm có một Việt Nam mới với một cơ chế Nhà nước do những công dân trách nhiệm tạo thành. Những công dân có chủ quyền thật sự, quyền đóng góp vào việc quản trị đất nước. Quyền được quyền đóng góp, quyền được dự và góp phần đóng góp và quyền được gặt hái và hưởng thụ những kết quả thích đáng. Những công dân được nhận thức nắm rõ vai trò công dân của mình: được nhận định đúng và thực thi đúng vai trò mình, khi được dân bầu làm đại diện dân trong vai trò lãnh đạo, cũng như khi chỉ làm người dân bình thường trong vai trò công dân tuân thủ, chấp hành hay đóng góp.
2/ Công dân:
Ngày mai, chúng ta không nói nhơn dân làm chủ, đất nước là của nhơn dân nữa. Chúng ta phải nói Công dân làm chủ, đất nước của Công dân. Quan niệm đầu tiên, là quan niêm “người công dân”. Người Pháp dùng từ citoyen, người Anh-Mỹ dùng từ citizen. Cũng như các từ ngữ có ý niệm tổ chức xã hội, và chánh trị, những ý niệm ấy đều có gốc La Hy (La mã và Hy lạp).
Citoyen hay citizen đều đến từ Cité hay Citi = thành phố. Khi dịch sang việt ngữ là công dân, chúng ta đã “đi tắt”, và chúng ta càng “đi tắt” khi chúng ta áp dụng cho cả một quốc gia. Và từ công dân ngày nay chẳng những được áp dụng tùy trường hợp, tùy quốc gia cho quốc tịch,-nationalité mà còn được hiểu là được hiểu là quốc dân nữa ! Hai quan niệm, nói đúng hơn hai trường phái thường dùng để cấp quốc tịch hoạc hoặc dựa theo thuyết thổ nhưỡng – nơi sanh quán - là jus soli-droit du sol- quốc thổ hoặc đựa theo thuyết huyết thống - do cha hoặc mẹ truyền cho - jus sanguinis-droit du sang-huyết tộc. Hai thuyết nầy dựa theo - một, hoặc thuyết tổ chức thuần túy chánh trị - ca tụng dân tộc huyết thống, ngôn ngữ văn hóa – jus sanguinis, tất cả quốc dân phải cùng một huyết thống, một ngôn ngữ ; hoặc, hai, trái lại, dựa trên sức mạnh sản xuất kinh tế, sức mạnh kinh tế sản xuất một quốc gia do và bằng người sản xuất, người ấy có thể là người di dân, chỉ cần người ấy là người có sanh hoạt kinh tế sản xuất và đóng thuế, tức là có tham dự vào tổ chức kinh tế sản xuất, nghĩa là xã hội, nghĩa là chánh trị, tất cả đếu sanh hoạt trong đất nước của một quốc gia – jus soli, droit du sol!).
Quan niệm định nghĩa công dân ngày nay của thế giới là một quan niệm trung dung dùng cả hai thuyết, tùy thời tùy cảnh, thêm bớt bên nặng bên nhẹ sử dụng cả hai. Cũng cố chánh trị, dùng chủ thuyết tự hào dân tộc, huyết thống, ngôn ngữ để chiếm đất dành dân, dùng thuyết huyết thống-jus sanguinis. Còn củng cố phát triển kinh tế cần tay nghề thợ thuyền sản xuất, dân số đông làm giàu xứ sở dùng thuyết thồ nhưỡng-jus soli.
Công dân-quốc dân, huyết thống và ngôn ngữ là những quan niệm chánh trị có thể dùng làm vũ khí chiến tranh. Thí dụ Anschluss ngày 12 tháng 03 năm1938 nước Áo bởi quân Đức Nazi, vì người Áo dùng Đức ngữ; xâm chiếm Tiệp Khắc bởi quân Đức Nazi ngày 15 tháng 03 năm 1939, để cứu người Tiệp Đức ngữ; và thời nay, Nga chiếm Crimée, và sửa soạn chiếm Ukraine để cứu người Ukraine Nga ngữ. Và ngày mai, Trung Cộng sẽ xâm chiếm Việt Nam để cứu người Việt Hán ngữ !
Và tất cả nhơn danh lòng YÊU NƯỚC.
Để kết luận:
Công dân tạo đất nước, công dân chủ đất nước. Công dân khi lãnh đạo đất nước, công dân khi tuân thủ, chấp hành, đóng góp. Tất cả với một lòng thật sự ái quốc, thật sự yêu nước. Yêu nước là biết nhớ ơn đất nước, yêu nước là đau lòng con quốc quốc khi thấy đất nước lâm nguy, xáo trộn, giặc ngoài biên ải. Yêu nước là thương nhà mỏi miệng đóng góp, tranh đấu cho Nhơn quyền cho Tự do, cho Dân chủ, cho Độc lập, cho Công bằng Bác ái dù phải mỏi miệng cái gia gia.
Mong người Việt Nam yêu nước mau thức tỉnh vì giặc đã ngoài biên ải. Hãy nổi dậy đòi quyền tự chủ để cứu đất nước Việt Nam!
Mong các chiến sĩ Quân đội Nhơn dân, mong các chiến sĩ Hải quân Nhơn dân hãy biết ơn người dân và đất nước nuôi dưỡng phục vụ, hãy lấy tự hào dân tộc cầm súng giữ giang sơn Việt Nam.
Mong kẻ cầm quyền còn tý tự trọng nào, giao trọng trách cho người công dân trách nhiệm. Hôm nay là ngày:
Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín từng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
(Chinh phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm – 1705-1748)
Hồi Nhơn Sơn, Cuối Năm 2016
Phan Văn Song